Tiếng Cười Trong Bóng Tối

Chương 10



Chiều đó Albinus xếp đồ vào va li và lái xe đến nhà Margot. Thuyết phục được Frieda ở lại căn hộ trống đó thật không dễ dàng. Cuối cùng thì cô đồng ý khi ông đề xuất là người tình trẻ tuổi của cô, một đại úy cảnh sát đáng kính trọng, có thể đến ở chỗ vốn là phòng ngủ của cô bảo mẫu. Và nếu ai gọi điện tới, cô cần nói rằng ông đã bất ngờ đi Ý với gia đình.

Margot đón ông một cách lạnh nhạt. Sáng hôm đó cô bị đánh thức bởi một quý ông to béo giận dữ đang đi tìm anh rể của mình; ông ta chửi rủa cô đủ thứ. Ơn Chúa là người đầu bếp, một phụ nữ đặc biệt to khỏe, đã đẩy được ông ta ra ngoài!

“Căn hộ này thật ra chỉ cho một người thôi,” cô nói, mắt liếc về chiếc va li của Albinus.

“Ôi, anh xin em đấy,” Albinus tội nghiệp thì thầm.

“Dù sao chăng nữa chúng ta cũng có nhiều chuyện phải bàn. Em không có ý định chịu đựng những lời sỉ nhục của đám họ hàng ngu ngốc nhà anh đâu” – và cô đi đi lại lại quanh phòng trong chiếc áo choàng ở nhà bằng lụa đỏ, bàn tay phải kẹp dưới nách trái, miệng rít thuốc tới tấp. Với dải tóc đen xõa phủ vầng trán, cô trông giống như một người di gan.

Sau bữa trà, cô lái xe đi mua máy hát. Sao lại máy hát nhỉ? Lại vào đúng ngày này… Sức cùng lực kiệt và đầu đau như búa bổ, Albinus nằm nghiêng trên xô pha trong căn phòng khách gớm ghiếc mà nghĩ: “Một điều khủng khiếp không tả nổi vừa xảy ra, vậy mà mình lại khá bình tĩnh. Elisabeth bất tỉnh những hai mươi phút, rồi cô ấy la hét, nghe chắc hãi hùng lắm; còn mình khá bình thản. Cô ấy vẫn là vợ mình và mình yêu cô ấy, dĩ nhiên mình sẽ tự bắn một viên đạn vào đầu nếu cô ấy chết vì lỗi của mình. Mình băn khoăn không biết họ đã giải thích ra sao cho bé Irma về việc chuyển nhà đến căn hộ của Paul và về mọi thứ hấp tấp và rối tinh cả lên? Cách Frieda tường thuật lại thật ghê người: ‘rồi bà hét lên, rồi bà hét lên…’ Lạ thật, vì xưa nay Elisabeth chưa lớn tiếng một lần nào.”

Ngày hôm sau, khi Margot đi ra ngoài mua đĩa hát, ông ngồi viết một lá thư dài. Trong thư, ông quả quyết với vợ một cách khá chân thành, tuy lời lẽ có thể hơi quá hoa mỹ, rằng ông vẫn trân quý bà như trước, dẫu hành động phóng túng nhỏ nhen của ông “đã làm tổn thương hạnh phúc gia đình chúng ta như lưỡi dao của gã điên rạch nát một bức tranh”. Ông khóc, rồi ông nghe ngóng cho chắc rằng Margot chưa về, rồi ông lại viết tiếp, trong khi vừa sụt sùi lẩm bẩm một mình. Ông xin vợ tha thứ, nhưng lá thư đó không mang một dấu hiệu nào về chuyện ông có sẵn sàng từ bỏ người tình hay không.

Ông không nhận được thư trả lời nào cả.

Rồi ông nhận ra rằng, nếu không muốn tiếp tục dằn vặt bản thân thì ông phải xóa bỏ hình ảnh gia đình khỏi bộ nhớ, và phải buông thả bản thân mình hoàn toàn vào niềm đam mê mãnh liệt, gần như bệnh hoạn mà vẻ yêu kiều vui tươi của Margot khơi dậy trong ông. Về phía mình, cô luôn sẵn sàng đáp lại ham muốn chăn gối của ông; với cô, chuyện đó chỉ làm cô tươi mới lại; cô vô tư và chẳng lo nghĩ gì; hai năm trước bác sĩ nói rằng cô có thể không có con được, và cô coi đó như một ân huệ và phúc lành.

Albinus dạy cô phải tắm rửa hàng ngày chứ không chỉ rửa tay và cổ như cô vẫn làm cho đến nay. Chân tay cô bây giờ sạch sẽ và móng tô đỏ bóng, cả tay lẫn chân.

Ông không ngừng khám phá những vẻ hấp dẫn mới ở cô – những điều nhỏ nhặt làm ông cảm động, trong khi nếu ở bất kỳ cô gái nào khác lại sẽ làm ông thấy thô thiển cục cằn. Những đường nét trẻ thơ của cơ thể cô, vẻ trơ trẽn và ánh thẫm mờ dần của đôi mắt (như thể chúng từ từ tắt đi, giống đèn rạp hát) khiến ông mê loạn đến độ đánh mất cả vết tích cuối cùng của sự rụt rè trong vòng ôm mà người vợ đoan trang tinh tế từng đòi hỏi.

Ông hầu như không rời khỏi nhà vì sợ gặp người quen. Chỉ khi bất đắc dĩ và chỉ vào buổi sáng, ông mới cho Margot ra ngoài – để phiêu lưu săn tìm tất chân và đồ lót bằng lụa. Ông kinh ngạc vì sự thiếu tò mò của cô: cô không bao giờ hỏi về cuộc đời quá khứ của ông. Đôi khi ông cố làm cô quan tâm đến quá khứ của mình, ông kể cho cô về tuổi thơ, về người mẹ mà ông còn nhớ nhưng mơ hồ, về cha ông, một chủ đồn điền cường tráng rất yêu chó và ngựa mình nuôi, ngô và bột mì mình trồng, và đã chết khá đột ngột – giữa tràng cười sang sảng trong phòng bi-a khi một vị khách kể một câu chuyện tục tĩu.

“Chuyện đó thế nào? Kể cho em nghe đi,” Margot hỏi – nhưng ông đã quên mất rồi.

Ông kể cho cô về niềm say mê hội họa mà ông có từ rất sớm, về công việc, về những khám phá của ông; ông kể cho cô cách khôi phục một bức tranh bằng tỏi và nhựa cây tán vụn để làm tan lớp sơn dầu cũ ra thành bụi, và dùng vải flanen tẩm dầu thông để làm biến mất lớp ám khói hay bức tranh thô thiển vẽ đè lên trên, rồi sau đó vẻ đẹp nguyên thủy của bức tranh sẽ nở bừng.

Margot thì chủ yếu quan tâm đến giá thành của một bức tranh như thế.

Ông kể cho cô nghe về Thế chiến, về lớp bùn buốt giá trong các đường hào, và cô hỏi ông tại sao giàu như vậy mà ông không dùng mánh khóe kiếm một vị trí đằng sau chiến tuyến.

“Em là cô bé đáng yêu thật ngộ nghĩnh!” ông thốt lên trong khi mơn trớn vuốt ve cô.

Cô bắt đầu cảm thấy buồn chán vào chiều tối; cô thèm đi xem phim, thèm đi nhà hàng sang trọng và nghe nhạc da màu.

“Em sẽ có mọi thứ, mọi thứ, mọi thứ,” ông nói, “chỉ cần em để anh hồi tâm lại đã. Anh có đủ mọi kế hoạch… chẳng bao lâu nữa chúng mình sẽ đi chơi biển.”

Ông nhìn quanh phòng khách của cô và lấy làm lạ – sao một người như ông, luôn kiêu hãnh vì không có khả năng chịu đựng được bất kể thứ gì mang gu thẩm mỹ dở, lại có thể khoan dung được cái căn phòng kinh khủng này. Mọi thứ trở nên đẹp đẽ chính nhờ niềm đam mê của mình, ông trầm ngâm suy tư như vậy.

“Chúng ta đã xếp đặt ổn định rồi, phải không em yêu?”

Cô hạ cố đồng tình. Cô biết mọi thứ này chỉ là tạm thời: ký ức về căn hộ xa hoa của ông vẫn vương vất trong tâm trí cô; nhưng dĩ nhiên không có gì phải vội vã cả.

Vào một ngày tháng Bảy, khi Margot trên đường từ hiệu may quần áo đi bộ về sắp tới nhà, có ai đó níu lấy cô từ phía sau bên trên khuỷu tay. Cô xoay người lại. Đó là ông anh Otto của cô. Hắn nhe răng cười một cách đáng ghét. Hai người bạn của hắn đang đứng cách đó một đoạn, và họ cũng nhe răng cười.

“Tao rất vui được gặp mày, em gái ạ,” hắn nói. “Thật không hay ho gì đâu khi mày quên gia đình mình.”

“Buông ra,” Margot nói khẽ và cụp mắt nhìn xuống.

Otto đưa hai tay chống nạnh: “Trông mày bảnh nhỉ,” hắn nói trong khi nhìn cô từ trên xuống dưới. “Thật đấy, đúng là một tiểu thư mà!”

Margot xoay người bước đi. Nhưng hắn tóm lấy tay cô lần nữa, làm cô đau ,và cô khẽ kêu “Ái ái!” như khi còn nhỏ.

“Nhìn đây,” Otto nói, “hôm nay là ngày thứ ba tao theo dõi mày. Tao biết mày sống ở đâu. Nhưng chúng ta nên đi thêm chút nữa đã.”

“Để tôi đi,” Margot thì thào, cố nới tay hắn ra. Một người qua đường dừng lại vì đoán chừng đó là một cuộc cãi vã. Nhà cô đã khá gần. Albinus cũng có thể tình cờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Như thế thì sẽ phiền phức đây.

Cô đành chịu để hắn ép. Hắn dẫn cô quanh góc phố; hai tên kia, Kaspar và Kurt, bước theo họ, liếc mắt đểu cáng và vung vẩy hai tay.

“Anh muốn cái gì?” cô hỏi, khinh bỉ nhìn chăm chăm chiếc mũ lưỡi trai đính đầy dầu mỡ của anh mình và điếu thuốc lá dắt sau tai.

Hắn nghiêng đầu sang một bên ra hiệu: “Đi vào trong quán bar kia nào.”

“Không,” cô hét lên, nhưng hai tên kia tiến đến gần, gầm gừ xô cô về phía cửa. Cô bắt đầu thấy hoảng sợ.

Trong quán bar, một vài người đàn ông đang tranh luận về cuộc bầu cử sắp tới với giọng oang oang quát tháo.

“Ngồi xuống đây, góc này,” Otto nói.

Họ ngồi xuống. Margot nhớ lại một cách sống động và với chút kinh ngạc rằng hồi xưa họ thường cùng đi chơi ở ngoại thành – cô, Otto và hai gã trai trẻ rám nắng này. Họ dạy cô bơi và tóm lấy cặp đùi trần của cô dưới nước. Kurt có hình một cái mỏ neo xăm trên cẳng tay và hình một con rồng trên ngực. Họ nằm dài trên bờ sông và liên tục ném cát mịn ướt sệt vào nhau. Họ đập lên người cô đúng chỗ chiếc quần bơi ướt ngay khi cô vừa nằm xuống. Hồi đó mọi thứ mới vui làm sao, đám đông vui vẻ, giấy rác vứt khắp nơi, và Kaspar, thân hình cơ bắp, tóc vàng, đứng ven hồ rung tay như thể đang rét run và hét toáng lên: “Nước ướt, ướt!” Cậu ta giữ mồm dưới nước khi bơi và rống lên như chó biển. Và việc đầu tiên cậu làm khi bơi lên bờ là chải lại mái tóc rồi cẩn thận đội mũ lên. Cô nhớ mình cùng chơi bóng với họ, rồi cô nằm xuống và họ phủ cát lên người cô, chỉ để chừa khuôn mặt và sau đó xếp lên phía trên một hình chữ thập bằng sỏi.

“Nhìn đây,” Otto nói, và khi bốn chiếc cốc viền vàng đựng bia hơi xuất hiện trên bàn. “Mày chẳng có gì phải xấu hổ về bạn bè gia đình chỉ vì mày có một ông bồ giàu. Trái lại, mày phải nghĩ đến chúng ta chứ.” Hắn nhấp một ngụm, và hai tên bạn hắn cũng làm theo. Cả hai cùng quan sát Margot với thái độ thù địch khinh thường.

“Anh chẳng hiểu anh đang nói gì cả,” cô khinh khỉnh đáp lại. “Mọi thứ rất khác với những gì anh nghĩ. Thực ra chúng tôi đã đính hôn.”

Cả ba cùng phá lên cười. Cô thấy dâng tràn cảm giác ghê tởm đến độ cô nhìn đi chỗ khác và bồn chồn lay cái khóa chiếc túi xách tay. Otto lấy cái túi từ tay cô, mở ra và tìm thấy một hộp phấn, chìa khóa, một chiếc khăn tay nhỏ xíu và ba mác rưỡi mà hắn chôm luôn.

“Chừng này đủ trả tiền bia,” hắn nói rồi nghiêng người diễn điệu chào và đặt túi trước mặt cô.

Họ gọi thêm bia. Margot cũng khổ sở nuốt chút bia; cô vốn ghét bia, nhưng cô không muốn bọn họ uống phần của cô.

“Tôi đi được chưa?” cô hỏi và vuốt thẳng đôi lọn tóc bên thái dương.

“Cái gì? Mày không thích ngồi với anh mày và bạn bè của anh mày à?” Otto hỏi với giọng ngạc nhiên mỉa mai. “Trời ơi, mày thay đổi nhiều quá. Nhưng chúng ta vẫn còn chưa nói đến công chuyện…”

“Anh lấy cắp tiền của tôi rồi đấy, giờ thì tôi đi đây.”

Bọn chúng lại gầm gừ và cô lại thấy hoảng sợ. “Không có chuyện lấy cắp ở đây,” Otto độc ác nói. “Đây không phải là tiền của mày, mà là tiền mày lấy từ một kẻ kiếm được từ mồ hôi của giai cấp lao động. Vì thế tốt hơn là mày không nên nói đến chuyện lấy cắp. Mày…”

Hắn tự kiềm chế và nói tiếp với giọng bình tĩnh hơn:

“Nghe đây. Mày lấy một ít tiền mặt của ông bạn mày cho chúng tao và gia đình đi. Năm mươi mác là đủ. Hiểu không?”

“Thế giả sử tôi không hiểu?”

“Thế thì chúng tao sẽ trả thù êm ái,” Otto khẽ trả lời. “Ồ, chúng tao biết hết về mày rồi đấy. Đính hôn à! Chuyện này vui đấy.”

Nét mặt Margot bất chợt rạng lên và hạ hai hàng mi xuống thì thầm:

“Được thôi. Tôi sẽ lấy tiền cho anh. Thế là xong chứ? Tôi đi được chưa?”

“Ngoan đấy. Nhưng sao vội vã vậy? Ngoài ra chúng ta phải gặp nhau nhiều hơn chút nữa. Mày có muốn hôm nào đi chơi hồ không?” Hắn quay sang hai tên bạn. “Bọn mình từng vui chơi thích nhỉ! Đáng ra nó không nên tỏ vẻ kênh kiệu như thế, phải không nào?”

Nhưng Margot đã nhổm dậy và đứng uống nốt cốc bia.

“Trưa mai, ở cùng góc phố này,” Otto nói, “rồi chúng ta sẽ lái xe đi chơi cả ngày. Đồng ý không?”

“Đồng ý,” Margot vui tươi đáp. Cô bắt tay cả bọn rồi đi ra.

Cô quay về nhà, và khi Albinus đặt tờ báo xuống rồi đứng dậy đón cô, cô bước lảo đảo và giả vờ ngất xỉu. Đó là một màn diễn tầm thường nhưng hiệu quả. Ông lo sợ đến cùng cực, ông đặt cô nằm thoải mái trên xô pha, mang nước đến.

“Có chuyện gì vậy? Nói anh nghe nào,” ông vừa vuốt tóc cô vừa nhắc đi nhắc lại không ngừng.

“Giờ thì anh sẽ bỏ em mất thôi,” cô rên rỉ.

Ông nuốt nước bọt và nhảy ngay tới kết luận xấu nhất: rằng cô đã phản bội ông.

“Được thôi. Thế thì mình sẽ giết cô ta,” ông nghĩ nhanh. Nhưng nói ra lời thì ông nhắc lại khá bình thản, “Có chuyện gì vậy, Margot?”

“Em đã lừa dối anh,” cô thút thít.

“Cô ta phải chết,” Albinus nghĩ.

“Em dối anh rất nhiều, anh Albert à. Trước hết, cha em không phải là họa sĩ; ông ấy từng là thợ sửa khóa, bây giờ thì ông ấy làm gác cổng. Mẹ em làm nghề lau cầu thang, còn anh trai em là công nhân bình thường. Em có một tuổi thơ vất vả, rất vất vả. Em bị đánh, bị hành hạ.”

Albinus thấy nhẹ người khoan khoái, và tiếp đó là cảm giác thương xót ngập tràn.

“Không, anh đừng hôn em. Anh phải biết hết mọi chuyện. Em bỏ nhà đi. Em kiếm sống bằng nghề làm người mẫu. Em bị một mụ già khủng khiếp bóc lột. Sau đó em có một cuộc tình. Anh ta cũng có gia đình như anh, mà vợ anh ta không chịu ly dị, cho nên em bỏ anh ta vì em không chịu nổi chuyện chỉ là tình nhân, cho dù em yêu anh ta điên cuồng. Sau đó em bị một lão chủ nhà băng quấy rầy. Lão ta tặng em toàn bộ gia tài của lão, nhưng dĩ nhiên em từ chối. Lão ta chết vì vỡ tim. Sau đó em đi làm ở rạp chiếu bóng Argus.”

“Ôi, tội nghiệp, thật tội nghiệp em, chú thỏ nhỏ bé bị săn đuổi của anh,” Albinus thì thầm (tình cờ làm sao, cũng từ lâu ông đã thôi tin rằng ông là mối tình đầu của cô).

“Anh thật sự không khinh thường em chứ?” cô hỏi, mỉm cười qua hàng nước mắt, cảnh này khó diễn vì chẳng có tí nước mắt nào để mà cười qua cả. “Em rất mừng là anh không khinh thường em. Nhưng giờ để em kể cho anh chuyện kinh khủng nhất: anh trai em đã tìm ra chỗ em sống, hôm nay em gặp anh ta và anh ta đòi tiền, cố tống tiền em vì anh ta nghĩ rằng anh chưa biết gì… ý em nói chưa biết về quá khứ của em. Anh biết không, khi gặp anh ta và nghĩ rằng có ông anh trai như thế thật hổ thẹn, và rồi khi em nghĩ đến chú mèo dịu dàng đầy tin tưởng của em vẫn không hề biết gì về gia đình em – anh biết không, em rất xấu hổ vì họ và cũng vì em chưa kể sự thật cho anh…”

Ông bế cô lên và đung đưa cô; ông hẳn sẽ ngâm nga một câu hát ru nếu ông thuộc câu nào. Cô bắt đầu cười không thành tiếng.

“Chúng ta phải làm gì về chuyện này đây?” ông hỏi. “Giờ thì anh sợ để em đi ra ngoài một mình. Chúng ta báo cảnh sát chứ?”

“Không, đứng làm vậy,” cô kêu lên, giọng nhấn khác thường.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.