Cùng Anh Ngắm Hoa Sơn Trà

Chương 29



Thu hoảng hốt bỏ chạy, Thu chạy trên bờ tường, nhìn
thấy lão Thịnh đuổi theo sau. Bất chấp phía dưới có gì, Thu tung người nhảy
xuống, rồi đứng dậy, chạy nhanh vào chỗ có người trong nhà máy.

Chạy được một lúc, Thu ngoái lại thấy lão ta không
đuổi theo nữa, lúc này mới nhìn xem mình có bị thương ở đâu không. Thu nhìn kỹ,
hình như lòng bàn tay trái bị mảnh thủy tinh làm chảy máu, còn nữa không có
việc gì.

Thu đến bên một vòi nước để rửa tay, vòi nước ở ngay
bên cạnh nhà tập thể nam công nhân. Thu rửa sạch tay mới thấy một mảnh thủy
tinh còn găm trong lòng bàn tay, cô rút mảnh thủy tinh ra, nhưng vết thương vẫn
chảy máu, nhưng vừa ấn xuống đã thấy đau, Thu nghĩ có thể bên trong vẫn còn
mảnh thủy tinh, chỉ có thể về nhà lấy kim khều ra.

– Nghe nói Thu bị chảy máu, tại sao thế?

– Thu bị ngã.

Nhất cầm tay Thu xem xét, chợt kêu lên:

– Vẫn còn chảy máu, vào phòng y tế của nhà máy để băng
lại.

Thu định từ chối, nhưng Nhất bất chấp, cầm cánh tay
phải của Thu lôi vào phòng y tế, Thu đành đi theo, chỉ nói:

– Được, để tôi đi, Nhất đừng lôi…

Nhất vẫn không buông tay:

– Sợ gì? Hồi nhỏ Thu đã lôi tay tôi không biết bao
nhiêu lần…

Nhân viên y tế giúp Thu lấy mảnh thủy tinh ra, cầm máu
rồi băng bó lại. Nghe Thu nói bị ngã ở tường rào phía nam nhà máy, nhân viên y
tế còn tiêm cho Thu một mũi phòng uốn ván, bảo ở đấy rất bẩn, tại sao lại ngã?

Từ phòng y tế ra, Nhất nói:

– Bây giờ Thu vẫn phải đi làm chứ? Thôi, cứ về nhà
nghỉ đi, tôi sẽ nói với cái lão Thịnh gù cho. Thu chờ đấy, tôi lấy xe đạp lai
Thu về.

Thu không biết phải thế nào, cô không muốn gặp mặt lão
Thịnh, tay thế này cũng không có cách nào làm việc, chỉ nói:

– Tôi về, Nhất không phải đưa về đâu, Nhất đi làm việc
đi.

Nhất nói:

– Tôi làm ca hai, lúc này còn sớm. Thu chờ tôi đi lấy xe đạp.

Nhất đi lấy xe, Thu lén bỏ về.

Về nhà, chỉ một mình em gái ở nhà, mẹ gần đây phải
chạy chọt nhờ người tìm cho việc dán phong bì ở một tổ dân phố tận bên kia
sông, tính số lượng, dán nhiều hưởng nhiều. Thu khuyên mẹ đừng đi làm, làm vất
vả rồi sẽ đổ bệnh, nhưng mẹ không nghe, nói:

– Mẹ con cũng đỡ vất vả phần nào. Mẹ chỉ ngồi dán
phong bì thôi mà, không tham việc, không làm quá sức, cũng chẳng có vấn đề gì
đâu.

Nhưng mẹ cứ bảy giờ sáng đã đi, đến tận tám giờ tối
mới về, về đến nhà đã hơn chín giờ. Làm như thê mỗi tháng cũng kiếm được mười
lăm đồng. Mẹ bảo tay mẹ làm chậm, không thể nào bằng những bà dán phong bì từ
nhiều năm nay, có bà mỗi tháng kiếm được những hơn bốn chục đồng. Mẹ bảo, ở đấy
nhiều người ít việc, nếu không cũng bảo Thu đến đấy làm. Thu làm gì cũng nhanh
tay, chắc chắn sẽ dán được nhiều.

Thu về nhà, ăn chút gì đó rồi lên giường nằm suy tư.
Không biết lão Thịnh kia có chạy đến chỗ bà Lí để bịa đặt tố cáo Thu sợ khổ, sợ
mệt, không phục tùng sự phân công, bỏ việc không làm? Nếu như vậy bà Lí sẽ
không cho Thu việc làm. Hơn nữa, Thu lao động mấy hôm nay nhưng chưa lấy tiền
công, lao động phụ mỗi tháng chỉ được lĩnh tiền công một lần, bên A thông báo
với tổ dân phố số giờ làm việc của người lao động, sau đấy đến cuối tháng tổ
dân phố mới thanh toán tiền.

Nếu lão Thịnh gù nham hiểm không tính công cho Thu,
Thu sẽ không được lĩnh đồng nào. Thu càng nghĩ càng tức giận, cớ gì để lão ta
điên cuồng như vậy? Có phải vì lão ta là bên A? Lão ta cũng xuất thân từ một
người đi lao động làm việc vặt, nhà máy thấy lão chịu lao động tay chân, chịu
lừa dối áp bức những lao động phụ, cho nên để lão ta quản lý lao động phụ làm
việc vặt vãnh trong nhà máy. Một con người dung tục hèn hạ định lợi dụng Thu,
càng tỏ ra hung ác, hoàn toàn có thể giở thủ đoạn lưu manh ra lắm. Nếu Thu nhảy
từ trên tường xuống chết, có thể tiền tuất cũng không được hưởng. Thu rất muốn
tố cáo lão ta, vẫn đề ở chỗ không có người làm chứng, liệu ai tin Thu?

Thu muốn nói chuyện này với Ba, để anh cho lão ta một
trận. Nhưng Thu lại sợ Ba đánh chết hoặc làm bị thương lão ta thì sẽ bị ngồi
tù, vì một tên nhơ nhớp mà anh phải đi tù quả là không đáng. Đừng thấy Ba là
con người nho nhã hiền lành, hôm ấy anh cầm con dao trên tay, trông anh như sẵn
sàng chơi tới cùng, Thu quyết định không nói chuyện này với Ba. Lại nghĩ đến
chuyện ngày mai phải đến xin việc bà Lí, Thu rất buồn, Thu không sợ khổ, không
sợ vất vả, nhưng rất sợ phải đi cầu xin người khác. Rất sợ người khác lạnh
nhạt, xem thường mình. Giá như “cô em vợ” ở nhà thì tốt, chắc chắn sẽ
giúp Thu. Thu biết “cô em vợ” đã lên đường với người về nhận quân.

Thu bảo em gái đừng nói với mẹ Thu nghỉ chiều nay, để
mẹ không hỏi lý do, mẹ biết lại nóng lòng.

Hơn sáu giờ chiều, bà Đồng đến tìm. Bà Đồng nói:

– Bên A bảo tôi đến báo cho cô biết, hôm nay chỉ đùa
cô vậy thôi, không ngờ cô cho là thật. Ông ấy bảo tay cô bị thương, cứ nghỉ
không vội đi làm, hôm nay ghi cho cô cả ngày công, ngày mai cũng ghi cả ngày
công. Cô có thể nghỉ không công vài hôm, nhưng công việc vẫn để dành cho cô.

Thu không định nói chuyện này với ai, nhưng khẩu khí
bà Đồng, lão Thịnh gù đã tẩy não cho bà ta rồi. Thu không khách khí, nói:

– Ông ta đâu có đùa mà định làm thật.

Nói xong, Thu kể cho bà Đồng nghe đầu đuôi sự việc,
Thu không thể nói ra miệng những lời lẽ bẩn thỉu của lão ta, nhưng bà Đồng hình
như biết tất cả.

Bà Đồng nói:

– Sự việc lớn thế cơ à? Đứng trên tương mà ông ấy dám
làm chuyện ấy? Cứ coi như ông ấy sờ thì cô cũng không sứt mẻ miếng thịt nào, cứ
coi như ông ấy ôm cô, cô cũng không gãy khúc xương nào, việc gì cô phải làm
nghiêm đến thế? Đến kiếm miếng ăn ở những con người ấy, mà cô coi mình quý như
vàng, để đánh mất miếng ăn.

Thu không ngờ bà Đồng xem sự việc chẳng có gì quan
trọng, tưởng như chuyện bé Thu xé ra to, Thu rất bực mình nói:

– Tại sao bà lại nói thế? Nếu ông ta làm như thế với
bà, bà cũng coi không là gì à?

Bà Đồng nói:

– Tôi già rồi, có cho ông ta cũng không sờ. Ấy là tôi
sợ cô bị thiệt, nếu cô nhảy xuống gãy chân, liệu có cho cô hưởng bảo hiểm lao
động? Hãy nghe tôi khuyên, mai nghỉ một hôm, ngày kia cô vẫn đi làm. Cô không
đi làm, ông ấy biết cô giận, ông ấy sẽ trả thù, rồi ra cô không tìm được việc
làm.

– Cháu thật sự không muốn nhìn mặt ông ta nữa.

– Cô làm việc của cô, để ý ông ấy làm gì? Công việc
đâu có phải của ông ấy. Ông ấy ức hiếp cô, cô bỏ việc, chẳng hóa ra cả hai cùng
hỏng việc?

Hôm sau Thu nghỉ ở nhà một ngày. Sang ngày thứ ba Thu
vẫn đến làm ở nhà máy giấy. Cô thấy bà Đồng nói có lí, công việc không phải của
lão ta, can cớ gì mài làm? Nếu lão ta còn giở cái trò ấy, sẽ lấy gạch đập cho
lão chết. Lão Thịnh gù có phần xấu hổ khi trông thấy Thu, không dám nhìn thẳng,
chỉ nói:

– Tay cô làm việc không nên, hôm nay cô giúp phòng
tuyên truyền viết báo bảng. – Rồi lão hạ giọng. – Hôm ấy tôi chỉ đùa thôi, cô
đừng cho là thật, càng không nên nói với ai. Nếu tôi biết cô nói với ai, con
người tôi đây chỉ thích mềm chứ không thích cứng.

Thu mặc kệ lão ta, chỉ nói:

– Tôi lên phòng tuyên truyền.

Liền mấy hôm Thu giúp Phòng tuyên truyền viết báo
bảng, giúp phòng ra tập san của nhà máy. Trưởng phòng là Lưu rất khen Thu, bảo
Thu viết báo bảng rất đẹp, khắc bản đồng cũng đẹp, lại biết vẽ minh họa, anh
đưa cho Thu mấy bản thảo bảo Thu đọc giúp, Thu đưa ra mấy đề nghị quan trọng và
cần thiết, Lưu bảo Thu viết giúp vài bài.

Lưu nói:

– Đáng tiếc, gần đây nhà máy không tuyển người, nếu
tuyển chắc chắn cô sẽ được làm ở phòng tuyên truyền.

Thu vội nói:

– Em cũng sắp được vào thế chỗ mẹ em rồi, nhưng anh
trai em vẫn ở nông thôn, chữ anh ấy còn đẹp hơn chữ em nhiều, biết kéo violon. Nếu
nhà máy tuyển người, anh ấy việc gì cũng biết làm, chắc chắn các anh sẽ không
hối hận vì đã tuyển anh trai của em.

Lưu lấy sổ tay ghi tên và địa điểm lao động của anh
trai Thu, nói nếu nhà máy tuyển người, anh sẽ đề xuất với người đi tuyển lao
động.

Chiều hôm ấy sau giờ làm việc, Lưu còn nói chuyện với
Thu về việc tuyển người, nhà hai người cùng ở một hướng, cùng về một đường. Vừa
ra khỏi cửa nhà máy thì thấy lão Thịnh từ phía sau đi lên, lão ta chào hỏi với
giọng khiêu khích quái dị:

– Nói chuyện vui quá nhỉ, anh chị đi đâu bây giờ?

– Chúng tôi về, tiện đường cùng đi. – Lưu nói.

Lão Thịnh không nói gì, liền lảng sang đường khác. Thu
mất tự nhiên, sợ người khác cũng có vẻ quái dị như lão Thịnh, Thu liền chào
Lưu, bảo vừa sực nhớ phải đi tì bạn, chưa về ngay.

Chia tay với Lưu, Thu đi đường khác, về theo đường
cổng sau của nhà trường. Vừa đến gần tường rào nhà trường Thu chợt nghe có
tiếng người gọi. Đúng là tiếng của Ba. Thu quay lại, cảnh giác nhìn quanh, thấy
không có ai.

Ba đi tới, cười nói:

– Không phải nhìn, chắc chắn không có ai, nếu có người
anh đã không gọi.

Thu đỏ mặt, nói:

– Anh… lên hồi nào?

– Lên sáng nay, không dám vào nhà máy tìm em.

– Đã cuối tuần đâu, làm sao anh đi được?

Anh cười, nói đùa:

– Thế nào, không thích? Không thích thì anh đành phải
về, dù sao thì có nhiều người đi với em.

Thu biết vừa rồi anh thấy Thu đi với Lưu, liền giải
thích:

– Đấy là anh Lưu, trưởng phòng tuyên truyền của nhà
máy, em đang nhờ anh ấy giúp đưa anh trai em về, đi cùng anh ấy một đoạn. – Thu
cảnh giác nhìn quanh, sợ có người trông thấy, vội nói: – Anh chờ em ở đình, ăn
cơm xong em ra ngay.

Ba lo lắng, nói:

– Em không sợ mẹ tìm à?

– Mẹ em chín giờ mới về.

– Vậy thì chúng mình đi ăn gì đó ở ngoài.

– Em gái em ở nhà, em phải về nói với nó một tiếng.

– Em về nhanh lên, anh chờ ở đình.

Thu vui vẻ về. Vừa bước vào cửa, không nghĩ đến chuyện
ăn uống, việc đầu tiên là đi tắm. Hôm nay đúng ngày “bạn thân” đến thăm, Thu sợ
xấu hổ, nên cố tính mặc váy màu thẫm, cái váy may bằng thứ vải giảm phiếu rẻ
tiền, vải mềm, may váy rất thích hợp. đây là vải trắng, Thu nhuộm đỏ may váy,
mặc một thời gian bạc màu, Thu lại nhuộm màu xanh thẫm, thành cái váy mới. Thu
mặc váy, lại tìm cái áo ngắn tay Á Dân cho, áo tuy đã mặc nhưng vẫn còn mới,
Thu đeo túi xách đựng một ít giấy vệ sinh.

Soạn sửa xong Thu ăn vội vài miếng, nói với em gái:

– Chị đến nhà bạn hỏi việc thế chỗ, em ở nhà một mình
có sợ không?

– Không sợ, lát nữa Chung Cầm bạn em đến chơi. – Em
gái hiếu kỳ hỏi Thu: – Chị đến nhà bạn nào?

Thu nghĩ, có thể hôm nay mình hơi khác thường nên nó
mới thấy lạ. Thu nói:

– Có nói em cũng không biết. Chị đi nhé, chị về ngay.

Thu để em gái ở nhà một mình thấy thương em, nhưng
nghe nó nói có bạn đến chơi, nên tự an ủi chỉ đi chốc lát, sẽ về trước khi trời
tối.

Thu ra bến đò, cảm thấy rất kích động, có thể coi đây
là lần hẹn hò đầu tiên, mấy lần trước chỉ là bất ngờ gặp nhau, không có thời
gian soạn sửa. Thu mặc thế này không biết anh có thích không? Thu nghĩ, anh đã
từng gặp nhiều người, chắc chắn gặp nhiều người xinh đẹp và ăn mặc đẹp hơn, như
Thu vừa không xinh đẹp lại vừa không mặc đẹp, không biết phải làm thế nào để
nắm bắt được trái tim anh?

Thu có cảm giác dọc đường mọi người đều nhìn, hình như
biết Thu đi gặp bạn trai. Thu rất căng thẳng, chỉ muốn một bước qua sông ngay,
qua bên kia sông mọi người không biết Thu là ai.

Sang đến bên kia, vừa bước lên bờ thì đã thấy Ba chờ
sẵn, hai người trao ánh mắt, nhưng không ai nói gì, giống như lần trước, đi một
đoạn khá xa Thu mới đứng lại chờ anh. Ba đuổi kịp, nói:

– Hôm nay em mặc đẹp quá, không dám nhận. Em cấu anh
một cái đi nào, để anh xem mình có phải đang nằm mơ có một người con gái xinh
đẹp đang chờ anh?

Thu cười:

– Em nghe quen những lời tâng bốc của anh rồi, không
còn nổi da gà nữa. – Thu đề nghị: – Chúng ta đi dọc bờ sông để không gặp mẹ. Mẹ
về đi đường này đấy.Hai người chậm bước dọc con đường bờ sông. Thu hỏi:

– Anh ăn cơm chưa?

Anh bảo chưa, đang chờ Thu. Có bài học lần trước, Thu
không khách khí, biết anh sẽ có cách mời Thu ăn bằng được, cứ dùng dằng làm mất
thời gian, Thu biết mình tiết kiệm thời gian là để làm gì, Thu cảm thấy ăn uống
trong nhà hàng rất lãng phí thời gian.

Ăn xong, hai người không đến ngôi đình kia, vì đang là
mùa hè, vả lại hãy còn sớm, trong đình có người. Họ ra ngồi bên bờ sông, nơi
vắng người qua lại.

Thu hỏi:

– Hôm nay không phải là Chủ nhật, tại sao anh được
nghỉ?

– Anh lên liên hệ công tác, định chuyển về thành phố
này.

Thu vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, cố tình hỏi:

– Anh đang làm việc tốt ở đội thăm dò, xin điều về
thành phố này làm gì?

Anh cười, nhìn Thu:

– Em không biết à? Anh phải vất vả để được điều về,
chẳng hóa ra mất công toi hay sao?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.