Hazel chạy xuyên màn sương về nhà, nhanh như một con thỏ. Bà Marston, đang chuyện trò với một ngọn lửa nhỏ và một cuốn Kinh Thánh to, nhìn qua cặp kính khi Hazel bước vào, và nói:
“Thay tất ra đi. Ta nghĩ chúng rất ẩm ướt đấy.”
Hazel ngồi thay tất bên lò sưởi, cảm thấy mình được chăm sóc. Một ngọn lửa để thay đổi không khí trong phòng khách! Và vài đôi tất mới! Trước đây nàng chỉ có độc một đôi tất, mà đây lại là những đôi tất có nhãn mác hẳn hoi. “Chúng thật đẹp,” nàng nói với vẻ mãn nguyện, “những đôi tất có lỗ thủng này là những đôi Edward mua cho mình. Lỗ thủng có dụng ý hẳn hoi, mình muốn nói thế. Chúng làm lộ đôi chân trần như nhộng, và chúng trông thật đẹp.”
“Đừng nói từ đó.”
“Gì ạ?”
Bà Marston im lặng một lát. “Từ thứ tám tính từ cuối lên,” bà nói. “Nó không thích hợp với vợ của một mục sư.”
“Con phải nói gì chứ?”
Bà Marston lâm vào thế bí. “À,” cuối cùng bà nói, “Edward đáng lẽ ra không nên cho con bất cứ lý do nào để nói bất cứ điều gì.”
Hazel đùng đùng thể hiện sự trung thành của mình.
“Con chắc chắn rằng con rất biết ơn Ed’ard,” nàng nói, “và con thấy thích chúng hơn vì chúng làm lộ đôi chân con. Ed’ard! Ed’ard, những đôi tất này thật đẹp mà, đúng không?”
Edward liếc nhìn họ, công nhận điều đó một cách hững hờ. Khi chàng làm vậy, nếp nhăn xuất hiện trên trán chàng trong thời gian gần đây bỗng trở nên rất rõ rệt.
Ở trên gác, trong phòng riêng, căn phòng được Edward trang trí bằng giấy dán tường in hình hoa mao lương và hoa cúc thoang thoảng mùi thơm từ bó hồng mà chàng đã tặng nàng, Hazel nghĩ về Rừng Của Thợ Săn. Edward chắc chắn không thích nàng tới đó, mà Edward là người tốt – tốt hơn bất cứ ai. Chàng cũng đã thể hiện lòng tốt của chàng với Cáo Nhỏ. “Mình chắc chắn rằng Cáo Nhỏ rất biết ơn chàng,” nàng nghĩ. Không, nàng sẽ không bao giờ nói cho Edward biết về Rừng Của Thợ Săn. Nếu chàng hỏi, nàng biết rằng nàng sẽ nói dối. Chàng chắc chắn sẽ không vui. Chàng có thể sẽ rất giận. Bà Marston không thích chuyện đó chút nào; bà sẽ nói về cung cách mà vợ của một mục sư cần phải có. Reddin nói nàng nhất định phải tới đó, nhưng nàng không bắt buộc phải làm theo lời gã. Nàng ngửi những bông hồng.
“Không,” nàng nói. “Mình không bao giờ được phép đi đến Rừng Của Thợ Săn – trừ phi là ngày tận thế!” Nàng nói những lời cầu nguyện của mình với sự ủng hộ của lòng quyết tâm, cùng lời cầu nguyện được viết ngay ngắn bởi Edward, người đã viết, như mẹ chàng nói, “một văn tự trên giấy da.”
Nhưng khi nằm xuống giường nàng không thể xua hình ảnh của Reddin ra khỏi tâm trí; cứ mỗi lần gặp gã nàng lại thêm xáo trộn trong lòng. Cá tính của gã thu hút tính cách của nàng. Gã mạnh mẽ hơn những xung lực nhất thời của nàng, mạnh hơn tính nhút nhát bẩm sinh của nàng. Gã giống như một bàn tay mở toang bộ ba chiếc lá mẹ đất đang gập rất chặt vào nhau trong mưa bằng xung lực tự vệ đến nỗi chúng chỉ có thể bị chế ngự bởi sự hủy diệt. Nàng sợ gã, nhưng những ngày không có gã tẻ nhạt chẳng khác nào thức ăn thiếu muối. Con người gã toát lên sự tàn nhẫn – bản năng của giống đực vốn không nhún nhường, bản năng của con nhà dòng dõi vốn không cảm thông, bản năng của nhà thể thao vốn không trắc ẩn. Gã đã bắt đầu chuyện gì là gã sẽ thực hiện cho bằng được. Giờ thì gã đã bắt đầu chuyện gì đây?
Sự ngây thơ và bản năng, sự dốt nát và tính tò mò, giằng xé trong tâm trí nàng. Thái độ của xã hội văn minh và nhà thờ đối với tình dục không phải là thứ có thể giúp ích cho một cô gái trong hoàn cảnh đó. Bởi vì, trong khi ủng hộ, và thậm chí, khăng khăng đòi có trẻ con, họ lại kín đáo hành xử theo cái cách ám chỉ sự bất tán thành đối với những nhân tố tự nhiên cần thiết dẫn đến kết quả trẻ con được sinh ra. Một cách ngấm ngầm chứ không công khai, họ coi tình dục là chuyện ô nhục. Mặc dù Hazel tiếp xúc với những thực tế của cuộc sống ít hơn hầu hết các cô gái nông thôn, nàng không hoàn toàn ngu muội. Nhưng ngay cả người đàn bà ít ngu muội nhất cũng không biết gì về tình dục cho đến khi cô ta thực sự trải nghiệm nó. Vậy là Hazel phụ thuộc vào trực giác. Trực giác nói với nàng rằng muốn tiếp tục cuộc sống bình yên tại nhà mục sư, nàng sẽ phải tránh xa Rừng Của Thợ Săn. Nhưng nàng không thể tránh xa nó được. Cứ như thể ai đó đang se những sợi chỉ vô hình nối giữa nàng và Reddin, và đang từ từ kéo họ lại với nhau.
Rất lâu sau khi Edward khóa cửa chính và đóng cửa phòng riêng của chàng lại, rất lâu sau khi tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đã thôi không còn là ngẫu nhiên nữa mà đã trở nên phô trương, Hazel vẫn nằm đó cố gắng suy nghĩ. Nhưng nàng chỉ nghe thấy hai giọng nói vang lên trong sự đối lập không dứt, “Mình không được phép đi. Mình phải đi.” Cuối cùng nàng trở dậy, với lấy cuốn sách bói toán được viết bằng chữ viết tay non nớt, không rõ ràng, và gần như đã ngã màu vì bị lật giở nhiều.
“Mình sẽ thử xem quẻ của đêm trước ngày Hạ chí xem sao, bởi đêm trước ngày Hạ chí là đêm Chủ nhật,” nàng nghĩ.
Nàng tìm trong cuốn sách bà thấy một trang có đề mục “Sự nở hoa của bông dương xỉ diều hâu”. Nàng quyết định đó là quẻ ứng với ngày Chủ nhật.
“Quẻ ngày mai là Đàn hạc, còn quẻ của thứ Sáu là Dầu hiệu linh thiêng,” nàng nói. “Và nếu sách bảo đi, mình sẽ đi, bảo ở nhà, mình sẽ ở.”
Nàng ngủ thiếp đi, cảm thấy mình đã thoái thác được trách nhiệm.
Mẹ nàng từng nói rằng trước bất cứ công việc gì, quẻ bạn nên xem là Đàn hạc. Cuốn sách này chỉ dẫn rằng trên một ngọn đồi trơ trọi, bạn phải nhắm mắt lắng nghe tiếng đàn thần kỳ. Nếu việc đó tốt, bạn sẽ nghe thấy tiếng đàn vọng tới từ rất xa. Những hình hài có màu sáng bạc sẽ chơi những cây đàn hạc vàng, sách nói thế, trên ngọn đồi màu màu tím ở nơi nào đó mà chúng ta không nhìn thấy, và ở đó họ chơi đàn từ lúc trăng lên cho tới khi trăng lặn. Và khi mặt trời lên họ sẽ chơi cho những người chưa nghe thấy tiếng đàn của họ. Nếu bạn nghe thấy họ chơi đàn, dù rất khẽ, bạn có thể hoàn thành công việc đó, và sẽ không có nước mắt. Nhưng bạn phải chờ đợi không biết mệt mỏi, không nói với ai những gì bạn nghe thấy.
Đêm hôm sau Hazel lẻn vào màn sương mịt mùng tìm tới một cái gò trên núi, và ngồi đó đợi trăng lên. Nhưng khi mặt trăng ló ra – mặt trăng bạc hình bán nguyệt rất mỏng, rất mờ hiện lên từ phía Tây – không có âm thanh nào vang lên ngoài tiềng hót của con chim chiền chiện. Chúng kiên trì hót, mặc dầu mặt trời đã biến mất. Chẳng bao lâu sau chúng cũng ngừng hót, và Hazel ngồi thu mình trong im lặng.
Nàng đợi rất lâu. Nhà thờ và ngôi nhà của mục sư chìm trong đêm tựa như chìm trong nước. Điềm báo càng chậm trễ, nàng càng mong nó xuất hiện. Thế rồi thuyết định mệnh lại lên tiếng, và nàng lại trở về với trạng thái tinh thần bình thường của mình.
“Mình không quan tâm,” nàng nói. “Chậm trễ như thế có ích gì. Họ sẽ chẳng chơi đàn đâu. Chủ nhật mình sẽ cùng Ed’ard đến nhà thờ, và sẽ hát giọng cao hơn cả lần trước.” Nàng quay về nhà.
Đúng lúc đó có một nốt nhạc dường như lạc trong không gian, lang thang trên đỉnh đồi. Rồi có thêm những nốt nhạc khác, khe khẽ và trong như tiếng bạc, gieo vào không gian tĩnh lặng như một chùm tia nước. Giai điệu vọng đến từ rất xa, nghe không rõ, nhưng nốt nhạc thì đúng là phát ra từ một cây đàn hạc.
“Đúng là tiếng nhạc đó!” Hazel khẽ thốt lên, “Mình phải đi.” Rồi nhớ đến những lời chỉ dẫn của mẹ, nàng đứng dậy. Lúc ở nhà, trong phòng riêng im ắng, nàng đã nghĩ tới những hình hài có màu sáng bạc đang chơi đàn trên ngọn núi màu tím bí ẩn.
Nàng không hề biết rằng tiếng đàn hạc đó chính là tiếng đàn cha nàng đã chơi trên đường trở về nhà sau khi tham dự lễ hội mùa hè, chốc chốc lão lại ngồi nghỉ trên đường vì thứ rượu bia ngon mà lão đã uống. Cõi thiên thai tráng lệ mà nàng đang nghĩ tới chỉ là một người đàn ông say rượu. Số phận của nàng đã được sắp đặt bởi ý thích nhất thời của người đàn ông đó, nhưng nàng có mặt trên đời này chẳng qua cũng do sự sắp đặt như thế mà thôi.
Khi nàng bước vào nhà, Edward đang ngồi đợi nàng trong tâm trạng lo lắng, nhưng chàng vẫn cố giữ bình tĩnh bởi Hazel có thói quen đi chơi lang thang.
“Em đã ở đâu thế?” chàng hỏi bằng giọng khá lạnh lùng, bởi chàng đã phải khổ sở vì lo lắng và vì những lời cằn nhằn của mẹ chàng.
“Em chỉ đi ra hồ thôi mà, Ed’ard.”
“Đừng có đi tới đó nữa.”
“Em không thể đi dạo trên ngọn đồi xanh một mình sao?”
“Không. Em có thể đi dạo trong những cánh rừng. Ở đó an toàn.”
“Cáo Nhỏ là một con chó hư!” giọng bà Marston vọng xuống từ trên gác. “Nó cắn đứt dây thừng và ăn thịt cừu!”
“Ôi, con xin lỗi!” Hazel kêu lên. “Nhưng nó không phải con chó hư đâu, thưa bà Marston; nó là một con cáo ngoan.”
“Theo lịch sử tự nhiên thì nó có thể là một con cáo ngoan, nhưng theo ta thì nó là một con chó hư.” Bà đóng sầm cửa phòng riêng lại.
“Bà già không chịu nổi Cáo Nhỏ,” Hazel nói. “Không ai thích Cáo Nhỏ hết.”
Nàng quả quyết một cách bướng bỉnh rằng thế giới đố kỵ với nàng yêu Cáo Nhỏ. Có lẽ nàng đã phát hiện ra rằng thế giới có một thanh kiếm sắc dành cho những gì dễ bị tổn thương, mà tình yêu của nàng đối với Cáo Nhỏ thì rất dễ bị tổn thương.
“Đừng gọi mẹ là bà già, em ạ.”
“Ô, bà ấy đúng là một bà già còn gì. Và bà ấy bảo những con vật không có tâm hồn. Bản thân bà ấy cũng chỉ có một tâm hồn nhỏ mọn thôi.”
“Hazel!”
“Ồ, đó là sự thật mà.”
“Tại sao?”
“Nếu bà ấy có một tâm hồn lớn và tử tế, bà ấy ắt phải biết Cáo Nhỏ cũng có tâm hồn chứ. Em có một chiếc áo lót viền đăng ten. Em biết nhiều cô gái khác ắt hẳn cũng có áo lót như thế. Trước đây em không tin là họ có thứ đó.”
Edward không tìm được lời nào để nói.
“Hazel, ở đây em hạnh phúc chứ?” chàng hỏi.
“Vâng! Em hạnh phúc.”
“Em không nhớ…”
“Nhớ cha em ư? Không!” Nàng ngước đôi mắt màu hổ phách trong veo lên nhìn chàng. “Anh vừa là cha vừa là mẹ của em!”
“Chỉ như thế thôi ư?”
“Và là anh trai nữa.”
“Em quên mất một vai trò nữa, Hazel ạ – anh còn là chồng của em.” Ánh mắt chàng toát lên vẻ bâng khuâng nuối tiếc. “Và có lẽ một ngày nào đó, anh còn là người yêu của em nữa,” chàng nói thêm. “Chúc ngủ ngon.”
Nàng ngước đôi môi thơ trẻ lên, đầy vẻ biết ơn và sẵn sàng bày tỏ sự trìu mến. Rất sẵn sàng, chàng nghĩ. Chàng háo hức muốn thấy sự e thẹn – một thoáng run rẩy của hàng mi, hay nét ửng hồng trên gương mặt. Chàng không ngốc, chàng cũng chẳng phải là người tu khổ hạnh. Trước khi Hazel đến, chàng đã mơ về một tương lai giản dị và lành mạnh, đúng chất đàn ông khi chàng nghĩ về chuyện đó. Bây giờ chàng nhận thấy rằng thực tế cuộc sống không giống như mơ. Sự lành mạnh và chất đàn ông vẫn cần thiết, nhưng niềm vui đã biến mất, hoặc ít nhất đã bị che lấp.
“Rồi nó sẽ đến thôi,” chàng nghĩ, và đợi. Khuôn mặt chàng ánh lên vẻ hồi hộp. Chàng giống như một người chăm chú đợi mặt trời mọc. Chỉ có điều mặt trời ở bên dưới chân trời. Trong tâm trí, chàng gọi Hazel bằng cái tên địa phương của loài mẹ đất – Người Đẹp Ngủ Trong Rừng. Chàng sẽ để cho nàng ngủ cho đến chừng nào nàng muốn. Chàng kiềm chế được, và không bao giờ cố đánh thức nàng bằng những cách dễ dàng hơn là cách đánh thức tâm hồn – đánh thức bằng các giác quan, hoặc sự tự phụ, hay bằng cách lợi dụng sự trội hơn về trí tuệ của chàng.
Không chinh phục nàng thì thôi. Nếu đã chinh phục nàng, chàng sẽ chinh phục nàng một cách đàng hoàng. Vậy nên, mặc dù chỉ cần liếc vào căn phòng toàn một màu trắng trống trải của nàng chàng đã run rẩy, chỉ cần chạm vào bàn tay của nàng cảm xúc của chàng đã dâng lên, chàng chưa bao giờ chủ định chạm vào người nàng, chưa bao giờ kiếm cớ để vào phòng riêng của nàng. Trong mắt chàng cấm thành sóng gió là thứ sẽ bị hư hại nếu bị chiếm đoạt. Vậy nên chàng đợi cánh cổng của cấm thành đó mở ra. Điều trớ trêu là, nếu chàng lắng nghe tiếng nói của nhục dục – kẻ đã nói với chàng bằng giọng lừa mị sâu xa của mình, giống như nhà tiên tri Sibyl mặc áo choàng màu mận chín – nếu chàng tạm rời xa cái tôi tinh thần khắt khe của mình dù chỉ một lần, thì Hazel chắc hẳn đã yêu chàng. Chúng ta không thể yêu thứ mà trong đó chẳng có gì là bản thân chúng ta cả, và trong Hazel chẳng có ngọn lửa trắng nào của sự tán tụng tinh thần hết. Lúc nàng tiến gần nhất đến sự tán tụng tinh thần là khi nàng say mê cái đẹp kích thích giác quan, một ngọn lửa xanh của sự sùng bái không thiết tha đối với sự cô đơn như chúng ta thấy ở những vật vô tri.
Nhưng quan niệm cho rằng giữa một người đàn ông và một người đàn bà nên có tình cảm gì đó ngoài sự yêu mến hiển nhiên, một kiểu tình cảm anh em, hoặc một sự phấn khích như nàng cảm thấy đối với Reddin, hoàn toàn nằm ngoài ý niệm của nàng. Nàng không biết rằng người đàn ông và người đàn bà có thể có được tình cảm tha thiết giữa hai tâm hồn, một sự xoắn xuýt điên cuồng hơn cả cái ôm của đôi cánh tay, một trạng thái tâm linh đầy dư vị, mê đắm hơn cả những khoảnh khắc cao trào của sự mê đắm về thể xác. Nếu lúc đó Edward có nói với nàng, thì nàng cũng không thể hiểu được. Nàng sẽ nhìn chàng bằng ánh nhìn tin tưởng từ đôi mắt mang sắc màu mùa thu của nàng; nàng sẽ hợp nhất tất cả hào quang tinh thần mà chàng mơ tới; nhưng nàng sẽ chẳng hiểu gì cả. Có lần chàng đã cố chia sẻ với nàng một đoạn trong cuốn Luật tự nhiên trong thế giới tinh thần của Drummond. Nhiều năm trước chàng đã đọc đoạn đó với sự thích thú của trẻ thơ, bởi những cuốn sách thường trở nên lỗi thời trước khi chúng được lọc qua thư viện của hạt để đến với chàng. Chàng đã đọc nó một cách đầy xúc cảm và dịu dàng bằng chất giọng dễ nghe, có phần như giảng giải của mình; má chàng ửng đỏ; chàng đã thách thức nàng bình phẩm bằng đôi mắt chăm chú, ân cần. Nàng đã nói, “Em không biết liệu có phải là Cáo Nhỏ, hay một con vật nào đang sủa hay không?”
Đêm đó nàng nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ.
“Ôi, mình không thể đi! Mình không thể đi! Ed’ard coi trọng mình!” nàng nói. “Có lẽ những dấu hiệu khác sẽ không xuất hiện đâu.”
Vào ngày thứ Sáu nàng đợi cho tới khi mọi người đã đi ngủ, rồi lẻn ra ngoài. Nàng bước đi trong những khu rừng im ắng khi đàn bướm đêm bay lang thang không mục đích, nhưng bay theo định mệnh. Đó là một buổi tối ấm áp, ẩm ướt, bầy đom đóm phát sáng trên những đầm cỏ mọc dài, mỗi con đều có một ngọn đèn màu xanh, hình tròn, tuyệt đẹp tỏa ánh sáng rực rỡ nhất. Mặc dầu tỏa sáng trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, chúng lại gật đầu ngầm ra hiệu cho các nàng tiên. Mặc dù thắp sáng đêm trong im lặng, chúng lại đang nói về những điều kỳ diệu. Chính một nấm mồ, một nhân vật ở cõi xa xôi nào đó đã thắp sáng những ngọn đèn này. Người ta nghĩ để tạo ra những chiếc đèn này cần phải có con mắt chăm chú hơn, bàn tay cẩn thận hơn bàn tay và con mắt tạo ra những hành tinh, và một bộ óc bao quát hơn, đủ lớn để bao gồm cả những thứ nhỏ bé. Nhưng Hazel không cảm thấy sợ chúng; nàng là một con người quá trần tục nên không biết sợ những điều bí ẩn. Chính tinh thần tạo nên sự sợ hãi. Nàng chắc chắn rằng những ngọn đèn đó không phải là Dấu hiệu linh thiêng, bởi nàng vẫn hay nhìn thấy chúng. Dấu hiệu linh thiêng phải khác kia.
“Nếu con phải đi đến Rừng Của Thợ Săn,” nàng nói, ngước lên nhìn xuyên qua những cành nhánh đen sẫm đan vào nhau như những tổ chim lớn trải ra phía trên đầu nàng – “nếu con phải đi, hãy cho con thấy Dấu hiệu linh thiêng.”
Nàng đi lang thang trên những con đường mòn nhỏ hẹp. Trời rất tối, ấm áp, và ẩm ướt. Khi mặt trăng ló ra, nàng nhìn thấy một hồ nước dài khiến cả đám cây rừng cũng phải ngác ngơ sửng sốt trước vẻ đẹp lộng lẫy của nó, tựa như ánh chớp lóe trên mặt thép. Hàng hoa diên vĩ màu vàng đứng quanh bờ hồ tạo nên vẻ rực rỡ dịu dàng, như đàn bướm bị bỏ bùa đứng thinh lặng. Những cây nấm dù to tướng, có màu nâu vàng sặc sỡ như những con báo, bụi dương xỉ với những chiếc lá lược xoăn chưa phát triển hết chiều cao và độ rậm rạp, đứng một cách kiêu hãnh trên những mảng rêu.
Nhưng không gì trong số chúng là Dấu hiệu linh thiêng.
“Nếu dấu hiệu không xuất hiện sớm thì mình sẽ đi về,” nàng nói.
Thế rồi, ở chỗ rẽ tiếp theo nàng nhìn thấy nó. Thoạt tiên nàng nghĩ đó là một thiên thần đang bắt đầu hiện ra. Bóng ma có chiều cao bằng chiều cao của một người đàn ông, và nó tỏa sáng như những con đom đóm, chỉ có điều ánh sáng của nó đủ để mắt ta nhìn thấy. Nó có một hiệu ứng kỳ lạ, cứ đứng đó tắm trong ánh sáng của riêng mình trong sự im lặng thăm thẳm không thể phá vỡ. Nó có vẻ ngoài của sự sống – khẽ khàng nhưng nồng nhiệt – như trạng thái mà một linh hồn hẳn sẽ có khi được tái nhập với thể xác. Hazel sợ hãi. Thường thì nàng chẳng bao giờ sợ những khu rừng, những cánh đồng, mà chỉ sợ những nơi có sự hiện diện của con người. Nhưng ở chỗ này, sau giây phút đờ người ra vì sợ, nàng trốn chạy trong hoảng hốt. Vậy nên nàng không hề biết được rằng dấu hiệu thứ hai dành cho nàng chỉ là một cây gỗ mục, phát sáng do chất phốt pho sinh ra từ quá trình phân hủy.
Sáng hôm sau nàng hỏi Edward:
“Người thường có thể nhìn thấy thiên thần không anh?”
“Có chứ, nếu đó là ý Chúa.”
“Nếu một thiên thần xuất hiện, thì đó là dấu hiệu, đúng không?”
“Anh nghĩ là đúng.”
“Ed’ard, anh sẽ làm gì nếu anh buộc phải đi tìm ra thứ gì đó?”
Edward đang nghiền ngẫm bài thuyết giáo về sức mạnh của sự cầu nguyện.
“Anh sẽ cầu nguyện, em ạ,” chàng nói vẻ lơ đễnh.
“Ai sẽ đáp lại lời cầu nguyện?”
“Chúa.”
“Anh có nghe thấy Chúa trả lời không?”
“Không, em ạ; tất nhiên là không.”
Chàng muốn được yên tĩnh để chuẩn bị cho xong bài thuyết giáo, nhưng chàng cố giữ kiên nhẫn.
“Nhờ trực giác em sẽ biết được,” chàng nói, “những dấu hiệu nhỏ.”
“Dấu hiệu linh thiêng!” Hazel lẩm bẩm. “Đêm qua em đã nhìn thấy nó – một thiên thần đang cháy.”
“Anh e là em mê tín quá đấy,” Edward nói, và quay trở lại với bài thuyết giáo về sức mạnh của việc cầu nguyện hàng ngày.
Ắt hẳn có người sẽ thấy thật khó mà phân định hành động nào mê tín hơn và đáng thương hơn, hành động của nàng hay hành động của chàng.