Chính lúc đó tôi nhận ra những hư ảnh ấy đang nói lên một cách chính xác những gì đang xảy ra trong tu viện, những gì chúng tôi đã biết được từ Cha Bề trên dè dặt. Trong những ngày kế tiếp, tôi đã trở lại không biết bao nhiêu lần để xem xét cánh cửa đó, tin rằng tôi đang trải nghiệm chính những sự kiện nó tường thuật lại. Tôi biết chúng tôi đã leo đến đây để chứng kiến một vụ thảm sát vĩ đại và thần thánh.
Người tôi run rẩy như thể tắm đẫm mưa đông buốt giá. Tôi lại nghe một giọng nói khác, nhưng lần này vọng đến, từ sau lưng và rất lạ, vì nó xuất phát từ trần gian chứ chẳng phải từ trong ảo mộng mù loà của tôi. Nó đã thực sự phá tan ảo ảnh, vì thầy William trước đó cũng chìm đắm vào dòng suy tưởng, giờ mới cùng tôi quay đầu lại.
Con người sau lưng chúng tôi rõ ràng là một tu sĩ, mặc dù chiếc áo rách bẩn thỉu khiến gã trông như một tên du thủ du thực, và bộ mặt gã giống hệt những quái vật tôi vừa mới nhìn thấy trên đầu cột. Không giống các tu sĩ anh em khác, cả đời tôi chưa bao giờ trông thấy Quỷ, nhưng tôi tin nếu một ngày kia Quỷ có hiện ra trước mặt tôi, và phép thánh buộc nó không được che dấu hoàn toàn bản chất của mình dù có giả thành người đi nữa, hẳn nó sẽ phải mang những đường nét của kẻ đang nói chuyện với chúng tôi bây giờ đây. Đầu gã trọc lóc, không phải bị cạo do phạm tội mà là hậu quả của bệnh chàm nhốt hồi xưa, trán thấp đến độ nếu gã có mọc tóc hẳn tóc sẽ hoà lẫn với đôi mày rậm và bờm xờm, cặp mắt tròn, đồng tử nhỏ và linh động, tôi không biết ánh nhìn của gã là ngây thơ hay quỉ quyệt; có lẽ là cả hai, trong những tia, những trạng thái khác nhau. Không thể gọi mũi gã là mũi được, vì nó chỉ là một mẩu xương phát xuất từ giữa đôi mắt, nhưng nó mới nổi lên thì lập tức chìm xuống ngay, rồi biến dạng thành hai cái lỗ tối đen, hai cánh mũi rậm đầy lông… Một vết sẹo nối mũi với một cái miệng rộng và xấu xí, kéo dài về bên phải nhiều hơn bên trái, giữa môi trên hầu như không có và môi dưới dầy trề ra là hàm răng hô, cái nhô ra, cái thụt vào, đen và sắc nhọn như răng chó.
Gã cười, và giơ một ngón tay lên như thể khuyên răn:
– Hãy ăn năn sám hối! Coi chừng rồng sắp đến để gặm xác người! Thần Chết là kẻ tối cao! Cầu Santo Peter đến giải phóng ngươi và tất cả tội lỗi của chúng ta! Hãy coi chừng ma quỉ! Luôn rình ta ở một xó nào đó để đớp lấy gót chân ta. Nhưng Salvatore đâu phải là kẻ ngu đần! Tu viện tốt, và nhà ăn tốt, cầu Chúa chúng ta. Những thứ còn lại không đáng cục cứt. Amen. Phải không?
Khi câu chuyện tiếp diễn, tôi sẽ tả chi tiết về con người này và ghi lại lời của gã. Thú thật, làm việc ấy rất khó vì thuở đó, và cả bây giờ nữa, tôi mù tịt không biết gã nói thứ tiếng gì. Gã không nói tiếng La tinh như các học giả ở tu viện, không nói tiếng thông tục của các vùng địa phương quanh đó, hay của bất kỳ vùng nào tôi đã được nghe. Khi ghi lại những lời nói đầu tiên của gã, tôi biết mình mới phác hoạ một ý niệm mơ hồ về cách gã nói. Sau này khi tôi biết về cuộc đời phiêu bạt của gã và những nơi chốn khác nhau gã đã lê gót qua, tôi nhận ra Salvatore nói tất cả các thứ tiếng và không nói thứ tiếng nào cả. Thực ra, gã đã sáng chế cho riêng gã một thứ tiếng sử dụng những yếu tố cơ bản của các thứ tiếng gã biết được. Có một dạo tôi cho rằng tiếng nói của gã không phải là tiếng nói của Ông tổ Adam mà nhân loại hạnh phúc xưa kia đã nói – tiếng nói duy nhất đã liên kết mọi người từ điểm khởi sinh thế giới đến tháp Babel với nhau – cũng không phải một trong những thứ tiếng xuất hiện sau biến cố tàn khốc phân hoá họ; nó chính là tiếng nói của thành phố Babel [1] ngay sau khi bị Chúa trừng phạt, thứ tiếng hỗn loạn thời nguyên sơ. Nhưng không phải vì việc đó mà tôi có thể gọi lời nói của Salvatore là một thứ tiếng, vì tất cả các thứ tiếng của nhân loại đều có luật và mỗi từ đều biểu thị một sự vật theo một qui luật cố định, vì người ta không gọi con chó lúc là chó, lúc là mèo được, hay không thể phát ra những âm thanh chưa được con người gắn cho một ý nghĩa xác định nào đó. Thế nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn hiểu được điều Salvatore muốn nói, và những người khác cũng vậy. Gã nói tất cả các thứ tiếng, không nói tiếng nào đúng cả, khi dùng từ của tiếng này, khi của tiếng khác, có thể đề cập đến điều gì đó ban đầu bằng tiếng La tinh, rồi sau chuyển sang tiếng xứ Provence. Tôi nhận thấy gã ít sáng chế câu nói mới của mình, mà thường sử dụng những thành phần nhớ được từ các câu nói khác, gã đã nghe đâu đó trước kia, rồi áp dụng chúng vào hoàn cảnh hiện tại và điều gã muốn nói. Thí dụ gã có thể nói về một món ăn bằng cách chỉ dùng số từ những người cùng ăn món đó với gã đã sử dụng và bộc lộ niềm vui của gã bằng cách chỉ dùng số câu gã đã nghe những người vui mừng thốt ra vào cái ngày gã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Cách gã nói cũng na ná như bộ mặt gã, chắp từ các mảnh vụn của mặt người khác lại với nhau, hay giống như vài cái hòm đựng thánh tích quý báu tôi đã thấy, được chế tạo từ các mảnh vỡ của các thánh vật khác. Vào giây phút đầu tiên gặp mặt, do cả hai yếu tố bộ mặt và lối nói của gã, Salvatore hiện ra với tôi giống như những sinh vật lai có vó đầy lông lá tôi vừa nhìn thấy dưới cửa chính. Về sau tôi nhận thấy gã khá tốt bụng và hóm hỉnh. Rồi về sau nữa… Nhưng chúng ta không nên vượt trước câu chuyện. Đặc biệt khi gã rứt lời, thầy tôi bèn hỏi, giọng hết sức hiếu kì:
– Tại sao Huynh bảo hãy ăn năn sám hối?
– Lạy Chúa rất nhân hậu, – Salvatore đáp, khẽ cúi đầu – Đức Kitô sẽ đến và loài người phải sám hối. Phải không?
Thầy William nhìn gã, – Huynh từ tu viện dòng Anh em Nghèo khó đến phải không?
– Hổng hiểu.
– Tôi hỏi có phải Huynh đã sống với các thầy tu dòng thánh Francis hay không? Tôi hỏi Huynh có biết những người mệnh danh Tông đồ…
Mặt Salvatore tái nhợt hay nói đúng hơn, khuôn mặt sạm nắng và hung tợn của gã đổ màu xám xịt. Gã cúi chào thật sâu, cặp môi nửa khép nửa hở lầm bầm “Xin lui”, cuống quýt làm dấu thánh giá rồi bỏ chạy, chốc chốc lại ngoái nhìn chúng tôi.
– Thầy hỏi Huynh ấy gì thế?
Thầy William nghĩ một lát – Không có gì đâu. Ta sẽ kể cho con nghe sau. Chúng ta hãy vào bên trong đi. Ta cần gặp Cha Ubertino.
Vừa mới sáu giờ. Mặt trời xanh xao từ phương Tây chỉ len lỏi qua được những cửa sổ nhỏ hẹp, lọt vào nội dinh giáo đường. Một giải sáng mỏng manh chụm lên bàn thờ chính. Và mặt trước bàn thờ dường như bừng lên những tia vàng rạng rỡ. Các gian bên cạnh chìm trong bóng tối.
Gần cuối giáo đường, phía trước bàn thờ gian bên trái, có dựng một cột dáng thon nhỏ, tạc tượng Đức Mẹ đồng trinh bằng đá, theo kiểu mới, với nụ cười huyền nhiệm khó tả và vòm bụng nhô cao, khoác một tấm áo xinh đẹp có áo ngắn phủ ngoài, tay bế Chúa Hài Đồng. Dưới chân Đức Mẹ, một tu sĩ mặc áo dòng Cluniac đang gần như xoãi dài dưới đất để cầu nguyện.
Chúng tôi tiến đến. Nghe tiếng chân, tu sĩ ngẩng đầu lên. Ông ta già, đầu hói, mày râu nhẵn nhụi, đôi mắt to màu xanh nhạt, môi mỏng và đỏ, da trắng, sọ xương xẩu và da đầu bám vào đó như xác ướp ngâm sữa. Đôi tay trắng, ngón dài hình ngòi bút. Ông giống như một trinh nữ tàn tạ vì chết yểu. Thoạt đầu, ông đăm đăm nhìn chúng tôi rất hoang mang, như thể chúng tôi đã quấy nhiễu ảo mộng tuyệt diệu của ông, rồi gương mặt ông bừng lên niềm vui. Ông la lên:
– William, người thân yêu nhất của ta. – Ông gắng ngồi dậy, đi về phía thầy tôi, ôm thầy tôi vào lòng và hôn lên môi thầy – William! – Ông lập lại, mắt nhòa lệ – Đã bao nhiêu năm trời! Nhưng Cha vẫn nhận ra Huynh! Bao nhiêu mùa thu rồi, bao nhiêu sự đời đã xảy ra! Chúa đã bày ra bao nhiêu là thử thách! – ông nức nở. Thầy William ôm ông, hết sức xúc động. Trước mặt chúng tôi là Cha Ubertino.
Tôi đã được nghe nói nhiều về Cha, ngay cả trước khi tôi đến Ý, và còn được nghe nhiều hơn nữa khi lui tới các tu sĩ dòng Francisco của triều đình. Ai đó đã kể tôi nghe rằng nhà thơ vĩ đại nhất thời đó ở Florence – Dante Alighieri – mới mất cách đây vài năm, đã sáng tác một bài thơ viết bằng tiếng dân gian Tuscany, trong đó có dành nhiều dòng để bình giải những đoạn do Ubertino viết trong quyển sách:”Cây của sự sống bị đóng đinh ”. Đây không phải là giá trị duy nhất của con người nổi tiếng này. Nhưng để độc giả hiểu rõ hơn tầm quan trọng của buổi gặp gỡ hôm nay, tôi cần dựng lại những biến cố xảy ra trong những năm đó, theo sự hiểu biết của tôi thu lượm được nhờ khoảng thời gian ngắn lưu lại vùng Trung Ý, và nhờ lắng nghe các buổi trò chuyện của thầy William với các Cha Bề trên và tu sĩ trong cuộc hành trình của chúng tôi.
Tôi sẽ cố gắng kể lại hiểu biết của tôi về vấn đề này, mặc dù tôi không chắc sẽ có thể giải thích đến nơi đến chốn. Các thầy tôi ở Melk thường bảo rằng một người phương Bắc rất khó nắm rõ sự thăng trầm của tôn giáo và chính trị ở Ý.
Bán đảo Ý, nơi giới tăng lữ giàu có và nắm nhiều quyền lực hơn hẳn các nước khác, trong ít nhất hai thế kỷ nay đã dấy lên các phong trào của các tu sĩ sống nghèo hơn chống lại các linh mục biến chất, những kẻ thậm chí đã từ chối không chịu làm lễ ban phước cho họ. Họ họp thành những cộng đồng độc lập và bị các lãnh chúa, đế chế và thị trưởng căm ghét không kém.