Không được bỏ đi
……
Có người rửa bụng trong ao rượu, có người bôn ba trong núi sách biển đề. Du Nhậm ngay lập tức phải đối mặt với kỳ thi sau khi trở lại trường, lần này điểm số của cô vẫn đứng đầu lớp. Du Nhậm không mấy vui vẻ là bao, coi đây chỉ là đánh dấu giai đoạn mà thôi. Nhưng cô rất mừng cho người bạn thân Tóc Xoăn, vì Hoài Phong Niên đã có bước nhảy đột phà từ thứ hạng 30 lên đến thứ 5 trong khối khoa học xã hội.
Kể từ khi lên lớp 11, Du Nhậm cảm thấy bản thân dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi sau thời gian siêng năng trước đây, trong khi Hoài Phong Niên thì đang nghiêm túc chăm chỉ học hành. Tóc Xoăn học cả những bài đọc thêm, chỉ là chậm hơn một chút so với trước đây, ôn lại Toán và Tiếng Anh từ năm lớp 10 ngoài giờ học, vốn là người có kiến thức nền khá yếu, Tóc Xoăn bắt đầu cày đề kiểm tra trên diện rộng, cuối cùng đã giải được các bài toán khó.
Tóc Xoăn chưa bao giờ nói với ai về kế hoạch năm cuối của mình, chỉ nói với Du Nhậm khi cả hai đang đi dạo trên sân thể dục rằng: “Du Nhậm, có thể mình sẽ vào đại học muộn hơn cậu một năm.”
Kế hoạch của cô tinh vi đến mức Du Nhậm phải nín thở: lớp 12 cố gắng thi tốt, sau đó học lại tại các trường khai thác học sinh lưu ban tại Bách Châu: “Nếu thi được top 2, tiền thưởng sẽ là 150.000, tiền thưởng top 10 cũng dao động từ 50.000 đến 100.000.” Tóc Xoăn nói cô có thể trì hoãn với độ tuổi của mình, hiện chỉ cần cân nhắc một điều là nên kiếm tiền một năm hay hai năm, hoặc nói cách khác là nên học lại một năm hay hai năm.
Du Nhậm muốn rút lại câu “Hoài Phong Niên vẫn trẻ con lắm”, theo lời của Du Hiểu Mẫn, thì điều mà Hoài Phong Niên đang làm chính là “chuyện nhỏ thì gió thoảng mây bay, chuyện lớn lại láu cá quá thể.” Đương nhiên “láu cá” ở đây là nghĩa tích cực trong trường hợp của Tóc Xoăn.
“Cậu có thể sớm thi vào một trường đại học tốt và ra làm việc sớm để kiếm số tiền này.” Khái niệm về tiền của Du Nhậm vẫn dừng lại ở 600 tệ mỗi tháng được Du Hiểu Mẫn cho và 3.000 tệ được Nhậm Tụng Hồng lì xì.
Tóc Xoăn vén phần tóc xoăn xõa trên trán về sau, già dặn hỏi: “Du Nhậm, chúng ta học khoa học xã hội, việc gì có thể khiến cậu kiếm được 100.000 tệ ngay trong năm đầu tiên tốt nghiệp?”
Du Nhậm chưa từng nghĩ tới, cô chỉ đang cân nhắc về phương diện sở thích giữa các chuyên ngành khác nhau: “Cậu làm thống kê chưa?” Du Nhậm hỏi Hoài Phong Niên.
Hoài Phong Niên nói có rất, rất ít, không như những học sinh khối tự nhiên học chuyên ngành cung không đủ cầu, những học sinh khối xã hội không có nhiều lựa chọn có thể kiếm tiền ngay lập tức. Chưa kể, dự định tương lai của mình là làm giáo viên trong đại học, nên chắc chắn phải học lên thạc sĩ và tiến sĩ. Tại sao muốn làm giáo viên ấy hả? Vì một năm có ba tháng được nghỉ. Tại sao muốn làm giáo viên đại học ấy hả? Mình không thể kém hơn bố mình được đúng chứ?
Tóc Xoăn cũng có áp lực: “Nhưng mẹ mình nói chỉ hỗ trợ học phí đến hết tốt nghiệp đại học, còn lại do mình tự nghĩ cách.” Thế là cô nhắm đến cách đường ngang ngõ tắt này.
“Nếu có 100.000 tệ làm nền, cuộc sống đại học của mình sẽ không cần phải lo nhìn sắc mặt mẹ nữa, bố mình thì tự lo, chẳng quan tâm đ ến ai.” Tóc Xoăn nói cô sẽ không tiêu pha bừa bãi số tiền đó, lên đại học cũng sẽ xin thêm học bổng hỗ trợ và thi học bổng: “Du Nhậm, sau khi nghiên cứu kỹ càng các nội quy, mình chỉ còn cách này.”
Hoài Phong Niên về nhà đón Tết chẳng mấy vui vẻ, bố mẹ vẫn chưa nhìn mặt nhau được mấy phút đã bắt đầu cãi vã, bố cô nói tôi không có tiền, tiền lương của tôi phải để dành trợ cấp và khám bệnh cho hai ông bà. Mẹ cô, Tống Hội Hương, nói vậy thì ly hôn đi, tôi đã nhìn thấu ông qua bao năm tháng gả cho ông, cũng đã chán ngấy phải chịu khổ. Bây giờ Tống Hội Hương không sợ xấu hổ, cùng lắm thì không sống dưới quê nữa. Sau vài ngày chiến tranh lạnh, hai vợ chồng không quan tâm tới bữa cơm tất niên, Tóc Xoăn tự mình nhào bột, lên men và trộn nhân, gói một bữa sủi cảo chỉ mong bố mẹ ngồi xuống ăn uống bình yên.
Nhưng mẹ cô vẫn tức giận, ném lồ ng sủi cảo xuống cầu thang: “Suốt ngày ăn hoành thánh sủi cảo chưa chán à?” Tống Hội Hương đến bước đường cùng lắm mới mở quán hoành thánh, thực ra trong lòng vô cùng ghét việc kinh doanh này. Thi thoảng nghĩ đến cuộc hôn nhân của mình, mẹ của Phong Niên lại cảm thấy oán hận: “Có người phụ nữ nào giống tôi không? Có chồng mà chẳng khác nào chồng chết, chẳng quan tâm chuyện nhà, một cắc tiền cũng không có, cái gì cũng đến lượt tôi trả. Sáng ra tôi dậy lúc 4 giờ sáng, tối đến 11 giờ mới được ngả lưng, tiết kiệm từng đồng đóng tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền nguyên vật liệu, lại còn phải cho con đi học…” Lại bắt đầu than khóc.
Tống Hội Hương quá vất vả, Hoài Phong Niên biết. Nói một cách dễ nghe một chút là vợ của hiệu trưởng, nhưng một hiệu trưởng tại một trường học nông thôn ở cấp cơ sở được đề bạt nhờ công sức thực lực, cũng chỉ tương đương với cấp phó khoa. Làm gì khiến bà được thơm lây?
Nhờ công vất vả của Tống Hội Hương, Hoài Phong Niên ngoan ngoãn giúp mẹ bán hoành thánh và học hỏi những gì có thể bằng cả trái tim. Nhưng một khi đã lệ thuộc vào cô, tất cả thời gian rảnh rỗi của cô đều bị vắt vào lương bì, hoành thánh, bát, đũa và thìa. Cô không có thú vui giải trí, không được hưởng thụ vật chất và càng không có khoảnh khắc giãi bày tâm tình với mẹ. Tống Huệ Hương luôn mang vẻ mặt đau khổ, viết lên đó những ba chìm bảy nổi của một người phụ nữ. Hoài Phong Niên chỉ có thể trốn vào sách vở mới được nghỉ ngơi trong chốc lát, hoặc chỉ khi trốn trong trường mới được thực sự thả lỏng. Vậy, chi tiêu tối thiểu tiền sinh hoạt có là gì, thức khuya học bài có là gì, đề toán khó nhằn có là gì?
Cô 15 tuổi, tuổi Ngọ. Khi còn bé, cô từng có khát vọng hướng về tương lai, muốn hóa thân thành ngựa tự do phi nước đại. Bây giờ Hoài Phong Niên đã nhận ra rõ ràng: “Du Nhậm, mình là sửu.” Điều may mắn nhất ở trường Số 8 đối với cô là được quen Du Nhậm, hai cô gái nương tựa vào nhau, mỗi người đều có nỗi lòng riêng và đều có cách chữa trị riêng.
Thực ra, bố mẹ cô không đánh cô nhiều, trừ một lần lúc nhỏ cô chạy đến trường của bố chơi, lẻn vào phòng thí nghiệm làm vỡ khung xương trong lớp sinh học. Bố xách gót chân cô lên, đánh mông cô rất mạnh, chuyện này qua 5-6 năm sau vẫn bị mẹ thỉnh thoảng nhắc đến, nguyên nhân vì bố cô phải mất nửa tháng lương mới bù lại được khung xương đó.
Đôi vợ chồng xem mắt kết hôn ở với nhau bao nhiêu năm qua vẫn không có tình cảm, chỉ biết tính toán rõ ràng vấn đề tiền bạc. Trò tính toán này không nên chi li, càng chính xác đến từng con số thập phân, lòng căm hận người kia sẽ càng rõ hơn vài phần. Tống Hội Hương càng ngày càng gắt gỏng, càng gắt gỏng càng ồn ào, ồn ào đòi ly hôn đến nơi lại cảm thấy áy náy, nói thôi vậy, tôi sẽ chịu đựng vì con.
“Suy cho cùng, mình cứ như nguồn cơn khiến cha mẹ ngậm đắng nuốt cay, nhận nhục chịu khổ. Nhưng mình đâu có cầu xin được sinh ra.” Khuôn mặt mười lăm tuổi của Hoài Phong Niên mệt ra vẻ héo mòn.
Nghe Hoài Phong Niên kể nhiều chuyện gia đình như vậy, Du Nhậm trầm mặc nằm chống tay sau gáy cùng bạn trên sân thể dục nhìn trời. Trên thế giới này không chỉ có mỗi mình đáng thương, Du Nhậm nghĩ. Trong lòng mỗi người đều có những đường rãnh khác nhau với độ sâu không rõ, im lặng thấu hiểu là sự tôn trọng duy nhất mà Du Nhậm có thể dành cho Hoài Phong Niên. Cuối cùng, Du Nhậm vỗ nhẹ lòng bàn tay Tóc Xoăn: “Đi, tối nay căn tin có món xào, chị đây mời.”
“Á!” Mặt Hoài Phong Niên vừa từ trầm ngâm chợt nhảy về vẻ trẻ con.
Du Nhậm còn gửi cho Viên Liễu cặp sách mới, quần áo và giày mới trong tuần đầu tiên đi học, Viên Huệ Phương vừa nhìn đã biết giá không hề rẻ, luôn miệng nói không thể nhận, lần này không phải do giả vờ khách sáo, mà là thực sự lo lắng – tiền mừng tuổi của đứa trẻ này không nhiều, sao lại tiêu bừa bãi thế này?
Nhưng Du Nhậm, người chưa gặp được Viên Liễu, nói rằng đây là những thứ cô mua riêng cho Tiểu Liễu. Cô bé dùng đồ cẩn thận, tiền này đáng tiêu. Sau đó hỏi, Viên Liễu đâu thưa cô?
Viên Huệ Phương ngập ngừng khó nói về chuyện xấu hổ trong gia đình. Cô bé tóc mái xoăn tít nhà đối diện – Túc Hải – ăn xúc xích nướng chóp chép miệng: “Chị Du Nhậm, Tiểu Liễu về quê rồi! Về ở cùng nhà bố mẹ ruột!”
Cái gì? Du Nhậm nhận ra cô và đứa ba đã bỏ lỡ cuộc gặp gỡ dưới quê.
Viên Huệ Phương khó xử trừng mắt nhìn Túc Hải, cũng sợ Du Nhậm hiểu lầm mình không tốt với con: “Đúng thế, bố cô bé không được khoẻ, một mình cô không chăm sóc cả hai người được, nên chuyển Tiểu Liễu về chỗ bố mẹ ruột của con bé một học kỳ.” Thực ra nếu muốn giải quyết ổn thỏa với Lưu Mậu Tùng thì phải ly hôn – cuối cùng cô đã hạ quyết tâm. Lưu Mậu Tùng không chỉ là thằng ôn dịch, mà còn là một quả bom có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Viên Huệ Phương không sợ những vấn đề như con nuôi sẽ không muốn về nhà nữa sau khi được ở với cha mẹ ruột, vì sổ hộ khẩu, thủ tục nhận con nuôi, v.v… đều đã đầy đủ, vì thế, hai căn nhà cô cất giữ đứng tên Viên Liễu cũng được an toàn.
Những gì cô nói với Du Nhậm về cơ bản đều là sự thật: Lưu Mậu Tùng quả thực sức khỏe không tốt. Sau khi xuất viện, hắn liên tục kêu đau chỗ này đau chỗ kia, nhưng hễ ôm đầu ngồi xuống bàn đánh bài là các triệu chứng lập tức biến mất. Thua hết tiền về đòi Viên Huệ Phương, Viên Huệ Phương nói không có, hắn liền đến đồn cảnh sát kiện hai mẹ con, thấy không hiệu quả, lại về nhà đập phá đồ đạc, gây ầm ĩ làm những khách thuê nhà sợ chết khiếp. Hơn nữa, Lưu Mậu Tùng càng ngày càng tàn nhẫn với Viên Liễu, xuất viện chưa đầy hai tuần mà đã đánh đứa trẻ những bốn, năm trận. Hắn trút giận lên Viên Liễu, và cũng đưa thuốc nhỏ mắt cho Viên Huệ Phương.
Viên Huệ Phương nghĩ, thế này không được, mắt của đứa trẻ đã bị hắn đánh sưng, chỉ suýt chút nữa thôi sẽ bị mù. Nếu hắn tiếp tục phẫn uất, Viên Liễu sẽ không được sống yên ổn. Vì thế, cô bàn bạc với Hồ Mộc Chi, nói rằng gia đình có chuyện, phải mang con đến chỗ Hồ Mộc Chi một học kỳ: “Chị sẽ đưa học phí và chi phí sinh hoạt.” Mẹ nuôi như mẹ ruột, mẹ ruột như làm kinh doanh. Đó là lý do Viên Liễu được gửi về Du Trang.
Đứa trẻ từng bị Viên Huệ Phương bế đi khi đang ngủ say năm năm về trước đến nay đã bảy tuổi, chạy theo sau Viên Huệ Phương và gọi “Mẹ”. Hồ Mộc Chi hiếu kỳ đứng nhìn trước cửa với tâm trạng phức tạp, hôm đó Viên Huệ Phương lau nước mắt trên con đường đá, quay lại trừng mắt nhìn Viên Liễu: “Ở lại ngoan đấy! Xử lý xong chuyện, mẹ sẽ đón con về.”
“Khi nào mẹ đến đón con?” Khuôn mặt quả táo của Tiểu Liễu đầy nước mắt, trong mắt hiện lên vẻ bất an và hoảng sợ.
Viên Huệ Phương nói một học kỳ, con nhớ nghe lời chú và dì ở nhà. Viên Huệ Phương và Hồ Mộc Chi đã thống nhất với nhau, Viên Liễu gọi Hồ Mộc Chi là “dì” để tránh không để đứa trẻ bối rối khi về nhà.
Viên Huệ Phương hạ quyết tâm quay đầu đi, tiếp tục bước trên con đường đá, Viên Liễu vẫn theo sau kéo áo cô: “Mẹ, mẹ không cần con nữa à?”
“Nói vớ vẩn gì đấy?!” Viên Huệ Phương dở khóc dở cười: “Sao mẹ lại không cần con nữa? Không cần con nữa mà cho con đứng tên hai căn nhà?”
Lúc này đứa trẻ mới cười, che miệng nhỏ xinh lại: “Con không nói.”
“Như thế mới đúng.” Viên Huệ Phương nói hàng tháng sẽ đến thăm Viên Liễu, chỉ khi ấy đứa trẻ mới yên tâm để cô về Bách Châu.
Chỉ là Viên Huệ Phương không ngờ rằng cô bé trước mặt lại nổi giận: “Cô thật vô trách nhiệm, cô đã nhận nuôi Tiểu Liễu, cô không thể bỏ rơi đứa bé, vĩnh viễn không được! Bố cô bé hay đánh con, chị ruột của Tiểu Liễu vì bị đánh điếc nên mới chết.”
Du Nhậm giận dữ đỏ cả mặt, lấy hơi lên xuống mấy hồi: “Vì sao cháu lại tốt với đứa ba? Vì cháu từng tận mắt chứng kiến bố cô bé đánh chị gái Du Quyên đến nỗi bị điếc! Cháu bế đứa ba từ nhỏ đến lúc hai tuổi! Cháu tận mắt thấy cô ôm đứa ba rời khỏi nhà Du Quyên!” Trước khi đi, Du Nhậm quay lại lấy đồ đạc: “Cháu đi đưa cho đứa ba!”
Du Nhậm sôi máu, sao những người được gọi là “người lớn” này lại có thể ném đi ném lại đứa trẻ con đi như một món đồ vật? Sao có thể coi trẻ con như con rối gỗ mà kiểm soát cảm xúc của chúng? Sao có thể la hét, đánh nhau không kiêng nể gì trước mặt trẻ con, lại còn cho rằng trẻ con không biết bị điếc bị mù là gì?
Du Nhậm tức giận rời đi, Viên Huệ Phương ngơ ngác nhìn bóng lưng Du Nhậm: “Cứ hỏi tạo sao lại tốt với Tiểu Liễu như vậy? Đúng thế, cô bé ấy cũng mang họ Du! Thảo nào nhìn quen thế.”
Chủ nhật tuần này Du Nhậm không về nhà, khi cô bắt hai chuyến xe khách đường ngắn về đến Du Trang đã là chập tối. Cơn giận trong lòng vẫn chưa nguôi ngoai trên cả chặng đường, vừa thấy thương đứa ba, vừa lo lắng đứa ba sẽ bị bắt nạt. Cô phải đến ôm Viên Liễu, phải nói với Viên Liễu rằng chị sẽ không bỏ rơi em.
Du Nhậm đập cửa nhà Du Khai Minh: “Du Cẩm? Du Cẩm có nhà không?”
Đập được một lúc, Du Cẩm mới rụt rè hé cửa, thấy đó là Du Nhậm, Du Cẩm ngạc nhiên: “Du Nhậm? Sao giờ này chị lại về đây?”
Du Nhậm chen vào, nhìn trong sân nhà Du Khai Minh, không có thay đổi gì lớn, chỉ là không còn Du Quyên, thay vào đó là một cậu bé nghịch ngợm đang bắn súng nước trong sân vườn. Dòng nước trong ống súng b ắn ra theo từng tia, bắn vào cổ Viên Liễu trong góc tường giữa mùa rét tháng Ba.
Khi Viên Liễu nghiêng người muốn chặn nước, cô bé nhìn thấy Du Nhậm, đột nhiên đứng thẳng dậy, sửng sốt, mặt vẫn bị tia nước bắn tung tóe, Viên Liễu không quan tâm, đôi mi nhỏ của cô chớp chớp, chạy về phía Du Nhậm với dòng nước mắt lăn dài.
“Chị Du Nhậm!” Du Nhậm lại bị Viên Liễu ôm chân.
“Chị tới thăm Tiểu Liễu.” Du Nhậm đặt đồ trong tay xuống, bế cô bé lên, lau nước trên mặt cô bé: “Em sợ không?”
Viên Liễu sợ, đứa em trai ở nhà quá nghịch ngợm, mới đến chưa đầy một ngày đã bị thằng bé xé nửa số sách ngữ văn, lại còn thích đánh người bằng súng nước. Buổi tối, Viên Liễu và Du Cẩm chen chúc ngủ trên một chiếc giường nhỏ, Viên Liễu muốn nói chuyện, nhưng Du Cẩm quay mặt đi, không để ý đến cô.
Người đàn ông trong nhà thì cả ngày không nói gì, mặt mày u ám, chân cẳng của dì không tốt nhưng rất khỏe mạnh, dì kéo cô lại chỉ bằng một tay, hỏi với nụ cười giả tạo mang chút hung dữ: “Còn nhớ nơi này không?”
Bây giờ không còn sợ nữa. Viên Liễu dựa vào vai Du Nhậm, giống như con thuyền cập bến an toàn trong mưa giông bão bùng.
“Ha ha!” Có hai tia nước lại phun vào mắt Viên Liễu, cô bé nheo mắt lau đi. Du Nhậm nhìn đứa trẻ, nghĩ đến người chị cả mà đứa bé không hề hay biết, và cả đứa ba bị buộc phải cho đi. Tức giận, Du Nhậm đẩy ngã thằng bé chỉ bằng một tay: “Cư xử ngoan ngoãn đi! Không được bắt nạt đứa ba!”
……