The Tears Of Love

Chương 3



“Tôi có thể nói chuyện với ông không, senor?”

Đang đọc báo Ramón de Lopéz ngước lên thấy Canuela đứng bên cạnh mình. Từ nãy đến giờ hắn không nghe tiếng chân của cô. Khi nhìn cô hắn thấy sắc mặt cô rất lo lắng.

“Ồ dĩ nhiên là được, cô Gray. Tôi có thể làm gì cho cô?”

“Senor, hôm qua ông hỏi tôi có… muốn đi… Buenos Aires… với ông không?”

“Cô đã từ chối tôi rất quyết liệt mà.”

“Tôi… tôi đã… đổi ý. Nếu ông vẫn muốn tôi đi chung… tôi sẽ đi với ông.”

“Đương nhiên là tôi cần cô. Tôi đã nói rất rõ rồi.”

Canuela ngưng một chút đoạn thấp giọng nói.

“Nhưng nếu tôi… đi. Tôi xin ông trả trước cho tôi… 200 bảng trước khi… tôi rời Anh.”

Ngay trong lúc cô nói, dường như đối với cô số tiền đó quá lớn để yêu cầu, và dù cô cương quyết tỏ ra bình tĩnh lạnh lùng đến đâu cô vẫn cảm thấy gò má mình đỏ ửng. Tay Canuela run lên bần bật vì cô quá tự giận mình.

“200 bảng à?” Ramón chậm rãi hỏi. “Tôi nghĩ tôi hiểu được, cô Gray, rằng trong vấn đề này có người nào đó đã thông minh hơn cô một chút.”

“Ông muốn nói gì?” Canuela buột miệng hỏi ngay trước khi cô kịp ngăn mình.

“Tôi đang đoán anh chàng của cô đã nhận ra giá trị của cô và biết rằng con gà đẻ trứng vàng như thế sẽ là một khởi đầu khôn ngoan cho cô và anh ta dành dụm cho tương lai.”

Canuela nghênh cằm lên.

“Chuyện không phải như vậy.” Cô cao giọng.

“Chàng thanh niên của cô không đề nghị như thế sao?”

“Tôi không có anh chàng nào cả.”

“Cô muốn tôi tin chuyện đó là thật sao?”

“Senor, ông thích thế nào thì cứ việc tin thế nấy. Sự thật là…”

Cô đột nhiên ngưng bặt vì nhận ra rằng mình sắp sửa nói với hắn về bản thân mình – điều mà cô chưa bao giờ làm kể từ ngày đầu vào làm việc.

“Tôi đang đợi đấy.” Ramón khẽ nói.

Thấy Canuela vẫn im lặng hắn nói tiếp.

“Tôi muốn biết sự thật.”

“Nhưng chuyện đó đâu có liên quan đến ông.” Canuela phản đối. “Tôi đã chuẩn bị để đi làm việc cho ông. Không may tôi không thể thu xếp trừ phi tôi phải có… số tiền đặc biệt đó trước.”

Cô nói một cách cứng rắn, nhưng cùng lúc không cách nào ngăn mình nắm chặt tay lại. Thật quá khó cho cô để hạ mình cầu xin tiền bạc, tuy nhiên cô lại nhủ thầm có vấn đề gì quan trọng đâu miễn là mẹ cô có thể bình phục?

Mắt Ramón vẫn không rời khỏi mặt cô.

Một lúc sau hắn cất tiếng.

“Tôi sẵn sàng đưa cho cô bất cứ số tiền hợp lý nào mà cô cho là cần thiết, cô Gray. Nhưng đồng thời với tư cách là chủ của cô, tôi muốn biết tại sao số tiền đó quan trọng đối với cô.”

Trong phút chốc tâm trí Canuela bật lên ý nghĩ bất chấp hắn, nhưng cô có cảm tưởng là hắn đang thú vị thấy cô bối rối. Rồi cô lại bảo mình hắn có nghĩ gì hay cảm thấy thế nào thì kệ hắn chẳng quan trọng gì với cô, toàn bộ sự việc hiện nay là làm thế nào đưa mẹ cô đến Thụy Sỹ. Nhưng đồng thời cô cảm thấy nhượng bộ hắn sao khó quá. Cô biết hắn đang đấu với cô trên vấn đề nguyên tắc bởi vì hắn không thể nào chấp nhận bị đàn bà chống đối và không ép được mọi nhân viên dưới quyền hắn trở thành một tấm thảm chùi chân cho hắn dày xéo.

“Tôi vẫn đợi cô đó, cô Gray,” một lát sau hắn lên tiếng, và cô cảm thấy hình như hắn nhận ra được nội tâm cô đang mâu thuẫn.

“Mẹ tôi cần có trị liệu… đặc biệt.”

m thanh nghe như thể từ ngữ kéo mãi mới thoát ra khỏi miệng cô.

“Ở đâu?”

“Thụy Sỹ.”

“Tôi lấy làm tiếc là bà ấy có bệnh.”

“Cám ơn ông.”

“Tôi sẽ chỉ thị ông Hayward để viết chi phiếu ngay lập tức cho cô. Tôi sẽ nói ông ấy đưa thêm cho 100 bảng nữa cho phí tổn của cô đến nam Mỹ với tôi.”

“Ông sẽ trả tiền vé tàu cho tôi, nên tôi không cần chi tiêu gì cả.”

“Thế nào cô cũng thấy có những chi phí không tránh được,” Ramón phủ nhận lời cô, “cô cần có quần áo mới vì thời tiết bên đó khác với ở đây.”

“Chuyện đó thì tôi biết.”

“Từ lúc cô vào làm cho tôi,” Ramón nói tiếp như chưa hề nghe cô nói, “trang phục của cô không… thay đổi mấy… vì thế tôi định trả tiền y phục cô cần đi đường và khi chúng ta tới Buenos Aires.”

“Senor, ông nghĩ là tôi sẽ để ông trả tiền cho quần áo của tôi sao?” Canuela nói một cách kiêu kỳ.

“Đừng có vô lý như thế! Tôi và cô đều biết rõ là cô không đủ khả năng để mua sắm những thứ nếu không làm việc cho tôi thì cô sẽ không nghĩ đến vì mẹ cô bệnh.”

Hắn nói đúng, nhưng đối với Canuela sâu trong tâm khảm cô có cảm giác thật nhục nhã khi phải nhận những đồ vật quá riêng tư từ tay hắn như là áo sống cô mặc trên người. Nhưng rồi cô nhớ lại thêm 100 bảng nữa sẽ có ý nghĩa thế nào với mẹ cô, và ngay trong lúc nghĩ đến số tiền này, tâm trí cô chợt nảy ra một ý tưởng tinh quái.

“Tôi sẽ nhận số tiền phụ trội, senor. Đương nhiên là số tiền này cũng giống như… tiền của chủ nhân trả cho sắc phục của… đầy tớ thôi.”

Cô thấy mắt hắn bất chợt lấp lánh ra điều thú vị khi hắn đáp lời cô.

“Phải giống lắm, không sai một mảy may cô Gray! Nhưng chắc chắn đầy tớ vì cảm thấy chịu ơn chủ nên sẽ tỏ ra lễ độ hơn!”

À hoá ra, cô ra đòn thì hắn phản công.

Tỉ số cân bằng, danh dự đôi bên đều được đền bù!

“Tôi thấy rõ,” Ramón nói với giọng châm biếm, “chúng ta sẽ có một chuyến đi rất thú vị đấy cô Gray!”

“Tôi sẽ đến đó làm việc cho ông, senor,”

Sao mà cô ghét nụ cười của hắn đến thế.

Tuy vậy khi cầm chi phiếu về nhà tối đó cô không thể ngăn cảm giác phấn khởi vì có thể thu xếp cho mẹ đi Thụy Sỹ ngay.

“Mẹ à con có một ý kiến nữa. Mẹ nên đưa bà Graham đi chung với mẹ.”

Mẹ cô nhìn cô ngạc nhiên và Canuela nói tiếp.

“Con biết mẹ không thể nào đi một mình được. Thật ra con đoan chắc là bác sỹ Lawson cho rằng con đi chung với mẹ. Nhưng mẹ có thể đưa bà Graham đi cùng và đó sẽ là kỳ nghỉ phép tuyệt vời cho bà ấy mẹ à. Mẹ có thể giữ bà ấy bên đó một thời gian dài.”

“Nhưng con cần tiền để mua áo cơ mà.”

Canuela bật cười.

“Mẹ nghĩ con sẽ tiêu tiền đó vào áo sống trong khi con có mọi thứ con cần trong rương sao? Đồ đó chưa bao giờ mình dỡ ra kể từ lúc về Anh.”

“Mẹ quên khuấy mất!”

“Nhưng con đâu có quên! Có một số áo con mặc cách đây hai năm thì bây giờ trông trẻ con quá, nhưng áo của mẹ sẽ vừa khít cho con, con biết giờ đây mẹ gầy nhiều nên mặc đâu có vừa.”

Không đợi xem ý của cô có thực hiện được không, Canuela kéo ngay mấy cái rương để ngoài lối đi từ lúc họ mới tới Anh vào trong phòng. Những rương này làm bằng loại da chưa thuộc tốt nhất, dù các bộ áo bị nhăn nhưng không hề hấn gì.

Canuela giũ đồ ra và mặc thử vài cái.

“Vừa người con quá!” bà Arlington kêu lên suýt xoa.

Đúng, vừa thật không cần phải sửa sang gì nhiều và những chuyện Canuela có thể làm ban đêm thì cô sẽ nhờ bà Graham làm vào ban ngày. Ngay cả mẹ cô cũng nhất định muốn may thêm những đường riềm mới, cổ áo màu tươi tắn hơn, và mạng lại những đường viền ren.

Trong các rương còn vô số áo bằng muslin đẹp đẽ bà Arlington thường mặc trong lúc trời nóng. Toàn là màu sắc tươi sáng và kiểu thanh nhã.

“Đối với con đồ này quá tốt mẹ ạ,” Canuela nói với bà trong lúc trải những chiếc áo lên giường.

“Ba con lúc nào cũng muốn mẹ trông thanh lịch hơn các bà vợ của những nhân viên ngoại giao khác!” Bà Arlington mỉm cười nói với con gái. “Bởi vì ba khuyến khích nên mẹ sợ mình hay phung phí quá!”

“Mẹ ăn mặc đúng thời trang mới nhất, nên trong hai năm qua kiểu áo này chỉ thay đổi chút ít thôi.” Canuela nhận xét.

Cô nói đúng, kiểu áo này thân trên vẫn ôm sát lấy người, với những lớp váy rộng được xếp nếp, viền đường riềm hay ren, còn áo dạ hội kiểu hở vai được may cắt rất tinh xảo.

“Con không cần áo dạ hội đâu.”

“Con phải đem theo con à,” bà Arlington khuyến khích. “Con làm sao biết được nếu senor Lopez đi với con đến các buổi chiêu đãi hay mời con dự dạ tiệc. Mẹ không muốn anh ta phải mất mặt vì cách ăn mặc của con.”

Canuela phá lên cười ngặt nghẽo.

“Mặc áo dạ hội lộng lẫy như thế này mà đi chung với cặp kính như mắt cú trông con khôi hài lắm mẹ ơi!”

Vẻ mặt mẹ cô đầy ngạc nhiên nên cô phải giải thích.

“Senor Lopez hỏi tại sao lúc nào con cũng đeo kính. Hắn nói con trông giống như một con cú!”

“Mẹ muốn bảo con tháo kính ra, nhưng lại sợ nếu không đeo thì nhỡ có chuyện gì xảy ra.”

“Con cũng nghĩ thế,” Canuela tán thành. “Không phải vì điều đó có gì khác biệt đối với senor Lopez. Hắn ghét con cũng giống như con ghét hắn!”

“Anh ta ghét con?” Bà Arlington thốt lên kinh ngạc.

“Con và hắn đang tả hữu xung đột mẹ à,” Canuela lại phá lên cười. “Hắn cố thắng thế con, còn con thì nhất quyết làm cho hắn nổi cáu, hắn càng bực bội con càng thích.”

“Vậy tại sao anh ta mang con theo?” Bà Arlington hỏi.

“Bởi vì hắn không tìm được ai khác thế chỗ của con,” Canuela hài lòng trả lời mẹ mình. “Con bảo đảm nếu có người khác làm được công việc của con hắn sẽ cắt con một nhát đứt lìa không tiếc thương đâu. Thực tế là vậy đó mẹ, vì con được việc nên hắn đành phải du di có còn hơn không.”

“Mẹ không thích mỗi khi nghĩ đến con phải làm việc trong hoàn cảnh như thế,” mẹ cô chậm rãi nói. “Đồng thời để con đeo kính thì đỡ hơn là khi mẹ không thể nào ngủ được hay chịu đựng được lúc con không ở bên mẹ vì sợ có chuyện xảy ra cho con.”

“Kính của ba đúng là trời ban đấy. Mẹ à, bây giờ tốt hơn con phải treo áo lên cho bớt nhăn trước khi đem đi là.”

“Bà Graham sẽ làm cho con. Bà ấy là áo khéo lắm. Bà rất cảm kích khi biết mẹ muốn đưa bà ấy đi cùng sang Thụy Sỹ, nên mẹ biết bà muốn làm cái gì đó để đáp lại. Bà Graham là người như thế đấy.”

“Trong lúc đó con chỉ biết hòn gạch ném qua thì hòn chì ném lại thôi,” Canuela thầm nghĩ.

Cô lục tới đáy rương, lấy ra một lớp giấy lụa mỏng thì thấy thêm một cái áo nữa và kéo ra.

“Con chưa bao giờ thấy áo này mẹ à.”

“Vì mẹ chưa mặc lần nào,” mẹ cô trả lời.

“Nhưng đẹp quá!” Canuela xuýt xoa khen.

Cô nâng chiếc áo bằng satin dầy được viền bằng những đường nhún bằng voile mỏng màu trắng, làm cho áo có vẻ thanh thoát.

“Ba con đặt mua từ Pháp cho vũ hội tổ chức tại biệt điện của tổng thống,” bà Arlington nhỏ giọng giải thích. “Mẹ vừa định mặc thì ba con bước vào phòng kể cho mẹ nghe những chuyện bịa đặt và buộc tội ba đang lan truyền.”

“Ồ mẹ ơi, kinh khủng cho mẹ quá! Canuela xót xa cho mẹ mình.

“Mẹ không kể cho con nghe tối đó đã xảy ra chuyện gì,” bà Arlington tiếp tục, “vì mẹ rối loạn quá, và mẹ không cho con xem cái áo này vì muốn làm cho con ngạc nhiên.”

“Thế nào con cũng ngạc nhiên mà! Lúc nào mẹ cũng nhìn giống như công chúa thần thoại khi mẹ đi ăn tối bên ngoài.”

“Mẹ nghĩ mẹ cũng cảm thấy hơi xấu hổ vì ba con phải tốn không biết bao nhiêu. Phải trầy trật lắm ba mới mua được áo này cho mẹ.”

“Con sẽ bỏ vào rương lại,” Canuela nói.

“Không, không con à! Cứ đem theo đi!” Bà Arlington nài nỉ con gái. “Mẹ thích hình dung ra con mặc chiếc áo này. Mẹ nghĩ đến có ngày con được đi tham dự vũ hội ở biệt điện của tổng thống và ở các dinh thự khác trên quảng trường St. Martin. Những nơi đó đều có những phòng khiêu vũ thật lớn.”

Bà ngưng lại giây lát rồi tiếp tục.

“Mẹ mơ đến hình ảnh con xoay tròn trong điệu Waltz quanh phòng, tóc con lấp lánh dưới những ngọn đèn treo, và là người đẹp nhất trong lúc đó.”

Canuela không tranh luận với mẹ mình vì thấy giọng bà chan chứa cảm xúc, thay vì thế cô cúi xuống hôn bà.

“Con sẽ đem áo theo mẹ ạ, và hy vọng ước mơ của mẹ sẽ trở thành sự thật!”

Đồng thời cô tự nói với mình.

“Chẳng có cơ hội nào để thực hiện những chuyện này đâu!”

Cô biết mẹ cô hãy còn nghĩ đến cô như là thiếu nữ trong xã hội thượng lưu, người sẽ được ca tụng tán tỉnh, người mà đàn ông khen ngợi không chỉ vì sắc đẹp mà còn vì địa vị của người con gái đó.

Vì yêu thương mẹ cô không muốn làm bà mất đi ảo tưởng và giải thích cho mẹ rằng cô sẽ không bao giờ có cơ hội sống trong xã hội đó nữa. Vì cái bóng tội mưu phản vẫn phủ lên sự tưởng nhớ của người đời về ba cô, sẽ không người đàn ông nào muốn cưới cô làm vợ và làm sống lại những thông tin, những lời cáo buộc và suy đoán kinh khủng đó.

Canuela biết rõ cho đến nay tương lai mà cô quan tâm có nghĩa là đời sống làm lụng, cố gắng thu vén tằn tiện để mẹ cô có được đôi chút tiện nghi. Kế đến là cuộc sống của một cô gái già, và có lẽ kết thúc đời mình như bà Graham trong căn phòng nhỏ như mắt muỗi trên con hẻm nhỏ nào đó.

Nếu như thành thật cô phải nhìn nhận rằng mình vô cùng may mắn mới tìm được việc với người như Ramón de Lopez. Cô có thể ghét hắn, có thể ao ước trả thù cách hành xử của hắn đối với ba cô, nhưng trong hiện tại hắn đang chu cấp cho mẹ cô. Trong hoàn cảnh bình thường cô sẽ vô vàn cảm kích hắn, nhưng giờ đây cô tự nhủ cô không có lý do nào để làm chuyện đó cả.

Hắn chỉ nghĩ cho bản thân hắn và những đòi hỏi của hắn thôi. Khi cô không còn hữu dụng cho hắn nữa hắn sẽ sa thải cô ngay – biết đâu, nghĩ đến đây môi uốn lên, hắn thả luôn cô xuống biển khi chuyến hành trình chấm dứt!

Hắn là loại người tàn nhẫn, tự cao tự đại, ngoan cố, và ngạo mạn tới mức cô muốn điên lên chỉ muốn bỏ việc ngay để trả đũa hắn. Nhưng cô cũng nhận ra là cô cư xử khiếm nhã với hắn sáng nay. Thực ra nếu hắn không cần cô giúp việc nữa thì thật đáng đời cô. Cô đã thấy mắt hắn rực lên giận dữ, nên tự bảo mình là sau này cô phải hết sức thận trọng.

-o0o-

Trong những ngày kế tiếp có quá nhiều việc phải làm đến nỗi vừa đặt lưng xuống giường là cô ngủ ngay. Cô không có thời gian để nghĩ ngợi, không có thời gian để suy tính. Bác sỹ Lawson đã sắp xếp hết mọi việc cho mẹ cô và bà Graham đi Thụy Sỹ, và họ đã lên đường trước ngày cô đi với Ramón de Lopez.

Không chỉ có những việc cô phải làm cho mẹ cô mà còn rất nhiều việc trong văn phòng cần phải hoàn tất đến độ cô cảm thấy mình không bao giờ có thể làm xong. Ngoài những thư từ cô phải sắp xếp, lại còn vô số quà cáp chia tay cần phải gửi theo một danh sách người dài ơi là dài, và còn cơ man là đồ đạc phải gửi lên tàu trước khi họ khởi hành.

Trong số này là 17 trâm cài áo bằng hoa lan, mỗi trâm là một loại lan khác nhau. Hoa này được giữ trong phòng lạnh cho đến khi nào Ramón cần đến. Rồi còn cả một bộ nước hoa Pháp thường dùng, găng tay, và những đồ mỹ thuật nho nhỏ làm cho Canuela đoan quyết là có người phụ nữ nào hắn đang có tình ý cũng đi cùng chuyến với họ. Vì cô không đọc thư riêng của hắn nên cô không biết người đó là ai cho đến khi họ lên tàu tại Southampton.

Canuela cảm thấy buồn cười trước cái kiểu chủ cô đi du lịch. Không dưới bốn toa xe lửa được đặt trước để chở người rời khỏi London. Một toa cho Ramón de Lopez, một cho những nhân viên cao cấp của hắn, một cho người hầu cá nhân (hắn mang tới hai người), và một cho bạn bè của hắn, cả một đoàn người dường như ao ước được đích thân ra tiễn hắn.

Đến Southampton thì có sẵn những cỗ xe có gắn động cơ nhỏ đang phun khói phụt phù như người bị hen suyễn đưa họ tới thành phố chạy dọc theo tàu. Hành lý thì đã có một một tiếp viên đặc biệt lo liệu, nên Canuela chẳng có việc gì làm ngoại trừ leo lên cầu tàu tới khoang hạng nhất.

Trong lúc cô đang đứng đợi người chỉ phòng cho cô thì Ramón de Lopez xuất hiện, tướng mạo trông thật nổi bật và khác biệt ngay trong số bạn bè của hắn. Dường như mọi nhân viên trên tàu đều muốn chào hỏi, cố tranh thủ được nhìn diện mạo hắn. Canuela thấy hình như họ biết rõ hắn, vì hắn sang London gần như mỗi năm và luôn luôn sử dụng hãng tàu này.

Khi hắn đang nói chuyện với người quản lý trên tàu thì có thêm một hành khách bước lên boong.

Canuela nhìn chăm chăm.

Bà ta là người phụ nữ đẹp nhất cô từng gặp!

Trang phục của bà ta vô cùng cầu kỳ có lẽ thích hợp cho khung cảnh tại công viên Hyde hơn, trông người phụ nữ này cứ như một cánh bướm đang nhởn nhơ giữa các hành khách khác. Hình như họ đều mặc hàng tweed và các loại vải thô, màu sắc tối và kín đáo mà phụ nữ Anh cho là thích hợp để mặc đi đường.

Người khách mới tới đảo mắt vòng quanh những nhóm người tụ hợp đây đó và kêu lên khe khẽ mừng rỡ.

“Senor Lopez,” bà ta đưa tay bàn tay đeo găng trắng ra trong cử chỉ rất điệu đà.

“Senora Sánchez!” Hắn chào lại, “thật là ngạc nhiên và hân hạnh được gặp bà ở đây.”

“Tôi không biết rằng ông cũng về cùng ngày hôm nay như tôi! Bây giờ thì tôi cảm thấy an toàn rồi.”

Bà ta liếc nhìn bạn bè của Ramón, ai nấy đều nhìn bà ta bằng vẻ mặt ngưỡng mộ không giấu giếm.

“Tôi rất sợ biển. Nhưng giờ thì tôi biết nếu tàu bị đắm, senor sẽ cứu tôi!”

“Chúng tôi đều sẵn lòng làm chuyện đó!” một qúy ông nào đó lên tiếng.

“Vậy thì tất cả mọi người phải đi cùng với chúng tôi nhé!” senora nói một cách lả lơi.

“Cabin của cô hướng này, cô Gray,” một giọng nói khe khẽ vang lên bên tai cô, Canuela quay qua thì thấy người tiếp viên đứng bên cạnh.

Cô bước theo anh ta, vẫn nghe được tràng cười nổ ra phía sau, hình như senora đã nói gì đó khiến Ramón và bạn hắn cảm thấy thú vị lắm thì phải.

“Bây giờ thì tôi biết ai là người sẽ nhận những đóa hoa lan đó,” Canuela thầm nhủ.

Hai người họ quả nhiên là đang đóng một màn kịch tài tình, senora giả vờ ngạc nhiên gặp được Ramón de Lopez, và hắn cũng đang đóng vai trò của mình thật điêu luyện không chê vào đâu được.

Trong những tuần vừa qua Canuela đã gửi những bó hoa đến senora, và cũng đảm trách luôn việc giao quà cho cùng người. Bà ta hiển nhiên là đẹp nên cô hiểu được niềm say mê của Ramón, dường như đó đúng là từ ngữ để diễn tả cảm giác của hắn đối với bà ta.

-o0o-

Những căn phòng trên tàu đều tiện nghi và tương đối rộng rãi. Tiếp viên cho cô biết phòng ngủ dành cho Ramón là cabin lớn nhất, có cả phòng khách phía bên ngoài. Còn cabin của Canuela nằm kín đáo xuôi xuống khá xa dọc the hàng lang.

“Gia nhân dĩ nhiên là ở phòng hạng hai,” tiếp viên giải thích, “tôi chắc chắn họ sẽ đem tới mọi thứ cô cần, cô Gray.”

“Tôi thường tự lo cho mình, cám ơn,” Canuela đáp lại.

“Chúc cô một chuyến hành trình vui vẻ thoải mái nhé.”

“Cám ơn anh,” cô dứt lời thì anh ta quay đi.

Căn phòng của cô trông thoải mái và khá rộng đủ để kê một bàn viết, trên đó đặt máy đánh chữ của cô, nhưng mẹ cứ nhất định muốn cô phải đem quá nhiều đồ nên phòng giờ đây chất đầy những hành lý.

Cô quyết định sẽ dỡ ít nhất là hai rương đồ và đem bớt số còn lại ra ngoài để cô có thêm chỗ. Trên đường đến đây cô vẫn mặc bộ áo đen và áo khoác sát người thường ngày đi làm. Cô cố tình làm vậy để trêu ngươi Ramón khi vẫn xuất hiện trong y phục quen thuộc thay vì mặc đồ mới mà hắn ngỡ đã mua cho cô. Thật ra trong hành lý cô có một bộ áo đi du lịch và áo choàng rất đẹp của bà Arlington, nhưng vì ương bướng Canuela nhất định không mặc.

Canuela ngồi xuống giường và chưa gì đã nghĩ đến mẹ cô bên Thụy Sỹ, nhưng rồi cảm giác náo nức được ra nước ngoài và lại đi du lịch đã cuốn hút lấy cô. Cho dù cô có căm ghét hắn, nhưng phải cám ơn lòng độ lượng của hắn mà cô được ở đây. Trong thâm tâm cô dấy lên cảm giác mới mẻ, không thể đè nén khiến cho cô cảm thấy mình đang bắt đầu lao vào một chuyến phiêu lưu.

Cô vừa ao ước lại vừa sợ hãi thấy lại Buenos Aires. Cô từng yêu mến thành phố này lắm, nhưng giờ đây nơi đó chỉ còn đọng lại trong tâm trí cô qua hình ảnh những giọt nước mắt của mẹ con cô khi biết được danh dự của ba cô đã bị vùi dập bởi bọn người mưu đồ chống lại người cha thân yêu của cô.

“Tội nghiệp ba tôi!” Canuela đau khổ nhưng nhớ lại lời ba cô thường nhắn nhủ cô phải luôn luôn tự hào, nghĩ đến đó cô nghênh cằm lên.

“Tôi sẽ không để các người đánh bại đâu. Có lẽ khi tới Argentina tôi sẽ có cơ hội tiêu diệt bọn người đã hủy diệt ba tôi!”

Cô ghét Ramón de Lopéz nhưng không sao so sánh được với lòng căm ghét của cô đối với Janson Mandell. Tên này mới là kẻ chủ mưu toàn thể cuộc diện! Chính hắn là người đầu tiên đã cố tình gieo rắc tin đồn đơn thuần chỉ vì hắn từng yêu mẹ cô, cho dù dùng chữ yêu để diễn tả tình cảm hắn đối với mẹ cô là quá tử tế. Tuy thế Canuela cũng hiểu được nỗi sỉ nhục của hắn khi bị ba cô đánh gục sớm muộn gì cũng phải báo thù.

Jason Mandel có tên Anh và một người cha Anh quốc, nhưng mẹ hắn là người Ý xuất thân từ vùng Naples, và đối với người Neapolitan thù hận sẽ tiếp nối đời đời cho đến khi nào có máu đổ.

“Hắn đã thắng! Hắn đã thành công!” Canuela chua xót tự nhủ. “Hắn còn cách trả thù nào đích đáng hơn khi ba cô đã chết.”

Rồi cô tự hứa với mình trong mười bảy ngày lênh đênh trên biển sắp tới sẽ cố không nghĩ đến những kẻ thù có thể sẽ chạm mặt tại Argentina. Họ sẽ không nhận ra được cô, nhưng cô chỉ hy vọng rằng bằng cách nào đó lời nguyền rủa, lòng căm thù của cô sẽ khiến bọn họ ăn không ngon ngủ không yên. Trong thời gian này cô còn có nguyên cả con tàu để thám hiểm và niềm nao nức ngắm tàu rời bến cảng.

Cô đi lên tầng trên, đoán chắc không có ai ở trên đó sẽ lưu ý đến cô. Quả đúng như vậy. Hầu hết mọi người đều quây quần ở cầu tàu trò chuyện với bạn bè mãi cho đến lúc cuối cùng đành phải lên bờ.

Dàn nhạc bắt đầu trổi nhạc, còi tàu vang dội khắp không gian, và giữa rừng đám đông reo hò, người vẫy tay kẻ vẫy khăn rối rít, con tàu từ từ lui ra khỏi bến tiếp theo bị kéo mạnh nghe ục một tiếng rồi tiến vào vùng nước sâu của eo biển Anh quốc.

Lúc ấy trời đã ngả sâu về chiều Canuela biết đêm đầu tiên ra biển bữa tối sẽ dọn sớm hơn. Hầu hết mọi người đều không màng thay y phục với lý do thông thường là chưa có thời gian để soạn đồ. Dù vậy Canuela chọn mặc bộ áo đơn giản hơn dành cho buổi chiều của mẹ cô và loại bỏ chiếc áo đầm đen ảm đạm cô biết chắc sẽ làm Ramón khó chịu.

Cô bước xuống lầu vào phòng ăn ngay khi chuông báo hiệu giờ ăn tối vang lên. Khi thông báo mình là ai cô được tiếp viên trưởng chỉ chỗ trong chiếc bàn kê ở một vách phòng. Canuela ngồi ăn một mình và thích thú ngắm những người khác vào phòng được hướng dẫn tới bàn ăn của thuyền trưởng kèm theo nghi thức trang trọng nếu khách là nhân vật quan trọng. Những người khác thì được xếp vào bàn của nhân viên cao cấp nhất trên tàu, và số còn lại thì ngồi bất cứ nơi nào trong phòng.

Ramón de Lopez đương nhiên là an vị ở bàn của thuyền trưởng và senora Sánchez cũng thế. Họ đi riêng vào phòng ăn nhưng được xếp chỗ bên cạnh nhau một cách tình cờ đến độ hiển nhiên và dường như có rất nhiều chuyện để nói với nhau. Senora Sánchez mặc chiếc áo dạ hội rất cầu kỳ và dường như không hề e ngại rằng bà ta là người phụ nữ độc nhất trong phòng ăn chưng diện hết sức điệu đà.

Lẽ tất nhiên là bà ta trông rất lộng lẫy trong bộ y phục bằng lụa màu hồng ngọc, nền lụa đỏ thắm làm tôn thêm sắc đen tuyền của mái tóc và làn da mịn màng như hoa mộc lan. Mắt bà ta lấp lánh và hình như lóe lên theo mỗi cảm xúc, hay bất cứ điều gì bà ta đang nói với đôi môi đỏ thắm khêu gợi.

Sáng hôm sau Canuela không lấy làm ngạc nhiên khi Ramón bảo cô gửi một hộp lan đến cabin của senora. Tâm trạng hắn dường như đang vui, Ramón ngồi xuống đọc bài báo cáo về chuyến đi và những hợp đồng hắn vừa đạt được nhưng không đưa ra ý kiến riêng nào. Canuela biết sau đấy mỗi nhân vật có liên quan chuyến viếng thăm Anh quốc của hắn đều được gửi một bản sao báo cáo. Hắn đọc nhanh nhưng không đến nỗi quá nhanh so với tốc độ lúc hắn khiêu khích cô. Sau hai tiếng hắn kết thúc bản tường trình rồi nói với Canuela.

“Tôi hy vọng cô ở được thoải mái, cô Gray?”

“Rất thoải mái, cám ơn ông.”

“Cho tôi khen bộ áo cô đang mặc.”

Canuela vụt liếc xuống người mình. Tình cờ cô đã mặc chiếc áo đầm màu xanh hồ thủy sậm bằng crepe. Đây là một trong những chiếc áo được thiết kế rất thanh nhã của mẹ cô, mang chút ít nét riêng đặc trưng trong số tất cả y phục của bà Arlington.

“Cám ơn, senor.” Canuela thấp giọng nói.

“Hãy còn qúa sớm để hỏi xem cô có thích chuyến đi này hay không,” hắn dự đoán, “nhưng tôi sẽ hỏi sau khi chúng ta tới Madeira vì tôi có cảm tưởng biển sẽ động trong vài ngày đầu tiên ra khơi.”

Trời trở gió mạnh khi họ xuôi xuống eo biển Anh quốc, biển càng lúc càng nổi sóng lớn. Canuela đi biển rất giỏi nên cô thấy mình hình như là phụ nữ duy nhất trong phòng ăn tối đó. Trong bốn ngày kế tiếp không hề thấy bóng dáng senora Sanchéz.

Tàu tròng trành nên rất khó đi lại và sau khi đi hứng gió rồi bị sóng tạt, Canuela nhận thấy ở trong phòng đọc dễ dàng hơn cho đến khi Ramón gọi cô. Mỗi ngày cô đều được lệnh tặng hoa cho senora, và nghe tiếp viên nói lại cô biết senora phải nằm miết trên giường vì bị say sóng.

“Rồi còn làm om sòm lên nữa!” cô tiếp viên cáu kỉnh nói, “bà ta rung chuông gọi liên hồi đến độ chân tôi chạy không chạm đất.”

“Nhưng bà ta chắc có người hầu ở chung chứ?” Canuela hỏi.

“Người hầu!” người tiếp viên hít mũi. “Hễ biển động là nhức đầu rồi, họ còn gục trước chủ của họ nữa.”

Thấy người phụ nữ trông có vẻ lo âu căng thẳng Canuela nói.

“Chị cứ cho tôi biết tôi có giúp gì được không. Tôi không bao giờ bị say sóng nên sẵn sàng giúp chị một tay.”

“Cô tử tế quá,” cô tiếp viên ngạc nhiên nói. “Hiếm khi có người chịu giúp tôi lắm. Trên tàu này đang thiếu tiếp viên, tôi không biết vì sao nhưng tôi mong sẽ xoay sở được!”

Tuy nói thế nhưng vì Canuela kiên quyết muốn giúp nên cô tiếp viên đem đến một chiếc áo cần phải là và hai ba cái áo ngủ phải giặt. Các thứ áo sống này viền ren rất đẹp xem ra cũng không có gì trở ngại nên cô tiếp viên quá đỗi cảm kích.

“Tôi chưa gặp ai tử tế như cô cả, thật đấy.”

“Tôi chỉ có ít chuyện phải làm còn chị thì lại có quá nhiều! Thôi thì để cho công bằng mình nên san sẻ với nhau.”

-o0o-

Ramón de Lopez làm việc thật cật lực.

Đôi lúc hắn đưa bài cho cô hàng hai ba tiếng liên tục, vào những lúc khác hầu như cả ngày cô không nghe hắn ra chỉ thị nào. Dường như hắn đang đọc rất nhiều tài liệu, bằng chứng là cô thấy một số sách vung vãi khắp nơi trong phòng khách của hắn. Những sách này hầu hết là về chính trị và cô nghĩ ba cô có lẽ đúng khi nói hắn đang nhắm tới chiếc ghế tổng thống. Dù có ghét hắn đến cỡ nào cô cũng phải công nhận hắn sẽ trở thành một tổng thống tốt.

Dân tộc Argentina thích người có dũng khí. Họ thích lãnh tụ năng động, sẵn sàng miệt mài trên yên ngựa cả ngày trời không hề mệt mỏi, và chơi polo tài tình. Cô biết Ramón là một trong những cầu thủ chơi polo xuất sắc trên thế giới, rằng hắn cũng nhạy bén và am tường về tình hình tài chính của quốc gia và thêm một điểm cộng là một nhà đàm phán tài ba, những đặc điểm khó tìm thấy trong cùng một người.

Biển đã lặng và nắng tỏa sáng khi họ đến đảo Madeira, là bến đỗ duy nhất giữa Anh quốc và Buneos Aires. Canuela chỉ nghe nói về Madeira vì những chuyến tới nam Mỹ của cô đều khởi hành từ Lisbon. Trong lúc tàu thả neo tại vịnh Funchal, hòn đảo trông thật quyến rũ dù dốc đứng từ bãi biển đầy đá cuội lên đến những rặng đồi mây giăng mắc trên đỉnh. Mọi thứ đều xanh tươi làm nền cho những tòa nhà tường sơn trắng, vàng, hay lam nhạt, mái ngói đỏ au, và các cánh cửa lá sách màu xanh lục. Trước khi tàu thả neo Canuela nhận ra lẫn trong màu xanh ấy nào là chuối, dừa, và cơ man là dây leo.

Ngay khi tàu vừa dừng lại, từ trong bờ một đàn thuyền nhỏ túa ra. Đó là những thuyền bán thổ sản của đảo nào cây trái, rổ rá, cho đến những đồ thủ công đan bằng rơm. Họ giơ cao hàng hóa và trả giá tới lui với hành khách đang vươn người ra từ boong tàu. Rồi kia là những nhân viên hải quan nghênh ngang trong đồng phục đen, trắng, và vàng, và những thuyền chở đầy những đứa trẻ gần như chả có quần áo gì đang nài nỉ khách ném tiền cắc xuống thưởng công chúng nhảy biểu diễn xuống làn nước màu lục trong văn vắt.

Canuela hớn hở theo dõi mấy đứa trẻ, động tác nhanh nhẹn khéo léo của bọn chúng khiến cô muốn muốn vỗ tay tán thưởng vì không đồng bạc cắc nào thoát khỏi tay bọn nó. Thỉnh thoảng hai hay ba đứa hụp xuống nước mò tìm chỉ mỗi một đồng shilling.

Ngay sau khi các thủ tục hải quan sơ bộ được thông qua hành khách được phép lên bờ. Đoan chắc Ramón sẽ không cần cô, Canuela là một trong những người đầu tiên ra khỏi tàu.

Lên đến bờ những lối đi dốc được lát bằng loại đá cuội xám trơn trượt thật không dễ bước vì bị bào nhẵn như kính bởi những luồng xe trượt bằng cây ghép qua lại liên tục được điều khiển bằng những người lái với các cây sào dài, nên rất khó bám chân. Nhưng bên ngoài thành phố có xe kéo cho thuê, đương nhiên nếu khách có tiền trả!

Du khách có thể lái xe trong những con dốc thoai thoải rậm rạp hoa lá đổ từ trên núi xuống và ngắm thưởng các loại hoa đủ màu sắc đặc biệt là hoa loa kèn mọc hoang khắp đảo.

Trong chuyến đi này Canuela mang theo 10 bảng, số tiền mà sau một hồi tranh luận cam go với mẹ mình cô mới đồng ý giữ.

“Cưng à, con cần có ít tiền trong người,” bà Arlington căn dặn con gái, “phòng trường hợp có người con cần cho tiền thưởng. Ngoài ra con đâu thể nào hỏi xin senor Lopez được – sau khi anh ta đã đưa ngần ấy tiền cho con – rồi còn tiền quyên góp trong nhà thờ hay là một xu lẻ cho cây kim cuộn chỉ nữa.”

Bởi chuyện này thực sự làm mẹ cô lo lắng, Canuela đành lấy 10 bảng trong số 300 Ramón đã đưa cho cô, và định bụng nếu còn dư tiền trên đường về cô sẽ mua cho mẹ một món quà. Vì không muốn phí tiền nên cô cuốc bộ trên lối đi lát đá xám trơn trượt cho tới khi ra đến những con đường đầy bụi, rồi leo lên sườn đồi. Lên khá cao phía trên cảng và thành phố thì cô có thể ngắm được quang cảnh hùng vĩ của đảo.

Thật không sai chút nào. Lên trên cao không khí mát mẻ dù mặt trời tỏa nắng nóng gắt, hoa lá và cây cỏ nhiệt đới thật xinh tươi duyên dáng rất đáng với công sức cô bỏ ra. Phía bên dưới chợ búa trông xinh xắn ngộ nghĩnh như đồ chơi trẻ con, và cô nghĩ mình khôn khéo biết bao tránh được mánh lới câu khách của các hàng quán đối với du khách.

Vài hành khách đã lên đường du ngoạn trong những chiếc xe trượt cây, rồi tiếp theo cô lưu ý thấy hai người khách đang lái một chiếc xe kéo mui trần dọc theo con đường mà nhìn từ trên cao xuống trông nhưng một dải băng. Đâu có khó gì để nhận ra chiếc áo màu hồng kia là của senora Sanchéz đang mặc. Lúc nãy Canuela đã thấy bà ta đứng trên boong xem mấy đứa trẻ lặn nước, diện mạo giống như một đóa hồng. Nón của bà ta được viền bằng hoa và có quai bằng ribbon thắt dưới cằm. Dù trên thực tế bà Arlington sẽ cho rằng đeo nữ trang như thế là thiếu thẩm mỹ, nhưng toàn thân senora thì lóng lánh kim cương.

“Chả biết hắn có yêu bà ta không nhỉ?” thấy cảnh tượng đó Canuela phân vân tự hỏi.

Giờ thì cô thấy đầu họ chụm sát vào nhau tuốt bên dưới chỗ cô đứng và cô thầm hỏi thế họ có cầm tay nhau không. Khi cho xe ngừng lại thế nào họ cũng tản bộ len lỏi giữa những cây cối và ôm ấp thân mật hơn nữa.

“Là phụ nữ đã có chồng thì bà ta phải cư xử đứng đắn hơn chứ!” Canuela nghiêm mặt tự nhủ.

Chồng bà ta, senor Sánchez là một thành viên của chính phủ. Trong lần chót Canuela ở Buenos Aires thì ông ta từng là hội trưởng của ban quản trị thương nghiệp, nhưng qua báo chí cô đọc ở London thì nay ông ta là bộ trưởng tài chính. Cô nhớ được ông ta là người hào nhoáng, tính khí nóng nảy và có phần hung hãn. Canuela có cảm giác là ba mình chưa bao giờ thích người đàn ông đó, dù ba cô từng có khá nhiều giao thiệp với ông ta cách này hay cách khác.

Nhưng dù sao đi nữa thì senor đó hiển nhiên đã tìm cho mình một bà vợ tuyệt đẹp! Canuela có thể cảm giác được ông ta sẽ bất bình nếu biết được vợ mình đang tình tứ với Ramón de Lopez, một nhân vật khét tiếng trên tình trường cũng như là một kỵ mã lừng danh.

Nhìn họ dong xe theo con đường ngoằn ngoèo, Canuela lưu ý thấy đằng sau xe họ còn có một chiếc xe kéo khác nữa trên đó chỉ có một người đàn ông. Thấy thế cô lấy làm lạ là có khách lại tự lái xe đi du ngoạn một mình, rồi cô sực nhớ lại câu chuyện ngày hôm trước nói với cô tiếp viên.

“Tôi thấy có một người đàn ông lúc nào cũng đứng lảng vảng ở hành lang. Ông ta nhỏ người, ngăm đen và có sẹo trên má. Tôi chưa bao giờ gặp người đó trong phòng ăn cả, nên tôi nghi ông ta không phải là khách hạng nhất.”

“Thật ra ông ta không phải khách hạng nhất, tôi biết người đàn ông cô nói và có đề cập vấn đề này với tiếp viên trưởng rồi.”

“Chị có nghĩ ông ta là kẻ trộm không?” Canuela hỏi.

“Tôi không nghĩ thế, nhưng tôi nghi hắn ta là nhà báo.”

“Điều gì làm cho chị nghĩ ông ta đang làm việc cho báo chí?”

“Ồ, hắn rất tò mò, đó là một,” cô tiếp viên trả lời. “Hắn đã hỏi tôi hầu hết mọi người trên tầng này.”

“Về tôi à?” Canuela hỏi, bất chợt cô sợ danh tính mình sẽ bị bại lộ.

“Không, không phải về cô, cô Gray, nhưng chắc mẻm hắn có hứng thú với ông chủ của cô.”

“Tôi cũng muốn biết nguyên nhân,” Canuela nhận xét, rồi nghĩ rằng người đàn ông đó có lẽ có liên hệ với một công ty đối thủ mà Ramón không phải là nhân vật đại diện. Cô biết rõ mọi thương lượng hay hợp đồng ký kết ở Anh đều được bảo mật cho đến khi về tới Argentina.

Cô nhận ra được cái cách ông ta cầm nón và kiểu nón ông ta đội khá lạ lùng, và cô còn nhớ được ông ta cầm nón trong tay khi bước dọc theo hành lang. Rồi thình lình câu trả lời lóe lên trong đầu cô.

Người đàn ông đó không phải là nhà báo mà là thám tử!

Cô biết đàn ông Argentines ghen vợ mình điên cuồng như thế nào rồi, và Ramón chính là mẫu nhân vật mà người ta, chắc chắn là có lý do, muốn biết vợ mình đang làm gì khi ông chồng không kề cận bên cạnh.

Tận trên đồi cao, ngồi giữa các khóm hoa loa kèn dại Canuela tự hỏi đây có phải là cơ hội báo thù của cô không. Nếu thám tử báo cáo lại, chuyện này thì nhất định rồi, rằng Ramón de Lopez đang ngoại tình với senora Sánchez, chồng bà ta sẽ khiêu chiến với hắn. Hậu quả sẽ là một trận đấu súng, hoặc ông chồng sẽ tìm cách bêu riếu đôi gian tình để bảo đảm họ sẽ bị tẩy chay bởi những thành viên khả kính trong xã hội thượng lưu. Kết cuộc đó sẽ đóng dấu chấm hết cho hoài bão trở thành tổng thống của Ramón de Lopez.

Dân Argentines mến mộ đàn ông thể chất sung mãn cường tráng. Họ có thể chấp nhận anh ta có nhân tình. Họ có thể chấp nhận anh ta ăn chơi phóng túng. Nhưng có tư tình với vợ của người khác thì lại là vấn đề hoàn toàn khác biệt. Người vợ là thuộc quyền sở hữu của người đàn ông, có thể nói là tài sản của người đó! Cũng giống trường hợp một kẻ trộm ngựa bị xử treo cổ thì việc bắn chết kẻ ngoại tình một cách tàn nhẫn sẽ không bị cho là phạm tội sát nhân.

“Đây là cơ hội trả thù của mình,” Canuela thầm nghĩ.

Nhưng suy đi nghĩ lại cô biết mình không thể để chuyện này xảy ra. Việc cô báo thù Ramón de Lopez là một vấn đề, nhưng thấy hắn thân bại danh liệt lại là vấn đề khác!

Nghĩ được thông suốt Canuela trở về bến cảng trước khi Ramón và senora Sánchez lên tàu. Người mặt sẹo tiếp tục theo dõi họ trên một chiếc thuyền khác. Canuela đợi cho đến lúc cô biết chắc Ramón ở một mình trong phòng khách của hắn.

Neo đã được kéo lên và tàu chuẩn bị ra khơi. Nhiều người vẫn đứng trên boong nhìn tàu lui ra khỏi vịnh, nhưng hắn là khách du hành đã quá dày dạn kinh nghiệm nên không còn hứng thú với những giây phút đó nữa. Khi Canuela bước vào cabin hắn ngước lên nhìn với vẻ mặt mà cô nghĩ là khoan khoái.

“Tôi đang định nhắn cô đến, cô Gray. Tôi có một hai điểm cần thêm vào cái chúng ta làm hôm qua.”

Cô do dự nhưng hắn không lưu ý và tiếp tục nói.

“Cô có lên bờ không?”

“Vâng.”

“Đảo này thật là đẹp.”

“Thực sự rất đẹp, senor.”

Thấy cô không ngồi xuống hắn nhìn cô ánh mắt ra vẻ chất vấn.

“Có chuyện gì thế?” hắn hỏi cô.

“Chiều nay ông đã bị theo dõi,” cô lên tiếng, “có một người đàn ông đang điều tra về ông. Hắn cứ bám sát ở hành lang bên ngoài.”

Ramón sững người.

“Thế cô nghĩ hắn muốn gì?” một hồi sau hắn mới hỏi cô.

“Chuyện đó không đến phiên tôi nói, tôi chỉ nghĩ là ông nên biết thế thôi.”

“Thế tại sao cô lại cất công nói cho tôi biết?” hắn hỏi vặn.

Cô cảm thấy câu hỏi đó thật bối rối, nhưng rồi cô nói thật.

“Dư luận gièm pha sẽ… gây hại cho ông.”

“Nhưng chắc chắn sẽ làm cô hài lòng. Cô đã tỏ thái độ ghét tôi rất rõ ràng kia mà, cô Gray.”

“Ông đã biết… điều đó nhưng vẫn… mang tôi theo?”

“Như cô đã biết rõ, tôi cần cô. Đồng thời tôi cũng lấy làm thắc mắc nguyên nhân nào khiến cô có ý định này.”

Canuela im lặng một lúc rồi nói.

“Senor, tôi nghĩ chúng ta nên… bắt đầu làm việc.”

“Tôi muốn cô trả lời câu hỏi của tôi. Tại sao cô không đứng một bên nhìn tôi mang tai tiếng? Tôi chắc chắn, cô Gray, cô quá thông minh nên đâu đến nỗi không nhận ra tên đàn ông đó là ai.”

“Việc đó… không liên quan đến tôi.”

“Nhưng cô đã lo ngại cho thanh danh của tôi.”

Hắn ngưng một chút rồi nói tiếp.

“Hay cô làm thế vì biết ơn tôi?” Giọng hắn thoáng châm biếm và sau một lát Canuela trả lời.

“Không, không phải… thế.”

“Vậy tôi cần một lời giải thích.”

Canuela lại im lặng rồi ngập ngừng nói.

“Có một người… tôi rất tôn trọng khả năng phán đoán của người đó… từng nói rằng ông sẽ… trở thành một tổng thống tốt của Argentina.”

“Vậy trước đây cô đã nghe đến tôi?” hắn cao giọng hỏi.

Canuela đỏ bừng mặt, cô biết hắn sẽ không bao giờ bỏ qua một điểm nào.

“Ông là người nổi tiếng mà, senor.” Cô thì thầm.

“Nhưng bên ngoài Argentina thì hầu như không.”

Cô không trả lời sau giây lát hắn hỏi.

“Thế cô có đồng ý với người đó không?”

“Có.”

“Tuy thế cô vẫn ghét cá nhân tôi.”

“P-phải.”

Cô nói đơn từ đó một cách khó khăn.

“Ít ra cô cũng thành thật, cô Gray. Cô có thể nói cho tôi biết vì sao không?”

“Không!”

“Tại sao không?”

“Tôi không có trách nhiệm phải phải làm chuyện đó, senor. Ông cho phép tôi nhắc ông chứ rằng tôi chỉ đến đây để làm việc cho ông thôi? Cảm giác của tôi, hay bất cứ thứ gì khác đều không liên hệ gì đến ông.”

“Nhưng lạ là những thứ đó lại có liên hệ khá nhiều với tôi,” Ramón de Lopez phủ nhận lời cô, “cô Gray, thật sự mà nói tôi thấy tức muốn điên lên được khi làm việc với người mà thái độ chỉ toàn là thù nghịch và mỗi lời nói ra nghe cứ như vừa mới lấy ra khỏi frigorifico!” (phòng lạnh)

Canuela lặng thinh không nói năng gì sau một hồi hắn gắt lên như không kiềm chế nổi bản thân mình.

“Cô không còn gì để nói nữa sao? Chỉ có Chúa mới biết thật là điên khùng khi nói chuyện với người đàn bà cứ làm như mình là hiện thân của nhân sư hay là cái gì bí ẩn vậy!”

“Tôi đâu có đến đây để nói chuyện, senor.”

“Nhưng tôi muốn nói chuyện với cô.” Thái độ của Ramón như là một đứa bé nhõng nhẽo vòi vĩnh. “Nếu tôi phải khước từ niềm vui được ở chung với senora cho hết chuyến đi này, vậy thì tôi đành phải tự thỏa mãn mình bằng cách trò chuyện cùng cô thôi!”

“Tôi lấy làm tiếc là ông phải chịu khổ đến thế!” Canuela mỉa mai.

Ramón nhìn cô một lúc rồi nói.

“Tôi không biết cô trưởng thành nơi nào, cô Gray, nhưng rõ ràng là cô được tùy nghi sống theo ý mình, đó là sai lầm cho một phụ nữ trẻ. Tôi chỉ hy vọng rằng người bạn trai của cô, dù cô đã nói là không có ai, một ngày nào đó sẽ cho cô ăn đòn vì cô đáng bị như vậy!”

Canuela vẫn không trả lời hắn, một lát sau hắn giận dữ nói.

“Vậy thì ngồi xuống đi! Ít ra nhiều hay ít thì cô cũng có tính người hơn trong lúc tôi làm việc với cô, cho dù tôi có phải làm tan cái frigorifico này đi chăng nữa, chúng ta cũng phải bắt đầu từ điểm tiếp xúc đã có với nhau.”

Canuela ngồi xuống chiếc ghế cứng và mở sổ ghi chú ra.

“Tôi sẵn sàng rồi, senor,” cô nói bằng giọng điệu nhu mì cố tình làm cho hắn tức điên lên.

Đằng sau lớp kính đen mắt cô lóe lên đắc thắng!

À ha, cô đã khiến cho hắn bực bội biết chừng nào!

Còn hơn thế nữa cô đã thành công chọc thủng được lớp vỏ phách lối tự mãn của hắn!

Đồng thời cô đã ra tay cứu hắn!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.