Lửa Hận Rừng Xanh

Chương 2: Quái vật hồ ba bể



Hồ Ba Bể, một chiều dịu nắng…

Trời đang xanh thẳm, gió thổi hiu hiu mang theo hơi nước từ mặt hồ mát
rượi. Thình lình mây đen từ đâu kéo về lớp lớp, cảnh vật sa sầm, gió thổi ào
ào, cây rừng trút lá rồi mưa rào đổ xuống như trút nước. Giây phút cả một vùng
danh lam thắng cảnh đã chìm sâu trong lớp sa mù.

Chợt, từ trong cảnh mưa mù hiện ra hai thớt ngựa phi như gió cuốn trên
đường dẫn đến hồ. Một con ngựa bạch, một con ngựa hồng chạy song song.
Trên lưng ngựa bạch là một thiếu phu rất đẹp trạc hai bốn, hai lăm tuổi, trang
phục theo lối đàn bà Thái. Nàng ngồi vắt hai chân sang phía trái, rạp mình ra
roi. Trên ngựa hồng là một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, vẻ quắc thước
rắn rỏi của con nhà võ. Cả hai đều mặc áo mưa, người ngựa ướt sũng, chốc
chốc lại ngoái dòm lại đằng sau vẻ hấp tấp lo ngại khác thường.

Nhìn kỹ sẽ thấy nơi bả vai người đàn ông bị một vết thương loang máu,
chưa kịp băng bó, rõ vừa trải qua một trận chiến đấu sinh tử.

Bất thần, đang chạy bỗng con ngựa bạch của thiếu phụ ngã dụi xuống, hất
tung nàng qua đầu. Nàng chỉ kịp kêu lên một tiếng đã bắn lộn theo ngựa ra về
phía trước. Người đàn ông giật mình nhưng phản ứng rất nhanh, tung mình
nhảy vèo qua đầu ngựa vươn tay túm được lưng áo thiếu phụ đúng lúc nàng sắp
ngã vật xuống đường. Người đàn ông hoành thân ôm gọn thiếu phụ trong tay,
động tác rất đẹp và chính xác như con diều hau chụp bắt gà con. Con ngựa
hồng cũng dừng phắt vó, hí lên một tràng.

– Ngựa bạch chết rồi! Đây cũng gần tới hồ, cố gắng chút nữa sẽ thoát hiểm! Để anh giấu xác ngựa bạch!

Người đàn ông đưa thiếu phụ lên ngựa hồng, trao cương cho nàng rồi cúi
xốc phăng con ngựa bạch lên vai chạy vụt vào cách rừng bên hữu. Thoắt cái
đã chạy ra, nhảy lên ngồi sau lưng thiếu phụ, giật cương vọt đi vội vã.

Đường núi quanh co, hai bên đồi cỏ rừng cây chập chùng, chạy được một
quãng, ngựa hồng bắt đầu thở hộc, nó cố vểnh bờm quất đuôi chạy miết,
nhưng nước kiệu lại “cao đầu phóng vĩ” đã lệch lạc, vó xiêu, mõm nghiêng coi
bộ đã kiệt sức vì trải qua cả trăm dặm bôn hành. Vó câu như có thể đổ sụp bất
cứ lúc nào!

Thình lình thiếu phụ ôm bụng kêu lên vật vã muốn đổ dụi xuống. Người
đàn ông hoảng hốt buông vội tay cương ôm cứng lấy nàng:

– Trời! Sao thế… em?

– Anh ơi… đau chết mất thôi! Hình như… cái thai… chắc chuyển bụng đẻ… Trời ơi, đau quá!

– Trời! chuyển bụng đẻ… giữa đường mưa gió như vầy… làm sao bây giờ?

Em cố nhịn đi… ráng đến hồ sẽ có chỗ an toàn!

Người đàn ông cuống quýt, bồng vợ nằm hẳn trong lòng, lấy mình che
mưa cho nàng. Thiếu phụ càng quằn quại, cắn chặt răng, ôm bụng co quắp thở
hổn hển:

– Đau! Đau mà… Khát lắm! Không nhịn được đâu… Anh ơi! Nãy giờ em
cố nhịn… Không cho anh biết sợ anh rối trí! Trời ơi! chắc… đẻ vai… đến nơi…
Anh ơi!

Thì ra thiếu phụ có mang đã đến thời kỳ sinh nở, lại phải cưỡi ngựa bôn
hành xông pha mưa gió nên càng khiến nàng trở dạ mạnh.

Người chồng đảo mắt dòm quanh. Xa xa trong lớp mưa mù, trên đầu con
dốc phía trước có một cái quán đơn sơ nằm trơ vơ cạnh lối mòn. Người chồng
lưỡng lự giây phút vùng bảo vợ:

– Kia có cái quán! Phải vào kiếm chỗ khô ráo cho em sinh nở đã rồi sẽ
liệu!

– Đừng… Anh ơi… Đừng! Kẻ thù… sắp đuổi đến nơi… chạy đi anh!
Thiếu phụ vừa rên rỉ vừa cố thều thào bảo chồng. Người đàn ông thở hắt
ra:

– Không được! Dẫu thế nào cũng phải kiếm chỗ cho em sinh!

Dứt lời, thúc ngựa chạy tới. Vó câu chưa ngừng hẳn, người đàn ông đã
bồng vợ nhảy vèo xuống như một cơn lốc, bước nhanh vào trong quán. Quán
vắng, chỉ có một người khách đang ngồi độc ẩm nơi chiếc bàn bên cửa sổ.
Chủ quán đang ngồi ngáp vat nhìn trời mưa gió, thấy có người vào lật đật đứng
lên. Không chờ y hỏi, người chồng nói luôn:

– Nhà tôi đau đẻ giữa đường! Mong ông rộng lượng giúp cho!

Như bị ong đốt, chủ quán dẫy nẩy kêu lên:

– Trời đất! Sao… Sao lại khiêng người đẻ vào đây? Ôi! Thế thì… chết cả
nhà tôi mất! Ông khách ơi!… Xin ông làm phước đem bà nhà về Bắc Cạn ở đó
có nhà thương! Ôi chao! Sinh dữ tử lành mà ông lại không biết sao?

Y xua tay lia lịa, người chồng cố khẩn khoản, xuống nước:

– Trời mưa gió, nhà tôi trở dạ bất ngờ giữa rừng, xin ông mở lòng nhân đức
cho chúng tôi nhờ chút qua cơn hiểm nghèo! Chúng tôi không dám để ông
chịu thiệt thòi đâu!

Gã chủ quán có lẽ nhiễm nặng thói tục xưa nay nên chỉ sợ xúi quẩy, cứ
nằng nặc vò đầu bứt tai bảo đi kiếm chỗ khác. Người chồng năn nỉ cách nào
gã cũng không chịu. Bỗng có tiếng nói xen vào giọng sang sảng như chuông
đồng:

– Này, tên bần tiện kia! Mưa to gió lớn giữa rừng chỉ có quán nhà mi, còn
đuổi người ta đi đâu! Mi cũng từ trong đũng quần mẹ mi chui ra sao không biết
thương người sinh đẻ? Đưa người ta vào nhà trong mau! Để người ta đẻ vãi, ta
vặn cổ mi đó!

Người khách ngồi bên cửa sổ lừ lừ đứng lên bước tới. Lúc này người chồng
thiếu phụ mới nhìn rõ. Đó là một bà già sơn cước cao lênh khênh đến thước
tám có dáng dấp nhiều phần giống đàn ông! Qua cách ăn mặc cho thấy bà ta
là người Dao. Đặc biệt cặp mắt bà ta xanh biếc, sáng quắc như hai bóng đèn
nhỏ chứng tỏ một tay cao bản lãnh, nội lực cực kỳ sung mãn!

Gã chủ quán định cất lời mắng lại, chạm phải tia mắt bà ta đâm ra ấp
úng:

– Tôi… tôi…

Bà già liếc nhìn thiếu phụ, bụng nàng phập phồng cuồn cuộn thấy rõ.

– Mau đưa người ta vào trong! Còn chờ gì nữa, tên kia!

– Không được đâu… bà cụ.

Gã chủ quán thu hết đởm lược phản đối. Chưa dứt câu bỗng nghe “rầm”
một tiếng, chiếc bàn lớn bằng gỗ lim bên gã đổ sụm xuống, mặt bàn vỡ vụn
làm nhiều mảnh. Bà già quài tay túm gáy gã bêu lên cao, trầm giọng:

– Mi có muốn như cái bàn đó không?

Chủ quán giãy dụa như đỉa phải vôi, hai chân chòi đạp lung tung, miệng
méo xệch đi cầu cứu, vợ hắn từ sau chạy ra chắp tay lạy rối rít:

– Ấy đừng! Bà cụ ơi… Khéo chết nhà con mất! Đừng làm thế cụ ơi! Con
xin vâng lời cụ!

Bà già buông “huỵch” gã chủ quán xuống đất. Gã lóp ngóp ngồi dậy, suýt
xoa, lấm lét dòm cái bàn bể nát rồi bảo người chồng:

– Thôi, mời ông đem bà nhà vào đây!

– Vào đi! Ta giúp cho một tay! Mau!

Bà già người Dao hất hàm giục. Cả mừng, người đàn ông bồng vợ tất tả đi
theo gã chủ quán vào căn buồng xép phía trong.

Vừa đặt xuống chiếc giường tre, thiếu phụ đã lăn lộn nắm lấy thanh
giường bẻ răng rắc. Bà già ra lệnh:

– Vợ chồng tên bán quán mang chậu than, kiếm một bộ đồ, vài cái tã cho
đứa nhỏ, chuẩn bị lửa củi, mau lên! Khép cưa lại tránh gió lùa! Nhớ kiếm ít
bông băng, thuốc sát trùng!

Bà già ngồi xuống bên giường, xốc thiếu phụ lên, thò tay nắn bụng mấy
cái, bảo người chồng:

– Sắp đẻ rồi! Gần vỡ nước ối!

Đoạn, tiếp tục nắn vuốt xoa bóp cho thiếu phụ luôn tay. Chủ quán mang
các thứ cần thiết vào. Bà già đuổi y ra rồi để chậu dưới chân sản phụ. Người
chồng cởi trần trùng trục nhóm lửa giữa buồng nấu nước. Đống lửa vừa nhóm
xong, bà già cởi y phục người vợ ném cho người chồng vắt, hơ cho khô.

– Hừ! Chửa đẻ còn đẹp như tượng đúc! Gái này bạc mệnh, đến đâu loạn
đấy! Đẻ con đầu lòng, coi bụng chửa này chắc đẻ con gái!

Chợt thiếu phụ oằn mình rên rỉ, bụng nhô cuồn cuộn rồi… ục! ục!

– Vỡ ối rồi! Rặn mạnh! Rặn từng hơi! Ta tiếp sức cho!

Người chồng không dám nhìn vợ, chàng ta ngồi hơ áo. Bên ngoài trời vẫn
mưa to ào ào. Bỗng nhiên liền mấy tiếng sấm rền trên không trung, rồi có một
tiếng sét cực lớn đánh “ầm”, ánh điện trời loằng ngoằng nhấp nháy chiếu sáng
rực căn buồng. Thiếu phụ giật nảy mình rồi có mấy tiếng “oe oe” tiếp liền, bà
già sơn cước bật kêu lên:

– A! Đẻ đúng lúc sét đánh! Con gái! Ta đoán không sai! Con bé này hấp
thụ nộ khí thiên cương, mai sau ắt thiên hạ phải đảo điên vì con thiên lôi đả!
Người chồng nhào lại quả nhiên đã thấy bà già bồng một đứa nhỏ đỏ hỏn
trên tay. Hài nhi coi bụ bẫm, xinh xắn khiến chàng ta mừng rỡ cảm ơn luôn
miệng. Bà già tắm rửa, buộc rốn quấn bụng cho con nhỏ xong trao nó cho
người chồng, rửa tay.

– Mặc quần áo cho vợ mi! Mạch nó còn loạn, để ta cho vài viên thuốc khỏe!

Bà già moi trong bọc ra một ống trúc nhỏ, dốc ra một viên bỏ vào miệng
sản phụ, chiêu thêm ngụm nước nóng. Rồi dúi luôn ống trúc cho người chồng:

– Còn mấy viên giữ cho vợ uống dần! Mi cũng uống môt viên đi, ta coi mi
cũng mất sức nhiều đó!

Chàng ta làm theo lời, kính cẩn cảm ơn, nhưng bà già đã gạt phắt đi, vẻ
khó chịu, nói gọn lỏn:

– Đẻ đái xong rồi, liệu mà trông vợ, kiêng mưa gió!

Đoạn bước luôn ra ngoài, ngồi vào bàn uống rượu, không muốn nói
chuyện, bỏ mặc hai vợ chồng với đứa hài nhi trong buồng.

Bỗng có tiếng vó ngựa khua nhanh trên đường rồi dừng rập trước quán.
Một người đàn ông mặc áo chàm, đầu chít khăn Thổ ghìm cương nhìn dáo dác
vào trong, lẩm bẩm nói một mình:

– Lạ thật! Ngựa cậu đây mà sao không thấy ngựa của cô?

Người này nhảy xuống chạy thốc vào quán. Vuốt nước mưa trên mặt, hỏi
lớn:

– Cậu Hai, cô Ba có đây không?

Trong buồng, người chồng nghe tiếng giật mình phóng ra:

– Nùng Kham đó ư?

Người mặc áo chàm mới tới vụt kêu lên nhào tới ôm lấy vai, run giọng thở
gấp:

– Trời cậu Hai! Cô Ba đâu? Tưởng chạy tới nơi rồi sao lại còn ở đây? Chết
hết cả rồi, cậu ơi! Chúng nó sắp đuổi tới rồi! Cô Ba đây? Chạy mau đi thôi!

– Sao? Chú bảo ai chết? Còn ông già chú với bọn…

– Chết sạch rồi! Cha tôi bị thương nặng… chẳng hiểu sống nổi không? Bọn
áo đen ghê như ma quỉ, chạy phía nào nó cũng biết. Cô Ba đâu?

– Trở dạ giữa đường… vừa đẻ xong!

– Trời! Cô Ba vừa đẻ… làm sao bây giờ! Nó sắp tới!

Người chồng dắt Nùng Kham vào buồng. Thiếu phụ đang nằm nghỉ, gượng
nhỏm dậy kêu:

– Kìa, chú Kham!

– Cô Ba ơi… chúng nó sắp đuổi tới rồi!

Nùng Kham vừa dứt lời, thiếu phụ bật kêu “trời” đau đớn, nàng gỡ tay
chồng ra gắng bước xuống đất vừa thở vừa nói:

– Phải chạy ngay! Nán lại chết hết! Đừng để nó bắt… Anh ơi!

Người chồng bối rối khó xử. Tình thế quá ngặt, vợ vừa đẻ xong dầm mưa
nguy hiểm. Nán lại, quân thù ập tới cũng chết. Chàng đang phân vân, Nùng
Kham bế luôn đứa hài nhi, lấy chăn bọc kín mấy lượt, nói luôn:

– Cậu Hai đỡ cô Ba, tôi bồng em bé được rồi! Mau lên nào!

Hai vợ chồng bước ra chắp tay vái bà già người Dao, nói nhanh:

– Ơn đức lão bà vợ chồng chúng tôi suốt đời ghi lòng tạc dạ! Nay gặp cơn
nguy, chẳng thể nán lại, cúi xin người xá cho!

Xong quay sang tạ chủ quán, trả tiền rồi vội dắt dìu nhau lên ngựa chạy đi
bất kể mưa gió tầm tã ngoài trời. Bà già nhìn theo hơi cau mày, lẩm bẩm:

– Vừa đẻ xong đã dầm mưa chạy! Hừ!

Hai vợ chồng thiếu phụ cùng Nùng Kham mải miết ra roi, chạy chừng ba
dặm, cả bọn bỏ đường mòn phi vào một cánh rừng thưa bên tả, ven hồ, người
chồng ghìm cương nói nhanh:

– Giấu ngựa ở đây, mau! Giờ chỉ cần bơi ra ngoài hòn đảo kia là thoát! Có
chỗ trú ẩn an toàn!

Thiếu phụ nhìn theo tay chồng chỉ. Lờ mờ trong mưa mù, xa xa có một
hòn đảo nhô lên khoảng giữa hồ. Giấu ngựa xong, cả bọn kéo nhau chạy. Nào
ngờ vừa đến bờ hồ bỗng nghe một tiếng hú quái gở ngân dài:

– Hà hú! Gái Bạc mang vòng xanh chạy đâu? Đứng lại! Hà hú!

Ba người sửng sốt đảo mắt dòm quanh. Từ xa có một bóng trắng lòa xòa
mang cà kheo xông tới, xế trốc đầu bóng này là một bầy dơi cả trăm con ào ào
bay theo.

– Trời! Em ơi, chính mụ Hấp Huyết Quỉ Nương đó! Nùng Kham, chạy mau
đến chỗ giấu thuyền!

Người chồng bồng vợ lao vọt đi theo bờ nước. Chừng trăm thước tới một
lùm cây rậm rạp cạnh một tảng đá lớn. Người chồng đặt vội vợ đứng xuống,
vén cành lá len vào lôi ra một chiếc thuyền nan, đẩy xuống nước:

– Xuống thuyền mau!

Cả ba hối hả xuống thuyền. Thiếu phụ ngồi giữa ôm hài nhi vào lòng ủ
kín. Người chồng quơ vội cặp bơi chèo ném Nùng Kham một cái, giục:

– Chèo nhanh!

Thuyền nan ra xa bờ chừng ba mươi sải thì bóng Hấp Huyết Quỉ Nương
cũng vừa đuổi tới.

– Hà hú! Gái Bạc mang vòng xanh chạy đâu cho thoát!

Tiếng hú quái gở vụt cất lên cao vút, lập tức bầy dơi bay vù vù rượt theo,
quỉ nương mang cà kheo lội luôn xuống nước. Người chồng chèo một tay, tay
kia rút súng bắn chận bầy dơi, Quỉ Nương.

Thình lình, từ trên bờ, chếch phía dưới bỗng hiện ra một bầy nhân mã
mặc toàn quần áo đen, trùm kín mặt.

– Tên bất tài vô dụng kia! Mau để công chúa họ Bạc lại! Cãi lời mất mạng!
Một tên ra dáng cầm đầu hô lớn, giọng hắn vang vang bay xa lồng lộng
trên mặt hồ.

Người chồng mím miệng, căm giận chụp luôn cây súng trường của Nùng
Kham đưa lên nhắm bắn. Đoàng! Đạn xẹt qua mang tai tên đầu đảng. Hắn
phất tay ra hiệu cho thủ hạ. Hàng loạt đạn từ bờ bắn vãi ra lõm bõm quanh
mạn thuyền. Nhưng hình như không có chủ ý bắn người, chỉ dọa cản không
cho thuyền ra xa. Có lẽ chúng sợ trúng “con mồi”.

Trong khi đó Quỉ Nương cùng bầy dơi đã xông tới gần. Người chồng vừa
ấn vợ nằm úp xuống vừa bảo Nùng Kham:

– Cứ chèo thẳng!

Thuyền nan vùn vụt lao đi bất chấp những đường đạn rít veo véo trốc đầu.
Được chừng vài chục sải nữa, hai người đàn ông đang mải miết chèo đột nhiên
giật mình khựng lại. Phía trước mũi thuyền chẳng biết từ khi nào xuất hiện một
bóng người đứng chặn vật vờ trên mặt nước. Chừng nhìn kỹ mới hay đó là một
người đàn ông mặt mũi phương phi hồng hào mặc áo gấm tía, đầu chít khăn,
tay cầm gậy, bên hông đeo lủng lẳng mấy cái bầu đựng rượu. Người này đứng
lềnh bềnh trên mặt nước nhờ một miếng ván dưới chân.

– Trời! Ai nữa đây…?

Người chồng bật kêu sửng sốt. Người lạ mặc áo gấm vụt “trôi” đến sát
thuyền dòm cả bọn hất hàm hỏi:

– Chạy đâu gấp vậy? Phải bị bọn kia đuổi bắt?

Đoán người này là cao nhân dị sĩ chi đây, người chồng chắp tay thi lễ nói
nhanh:

– Vợ chồng tôi bị mấy đám thù nhân đuổi gấp, mong ngài lượng thứ cho
chúng tôi đi!

Người áo gấm rút bầu tu ực xong dòm thiếu phụ nheo mắt:

– Này, Trẫm hỏi thật, phải nàng là công chúa họ Bạc trên Tây Bắc đi trốn
đó không? Chớ ngại, Trẫm không phải hạng người lùng bắt gái đẹp đâu!

Người vợ bối rối, xúc động, giây lâu nàng khẽ nói:

– Dạ… phải! Vợ chồng tôi bị nạn dữ, lại vừa sinh cháu bé giữa đường…
cúi xin ngài mở lòng nhân đức bao dung, ân bằng trời biển!

– Chớ lo! Trẫm sẽ đuổi lũ đầu trộm đuôi cướp đó cho cô nàng! Hà! Tuy
nhiên Trẫm với vợ chồng cô nàng cũng như bèo nước gặp nhau… Hà…

Người áo gấm đưa bầu vào miệng tợp một hớp, buông tiếp lời:

– Hà! Bèo nước gặp nhau, sau này biết bao giờ tái ngộ… Hà! Bởi thế Trẫm
cũng muốn có một vật để giữ làm kỷ niệm! Hà, cô nàng nghĩ ra sao?

– Dạ, chẳng hay ngài cần chi? Người chồng vội dỡ lời hỏi.

Người áo gấm xưng “Trẫm” nói luôn:

– Vòng xanh! Gái Bạc tặng mỗ chiếc vòng xanh, mỗ cứu cho!

Hai vợ chồng ngạc nhiên nhìn nhau, thiếu phụ họ Bạc nhíu mày lẩm
bẩm:

– Lại đòi vòng xanh! Vòng xanh! Chiếc vòng ngọc bích của ta có gì ghê
gớm mà… sao cả mấy đám thù nhân với ông này đều quyết đòi lấy?

Nàng bảo người áo gấm:

– Dạ, bẩm ngài, gái này quả có chiếc vòng xanh, kỷ vật gia đình. Nhưng…
nếu ngài đánh đuổi lũ ác nhân kia, giúp vợ chồng tôi thoát nạn… gái này xin
biếu ngài làm kỷ niệm!

– Hà hà! Tốt lắm! Nàng đưa đây cho ta!

Người áo gấm gật lia vẻ mừng rỡ lạ thường, đưa tay ra. Thiếu phụ cúi lần
tìm chiếc vòng. Thình lình mặt hồ cuộn sóng ầm ầm, nhô cao đến mấy thước
rồi “ầm” một tiếng, nước tóe rộng cầu vồng văng ra mấy hướng, mạnh đến nỗi
chiếc thuyền nan cùng người áo gấm bị hất dạt ra hai phía. Nước trùm cả đầu
cổ mặt mũi mấy người ướt sũng. Từ dưới đáy hồ, một hình thù quái gở theo con
sóng vọt lên cực kỳ mãnh liệt, bốc hẳn khỏi mặt nước đến ngót hai thước, rồi
rơi ùm xuống. Hình thù rất to lớn, dài ngoằng, đầu to như cái thúng, mõm
ngoác rộng đỏ như chậu máu, mắt cũng đỏ khé, nanh nhe dòm mấy người
trông mười phần hung tợn, khủng khiếp.

– À, rồng nước! Con rồng nước này lớn thật!

Người áo gấm bật kêu lớn.

– Thằng sâu rượu mắt mù! Hà! Cả đời mi chưa thấy Giao Long sao? Hà, ta
là chúa Giao Long thần Hồ Ba Bể đây! Hà hà!

Con quái vật phun nước phì phì, phát âm tiếng người chờn vờn âm âm
làm ai nấy rởn tóc gáy. Người áo gấm qua phút bỡ ngỡ, ngó kỹ con quái vật,
trợn mắt quát:

– Láo! Con quái gớm ghiếc dưới vụng chui lên dám xưng Thần trước mặt
Trẫm! Hừ! Mi là quái tinh hay người đột lối quái?

– Hà hà! Thằng sâu rượu ngốc nghếch! Chúa Giao Long trị tội nghịch thượng của mi rồi bắt gái họ Bạc sau!

Lời dứt, quái vật quất mạnh đuôi, xé nước xông tới. Người áo gấm lắc
mình vọt lên không tránh, vung gậy đập xuống. “Bình” một tiếng, con Giao
Long cùng người áo gấm đều bạt lùi mấy sải. Nó hét lên gai nhọn the thé:

– Hú hú! Thằng sâu rượu! Thần Hồ Ba Bể ăn thịt mày!

Người và vật lại xông vào nhau quần thảo. Nước hồ văng tung tóe, cuồn
cuộn sóng. Người chồng vội bảo Nùng Kham:

– Chèo mau!

Hai người đàn ông ra sức chèo thật nhanh. Thuyền vừa lao đi được hơn
chục sải đã bị bầy dơi chặn lại. Người chồng rút súng bắn đuổi.

– Hà hú! Gái Bạc chạy đâu?

Bóng Hấp Huyết Quỉ Nương trắng toát lòa xòa lướt trên đôi cà kheo đã tới
sau lưng. Vút! Vút! Hai mũi giáo cắm phập vào mạn thuyền. Con thuyền tròng
trành muốn hất tất cả mấy người xuống nước. Nùng Kham cùng người chồng
giương súng nổ. Đoàng! Đoàng! Mấy phát đạn sướt qua mình Quỉ Nương cà
kheo, không trúng!

– À, hai thằng ngoan cố dám bắn nương nương! Cho chúng mày xuống âm
ty, Hà hà!

Vút! Một ngọn giáo cắm ngập vào lưng Nùng Kham, nạn nhân thét lên đổ
dụi xuống nước. Vút! Lại một mũi giáo cắm trúng đùi người chồng. Chàng ta
cắn răng chịu đau rút ngọn giáo phóng trả Quỉ Nương. Thiếu phụ ôm chặt hài
nhi, nước mắt chảy dài trên mặt hoa run giọng thảng thốt:

– Trời ơi! Chú Kham chết rồi! Anh ơi!

Người chồng mím miệng cố nén cơn xúc động bảo vợ:

– Nằm úp xuống em!

Chàng ta cố sức chèo nhưng con thuyền bị mấy ngọn giáo, vết đạn xuyên
thủng bên mạn, giờ nước đã bắt đầu tràn vào, nặng hẳn.

– Trời hại ta rồi! Anh ơi… thuyền sắp chìm!

Thiếu phụ nhìn chồng tuyệt vọng than. Ngay khi đó, bỗng nghe tiếng gọi
vang bay trên mặt hồ rộng đầy mưa gió.

– Vợ chồng gái đẻ đâu rồi… Chờ đó! Ta ra giúp một tay đây!

Tiếng nghe quen quen, người chồng bảo vợ:

– Nghe như tiếng… bà cụ người Dao trong quán khi nãy, em à!

Thiếu phụ chưa kịp đáp. Một bóng người hiện ra lướt tới. Bóng này đội
một cái mũ rộng vành đứng trên một tấm ván, tay vung vẩy một sợi dây lưng
điều quất xuống mặt nước theo đà vọt đi. Người chồng dòm sững, cả mừng ôm
vai vợ:

– Đúng bà lão trong quán giúp em vượt cạn khi nãy rồi! Trời còn thương vợ
chồng mình, em ơi!

Bà già lướt chếch tới đón đầu Quỉ Nương, sợi dây lưng điều từ tay bà vụt
phóng sang loằng ngoằng quấn lấy cặp cà kheo. Hấp Huyết Quỉ Nương hét
vang:

– À! Mụ già này là ai, dám gây sự với bản nương nương?

Đoạn vận sức chống lại. Rắc! Rắc! Cả cặp cà kheo gẫy đôi, đổ sụm. Quỉ
Nương tung mình nhảy lên lộn một vòng rơi xuống là là mặt hồ, vừa chạm mặt
nước liền đạp hai chân vào nhau nhảy thêm lần nữa. Tình cờ mụ lại rơi xuống
gần chỗ người áo gấm đang quần thảo với Giao Long Chúa hồ.

– Hê! Mụ quỉ cà kheo định giúp Trẫm đánh con quái nước này chăng?

Người áo gấm cả cười hỏi. Quỉ Nương roi tõm xuống nước, ngoi lên ướt
sũng mắng:

– Hừ! Thằng sâu rượu Tửu Chúa! Nương nương đi bắt gái Bạc, mi cứ ở đó
làm mồi nhắm cho thuồng luồng tinh!

Giao Long chiếu hai tia mắt đỏ khé nhìn Quỉ Nương cà kheo, nó phát cười
âm u:

– Hà hà! Con mẹ cà kheo kia cũng đòi bắt gái Bạc của ta! Chúa Giao Long
ăn thịt mi!

Nó xé nước lao tới thò vuốt chụp mũ Quỉ cà kheo. Mụ lật đật vung trảo
đánh trả. “Bình”! Nhát trảo Quỉ Nương đánh trạm ngực Giao Long. Nó chỉ hơi
khựng lại chút nhưng mụ bị sức phản chấn đẩy lùi mấy sải, tức ngực muốn
nghẹt thở.

– Hừ! Con thuồng luồng tinh này gớm thật!

Giao Long lại xông tới, nhưng người mặc áo gấm đã lướt chặn vung gậy
đập:

– Ê, Quỉ cà kheo! Hai đứa đánh một chẳng chột cũng què! Ta với mụ cùng
hợp sức trị con quái nước này đã!

Cả ba tụm lại đánh nhầu. Giao Long Chúa tuy phải chống hai địch thủ
cùng lúc nhưng nó vẫn không hề nao núng, tả xung hữu đột không để Tửu
Chúa áo gấm và Quỉ Nương chiếm thế thượng phong.

Trong lúc đó, bà già người Dao đã tới bên mạn thuyền. Thuyền ngập nước
đến nửa, sắp chìm, hai vợ chồng phải bồng hài nhi đứng lên.

– Mau ra khỏi thuyền, nắm lấy dây lưng, ta kéo đi cho! Đưa đứa bé cho ta
ẵm!

Người chồng xốc vợ, níu chặt sợi dây lưng điều, bà già địu đứa nhỏ sau
lưng, đứng trụ một chân trên miếng ván chân kia thò xuống khua một cái.
Miếng ván lướt đi mấy sải kéo căng sợi dây điều lôi theo hai vợ chồng cùng
đứa hài nhi. Cứ thế giống như người ta kéo chiếc xe chạy trên mặt đất.

Bỗng từ phía trước mặt lù lù xuất hiện năm, sáu chiếc thuyền lố nhố đầy
bóng người súng ống tua tủa.

– Bạc công chúa! Đừng dại dột chạy trốn vô ích!

Bà già người Dao thở phì cay đắng:

– Trời cao vô tình, không biết xót thương gái đẻ xấu số! Chúng chặn đường
ra đảo rồi! Khốn thay!

Bà ta chuyển hướng kéo hai người lướt chênh chếch về bên tả. Hai vợ
chồng thiếu phụ bám giây lòng nóng như lửa đốt. Nhưng vượt chừng năm mươi
sải đã lại thấy mấy chiếc thuyền xa xa án ngữ phía trước. Người chồng ý thức
cảnh “đường cùng, sức kiệt” vùng bảo vợ:

– Hết đường rồi, em ơi! Chỉ thương con trẻ mới ra đời đã chịu chung nghiệt số!

Giọng chàng ta buồn đến nát lòng. Thiếu phụ mím miệng, gạt nước mắt:

– Anh! Anh nên… thoát đi một mình… mặc mẹ con em!

– Không! Anh thà chết không bao giờ rời em! Anh… một thân nam tử
trượng phu mà không che chở nổi vợ con thì… còn sống làm gì trên đời thêm
nhục!

Thiếu phụ nép đầu vào ngực chồng thổn thức. Bỗng một loạt đạn chíu
chíu trốc đầu rồi “phựt” một tiếng, sợi dây lưng điều nối liền bà già với hai vợ
chồng đứt rời ra.

– Chúng bắn đứt dây kéo rồi, Trời!

Bà già đảo vòng lại chỗ hai vợ chồng quăng đoạn giây bảo người chồng
cột lại. Thiếu phụ như linh cảm phút nghiêm trọng sắp đến, kêu lên nức nở:

– Cụ ơi! chắc không thoát nổi đâu… chúng vây kín mấy mặt rồi! Cụ thương
giùm đứa nhỏ… Gái này nguyện nghìn kiếp không quên ân đức!

Nàng lấy trong áo ra một túi vải lớn hơn bàn tay chút đưa bà già giọng
nghẹn ngào:

– Cụ ơi! Đây là vật kỷ niệm của gái xấu số này, một sợi dây chuyền nửa
mặt đồng tiền và chiếc vòng xanh… xin cụ ra ân trời biển!

Bà già khịt mũi, hừ nhỏ, vẻ đau khổ xúc động lẫn tức giận nhìn xung
quanh:

– Hừ! Lũ chó! Nói gở miệng, nếu gái đẻ chẳng may có bề gì, ta sẽ nuôi
dạy con nhỏ nay cho đến trưởng thành! Đủ sức trả thù cho cha mẹ… Đừng lo
chuyện đó! Giờ thử cách nữa xem sao! Gái đẻ biết bơi, lặn không?

– Dạ, biết!
Thiếu phụ định vùng khỏi tay chồng. Bà già xua tay:

– Ta hỏi cho biết thôi! Mi vừa sinh đẻ không nên dùng sức nguy hiểm đến
tính mệnh! Chồng mi sẽ kè mi bơi và lặn sâu xuống vượt qua vòng vây, khi đó
ta sẽ cầm chân bọn chúng trên mặt nước! Nào, theo ta! Buông giây để chúng
khó nhận ra! Nếu thoát sẽ gặp lại tại Chapa vào tuần trăng tới!

Bà già lướt về thuyền địch. Người chồng cặp vợ bơi theo rất êm. Cả hai
chỉ hơi nhô đầu khỏi mặt nước để thở. Đến cách thuyền địch chừng ba mươi
sải, bà già ra hiệu cho hai người lặn sâu xuống.

– Bọn kia, chúng mày là đám nào? Sao muốn bắt gái đẻ họ Bạc? Nói ta
nghe!

– Bạc công chúa mang vòng xanh đâu rồi, mụ già? Nãy mụ vừa kéo, giờ
đâu?

Lao nhao từ mấy chiếc thuyền nhiều tiếng cất lên đủ giọng Kinh, Tày,
Trung Quốc… bà già người Dao cười thét:

– Tìm đi! Không chừng gái đẻ sa tay thuồng luồng tinh hay bọn Tửu Chúa,
Quỉ cà kheo rồi!

Nhiều tiếng lao xao bàn tán. Chợt một gã đầu trọc cao lớn như hộ pháp
trỏ bà già kêu lên:

– Kìa! Mụ già có địu đứa con nít sau lưng. Hầy! Chắc đứa nhỏ Bạc công
chúa mới đẻ rơi dọc đường!

– Anh em, bắt lấy mụ! Mụ dám giữ vòng xanh trong người lắm đó!

Đạn bắn líu chíu mấy phía. Bà già vừa di động nhảy nhót, bắn trả vừa dụ
chúng đuổi theo.

Chừng đoán vợ chồng thiếu phụ đã lặn khỏi vòng vây, bà già tăng tốc lực,
lướt vùn vụt trên mặt hồ theo hình chữ “chi”.

Thình lình, một tiếng “ầm” khủng khiếp vang lên khiến bà già phải quay
lại dòm. Ngay hướng vợ chồng thiếu phụ lặn trốn vừa nãy, một cột nước khổng
lồ bắn tung tóe, rồi con Giao Long Chúa vụt nhô lên cười thét lồng lộng, hai
chân trước nó túm chặt hai người, một nam một nữ bêu lên. Chính là vợ chồng
thiếu phụ vừa nãy!

– Trời ơi! Vợ chồng gái Bạc xấu số! Tội nghiệp! Tội nghiệp!

Bà già thở phì, lắc đầu. Ngay lúc Giao Long Chúa vừa bắt được con mồi,
lập tức cả mấy đám săn đuổi Bạc công chúa liền đổ xô lại. Bọn Tửu Chúa, Quỉ
cà kheo cũng ào tới. Cuộc hỗn chiến nổ ra dữ dội trên mặt hồ, sóng cuộn ầm
ầm, đạn bay chi chít, tiếng la hét vang động khắp một vùng. Mỗi lúc càng
thêm nhiều kẻ kéo đến tham chiến.

Bà già người Dao định quay lại, chợt nghe tiếng đứa hài nhi khóc oe oe
sau lưng, đành hậm hực thở dài, quài tay ra sau vỗ về nó:

– Nín đi! Nhỏ con! Ta sẽ nuôi nhỏ con khôn lớn, dạy dỗ thành tài, mai sau
trả thù cho cha mẹ! Nín đi! Ta chỉ có vú da, ta sẽ kiếm cho nhỏ con hai bầu
sữa!

Dứt lời, cố nén mối bi hoài, lân mẫn, bà già lắc mình nhắm hướng bờ hồ
lướt vào.

Mưa đã tạnh, trời đang tối dần. Trên bờ không một bóng nhân mã. Bà già
tìm chỗ dấu ngựa, lên yên, ra roi phóng đi. Bóng người địu đứa nhỏ sơ sinh
trên lưng hút nhanh vào bóng tối.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.