Yên Chi Túy

Chương 3: Hoàn



Đêm đó Hải Đường không trở về.

Ta ôm gối của Hải Đường, khóc mãi đến tận khuya, sáng hôm sau thức dậy trang điểm cho nương nương, hai mắt hệt như quả hạch đào.

Ta bỏ cuộc rồi, không cầu xin nương nương nữa. Người cũng chẳng dò hỏi Hải Đường đã đi đâu.

Cho dù người hỏi, ta cũng không cách nào trả lời, ta thật không biết Hải Đường đã đi đâu, Hải Đường biến mất rồi.

Buổi chiều hôm đó, có một người từ Phủ tướng quân đến, mặc y phục màu tím.

Ngài ấy là Quan Thành Thác, là người mà Hải Đường thương nhớ bấy lâu, nhưng ta không thích ngài ấy.

Quan tướng quân hỏi ta có muốn cùng ngài ấy trở về Phủ tướng quân không.

Nhưng ta chỉ đáp: “Nô tỳ nghe theo sắp xếp của nương nương.”

Ngài ấy lại nói: “Người ta hỏi là nàng, không phải hoàng hậu, nàng có bằng lòng đến Phủ tướng quân không?”

Ta quay đầu, nhìn người đàn ông đang đứng dưới gốc cây keo, trước mắt như hiện ra cảnh tượng ngài ấy tự tay bóp chêt Hải Đường. Đáy lòng gờn gợn phản kháng, thậm chí có thể nói, ta hận người này.

Ta đáp: “Nô tỳ không muốn.”

Điều khiến ta bất ngờ là ngài ấy thực sự tôn trọng lựa chọn của ta, chủ động từ chối lời đề nghị của nương nương.

Thật ra, nương nương cũng đã chớm ý thất hứa, bởi vì Hải Đường biến mất, bên cạnh người chỉ còn lại cánh tay đắc lực là ta.

Ta hệt như một nô tài trí nhớ tệ hại, quên bẵng đi chuyện xưa, vẫn ngày ngày hầu hạ nương nương.

Mãi đến hai tháng sau, ta mới gặp lại Hải Đường.

Nghe mấy ma ma nói Hải Đường đã trở về. Ta lập tức buông đồ thêu trong tay, chạy thục mạng đến gặp tỷ ấy.

Ma ma bảo với ta, Hải Đường đang ở tẩm cung của nương nương.

Ta vội chạy vào, phát hiện khắp phòng đều là cung nữ quỳ rạp dưới đất.

Hải Đường đứng chính giữa, quay đầu khẽ cười với ta, tỷ ấy nói: “Đã lâu không gặp, Yên Chi.”

Ta cúi đầu, nhanh chóng lướt qua tỷ ấy, bước đến bên cạnh nương nương. Đột nhiên nương giơ tay vịn chặt tay ta, ta vội đỡ lấy thân thể run rẩy sắp ngã quỵ của người.

Hải Đường cung kính: “Nương nương, đã lâu không gặp. À, không đúng, là tỷ tỷ, tỷ tỷ đã lâu không gặp.”

Khuôn mặt nương nương không chút cảm xúc, vẫn đó dáng vẻ hào phóng bao năm, nhưng cái siết tay đã điên cuồng đến mức khiến ta đau đớn.

Nhưng ta không quan tâm, điều ta quan tâm là Hải Đường đang mặc y phục của phi tần, búi tóc cài trâm của phi tần.

Tỷ ấy trở thành nữ nhân của hoàng đế, Hải Đường lén qua mặt nương nương, trở thành nữ nhân của hoàng đế.

Nương nương mỉm cười hỏi Hải Đường: “Khi nào muội muội được sắc phong?”

Hải Đường đáp, mùng ba tháng này, cũng chính là ngày kia.

Nương nương nói: “Đổi cái tên khác đi, suy cho cùng tên này đã từng ghi vào nô tịch, không tốt lắm.”

Hải Đường lên tiếng: “Xin nhờ nương nương ban tên.”

Nương nương nói: “Gọi là Ỷ La đi.”

Hải Đường cúi đầu: “Đa tạ nương nương. Hôm nay đã quấy rầy, Ỷ La xin phép cáo lui.”

Sau khi Hải Đường ra ngoài, nương nương trượt khỏi tay ta, ngã quỵ xuống đất. Người hỏi ta, đó vẫn là Hải Đường sao?

Ta nói, đó là Ỷ La, phi tần vừa được bệ hạ nạp vào hậu cung.

Nương nương bật cười, một nương nương xưa nay nho nhã kiềm chế, thời khắc này đang cười đến độ hằn sâu nếp nhăn ở khoé mắt.

Nương nương chưa bao giờ cho phép bản thân cười suồng sã như thế. Người rất sợ tuổi già, rất rất sợ.

Nhưng dù là dáng vẻ này, dù khoé mắt in hằn dấu vết năm tháng, nương nương vẫn xinh đẹp động lòng.

Ấy vậy mà, chỉ có ta và Hải Đường biết rõ, vẻ đẹp của người hôm nay, đã khác năm xưa đến nhường nào.

10.

Người của Nội vụ phủ đến thu gom toàn bộ chăn gối của Hải Đường. Ta nhờ bọn họ lấy đồ của ta đi, để ta giữ lại của Hải Đường.

Lúc Hải Đường đến đã hỏi ta, sao không giữ lấy đồ của mình?

Ta chỉ nói, lưu lại một phần niệm tưởng.

Hải Đường lại hỏi, sao muội không đi cùng ngài ấy?

Ngài ấy là ai. Trong lòng hai ta đều hiểu rõ.

Ta nói: “Không muốn đi, tỷ không có phúc phần đó, muội cũng không hưởng thụ nổi, muội không đi.”

Hải Đường cảm thán: “Dù sao vẫn phú quý một đời.”

Ta nhìn tỷ ấy: “Trước đây tỷ không hề nói vậy.”

Hải Đường thoáng ngẩn ngơ, sắc mặt tái nhợt: “Con người đều sẽ thay đổi.”

Khoảnh khắc Hải Đường rời đi, ta nói với tỷ ấy: “Tạm biệt, Hải Đường.”

Hải Đường không quay đầu: “Muội nên gọi ta là nương nương, hoặc Ỷ La.”

Ta nói: “Tỷ là Hải Đường, muội chỉ gọi tỷ là Hải Đường.”

Hải Đường khẽ đáp: “Không quan trọng, Hải Đường hay Ỷ La, đều là vật làm nền cho mỹ nhân thôi.”

Ta trở thành trưởng cung nữ trong cung của hoàng hậu, thủ đoạn mạnh mẽ quyết liệt, lời lẽ nghiêm túc thận trọng.

Nương nương thường nói với ta, sao ngươi lại giống nàng đến vậy.

Lần nào ta cũng trầm mặc.

Lại vài tháng trôi qua, trong cung truyền đến tin Hải Đường đã có hỷ mạch hai tháng.

Lúc nhận được tin, ta còn đang chải tóc cho nương nương, người gạt phăng đồ đạc trên bàn, cười điên cuồng trước gương.

Tất cả cung nữ trong phòng đều quỳ xuống, hệt như ngày Hải Đường trở về.

Ta chưa kịp lên tiếng, nương nương đột nhiên lao vào vòng tay ta, người gào khóc khản giọng: “Ta nên mừng thay chàng ấy đúng không, nhưng lòng ta đau quá…”

Ta hiểu hàm ý trong lời của người.

Hoàng hậu không có con, lại là nữ nhân được độc sủng ở hậu cung. Cho nên hoàng đế đã bốn mươi tuổi, vẫn chưa có người nối dõi.

Nương nương vốn có một đứa con. Năm xưa khi giai thoại của hoàng đế và hoàng hậu nổi danh khắp thiên hạ, nương nương đã có hỷ mạch.

Khi nương nương chuyển vào cung điện này, long thai trong bụng đã được năm tháng.

Một đời một kiếp một đôi người, con đàn cháu đống, một giai thoại khiến thế nhân ngưỡng mộ.

Ai ai cũng mong ngóng đứa trẻ này, chỉ đợi ngày bình an chào đời. Nhưng nương nương rốt cuộc lại sảy thai, giữa vô vàn kỳ vọng. Từ đó đến nay đã hơn mười năm vẫn không có động tĩnh gì.

Ta luôn cảm thấy, nương nương vĩnh viễn sẽ không thất sủng, bởi vì hoàng đế thật lòng yêu nương nương. Nhưng Hải Đường đã nói, long ân khó đoán, quả thực khó đoán.

Có lẽ, hoàng đế cũng từng mong ba ngàn con sông chỉ cần một gáo no lòng, nhưng giang sơn vạn dặm, ngai vàng cần người kế vị.

Cũng chỉ duy nhất đứa nhỏ này, mới có thể cho Hải Đường cơ hội trở mình.

Khi Hải Đường mang thai đến tháng thứ sáu, nương nương qua đời.

Chỉ sau một đêm, tóc hoàng đế đã bạc trắng, một người đang độ tứ tuần, thoắt cái biến thành dáng vẻ già nua ngoài sáu mươi.

Cùng lúc đó, khói báo động lại bùng lên ở biên giới, Quan Thành Thác xin lệnh dẫn binh ra trận, còn ta, bị tống vào thiên lao.

Nương nương ra đi chưa đầy sáu ngày, Hải Đường đã sảy thai, có người nói là trưởng cung nữ bên cạnh hoàng hậu làm, cũng tức là ta làm.

Nói ta bất bình thay chủ tử, nói ta thực hiện di nguyện của nương nương… vân vân, dù sao ta cũng đã vào thiên lao.

Ta co ro trong ngục giam, không biết đã đợi bao lâu, lâu đến mức toàn thân bốc mùi, lâu đến mức khiến ta hoài nghi, có phải bọn họ chỉ lo đánh nhau nên quên mất ta rồi không.

Vào ngày sinh thần của ta, một tiểu thái giám mang theo hộp thức ăn đến, bên trong là bát mì trường thọ.

Tiểu thái giám nói: “Ăn đi, ăn xong rồi đi.”

Ta nghe lời, cúi đầu ăn cặm cụi.

Sau khi ăn hết bát mì, tiểu thái giám đưa cho ta một túi bạc: “Hải Đường nhờ ta nói với ngươi, số bạc này nhất định đủ cho ngươi mua mì trường thọ cả đời.”

Hải Đường từng nói, mỗi năm tỷ ấy đều sẽ cho ta ăn mì trường thọ.

11.

Ta ra ngoài vào một ngày nắng đẹp, vị cai ngục trông giữ ta nói, bọn họ đã chêt từ lâu.

Bọn họ là ám chỉ ai…

Là nương nương mà ta hầu hạ, là bệ hạ mà nương nương hầu hạ, còn có Hải Đường, phi tần hầu hạ bệ hạ.

Ta ở ngục giam lâu đến mức quên đi ngày tháng, khi trở lại thì thời thế đã đổi thay.

Vị cai ngục kia kể, Quan Thành Thác bại trận vì quốc khố trống rỗng. Quân địch bắt giữ ngài ấy, sau đó công phá hoàng thành.

Hoàng đế uống thuốc độc, chêt trong tẩm cung của hoàng hậu. Sau đó, Hải Đường cũng uống thuốc tự vẫn, người ta kháo nhau rằng, tỷ ấy nguyện chêt vì bệ hạ.

Ta nhìn hoàng thành ảm đạm cô liêu, đáy lòng một mảnh hoang vắng, tựa hồ mười năm ngắn ngủi trong đời, chỉ như một giấc mộng qua.

Không biết vị cai ngục kia lấy đâu ra xấp tiền giấy, hắn đưa cho ta, nói: “Đốt một ít đi, sau này đám dân mất nước như chúng ta, phải đi đâu đốt tiền đây?”

Ta nhớ đến Hải Đường, tay cứ vô thức thả từng tờ vào đống lửa, tro bụi tản mác khắp trời, nước mắt lặng lẽ chảy xuôi.

Ta bất lực, ta hết cách.

Từ đầu chí cuối, ta không làm được gì cả.

Vị cai ngục khuyên nhủ ta: “Cô nương, đừng cố gượng, nuốt lệ vào lòng khó chịu lắm.”

Sau đó, ta mặc cho bản thân gào khóc. Trên người còn nguyên áo tù nhân, quỳ ở hoàng thành năm xưa, nhìn xấp giấy phừng phực đỏ lửa, nức nở như một kẻ hoá điên.

Thật quá mất mặt, nhưng chỗ này cũng đâu còn ai khác.

Vị cai ngục kia nói: “Đi đi, đến một nơi không ai quen biết, nước nhà suy vong rồi, nô tịch của cô nương cũng không còn nữa. Nhớ tìm một gia đình tốt mà gả vào.”

12.

Ta cầm số bạc mà Hải Đường đưa, phiêu bạt đến một thị trấn, mở một cửa tiệm nhỏ, bán bánh bao chỉ ta tự tay làm, tiện thể thêu chút vật phẩm kiếm thêm.

Lúc Quan Thành Thác tìm đến, ta đang bận giêt gà, giơ dao bổ xuống chặ.t phăng đầu gà.

Quan Thành Thác nói: “Yên Chi, đã lâu không gặp.”

Ta hỏi ngài ấy có muốn mua bánh không, nếu không mua thì đi ra ngoài.

Quan Thành Thác bật cười, xoa phần râu lún phún dưới hàm, sau đó lại nói: “Theo ta đi, ta giúp nàng thay đổi thân phận khác.”

Ta lắc đầu, dù không thay tên đổi họ thì cũng chẳng ai nhận ra ta.

Quan Thành Thác vẫn kiên trì: “Theo ta đi.”

Tôi hỏi tại sao thì ngài ấy chỉ đáp: “Có lẽ vì, ngoại trừ ta, chỉ còn mỗi nàng nhớ rõ những chuyện đó.”

Câu nói này quá mức mê hoặc, thế mà ta thật sự đóng cửa tiệm đi theo ngài ấy.

Ta ngồi trong xe ngựa, ló đầu ra hỏi Quan Thành Thác đang ngồi phía ngoài đánh xe: “Không phải ngài đã chêt rồi sao?”

Quan Thành Thác nói: “Ta bị truy binh bao vây, phải nhảy xuống sông, lúc tỉnh lại đã nghe tin ta tử trận rồi.”

Ta gật gù, thở dài trong lòng, rốt cuộc tin đồn đều không đáng tin.

Ta lại hỏi ngài ấy: “Ngày đó ở trong cung, tại sao ngài lại cảm thấy ta là Hải Đường, hoặc phải hỏi là, sao ngài chỉ muốn ta mà không muốn Hải Đường?”

Quan Thành Thác bâng quơ: “Ta thấy trong tiệm nàng bán bánh bao chỉ.”

Ta hối thúc: “Ngài trả lời nghiêm túc cho ta.”

Quan Thành Thác nói tiếp: “Trong yến tiệc hôm đó, ta đã ăn một cái bánh bao chỉ mùi vị khá ngon, thì ra là do nàng làm.”

Ta lặng thinh, chỉ nhìn chằm chằm ngài ấy, Quan Thành Thác dùng roi quất vào mông ngựa, sau đó thở dài:

“Ta dị ứng với phấn thơm, cung nữ mặc y phục xanh nhạt đó, mùi hương trên người nàng ta quá nồng, làm mũi ta đau nhức. Trái lại là nàng, ta từng thấy nàng ở Ngự hoa viên, mùi hương rất thanh đạm. Ta không thể cự tuyệt nữ nhân mà hoàng đế ban thưởng, nhưng cũng không muốn một người làm mũi ta đau nhức.”

Tim ta như tan nát, Hải Đường đến chêt cũng không ngờ bởi vì hộp phấn thơm đó, mới cắt đứt phúc phần mà tỷ ấy ngưỡng mộ bấy lâu.

Ta không còn nước mắt nữa, chỉ cảm thấy hoang đường, mọi thứ thật hoang đường.

Vì phấn thơm, Quan Thành Thác đã chọn ta, vì Quan Thành Thác chọn ta, Hải Đường mới leo lên giường bệ hạ. Sau này, nương nương vì quá độ thương tâm nên mới… Rồi cứ thế, nước nhà suy vong.

Nghĩ lại thì, ta là kẻ tội đồ hại nước hại dân, thế mà cũng là một nhân vật lớn vô danh.

Nhưng ta vẫn đau lòng, vì Hải Đường không bao giờ trở lại nữa.

Sắc trời chỉ còn lưa thưa vệt nắng, xe ngựa chầm chậm hướng về phía hoàng hôn.

Quan Thành Thác hỏi ta: “Sau này nàng muốn làm gì?”

Ta nói, tìm một lang quân như ý.

Quan Thành Thác lại hỏi: “Tiếp theo thì sao?”

Ta đáp, chỉ mong đủ ăn đủ mặc.

Quan Thành Thác bảo ta: “Cụ thể nữa đi, xem nàng thích cuộc sống thế nào? Để ta tham khảo một chút.”

Ta nói: “Sau này trong sân nhà ta phải có một chiếc ghế tựa, còn phải trồng một giàn nho, để ta có thể nằm bên cạnh thưởng thức nho.”

Quan Thành Thác thắc mắc chỉ vậy thôi sao?

Ta tiếp lời: “Ta muốn ngày ngày ngủ đến khi tự nhiên tỉnh giấc, hầu hạ người khác lâu rồi, chưa bao giờ được ngủ thoải mái.”

Quan Thành Thác gật đầu, còn gì nữa không?

Ta nói, ta muốn mỗi bữa đều được ăn no nê, ăn đến mức không đi nổi nữa.

Quan Thành Thác bật cười nghiêng ngả.

Ta hỏi ngài ấy sao thế, ngài ấy cười đáp, nàng mô tả thật giống như đang nuôi heo.

Nuôi heo thì đã sao, sống quá tỏ tường để làm gì, chi bằng cứ mơ hồ qua hết tháng ngày.

_HẾT_

Ẩn


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.