Khi đến nơi, trời đã rạng sáng, chạy suốt đêm trong mưa, chiếc xe cuốn theo bùn lầy, nhìn rất nhếch nhác.
Hôm qua ở huyện Bình An trời không mưa.
Sau khi sương mù buổi sáng tan đi, những tia nắng sớm ló dạng, sự ấm áp tản ra trong không khí.
Trần Kiêu trực tiếp đến bệnh viện, gặp ba Trần đang ở phòng bệnh, mẹ cô còn đang ngủ, nhìn thấy mẹ bình an vô sự thì trong lòng thoáng thả lỏng.
Cô mệt mỏi xoa xoa lông mày, sau đó nghe ba Trần kể lại lý do của chuyện này. Do ngày Tết tăng cân, mẹ cô quyết định nhịn ăn. Mẹ Trần nghe nói buổi tối không ăn, leo cầu thang lên xuống sẽ giảm cân vì vậy học theo, ai ngờ mới được một tuần bà đã không chịu nổi, ngất xỉu vì đói, trượt chân té ngã. Ba cô chờ mãi không thấy vợ về, đi xuống kiểm tra thì thấy bà đang nằm hôn mê ở cầu thang. Ông sợ hãi gọi xe cấp cứu, sau đó gọi cho con gái báo tin.
Sau khi đến bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy mọi thứ đều ổn ngoại trừ xương chân bị gãy, có lẽ bà phải nằm viện hơn nửa tháng mới được xuất viện.
Nghe vậy, Trần Kiêu không khỏi đau đầu, nhìn mẹ Trần đang nằm trên giường bệnh, khẽ than: “Sao mẹ lại làm chuyện trẻ con như vậy chứ?”
Ba Trần cũng bất đắc dĩ, biết Trần Kiêu ngồi xe cả đêm rất mệt nên bảo cô về nhà ngủ một giấc.
Trần Kiêu đang định từ chối thì chợt nhớ đến Trịnh Thanh Sơn đã lái xe suốt đêm, cô nghẹn ngào gật đầu: “Được rồi, khi mẹ dậy thì nhắn tin cho con, tối nay con sẽ mang đồ ăn vào.”
“Được, được.” Ba Trần đồng ý, đứng dậy tiễn Trần Kiêu.
Ông lúng túng đứng dậy, hai mắt thâm quầng.
Trần Kiêu đi được hai bước rồi quay lại hỏi: “Ba, còn chuyện gì nữa không?”
Ba Trần mím môi, nói: “Bệnh viện nói có một số khoản yêu cầu thanh toán trực tuyến, ba không có cách nào…”
Trần Kiêu giật mình.
Trong lòng có chút chua xót, cô nhịn xuống, gật đầu: “Được rồi, con hiểu rồi. Con sẽ hỏi bác sĩ và thanh toán viện phí trước, ba đừng lo lắng.”
Ba Trần thở phào nhẹ nhõm, vội vàng gật đầu, song dường như lại nhớ ra điều gì đó, “Kiêu Kiêu, con có đủ tiền không? Hiện giờ con đang khởi nghiệp, sợ là không dư dả…” Vừa nói, ông vừa lấy ra một xấp tiền mặt từ trong túi quần.
“Không cần đâu ạ, quý trước doanh số rất tốt, quý này số liệu cũng rất khả quan, một chút tiền viện phí này con có thể lo được.”
Ba Trần chậm rãi lấy lại tiền, gật đầu: “Thời đại này mọi thứ đều bắt thanh toán trực tuyến, người lớn tuổi như ba cũng khó khăn theo kịp.”
Ba Trần lại ngồi xuống, vẻ mặt có chút mệt mỏi.
Trần Kiêu ra khỏi phòng, lúc này điện thoại cô rung lên hai lần, cô tưởng là Trịnh Thanh Sơn, nhưng lại là của ba Trần.
Ba cô gửi cho cô 2.000 tệ qua Wechat
Trần Kiêu quay đầu nhìn xung quanh, có thể nhìn thấy ánh sáng trong phòng bệnh, an tĩnh và sạch sẽ. Rốt cuộc, cô không vào nữa mà quay lại tìm Trịnh Thanh Sơn.
Lúc này, trong bệnh viện huyện đã có rất nhiều người đi lại trên hành lang của khoa nội trú, có người dậy sớm mang theo chậu rửa mặt và cốc nước súc miệng, cũng có người đang loay hoay tìm nhà vệ sinh.
Trần Kiêu tìm thấy Trịnh Thanh Sơn đang ngồi trên ghế ở hành lang cách đó không xa.
Anh tựa lưng vào chiếc ghế đá lạnh lẽo, nhắm mắt như đang ngủ, hai tay đặt giữa hai ch@n, đôi chân dài co lại. Vì anh cao nên chiếc ghế có vẻ vô cùng chật chội. Chắc là anh buồn ngủ lắm rồi, Trần Kiêu bước tới nhẹ nhàng gọi “Trịnh Thanh Sơn”, anh không cử động, nhưng lông mày hơi nhăn lại, có lẽ là vì ngủ tư thế này không thoải mái.
Trần Kiêu không cố gọi anh nữa.
Cô ngồi cạnh anh, khẽ thở ra một hơi, mở điện thoại thanh toán viện phí cho mẹ Trần.
Trong bệnh viện có đủ loại thành phần, người đến người đi vội vàng. Trần Kiêu cũng đã thức suốt đêm, tiếng động và tiếng trò chuyện bên tai cô có chút không rõ ràng, cô liếc nhìn Trịnh Thanh Sơn, chỉ nhìn thấy được nửa khuôn mặt của anh.
Khoảnh khắc này, anh là điều chân thật duy nhất ở bên cạnh cô.
Nỗi khó chịu và áp lực từ đêm qua bắt đầu bùng nổ, cô lén lau khoé mắt, không ngờ ở tuổi này vẫn còn rơi nước mắt ở chỗ đông người.
Cô nhẹ nhàng tựa đầu vào vai Trịnh Thanh Sơn, nhắm mắt lại.
Trần Kiêu chưa bao giờ thích khóc.
Vẫn nhớ trước kỳ thi tuyển sinh đại học, các học sinh cuối cấp trong trường đã bắt đầu nghĩ tới tương lai, đâu đó có người rơi nước mắt.
Chỉ có Trần Kiêu tâm trạng vẫn bình ổn, tiếp tục lặng lẽ ôn bài.
Để xoa dịu nỗi buồn về cuộc chia ly sắp tới, hầu hết học sinh sẽ mua một cuốn sổ thật đẹp, sau đó chuyền tay nhau ghi lại lời chúc phúc lên đó.
Mỗi lần Trần Kiêu tan trường đều thấy siêu thị nhỏ đông đúc học sinh, ai cũng cố gắng mua được một cuốn lưu bút tinh xảo.
Trần Kiêu đứng đối diện siêu thị nhìn thấy các bạn cùng lớp đi mua theo nhóm vào bên trong. Cô cúi đầu, rốt cuộc cũng không mua lưu bút, chậm rãi đi về nhà trong ánh nắng chiều.
Trong những ngày cuối cùng trước kỳ thi tuyển sinh đại học, học sinh cuối cấp bắt đầu hào hứng việc viết lưu bút. Thỉnh thoảng, khi ngẩng mặt lên từ cuốn sách ôn thi, Trần Kiêu lại lơ đãng nhìn thấy Trịnh Thanh Sơn.
Tính tình anh rất ôn hoà, lại thường giúp đỡ các bạn học, vì vậy rất nhiều bạn học đưa lưu bút nhờ anh viết.
Cô còn đang suy nghĩ thì Ninh Tưởng đã bước tới, đưa sổ tay cho Trịnh Thanh Sơn.
Trịnh Thanh Sơn mỉm cười nhận lấy, Ninh Tưởng vẫn đứng yên tại chỗ, Trịnh Thanh Sơn cúi đầu, một lúc lâu sau mới ngẩng đầu lên hỏi: “Sao vậy?”
Ninh Tưởng c ắn môi dưới, chưa kịp nói chuyện thì Lưu Ly Ly, bạn cùng bàn của Trịnh Thanh Sơn đã cười lớn, nói: “Còn làm gì nữa? Muốn được đãi ngộ đặc biệt, chờ cậu viết luôn tại chỗ cho cậu ấy.”
Ninh Tưởng trừng mắt nhìn Lưu Ly Ly, “Những người đó sao giống với tôi được? Thanh Sơn và tôi là bạn bè đã nhiều năm rồi, những cuốn sổ kia đều từ bạn học bên lớp khác muốn thông tin liên lạc của cậu ấy thôi.”
Mí mắt Trịnh Thanh Sơn hơi rũ xuống, khiến nụ cười nơi khóe miệng có chút lạnh lùng. Anh không để ý đến cuộc cãi vã giữa Ninh Tưởng và Lưu Ly Ly, đặt sổ của Ninh Tưởng lên bàn mà không nói gì.
Trần Kiêu ngày hôm đó cũng đợi rất lâu nhưng vẫn không thấy bạn học nào nhờ viết lưu bút, như thể cô không hề tồn tại trong lớp.
Trần Kiêu nhìn khung cảnh ngoài cửa sổ, cô cảm thấy lúc này mình có thể nhớ đến mây trời, cũng có thể nhớ bóng lưng của anh, điều đó còn ý nghĩa hơn tất cả những sổ lưu bút của các bạn cùng lớp.
Đến ngày thứ hai, toàn bộ lưu bút trên bàn Trịnh Thanh Sơn đều được dọn dẹp hoàn toàn, trên bàn trống rỗng.
Trần Kiêu tuy tò mò nhưng chưa bao giờ tìm hỏi chuyện gì đã xảy ra. Mãi cho đến khi cô tình cơ nghe Diệp Thải nói, sau giờ học, Trịnh Thanh Sơn đã trả lại sổ tay cho tất cả các bạn học, không viết cho ai một dòng nào.
Trần Kiêu cung không thấy kỳ lạ, cảm thấy đó mới là tính cách thật của Trịnh Thanh Sơn.
Hôm đó, Diệp Thải đã bắt đầu gửi đi cuốn lưu bút thứ hai, chợt nhớ tới Trần Kiêu ngồi ở bàn sau, ngạc nhiên quay lại hỏi: “Trần Kiêu, cậu chưa viết lưu bút cho tôi đúng không?”
Trần Kiêu ngưng viết, khẽ lắc đầu.
“Cậu ngồi lặng lẽ ở chỗ này một mình, không thích nói chuyện với ai nên cũng dễ bị bỏ qua.”
Trần Kiêu ngẩng đầu liếc nhìn: “Ừ, tôi biết.”
“Cuốn sổ này tôi viết xong rồi, ngày mai tôi sẽ mua một cuốn mới. Cuốn đó chỉ dành cho một mình cậu viết.”
Trần Kiêu tuy không quan tâm đ ến những chuyện như này, nhưng vì lời nói của Diệp Thải, trong lòng cô cũng khó tránh khỏi hưng phấn.
Cô nhìn Diệp Thải, gật đầu.
Sau khi đi học về, ba Trần cũng hỏi cô chuyện viết lưu bút, nói rằng sau này ra trường, khi đọc lại sẽ cảm thấy nhiều kỷ niệm đẹp. Nếu Trần Kiêu thích, cứ nói ba Trần đưa tiền cho cô mua một cuốn sổ thật đẹp.
Trần Kiêu ngập ngừng không nói. Cô không bao giờ thích hỏi xin bố mẹ bất cứ điều gì.
Ba Trần dường như đã nhìn thấu cô, lấy trong túi ra hơn mười tệ, dặn Trần Kiêu mua một cuốn sổ tay, dù sao sau khi tốt nghiệp có lẽ sẽ khó gặp lại nhau.
Trần Kiêu nhận số tiền bố mẹ cho.
Hôm sau, cô mua một cuốn sổ, rồi đưa cho Diệp Thải.
Tuy nhiên, ngày hôm đó, Trần Kiêu không nhận được lưu bút của Diệp Thải. Diệp Thải dường như đã hoàn toàn quên mất chuyện đó, chỉ bận tán gẫu với những người khác.
Trần Kiêu tranh thủ giờ nghỉ trưa hỏi Diệp Thải chuyện này, Diệp Thải chợt nhận ra, hứa ngày mai sẽ làm, Trần Kiêu cũng không nói nữa.
Nhiều ngày trôi qua, Trần Kiêu đợi rất lâu nhưng vẫn không nhận được một cuốn sổ nào từ bạn học.
Diệp Thải cũng quên mất.
Trần Kiêu im lặng nhìn bàn học của các bạn trong lớp, mắt cay cay.
Cô muốn vứt cuốn lưu bút mình đã mua, nhưng nghĩ đến nụ cười trên khuôn mặt bố mẹ khi họ đưa tiền cho cô, cô lại không nỡ. Không phải cô không có gì, ít nhất cô cũng nhận được sự chúc phúc và kỳ vọng của cha mẹ, cũng như mây trời ngoài cửa sổ lớp học.
Có lẽ vì một chút can đảm cuối cùng, Trần Kiêu đã đặt sổ tay của mình lên bàn của Trịnh Thanh Sơn.
Cả ngày hôm đó cô không dám nhìn anh.
May mắn thay, khi thấy sổ tay không có tên trên bàn, Trịnh Thanh Sơn chỉ ngạc nhiên một lúc rồi đặt sang một bên với vẻ mặt bình thường.
Buổi tối sau giờ học, Trần Kiêu thu dọn ra về.
Cô ngẩng đầu nhìn về phía bàn của Trịnh Thanh Sơn, thấy cuốn sổ của mình nằm lặng lẽ trên bàn. Khi xung quanh không có ai, cô bước tới, không dám nhìn nhiều, vội vàng lấy cuốn sổ đi.
Mãi cho đến khi trở về nhà, cô mới dám mở ra xem. Trang đầu tiên có vài chữ. Những ký tự đen trên tờ giấy trắng xuyên qua mặt sau của tờ giấy, Trần Kiêu vẫn có thể hình dung ra cổ tay trắng trẻo lạnh lùng của anh cầm bút lướt trên trang giấy.
Dòng lưu bút duy nhất cô nhận được thời học sinh:
“Nguyện như thiên nga, chiêu nhật nguyệt ý chí.”
– –Trịnh Thanh Sơn, ngày 27 tháng 5 năm 2009.