Hơn hai mươi năm về
trước, Lỗ Ân là một thiết huyết bảo tiêu trong nha môn quan tuần phủ
Chiết Giang. Lúc đó, đội ngũ Thiết huyết từ trên xuống dưới được chia
làm ba cấp, đó là đao khách, đao vệ và đao thủ. Lỗ Ân khi đó là một đao
khách cao cường. Ông vốn đã có công phu gia truyền, sau khi gia nhập đội ngũ Thiết huyết, lại được rèn luyện đao pháp thực dụng nhất, hiệu quả
nhất trong chiến đấu thực tế, nên mọi chuyến bảo tiêu đều vượt qua hiểm
nguy hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng trong một lần, khi Lỗ Ân đến Phúc Kiến đón người nhà của quan tuần phủ, trên đường đã bị cường đạo tập
kích. Trong lúc giao chiến hỗn loạn, ông đã đánh nhầm phải đại công tử
đang cuống cuồng bỏ chạy. Sau khi đến Hàng Châu, do vết thương quá nặng, đại công tử đã không qua khỏi, Lỗ Ân cũng khó thoát khỏi tội chết.
Lúc đó, Lỗ Thịnh Nghĩa cũng vừa đến Hàng Châu bái kiến đại sư phong thủy
Định Vô Nghi. Nhận lời mời của quan tuần phủ, cả hai người đã đến dinh
thự của ông ta để xem xét phong thủy. Lỗ Thịnh Nghĩa nhận ra kiến trúc
nhà ở của tuần phủ có chỗ ác phá(*), và tìm được trên xà nóc của chính
sảnh năm cây đinh quan tài gỉ sét đã bị cưa mất đầu mũ. Đó chính là thứ
đinh “ngũ độc tuyệt hậu”. Lỗ Thịnh Nghĩa đã giảng giải cho quan tuần phủ về mức độ nguy hại ẩn tàng trong đó, gán nguyên do cái chết của đại
công tử cho chỗ ác phá này. Nhờ vậy Lỗ Ân mới thoát khỏi tội chết, chỉ
bị đuổi về quê.
(*) Trong Phong thủy học gọi những vị trí gây ảnh hưởng tới cách cục tổng thể là “phá”. Có loại “phá” được hình thành tự
nhiên, cũng có loại là do con người tạo ra. “Ác phá’ ở đây là một thủ
đoạn độc ác do con người tạo ra, cốt tình bố trí những thứ gây phá hoại
cách cục phong thủy và gia thế vận đạo của người khác tại những vị trí
xung yếu trong nhà của họ.
Lỗ Ân là một hán tử cương cường trọng
nghĩa, cho rằng mạng sống của mình do Lỗ Thịnh Nghĩa ban cho, nên đã đi
theo Lỗ Thịnh Nghĩa từ đó. Ông ta cũng đổi sang họ Lỗ, lấy một chữ “Ân”
để làm tên, thể hiện tấm lòng biết ơn và trung thành với Lỗ gia. Mặt
khác, cũng đỡ mất công phiền hà giao nộp công văn đuổi về cho quan phủ
tại quê cũ.
Lỗ Thịnh Nghĩa và Lỗ Thiên Liễu bám sát sau lưng Lỗ
Ân. Lỗ Thịnh Nghĩa luôn đi trước Lỗ Thiên Liễu nửa bước, đó chính là
thói quen của ông, ông cần phải đảm bảo an toàn cho Lỗ Thiên Liễu. Thói
quen này xuất phát từ tình yêu thương ông dành cho cô, vốn dĩ cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu suy xét một cách sâu xa, tại sao ông lại yêu
thương cô đến thế, tự đáy lòng ông cũng cảm thấy rất khó giải thích.
Với ông, Lỗ Nhất Khí và Lỗ Thiên Liễu đều là những báu vật do ông trời ban
tặng. Năm xưa khi ông và anh trai phá vách Bách anh dưới nước, đã trúng
phải lời nguyền tuyệt hậu. Lời nguyền còn chưa hóa giải, vậy mà ông trời đã ban cho ông những hai đứa con bảo bối. Đứa con ruột Lỗ Nhất Khí chắc chắn là một bảo bối, nhưng ông không dám giữ bên mình; còn đứa con gái
mà ông nhặt được đây cũng là một bảo bối, nhưng ông không thể rời xa.
Năm đó, sau khi gửi Lỗ Nhất Khí đi, ông Lục đã giúp ông tính toán quẻ Phục
Hy. Quẻ tượng nói rằng phía tây nam Mộc vương, sẽ xuất hiện kỳ tài, ngày sau không chừng hữu dụng. Thế là ông một thân một mình lặn lội tìm kiếm khắp vùng tây nam, nhưng không gặp được gì cả.
Một hôm, ông đến
vùng Đại Lý, nhận lời của Vô Do pháp sư tại chùa Thiên Long, đến giúp
chùa điêu khắc một khám thờ bằng gỗ với chủ đề “Quan âm thuyết pháp lánh phàm trần”. Khi nhắc đến nhành liễu cầm trên tay Quan Âm, ngoài cổng
bỗng xuất hiện một bé gái chừng năm sáu tuổi, áo quần rách rưới, mặt mũi lấm lem.
Đứa bé nhìn chằm chằm vào chiếc bát đựng mấy cái bánh mà Lỗ Thịnh Nghĩa chưa kịp ăn đang để trên bàn rụt rè lên tiếng:
– Cha ơi, con đói!
Lỗ Thịnh Nghĩa nghe vậy, trong lòng trào dâng một nỗi xót xa, bàn tay cầm
dao khẽ run rẩy, rạch hỏng cành liễu, cứa đứt cả ngón tay ông.
Một giọt máu hồng nhỏ trên cành liễu, hòa cùng một giọt nước mắt nóng hổi.
Lúc này, từ trong đại điện Phổ Tế, Vô Do đại sư đang tụng niệm Phật hiệu, bỗng cất tiếng sang sảng mà nói vọng ra:
– Vô Do tức là do trời, liễu đứt tức là liễu trời; ý trời tức là ý người, con gái của trời chính là con gái ông đấy!
Và sau chuyến đi tây nam lần ấy, Lỗ Thịnh Nghĩa đã đưa theo về một cô con
gái nhỏ, đặt tên là Lỗ Thiên Liễu. Lúc đó, Lỗ Thiên Liễu không biết mình từ đâu lưu lạc tới Đại Lý, cũng chẳng biết mình bao nhiêu tuổi. Lỗ
Thịnh Nghĩa liền coi như đứa bé bằng tuổi Lỗ Nhất Khí, ngày sinh cũng
lấy cùng với sinh nhật của Lỗ Nhất Khí.
Khi mới đi vào trong
cổng, Lỗ Thiên Liễu bám sát theo sau Lỗ Thịnh Nghĩa, nhưng sau đó cô dần dần tụt lại. Không phải cô không theo kịp, mà cô cố ý bước chậm hơn. Vì cô còn phải vừa đi vừa tụ khí ngưng thần, giữ cho ba giác tỉnh táo, để
đến lúc quan trọng có thể ứng phó kịp thời.
Ba giác tỉnh táo là
gì? Thính giác, khứu giác và xúc giác của Lỗ Thiên Liễu đều nhạy bén
khác thường. Cô chỉ cần ngưng thần tụ khí, tập trung tâm lực, ba giác
này lập tức có thể cảm nhận được những thứ cực kỳ vi tế như kiến bò cỏ
mọc, mùi khí vị đá, và đặc biệt rất nhạy cảm với những thứ ô uế quái dị. Chính nhờ khả năng đặc biệt bẩm sinh, nên cô đã dễ dàng luyện được công phu Tịch trần(*) của Lỗ gia.
(*) Tịch trần tức trừ bụi, có nghĩa là trừ bỏ những thứ ô uế. Kỹ thuật này xuyên suốt trong toàn bộ quá
trình xây dựng, do mỗi một khâu, hoặc vô tình hoặc cố ý, đều có thể lưu
lại chỗ phá bại, cần phải dùng phương pháp này để trừ bỏ và bổ cứu. Đặc
biệt là sau khi khánh thành, phải tiến hành vệ sinh quét dọn tất cả mọi
bộ phận của toàn bộ công trình kiến trúc. Cần phải dọn dẹp bụi bặm và
những thứ dơ bẩn, đồng thời cũng phải loại bỏ tất cả ám phá minh xung
gây phá hoại đến cát tướng phong thủy tổng thể. Vì vậy kỹ pháp này yêu
cầu người thực hiện phải thuần thục khinh công mới có thể lên xuống dễ
dàng trong toàn bộ công trình kiến trúc.
Cô ngộ tính rất cao,
luyện công phu Tịch trần chẳng tốn bao nhiêu tâm lực. Về sau, khi đã lớn lên, cô dần dần nhận thấy rằng, trong những thứ mà ba giác của mình có
thể cảm nhận được, không phải thứ nào cũng có thể giải quyết bằng Tịch
trần. Thế là cô cả ngày bám riết lấy ông Lục để học công phu Bố cát(*)
và Thiên sư pháp. Ở bên ông Lục lâu ngày, giờ cô nói tiếng Ngô còn thuần thục hơn cả ông Lục.
(*) Tức là bố trí tốt lành, thực ra phương
pháp này chính là xem phong thủy, định vị trí. Nếu có thứ gì gây nguy
hại cho cát tướng phong thủy hoặc bản thân cách cụ có chỗ thiếu sót, có
thể áp dụng một phương thức nhất định để bổ cứu. Phương pháo này cần
phải kết hợp kiến thức của Phong thủy học và kiến trúc học. Trong toàn
bộ quá trình xây nhà, tất cả những khâu cần phải dùng nghi thức để đảm
bảo cho sự may mắn tốt lành của cách cục phong thủy, cũng đều được thực
hiện bởi phương pháp Bố cát.
Ông Lục thời trẻ đã học Thiên sư
pháp ở núi Long Hổ, mặc dù chỉ học được chút ít, nhưng cũng đã đủ vốn
liếng để đối phó với những thứ ma quỷ quái lặt vặt. Nhưng Lỗ Thiên Liễu
vẫn chưa hài lòng, cô thậm chí còn theo ông Lục lên tận núi Long Hổ, nói là muốn học được Thiên sư pháp chính tông huyền diệu hơn nữa.
Ông Lục dẫn Lỗ Thiên Liễu lên núi Long Hổ, nhưng chỉ ở đó bảy ngày đã quay
về. Các vị đạo sĩ già phong thái tựa thần tiên ở núi Long Hổ đều rất quý mế Lỗ Thiên Liễu, thế nhưng không ai chịu dạy Thiên sư pháp cho cô, mà
chỉ giảng giải chút ít về Bát quái Dịch số, Kỳ môn Độn giáp, và kể cho
cô nghe một số vật quái dị, việc ly kỳ khác. Họ đều cho rằng cô không
cần phải học, vì cô đã lờ mờ hiển hiện tướng “bích nhãn thanh đồng”(*).
Đạo gia và Đông y đều cho rằng “bích nhãn thanh đồng là thần tiên”. Vì
vậy, chí ít Lỗ Thiên Liễu cũng là nửa người nửa tiên, yêu ma quỷ quái
nhìn thấy cô sẽ phải né tránh. Lỗ Thiên Liễu lại cho rằng đó là cái cớ
để các lão đạo sĩ từ chối truyền dạy tuyệt kỹ cho mình. Nhưng nghĩ lại
mình cũng chỉ là một đứa con gái, quả thực không thích hợp để học các
thuật rước thần đuổi ma, nên cũng thôi không nài nỉ thêm nữa.
(*) Có nghĩa là mắt biếc con ngươi xanh.
Nhà cửa vùng Giang Nam thường có bố cục khuất khúc quanh co, ẩn tổng thể
trong chi tiết. Rất nhiều viên lâm trạch viện lớn có bố cục chẳng khác
nào một mê cung. Nhà cửa xây theo phong cách này, khi bày khảm đặt nút,
hay ám toán kẻ đột nhập, thường sẽ nhắm vào người đầu tiên và cuối cùng
để ra tay, chứ không hướng mũi tấn công vào những người ở giữa. Vì đường lối bên trong rất ngắn, liên tục rẽ ngoặt quanh co, che chắn khéo léo,
người đi phía trước đã qua chỗ ngoặt đến mấy bước, mà người sau chưa
chắc đã bám theo kịp.
Người đi sau đến chỗ rẽ, phải quan sát kỹ
mới biết được phía trước nên đi đường nào. Đôi khi, mặc dù đã nhìn thấy
người phía trước, nhưng con đường dưới chân chưa chắc đã dấn được tới
nơi, không chừng lại có ao nhỏ, cầu ngắn chắn đường, phải đi vòng sang
bên cạnh. Chỉ có người ở giữa mới có thể luôn phối hợp được với hai phía trước sau, và trước mặt sau lưng cũng luôn có người hỗ trợ che chắn. Vì vậy, Quan Ngũ Lang vốn định đi sau cùng, nhưng đã bị ông Lục ngăn lại.
Ông biết rõ mặc dù Quan Ngũ Lang dũng mãnh kiên cường không màng sống chết, nhưng anh ta quá thật thà, rất dễ mắc lừa. Nếu như để anh ta đi đoạn
hậu, chỉ cần hơi tụt lại phía sau, chắc chắn sẽ trúng bẫy.
Thế là Quan Ngũ Lang đi lên phía trước ông Lục. Anh ta đeo xéo cái gùi tròn
sau lưng, tay nắm chặt chuôi đao bằng sắt sống. Dẫu rằng Ngũ Lang là đệ
tử của Lỗ Ân, nhưng anh ta lại không biết đao pháp xuân thu. Điều này có liên quan tới ngộ tính và thể trạng, cũng liên quan đến tính khí và
nhân cách của anh ta.
Ngũ Lang mới chín tuổi đã bắt đầu theo nghề kéo thuyền ở bên sông Vận Hà, nhưng khi đó, sức ăn đã khỏe gấp đôi
người trưởng thành, sợi dây kéo thuyền sau lưng anh ta bao giờ cũng căng hơn tất cả những người khác. Ngũ Lang mồ côi cha mẹ từ tấm bé, bẩm sinh sức khỏe hơn người, nhưng lại không phải là một nhân tài luyện võ, vì
bản tính quá chất phác, thiếu linh hoạt. Thế nhưng lại rất thích hợp để
luyện kỹ pháp Lập trụ(*) trong công phu Lục hợp của Lỗ gia.
(*)
Bất kể loại kiến trúc nào, sau khi định cơ (định móng) trước tiên phải
dựng trụ cột chắc chắn cho những bộ phận chủ chốt, như vậy mới có thể
tiến hành những công đoạn xây dựng tiếp theo. Các kiến trúc thời cổ đại
lại càng coi trong công phu Lập trụ. Vị trí lập trụ thứ nhất phải ứng
với phương vị phong thủy được xác định trong khâu Bố cát và Định cơ. Sau đó căn cứ vào vị trí, góc độ, khoảng cách giữa các điểm lập trụ để xác
định độ lớn nhỏ và chất liệu của cột trụ, từ đó mới tính toán được lượng vật liệu cần sử dụng cho toàn bộ công trình kiến trúc. Đương nhiên,
trong lập trụ quan trọng nhất là phải chắc chắn.
Bình thường Quan Ngũ Lang rất mực cần cù chăm chỉ. Anh ta luôn nghĩ rằng có thể vào được Lỗ gia đã là một phúc khí lớn lao, nên luôn cần mẫn tận tụy, gắng làm
thật tốt mọi việc được giao phó.
Lỗ Ân đã nhân theo con người anh ta mà cho luyện ngón phác đao, đồng thời truyền thụ chiêu pháp Khuyên
nhi đao (đao xoay tròn) biến hóa cực ít. Đao pháp này trong giang hồ còn gọi là “toàn phong sát” (gió xoáy giết). Kỳ thực bản thân Lỗ Ân cũng
không thuần thục đao pháp này, vì thứ nhất nó cần đến nhiều sức mạnh;
thứ hai, đao thủ không được phép chóng mặt. Nhưng hai điểm này đều rất
phù hợp với Ngũ Lang. Không những anh ta bẩm sinh sức lực hơn người,
sóng gió đã quen, không hề biết thế nào là chóng mặt.
Ông Lục đi
sau cùng, thần thái hết sức tự tin, giống như ông vẫn luôn tin tưởng vào bản lĩnh của mình. Thế nhưng, xuất thân là một thầy phong thủy lang
thang phố chợ, bản lĩnh mà ông có được đều là những lý luận và phương
thuật lạ lùng, cũ rích. Những cao nhân thật sự cho rằng đó là kiến thức
nửa mùa, người ngoại đạo lại cảm thấy quá cổ lỗ vô dụng. Đặc biệt từ sau thời Dân quốc, nhiều người đổ xô theo thuyết mệnh lý chòm sao của
phương Tây, vì vậy càng chẳng có mấy người chịu nghe ông. Thế nhưng
trong cuộc đời, hẳn ai cũng có được một vài tri kỷ. Đối với ông, tri kỷ
thật sự chỉ có hai. Một trong hai người đó chính là Lỗ Thịnh Nghĩa.
Nhưng suy cho cùng, Lỗ Thịnh Nghĩa có vẻ giống như một người anh em, một người thân thuộc của ông hơn là tri kỷ. Đặc biệt là trong hơn hai mươi
năm sống trong nhà họ Lỗ, ông thực sự đã coi đây là nhà của chính mình.
Còn người tri kỷ thứ hai, ông giấu kín tận đáy lòng, chưa bao giờ mở
miệng hé lộ với bất kỳ ai.
Các chiêu thức trong công phu Bố cát
của nhà họ Lỗ rất trùng hợp với những phương thuật mà ông Lục đã học
được. Các kỹ pháp cần sử dụng cả trí lực và sự khéo léo như tìm huyệt,
chọn giờ, tàng bảo, cải tướng… trong thuật Bố cát đã giúp ông có cơ hội
để bộc lộ tài năng vốn có.
Ông Lục ở nhà họ Lỗ đã nhiều năm, tất
cả mọi người đều kính trọng ông, coi ông như người thầy, người thân
thích. Ở đây, ông đã tìm lại được niềm vui và tình cảm mà lâu lắm rồi
ông không có được. Với ông, một nửa là ơn tri ngộ, còn một nửa là tình
thân, tình bằng hữu.
Trước khi bước vào cổng sau, ông đã kịp lấy
bàn Độn giáp trong người ra xem thử, thấy cửu tinh chủ về sao Thiên Vệ,
hợp với báo thù giải oan, ban ơn kết bạn. Bát môn là Kinh môn, hợp với
bắt giữ trộm cướp, kiện tụng, mưu kế, tạo nghi ngờ. Ông không biết xét
về mặt tướng số là Lỗ gia có lợi hay đối phương có lợi. Lời phán đoán có chút mâu thuẫn, cùng giống như mâu thuẫn đang ngấm ngầm khởi dậy trong
lòng ông lúc này.
Khi ông Lục bước vào cổng sau, chỉ nhìn thấy ba người, Lỗ Ân đi đầu đã rẽ ngoặt về hành lang phía trước. Khi ông đến
chỗ tiếp nối giữa mái hiên với hành lang phía trước, chỉ còn thấy Lỗ Ân
và Lỗ Thịnh Nghĩa đang đi về phía bờ ao ở cách đó khá xa, mà không thấy
bóng dáng Liễu Nhi và Ngũ Lang đâu nữa. Ông cũng không mấy bận tâm, vì
rất có thể giữa ông và Lỗ Thịnh Nghĩa còn có một đoạn khuất khúc, phải
ngoặt thêm một vài chỗ nữa mới có thể nhìn thấy người.
Đúng lúc
đó Lỗ Thịnh Nghĩa ngoảnh đầu lại, nhìn thấy ông Lục ở tận phía sau, vẻ
mặt đột nhiên biến sắc. Ông không nói gì, cũng không đi tiếp, mà đứng
yên tại chỗ, đợi ông Lục đuổi tới. Ông Lục đuổi kịp tới nơi, nét mặt
cũng ngẫn ra. Vì con đường ông vừa đi qua là đường thẳng, không hề có
chỗ quanh co. Điều đó có nghĩa là Lỗ Thiên Liễu và Quan Ngũ Lang đã đột
ngột biến mất.
Ở những nơi như thế này, nếu có người thình lình
biến mất một cách vô duyên vô cớ, chỉ có một cách giải thích hợp lý duy
nhất, đó là đã rơi vào cạm bẫy. Nhưng điều khiến người ta không thể ngờ
được khảm diện ở đây lại ra tay với người chính giữa; hơn nữa, còn hốt
mất hai con người sống hẳn hoi vừa mới sờ sờ ngay trước mắt một cách âm
thầm gọn ghẽ không một tiếng động. Khảm diện đó rốt cục được bố trí theo kiểu gì? Thủ đoạn thật quá đỗi bất thường! Nhưng cho dù là bình thường
hay bất thường, chúng đã đạt hiệu quả như mong muốn trong sự kinh ngạc
sững sờ của đối thủ.
– Mọi người tiếp tục đi đi, tôi ở đây tìm
họ! – Ông Lục nói. Ông vốn yêu quý Lỗ Thiên Liễu và Quan Ngũ Lang hết
mực, với một người không nhà cửa vợ con như ông, niềm vui trong suốt
những năm tháng vừa qua đều là nhờ hai đứa trẻ này mang lại. Tình cảm
giữa họ đã gắn bó đến mức khó có thể chia lìa.
Lỗ Thịnh Nghĩa
không nói lời nào. Trong ánh mắt ông, một niềm kiên nghị đã lấn át mọi
cảm xúc khác. Ông quả quyết quay người bước đi. Và lúc này, ông mới phát hiện Lỗ Ân không hề dừng lại. Ông ta đã rẽ vào con đường nhỏ lát đá
trứng ngỗng rợp bóng hoa che, và mất hút phía sau một hòn non bộ.
Lỗ Ân không hề quay đầu lại, ông tập trung toàn bộ sức chú ý vào con đường phía trước, không hề để ý đến phía sau. Cũng không trách được ông, vì
nhiệm vụ của ông là đi trước mở đường. Hơn nữa, đi sau ông còn có mấy
người bản lĩnh cao cường, nên ông cũng không cần thiết phải phân tâm.
Sau hòn non bộ có mấy cái gốc cây cao lớn, khiến cả một góc vườn trở nên âm u khác thường. Con đường nhỏ liên tục xuất hiện những đoạn bậc thang
dẫn xuống phía dưới. Lỗ Ân thận trọng men theo, đến trước một căn lầu
nhỏ bên cạnh ao nước. Căn lầu quả thực rất nhỏ, lầu trên lầu dưới đều
chỉ có duy nhất một phòng, mặt tường quay về phía ao nước của cả hai
tầng lầu đều lượn hình vòng cung. Tại tầng dưới, chỗ nhìn ra ao nước có
một thềm đá bằng phẳng rộng chừng một hai trượng vuông chìa ra ngoài mặt nước. Mái lầu có đầu đao nhô lên cao vút, mái giữa hai tầng lầu cũng có đầu đao uốn cong. Dưới hai mái đều có treo hoành phi, bức phía trên
viết “Gác Quan Minh”, bức dưới viết “Đài Hý Liên”.
Lỗ Ân dừng lại trước căn lầu, ông vẫn không quay đầu lại. Thật kỳ lạ, chẳng lẽ một vị
thiết huyết đao khách lừng lẫy một thời, giờ nay ngay cả việc người sau
lưng không đi theo kịp cũng không phát hiện ra hay sao?
Đúng vậy, ông không phát hiện ra. Vì trực giác đã mách bảo ông rằng, phía sau ông vẫn luôn có người bám sát. Mặc dù sau khi vào cổng, họ bước đi hết sức
nhẹ nhàng, không phát ra một tiếng động, nhưng tất cả mọi hơi hướng động tĩnh dù nhỏ nhất cũng không thể lọt khỏi đôi tai tinh tường của Lỗ Ân.
Vì thế mà ông biết, từ lúc bước vào cổng cho đến giờ, bước đi và động
tác của người phía sau vẫn không hề thay đổi, mức độ nặng nhẹ cũng rất
đồng đều. Và điểm quan trọng nhất chính là bước chân và động tác đó vô
cùng quen thuộc với ông.
Lỗ Ân lại tiến thêm mấy bước về phía căn lầu, đến bên cạnh một gốc cây lớn ven bờ ao. Từ vị trí này, có thể nhìn xuyên qua chấn song hoa của cửa sổ tầng một, quan sát được mọi thứ bên
trong. Căn lầu tuy nhỏ nhưng bài trí rất tinh tế. Bên trong có một bộ
bàn ghế bằng gỗ gụ chạm hoa quét nhựa sơn, hai bên là chiếc trường kỷ
bằng gỗ gụ kê sát tường. Ba mặt của căn phòng đều có cửa sổ. Tại mặt
tường hướng về phía ao nước, ngoài cửa sổ còn có thêm một cánh cửa nhỏ
tám ô khảm kính. Bước qua cánh cửa này, có thể đi xuống được thềm đá
chia ra mặt nước. Cửa sổ tầng dưới và tầng trên đều khảm nhiều ô kính
sặc sỡ đủ màu, nhà bình thường ít khi có kiểu cách xa hoa như vậy.
Các ô cửa sổ và cửa chính đều không đóng chặt. Một đợt gió lạnh từ mặt ao
thổi tới, khiến những cánh cửa sổ rung lên khe khẽ. Các ô kính đủ màu
cũng lấp loáng theo nhịp cửa rung.
Lỗ Ân đưa ánh mắt quét qua
những ô kính màu, một luồng khí lạnh buốt bỗng chạy dọc sống lưng, toàn
thân lông dựng đứng. Ông ngỡ rằng mình đã nhìn nhầm, nên lại đưa mắt
nhìn thêm một lượt nữa. Kết quả khiến ông vô cùng kinh sợ, ông bèn dấn
thêm vài bước về phía trước. Tiếng bước chân phía sau cũng lập tức bám
theo, khoảng cách còn gần hơn so với ban nãy.
Lỗ Ân cảm thấy sống lưng căng thẳng, mồ hôi lạnh túa ra từ chân tóc, như một con sâu bò ngoằn ngoèo vào tận trong gáy.
Hình ảnh phản chiếu trên ô cửa kính đã phủ định thính giác của Lỗ Ân: sau lưng ông không hề có một ai!
Trong lòng Lỗ Ân khởi lên một nổi sợ hãi mơ hồ. Ông từng là một đao khách
khét tiếng, biết bao sinh linh đã trở thành hồn ma dưới lưỡi đao của
ông, nên ông không tin, cũng không sợ những thứ âm tà quỷ quái, huống
chi là lúc này đang giữa thanh thiên bạch nhật.
Ông đã từng nhìn
thấy ma, đó là ở trong một ngôi nhà hoang bên cạnh Thái Hồ. Khi đó, ông
Lục hết thắp hương lại niệm chú, hết vẽ bùa lại vẩy rượu, cuối cùng cũng lôi ra được một hũ xương người dưới bậc tam cấp của gian nhà chính. Đó
chính là “con ma” duy nhất mà ông từng thấy. Nếu ông Lục chịu nói sớm vị trí của điểm huyệt, ông chỉ đào vài nhát là lôi được cái hũ lên, lấy ra bảo bối trấn trạch ở phía dưới là xong chuyện, việc gì phải phí sức vẽ
vời như thế.
Nếu đã không tin có ma quỷ, tại sao bây giờ ông lại
cảm thấy sợ? Đó là vì ông tin rằng sau lưng ông thực sự có người, một
người hoàn toàn có thể lấy mạng ông.
Nỗi sợ hãi đã thúc đẩy ông
bước tiếp về phía trước, ông muốn nới rộng khoảng cách với kẻ đang bám
theo phía sau, ông muốn tìm ra một vị trí có lợi cho mình.
Tiếng bước chân ở phía sau vẫn bám sát theo ông, khoảng cách cũng mỗi lúc một gần hơn.
Đột nhiên Lỗ Ân nhận ra điều gì đó. Thân thủ và bộ pháp của người phía sau
quả thực vô cùng quen thuộc, quen thuộc đến mức giông hệt bản thân ông.
Hai mí mắt của Lỗ Ân bỗng dựng ngược lên. Không sai, đó chính là thân thủ
bộ pháp của chính ông. Tại sao sau lưng ông lại có một Lỗ Ân nào khác
bám theo nữa?
Lỗ Thịnh Nghĩa vòng qua hòn non bộ. Ông không nhìn
thấy Lỗ Ân, chỉ thấy một con đường nhỏ khuất dưới bóng hoa lượn vòng vào một miệng hang đá dưới chân hòn non bộ. Miệng hang đá không cao, người
lớn phải cúi thấp đầu mới có thể chui vào được. Đường dẫn vào hang cũng
rất hẹp, chỉ đủ một người lọt qua.
Lỗ Thịnh Nghĩa là một cao thủ
về kiến trúc xây dựng. Ông biết nhà cửa ở Tô Châu đều rất chú trọng cách thức bày đá dẫn nước, đá và nước phản chiếu lẫn nhau, cùng tạo thành
chủ điểm trong bố cục viên lâm. Khoan chưa nói tới nước, hãy xem hòn non bộ kỳ dị này trước. Tô Châu ở sát Thái Hồ, đá Thái Hồ vốn hình thụ kỳ
dị, sinh động nhiều thế, thường được dựng giữa sân để thưởng ngoạn. Từ
đời Tống trở về sau, phát triển thành cách xếp đá tạo núi. Đá vốn dĩ đã
có hình thù kỳ quái, xếp chồng thành núi cũng phải thuận ứng theo cái
thế khúc khuỷu tính xảo của đá tự nhiên. Bởi vậy cửa hang tuy thấp nhỏ,
lối vào chật hẹp, nhưng sau khi vào trong, bước thêm vài bước, có lẽ sẽ
là một cảnh tượng khác hẳn.
Nhưng Lỗ Thịnh Nghĩa cũng không khỏi
băn khoăn, tại sao Lỗ Ân không đợi ông đã vội đi vào? Một hang đá giả
sơn như thế này, cho dù không khảm không nút, chỉ nhờ vào tạo hình của
đá và những lỗ hổng muôn hình vạn trạng đã đủ để trở thành một nơi ẩn
nấp lý tưởng cho những kẻ tập kích.
Lỗ Thịnh Nghĩa nâng chiếc hòm gỗ lên, che chắn trước ngực, tay còn lại nắm chắc con dao khắc lưỡi
rộng, hơi gập hai gối, xoạc rộng chân theo thế cung bộ nhỏ, từ từ tiến
vào trong hang. Ông dùng bộ pháp này để hạ thấp thân người mà không cần
phải cúi đầu, đồng thời mở rộng khoảng cách giữa hai chân, một chân cố
gắng tiến thật xa về phía trước. Thế đi này trong “Độn giáp – Vô kế
thiên”(*) gọi là “thạch sùng bò ngược”, ưu điểm là nếu không may giẫm
phải khảm, nút, hay chạm lẫy lọt bẫy, thì cơ thể vẫn chưa di chuyển đến
nơi, nên chưa bị tổn thương đến chỗ hiểm, vẫn còn cơ hội thoát ra. Ngoài ra, nếu chẳng may bị khảm diện khóa chặt, khi vạn bất đắc dĩ vẫn có thể học cách thạch sùng đứt đuôi, tự cắt chân để bảo toàn tính mạng.
(*) Là trước tác của một tú tài cuối đời Minh, người Chiết Giang, không rõ
tên tuổi, chỉ biết tên hiệu là “Tuyên Lạc Sơn Nhân”. Thực chất những nội dung trong sách không phải do ông viết ra, mà chỉ là thu thập chỉnh lý
các phương pháp vận dụng Kỳ môn Độn giáp từ thời cổ cho đến đương thời.
Còn nội dung của “Vô kế thiên” viết những phương pháp bỏ nhỏ giữ lớn,
cách bỏ trốn để bảo toàn tính mạng, thậm chí quay đầu phản kích trong
những tình thế cấp bách không còn kế gì có thể thi triển.
Lỗ
Thịnh Nghĩa đã lọt thỏm vào trong lòn hang tối mịt, giống như bị nuốt
chửng bởi chiếc miệng há hốc của một con quái thủ khổng lồ.