Tất nhiên Trần Kiêu biết rằng, khi Trịnh Thanh Sơn viết lời chúc này, anh nhất định không biết cô là ai. Có lẽ anh ấy chỉ đồng cảm với cuốn lưu bút trống trơn kia, như một vật bị vứt bỏ, vì vậy hạ bút viết vài dòng.
Trần Kiêu không còn nhớ được cảm xúc của mình khi nhìn thấy dòng chữ này. Hoặc có thể nói, tâm trạng cô lúc đó chỉ tóm gọn trong hai chữ: hỗn loạn.
Thực ra, chính vì câu nói này mà Trần Kiêu đã kiên quyết chọn khoa mỹ thuật của đại học Lăng Thành, cô giành quãng thời gian nghỉ hè để học thêm môn hội họa, cuối cùng thành công được nhận vào học.
“Nguyện như thiên nga, chiêu nhật nguyệt ý chí.”
Cô nên đi trên con đường mà cô yêu thích.
Cho đến khi gặp Phó Thừa Vũ, con đường của cô bị chia cắt và trở nên quanh co.
Trần Kiêu thừa nhận tính cách của cô trước đây không vững vàng như bây giờ,bị tác động bởi sự quan tâm của chồng cũ, cuối cùng từ bỏ con đường mình đã đi để giúp đỡ anh ta.
May mắn thay, con đường này không dài.
Cô gặp lại Trịnh Thanh Sơn ở cuối con đường, sau khi tan sương mù, cô bước ra khỏi ngõ cụt, nhìn thấy dáng đứng thẳng tắp của Trịnh Thanh Sơn, cũng nhìn thấy ánh sáng ở phía trước.
Trần Kiêu không khỏi hét lớn: “Trịnh Thanh Sơn.”
Cô chợt mở mắt ra, thì ra là đang nằm mơ.
“Sao vậy?” Giọng nói hơi khàn khàn của Trịnh Thanh Sơn vang lên trên đầu cô, “Em gặp ác mộng à?”
Đôi mày thanh tú của Trần Kiêu nhíu lại, đầu óc cô vẫn đầy sương mù và có chút hỗn loạn.
Cô nhấc đầu ra khỏi vai Trịnh Thanh Sơn, thản nhiên vuốt tóc rồi đáp: “Không phải ác mộng.”
Cô vừa nói xong đã tỉnh táo lại, quay đầu nhìn anh: “Em đánh thức anh à?”
Trịnh Thanh Sơn đưa tay lên cổ, chậm rãi vặn nhẹ. Xem ra anh ngủ không thoải mái, lại còn bị cô đánh thức.
Trần Kiêu cảm kích, nói xin lỗi rồi mời anh đến một nhà hàng bên ngoài bệnh viện ăn nhẹ.
Cả hai đều không ăn nhiều.
Đối diện nhà hàng là bệnh viện, trong bệnh viện luôn có một bầu không khí lạnh lẽo, giống như mùi nước sát trùng và thuốc đã ngấm vào tận xương tủy, cộng với tiếng xe cấp cứu ầm ĩ trong bệnh viện, làm thức ăn ngon cũng trở nên không có mùi vị.
Trên đường từ bệnh viện về, Trịnh Thanh Sơn hỏi cô: “Buổi tối em định mang cơm vào cho chú dì à? Có cần đi chợ mua thực phẩm không?”
Trần Kiêu thở dài, nhẹ nhàng lắc đầu: “Không cần, tủ lạnh nhà mẹ em luôn đầy thức ăn.”
Trịnh Thanh Sơn không nhắc đến việc đi chợ nữa.
Anh lái xe, nhìn cô vài lần: “Được.”
Huyện Bình An không lớn, nhưng Trần Kiêu và Trịnh Thanh Sơn đã hơn nửa năm chưa về, hai bên đường đầy những công trình đang xây dựng. Cuối cùng, Trịnh Thanh Sơn đành chịu thua, phải mở định vị mới đưa cô về tới nhà.
Nơi Trần Kiêu sinh sống là khu tái định cư, không có chỗ để xe, ô tô của anh chỉ có thể đậu bên lề đường. Trịnh Thanh Sơn và Trần Kiêu đi vào tiểu khu, cũng thu hút rất nhiều ánh nhìn của hàng xóm. Nhà họ Trần được nhiều người yêu quý, nghe tin mẹ cô phải nhập viện, lần lượt mọi nguời kéo đến hỏi thăm.
Trịnh Thanh Sơn thực sự quá mệt mỏi. Về đến nhà, anh chỉ vừa ngả lưng là đã ngủ thiếp đi, bình thường anh ngủ rất yên tĩnh, nhưng bây giờ ở gần, cô vẫn nghe thấy tiếng anh ngáy khe khẽ.
Trần Kiêu dở khóc dở cười. Cô nhìn Trịnh Thanh Sơn đang cau mày, khẽ nói: “Trịnh Thanh Sơn, cảm ơn anh.”
Tất nhiên, Trịnh Thanh Sơn không đáp lại cô.
Trần Kiêu mở điện thoại, Tiểu Nguyên đã gửi mấy tin nhắn thoại hỏi thăm vết thương của mẹ Trần. Trần Kiêu gõ mấy chữ liền xóa đi. Cô vẫn có chút lo lắng về bộ sưu tập “Hoang Dã.”
Tiểu Nguyên vội vàng nhấc máy, hỏi: “Chị, dì có sao không? Sáng nay em mới nhận được tin nhắn của chị.”
“Không sao.” Trần Kiêu ngồi xuống chiếc ghế ngoài ban công: “Đừng lo, mẹ chị không sao.”
Trần Kiêu kể nguyên do mẹ Trần té ngã. Tiểu Nguyên thở dài nhẹ nhõm, gửi cho cô mấy bài viết hướng dẫn nấu canh cho người bị gãy xương mà cô sưu tầm được trên mạng.
“Em có ở studio không?”
“Vâng.” Tiểu Nguyên đáp: “Lô hàng thứ hai đã hoàn thành rồi, chiều nay em qua nhận hàng, sẽ bắt đầu giới thiệu trên mạng xã hội.”
“Ừ.” Trần Kiêu cụp mắt, dưới mắt có vài quầng thâm, bình tĩnh nói: “Em ra khỏi studio đi dạo một chút đi, chị có chuyện muốn nói riêng với em.”
Tiểu Nguyên lập tức nói với nhân viên, rời khỏi studio, đi xuống tầng dưới. Tiếng nhạc từ quán cà phê dưới nhà vang lên qua điện thoại của Tiểu Nguyên.
“Chị cảm thấy nghi ngờ việc nhà máy chậm trễ xuất xưởng.”
Tiểu Nguyên không khỏi hạ giọng: “Ý chị là, nhà máy cố tình trì hoãn?”
“Chúng ta mới bước vào ngành này chưa lâu, cũng chỉ hợp tác với ông chủ Triệu một lần, trước đó không có vấn đề gì.” Trần Kiêu thở dài: “Vốn dĩ chị muốn đợi ông chủ Triệu về để hỏi cho rõ, ai ngờ bên nhà lại xảy ra chuyện.”
“Chị, em hiểu rồi.” Tiểu Nguyên lập tức nói: “Chuyện này giao cho em, chuyện nhỏ này em vẫn có thể xử lý gọn gàng.”
“Cảm ơn em, Tiểu Nguyên.”
Tiểu Nguyên cười lớn: “Chị, sao lại khách khí như vậy? Chúng ta có quan hệ gì chứ? Chúng ta còn thân thiết hơn chị em ruột.”
Trần Kiêu không khỏi mỉm cười.
“Chị…” Tiểu Nguyên còn muốn nói thêm gì nữa, nhưng vừa nói ra đã kìm lại.
Trần Kiêu “Hả? Có chuyện gì thế? Có chuyện gì muốn nói à?”
Tiểu Nguyên lại hỏi: “Chị, nếu ở nhà máy không có vấn đề gì thì sao?”
Trần Kiêu giật mình.
Cô mím môi, ấn tay vào giữa lông mày, bình tĩnh trả lời: “Nếu trong nhà máy không có vấn đề gì thì vấn đề sẽ ở chính studio của mình.”
Đây cũng chính là lý do Trần Kiêu yêu cầu Tiểu Nguyên không để nhân viên studio nghe được cuộc đối thoại này.
Tiểu Nguyên nghẹn ngào nói: “Em hiểu rồi, chị cứ yên tâm chăm sóc dì Trần, chuyện này giao cho em.”
Studio được Trần Kiêu và Tiểu Nguyên chăm chút từ rất lâu, mỗi nhân viên trong đó đều do họ đích thân lựa chọn. Cả cô và Tiểu Nguyên đều không muốn nghi ngờ nhân viên của mình, chỉ hy vọng rằng đây là do cô lo xa.
Trần Kiêu thở dài cúp điện thoại.
Buổi tối cô phải mang cơm vào cho bố mẹ. Mẹ Trần vừa mới hôn mê, nên ăn gì đó nhẹ nhàng là tốt nhất, cô mở tủ lạnh ra, thấy một hàng nguyên liệu phong phú, cô mang hạt kê đi ngâm, chuẩn bị nấu cháo.
Cô nhớ trước đây Trịnh Thanh Sơn từng nấu cháo kê cho cô, cháo đặc và rất thơm, nhưng cô không biết nấu như thế nào để có được hương vị như vậy. Ngâm gạo xong, cô trở lại chiếc ghế nhỏ ngoài ban công, nhắm mắt ngủ một lát.
Nơi mặt trời chiếu sáng, mùi lá cây tan vào không khí, đây chính là hương vị của huyện Bình An trong ký ức của Trần Kiêu.
Cô ngủ thiếp đi, không biết mình đã ngủ bao lâu, đầu nặng trĩu, tuy ý thức đã tỉnh nhưng mí mắt vẫn không nhấc lên được. Mãi đến khi ngửi thấy mùi cháo kê, cô mới chợt giật mình, còn tưởng cái nồi ở nhà có thể tự nấu cháo.
Một lúc sau cô mới nhớ ra trong nhà còn có Trịnh Thanh Sơn.
Trần Kiêu từ trên ghế đi xuống, khoác một chiếc khăn lụa rất mỏng, chắc là Trịnh Thanh Sơn đã đắp cho cô vì sợ cô ngủ quên ở ngoài sẽ nhiễm lạnh. Vừa lúc ba Trần gửi cho cô một đoạn video, báo tin mẹ Trần đã tỉnh.
Trần Kiêu mỉm cười, vội chạy vào tìm Trịnh Thanh Sơn. Từ đêm qua đến giờ anh đã giúp cô rất nhiều, giờ cô lại cảm thấy rất áy náy khi anh còn phải nấu ăn cho mẹ Trần giúp cô.
Trịnh Thanh Sơn đang bận rộn trong bếp, hương vị của cháo kê nồng đậm.
Trịnh Thanh Sơn đóng nắp nồi lại, mỉm cười khi nhìn thấy cô: “Em ngủ ngon không? Vốn định nấu cháo xong mới gọi em.”
Anh đang rửa tay, tiếng nước hoà vào giọng nói.
Trần Kiêu lấy khăn giấy trên bàn rồi đi vào bếp. Cô đi về phía Trịnh Thanh Sơn: “Sao không đánh thức em dậy, em rất muốn học kỹ năng nấu nướng của Trịnh tiên sinh đấy.”
Trịnh Thanh Sơn thản nhiên vẩy nước trong tay, những giọt nước lấp lánh như những giọt pha lê, quay đầu tìm khăn giấy lau tay, nói với Trần Kiêu: “Việc trong bếp không cần em phải…”
Anh chưa kịp nói xong thì Trần Kiêu đã đứng trước mặt anh. Cô đưa tay nắm lấy tay anh, dùng khăn giấy nhẹ nhàng lau đi vết nước.
Trịnh Thanh Sơn sững sờ.
Anh cúi đầu xuống, chỉ có thể nhìn thấy đỉnh đầu của cô. Cô vừa mới ngủ dậy, tóc hơi rối, thấp mắt là có thể nhìn thấy hàng mi dài và mỏng của cô.
Trần Kiêu không ngẩng đầu hỏi: “Sao anh không nói gì?”
Trịnh Thanh Sơn nói tiếp: “Trong bếp ám mùi khói, em không nên vào”.
Trần Kiêu đã lau khô nước trên hai bàn tay anh, thì thầm: “Em chỉ muốn giúp anh một chút thôi.”
Trịnh Thanh Sơn không khỏi bật cười, gật đầu đồng ý: “Được.”
Cháo kê của Trịnh Thanh Sơn nấu đã lâu, Trần Kiêu cũng không giúp được gì nhiều. Cô chỉ có thể ở bên cạnh, rửa một số món ăn kèm.
Làm xong việc, cô đi ra ngoài, Trần Kiêu nhìn thời gian, đã là 4 giờ 55 phút chiều, cô ước chừng buổi chiều mình đã ngủ được ba bốn tiếng. Cháo kê còn đang nấu, Trần Kiêu thật sự không có việc gì làm trong bếp nên cô quay vào phòng nhặt chiếc khăn lụa rồi cất vào tủ.
Lúc này trời vẫn còn khá sáng. Màu của ánh sáng mặt trời hoà với màu hoàng hôn rực rỡ.
Ban công hướng về phía mặt trời, nắng chiều rọi thẳng, Trần Kiêu đứng trên ban công, thu vào tầm mắt toàn cảnh huyện Bình An.
Thời điểm này là yên tĩnh nhất trong ngày.
Người đi làm chưa tan sở, người đang học chưa tan trường, trong và ngoài tiểu khu chỉ có người qua đường đi lại chậm rãi, tay xách thức ăn.
Dường như thời gian đang ngừng lại.
Trần Kiêu gọi: “Trịnh Thanh Sơn, anh nhìn ra ngoài cửa sổ đi.”
Phòng bếp thông với một cửa sổ rất lớn. Một lúc sau, giọng của Trịnh Thanh Sơn vang lên: “Anh thấy rồi.”
Mặt trời lặng lẽ lặn sau rặng mây, hoàng hôn buông xuống, người đi bộ di chuyển chậm rãi trên đường. Lúc này, cô và anh đang nhìn thấy một phong cảnh giống nhau.
Trịnh Thanh Sơn không nói gì.
Một lúc lâu sau, anh mới bình tĩnh lên tiếng: “Đẹp quá.”
Trần Kiêu cảm động, cô trở về phòng, tìm thấy bức tranh cũ trong ngăn kéo còn sót lại, là bức tranh sơn dầu đầu tiên cô vẽ. Sau đó, cô tìm thấy một số loại sơn cô mang về nhà vào năm ngoái, cũng như một số dụng cụ cần thiết để vẽ tranh sơn dầu.
Khi đang di chuyển giá vẽ, Trịnh Thanh Sơn nghe tiếng động, liền chạy lên giúp cô.
“Em muốn vẽ tranh sơn dầu sao?”
Trần Kiêu gật đầu: “Ừ, em muốn vẽ lại cảnh hoàng hôn này.”
Trịnh Thanh Sơn vẻ mặt bình tĩnh, nghiêng người sang một bên: “Lâu rồi không thấy em vẽ tranh sơn dầu.”
Trần Kiều chợt nhướng mi nhìn anh, trong đôi mắt đen sâu thẳm phản chiếu ánh hoàng hôn.
Trời chưa muộn, không gian tràn ngập ánh sáng.
“Anh đã bao giờ thấy em vẽ tranh sơn dầu chưa?”
Thực lòng mà nói, Trần Kiêu không giỏi vẽ tranh sơn dầu, cô chỉ học vài lớp căn bản ở trường đại học, nhưng cô lại cực kỳ nhạy cảm với việc kết hợp màu sắc và thiết kế nên giáo sư dạy vẽ tranh sơn dầu đã nhiều lần thuyết phục cô đổi chuyên ngành.
Sau khi ra trường, Trần Kiêu hiếm khi vẽ tranh sơn dầu, làm sao mà Trịnh Thanh Sơn lại có thể nhìn thấy tranh sơn dầu của cô?
Trịnh Thanh Sơn mỉm cười gật đầu: “Ừ, anh từng thấy rồi.”
Anh nhìn vào giá vẽ, cũng không nói thêm gì.
Trần Kiêu không hỏi nữa, ngày còn dài, một ngày nào đó cô sẽ tìm ra sự thật.
Giá vẽ đặt ngoài ban công.
Trong mắt Trần Kiêu chỉ còn lại khung cảnh và màu sắc hoàng hôn, cô say mê với nó.
Huyện Bình An hiện lên sống động trên giấy vẽ.
Cô ngồi phía trước vẽ cảnh hoàng hôn.
Anh đứng phía sau ngắm hoàng hôn.
Hoàn hảo