Tôi mãi mãi không bao giờ quên được cảnh tượng lần đầu tiên gặp gỡ Mạc
Thiệu Khiêm. Hôm đó, hắn đến trường tôi làm đại biểu tham gia cắt băng
khánh thành một công ty của trường. Lúc ấy, tôi là tân sinh viên, nhờ
dáng người dong dỏng cao nên được chọn vào đội lễ nghi, yêu cầu hằng
ngày phải tham gia tập trung, mặc quốc phục, luyện tập cách đi đứng. Từ
ngày gia nhập đội lễ nghi, đó là lần đầu tiên tôi được thực hành thực
tế. Mạc Thiệu Khiêm đứng ngay cạnh tôi, ở phía dưới, người đông nghìn
nghịt, mà hàng đầu tiên lại có không ít cánh nhà báo lẫn phóng viên. Bấy giờ, đầu óc tôi mụ mị, quên khuấy những gì đã luyện tập. Sau khi Mạc
Thiệu Khiêm nhận kéo, tôi bưng dải băng mà bối rối không biết phải làm
thế nào. Đến lúc hắn hạ kéo thì tôi lại giơ tay, nâng quả cầu vải, mũi
kéo trên tay hắn chẳng may đâm vào tay tôi, ứa một giọt máu đào tròn
xoe. Ngồi dưới khán đài phần lớn là giảng viên và các vị lãnh đạo nên
tôi nén đau, không dám hé răng kêu.
Lúc hắn quay sang nhìn tôi,
tôi chỉ nhớ ánh mắt hắn sắc bén và đăm chiêu như thể đầu ngón tay tôi rỉ ra một thứ gì đó chứ không phải là máu.
Tôi nén đau, cố giữ nụ
cười trên môi. Mọi người vỗ tay rào rào, pháo hoa lẫn kim tuyến nương
theo gió, sà mình xuống sân khấu như một cơn mưa sặc sỡ sắc màu. Hắn đặt kéo vào cái khay trên tay tôi, liền đó, tiếng vỗ tay lại rào rào nổi
lên. Nhưng chỉ vì ánh mắt hắn mà tôi có cảm giác vô cùng bất an, hắn
nhìn tôi như thể tôi là một thứ gì đó chứ không phải con người. Tôi nhịn đau đến lúc bê khay đựng băng khánh thành xuống hậu đài, bấy giờ mọi
người mới biết tay tôi chảy máu, bọn con gái tỏ vẻ hoang mang. Mạc Thiệu Khiêm bất ngờ xuất hiện phía sau khán đài, hắn bước thẳng đến chỗ tôi,
rịt một chiếc khăn tay sạch sẽ vào miệng vết thương.
Không ngờ
thời đại nào rồi mà vẫn có người dùng khăn mùi soa, thậm chí chiếc khăn
mùi soa ấy còn thoang thoảng mùi hương nhè nẹ. Sau này, Duyệt Oánh nói
với tôi, đấy là mùi nước hoa Tiffany của nam, trước đây, loại nước hoa
đó không bày bán ở thị trường nội địa.
Tôi vẫn nhớ như in giọng điệu của Duyệt Oánh lúc đó:
– Hẳn đấy phải là một người đàn ông vừa giàu có vừa lịch lãm. Số tớ đen,
không đi xem cắt băng khánh thành, kiểu đàn ông đó giống nhân vật trong
tiểu thuyết quá đi mất!
Duyệt Oánh đọc quá nhiều tiểu thuyết nên cả ngày chìm trong ảo tưởng về tình yêu. Còn tôi, mấy ngày sau đã quên
khuấy chuyện đó. Theo thông lệ, cứ dịp cuối tuần, tôi lại thu xếp về nhà cậu mợ. Đang đứng ở bến xe bus ngoài cổng Nam, bất ngờ một chiếc xe đỗ
xịch ngay bên cạnh tôi.
Ngày hôm đó, Mạc Thiệu Khiêm mặc áo
phông, quần dài nhìn rất thoải mái và bình thường như bao người khác,
nếu không có thêm chiếc kính đen, chắc tôi đã nhầm hắn là thầy giáo
trong trường. Hắn chào tôi nhưng nhất thời tôi chưa nhận ra hắn, nghĩ
bụng chắc anh chàng này nhận lầm người rồi chăng.
Ngay lập tức, hắn gọi tên tôi, tôi bèn ngượng ngùng hỏi:
– Anh là ai ạ?
Cặp kính mát giấu đi đôi mắt nên tôi không nhìn rõ biêu cảm trên khuôn mặt hắn, có lẽ lúc ấy hắn đang cười, hắn hỏi:
– Tay em đỡ chưa?
Lúc đó, tôi mới nhận ra, có điều trong nhóm đại biểu có mặt ngày hôm đó,
không phải giám đốc này thì cũng là ông lớn nọ, tôi thực sự không nhớ
nổi tên hắn.
Như thể đã đoán ra sự lúng túng của tôi, hắn liền chìa tay giới thiệu:
– Tôi là Mạc Thiệu Khiêm.
Tôi cũng vội chia tay đáp lại, lần đầu tiên trong đời, tôi nắm tay người
lạ. Hắn có cử chỉ nhã nhặn, tác phong lịch thiệp, biết tôi cần về nhà,
liền đề nghị được tiễn tôi.
– Vừa khéo tiện đường. Em không ngại chứ? – Hắn ra vẻ ga lăng, mở cửa xe cho tôi.
Tôi vẫn giữ ý định ngồi xe bus về. Tuy giọng điệu hắn thoáng vẻ nhún
nhường, nhưng khí thế lại có phần lấn át, hiển nhiên đây là loại người
đã quen với việc phẩy tay ra lệnh. Tôi đang lưỡng lự thì hắn tủm tỉm
nói:
– Tôi có phải kẻ buôn người đâu.
Lúc đó, tôi chưa
có kinh nghiệm tiếp xúc với những người như hắn, chỉ có cảm giác không
ngờ một ông chú cỡ hắn mà cũng ôn tồn đến thế. Vậy là tôi lên xe, ngồi
một mạch về đến nhà cậu mợ. Trên đường đi, hắn vừa lái xe vừa bắt
chuyện, biết tôi muốn tìm công việc làm thêm, nhân lúc chờ đèn đỏ, hắn
liền đưa tôi một tấm danh thiếp.
– Tôi có người bạn mở công ty
tuyển sinh viên làm thêm theo giờ, chủ yếu là phát tờ rơi trên đường
hoặc làm marketing sản phẩm, hơi vất vả nhưng lương tháng không tệ. Em
muốn làm thì gọi điện theo số này, cứ bảo tôi giới thiệu.
Lúc
ấy, tôi chỉ mong giảm được gánh nặng chi phí sinh hoạt nên rất chuyên
tâm tìm công việc làm thêm. Hằng tháng, cậu mợ cũng gửi tiền cho tôi rất đúng ngày nhưng bản thân tôi muốn tự lực cánh sinh, chi như vậy, lòng
tự trọng của tôi mới nguôi ngoai.
Tôi gọi điện theo số ghi trên
danh thiếp, quả nhiên phía bên kia đề nghị tôi đến phỏng vấn, và tôi
được nhận vào làm hết sức thuận lợi. Công việc đúng là rất vất vả, mỗi
tuần, hai ngày nghỉ phải chịu nắng, chịu gió đứng ở lề đường làm
marketing cho một loại đồ uống, thêm đó còn phải chạy đội quản lý môi
trường, nhưng mỗi ngày kiếm được sáu mươi tệ, tôi thấy cũng đáng.
Vì lẽ đó mà tôi cảm kích Mạc Thiệu Khiêm vô cùng. Khi nhận được điện thoại của hắn nói muốn mời tôi đi ăn cơm, thậm chí tôi cũng quên mất không
hỏi hắn lấy đâu ra số điện thoại của mình. Tôi thấy rất ngượng, đáng lẽ
tôi phải mời hắn mới đúng. Dù sao hắn cũng là ông chủ lớn, còn tôi chỉ
mang cái mác sinh viên quèn, nói là mời cơm hắn, có lẽ hắn sẽ cười cho
thối mũi.
Hôm ấy, Mạc Thiệu Khiêm đưa tôi đến một nhà hàng tư
nhân, đồ ăn ở đây rất ngon. Giá cả cũng thuộc phạm vi áng chừng của tôi, tôi liền mạnh dạn nói:
– Hay để em mời anh bữa cơm này. Cảm ơn anh đã giúp em tìm được việc làm.
Hắn ngẩn ra một lúc, sau cũng đồng ý.
Bữa cơm hôm đó tốn của tôi hơn ba trăm tệ. Trên đường đưa tôi về nhà, hắn nói:
– Bao năm nay, trừ ăn uống xã giao ra, em là người phụ nữ đầu tiên mời tôi ăn cơm.
Tôi chỉ biết cười ngây ngô, nghĩ người xuất chúng như hắn chắc phải có
nhiều bạn gái lắm. Tôi cũng không để ý tới việc hắn coi tôi là “người
phụ nữ” chứ không phải một cô sinh viên.
Tôi không cắt nghĩa
được mục đích của Mạc Thiệu Khiêm khi qua lại với mình, hắn cũng không
thường xuyên gọi điện, nhiều lắm là mười ngày, nửa tháng mới hẹn tôi đi
ăn cơm. Tuy hơi tò mò về đời tư của hắn nhưng tôi cũng chẳng mảy may
nghi ngờ. Khi hắn tặng tôi một sợi dây chuyền làm quà sinh nhật, tôi mới tường tận ý đồ của hắn.
Tuy tôi không biết giá trị thật của sợi dây đó, nhưng cũng hiểu đồ khảm kim cương nhất định không phải loại rẻ
tiền. Tôi có khù khờ mấy cũng phải nhận ra ý đồ của một người đàn ông
khi anh ta tặng mình loại trang sức quý giá nhường này.
Tôi kiên quyết không nhận món quà đó rồi giải thích dông dài bằng những lời lẽ
uyển chuyển. Chắc chắn là hắn hiểu, có điều hắn không nói gì, chỉ nhếch
mép nhìn lướt qua người tôi. Tôi cố ăn bữa cơm hôm đó nhưng không nuốt
trôi, tự nhủ sau này mình không thể làm bạn với hắn được nữa.
Tôi bỏ dở công việc làm thêm, đành rằng tôi cần nó thật đấy nhưng tôi không quen nợ nần ai bất kỳ thứ gì. Tôi chẳng muốn đi đâu, nhốt mình trong
phòng suốt kỳ nghỉ đông, đến Tết mới phát hiện ra, không biết từ lúc
nào, bầu không khí trong nhà có phần là lạ, đến em họ tôi thường ngày
hoạt bát là thế mà nay cũng tỏ thái độ trầm mặc khác thường. Tôi nghe
lén cậu mợ nói chuyện mới biết công việc của cậu đang gặp chút sự cố. Mà tôi có nằm mơ cũng không ngờ, sự cố ấy dính líu đến Mạc Thiệu Khiêm.
Hôm mùng Ba Tết, cậu tôi mời một người bạn rất quan trọng đi ăn cơm, tại
cậu mời toàn thể gia đình bên đó nên dẫn cả nhà theo, kể cả tôi. Tôi vẫn nhớ, ông bạn của cậu có đứa con gái đang học cấp hai, thành tích học
tập của con bé cũng tầm tầm, lại học lệch nhiều môn. Vừa nghe nói tôi là sinh viên Đại học X, còn biết cả thành tích học tập của tôi, ông ấy
luôn miệng khen rồi ngỏ ý mời tôi về làm gia sư kèm cặp con gái ông ấy
học hành.
Tôi muốn đỡ đần cậu nên cũng chủ động ngỏ ý mình sẽ làm gia sư miễn phí cho em gái kia.
Ông ấy vui mừng, liền cụng thêm vài ly nữa với cậu, rồi hẹn tôi sang học kỳ mới, chiều thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần đến kèm con gái ông ấy hai môn Toán và Hóa.
Tôi nhớ như in cuối tuần đó, trời se se lạnh kéo
theo mưa phù rả rích cả ngày. Tôi cầm tờ giấy ghi địa chỉ, lấy thêm vài
cuốn sách tham khảo chuẩn bị ra khỏi nhà. Mợ thấy tôi tinh ý, nhanh nhẹn nên cũng tỏ ra ôn hòa khác hẳn ngày thường, lúc tôi ra khỏi cửa, mợ còn tự tay đưa tôi một chiếc ô:
– Dạy con nhà người ta thì phải nhẫn nhịn một chút, con bé còn nhỏ, đừng nghiêm khắc với nó quá.
Không nghiêm khắc làm sao học hành tiến bộ được? Tôi chưa có kinh nghiệm sư
phạm nên khó tránh khỏi thấp thỏm không yên. Tôi chuyển mấy lần tàu điện lẫn xe bus mới tìm được địa chỉ.
Lần đầu tiên tôi đặt chân đến
một khu chung cư cao cấp kiểu này, thậm chí bảo vệ phải gọi điện xác
nhận xong mới cho tôi vào. Mỗi hộ một buồng thang máy, hành lang im
phăng phắc, đá cẩm thạch trắng như tuyết được đánh bóng loáng, chẳng
giống dành cho người đi tẹo nào.
Mỗi bước hân đi qua đều để lại một dấu giày ướt nhẹp nên tôi thấy hơi ngượng.
Ấn chuông cửa xong, tôi chỉnh đốn lại vạt áo cho ngay ngắn, một tay sắp
xếp chồng sách tham khảo, tay kia xoay chiếc ô ướt sũng để nước không
nhỏ giọt xuống nền đá đẹp đẽ dưới chân.
Cửa tự động mở ra, đây
cũng lần đầu tiên tôi gặp kiểu khóa điều khiển từ xa nên cảm thấy hiếu
kỳ vô cùng. Trước cửa trài một tấm thảm dày, căn nhà chìm trong yên
tĩnh, như thể chẳng có ai, tôi phân vân không biết có nên cởi giày
không.
Tôi men theo tấm thảm trải sàn, dè dặt tiến vào phòng khách.
Bàn tiếp khách đã bày sẵn bánh trái và hồng trà.
Một bàn tay đang nhấc ấm, nước trà chậm rãi chảy xuống tách, Mạc Thiệu
Khiêm đứng quay lưng về phía tôi, vừa rót trà, hắn vừa nói:
– Em tới rất đúng hẹn, bây giờ vừa đúng tầm trà chiều.
Giọng điệu hắn ung dung, nhẹ nhàng như thể hắn chính là chủ nhân của căn nhà. Còn tôi trợn tròn mắt, tự hỏi tại sao hắn lại ở đây?
Hắn ngoảnh mặt, mỉm cười như thể chưa từng xảy ra chuyện gì:
– Ném thử chút bánh nhé!
Tách trà mới rót lan tỏa một mùi hương nồng nàn mang lại cảm giác mê man.
Tôi cụp mí mắt, không dám nhìn thẳng vào mặt hắn, chỉ để ý thấy khuy cài măng séc trên áo hắn là một quả bóng gôn nho nhỏ bằng vàng trắng tinh
xảo, lấp lánh sắc bạc dưới ánh đèn, hết sức độc đáo. Giờ tôi chẳng biết
nói gì với hắn, chẳng phải tôi đã từ chối rất rõ ràng, rành mạch rồi đó
sao?
Hắn đưa tôi xem một tập văn kiện, tôi cố đọc mà không tài
nào hiểu nổi, chỉ biết trên mỗi trang giấy thường xuất hiện chữ ký của
cậu.
– Luật hình sự điều ba trăm tám mươi ba có quy định, cá
nhân tham ô mức tiền mười vạn trở lên, tương ứng với mức phạt tù có thời hạn là mười năm trở lên hoặc tù chung thân, có thể đồng thời tịch biên
tài sản; trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì chịu án tử hình, đồng thời tịch biên tài sản.
Giọng điệu của hắn thản nhiên như thể đang bàn tán chuyện thời tiết thường ngày:
– Em đếm thử dãy số 0 đằng sau đi, rồi ước lượng xem phải xử bắn cậu em bao nhiêu lần mới đủ.
Tôi vội vã nhìn hắn, thực tình không biết nên nói gì và cũng không hiểu hắn đang nói gì.
Những ngón tay lạnh toát hờ hững lướt qua cổ tay tôi:
– Thực ra có rất nhiều cách khiến em phải cam tâm tình nguyện theo tôi,
và cũng có rất nhiều cách buộc em phải thay đổi thái độ của mình đối với tôi nhưng sự nhẫn nại của tôi có hạn, tôi không muốn lãng phí thì giờ
với em và em cũng không đáng để tôi lãng phí thì giờ. Chuyện rất đơn
giản, chỉ cần em cho tôi thứ tôi muốn, tôi đảm bảo những giấy tờ này sẽ
không xuất hiện ở Cục Chống tham nhũng.
Cổ họng tôi khô ran, nhìn hắn:
– Anh muốn gì?
Hắn vẫn giữ nguyên kiểu nhếch mép ấy nhìn lại tôi, tôi chợt vỡ lẽ nhưng
biết mình không làm được. Tôi muốn bỏ chạy nhưng cả người bỗng mụ mị,
không đủ sức bật khỏi sofa. Hắn vươn tay về phía tôi, khuôn mặt ấy lúc
xa lúc gần ,không cho phép tôi nhìn rõ. Thân thể bỗng nhẹ bẫng, hắn bế
tôi lên.
Trọn đời tôi không bao giờ quên được buổi chiều kinh
hoàng ấy. Tôi có cảm giác trên người mình nặng trĩu, bên dưới là chiếc
giường mềm nhũn, bốn bề đen kịt. Tôi muốn khóc mà đôi mắt rảo hoảnh, sức lực hao mòn chỉ còn bải hoải, rã rời. Trên người như đeo một tảng đá
lớn, hoặc như một kẻ chết đuối không thể vùng vẫy mà cứ thế để mặc cơ
thể chìm nghỉm xuống vực sâu… Tất cả đều bỏ tôi mà đi, từ nay, tôi vĩnh
viễn chìm trong bóng đêm tuyệt vọng… Tôi không còn hơi sức để nhỏ những
giọt nước mắt, muốn cựa quậy cũng khó, chân tay rệu rã như thể không còn thuộc về mình, cơ thể như bị rút gân lột da, chẳng khác nào Long Nữ bị
tuốt vảy trong truyền thuyết, thế nhưng trong lòng tôi hiểu rõ, trời
không hành tôi mà tất cả chỉ là số mệnh bắt tôi phải chịu đựng.
Khi lý trí dần hồi phục, tôi mới hay mình đã đánh mất điều gì. Tôi co quắp
nơi góc giường, tay vẫn siết chặt tấm chăn, trong lòng dâng trào nỗi
tuyệt vọng, chỉ nghĩ đến cái chết. Còn Mạc Thiệu Khiêm khoác áo bông vừa bước ra từ phòng tắm, hắn điềm nhiên nói với tôi:
– Tắm đi rồi hãy về, nhìn em thế này sẽ bị người ta nhận ra đấy.
Vẫn biết giết người đền mạng nhưng tôi chỉ muốn vơ đại thứ gì đó cốt giết
được hắn, tôi chỉ muốn giết hắn. Người tôi run lên, toan chộp chiếc đèn
đầu giường hoặc bất cứ thứ gì có thể đập vào hắn khi hắn tiến lại gần,
vậy mà hắn chỉ khom lưng, vỗ vỗ vào mặt tôi:
– Ngày mai nhớ đến đúng giờ, nếu không, em biết hậu quả là gì rồi đấy.
Tôi về nhà lúc nửa đêm, khi cậu mợ đã ngủ say, tôi dùng chìa khóa riêng, mở cửa vào nhà rồi bò lên gác, trùm chăn kín đầu, giấu đi những giọt nước
mắt đang mặc sức luôn rơi. Hôm sau, tôi nằm bẹp ở nhà cả ngày, viện cớ
không được khỏe khi mợ gõ cửa nhắc tôi đi gia sư cho con bé nọ.
Bên ngoài, tôi nghe thấy tiếng mợ oang oang xin lỗi người ta qua điện thoại:
– Ôi trời, thật không phải, nhưng con bé bị bệnh mất rồi. Con bé nhà tôi yếu ớt thế đấy, cứ bị cảm cúm là gượng dậy nổi…
Tôi chợt vỡ lẽ, thì ra đây là một cái bẫy, thậm chí nó đã được Mạc Thiệu
Khiêm dàn dựng từ trước. Hắn có quyền, có tiền, ngay cả lão bạn thân của cậu cũng cùng một giuộc với hắn.
Thứ Hai đầu tuần, tôi trở về
trường đi học mà lòng thấp thỏm không yên. Tôi cố gắng gạt chuyện này
sang một bên, không muốn cho cậu biết nên cũng không báo cảnh sát. Tôi
bấm bụng nghĩ, nếu những gì Mạc Thiệu Khiêm nói là đúng, vậy thì tôi
càng không thể lôi cậu vào được. Cứ coi như bị chó dại cắn một phát vậy, tôi ra sức an ủi mình, hãy coi như chưa từng xảy ra chuyện gì và trở về trường đi học như bình thường.
Học xong tiết buổi sáng, đến
trưa, tôi nhận được điện thoại của em họ khóc lóc nói cậu bị công an dẫn đi rồi, người ta nói cậu bị tình nghi có dính líu đến một vụ án tham
nhũng. Tôi cầm điện thoại mà tay run bần bật, hóa ra chuyện này là thật, Mạc Thiệu Khiêm không hề dọa tôi.
Sau khi gác máy, tôi gọi cho Mạc Thiệu Khiêm, nghe giọng hắn bình tĩnh như chưa từng xảy ra chuyện gì, hắn vẫn lịch sự hỏi tôi:
– Tối có thời gian cùng đi ăn cơm chứ?
Mạc Thiệu Khiêm là ác ma, một gã ác ma đích thực. Hắn ép tôi phải khuất
phục và thỏa mãn lòng tham vô độ của hắn. Tôi theo hắn bay đến một thành phố thuộc miền biển, ở đó, hắn có một căn biệt thự ngay sát mé biển và
nơi đó đã diễn ra cơn ác mộng lớn nhất đời tôi. Cho đến tận giờ phút
này, hễ thấy ti vi chiếu cảnh biển qua ô cửa sổ là tôi lại thấy khiếp
đảm. Từng đợt sóng tung bọt trắng xóa như đang chồm tới, chực quất tôi
thành trăm mảnh vụn vỡ, chính chúng nhắc tôi nhớ về những việc kinh
khủng nhất từng trải qua.
Khi chúng tôi trở về thì cậu đã bình yên vô sự.
Về sau, Mạc Thiệu Khiêm ép tôi duy trì mối quan hệ bất chính bằng cách hễ
hắn gọi là tôi phải đến. Không một ai biết tôi từng trải qua chuyện gì,
không một ai hiểu sự chịu đựng của tôi. Tôi cứ chờ, cứ đợi đến lúc Mạc
Thiệu Khiêm chán ngấy rồi buông tha tôi… Nhưng ba năm rồi mà hắn chẳng
hề cho tôi lấy một cơ hội, mỗi lần tự sát bất thành, trong lòng tôi chỉ
còn nỗi tuyệt vọng.
Cho đến lần tôi rạch tay thì hắn đã thật sự nổi giận, hắn lạnh lùng nói:
– Nếu em biết điều thì vài tháng hoặc một năm là tôi đã chán ngấy em rồi, em cứ làm tôi phải chú ý thế này, chỉ phản tác dụng thôi.
Tôi
biết hắn nói thật nên cũng nguôi ngoai, không còn nổi loạn nữa, bản thân cũng tỏ vẻ ngoan ngoãn nghe lời, thậm chí còn cố tình làm bộ làm tịch.
Tôi cứ đợi, cứ nhịn, nhịn cho đến ngày hôm nay.