Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 46: Hồi thứ bốn mươi sáu



Ngột Truật đứng trước mũi thuyền, hướng sang thuyền Hàn Nguyên soái, quỳ xuống nói:

– Trung Nguyên và Kim Quốc chúng tôi chẳng khác một nhà. Hoàng thượng và
Kim Chúa cũng như anh em thôi. Chỉ vì đạo tặc Giang Nam khởi loạn, nên
tôi mới dấy binh qua Nam cốt trừ lũ bất lương, chẳng dè phạm tới oai
hùm. Nay thề với trời đất từ nay không dám xâm phạm Trung Nguyên, muôn
đời kết giao hòa hảo, xin Nguyên soái hãy rủ lòng thương tha cho tôi về
nước.

Hàn Nguyên soái nghiêm giọng đáp:

– Ngươi sang đây
chiếm cứ đất đai, bắt Nhị Đế của ta, nay muốn giảng hòa ít ra phải trả
Nhị Đế và giao Biện Kinh lại cho ta, chứ đâu có thể nói suông như thế
được?

Nói rồi truyền lệnh quay thuyền trở lại. Ngột Truật thấy Hàn Nguyên soái không chịu giảng hòa, nếu liều lĩnh xông ra ắt mang hại,
nên buộc lòng phải lui binh về Hoàng Thiên đãng.

Ngột Truật buồn bã nói với Hấp Mê Xi:

– Quân ta bị thua liên tiếp, tinh thần bị khiếp đảm; lương thảo hiện nay
đã gần hết, bên ngoài không có quân cứu viện, nhất định phải bỏ mạng tại đây rồi.

Suy nghĩ hồi lâu, Hấp Mê Xi nói:

– Việc đã gấp
rồi, mà ta thì vô phương, cần phải treo bảng cầu hiền, nếu ai có cách
nào giải được cái nạn này ta sẽ thưởng ngàn vàng, biết đâu chẳng có
người giúp ta qua khỏi cơn nguy hiểm.

Ngột Truật nghe lời, sai quân treo bảng chiêu mộ hiền tài, bảng treo chưa được một ngày đã thấy quân vào báo:

– Có một vị Tú tài đến xin ra mắt và hứa sẽ có cách giải thoát ra khỏi chốn hiểm nguy này.

Ngột Truật mừng rỡ, đích thân ra mời vào mời ngồi lên trên và nói:

– Tôi bị quân Tống vây khốn, không còn đường ra, lương thảo gần hết, tiên sinh có chước chi hãy xin ra ơn dạy bảo.

Vị Tú tài nói:

– Việc bày binh bố trận thì tôi hoàn toàn không biết, nhưng muốn thoát khỏi Hoàng Thiên đãng này đối với tôi không khó.

Câu nói của vị Tú tài như gieo vào lòng Ngột Truật một mềm hy vọng vô biên. Ngót Truật mừng rỡ, nói:

– Nếu tôi được thoát thân về nước, chẳng những tôi kính tặng cho tiên
sinh ngàn vàng mà thôi, việc giàu sang phú quí tôi cũng xin chung hưởng
với tiên sinh.

Vị Tú tài nói:

– Từ đây qua phía Bắc chừng
mười dặm nhìn kỹ sẽ thấy một con rạch cũ, vì bỏ hoang lâu nên bị cỏ mọc
bít hết. Chúa công hãy sai quân vét lại, cào cho sạch cỏ thì có thể đi
thẳng đến Kiến Khương ngay.

Ngột Truật cảm tạ ân sâu rồi sai quân
đem vàng bạc ra tặng thưởng cho vì Tú tài, nhưng người ấy không lấy cũng không chịu bày tỏ tên họ, rồi bỏ đi mất dạng.

(ấy chỉ vì số Ngột Truật chưa chết, nên trời sai người đến mách bảo như vậy).

Ngột Truật lập tức truyền lệnh cho quân sĩ ra Lão Hạc Hà vét rạch. Ba vạn
binh sĩ đồng tâm hiệp lực, lớp cào cỏ lớp vét bùn chỉ trong một đêm đã
khai thông xa hơn mười dặm. Ngột Truật cùng quân sĩ chèo thuyền đến đó
sai quân bỏ hết chiến thuyền, dẫn đại binh mã lên bờ nhắm Kiến Khương
chạy tới.

Mấy đạo quân của Hàn Nguyên soái ngăn giữ ngoài vàm khẩu hơn mười ngày chẳng thấy quân Phiên động tĩnh gì hết, đèn lửa cũng vắng hoe bèn lần vào thám thính. Lúc bấy giờ mới hay Ngột Truật đã dẫn binh
trấn theo ngả Lão Hạc Hà mất rồi:

Quan tuần thám chạy về phi báo, Hàn Nguyên soái bứt đầu, bứt tóc tiếc hối vô cùng. Nguyên soái nói:

– Hèn chi cẩm nang của ông Đạo Duyệt, mỗi chữ đầu câu ráp lại thành “Lão
Hạc Hà tẩu”. Bốn chữ ấy rõ ràng là cơ trời đã định, số mạng tên Phiên
nô ấy chưa chết.

Lương phu nhân nói:

Vẫn biết là số trời, nhưng tướng công sẽ mang tội khinh địch, chủ quan…

Hàn Nguyên soái trong lòng tức giận sục sôi bèn truyền lệnh kéo binh về Hán Dương đồn trú, đồng thời dâng biểu thú tội.

Nói về Ngột Truật dẫn binh chạy theo đường Kiến Khương rồi chạy thẳng đến
Thiên Trường Quân. Đến đây Ngột Truật ngửa mặt lên trời cười ngất nói:

– Nhạc Nam Man và Hàn Nam Man dụng binh cũng chưa phải giỏi lắm,
chứ chỗ này mà nó cho phục một đạo binh thì bọn ta dầu có cánh cũng
không thoát khỏi.

Nói vừa dứt lời bỗng nghe tiếng pháo nổ vang, ba ngàn binh mã phục hai bên đường ùa ra. Có một tướng, đầu đội thúc phát
tử kim quang, mình mang lăng ngân giáp, cưỡi con ngựa xích thố, tay cầm
song chùy xông tới hét lớn:

– Có tiểu tướng quân ở đây chờ đợi lâu quá rồi, mau mau xuống ngựa chịu trói cho rồi.

Ngột Truật nói:

– ở đời không nên bức người trong bước đường cùng, nay ta quyết liều sống chết với ngươi một trận mới xong.

Vừa nói vừa vung búa chém tới, Nhạc Vân đưa chùy đỡ vọt ra, Ngột Truật
không tài nào đỡ nổi, nên sau vài hiệp đã bị Nhạc Vân bắt sống trên
ngựa, còn bao nhiêu quân Phiên chạy thoát khỏi chỉ chết một số thôi.
Thương thay cho Ngột Truật dẫn mấy mươi vạn binh qua đất Trung Nguyên,
lúc này chỉ còn vỏn vẹn ba trăm sáu mươi kỵ binh chạy trơn về bổn quốc.

Nhắc qua Nhạc Nguyên soái chặn đánh Phiên quân tại Trường Giang
khiến chúng phải chạy vào Hoàng Thiên đãng, sau đó lại vét sông Lão Hạc
Hà trốn ra ngả Kiến Khương, nay Hàn Nguyên soái đã lui binh về đóng tại
Hớn Dương rồi.

Nhạc Nguyên soái nghe báo, giậm chân xuống đất than:

– Thế thì trời chưa dứt mạng Ngột Truật.

Nói chưa dứt lời đã thấy quân vào báo:

– Công tử đã bắt được Ngột Truật đem về rồi.

Giây phút sau Nhạc Vân vào bẩm:

– Con vâng lệnh ra ngăn giữ Thiên Trường quan,

quả nhiên Ngột Truật thua chạy đến đó bị con bắt được đem về phục lệnh.

Nhạc Nguyên soái truyền dẫn Ngột Truật vào, Ngột Truật đứng hiên ngang không chịu quì. Nhạc Nguyên soái nhìn kỹ không phải là Ngột Truật, bèn lớn
tiếng quát:

– Mi là ai mà dám cả gan giả Ngột Truật đến đây chịu chết?

Người ấy cười gằn đáp:

– Ta là tiểu Nguyên soái của Chúa công ta tên là Cai Thái Bảo, vì chịu ơn sâu của chúa ta không biết lấy chi báo đáp, nên hôm nay phải liều thân
giải nạn cho chúa ta. Chúng bay đã bắt được ta đến đây, muốn chém thì cứ chém chớ có nhiều lời.

Nhạc Nguyên soái truyền đao phủ quân dẫn ra chém quách. Chỉ trong giây phút sau đã thấy quân mang thủ cấp vào dâng.

Nhạc Nguyên soái quở mắng Nhạc Vân:

– Ngươi quả là kẻ vô dụng. Qua thời gian ở tại Ngưu Đầu sơn lạ lùng gì
tên Ngột Truật lại bắt tên phó tướng của hắn để cho hắn trốn thoát? Vậy
thì để mi sống làm gì?

Nói rồi hô kẻ tả hữu sai đem Nhạc Vân ra chém.

Quân sĩ buộc lòng phải trói Nhạc Vân dẫn ra khỏi dinh, vừa may lại gặp Hàn Nguyên soái đang đến Kim Lăng kiến giá.

Vừa đến dinh, Hàn Nguyên soái thấy quân sĩ dẫn một tên tiểu tướng đi, liền hỏi:

– Thiếu niên kia là ai, phạm tội gì bị trói như vậy?

Quân sĩ bẩm:

– Đây là đại công tử của Nhạc Nguyên soái tên Nhạc Vân, chỉ vì lãnh nhiệm vụ ngăn chặn địch tại Thiên Trường quan bắt lầm một tên Ngột Truật giả, cho nên Nhạc Nguyên soái tuyên bố xử trảm.

Hàn Nguyên soái căn dặn binh sĩ:

– Hãy khoan chém, để ta vào ra mắt với Nhạc Nguyên soái đã rồi sẽ hay.

Nói rồi bước tới cửa dinh nói với kỳ bài quan:

– Ngươi hãy vào báo cho Nhạc Nguyên soái hay, có ta là Hàn Thế Trung đến thăm.

Quân vào báo, Nhạc Nguyên soái đích thân ra nghênh tiếp vào, hai bên làm lễ ra mắt xong, phân chủ khách ngồi.

Hàn Nguyên soái nói:

– Đại Nguyên nhung quả nhiên có sức vãn hồi thiên địa, trùng chỉnh giang
sơn, nếu không nhờ Nguyên nhung thì làm sao thiên tử hồi đô cho được?

Nhạc Nguyên soái nói:

– Lão Nguyên nhung chớ nên khen quá lời, đó là nhờ phúc lớn của triều
đình, cùng nhờ sự đóng góp của các quan đại thần cũng như ba quân chứ có phải một mình tôi đâu.

Hàn Nguyên soái lại nói:

– Khi tôi
vừa mới đến đây trông thấy lệnh công tử bị trói, không biết công tử mắc
phải tội chi mà Nguyên nhung xử trọng hình như vậy?

Nhạc Nguyên soái nói:

– Tôi sai hắn đem binh chặn tại Thiên Trường quan để bắt Ngột Truật, ngờ
đâu hắn lại bắt tên Ngột Truật giả đem về, thật là bỏ mất một cơ hội
tốt, nên tôi giận tuyên bố xử trảm.

Hàn Nguyên soái nói:


Trường hợp ấy cũng giống như trường hợp của con tôi Khi tôi đóng binh
tại Trấn Giang, đoán chắc thế nào Kim Ngột Truật cũng lên Kim San quan
sát hành dinh của tôi, nên tôi sai Hàn Ngạn Trực, con thứ tôi lên đó mai phục chẳng dè nó lại bắt nhầm tên Ngột Truật giả đem về. Tôi xét nghĩ
chẳng qua Kim Phiên đa trá, hơn nữa lòng trời chưa dứt Ngột Truật nên
mới xui khiến như vậy, chứ con trẻ cùng muốn dốc lòng lập công, nếu
trừng phạt một cách khắt khe như vậy, tôi nghiệp cho trẻ lắm. Vậy hôm
nay xin Nguyên nhung vì tôi hay dung thứ cho lệnh lang một phen.

Nhạc Nguyên soái nói:

– Nguyên nhung đã khuyên giải, tôi đâu dám trái lời.

Nói rồi truyền quân cởi trói cho Nhạc công tử. Nhạc công tử bước vào tạ ơn cha mình và Hàn Nguyên soái. .

Sau đó hai vị Nguyên soái bắt đầu bàn đến việc binh cơ, ước hẹn cùng nhau
thâu binh về triều kiến giá. Hàn Nguyên soái thì kéo binh đi đàng thủy
còn Nhạc Nguyên soái thì phân binh làm ba đạo kéo đi đàng bộ, chẳng mấy
ngày đã đến Kim Lăng.

Ba quân đóng binh ở ngoại thành còn Nhạc Nguyên soái cùng chư tướng đến ngọ môn hầu chỉ.

Cao Tông truyền lệnh cho vào, Nhạc Nguyên soái bước vào triều bái tung hô
theo nghi lễ chúa tôi thường lệ. Cao Tông tỏ lời an ủi rồi truyền bày
yến tiệc thết đãi Nhạc Nguyên soái và chư tướng, cùng khao thưởng ba
quân.

Cách vài hôm sau lại thấy Tiết Đạt sứ Lâm An là Miêu Phó và Tổng binh Lưu Chánh Ngạn sai quan đem biểu về trào tâu:

– Việc tu chỉnh cung điện tại Lâm An nay đã hoàn thành, xin thánh thượng dời đô cho sớm.

Cao Tông y theo lời, vội hạ chỉ sắm sửa xe giá chọn ngày dời đô.

Văn võ bá quan trong triều có kẻ thì bảo Kim Lăng lâu đài hư sập, thành
quách trống không, dời đô là phải, có người lại bảo Kim Lăng là chỗ sáu
Triều đều đóng đô, có sông Trường Giang hiếm trở, đánh được giữ được, dễ bề khôi phục. Kẻ nói ra, người nói vào bàn luận xôn xao, không quyết
định được. Lý Can bước ra tâu:

– Từ xưa đến nay, các vị vua trung
hưng đều dấy binh nơi đất Bắc, nay đóng đô tại Kiến Khương tuy là trung
kế, song cũng dễ bề triệu tập bấn phương lo khôi phục được, chứ dời đô
qua Lâm An bất quá là sợ giặc trấn tránh mà thôi, quả thật là hạ kế, xin thánh thượng chớ nghe lời, làm náo động lòng dân, có hại về sau.

Cao Tông nói:

– Lão khanh nhận xét như thế không đúng. Vả chăng Kim Lăng đã bị Ngột
Truật phá hoại, lòng dân ly tán, nay chỉ còn cái thành trống không, khó
mà giữ lâu được chứ như Lâm An phía Nam thông với Mãn Quảng, phía Bắc
gần với Giang Hoài, dân nhờ hoa lợi, mắm cá rất nhiều. Mà dân giàu có
thì quân đội hùng cường đủ sức khôi phục giang sơn, quả là kế vẹn toàn,
khanh chớ nên cản trở.

Lý Can thấy Cao Tông đã nhất quyết liệu thế nào không khuyên can được liền tâu:

– Đó là ý kiến của hạ thần còn việc quyết định thì tùy nơi chúa thượng.
Nay hạ thần đã già rồi, xin chúa thượng ban ơn cho trở về điền lý an
dưỡng tấm thân qua ngày tháng, thần rất mong ơn chúa thượng.

Cao Tông vốn nhu nhược, nên thấy Lý Can tâu lấy làm mừng rỡ muốn cho đi phứt cho rồi kẻo ở trong triều can gián bực bội.

Cao Tông vừa hạ chỉ, Lý Can đi suốt ngày đêm trở về quê quán.

Qua bữa sau, Nhạc Nguyên soái hay tin ấy vội vã dẫn hết chư tướng vào chầu, tâu:

– Hạ thần vừa đánh bại Ngột Truật đáng lẽ phải giữ yên kinh đô cũ chọn
tướng, luyện binh sai đi trấn giữ nơi hiểm yếu, tích thảo dồn lương, rồi triệu tập hết binh mã cần vương đánh thốc qua Huỳnh Long phủ đón Nhị Đế về báo hận cho Trung Nguyên, sao lại dời đô tìm hưởng sự an nhàn làm
mất lòng dân trông cậy? Vả lại Lâm An là nơi gần biển, bốn phía đều chạm mũi giặc, Miêu Phó và Lưu Chánh Ngạn đều là lũ nịnh thần, xin bệ hạ chớ nên nghe lời mà lâm hại.

Cao Tông nói:

– Từ ngày quân Kim
xâm lấn bờ cõi, dân chúng khổ sở nhiều về nạn binh đao, nay may mắn Ngột Truật thua trốn về nước, trẫm muốn sai sứ nghị hòa để cho quân sĩ nghỉ
ngơi, rồi sau sẽ lo khôi phục. Lòng trẫm đã quyết khanh chớ lo chi cho
nhọc.

Nhạc Nguyên soái nói:

– Nếu bệ hạ đã quyết thì kẻ bầy
tôi không dám trái ý. Vậy nay thiên hạ đã gần yên mà hạ thần thì cách xa nhà cửa đã lâu, hơn nữa hiện nay mẹ già yếu gần đất xa trời xin bệ hạ
cho hạ thần về làng cũ phụng dưỡng mẹ già cho thỏa chút tình mẫu tử.

Cao Tông nghe tâu mừng rỡ y tấu ngay, chư tướng thấy vậy cũng đều xin về,
kẻ thăm cha mẹ, người thăm mồ mả. Cao Tông ban thưởng vàng lụa cho mỗi
người rồi cho hết trở về quê quán.

Nhạc Nguyên soái cùng chư tướng tạ ơn lui ra rồi sắm sửa dắt nhau về quê hương!

Cao Tông truyền chỉ phong cho Hàn Thế Trung làm chức Thành An Quận Vương
trấn thủ đất Giang Châu không cần phải về kinh vì Cao Tông sợ Hàn Thế
Trung can gián rầy rà nên sai quân đón đường giao ấn sắc rồi cản lại
đừng cho về Triều.

Sau đó Cao Tông chọn ngày lành sắm sửa đem hết
gia quyến xa giá về Nam, bá quan theo hộ giá lăng xăng, bá tính đi theo
rất nhiều. Chỉ mấy hôm sau đã đến Lâm An.

Miêu Phó và Lưu Chánh
Ngạn vội ra nghênh tiếp thánh giá vào thành rồi đưa vua thẳng đến chỗ
cung điện mới lập. Cao Tông trông thấy lầu đài xây cất vô cùng tráng lệ
trong lòng vui sướng, liền truyền chỉ đổi hiệu là Thiệu Hưng năm thứ
nhất, đồng thời phong cho Miêu Phó và Lưu Chánh Ngạn làm chức tả hữu Đô
đốc.

Nói về Ngột Truật thua chạy về bổn quốc vào ra mắt vua Kim, quì mọp dưới thềm, Vua Kim Ô Cốt Đạt nói:

– Ta nghe nói Thái tử Hồ Hãn chết tại Trung Nguyên, Kim Đạn Tử cũng bỏ
mạng, mi lại đem bảy chục vạn quân ròng qua chết gần hết tại đất Trung
Nguyên, nay còn mặt mũi nào về đây nhìn ta nữa? Quân đao phủ đâu, hãy
đem hắn ra chém quách cho rồi.

Quân đao phủ tuân lệnh áp lại trói chặt Ngột Truật toan dẫn đi thì quân sư Hấp Mê Xi bước vào giập đầu dưới bệ, tâu:

– Muôn tâu thánh thượng, quả thật không phải Nguyên soái bất tài, chỉ vì
Nhạc Nam Man, đa mưu túc trí nên mới bị thảm bại như vậy.

Hấp Mê
Xi bèn đem hết việc bại binh tại Bát Bàn sơn, Thanh Long sơn, ái Hoa sơn cùng việc xua quân qua Hoàng Hà thuật hết đầu đuôi cho Kim Vương nghe
rồi nói:

– Bởi Nhạc Nam Man thần cơ diệu toán, điều binh khiển
tướng như thần, nên chúng thần bị hắn đuổi đến Trường Giang, binh tướng
hao rất nhiều. Khi qua được sông chúng thần về kiên thủ tại Hà Giang phủ đợi cho Nhạc Nam Man kẻo binh đi bình thảo khấu nơi Hồ Quảng mới định
kế phân binh thành. năm đạo kéo vào đánh Trung Nguyên. Khi qua sông,
được bọn Lưu Dự, Tào Vinh dâng ải Hoàng Hà. Chúng thần kéo đến Kim Lăng
không một sức nào dám kháng cự. Khương Vương chạy đến Hàn Châu, tìm được thuyền trốn thoát. Tứ Điện hạ đuổi riết đến Hồ Quảng vây Khương Vương
tại Ngưu Đầu sơn, chẳng dè lại bị Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Trương Tín và Lưu Kỳ, bốn vị Nguyên soái dẫn đại binh đến cứu giá cộng hết binh mã
hơn ba mươi vạn, chúng thần đánh với chúng một trận quyết liệt, rủi thất cơ bị thua chạy đến sông Hớn Dương không đủ thuyền để qua sông, bị Nhạc Nam man giết chết rất nhiều, sau đó lại bị Hàn Thế Trung chặn đánh phải lui vào Hoàng Thiên đãng may nhờ số trời còn chưa dứt nên được thẫn
minh chỉ bảo chạy được ra Lão Hạc Hà trốn thoát. Cũng còn nhờ Hoàng Bỉnh Nô và Cao Thái Bảo những dũng

tướng dám liều mình cứu chúa chịu
chết thay nếu không thì Tứ hoàng tử cũng không còn để đến nỗi Chúa công
phải ra tay trừng phạt. Vậy xin chúa công ra ơn dung thứ.

Kim Vương Ô Cốt Đạt nghe Hấp Mê Xi kể sự tình

suy nghĩ hồi lâu rồi truyền tha cho Ngột Truật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.