Năm người đều đã bước cả lên bậc thềm, khiến cho cổng sau của ngôi nhà có phần chật chội. Lỗ Thịnh Nghĩa cảnh giác ngẩng đầu nhìn lên phía trên cánh cổng. Đây chỉ là một bức tường đơn, trên tường không lợp ngói, không có song hoa, phía trong cánh cổng cũng không có phòng bên cổng. Lúc này ông mới yên tâm đôi chút, bắt đầu tập trung quan sát cánh cổng sơn đen trùi trũi.
Bề mặt cánh cổng có vẻ rất trơn tru, trơn tru đến mức không hề tìm thấy một khe hở hay một đầu đinh. Trên cửa cũng không có khoen hay tay nắm, ngay cả khe hở giữa cánh cửa và khung cửa cũng hết sức khít khao, tựa hồ như đã dính chặt vào nhau.
Lỗ Thiên Liễu từ từ đưa mu bàn tay lại gần cánh cổng, đến khi chỉ cách cánh cổng chừng một thanh đồng mỏng, thì dừng lại, bàn tay im lìm không nhúc nhích. Đó hoàn toàn không phải một bàn tay nuột nà yếu đuối, mặc dù lòng bàn tay không có vết chai, nhưng đường nét khỏe mạnh cứng cáp, da thịt hồng hào. Đây chắc chắn là bàn tay của người luyện công, có một nền tảng công lực nhất định. Nếu không, làm sao có thể giữ yên phăng phắc như tạc từ ngọc đá thế này.
Mọi người đều chăm chú nhìn vào bàn tay của Lỗ Thiên Liễu, không ai lên tiếng, vì sợ sẽ ảnh hưởng tới xúc giác siêu phàm của cô.
– Cánh cổng làm bằng sắt! – Lỗ Thiên Liễu đưa ra một lời khẳng định.
– Chẳng lẽ nó là loại cổng kín(*), không thể mở được từ bên ngoài? – Giọng Ngũ Lang vang lên oang oang.
(*) Tức là dùng then cửa cài ở bên trong, từ bên ngoài không thể mở được.
– Đồ ngốc! Người ở đây chỉ biết làm cổng không mở được từ bên ngoài, vậy họ đi ra ngoài rồi quay về chẳng phải tự tát vào mặt mình hay sao? – Lỗ Thiên Liễu vừa nói vừa nguýt Ngũ Lang một cái.
– Vậy, vậy thì…. – Ngũ Lang lắp bắp mấy chữ rồi không nói tiếp được gì nữa.
Lỗ Thịnh Nghĩa quay lại nhìn ông Lục, hỏi:
– Tiên sinh cho rằng bố cục của nó ra sao?
Ông Lục cười đáp:
– Lão gia đã biết rõ, lại còn bảo tôi nói ra làm gì. Cánh cửa có hình chữ nhật, lại chạy theo hướng trên dưới như thế này, then cài chắc hẳn chắn ngang ở giữa. Tôi nghĩ nó có bố cục cửu cung cách(*).
(*)Cửu cung cách tức là dùng hai đường ngang, hai đường dọc chia mặt phẳng hình vuông hoặc chữ nhật thành chín ô bằng nhau.
Trong số năm người, ngoài Lỗ Thiên Liễu, ông Lục cũng nói giọng Ngô, ba người còn lại đều nói giọng Bắc Kinh tiêu chuẩn. Nhưng họ vẫn có thể trò chuyện bình thường, không chút trở ngại.
– Năm châu treo cửa cung, nó là “cổng cửu cung huyền châu”! – Lời của ông Lục đã thức tỉnh Lỗ Thiên Liễu, cô nhanh nhảu mở miệng nói liền.
Lỗ Thịnh Nghĩa mỉm cười, đôi mắt nhìn Lỗ Thiên Liễu chan chứa niềm trìu mến.
Lỗ Ân với tay về chiếc sọt đeo sau lưng, lấy ra một thanh đao lớn. Đó là một thanh khảm đao màu xanh đen, sống dày, không có vỏ đao, lưỡi đao được bọc lại bằng một dải da cá mềm rộng chừng hai ngón tay, thân đao khá lớn, dày dặn và nặng nề. Thế nhưng phần che tay chắn trước chuôi đao lại rất nhỏ, chuôi đao cũng rất ngắn. Phần chót của chuôi đao là một quả cầu đồng trơn nhẵn.
Ông ta một tay xoay ngược thanh đao, nắm lấy phần sống, dùng quả cầu đồng ở cuối chuôi đao định gõ lên góc trái phía trên của cánh cổng.
– Từ từ đã! – Ông Lục vội ngăn lại – Chớ vội, chớ vội! Nếu thứ tự không đúng, châu rơi lẫy loạn, cánh cổng không mở ra được nữa, sẽ thành cánh cổng kín thật đấy!
– Đúng vậy đấy tiên sinh! Hai bốn làm vai, chín ở trên, treo ba bảy, còn một sáu tám làm chân, năm ở giữa là ô trống! – Lỗ Thiên Liễu có vẽ rất am hiểu về cách thức mở cửa cửu cung.
– Cái đó là cửa gỗ, còn đây là cửa sắt! – Ông Lục hít sâu một hơi rồi nói.
– Kim, Mộc đổi chỗ. Trước tiên hãy động vào một phía dưới, sau đó đến phân chân là tám, sáu! – Lỗ Thịnh Nghĩa đã lên tiếng. Thường nếu như chưa chắc chắn đến chín phần, ông sẽ không bao giờ đưa ra quyết định. Sở dĩ lúc này, ông có thể trực tiếp chỉ ra trình tự giải nút cụ thể, là nhờ vào một cuốn sách cổ lưu trong trí nhớ già nua của ông.
Trong tác phẩm “Thuật số ký dị”(*) có viết: “Tính toán cửu cung, thêm số ngũ hành, giống như tuần hoàn”, ý là nói cửu cung cách cần phải kết hợp với số ngũ hành mới có thể phán đoán được chính xác.
(*)Còn có tên là “Số thuật ký dị” là tác phẩm của Từ Nhạc người Đông Hán, ghi chép về 64 phép tính toán cổ xưa. Có phép trù tính, tính Thái Ất, tính lưỡng nghi, tính tam tài, tính Ngũ hành, tính Bát quái, tính cửu cung, tính liễu tri, tính thành số, quy toán…. và cơ bản đều là phương pháp tính nhẩm.
Lỗ Ân lại nhìn ông Lục, thấy ông không nói thêm gì, liền hạ cán đao xuống, gõ nhẹ lên phần chính giữa ở phía dưới cánh cổng, sau đó đến góc bên phải phía dưới, rồi chuyển sang góc bên trái phía dưới.
Mọi người đều nín thở, nhìn không chớp mắt vào cánh cổng, chờ đợi xem có phản ứng gì hay không. Họ không nhìn thấy gì, nhưng bên tai đã nghe thấy tiếng lăn tròn của một vật thể gì đấy. Âm thanh mỗi lúc một lớn, dường như những thứ đang lăn mỗi lúc một nhiều thêm.
Một lát sau, âm thanh đột nhiên im bặt, rồi không thấy động tĩnh gì nữa.
– Đồng thời gõ vào hai phương bảy, ba bên trên ô trống!(*)- Ông Lục lên tiếng.
(*) Cửu cung tức là dùng hai đường ngang, hai đường dọc chia thiên cung thành chín ô bằng nhau, là cung Càn,cung Khảm, cung Cấn, cung Chấn, cung trung (giữa), cung Tốn, cung Ly, cung Khôn, cung Đoài, các dãy số theo hàng ngang lần lượt là 4, 9, 2, 3, 5, 7, 8, 1, 6. Khi lấy ngũ hành làm tham số để thiết kế cơ quan tương tác tuần hoàn theo mặt phẳng, chỉ có vị trí số 5 là trung cung để trống, không có tác dụng gì với toàn bộ cơ quan.
Lỗ Thịnh Nghĩa lấy ra một con dao khắc gỗ lưỡi rộng từ trong hòm, gật đầu ra hiệu với Lỗ Ân, rồi con dao khắc và cán dao tròn đồng thời gõ vào mép ngoài bên cạnh hai ô ba, bảy trên ô số năm chính giữa.
Không hề xuất hiện tiếng lăn. Nhưng lại vọng ra tiếng một vật thể nào đó đang trượt đi. Tiếng trượt rất quen tai đối với tất cả những người đang đứng ngoài cổng. Đó là tiếng then cửa đang chuyển động. Cuối cùng, chỉ nghe “cách” một tiếng, then cửa đã vào đúng vị trí.
Cánh cổng bỗng xoay đi êm ru không một tiếng động, không cần ai phải đưa tay đẩy, hơn nữa, còn mở toang hết cỡ, cho đến khi cánh cổng dính sát vào tường.
Bên trong cánh cổng là một lối đi khá ngắn, nói chính xác hơn, đó chỉ là một mái hiên đua ra. Mái hiên chỉ kéo dài đến hành lang phía trước của căn lầu bên trái, nhưng ở chỗ tiếp nối với hành lang, lại tách ra một con đường nhỏ rẽ vào vườn hoa. Bên ngoài dãy lan can song hoa của hành lang phía trước có một hòn giả sơn hình thanh kiếm cao chừng một thân người.
Cách bố cục này rất phù hợp với cát tướng trong phong thủy. Từ cổng sau đi vào, đầu tiên chắc chắn sẽ là sân sau. Thông thường, sân sau không nên thiết kế bố cục kiểu ngã tư, vì thế sẽ tương xung với cách cục của nhà chính. Bởi vậy, lối rẽ ở đây chỉ chia làm ba nhánh. Còn hòn giả sơn hình thanh kiếm bên cạnh hành lang, mũi kiếm đâm chênh chếch vào giữa cổng sau, có tác dụng trấn tà trừ uế.
Lỗ Ân giành phần đi trước, nhưng di chuyển rất chậm, bước từng bước vô cùng cẩn trọng. Ông vừa đi vừa tháo nút cài bằng đồng vành hình mỏ chim ưng trên tấm da cá đang bọc lấy lưỡi đao, rồi lột tấm da ra. Lưỡi đao lập tức hiển lộ, lấp loáng một dải sáng xanh sắc bén. Lỗ Ân lắc khẽ tay trái, dải vỏ bọc da cá liền quấn gọn lên trên cổ tay.
Tư thế cầm đao của Lỗ Ân rất đặc biệt, ba ngón tay bên dưới nắm lấy chuôi đao, ngón cái và ngón trỏ cong thành hình chữ bát nắm lấy mấu che tay bên trên chuôi. Do chuôi đao rất ngắn, nên phải cầm như vậy mới có thể nắm được hoàn toàn. Thế nhưng đó hoàn toàn không phải là cách thức cầm đao miễn cưỡng cho phù hợp với cán đao quá ngắn, mà vì với tư thế đó, ông có thể dễ dàng duỗi thẳng hai ngón tay đang gập cong hình chữ bát, đẩy lòng bàn tay trượt qua quả cầu đồng cuối chuôi đao. Ông biết sử đao pháp xuân thu hoán đổi giữa hai tư thế dựng đao và chúc đao, với cách cầm đao như vậy, có thể giúp ông tùy ý biến hóa giữa hai loại đao pháp dựng đứng và buông chúc một cách chớp nhoáng trong khi giao chiến.
Ngay từ khi còn ở trên thuyền, đã có thể nhận ra ý khí xung chiến của Lỗ Ân rất quyết liệt. Lúc này, khi đao đã trong tay, công lại càng bừng bừng khí thế. Thanh đao đang nằm trong tay vị thiết huyết đao khách năm xưa đã hai chục năm nay chưa hề dính máu. Vì vậy, ánh mắt của ông giờ đây cũng giống hệt lưỡi đao, liên tiếp lóe lên những tia sáng lạnh. Ai cũng nhận ra, ánh mắt rừng rực ấy đang khao khát điều gì.