Cũng làm em vui (Ấn Bạch)
……
Trước khi rời khỏi nhà mẹ, Mão Sinh hỏi Ấn Tú hôm nay mấy giờ tan làm, đầu dây bên kia vội vàng nói: “Vẫn chưa biết” trong nhịp điệu bận rộn. Ấn Tú ngẩng đầu lên khỏi sổ sách, quay ra ngoài cửa hàng, che điện thoại nói: “Hôm nay trong cửa hàng có chút chuyện, chị xử lý xong việc sẽ về nhà, em ngủ sớm đi nhé.”
“Em tới đón chị.” Mão Sinh tiếp tục nói: “Em không buồn ngủ cũng không mệt, nhưng đã nhiều ngày hơn 11 giờ chị mới về, em lo chị quá vất vả.”
Trái tim Ấn Tú thắt lại vì buồn, cô biết Mão Sinh đã cố gắng hết sức hòa hợp với nhịp điệu của mình, nhưng cô không thể dành nhiều thời gian hơn cho Mão Sinh. Lần trước vắng mặt trong bữa tối ở nhà Triệu Lan, Mão Sinh không đề cập đến chuyện đó nữa, chỉ bảo Ấn Tú làm nốt việc bận trong khoảng thời gian này, lần sau sẽ hẹn lại. Cô biết Mão Sinh thất vọng: “Không vất vả, thật mà. Đợi chị làm nốt đơn này, chị sẽ xin nghỉ hai ngày nhé, được không?”
Đơn không bao giờ ngừng đến, cũng không bao giờ chạy xong hết các cửa hàng, Ấn Tú chưa kịp thi bằng lái xe nên phải đi lại bằng taxi. 8 tệ từng là giá tiền một hộp cơm trưa đối với cô, giờ đây cô không còn cảm thấy đau lòng khi tiêu số tiền đó nữa. Ấn Tú nhìn những con số tăng lên trong thẻ ngân hàng, từ 5.000 đến 20.000 tệ, hiện tại đã có 40.000 tệ, con số càng nhiều, trái tim cô càng yên ổn, nhưng chỉ sau một lúc lại biến thành cơn chấn động không yên phận: Nếu đạt tới 200.000 thì sao? Hoặc 500.000? Ấn Tú tự nói với bản thân rằng cô muốn mua nhà của chính mình ở tỉnh lỵ, như thế sẽ không lo bị chủ nhà đuổi – chủ căn nhà cũ trước muốn bán gấp, chỉ cho Ấn Tú và Mão Sinh ba ngày để chuyển đi.
Mão Sinh tìm được một nơi gần cửa hàng của Ấn Tú hơn, đòi lại tiền đặt cọc từ chủ cũ, tiền thuê căn nhà mới ở đây tăng thêm 300 tệ cũng chấp nhận được, mỗi tội cách rất xa Nhà hát Tỉnh nơi Mão Sinh làm việc, lần nào đi đi về về Mão Sinh cũng phải đổi ba tuyến xe. Kể cả gói đồ và vận chuyển cũng là do Mão Sinh một tay lo liệu, cô gái chưa từng phải làm bất kỳ công việc tay chân nào trước đây mệt đến mức vùi đầu vào ghế sofa ngủ thiếp đi, thậm chí còn không nghe thấy tiếng Ấn Tú về nhà.
Nửa đêm tỉnh dậy, Mão Sinh phát hiện Ấn Tú đang chen chúc nằm sau lưng mình, từng hơi thở phả vào gáy cô, tay vẫn nắm chặt vạt áo của Mão Sinh. Mão Sinh xoay người qua ôm Ấn Tú thật chặt, cảm thấy sự cố gắng của hai người đã chạm tới ranh giới chân lý đích thực của cuộc sống.
Hôm sau, trời còn chưa sáng, Ấn Tú muốn thức dậy ra ngoài mua bữa sáng, chợt phát hiện Mão Sinh không còn nằm trên sofa nữa, trong phòng ngủ hay phòng tắm cũng không thấy bóng dáng đâu. Giây phút đó trái tim Ấn Tú bỗng trống rỗng, cô run rẩy, đi bấm điện thoại, lúc này Mão Sinh đã quay lại: “Ơ? Sao không ngủ thêm lúc nữa? Em vừa mua hoành thánh và bánh quẩy, thêm cả tương ớt.”
Chỉ khi đó Ấn Tú mới bình tĩnh lại, im lặng ăn sáng xong, cô đưa một tấm thẻ ngân hàng cho Mão Sinh: “Số tiền tiết kiệm của hai ta đều ở trong đó, đủ 200.000 là có thể mua nhà, em giữ đi.”
Mão Sinh nghẹn hoành thánh: “Em… em không biết quản lý tiền.” Thực ra không cần quản lý, cô nghĩ giao việc đó cho Ấn Tú sẽ hợp lý hơn. Thế nhưng Ấn Tú mạnh mẽ nhét tấm thẻ vào tay Mão Sinh: “Em lo việc trong, chị lo việc ngoài.”
Ấn Tú không thể cho nhiều hơn, chỉ có thể cho tất cả. Cô cảm thấy trái tim mình an yên hơn khi cho đi số tiền đó, vì đó là Mão Sinh, không phải Ấn Tiểu Thường.
Như thể đã tìm được mục tiêu mới trong cuộc sống, Mão Sinh càng ngày càng biết lo việc nhà hơn. Cô học nấu ăn, đến cả Triệu Lan và Vương Lê cũng giơ ngón cái trước món cá hấp của cô. Cô biết nên dùng tay vò đồ lót như thế nào, học được cách tẩy vết máu kinh nguyệt vô tình dính lên chăn đệm bằng nước lạnh. Khi đi làm, Mão Sinh vẫn là tân binh cần cù và tận tâm ở Nhà hát Việt kịch Tỉnh, lặng lẽ chờ cơ hội được lên sân khấu. Cuối cùng cũng đợi được nhà hát cử đến Cung thiếu nhi một thời gian để “truyền lại Việt kịch” cho các bạn nhỏ.
Mão Sinh tuyên truyền được một tháng, không có nơi nào để trút bỏ nỗi buồn khổ nín nhịn vì không được hát kịch, cô không muốn gây rắc rối cho sư phụ, không muốn khiến Triệu Lan lo lắng, càng không thể đợi một Ấn Tú có thể đặt tất cả trái tim và tâm trí lên mình.
Triệu Lan nói ở nhà cần dùng máy tính, hay là mua laptop cho Mão Sinh? Mão Sinh – người đã nhận lương – rất ngại để mẹ trả tiền, cô nói con tạm thời chưa dùng đến và cũng không cần. Cô cũng rất ít khi đến quán Internet chơi game, đến đêm chỉ ngồi trên ghế sofa ấn nút đổi kênh TV hết lần này đến lần khác, chờ Ấn Tú về.
Ấn Tú nói không cần đến đón, Mão Sinh hiểu. Cô từng đến cửa hàng của Ấn Tú hai lần, dù là ngồi hay đứng đều không thoải mái. Chờ bên ngoài quá bắt mắt, dù sao cô cũng chỉ có thể đợi Ấn Tú với tư cách bạn cùng lớp hoặc bạn bè, không thể công khai quan hệ người yêu. Đến nhiều sẽ không tránh khỏi bị người ta tò mò chú ý, chú ý sẽ dẫn đến những lời bàn tán.
Tình yêu ở trong căn phòng ngủ đi thuê, trong điện thoại di động của nhau, trong những nụ hôn trước khi ra khỏi cửa, loại tình yêu này phải chủ động khép lại đôi cánh giữa ban ngày trời sáng, nếu không sẽ bị thiêu rụi trước ánh nắng chói chang.
Ngón tay Mão Sinh không ngừng gõ lên ghế sofa, cô tắt TV lúc chín giờ tối, thay giày đi ra ngoài. Các bà cô bà mẹ nhảy múa ở quảng trường đều đang ai về nhà nấy, chỉ còn lác đác vài người tản bộ hóng gió, chợ đêm ở tỉnh lỵ cũng rất nhộn nhịp.
Mão Sinh ngồi bên lề đường nhìn những người khác, những giọt nước lăn xuống từ chai coca đá trên tay – Trời quá nóng.
Cô vẫn muốn đến xem cửa hàng của Ấn Tú, dù chỉ giả vờ đi ngang qua cũng được. Ấn Tú nói công ty mở 5 cửa hàng tại thủ phủ của tỉnh, trong đó 3 cửa hàng do cô quản lý có hoạt động kinh doanh tốt nhất. Cửa hàng chính nằm ở quận mới, chính là cửa hàng này, mặt tiền đã tăng từ hai lên năm cái: “Mão Sinh, chị nghĩ làm kinh doanh không khó đến vậy.” Ấn Tú đã quan sát được một thời gian, cô chắc chắn rằng đây là cơ hội dễ dàng làm ăn.
Có lẽ không khó, mỗi lần nhìn kỹ thủ phủ tỉnh hoặc Bách Châu đều thấy có sự thay đổi, đường rộng hơn, nhà nhiều hơn, người dân tản ra, sau đó tụ tập thành khu dân cư hoàn toàn mới từ bốn phương tám hướng, đóng cửa lại sống cuộc sống của riêng mình. Họ vất vả làm việc bên ngoài, về nhà chỉ muốn được thoải mái, cho nên, thị trường nội thất sao có thể không bùng nổ?
Trong khi Ấn Tú bán ra từng viên gạch, từng tấm ván sàn và từng hộc tủ, Mão Sinh từng bước vắt cạn tiềm năng của mình để “làm chút gì đó cho gia đình”. Làm vậy sẽ có thể khiến thời gian và không gian của hai người chuyển động êm đềm hơn giữa thành phố biến đổi nhanh chóng này.
Có lẽ đây chính là ý nghĩa của “đỡ đần”. Mão Sinh chắp tay sau lưng, cầm lon coca, đi dọc theo ánh đèn đường và con đường nhỏ hướng tới khu chợ nội thất đèn đuốc sáng trưng.
Quả nhiên, cửa hàng của Ấn Tú vẫn chưa đóng, “có chút chuyện” theo lời Ấn Tú nói thực ra chẳng phải “chút” tí nào cả.
Từ ngoài cửa sổ, Mão Sinh thấy hình như những người bên trong đang cãi nhau, trong khi đó Ấn Tú kiên nhẫn thuyết phục những người khác với bản thoả thuận và máy tính trên tay. Nụ cười của Ấn Tú không hề có dấu hiệu mệt mỏi, vẫn vững vàng thuyết phục cho dù đối phương hung hăng văng nước bọt tứ phía.
Mão Sinh không nghe thấy giọng cô, nhưng có thể thấy từ biểu cảm rằng có lẽ cô rất nhẹ nhàng và chậm rãi. Ấn Tú từng nói bản thân nói chuyện có hơi nhanh, nhưng bắt buộc phải học cách nói chậm lại khi bàn chuyện làm ăn, đặc biệt là khi xảy ra tranh chấp: “Chị không có tư cách nổi khùng khi nói chuyện với khách hàng.” Mão Sinh thì cho rằng cái lý “khách hàng là thượng đế” rất vớ vẩn.
Thượng đế yêu chúng nhân, thế khách hàng có yêu thương gia không? Khách hàng là tổ tông thì có, kinh doanh kiểu này không dễ dàng chút nào. Nhìn vị khách vỗ bàn đập ghế bên trong, Mão Sinh “chậc” một tiếng, cô sợ cãi nhau, may mà cô hát kịch, không phải đứng trên sân khấu cãi nhau với khán giả bên dưới.
Cô đợi gần nửa tiếng, đến khi cánh tay bị muỗi đốt không chịu nổi mới vung chân bước sang một bên chờ.
Sau hai tiếng, cuối cùng Ấn Tú cũng khiến khách hàng bình tĩnh lại. Tiễn khách về, cô sững sờ khi nhìn thấy Mão Sinh ở ngoài cửa hàng. Mão Sinh vẫn chắp tay sau lưng, nhìn cô như một cán bộ già: “Không vội.” Cô gái cười, khiến Ấn Tú rung động.
Trong mắt Ấn Tú nhảy lên ánh sao, nói: “Bên ngoài nóng lắm, em mau vào cửa hàng đợi chị.”
Cô gái cán bộ già xua tay: “Em đi xem có đồ ăn vặt đêm khuya nào không, đi mua trước. Chị đừng lo cho em, xong việc hãy gọi cho em.” Đã một ngày chưa gặp Ấn Tú, không ngờ mình lại nhớ chị ấy đến vậy. Đứng dưới ánh đèn đường, cô nhìn Ấn Tú thật sâu, sau đó quay người nhàn nhã đi tìm đồ ăn khuya.
Ấn Tú hiểu ánh mắt đó, cô vén tóc, cười ngọt ngào, quay người trở vào cửa hàng, biến thành vẻ mặt nghiêm túc trách mắng vài nhân viên cúi gằm không dám hé môi nửa lời: “Tôi bảo cô phải giám sát khâu vận chuyển và giao hàng đến nơi, chính là vì sợ có người làm giả hàng, bây giờ cô nói với tôi rằng người trong kho ngầm giở trò, người trong kho lại nói cô là người nghiệm thu và ký hàng. Phải đền thế nào đây?”
Hàng bị khách gửi trả lại, tiền làm lại, tiền thay mới và cả hàng chính hãng trước đó của thương hiệu bị làm giả không rõ nguyên nhân, những điều này đều cần Ấn Tú nhanh chóng tìm ra đầu mối, trong ngành này thường có nhiều nhân viên lấy tiền lừa người rồi bỏ chạy hoặc lắt léo những chiêu trò bất chính, “nuôi ong tay áo” là điều mà anh Hạo đã nhắc nhở cô ngay từ đầu.
Khi xảy ra chuyện, Ấn Tú không những phải xem xét bồi thường mà còn cần tìm ra nguồn gốc của vấn đề và xây dựng lại quy trình. Cho dù tối nay không ngủ cũng không giải quyết được triệt để, chỉ có thể lấy ra những hoá đơn liên quan, đối chiếu với từng người một, khi đã có tính toán mới cho tan làm.
Các nhân viên rời tiệm trước mười một giờ, Ấn Tú đóng cửa sau khi đã kiểm tra két sắt và cất kỹ hoá đơn, khi cô kéo cửa nhôm xuống, có một bàn tay mảnh khảnh hiện rõ xương cổ tay vươn ra giúp đỡ. Ấn Tú quay đầu lại nhìn Mão Sinh, lại cười.
“Em mua xiên thịt nướng, có cả tôm hùm đất nữa.” Mão Sinh giơ chúng lên: “Vị cay.” Mão Sinh nắm tay Ấn Tú, hai người cùng đi bộ về nhà giữa làn gió mát thổi qua.
Trên đường đi, Ấn Tú kể lại câu chuyện với chút lo lắng, cô kể cho Mão Sinh về mọi ngọn nguồn trong cửa hàng: “Cả hoá đơn lẫn chữ ký bên chị đều không có vấn đề gì, có lẽ vấn đề xuất phát từ bên nhà kho – người phụ trách ở đó là em vợ của anh Hạo. Nếu chị không lấy được bằng chứng rõ mười mươi, sẽ đắc tội với người ta.”
Khi mở công ty, các ông sếp địa phương lúc nào cũng thích đem cả họ hàng vào, người em vợ này của anh Hạo từng ngồi tù, ra ngoài không tìm được việc làm thế là làm cùng anh rể. Đây không phải lần đầu tiên nhà kho trong tay hắn xảy ra chuyện, nhưng lần nào cũng được vợ anh Hạo đến giải quyết ổn thỏa.
Nghe xong, Mão Sinh nói: “Vậy… vậy thì đi tìm chứng cứ.”
Ấn Tú cười: “Em ngốc sao, nếu tìm được, chị đã không đau đầu như vậy. Tất cả những gì bên chị có thể làm là khiến quy trình vận chuyển chi tiết hơn và thực hiện trách nhiệm lên nhân viên cửa hàng.”
“Vậy… Nếu phải đền tiền thì sao?” Mão Sinh hỏi.
“Mọi người trong cửa hàng đều bị phạt, chị cũng phải đền.” Ấn Tú nhìn tôm hùm đất trên tay Mão Sinh: “Đau lòng chết đi được, lên đến hàng nghìn tệ, đủ mấy bữa chúng ta ăn tôm hùm đất.”
Mão Sinh đang tính xem phải mất bao nhiêu tháng tiền lương của mình mới có thể lấp đầy cái hố này, nhưng ngón tay của Ấn Tú đã chạm vào lòng bàn tay cô, vẽ những vòng tròn: “Hôm nay sếp Bạch của chúng ta đã giặt quần áo chưa?”
“Vâng, đã giặt một bộ váy và đồ lót của vợ sếp.” Ngón tay Mão Sinh cũng vẽ vòng tròn theo Ấn Tú, hai người nhìn nhau, tốc độ bước đi cùng lúc tăng nhanh.
Không màng ăn xiên nướng hay tôm hùm đất, trên mặt Ấn Tú vương những dòng chảy như vừa được vớt lên khỏi mặt nước. Mão Sinh lau mồ hôi cho cô: “Điều hòa nóng quá à?”
Nhưng cô phát hiện Ấn Tú đang khóc: “Sao vậy?”
Ấn Tú nói không sao, chỉ là nghĩ làm việc thật không dễ dàng mà thôi. Hôm nay cô bị khách quát đến đau màng nhĩ, treo nụ cười trên môi nói suốt mấy tiếng đồng hồ, miệng lưỡi khô khốc và cuối cùng vẫn phải đền tiền. Dù là một đồng cô cũng không can tâm.
Mão Sinh x0a nắn tai cô: “Có được có mất, nhìn thoáng một chút.”
“Chị chỉ là… là keo kiệt. Có lúc chị cũng tự khuyên mình như thế, chỉ là chuyện ai cũng sẽ gặp ở xác suất nhỏ. Nhưng chị vẫn buồn.” Những người kiếm tiền vất vả chắc chắn sẽ coi trọng tiền hơn, không phải vì họ tham của, chỉ là nỗi đau gian lao vất vả phải chịu đựng vẫn chưa tiêu hóa hết mà thôi. Ấn Tú nói cô không phải những ông chủ lớn đó, những thứ như tầm nhìn rộng và cổ tay khỏe khoắn ấy đều được hun đúc từ tiền mà ra.
Mặc dù hôm nay cũng rất mệt, nhưng sau khi được Mão Sinh an ủi, Ấn Tú lại rò rỉ nỗi buồn trên đầu trái tim. Có vài bất bình không thể bộc lộ ra bên ngoài, bất bình không thể đổi thành tiền. Về đến nhà lại không thể không tràn ra trước mặt Mão Sinh. Mão Sinh luôn để mình dựa dẫm như vậy, liệu em ấy có chán ghét vào một ngày nào đó không?
Ấn Tú suy nghĩ một lúc, bỗng cúi người xuống, bị Mão Sinh ngăn lại: “Không được đâu, hôm nay chị đã rất mệt mỏi.” Mão Sinh nhìn thấy vẻ kiệt sức trên khuôn mặt Ấn Tú, mặc quần áo vào: “Ngủ một lát đi, em đi lột vỏ tôm cho chị.”
Mão Sinh lột được hai con, cắn một lát, cay đến mức phải lập tức thè lưỡi ra. Cô nhìn Ấn Tú, cô gái tựa vào đầu giường mỉm cười: “Em cứ để đó, lát nữa chị sẽ lột.” Chỉ với một hơi là cô có thể đứng dậy.
“Không sao đâu.” Mão Sinh nói. Lưng cô thẳng tắp, trên tóc ướt mồ hôi.
Ấn Tú vẫn không thể thích ứng khi Mão Sinh tốt với cô như vậy, cô cảm thấy mình không xứng đáng, cũng sợ rằng nếu tốt hơn một chút, cô sẽ mất đi một chút tình cảm của Mão Sinh dành cho mình.
Cô bước tới, ôm Mão Sinh từ phía sau: “Đừng tốt với chị quá.”
Khi cả hai vẫn là bạn bè, Ấn Tú cũng nói điều này với Mão Sinh, người đã tặng cô mỹ phẩm và quần áo. Mão Sinh không hiểu: “Hả? Em tốt với chị là điều đương nhiên mà.”
“Chị…” Ấn Tú không nói ra được muôn tầng ngàn lớp suy nghĩ của mình, có những tiềm thức trực tiếp kiểm soát tâm trí và hành động cô, tay cô luồn vào trong áo Mão Sinh: “Chị cũng sẽ làm em được vui vẻ nhé.”
Tay cầm tôm hùm đất của Mão Sinh cứng đờ, cảm giác ngứa ran truyền từ đầu ngón tay Ấn Tú đến trái tim cô. Ấn Tú cảm thấy mẹ Ấn Tiểu Thường quá rẻ tiền trước đám đàn ông, nhưng vào giờ khắc này cô lại hiểu Ấn Tiểu Thường hơn một chút – có lẽ mình thực sự giống mẹ, cả hai đều dùng cơ thể để lấy lòng người mình thật lòng yêu, đây là điểm giống nhau bẩm sinh giữa hai mẹ con sao?
Cô cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể Mão Sinh, nhẹ nhàng cắn chóp tai Mão Sinh: “Em vui không?”
Mão Sinh lúc này rất vui. Ấn Tú có thể không có thời gian nghe cô nói dông dài, Ấn Tú có thể tăng ca hoặc đi tiệc rượu, nhưng ý thức cơ thể của Ấn Tú là của cô, hơi thở và da thịt Ấn Tú đều gắn liền với cô. Đứa trẻ thành thật nói: “Vui, nhưng em muốn rửa tay.”
“Không được, chỉ muốn chờ khi em không có cách nào đánh trả.” Ấn Tú hôn Mão Sinh, bất ngờ cô quỳ xuống, Mão Sinh ngồi lùi về sau: “Đừng…”
Nói gì cũng không thể cưỡng lại tác động ấm áp của Ấn Tú, Mão Sinh giơ bàn tay đầy dầu lên, để cho Ấn Tú đến thăm cửa nhà mình. Ấn Tú rất chăm chỉ, chăm chỉ hơn Mão Sinh tối nay. Cuối cùng, Ấn Tú không nhịn được nữa: “Mau rửa tay rồi quay lại giường đi.”
Trong vội vàng, cô còn có chút khó xử và ngượng ngùng, trái tim Mão Sinh dao động theo ánh mắt Ấn Tú – Dường như Ấn Tú lại trưởng thành hơn. Sau khi Ấn Tú làm cho Mão Sinh được trải nghiệm niềm vui tương tự, hai người ôm nhau không muốn buông ra, nếu có sợi dây thừng, họ muốn buộc mỗi người một đầu bằng nút thắt chết, coi nhau là mỏ neo, coi nhau là cọc thuyền.
Cuối cùng, Ấn Tú mệt lử và ngủ thiếp đi trên cơ thể Mão Sinh, hai cơ thể từng thương yêu nhau chuyển động cùng nhau, nhịp tim cùng đập. Mão Sinh đợi một lát, muốn nhẹ nhàng gọi một tiếng: “Ấn Tú?” Nhưng cô mở miệng, rồi lập tức ngậm lại.
……