6.
Hải Đường nói tỷ ấy muốn viết một cuốn tiểu sử về Quan Thành Thác, mọi tư liệu đều góp nhặt từ nội dung của mấy thoại bản này.
Quan tướng quân thích màu tím, cuốn sách mà Hải Đường viết được đề tựa là Quan Thành Thác dư tử (Quan Thành Thác và màu tím).
Còn ta, bởi vì mọi chuyện đều bắt chước Hải Đường, nên cũng múa bút theo tỷ ấy.
Cuốn ta viết có tên là Tử đích Quan Thành Thác (Màu tím của Quan Thành Thác).
Hải Đường kể rằng, mỗi năm đến dịp yến tiệc trong cung, tỷ ấy với tư cách là trưởng cung nữ bên cạnh hoàng hậu, có thể đứng xa xa trộm nhìn Quan Thành Thác ngồi bên dưới.
Diện mạo của Quan Thành Thác khá tương đồng với những miêu tả trong thoại bản, rất tuấn tú!
Hải Đường còn khen: “Thoại bản này vẫn có điểm đáng tin, thế nên tỷ mới thu thập nhiều như vậy, vì chúng phổ biến khắp nơi nên càng có thể nhìn rõ sự thật.”
Ta gật đầu tán thành, cảm thấy Hải Đường nói chí lý.
Hải Đường thích Quan Thành Thác, ta cũng bất giác sinh lòng ngưỡng mộ. Chỉ là, mỗi khi đề cập về ngài ấy, ta nào có má đỏ hây hây như Hải Đường.
Nhưng nhắc tới Quan Thành Thác, ta cũng rất hồ hởi, vì trông Hải Đường lấp lánh niềm vui.
Thời gian như bóng câu qua cửa, mới đó đã sắp hết năm, trong cung lại phát y phục mùa đông cho các tiểu cung nữ. Hải Đường nói y phục năm nay rất đẹp, hơn nữa còn ôm sát.
Ta mặc thử lên người, chốc lát liền than với Hải Đường là y phục của ta hơi chật.
Hải Đường thốt lên không thể nào, nhưng tỷ ấy lập tức dán mắt vào ngực ta rồi cười tủm tỉm.
Sau đó xoa đầu ta với giọng cảm thán: “Muội lớn nhanh thật.”
Đối diện ánh mắt tinh ranh đưa đẩy của Hải Đường, ta chợt nhớ tới đám thổ phỉ được nhắc đến trong thoại bản.
Ta đùa Hải Đường rằng, trông tỷ ấy hệt như một tên thổ phỉ, Hải Đường liền chọc nhẹ vào trán ta, thậm chí còn cù ta đến ngứa ngáy.
Hải Đường phân phối Nội vụ phủ nới lỏng y phục mùa đông, bộ của ta lại thành ra hơi rộng, Hải Đường nói, mặc đồ rộng trông sẽ gầy hơn, người gầy mới xinh đẹp.
Ta cảm thấy y phục của mình là rạng rỡ nhất trong cả hoàng cung này.
Vài ngày trước yến tiệc, ta đã gặp rắc rối.
Ta bất cẩn làm vỡ chiếc bình dương chi bạch ngọc của nương nương, sợ hãi đến độ quỳ sụp xuống đất, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.
Là Hải Đường, Hải Đường quỳ đằng trước ta, cầu xin nương nương tha cho ta lần này.
Hải Đường van nài: “Nương nương, chẳng phải người muốn thoả mãn một nguyện vọng trong ngày sinh thần của nô tỳ sao, vậy nô tỳ cầu xin nương nương tha cho Yên Chi lần này thôi.”
Cuối cùng nương nương cũng không trách ta, nhưng ta run sợ tột độ, ngay cả lúc ra ngoài cũng phải nhờ Hải Đường dìu đỡ.
Ta cảm thấy bản thân khá vô tâm, Hải Đường vì ta làm đến mức như vậy, còn ta thì chẳng hay biết sinh thần của tỷ ấy.
Hải Đường nói: “Muội nhớ mà cẩn thận, nếu muội gây rắc rối gì, tỷ lại phải ở trong cung thêm ba năm đấy.”
Hải Đường còn nhắc: “Chúng ta chỉ là cùng hội cùng thuyền, nên không cần cảm kích việc tỷ đã cứu muội.”
Ta biết Hải Đường không muốn ta cảm thấy mắc nợ tỷ ấy, vì vậy chỉ lẳng lặng gật đầu, chẳng ủy mị nhiều lời.
7.
Nội vụ phủ thông báo, dịp cung yến năm nay, mỗi cung đều sẽ trình diễn tài nghệ góp vui.
Ta theo lời căn dặn của nương nương, hôm đó sẽ đến Ngự thiện phòng làm món bánh bao chỉ. Bởi vì nương nương từng ăn bánh bao chỉ do ta làm, luôn tấm tắc nói món khai vị rất ngon.
Người không tiếc lời khen ngợi ta khéo tay, dù là Hải Đường cũng thua kém đôi phần. Ta biết thêu thùa, còn biết làm điểm tâm.
Nương nương tuôn lời vàng ngọc, làm ta e thẹn đỏ mặt, cuối cùng nương nương nói với Hải Đường, trong buổi yến tiệc sắp tới, người muốn giao Hải Đường cho Quan Thành Thác, xem như một lễ vật.
Làm vậy, Hải Đường có thể xuất cung sớm một năm, nhân tiện cũng giải quyết được vấn đề hôn sự.
Ta kinh ngạc quay đầu nhìn Hải Đường, đôi mắt kia lấp lánh như sao đêm, xinh đẹp đến bừng sáng.
Hải Đường cung kính: “Đa tạ nương nương săn sóc.”
Ta cũng vội quỳ theo Hải Đường, cúi đầu tạ ơn nương nương.
Đêm đó, Hải Đường xem đi xem lại cuốn tiểu sử mà tỷ ấy viết cho Quan Thành Thác, nghiền ngẫm hồi lâu, cuối cùng lại đưa nó cho ta.
Tỷ ấy nói sẽ viết một cuốn khác. Vì chỉ dựa vào tin đồn trong thoại bản thì vẫn chưa chuẩn xác. Sau này, cuốn tiểu sử do tỷ ấy viết mới là phiên bản chân thực nhất.
Bởi Quan Thành Thác sẽ là phu quân tương lai của tỷ ấy.
Thấy Hải Đường phấn khởi như vậy, ta cũng rất mừng rỡ, nhưng cầm xấp giấy dày cộm trong tay, lòng lại thoáng chút khổ sở.
Ban đầu, ta vui vì Hải Đường có thể sớm xuất cung, gả cho một lang quân như ý, song cũng buồn vì Hải Đường phải rời đi trước dự tính.
Ta nhìn xấp giấy được tỷ ấy đưa, bất chợt hiểu rõ, tại sao hôm nay nương nương lại ca ngợi ta đến vậy. Hóa ra, do người đã nói muốn trao gửi Hải Đường trong buổi yến tiệc. Chỉ khi ta làm tốt bổn phận, Hải Đường mới thuận lợi mà đi.
Hải Đường nói đúng, hoàng cung này ẩn giấu bao kẻ bẩn thỉu.
Nương nương giữ một Yên Chi có năng lực sánh ngang Hải Đường, thì mới cảm thấy Hải Đường là món lễ vật tốt để trao cho Quan Thành Thác.
Vào ngày tổ chức cung yến, ta nhận lệnh nương nương, đến Ngự thiện phòng làm món bánh bao chỉ.
Lúc quay về, ta trông thấy hai bóng người đứng phía xa xa, một áo xám một áo tím, họ không phải người trong cung.
Hải Đường từng dặn dò ta, khi không xác định rõ cung nhân hay ngoại nhân là lúc dễ đắc tội với bậc quý nhân nhất. Cúi đầu làm tốt việc của mình, tuân thủ bổn phận, mới có thể an ổn sống tiếp.
Ta cúi mặt, tuyệt không ngó nghiêng, đi ngang qua chỗ họ. Người áo tím đột nhiên chặn ta lại hỏi chuyện: “Ngươi có thể đưa ta đi dạo Ngự hoa viên không?”
Ta cúi đầu hành lễ: “Nô tỳ nhận lệnh làm việc, hôm nay phải quay về phụng mệnh.”
Người đó không làm khó nữa, lập tức để ta đi.
Lúc rời đi, ta vẫn giữ y tư thế cúi đầu, nhưng thấp thoáng ý nghĩ tự mình đa tình, nếu người đó đuổi theo cản bước ta, liệu đôi ta sẽ có một giai thoại giống như nương nương, ngày sau trở thành nhân vật lớn được lan truyền khắp thế gian.
Dù vậy, suy nghĩ đó đã nhanh chóng tan biến.
Nguyên do đầu tiên, ta không phải một mỹ nhân như nương nương, sắc đẹp là điểm then chốt trong kiểu giai thoại như thế.
Nguyên do thứ hai, người đó không hề đuổi theo, đây cũng chứng thực cho điều đầu tiên.
Khó tránh có chút phiền muộn. Nhưng khi thấy Hải Đường, ta đã quên bẵng đi chuyện đó.
Hải Đường giao cho ta một hộp phấn thơm, dặn ta liên tục thổi lên người tỷ ấy.
Hải Đường giải thích, hộp phấn thơm này gọi là Bách hợp hương. Tỷ ấy hầu hạ trong cung suốt mấy năm trời, không dễ gì mới thu thập được nguyên liệu thượng đẳng, mài ra thành phấn. Đây chính là hộp duy nhất.
Hải Đường nói rằng, muốn trở thành người có hương thơm say đắm nhất trong yến tiệc năm nay, để khi nương nương giao tỷ ấy cho Quan Thành Thác, thời khắc đó sẽ hoá thành giai thoại.
Ta gật gù tán đồng, không ngừng thổi phấn lên người Hải Đường.
Hải Đường hỏi ta có thơm không, do ngửi quá nhiều nên mũi ta đã hơi ngạt, nhưng nhớ lại mùi hương lúc ban đầu, quả thật tuyệt diệu mê người, ta bèn gật đầu đáp: “Thơm lắm.”
Hải Đường bật cười, ta cũng cười rạng rỡ.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, thoắt cái mắt đã rưng rức. Hải Đường an ủi, đừng buồn, tỷ gả cho ngài ấy, mai sau sống ngày tháng tốt đẹp, đợi khi muội xuất cung, tỷ cũng có bản lĩnh tìm cho muội mối hôn sự tốt.
Ta gật đầu, giơ tay áo lau đi nước mắt.
8.
Những thứ được truyền miệng không hẳn là sự thật.
Hôm nay nương nương áo gấm lộng lẫy, ta đi theo Hải Đường, đứng sau hầu hạ người. Hải Đường nói vị khách ngồi ở bàn đầu tiên bên dưới chính là Quan Thành Thác.
Ta đưa mắt nhìn sang, Quan Thành Thác quả nhiên ưa thích mặc y phục tím như lời đồn bấy lâu.
Hải Đường nói ngài ấy là mỹ nam nổi danh nhất dưới chân thiên tử.
Ta lại nhìn qua, đúng lúc đối diện khuôn mặt ngài ấy.
Ta cho rằng lời Hải Đường miêu tả không quá khớp với người thật. Vì ta không cảm nhận được nét đẹp người người ca tụng đó, thậm chí còn chẳng nho nhã bằng Mai đại nhân của Nội vụ phủ.
Nhưng Hải Đường luôn nói ngài ấy mỹ nam nổi danh thiên hạ, ngẫm lại thì có thể là vấn đề nơi ta, thẩm mỹ của ta khác với tiêu chuẩn số đông, nên cứ cảm thấy ngài ấy trông khá bình thường.
Tuy vậy, cũng có thể nghĩ theo hướng này, mỹ nam nổi danh, nói không chừng trọng điểm là từ “nổi danh”. Trong số những người đàn ông nổi danh, ngài ấy là người đẹp nhất, thế nên mới có danh xưng đó.
Lúc ta vởn quanh với bao suy đoán trong đầu, yến tiệc cũng đã kéo dài rất lâu.
Đứng yên mãi nên có hơi mệt, ấy thế mà Hải Đường vẫn thẳng tắp sống lưng, trong nhóm cung nữ đông đúc, tỷ ấy quả thực là người nổi bật nhất.
Theo quan điểm của ta, Hải Đường cực kỳ xinh đẹp. Hải Đường liếc mắt nhìn ta, sau đó trộm ngắm người mặc đồ tím ở bên dưới.
Nhưng người kia mải mê nâng chén say sưa. Khi nhìn ánh mắt ngài ấy, ta bất giác dự cảm, chuyện Hải Đường hôm nay, có thể sẽ không thành.
Đáy lòng vội buông tiếng thở dài, thầm nghĩ thật không êm xuôi.
Nhưng lại nghe thấy nương nương đề nghị với hoàng đế, tặng Hải Đường cho Quan Thành Thác coi như lễ vật.
Nháy mắt Hải Đường đã trở thành tâm điểm của buổi yến tiệc, nhưng chỉ là một tâm điểm thoáng qua. Bởi vì Quan Thành Thác đã lên tiếng: “Hoàng hậu nói, là tiểu cung nữ áo vàng đó ư?”
Hải Đường, người mặc y phục xanh nhạt đứng bên cạnh ta, khuôn mặt lập tức tái đi, nhìn sang ta với vẻ khó tin.
Tiểu cung nữ áo vàng, là ta.
Ta thấy khớp ngón tay của Hải Đường siết chặt khăn tay đến trắng bệch, trong cơn mơ hồ, ta chứng kiến Hải Đường ngã xuống đất.
Lòng rối như tơ vò, không thốt nổi một lời, phần còn lại của yến tiệc, ta cũng xin vắng mặt, bởi vì Hải Đường đã ngất xỉu.
Ta cẩn thận trông nom Hải Đường, khóc cũng không khóc nổi.
Nhìn Hải Đường nằm trên giường với sắc mặt tái nhợt, làm ta nhớ lại bộ dạng của mình năm mười lăm tuổi, khi lần đầu đến kinh nguyệt.
Hôm đó ta vô cùng hoảng hốt, là Hải Đường đã dạy ta, làm sao sống với hy vọng bất tận, để rồi quay lại thuở ban sơ.
Tỷ ấy còn pha nước đường đỏ cho ta uống, còn cho đậu đỏ vào túi vải rồi dán lên bụng dưới của ta, rằng làm vậy sẽ đỡ đau hơn.
Là tỷ ấy dẫn ta đến Nội vụ phủ đăng ký họ tên, kể từ đó ta có thể nghỉ ngơi một ngày trong mỗi tháng mà vẫn được tính bạc.
Tâm trí ta hỗn loạn, nước mắt lẳng lặng ướt đẫm, mãi đến khi có bàn tay nhợt nhạt thay ta gạt lệ, Hải Đường tỉnh dậy rồi.
Cổ họng ta đã khóc đến khàn đặc, đau đớn không nói nên lời.
Hải Đường hỏi: “Sao muội lại khóc? Tỷ không trách muội, chỉ là muội có phúc phần hơn tỷ thôi, nước mắt như vàng ngọc, đừng dễ dàng rơi xuống.”
Ta lắc đầu, tuyệt vọng khóc nấc.
Hải Đường nói: “Thật sự không trách muội, hôm nay muội chỉ mới gặp ngài ấy một lần, đây là phúc phần của muội.”
“Tỷ ở trong cung này sáu năm, gặp ngài ấy sáu lần, ngài ấy cũng không nhìn trúng tỷ, chứng tỏ tỷ không có phúc khí đó.”
Ta khóc lóc đi cầu xin nương nương, xin người hãy ban cả ta và Hải Đường cho Quan Thành Thác.
Nhưng nương nương không đồng ý.
Nương nương đã có Yên Chi thì không cần Hải Đường, ngược lại đã có Hải Đường thì không cần Yên Chi. Nhưng bên cạnh người tuyệt đối không thể vắng cả Hải Đường và Yên Chi. Cho dù ta quỳ đến mục nát đầu gối thì cũng vô ích.
Vì Quan Thành Thác muốn Yên Chi nên người đành ích kỷ giữ lại Hải Đường.
Nhưng Hải Đường đã hơn hai mươi rồi, đã là một lão cô nương rồi, nếu ở lại thêm ba năm, Hải Đường phải làm sao đây…
9.
Ta quỳ trước cửa phòng nương nương, quỳ suốt một đêm, vừa tờ mờ sáng thì Hải Đường tới.
Hải Đường kéo ta đi, tỷ ấy hỏi: “Muội làm gì vậy? Nhất quyết thay ta cưỡng cầu phúc khí đó sao?”
Ta ngẩng đầu nhìn tỷ ấy: “Chuyện này còn chưa đến hồi kết mà? Chúng ta thử lại đi.”
Hải Đường đột nhiên bật khóc, ôm chặt lấy ta, rồi cùng ta quỳ ở nơi đó.
Nương nương thức dậy, thiếu vắng hai ta bên cạnh điểm trang, người vẫn xinh đẹp động lòng như vậy. Chỉ là, cả ba đều biết rõ, sự tồn tại của ta và Hải Đường mang ý nghĩa gì.
Nương nương nói, không được.
Ta dập đầu với nương nương: “Yên Chi một lòng một dạ hầu hạ nương nương, nô tỳ cầu xin nương nương, xin người để Hải Đường đi đi.”
Nương nương nhìn ta quỳ rạp dưới chân, nhẹ giọng đáp: “Nhưng người Quan tướng quân nhìn trúng là ngươi, không phải Hải Đường.”
Từ đầu đến cuối, Hải Đường chẳng hé nửa lời, ta níu lấy tỷ ấy, ra hiệu cho tỷ ấy cùng ta cầu xin nương nương, nhưng Hải Đường lại kéo ta rời đi.
Ta khóc đến choáng váng, chỉ là cảm thấy Hải Đường khang khác với ngày thường.
Trước khi bị Hải Đường đẩy ra khỏi cửa, ta nghe loáng thoáng Hải Đường nói: “Đây là con đường nương sắp đặt, cũng là mệnh của ta, nhưng nương nương, nô tỳ sẽ không nhận mệnh!”