Sự thực là chúng ta chẳng biết gì cả, bởi sự thật nằm ở tận cùng vực thẳm.
Démocrite
Anh nhảy lên chiếc Jaguar và lái thẳng hướng Mystic. Anh chạy xe nhanh đến mức suýt gặp tai nạn ở quãng đường dẫn ra khỏi New Haven. Anh không thể tập trung vào việc lái xe. Phải nói rằng nồng độ cồn trong máu anh đã khiến cho mọi chuyện chẳng ổn thỏa chút nào. Những hình ảnh diễu qua đầu anh.
Năm 1972.
Anh lên tám.
Thời đó, lịch sử ghi nhận khởi đầu của vụ Watergate, chuyến công du được các phương tiện thông tin đại chúng hết sức quan tâm của Nixon đến Trung Quốc, thắng lợi đầu tiên của một người Mỹ trước một công dân Nga trong giải vô địch cờ vua thế giới…
Trong môn bóng chày, đội As đến từ Oakland đã hạ đo ván Reds của Cincinnati trong trận chung kết giải vô địch, trong khi đội Cow Boys của Dallas thi đấu hết sức kém cỏi trên mặt sân Superbowl.
Mùa hè năm đó, Nathan đã theo chân mẹ đến biệt thự của nhà Wexler ở Nantucket, nơi bà làm việc. Đó là chuyến đi đúng nghĩa đầu tiên của anh. Lần đầu tiên anh thấy một quang cảnh khác với khu phố Queens của mình.
Anh đến trước nhà Goodrich vào cuối giờ chiều.
Thời tiết đã thôi không xấu đi thêm. Một cơn gió lạnh băng quét dọc bờ biển, nơi bầu trời vần vũ mây gần như hòa lẫn vào biển dậy sóng lừng, khuất phân nửa sau những cồn cát.
Anh bấm chuông cửa nhiều lần nhưng không ai ra mở. Kỳ lạ thật. Hôm nay là Chủ nhật và theo anh biết thì cuối tuần nào Garrett cũng đến đây.
Nếu Goodrich không đến đây thì càng phải tận dụng cơ hội này mới được. Cho tới thời điểm này, toàn là lão bác sĩ giật dây mọi chuyện và rõ ràng là lão còn giấu anh vô số chuyện. Nathan phải tự mình tìm hiểu những chuyện đó nếu muốn khiến cho lão ta phải bẽ mặt.
Anh nhìn ra xung quanh. Nhà hàng xóm gần nhất cũng phải cách xa đến hơn trăm mét. Bằng mọi giá anh phải đột nhập vào bên trong, dù có phải bẻ khóa đi chăng nữa. Có lẽ cách đơn giản nhất là trèo lên mái nhà để xe liền kề với ngôi nhà, rồi từ trên đó, thử đu người lên một trong hai ban công tầng hai.
Đâu đến nỗi phức tạp lắm.
Anh thử nhảy lên để bám vào rìa mái nhưng rõ ràng là mái nhà để xe quá cao. Anh đang định dạo một vòng quanh ngôi nhà để tìm một vật gì đó có thể dùng làm điểm tựa thì một con chó giống đôgơ mõm to đầu bẹt với bộ lông đen tuyền đến sau lưng anh.
Đó là con chó khổng lồ nhất anh từng gặp.
Con vật dừng lại cách anh hai mét và nhìn anh chòng chọc, miệng gầm gừ.
Chỉ còn thiếu nước này nữa thôi!
Con chó ngao cao gần đến ngang thắt lưng anh. Nếu nhìn thấy nó trong một hoàn cảnh ít ngặt nghèo hơn, Nathan đã cho rằng nó là con vật đẹp tuyệt vời với thân hình lực lưỡng và săn chắc. Nhưng tất cả những gì anh đang nhìn thấy lúc này, đó là một con chó giữ nhà hắc ám hung hãn, với phần môi dưới trề xuống rung rung. Đầu và tai nó dựng đứng. Bộ lông ngắn và bóng nhẫy phủ trên lớp da căng cực độ trên tám mươi cân cơ bắp chỉ chực nổ tung.
Nathan cảm thấy mồ hôi lạnh chạy dọc sống lưng. Anh chưa bao giờ tỏ ra quá gắn bó với lũ chó. Anh phác một cử động nhưng tiếng gầm gừ của con vật đã to gấp đôi, cùng lúc nó phô ra bộ hàm to tướng.
Luật sư lùi một bước. Đúng lúc đó, con vật, hoạt bát hẳn lên nhờ một cơn kích thích bất ngờ, đã muốn nhảy xổ vào cắn anh. Nathan vừa kịp tránh và đạp nó lùi lại. Được giúp sức bằng thứ năng lượng tuyệt vọng, anh nhảy lên và may mắn tóm được rìa mái nhà để xe. Anh tưởng đã thoát nạn thì chợt nhận thấy răng nanh của con vật đã cắm sâu vào bắp chân phía dưới.
Nhất định không được buông tay. Nếu mày mà rơi xuống, nó sẽ xé xác mày ngay.
Anh khua khoắng chân liên hồi để xua con chó đi nhưng vô hiệu. Bộ hàm chắc khỏe của con vật giờ đang ngấu nghiến gót chân anh.
Con quỷ này cắn nát một bên chân của mình mất!
Anh giãy giụa kịch liệt và cuối cùng con chó cũng nhả mồi. Sao cũng được, anh đã leo được lên mái chỉ nhờ sức của đôi tay.
Fucking hell!
Anh ngồi một lúc lấy lại hơi và nhăn mặt vì đau. Ống quần anh rách tả tơi. Anh xắn nó lên và nhận thấy vết thương khá sâu, máu đang tuôn xối xả. Mặc kệ, anh sẽ xem đến nó sau. Ngay lúc này, anh chỉ còn cách dùng khăn mùi soa băng tạm. Dù sao thì anh cũng chẳng còn đường quay lại nữa: ngồi chồm hỗm trên cặp đùi vạm vỡ của nó, con vật vừa dõi theo anh vừa liếm láp chỗ nước dãi lẫn máu đang nhểu xuống từ mép dưới.
Tiếc quá, ông bạn, tôi không phải loại dễ xơi đâu. Chỉ mong sao ông không truyền cho tôi bệnh dại.
Bị thương thế nhưng luật sư không gặp nhiều khó khăn lắm trong việc với được đến một trong những ban công nhỏ xíu của căn nhà. Đúng như anh hy vọng, Goodrich đã không cài then cánh cửa sổ cánh sập. Nathan nâng cánh cửa lên và chui vào nhà.
Chào mừng quý vị đến thế giới phi pháp. Nếu hôm nay để bị bắt gặp, mày có thể nói lời vĩnh biệt với giấy phép hành nghề luật sư được rồi đấy.
Anh đã hình dung ra đầu đề một mẩu tin xuất hiện trên tờ National Lawyer: “Một luật sư danh tiếng của hãng luật Marble&March đã lĩnh án tù năm năm vì phạm tội ăn trộm bị bắt quả tang.”
Anh đang ở trên tầng hai của căn nhà. Goodrich đã để phần lớn các bức mành cuộn lên nhưng vì thời tiết xấu, căn nhà chìm trong khung cảnh khá tối tăm.
Anh nghe thấy tiếng chó sủa từ dưới sân vọng lên.
Con vật đần độn đấy sẽ đánh động cả khu phố mất.
Anh phải thận trọng và lục thật nhanh.
Từ phòng ngoài cùng mở ra một hành lang dẫn đến trước tiên là hai phòng ngủ, rồi đến một phòng làm việc. Nathan dừng chân tại phòng làm việc.
Đó là một căn phòng lớn, sàn lát gỗ sồi màu sáng, trong phòng kê một loạt giá kim loại chứa một lượng đồ sộ các hồ sơ, băng ghi âm và ghi hình, đĩa hát và CD-Rom.
Nathan lật nhanh một vài hồ sơ. Anh ngỡ như Goodrich cất giữ hồ sơ bệnh án đầy đủ của tất cả các bệnh nhân lão đã từng chữa trị.
Đây là một thủ tục thông thường sao?
Các hồ sơ được sắp xếp theo trình tự thời gian từ 1968 đến nay, theo từng cơ sở khám chữa bệnh nơi bác sĩ làm việc.
Nathan sốt sắng tìm ngược theo trình tự thời gian: Bệnh viện đa khoa Boston, Bệnh viện của Giáo hội New York, Bệnh viện Nhi Washington…
Rốt cuộc anh cũng tìm đến năm 1972.
Vào năm đó, bác sĩ Goodrich đang hoàn thành kì thực tập bác sĩ nội trú phẫu thuật trong một bệnh viện thuộc thủ phủ bang. Bấy giờ Goodrich hai mươi bảy tuổi.
Giữa chồng hồ sơ của năm 1972, luật sư trông thấy một cuốn tập nhỏ bìa màu nâu:
Nhật kí trực thay
Bệnh viện Nantucket
12 tháng Chín – 25 tháng Chín 1972
Những nghi ngờ của Nathan khi đọc lời đề tặng trên đĩa nhạc của John Lennon đã được khẳng định. Goodrich rõ ràng đã có mặt ở Nantucket vào thời điểm năm 1972. Lão ta đến bệnh viện để thay thế một đồng nghiệp vắng mặt trong hai tuần. Hoàn toàn trùng hợp với quãng thời gian Nathan gặp nạn! Chả trách gương mặt lão ta quen thuộc với anh đến thế.
Anh bồn chồn lật qua cuốn nhật kí và bắt gặp ngay điều anh đang tìm kiếm.
Ngày 19 tháng Chín 1972
Ca khó xử lý của ngày hôm nay ở bệnh viện.
Cuối giờ chiều, người ta đưa đến cấp cứu một cậu nhỏ tám tuổi đang trong trạng thái chết lâm sàng.
Những người đi dạo đã vớt được cậu bé từ dưới hồ lên cho biết cậu bé đã ngừng thở từ nhiều phút nay. Họ đã chạy đến ngay khi nghe tiếng hét của một bé gái.
Nhóm cấp cứu đã thực hiện sốc điện cho cậu bé nhưng không thành công. Dù thế, mình vẫn dồn hết sức tiếp tục xoa bóp lồng ngực, cô ý tá thì làm trướng bụng.
Ngược lại với mọi dự đoán, bọn mình đã hồi tỉnh được cậu bé. Cậu ta sống sót nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê.
Bọn mình có làm đúng không khi cố sức làm hồi tỉnh cậu bé? Mình không dám chắc, bởi ngay cả khi cậu bé sống lại thì bộ não đã bị thiếu oxi trong thời gian quá dài. Hẳn là phần nhiều các tế bào đã bị phá hủy và phải sẵn sàng đối mặt với những tổn thương về mô.
Mình chỉ hy vọng những tổn thương này vẫn có thể phục hồi…
Nathan thấy xáo trộn. Những kỷ niệm mà cho đến lúc bấy giờ anh đã ít nhiều quên lãng giờ kéo về thành một mớ hỗn độn. Hai tay run rẩy và tim đập thình thịch, anh đọc tiếp.
Ngày 20 tháng Chín 1972
Sáng sớm nay, cậu nhỏ đã tỉnh lại và y tá trực lập tức báo tin cho mình.
Mình đã khám cho cậu ta kỹ lưỡng và buộc phải thú nhận bản thân mình đã rất ngạc nhiên. Dĩ nhiên là cậu ta vẫn còn rất yếu nhưng đã có thể cử động toàn thân và hiểu tất cả những câu hỏi mọi người đặt ra. Cậu nhỏ tên là Nathan Del Amico.
Đó là một đứa trẻ rụt rè và sống khép kín nhưng có vẻ rất thông minh và mình đã có thể trao đổi vài lời với cậu ta.
Để giúp bệnh nhân này khuây khoả, mình đã cho mang máy hát chạy điện của mình đến phòng bệnh và cho cậu ta nghe đĩa nhạc của Lennon. Cậu ta có vẻ rất thích thú…
Cuối buổi sáng, mẹ cậu bé đến thăm con. Đó là một người phụ nữ gốc Ý giúp việc cho gia đình Jeffrey Wexler, một thương nhân người Boston có ngôi nhà nghỉ trên đảo này. Chị ta rất lo lắng và mình đã muốn an ủi chị ta, mình giải thích rằng con trai chị đã chịu đựng rất bền bỉ và rất dũng cảm, nhưng chị ta nói tiếng Anh kém và chắc chắn không hiểu đến phân nửa những gì mình nói.
Buổi chiều thì cô bé bạn cậu nhỏ ghé qua. Đó là con gái nhà Wexlex. Cô bé lo lắng đến mức mình đã cho phép cô vào thăm cậu bạn một lát. Cô bé trông chín chắn so với tuổi và có lẽ rất quyến luyến cậu nhỏ. Ngoài ra, cô còn phải chịu ơn cậu nhỏ vì chính cậu đã cứu cô khỏi chết đuối.
Ngày 21 tháng Chín 1972
Có lẽ hôm qua mình đã lạc quan quá sớm.
Sáng nay mình đã hỏi chuyện cậu nhỏ rất lâu. Lời nói của cậu ấy rất rời rạc. Mình tự hỏi liệu có thật là vụ tai nạn rốt cuộc không để lại di chứng gì hay không.
Mặt khác, đó là một cậu bé có sức lôi cuốn, sở hữu một vốn từ vựng phong phú và nói năng rất lưu loát so với lứa tuổi.
Mình đã ghi lại cuộc nói chuyện.
Mình không rõ phải nghĩ thế nào về việc này.
Nathan nghĩ bằng mọi giá mình phải có được cuộn băng đó. Anh tiến về phía một giá khác chất đầy những thùng các tông đựng toàn băng cassette. Anh bắt đầu lục tìm, hấp tấp đến độ dốc ngược phân nửa ra đất.
Cuối cùng anh cũng tìm được một cuộn băng có nhãn đề: “21-09-72”.
Trên bàn làm việc, anh tìm thấy một dàn máy hifi ngay gần máy vi tính. Anh nhét cuốn băng vào ổ đọc và chỉ vài giây sau đã nghe thấy những giọng nói vọng về từ quá khứ, trong nỗi xúc động khôn cùng.
Goodrich là người mở lời trước, bằng một giọng cố tỏ ra vui vẻ:
– Chào nhà vô địch.
– Chào chú.
Anh đã hoàn toàn quên mất giọng mình lúc nhỏ nghe như thế nào. Nó hầu như chỉ vừa đủ nghe. Anh tăng mức âm lượng lên.
– Ngủ ngon chứ.
– Vâng thưa chú.
Người ta nghe thấy tiếng xe lăn được đẩy đến. Hẳn là Goodrich đang nghe nhịp tim phổi bởi lão đang đặt những câu hỏi thông thường về tình trạng sức khoẻ trước khi hỏi:
– Cháu có nhớ những gì đã xảy đến với mình không?
– Ý chú muốn nói về vụ tai nạn ấy à?
– Ừ, kể chú nghe đi nào.
Im lặng kéo dài buộc Goodrich phải nhắc lại câu hỏi:
– Cháu có muốn kể chú nghe không?
Sau một hồi im lặng, Nathan nghe giọng mình trả lời:
– Cháu biết là cháu đã chết.
– Gì kia?
– Cháu biết là cháu chết rồi.
– Sao cháu lại nghĩ như vậy?
– Vì chú đã nói thế còn gì.
– Chú không hiểu ý cháu.
– Khi cháu được khiêng bằng cáng đến đây, chính chú đã bảo cháu chết rồi.
– Ờ… Thực ra chú không có ý nói như vậy và dẫu sao thì cháu cũng không thể nghe thấy chú nói câu ấy.
– Có chứ, cháu ở bên ngoài cơ thể cháu và cháu đã nhìn thấy chú.
– Cháu đang nói linh tinh gì vậy?
– Chú đã hét rất to những câu cháu không hiểu.
– Cháu biết đấy…
Nhưng Nathan đã ngắt lời bác sĩ:
– Cô y tá đã đẩy xe đến, trong đó có hai dụng cụ, chú chà xát hai thứ đó vào nhau trước khi áp cả hai lên ngực cháu. Rồi chú thét “phóng điện” rồi cơ thể cháu nảy bật lên.
Nghe giọng nói nhỏ và nhấn mạnh vốn là giọng nói của anh ngày xưa, Nathan hoàn toàn rối trí. Anh đã muốn nhấn nút dừng bởi anh có linh cảm phần tiếp theo sẽ chỉ khiến cho anh đau đớn, nhưng dẫu sao sự tò mò vẫn mạnh hơn.
– Làm sao cháu biết được tất cả những chuyện ấy? Ai đã kể cháu nghe vậy?
– Chẳng ai cả. Cháu trôi bồng bềnh trên trần nhà và cháu chứng kiến mọi chuyện. Cháu có thể bay khắp trong bệnh viện.
– Chú nghĩ cháu đang mê sảng rồi.
Nathan không trả lời và thế là im lặng lại lần nữa bao trùm trước khi Goodrich lên tiếng với giọng điệu hoài nghi.
– Rồi cháu thấy những gì nào?
– Cháu không muốn nói chuyện với chú nữa.
– Nghe này, chú lấy làm tiếc. Chú không muốn nói cháu mê sảng nhưng những gì cháu vừa kể nghe lạ lùng đến nỗi chú khó lòng tin được. Nào, nhà vô địch, kể chú nghe cháu nhìn thấy gì tiếp đó đi.
– Cháu đã bị hút vào một đường hầm với vận tốc rất nhanh.
Im lặng hồi lâu, rồi Garrett khích lệ cậu bé kể tiếp.
– Chú đang nghe cháu đây.
– Khi lọt vào đường hầm, cháu nhìn thấy cuộc sống của mình trước khi tai nạn xảy ra và cháu nhận ra cả một số người. Cháu tin là họ đã chết.
– Những người đã chết sao? Họ làm gì ở đó vậy?
– Họ giúp cháu vượt qua đường hầm.
– Vậy đầu bên kia của đường hầm có gì?
– Cháu không biết tả thế nào đâu.
– Cố lên nào, chú xin cháu.
Thế là đứa trẻ nói tiếp với giọng mỗi lúc một nhỏ đi.
– Một thứ ánh sáng màu trắng, vừa dịu lại vừa chói gắt.
– Nói chú nghe tiếp đi.
– Cháu biết mình sắp chết. Cháu muốn ngụp lặn trong ánh sáng ấy nhưng có cái gì đó giống như một cánh cửa ngăn cháu lại.
– Phía trước cánh cửa đó có gì vậy?
– Cháu không biết tả thế nào đâu.
– Cố thêm chút nữa đi, nhà vô địch.
Giọng của Goodrich đã trở nên khẩn khoản và sau một hồi im lặng, Nathan nói tiếp:
– Có những “sinh vật”.
– Những “sinh vật” ư?
– Một trong số họ đã mở cửa để cháu bước vào luồng sáng.
– Cháu sợ à?
– Không, ngược lại thì có. Cháu thấy rất dễ chịu.
Goodrich không còn hiểu lô gích suy luận của đứa trẻ nữa.
– Nhưng cháu vừa bảo cháu biết mình sắp chết.
– Vâng, nhưng cháu không lo chuyện ấy lắm. Và rồi…
– Nói tiếp đi, Nathan.
– Cháu có cảm giác họ để cháu được lựa chọn…
– Cháu muốn nói gì?
– Người ta miễn cho cháu không phải chết nếu cháu chưa sẵn sàng.
– Và đó là điều cháu đã lựa chọn ư?
– Không ạ. Cháu muốn chết. Được ở trong thứ ánh sáng ấy, cháu rất dễ chịu.
– Làm sao cháu dám chắc vậy?
– Cháu đã muốn tan vào luồng sáng đó.
– Tại sao vậy?
– Thì vì nó là thế chứ sao.
– Nó nào?
– Cái chết ấy.
– Thế tại sao cháu không chết?
– Bởi vì vào phút chót, họ đã cho cháu thấy một hình ảnh và cháu đã quyết định quay trở lại.
– Hình ảnh đó là gì vậy?
Mắt nhoà đi, Nathan nghe thấy mình trả lời bằng một giọng vừa đủ nghe.
– Cháu xin lỗi.
– Gì kia?
– Chuyện ấy không liên quan đến chú.
– Hình ảnh đó là gì vậy, Nathan?
– Cháu xin lỗi nhưng chuyện ấy không liên quan đến chú.
– Không sao, nhà vô địch, không sao mà. Ai cũng có quyền giữ bí mật cho riêng mình.
Cuốn băng kết thúc ở đó. Và Nathan bật khóc. Anh khóc nức nở và không chút kìm nén, giống như bọn trẻ, chỉ mình chúng mới dám làm vậy, rồi anh trấn tĩnh lại và nhấn nút tua nhanh về sau nhưng không còn gì khác.
Anh lại vùi đầu vào cuốn nhật kí.
Ngày 23 tháng Chín 1972
Từ hai ngày nay, mình đã không ngừng nghĩ về câu chuyện Nathan kể và vẫn chưa hiểu làm thế nào cậu nhỏ lại có thể kể lại chính xác đến thế từng chi tiết, những bước sơ cứu mình đã áp dụng với cậu ta.
Xem ra hơi giống như cậu ta vừa từ cõi chết trở về.
Mình chưa từng nghe những lời như vậy từ miệng một bệnh nhân nào, huống chi đây lại là một đứa trẻ. Chuyện này thực sự rất khó lý giải và mình muốn được đem ra tranh luận cùng các đồng nghiệp nhưng mình e rằng mọi người tránh nhắc đến đề tài này trong môi trường y khoa.
Dĩ nhiên, trước đây đã có trường hợp của nữ bác sĩ người Thuỵ Sĩ tên là Kubler- Ross làm việc trong bệnh viện Rillings tại Chicago. Mình nhớ đã đọc trong tạp chí Life rằng bà ta đã khởi xướng cả một hội thảo chuyên đề về cuộc trò chuyện của những người hấp hối. Mình tin là bài báo gây nhiều tranh cãi và bà ta đã bị cho thôi việc. Thế nhưng, người ta kể lại rằng bà ta bắt đầu tiến hành thu thập hàng chục lời chứng của những người đã trải qua trạng huống ấy.
Ngày 25 tháng Chín 1972
Hôm nay cậu nhỏ đã được xuất viện.
Tình trạng sức khoẻ tổng thể được nhận định là hoàn hảo, mình không thể giữ cậu bé ở lại thêm. Tối qua, mình đã cố thử trò chuyện với cậu ta lần nữa nhưng cậu ta lại như khóc và mình nghĩ sẽ không khai thác được thêm thông tin nào nữa. Sáng nay, mẹ cậu nhỏ dẫn đứa con trai xuất viện, mình đã hỏi chị ta có thói quen kể với con nghe về thiên sứ hay thiên đàng gì không. Chị ta cam đoan là không và mình không gặng hỏi thêm nữa.
Mình đã tặng cho Nathan cái máy nghe nhạc và đĩa nhạc của Lennon.
Bóng đêm đã tràn ngập căn phòng.
Trời lạnh, nhưng Nathan không nhận thấy điều đó. Anh chìm đắm trong quá khứ của chính mình, trong thời ấu thơ tưởng như đã lãng quên và đột nhiên lại trở về; anh không hề nghe thấy tiếng ôtô vừa đỗ lại trước cổng ngôi nhà.
Ai đó bước vào, bật một ngọn đèn trong phòng làm việc.
Nathan giật mình quay về phía cửa.