Khi Canuela thay y phục cho bữa tối thì nghe có tiếng gõ cửa, rồi tiếp viên bước vào tay cầm một chiếc hộp.
“Cô à, đây là quà tặng của senor Ramón de Lopez!”
Canuela nhìn chiếc hộp một cách ngỡ ngàng. Cô gần như không thể tin nổi là hắn là hắn gửi hoa lan cho cô, loại hoa mà hắn đã mua cho senora Sánchez. Trong giây lát cô định gửi trả lại cho hắn, nhưng rồi cô nhận ra có hai lý do tại sao hắn ra lệnh mang trâm cài đến cho cô.
Lý do đầu tiên, cô hầu như không ngờ được là hắn lại thật thà đến độ tin rằng cô sẽ nhận quà vì đã cảnh cáo hắn về vụ thám tử. Lý do thứ hai, hắn đã cố tình chuyển hướng chú ý của thám tử từ senora Sánchez sang cô. Canuela ngẫm nghĩ nguyên do sau xem ra hợp lý nhất, nhưng đồng thời việc đó đối với cô vẫn là một điều sỉ nhục.
“Hoa rất là đẹp!” cô tiếp viên suýt soa.
“Vậy để tôi tặng lại cho chị.” Canuela đề nghị khiến cô tiếp viên nhìn cô ngạc nhiên.
“Tôi không thích hoa lan,” Canuela giải thích.
“Nhưng tôi cũng đâu có cơ hội đeo hoa trên tàu,” cô tiếp viên bật cười.
“Biết đâu chừng sẽ có người thích,” Canuela gợi ý.
“À, thật ra là có đấy,” người phụ nữ đáp lại. “Có một bà ở cuối hành lang này mắc bệnh suốt cả chuyến đi. Senora Pinto có ba đứa con, tôi nghĩ món quà này sẽ làm cho bà ấy vui hơn.”
“Vậy chị làm ơn đem đến cho bà ấy đi,” Canuela yêu cầu.
“Nhưng mà trâm này đi với bộ áo cô đang mặc đẹp lắm,” cô tiếp viên nhận xét khi nhìn chiếc áo rất xinh xắn Canuela vừa mặc.
“Như tôi đã nói, tôi không thích lan. Theo tôi thì hoa này trông lạ và sang trọng quá không thích hợp cho tôi.”
“Tôi nghĩ tại cô quá khiêm tốn thôi, cô Gray,” người tiếp viên mỉm cười nói thêm.
“Tôi nói cho cô biết một chuyện hay lắm.”
“Chuyện gì thế?” Canuela hỏi tới.
“Cô còn nhớ người đàn ông hay thập thò ở hành lang không?”
“Có, tôi vẫn nhớ.”
“Chuyện là thế này, tôi đã mách lại với tiếp viên trưởng về hắn, rồi ông ta đi nói với quản lý, thế là quản lý bắt hắn trở xuống chỗ của hắn ở khoang hạng hai.”
“Được như vậy hay quá…” Canuela toan nói nhưng tiếp viên nói tiếp cắt ngang lời cô.
“Vậy cô nghĩ xem chuyện gì xảy ra? Hắn đã đổi vé đấy!”
“Chị muốn nói là hắn bù thêm tiền để lên khoang này?”
“Đúng y chang! Tôi cho rằng hắn nghĩ khoang hạng hai không mấy tốt cho hắn, hoặc giả là hắn không có đủ người để ‘đàm đạo’ dưới đó.”
“Phải, tôi đoán chắc là lý do đó,” Canuela tán thành.
Vừa đi xuống phòng ăn bên dưới cô vừa nghĩ rằng may là cô đã lưu ý thám tử theo dõi senor Lopez và người đồng hành xinh đẹp của hắn khi họ lái xe dạo chơi quanh đảo. Nếu cô không leo lên sườn núi cao đến thế thì đã dễ dàng bỏ qua những chuyện xảy ra bên dưới, hơn nữa thám tử lại ở cùng hành lang nếu không nhờ cô cảnh cáo senor Lopez chắc chắn ông ta sẽ có đầy dẫy báo cáo gửi về cho chủ mình.
Canuela xuống ăn tối trễ hơn thường lệ, lúc cô đến bàn mình thì phòng ăn đã gần đầy. Cô để ý thấy senor Sánchez đã an tọa ngay tại bàn thuyền trưởng, trông rất yêu kiều và khêu gợi trong bộ áo tráng lệ bằng lụa màu xanh lục rất hợp với chuỗi đeo cổ nạm ngọc lục bảo thật lớn quanh cần cổ trắng ngần. Lúc nào Canuela cũng ngưỡng mộ nhan sắc chín mùi của phụ nữ Argentine ở độ tuổi mười lăm, tuy nhiên họ lại sớm phai tàn khi tuổi còn trẻ. Giờ thì hiển nhiên sắc đẹp senora Sánchez đang ở ngôi vị tối cao, nên Canuela hiểu được khó có đàn ông nào kháng cự được đôi mắt đen và hai cánh môi đỏ mời gọi kia.
Cô chưa kịp gọi thức ăn thì đã thấy senor Lopez bước vào phòng. Hắn đến thẳng bàn thuyền trưởng đang ngồi cùng với các vị khách quan trọng khác, nhưng thay vì lấy chỗ vẫn ngồi mỗi ngày hắn cúi xuống nghiêm trang thì thầm vào tai thuyền trưởng trong vài giây.
Trước thái độ sửng sốt của Canuela hắn đi đến bàn của cô và ngồi xuống chiếc ghế đối diện, trong tay hắn cầm một số giấy tờ.
“Tôi đã giải thích với thuyền trưởng rằng tôi vừa mới nhận một điện tín vô cùng quan trọng cần phải giải quyết ngay lập tức. Vì vậy tôi cáo lỗi không thể ngồi chung với ông ấy để bàn công việc với cô.”
Canuela bỗng dưng cảm thấy có lẽ senora Sánchez sẽ ngạc nhiên lắm trước những chuyện đang xảy ra. Thực ra từ chỗ ngồi của mình cô thấy được senora đang nhìn về hướng Ramón với ánh mắt không những bối rối mà còn là tức giận.
“Có điện tín thật sao?” Canuela hỏi.
“May là có khá nhiều, làm cho câu chuyện của tôi nghe đáng tin hơn.”
Hắm mỉm cười.
“Tuy vậy nếu cô chịu ủng hộ cuộc tranh luận của tôi, mà tôi không tin cô sẽ bỏ rơi tôi đâu, thì cô phải nói chuyện với tôi. Chúng ta đâu thể ngồi thừ ra như cặp vợ chồng tẻ nhạt không còn chuyện gì để nói với nhau.”
Canuela không nén được nụ cười nhẹ và Ramón lấy một bức điện nằm trên cùng xấp giấy tờ trao cho cô.
“Cô đọc đi rồi làm ra vẻ như người Anh đã đặt mua thêm một tấn thịt đông lạnh nữa! Hoặc nếu cô thích hơn thì cứ coi như chúng ta đang đương đầu với sự kiện là Argentina đang phá sản và mình phải bàn xem làm thế nào để lèo lái cơn khủng hoảng kinh tế đó!”
Vì cô cảm thấy như mình phải nhập cuộc trong vở tuồng này, Canuela đọc tờ điện mà cô đã giải mã trước đó, rồi đưa lại cho hắn. Ramón lại đưa cho cô một tờ khác và cứ thế cô lại đóng tiếp vai trò của mình.
Khi hắn gọi thức ăn, tiếp viên lo về rượu đưa cho hắn loại Carte des Vins.
“Cô thích rượu trắng hay đỏ?” senor Lopez hỏi Canuela.
“Tôi đang uống nước,” cô trả lời.
“Một món lâu đời tôi không bao giờ đề nghị uống trên tàu.”
Hắn kêu một chai Piesporter mà Canuela nhớ là một trong những loại Moselles ba cô ưa thích. Vì muốn nếm lại thứ rượu đó nên cô không phản đối khi thấy tiếp viên rót rượu vào ly của cô.
“Nào cho phép tôi khen chiếc áo của cô nhé?” Ramón hỏi.
“Có lẽ tôi nên khen ông thì đúng hơn, senor!” Canuela đáp lại vì nhớ ra là hắn đang nghĩ đã trả tiền cho đồ cô mặc.
“Tôi cảm thấy bộ đồ này thiếu trang sức. Sao cô không nhận hoa của tôi?”
Hắn ngưng một chút rồi hỏi tiếp.
“Cô có lý do nên muốn đeo hoa phải không?”
“Vâng… hai lý do,” Canuela trả lời không được tự nhiên.
“Lý do gì?”
Cô định từ chối không trả lời câu hỏi của hắn, nhưng vì thái độ của hắn gần như là hỏi cung và cũng vì món quà đó khiến cho cô cảm thấy bị xúc phạm, cơn giận đột ngột dâng lên làm cô buột miệng đáp trả.
“Senor, tôi đã chuẩn bị đóng vai bà cô già đi theo tháp tùng anh chàng Roméo đang tuyệt vọng vì tình, nhưng không hề có ý định diễn thế vai Juliet!”
Ngay lúc vừa nói ra cô nhận thấy lời nói của mình nghe khiếm nhã làm sao. Cô thấy mắt Ramón ánh lên kinh ngạc rồi tiếp theo là tóe lửa khi hắn cất tiếng.
“Cô Gray, chỉ còn một chút nữa thôi là tôi thấy cô đáng bị đòn lắm!”
“Tàn bạo vũ phu dường như không phải là phương pháp tranh luận tế nhị và văn minh, senor!”
Trong giây lát môi hắn đanh lại, rồi hầu như nén cười hắn trả lời.
“Nhưng hễ liên quan đến phụ nữ và ngựa thì cần đấy.”
“Cho tôi gửi lời chia buồn đến tàu ngựa của ông, senor.” Vừa nói Canuela vừa nghênh cằm lên.
Cô ước phải chi lúc này cô không đeo kính để hắn thấy vẻ thách thức trong mắt cô ra sao. Rồi Ramón nói với giọng rất khẽ mà cô biết hắn đã ráng hết sức kiềm chế.
“Cô nói có hai lý do không muốn cài hoa. Vậy cái thứ hai là gì?”
“Tôi không thích hoa lan.”
Khóe môi hắn nhếch lên cười như thể hắn cứ ngỡ câu trả lời phải phức tạp lắm, rồi hắn nói.
“Tôi từng nghe người ta ví phụ nữ như hoa. Cô nói đúng! Lan không phải là loại hoa tượng trưng cho cô.”
Hắn dừng lại rồi hỏi tiếp.
“Cô có nghĩ loại nào sẽ thích hợp với cô không?”
“Tại sao không là hoa mõm sói?”
Ramón de Lopez phá lên cười lớn thích thú.
“Cô luôn luôn khó đoán, cô Gray!” hắn thốt lên. “Tôi không thể tưởng tượng được có phụ nữ nào khác dám nói như thế!”
Tiếp viên dọn lên món khác và khi anh ta rút lui Ramón nói.
“Trước đây tôi chưa bao giờ nhận ra môi của đàn bà sao lại sống động đến thế!”
Canuela liếc hắn một cách hoài nghi. Cô biết rõ là hắn đang dàn cảnh trò chuyện cùng cô, nhưng trong lúc này đây không phải là đề tài mà cô trông chờ.
“Trước đây,” hắn nói tiếp, “tôi lúc nào cũng thấy cảm xúc thể hiện qua ánh mắt, nhưng vì tôi không thấy được mắt của cô nên tôi đành phải tìm hiểu cô đang cảm giác gì nơi miệng của cô.”
Nghe thấy thế Canuela tự động mím môi lại.
“Bây giờ thì cô đang lo lắng,” Ramón khẽ nói. “Cô sợ tôi bắt đầu biết được những bí mật cô đang dấu tôi.”
“Ông đang cố tình làm cho tôi bối rối,” Canuela trách móc.
“Tại sao cô phải bối rối, trừ phi cô xấu hổ vì những điều cô đang giấu giếm?”
“Tôi không muốn nói đến bản thân tôi, senor.”
“Nhưng tôi lại thích nói về cô. Cô đã tự ủy nhiệm cô làm thiên thần bảo hộ của tôi, nên bây giờ cô phải nhận lấy hậu qủa thôi.”
“Tôi thấy mình đã mắc sai lầm!”
“Thử nghĩ xem cô sẽ tự hào về tôi ra sao khi tôi được bầu làm tổng thống! Thế nào cô cũng nói ‘tôi thành công rồi’ cho mà xem.”
“Ông tự tin quá, senor. Trèo cao thì có ngày ngã đau!”
“Thế nào cô cũng có cơ hội mà, cô Gray.”
“Nếu tôi không nắm lấy thì quả thật đáng tiếc!”
Một món nữa được dọn lên cắt ngang cuộc trò chuyện của họ.
Trong lúc họ dùng món mới, Ramón gợi chuyện nhưng tâm trạng dường như đã thay đổi.
“Tên thám tử có ở trong phòng không?”
“Có. Hắn đang ngồi gần cửa.”
Canuela thuật lại cho Ramón nghe chuyện người đàn ông đó đã đổi vé hạng hai. Cô thấy hắn ngẫm nghĩ về tin tức đó rồi nói.
“Tôi có thể làm cách nào để báo cho senora Sánchez biết mà không cần đến gặp riêng bà ấy?”
Canuela suy nghĩ một hồi rồi chậm rãi đề nghị.
“Tôi có thể nhờ tiếp viên nói lại với người hầu của bà ấy rằng có người đang điều tra về senora.”
Ramón thở ra nhẹ nhõm.
“Nếu cô làm thế tôi sẽ biết ơn cô lắm.”
Canuela im lặng một lúc rồi lên tiếng.
“Tôi muốn đề nghị với ông một việc, senor.”
“Chuyện gì vậy?”
“Điều này có thể… hơi quá đáng.”
“Nếu cô không nói thì tôi làm sao cho ý kiến được.”
“Vậy tại sao trong những ngày còn lại trên tàu ông không ghi xuống giấy những dự kiến của ông về tương lai Argentina?”
Hắn không nói năng gì nhưng cô biết Ramón đang chăm chú lắng nghe trong lúc cô tiếp tục.
“Dường như các đơn vị hành chính của chính phủ thường hoạt động riêng biệt, thiếu một chính sách hợp nhất.”
“Điều này đúng.”
“Nhưng nếu thiết lập được một chương trình phát triển toàn diện, điều chưa từng có trong vài năm qua ở Argentina, như thế với nguồn tài nguyên to lớn đất nước có thể phát triển hơn rất nhiều so với trước đó.”
Canuela đưa ý kiến một cách nghiêm trang, khi cô chấm dứt Ramón hỏi lại giọng điệu đầy vẻ ngờ vực.
“Làm thế quái nào mà cô biết vấn đề này?”
Canuela giật mình. Cô đã quá mải mê suy tưởng đến độ không nhận ra rằng dựa trên quan điểm của mình cô đã nói quá nhiều.
Để khỏa lấp việc lỡ lời cô vội nói.
“Tôi… tôi… từng đọc nhiều… nhiều sách báo trong văn phòng ở London.”
Ramón nhìn cô bén ngót như thể hoài nghi điều này không đúng, nhưng quá hấp dẫn bởi lời đề nghị của cô nên hắn bắt đầu khai triển thêm về chiều hướng đó.
“Tôi cho rằng cái mình cần phải làm là viết một tập văn bản với dữ liệu và số liệu có thể phân phát đến mỗi thành viên của chính phủ.”
“Đó là điều tôi hy vọng ông sẽ nói.”
Hắn giương mày.
“Lời lẽ đó của cô hầu như không phải là tình cảm thích hợp dành cho kẻ thù.”
Đôi môi Canuela thoáng nụ cười nhẹ khi cô trả lời.
“Trong hoàn cảnh khẩn cấp thì mọi người cần góp sức thôi!”
Ramón ngả đầu ra sau và lần này thì tiếng cười của hắn vang dội một cách sảng khoái.
-o0o-
Khoảng mươi ngày kế tiếp Canuela làm việc cật lực hơn bao giờ hết. Cô dần dà hiểu được một khi Ramón đã nhiệt tình về chuyện gì thì chuyện đó sẽ chiếm cứ toàn bộ tư tưởng và trí sáng tạo của hắn. Thật khó mà thuyết phục được hắn cho cô thời gian để đánh máy lại những bản tốc ký ghi chép ý kiến của hắn. Chỉ vì cần tập thể dục hắn mới tạm ngưng sau những bài đọc dài đăng đẳng để cho cô có dịp về cabin đánh máy.
Rồi còn những bản mật mã phải gửi đi, vào cuối ngày phải nói là hơn một lần cô thấy công sức mình bỏ ra thật đáng đồng tiền nên cũng không cảm thấy áy náy vì đã nhận một số tiền lớn của chủ mình. Nhưng đồng thời cô cũng đam mê với công việc này.
Như cô từng mong đợi Ramón không chỉ lĩnh hội được lập trường tài chính trong Argentina, nhưng mà còn bao gồm cả những tư tưởng canh tân mới mẻ cho toàn thể đất nước thăng tiến trong tương lai.
“Tôi tin rằng,” hắn nói với Canuela cũng như đề cập trong các bản tường trình, “rằng sự thịnh vượng của chúng ta gắn liền một cách mật thiết với Anh quốc.”
Chính phủ Anh đã đầu tư một khoản tiền rất lớn vào Argentina nhưng các nhà đầu tư cá nhân đã bị vỡ mộng và kinh hoàng trước cơn khủng hoảng liên quan đến ngân hàng Baring xảy ra cách đó bốn năm. Nào là tình trạng lạm phát gia tăng, biểu tình trên đường phố, in tiền giả, và nhiều công ty hỏa xa bị phá sản. Những khó khăn này và một số các vấn đề khác hiển nhiên đã khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng, nhưng nếu Argentina muốn phát triển điều chủ yếu là quốc gia này cần sự hộ trợ của các tập đoàn ngân hàng Anh quốc.
“Sự kiện đang khích lệ cho chúng ta,” Ramón nhận xét, “là cộng đồng Anh đang hấp thu lưu lượng hàng hóa ngày càng gia tăng của Argentina.”
“Nhưng tôi cho rằng vẫn chưa đủ, phải không?” Canuela nói.
“Vẫn chưa,” hắn trả lời, “và hiện tại chúng ta đang thực thi phát triển dưới điều kiện khó khăn vì hàng hóa hạ giá, có nghĩa là những điều khỏan thương mại không thuận lợi cho Argentina.”
“Nhưng ông hãy còn lợi điểm nhân công rẻ, và vô số đất đai chưa khai khẩn.”
Hắn lại đưa mắt nhìn Canuela như thể ngạc nhiên về kiến thức của cô, nhưng vì quá hứng thú trong việc khai thác đề tài của hắn nên không khiêu chiến với cô như vẫn thường làm trong các dịp khác.
“Cái mà chúng ta cần là chiến tranh!” hắn nói.
Canuela kinh ngạc nhìn hắn.
“Trong Argentina?”
“Không, dĩ nhiên là không!” hắn đáp lại, “nhưng ở nơi khác trên thế giới. Chiến tranh đòi hỏi số lượng tiêu dùng khổng lồ, và chúng ta có thể cung ứng ngựa, da, thịt bò, cừu, lúa mì, và len.”
“Tôi hy vọng ông cũng sẽ bán những sản phẩm đó trong thời bình.”
“Tôi cũng mong thế,” Ramón tán thành, “nhưng chiến tranh sẽ góp phần thúc đẩy đất nước tiến đến thời kỳ hoàng kim nhanh chóng hơn mà tôi tin tưởng đang nằm ở phía trước.”
Đôi lúc hắn dường như thiếu kiên nhẫn khi đến giờ thay y phục ăn tối hay thậm chí khi đến phòng ăn dùng cơm trưa, nhưng vào những lúc khác hắn sẽ tỏ ra ân cần.
“Tôi khiến cô vất vả quá phải không?” hắn sẽ hỏi đại loại như thế. “Thứ lỗi cho tôi. Nhưng chính vì cô đã gây cảm hứng cho tôi.”
“Tôi có làm như vậy sao?” Canuela hỏi vặn.
“Chứ còn ai vào đây? Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện này cho đến khi cô đề nghị.”
Hắn đứng lên bước qua phía bên kia cabin.
“Ai từng nói là tất cả mọi cái đều được tận dụng để đạt được thành quả tốt nhất trong cái tốt nhất của tất cả thế giới hiện hữu.”
“Tôi nghĩ là Voltaire.”
“Ông ấy nói rất đúng về phần tôi. Nếu không phải do cô và cái mà chúng ta có thể gọi là ‘cơn khủng hoảng ái tình,’ thì bản tường trình này sẽ không được viết ra!”
“Ông nghĩ văn kiện này thực sự quan trọng?” Canuela hỏi.
“Tôi có lòng tin, và tôi sẽ làm cho chính phủ tin tưởng theo.”
Hắn nói với sự quyết tâm thầm lặng khiến Canuela cảm thấy hắn sẽ đạt được điều hắn muốn. Rồi hắn nói thêm.
“Tôi đã nói với cô là có ngày cô sẽ tự hào về tôi.”
Cô cứ nghĩ đến lời hắn nói khi bữa ăn tối chấm dứt và trở về cabin của mình.
Suốt từ khi họ rời Madeira và thám tử theo dõi vào phòng ăn, Ramón không hề trở lại bàn ăn của thuyền trưởng. Mỗi tối hắn đeo theo giấy tờ hoặc đôi khi là sách đến bàn của Canuela. Thỉnh thoảng họ làm ra vẻ như đang tham khảo tài liệu và đôi lúc thảo vài chữ trên giấy như đang ghi chú. Họ có khán giả đang nhìn họ đang làm gì, vì Canuela nhận thức rõ mắt của senora Sánchez đang theo dõi mọi động tịnh của họ. Bà ta trông hờn dỗi tức tối, giống như một đứa bé bị giành mất đồ chơi. Nhưng dù sao đi nữa họ thật là thỏa mãn khi nghĩ tới thám tử đang phí thời gian của hắn cũng như tiền bạc của chủ hắn, vì chả có gì khả dĩ có thể tường thuật lại.
Ramón de Lopez không về phòng nghỉ ngơi sau khi ăn tối như Canuela, nhưng hắn đến sòng bài và vận may phi thường của hắn đã nhanh chóng trở thành một đề tài sôi nổi trên tàu.
“Senor thắng biết bao nhiêu là vàng tối qua,” cô tiếp viên hay nói kể lại cho Canuela. “Cứ cái đà này chẳng mấy chốc phân nửa hành khách sẽ lên bờ không còn đồng xu dính túi và nợ nần chồng chất quanh người cho mà xem!”
“Tôi nghĩ họ có khả năng mà!” Canuela nhận xét.
“Thật vậy đấy,” cô tiếp viên trả lời. “Tôi nghe được ít nhất là có cả tá triệu phú trên khoang hạng nhất!”
Cho dù Canuela có muốn hòa nhập với các hành khách, cô cũng không có cơ hội để làm. Khi cô không ở cùng Ramón thì cô đánh máy. Bởi vì quá hăng hái về công việc của họ, cô phải tự buộc mình đi bộ chung quanh khoang tàu mỗi buổi sáng cũng như vào lúc tối. Khi thì dựa vào lan can ngắm cá heo nhảy nhót nô đùa trên mặt biển biếc xanh, hay chỉ cảm thấy mãn nguyện được đắm mình trong làn nắng ấm.
Mỗi ngày qua đi họ càng lúc càng đến gần chặng cuối cuộc hành trình và Canuela bắt đầu phân vân cô sẽ cảm thấy ra sao nếu chuyến đi kết thúc. Dường như trong thời gian qua cô đang sống trên một hòn đảo nhỏ xíu đơn độc với Ramón de Lopez. Càng ngày cô càng cảm thấy khó khăn hơn để duy trì vẻ kín đáo lạnh lùng và hoàn toàn không thể nào cứ trả lời hắn bằng mỗi một từ cộc lốc như trước. Hắn thường ngưng đọc bài để bàn luận một điểm nào đó với cô, không những hỏi ý kiến cô mà còn muốn tìm hiểu xem những điều hắn nói sẽ tạo được ảnh hưởng hắn mong muốn có nơi những người sẽ lắng nghe ý tưởng của hắn hay không. Đôi khi cô cũng bất đồng ý kiến với hắn. Tiếp theo đó họ sẽ tranh luận sôi nổi và sau đó Canuela tự hỏi tại sao lúc ấy cô không để cho hắn làm theo ý muốn của hắn khỏi cần chống lại hắn làm gì cho mất công.
Bản tường trình của hắn có thành công hay không thì có vấn đề gì tới cô đây?
Nhưng rồi cô tự nhủ là chỉ làm việc đó vì đất nước cô luôn luôn yêu mến và cũng là vì miền đất mà ba cô đã cống hiến bao nhiêu năm đời mình. Đúng ra chính vào những lúc như thế này lẽ ra cô phải tự nói với mình thêm một lần nữa.
“Tôi ghét hắn.”
Nhưng không hiểu sao những từ ngữ ấy giờ đây dường như đã mất đi cảm xúc mãnh liệt thường có khi ở London.
Ngày nào cô cũng viết một đoạn thư cho mẹ mình, và giữ đấy như một kiểu nhật ký để bà Arlington biết được chính xác mọi chuyện xảy ra cho cô từ khi hai người họ xa nhau. Nhưng Canuela xét thấy càng lúc càng khó diễn tả quan hệ của mình với người chủ. Thật khó tiếp tục giữ được vẻ lạnh lùng như hắn từng quy cho cô, hay tỏ ra lạnh nhạt thậm chí căm ghét những thái độ mà cô biết rất khiêu khích.
Trước đây cô chưa hề nhận ra chuyện trò với đàn ông lại thú vị đến dường nào. Chưa bao giờ trong đời cô có dịp dùng cơm trưa hay tối riêng rẽ với bất kỳ đàn ông nào ngoại trừ ba mình. Thêm vào đó từ dạo trưởng thành cô cũng chưa hề một lần được giao thiệp với một người đàn ông qúy phái và lỗi lạc như thế. Cô nhận ra trí tuệ mình đang được mở mang, thu thập những ý tưởng mới mẻ và kiến thức sâu rộng hơn về thời kỳ lịch sử so với trước đó. Cô cũng nhận thức được khi cuộc bàn luận có chiều hướng liên quan đến cá nhân, câu chuyện sẽ có phần vui vẻ hưng phấn hơn theo mỗi lời ứng đối hoạt bát sôi nổi của cả hai bên.
Họ như hai tay kiếm đang giao đấu với nhau, đánh một trận chiến không có người thắng hay kẻ bại, và khi bỏ vũ khí xuống phần còn lại của cuộc chiến sẽ là sự hiểu biết mà họ sẽ tiếp tục bàn luận vào ngày hôm sau.
Sau một thời gian làm việc khi bản tường trình đã gần hoàn tất Ramón gọi champagne cho bữa tối.
“Cả hai chúng ta đều xứng đáng thưởng thức rượu này!” hắn nói. “Cô đúng là người giám sát nô lệ hà khắc, cô Gray! Tôi chưa bao giờ trải qua hàng bao nhiêu giờ phải động não liên tục như trong chuyến đi này!”
“Nhưng có cái để trình diễn mà,” Canuela nhận xét.
“Cám ơn cô,” hắn đáp lại.
Ramón nâng ly lên.
“Nào uống để chúc mừng người thư ký năng lực nhất trên thế giới!”
Hắn uống một chút rồi lại nâng ly.
“Chúc mừng một phụ nữ có đôi môi bí ẩn và hấp dẫn!”
Lời lẽ đó thật đột ngột khiến Canuela đỏ ửng.
“Đừng phá hỏng mà,” cô van nài.
“Tôi đang phá hỏng cái gì?” hắn hỏi. “Quan hệ công sở à?”
Cô không trả lời và hắn nói tiếp.
“Cô thật sự nghĩ mình như một nhân viên bình thường, một người đánh máy tôi tình cờ thuê từ văn phòng tìm việc sao?”
Canuela vẫn im lặng và hắn lại nói.
“Chúng ta đã tiến xa nhiều hơn thế, cô và tôi. Nhưng cô vẫn có điều gì đó giấu tôi. Cô vẫn là người phụ nữ bí mật!”
Canuela đặt ly xuống.
“Tôi nghĩ, senor, nếu các bản thảo đó cần làm xong trước khi chúng ta cập bến, tôi phải về phòng. Tôi có ít nhất hai tiếng làm việc trước khi đi ngủ.”
Mắt Ramón lấp lánh trong lúc hắn đáp lời cô.
“Vẫn trốn tránh sao? Trốn khỏi cái gì và vì ai?”
“Câu hỏi đó không có câu trả lời đâu.”
“Bởi vì cô không muốn nói cho tôi biết.”
“Đó là điều tôi không bao giờ làm.”
Cô đứng lên để hắn phải đứng lên theo, rồi cầm xấp giấy lúc nãy hắn đem đến và rời khỏi phòng ăn. Khi về đến cabin cô thay áo ngủ và khoác thêm một cái áo choàng ngủ bằng muslin viền ren của mẹ cô, rồi lấy lược chải tóc. Cô đã hứa với mẹ cách đây nhiều năm là sẽ chải tóc ít nhất 100 nhát lược mỗi tối.
“Cưng à, tóc con rất đẹp,” bà Arlington từng nói. “Màu tóc của con không giống mẹ cũng không giống ba nhưng y hệt như bà ngoại của con. Bà từng được xưng tụng là một trong những nhan sắc khuynh thành khi nữ hoàng Victoria vừa mới lên ngôi.”
“Con không tin là bà còn đẹp hơn mẹ.”
“Bà đẹp lắm, hơn mẹ rất nhiều đấy con à. Tất cả các họa sỹ lừng danh đều muốn họa hình bà. Chân dung của bà được trưng bày mỗi năm tại hội triển lãm Hàn-lâm-viện Hoàng gia, có lời đồn là vị nữ hoàng trẻ tuổi đã ganh tị với bà nhưng điều đó đâu có gì đáng ngạc nhiên!”
“Ông ngoại đẹp trai không hả mẹ?”
“Cho đến khi gặp ba con thì mẹ nghĩ ông ngoại đẹp trai nhất thế giới.”
Giọng bà chất chứa đau khổ khiến Canuela nghĩ mẹ từng yêu ba sâu đậm lắm.
“Mẹ không bận tâm đến chuyện phải rời bỏ gia đình để kết hôn với ba sao?”
“Mẹ không thích qua mặt ông ngoại và lúc nào cũng muốn làm theo ý của ông,” bà Arlington trả lời con gái. “Nhưng tình yêu là điều không một ai trong chúng ta có thể kiềm chế con à.”
“Mẹ muốn nói là khi mẹ yêu ba trong mắt mẹ không còn ai khác quan trọng?”
“Không một ai con ạ! Đó là chuyện sẽ xảy ra khi người ta biết yêu. Tình cảm đó thật choáng ngợp không cách nào cưỡng lại được. Mẹ đã bị tình yêu của ba con cuốn hút, say mê, đến độ lóa cả mắt và mẹ biết…”
Bà ngưng lại và Canuela hỏi.
“Mẹ biết gì hở mẹ?”
“Mẹ biết,” bà Arlington dịu dàng nói, “rằng thiếu ba con mẹ không muốn sống nữa.”
Bà thở dài và nói tiếp, môi thoáng nụ cười.
“Đấy là điều xảy ra khi người ta yêu đương, Canuela! Lúc đó trên thế giới chỉ có mỗi một người tồn tại thôi. Mọi vật và mọi người khác đều biến mất. Anh ấy là một phần của con cũng như con là một phần của anh ấy và bất kỳ hy sinh nào cũng xứng đáng! Đến khi đó con biết là con đang yêu.”
“Con hy vọng có ngày con sẽ cảm thấy như vậy,” lúc ấy Canuela từng nghĩ thế. Nhưng giờ đây theo cô thấy cuộc sống của cô chỉ gói gọn trong công việc và không còn gì khác nữa.
Trong lúc này cho dù cô có cam tâm chấp nhận cái viễn cảnh khắc khổ lạnh lùng đến mấy, cô không thể nén lòng mừng thầm là để tóc xõa dài không bị o ép trong búi tóc tù túng, thành những lượn sóng vàng rực rỡ mềm mại buông xuống vai lấp lánh ánh đỏ. Và đây cũng là lúc cô được thanh thản gỡ xuống đôi kính đen to tướng. Ít ra trong khi đánh máy cô không cần phải đeo kính. Mỗi lần lấy tốc ký là mắt cô phải căng ra quá độ qua làn kính tối, và gọng kính lại quá nặng trên sóng mũi thon nhỏ của cô.
Khi Canuela vừa chải xong nhát lược thứ 100 thì nghe tiếng gõ cửa, và khi cô kêu vọng ra, “mời vào,” thì thấy cô tiếp viên thò đầu vào.
“Cô Gray, làm ơn mở lòng từ bi giúp tôi được không?”
“Ồ được mà,” Canuela trả lời. “Chị cần tôi làm gì?”
“Cô làm ơn cho baby của senora Pinto bú sữa được không? Cô nhớ bà ấy chứ, vị phu nhân cô tặng hoa lan đó?”
“Vâng, tôi còn nhớ,” Canuela đáp lại.
Cô tiếp viên bước hẳn vào trong cabin và Canuela thấy chị đang bế một đứa bé quấn trong khăn choàng trắng.
“Mẹ của cậu bé này tối nay người không khỏe,” chị giải thích. “Khi tôi pha sữa xong bà ấy dường như ngồi dậy không nổi để cho bé bú.”
“Tôi sẽ cho bé ăn,” Canuela vừa nói vừa mỉm cười.
“Tôi không dám nhờ cô đâu,” chị nói tiếp. “nếu không bị năm sáu cái chuông gọi tôi, còn hai người tiếp viên kia đi ăn cơm tối rồi. Có trời mới biết được họ làm cái chi mà lâu thế! Giờ chỉ còn mình tôi thôi!”
“Đừng lo,” Canuela trấn an chị, “chú bé này có vẻ ngoan đây.”
“Khi nó không đói thì ngoan lắm!”
Dường như nhận ra lúc này cần phải nhắc đến bụng đói của mình, baby bắt đầu khóc lên oe oe.
Canuela đón lấy đứa bé, cô tiếp viên đưa cho cô chai sữa rồi khuất bóng.
Trước kia Canuela từng có dịp săn sóc cho các babies một đôi lần. Khi cô và ba mẹ sống ở ngoại quốc lúc nào trong nhà cô cũng có con cái của các nhân viên ngoại giao khác đến chơi hay cần chăm sóc. Bà Arlington là chỗ mọi người đến nhờ vả mỗi khi họ gặp trở ngại. Vào một lần có dịch đậu mùa trong Lisbon nhà họ nhận không dưới ba đứa trẻ nhỏ để khỏi bị lây bệnh từ các anh chị em khác.
Baby háo hức bú sữa chùn chụt và khi bình cạn là nhắm mắt ngủ ngay trong tay Canuela. Chú bé này thật xinh xắn bụ bẫm làn da trẻ thơ mịn màng như hoa mộc lan, đặc điểm thừa hưởng từ giòng dõi Tây Ban Nha, vài nhúm tóc đen lơ thơ bắt đầu mọc trên vầng trán đầy đặn.
Canuela đong đưa baby nhè nhẹ và bỗng dưng tự hỏi có ngày nào trong đời sẽ được bế con của mình không. Cô biết khi định hướng đường đời mình như thế cơ hội làm mẹ sẽ là con số không, tuy nhiên sâu trong tâm khảm có điều gì đấy cứ nổi lên chống đối ý tưởng đó. Cô từng mong muốn có con cái của riêng mình. Cô muốn yêu thương trìu mến chúng và được con cái yêu thương mình. Nhưng cô hiểu được muốn đạt được điều đó có nghĩa là sẽ bao gồm luôn cả tình yêu đối với một người đàn ông.
Cô phân vân tự hỏi khi yêu một người như mẹ cô từng mô tả cảm giác đó sẽ như thế nào, để thấu hiểu rằng không có gì khác quan trọng trên cõi đời ngoại trừ cô được ở bên người ấy. Nhưng giờ đây lòng cô nhói lên cảm giác gần như là nỗi đau thể xác khi biết quá rõ không có bất cứ người đàn ông nào sẽ có cảm giác đó cho cô. Làm sao họ có thể chứ?
Cô là con gái của người bị buộc tội mưu phản – người mà thiên hạ tin rằng đã bán đứng tổ quốc và chức nghiệp của mình.
“Thật không công bằng!” Canuela chỉ muốn gào thét lên.
Trong lúc cô đang miên man suy nghĩ thì có tiếng gõ cửa.
“Mời vào,” cô lên tiếng vì biết đấy là cô tiếp viên.
Khi cửa mở Canuela vẫn nhìn xuống đứa bé trên tay cô.
“Cậu bé này ngoan lắm cơ, vừa xong bình sữa là ngủ ngay!”
Không nghe tiếng trả lời cô ngẩng đầu lên. Người đứng bên trong cửa không phải là chị tiếp viên nhưng chính là Ramón de Lopez! Thấy hình ảnh đó Canuela có cảm giác như toàn thân mình không cử động nổi. Hắn dường như thật vạm vỡ, thật cao trong căn phòng này. Trong lúc hắn cứ đứng nhìn cô đăm đăm như thế, dáng dấp hắn có vẻ trông choáng ngợp quá.
Rồi cô chợt sực tỉnh nhận ra là mình chỉ mặc mỗi một lần áo khoác muslin mỏng manh bên ngoài áo ngủ, rằng tóc mình đang buông dài trên vai, và mắt không che phủ bằng lớp kính đen kỳ quặc.
Còn hình ảnh Ramón de Lopez thấy là đôi mắt màu lục thật to trên khuôn mặt thon nhỏ.
Vì quá sững sờ khi thấy diện mạo hắn trong cabin mình hai cánh môi cô khẽ hé mở nhưng dường như trong lúc ấy cô gần như không thở nổi.
Bầu không khí trong phòng chìm vào yên lặng thật lâu, rất lâu.
“Thì ra đó là nguyên nhân cô che dấu mắt mình!” Mãi đến cuối cùng hắn cất tiếng bằng giọng thật khẽ.
Phải cố lắm Canuela mới trả lời nổi.
“Ông… muốn… cái gì?” Cô không thể cử động được vì đứa bé trong tay. Và không hiểu sao cô không thể rời mắt khỏi Ramón.
“Tôi đến đây,” hắn nói sau một hồi ngập ngừng, như thể cố tập trung tư tưởng, “để hỏi cô quyển mã tự lúc nãy cô đem theo cùng với xấp giấy tờ khi rời phòng ăn.”
Thấy Canuela vẫn không trả lời, hắn nói tiếp như để giải thích.
“Cô nói với tôi cô sẽ làm việc trong khoảng hai tiếng nữa.”
“Vâng… vâng, đương nhiên rồi, tôi vừa định… bắt đầu.”
“Tại sao cô phải cải trang?” hắn hỏi cô, rồi thêm vào, “có lẽ đây là câu hỏi ngu xuẩn.”
“Vì đó… là cách duy nhất tôi… có được an toàn.”
“Tôi có thể hiểu được.”
Thâm tâm Canuela dấy lên cảm giác thật lạ thường hình như họ đang trò chuyện với nhau không phải bằng lời nhưng bằng phương thức rất khác lạ. Bất chợt cô có ý nghĩ điên điên rằng họ đang nói với nhau xuyên suốt cả khoảng thời gian vô tận và gặp lại nhau hàng bao nhiêu thế kỷ sau.
Rồi cố hết sức cô lắp bắp.
“Cuốn… mã tự… ở trên bàn.” Trong lúc nói cô nhìn xuống đứa bé đang ngủ trong lòng mình và tóc cô buông xuống như một tấm màn dấu đi gương mặt.
Cô nghe Ramón tiến một bước tới bàn viết, rồi sau đó có tiếng giấy sột soạt và hắn nói bằng giọng kiềm chế thật cẩn trọng.
“Chúc ngủ ngon, cô Gray! Tôi lấy làm tiếc vì đã làm phiền cô.”
Canuela vẫn không trả lời. Cô chỉ cảm thấy một điều gì đó lạ lùng, điều gì đó thật hệ trọng vừa mới xảy ra. Cảm tưởng của cô lúc này như màn đã kéo lên sau màn kịch thứ hai và cô vẫn chưa biết đích xác chuyện gì sẽ xảy ra.
Nhưng cô tự nhủ mình chỉ khéo tưởng tượng thôi. Nếu Ramón de Lopez thấy cô không đeo kính thì có vấn đề gì? Với tư cách là chủ của cô chuyện đó hầu như chẳng làm nên bất kỳ điều gì khác biệt đến quan hệ của họ. Cô từng nói với mình là cô căm ghét hắn, và nếu cô vẫn tiếp tục làm hắn bực bội cô biết mọi chuyện sẽ trở về chỗ cũ như trước đây.
Nhưng cùng lúc cô lại lo sợ.
-o0o-
Sáng hôm sau khi Ramón đi tập thể dục về Canuela đã chuẩn bị tinh thần trong phòng khách của hắn.
Lúc nãy khi thay áo cô tưởng chừng như không bước nổi vào đây và cô biết chắc chắn mắt hắn đang nhắm vào cô, thế nào hắn thắc mắc muốn hỏi cái câu mà cô không có lời giải đáp.
Thay vì thế cô vẫn ngồi vào chỗ cũ, đặt các giấy tờ đã đánh máy xong trên bàn về phía của cô. Cô cũng xếp luôn cả chồng sách dùng để tham khảo sẵn trên bàn, và mở đúng ngay trang họ cần đọc.
Khi hắn bước vào cabin không hiểu tại sao cô cảm thấy tim mình bỗng dưng đập dồn dập.
“Tôi khờ quá đi thôi!” cô tự trách mình. “Tối qua hắn không có quyền bước vào phòng mình, và nếu là người lịch sự hắn không nên nhắc đến chuyện đó nữa.”
Ramón ngồi xuống chiếc ghế thường dùng. Hắn quan sát cô một lúc rồi nói khẽ.
“Cô biết rõ là cặp kính này không tốt cho thị lực của cô. Khi không có ai khác cô đâu cần phải mang kính.”
“Nhưng tôi thích đeo.” Canuela vặn lại. Cô không biết vì sao nhưng cảm thấy cặp kính đối với cô như là cái phao cô cần bám vào.
“Thật là phi lý!” Ramón phản bác. “Cô đâu còn lý do nào để mang kính nữa.”
Hắn ngưng lại rồi tiếp tục.
“Tôi hiểu rằng một phụ nữ diện mạo như cô thật khó làm việc trong sở làm bình thường mà không phải đối diện với những sự lăng mạ quá quắt từ những đồng nghiệp đàn ông khi họ không thể nào để cho cô ấy được yên.”
Canuela không ngước mắt lên hắn lại nói.
“Nhưng cô đã thể hiện rõ là cô ghét tôi nên tôi bảo đảm với cô tôi vô cùng ý thức được khuyết điểm của mình khi liên quan đến cô. Vì thế tôi đề nghị cô nên tháo cái lớp cải trang đã hết hữu hiệu kia ra đi.”
Trong giây lát Canuela lưỡng lự.
Tự bao giờ cô đã dần dần cảm thấy cặp kính của mình như lớp áo giáp, cởi ra cô sẽ yếu đuối trơ trọi biết bao nhiêu. Nhưng cô tự nhủ lý lẽ của hắn không thể bác bỏ được. Hơn nữa từ chối sẽ khiến hắn nghĩ là cô sợ và càng có cớ để theo đuổi tán tỉnh cô.
Đó là lý lẽ đôi chiều và cô nghĩ nếu cô chấp thuận một cách lịch sự thì sẽ tỏ ra cô chững chạc hơn là để hắn tiếp tục tranh luận với cô, chuyện này thì cô chắc chắn hắn sẽ không bỏ qua.
Bằng cử chỉ khổ sở cô lấy kính xuống.
“Vậy thì được, senor, nhưng tôi vẫn đeo cái mà ông gọi là ‘cải trang của tôi’ bên ngoài cabin này. Nếu không lúc trước mẹ tôi sẽ không cho tôi đi chuyến này đâu.”
Vừa nói ra cô cảm thấy lời lẽ của mình nghe có vẻ giả dối, mặt cô bỗng dưng đỏ bừng và cô thấp giọng nói.
“Việc này hoàn toàn… không đúng vì… thật ra tôi không còn… cách nào khác!”
“Chính vì việc đó nên tôi rất cảm kích!” Rámon đáp lại một cách xã giao thông thường. “Chúng ta bắt đầu làm việc được chứ?”
Cô biết hắn tế nhị để giúp cô vượt qua giây phút ái ngại và thầm biết ơn ngồi đợi hắn đọc chữ đầu tiên.
Bản tường trình đã hoàn tất trong ngày hôm đó. Vì thế, Canuela tự nhủ cô không còn lý do để lưu lại trong phòng khách của Ramón nữa ngoại trừ đến giao bản đánh máy cô đã làm xong. Cô vẫn đeo kính trong bữa ăn, nhưng giờ đây cô có cảm giác hắn đang nhìn xuyên qua làn kính dò xét đôi mắt của cô điều mà hắn chưa bao giờ làm dạo trước.
Trong bất cứ trường hợp nào hắn không hề nói điều gì để gây hiểu lầm cho cô nhưng trực giác của phụ nữ cho Canuela biết rằng hắn ngưỡng mộ cô. Cô thật không thể nào quên được vẻ mặt của Ramón khi hắn bước vào phòng và thấy cô đang bế đứa bé say ngủ.
“Tuy nhiên không hề có sự so sánh nào giữa mình và senora Sánchez!” Canuela thầm nhủ.
Nhưng cô biết, vì thường xuyên làm việc chung với nhau, giữa cô và Ramón de Lopez có cảm giác gần gũi hắn chưa bao giờ có nơi các người đàn bà khác. Hắn có thể tán tỉnh họ, khao khát họ, nhưng cô chính là người kích thích trí não hắn, là người hữu dụng đối với hắn. Giờ thì chỉ đợi xem sự hữu dụng đó kéo dài được bao lâu.
Dường như thật kỳ lạ đối với cô rằng dạo này hắn không còn cố tình khiêu khích cô như hắn thường làm vào lúc cuộc hành trình bắt đầu. Ngoài ra còn vô số vấn đề hắn muốn hỏi ý kiến cô nhưng những chuyện này đều mang tính chất khách quan và chính trị. Tuy nhiên Canuela cảm thấy hãnh diện vì hắn chịu lắng nghe ý kiến của cô.
Nhưng hắn là người đàn ông đã thấy cô trong tình cảnh không có khả năng tự vệ, trên người không mặc y phục thường lệ và tóc xõa trên vai.
Một người đàn ông!
-o0o-
Khi họ bắt đầu thấy hình ảnh bờ biển nam Mỹ phía tây xa xa, Canuela bất chợt có cảm giác sợ hãi đến không ngờ.
“Điều gì sẽ đón đợi mình đằng trước đây? Senor có thấy tôi không còn hữu dụng với hắn không?”
“Hắn có muốn tôi trở về Anh ngay lập tức không?”
Họ chưa bao giờ bàn đến việc chấm dứt hợp đồng làm việc của cô và lúc nào cô cũng canh cánh trong lòng về tấm vé khứ hồi trong xách tay. Bất cứ lúc nào hắn cũng có thể lên tiếng cám ơn công sức của cô và sau đó là cô sẽ lên đường trở về Anh. Cô sẽ làm gì đây khi đơn độc về lại London? Làm cách nào cô có thể đối diện với bốn bức tường trong căn phòng chung cư Bloomsbury thiếu vắng mẹ mình?
Đối với mọi người trên tàu chặng cuối hành trình đồng nghĩa với niềm náo nức được đoàn tụ với gia đình. Hành khách ai nấy đều lộ rõ vẻ bồi hồi xao xuyến. Các nhân viên trên tàu trông bảnh bao lịch thiệp hơn, và thủy thủ đều tất bật đánh bóng, sơn sửa, và lau chùi mọi nơi mọi góc.
Làn nước xanh biếc của Đại Tây Dương bắt đầu nhường chỗ cho màu nước đục ngàu của River Plate. Người Spaniards từng đặt tên cho cửa sông này là Rio de la Plata, có nghĩa là “giòng sông bạc,” nhưng danh hiệu ấy không dành để mô tả bất cứ cảnh sắc nào ngoài niềm mơ ước của dân Tây Ban Nha.
Nước sông bị nhuốm màu bùn là vì đất phù sa của những đồn điền bạt ngàn và cây cối mục nát từ những cánh rừng khổng lồ. Giòng sông không tuôn chảy qua những miền đất trù phú đầy những mỏ bạc như tên gọi.
Canuela đang đứng trên boong, nhìn về phía xa xa đến những kiến trúc có mái vòm và tháp nhọn của Buenos Aires. Tuy không quay đầu lại nhưng cô biết Ramón de Lopez theo cô phía sau.
“Bây giờ là điểm kết thúc hay bắt đầu của chuyến phiêu lưu?” hắn cất tiếng hỏi.
“Tôi cho là đã đến lúc… kết thúc,” Canuela trả lời. Khi lời nói vừa thoát ra cô nhận thấy giọng mình nghe đờ đẫn thất vọng làm sao.
“Chuyện đó là do cô quyết định,” hắn phủ nhận. “Mỗi người chúng ta đều chọn con đường riêng của mình.”
“Điều đó không đúng,” Canuela đáp lại và chợt nhớ đến ba mình.
“Tôi nghĩ thế nào cô cũng tìm cách vạch hướng đi riêng cho cô!”
Cô liếc hắn một cách phân vân, không hiểu hắn đang ám chỉ điều gì.
Hắn rời mắt nhìn về hướng thành phố đến những cột buồm và những con tàu của các quốc gia khác nhau đậu san sát ngay cửa sông và nói tiếp.
“Tôi đến để hỏi cô tôi cần phải làm gì với những hộp hoa đang nằm trong phòng lạnh.”
Giọng nói hắn thoáng nét thú vị như thể hắn nhận ra Canuela đang trông chờ câu hỏi nào đấy quan trọng hơn hay khó khăn hơn.
“Tôi nghĩ nếu ông cho các cô tiếp viên đeo khi họ lên bờ,” cô trả lời, “họ sẽ vui lắm.”
“Tôi sẽ làm thế, tôi đã nghĩ đến một loại hoa tượng trưng cho cô nếu cô hứng thú muốn biết.”
“Là hoa gì?” Canuela hỏi tới.
“Tôi không nghĩ là cô biết loại hoa đó, đối với dân Argentines hoa đó được gọi là Lágrimas de la Virgen.”
Trước khi Canuela kịp trả lời hắn đã bỏ đi. Cô vẫn đứng đấy nhìn giòng sông, nhớ rất rõ hình ảnh Lágrimas de la Virgen. Từ đó có nghĩa là “Nước mắt trinh nữ.”
Đó là một loại thổ lan hương thơm thật thanh thoát, mọc thành bụi, mỗi cụm có khoảng hai mươi hoặc ba mươi nhánh và cao độ hai feet rưỡi. Vào mùa hoa nở, mỗi nhánh cho đến cả tá hoa mọc riêng rẽ giữa những cụm lá, hình dáng và kích thước trông tương tự như hoa hồng dại Anh quốc.
Nhưng điều lạ về Lágrimas de la Virgen là ngay sau khi hái những cánh hoa duyên dáng mỏng mảnh sẽ rũ xuống ngay tức thì. Vẻ mong manh và nhạy bén của hoa khiến dân thôn quê tin rằng hoa có tính khí đặc biệt nên không người phàm tục nào có thể sở hữu được hoa.
Rồi Canuela nhớ thêm một chuyện khác.
Dân tay chăn bò ở miền nam đặt một tên khác cho giống thổ lan này – họ gọi hoa là “Những giọt lệ tình yêu.”