La Sùng Huân lắc đầu, trong mắt thoáng hiện vẻ giận dữ. Y thầm nghĩ, “Tên Quách Tuân này thật không biết điều.”
Lúc này, từ phía trong cung có một thái giám vội vàng chạy tới hỏi:
– Cung Phụng, Thái Hậu thúc giục hỏi, Quách Tuân khi nào mới tới?
La Sùng Huân cất giọng the thé đáp:
– Gấp cái gì, không phải là tới rồi sao?
Tiếp đó y uốn éo cái mông đi trước dẫn đường. Khi vào đến cung Trường Xuân, La Sùng Huân bước tới phòng chính, quỳ xuống trước rèm châu, kính cẩn nói:
– Khởi bẩm Thái Hậu, tiểu nhân đã đưa Quách Tuân đến.
Quách Tuân quỳ một gối trên mặt đất nói:
– Thần, Điện tiền chỉ huy sứ Quách Tuân, khấu kiến Thái Hậu.
– Đứng lên đi.
Giọng nói sau rèm có chút khàn khàn nhưng vẫn lộ vẻ uy nghiêm.
Quách Tuân chậm rãi đứng dậy, cũng không hỏi tiếp nữa. Dẫu sao đã đến đây rồi, Thái Hậu cuối cùng cũng phải nói ra dụng ý. Ở sau rèm, Lưu Thái hậu trầm mặc một lát mới nhẹ giọng nói:
– Quách Tuân, từ lúc tiên đế băng hà đến nay, ta rất ít khi gặp ngươi. Mấy năm qua, ngươi bận rộn ngược xuôi, tận lực vì nước, đã khổ cực nhiều.
Quách Tuân trả lời:
– Đây là bổn phận của thần. Thái Hậu tất bật với chính sự mới vất vả thật sự.
Lưu Thái hậu đột nhiên thở dài:
– Ta đúng là mệt mỏi, nhưng Thiên tử vẫn còn chưa hiểu chuyện. Than ôi!
Quách Tuân nghĩ không thấu tâm tư của Lưu Thái hậu, dè dặt nói:
– Nhưng dù sao Thiên tử cũng đã có thể xử lý chính sự, Thái Hậu nếu muốn để cho Hoàng thượng tôi luyện, thì bây giờ là đúng lúc.
Lưu Thái hậu trầm mặc hồi lâu rồi nói tiếp:
– Cốc Tư La phái thủ hạ đến Biện Kinh, y tên là Bất Không.
Nghe vậy, Quách Tuân thầm nghĩ: “Tên Phiên tăng vừa mới gặp trên đường quả nhiên là Bất Không! Thái Hậu rốt cuộc vẫn không chịu bàn đến việc trao trả triều chính cho Thiên tử.”
Lưu thái hậu lại nói:
– Hiện nay Tây Bình vương Triệu Đức Minh đã tới lúc xế chiều. Song Triệu Nguyên Hạo dã tâm bừng bừng. Y gần đây làm không ít chuyện lớn, đã trở thành tai họa ngầm của triều đình. Nhưng thời gian trước, Triệu Nguyên Hạo khai chiến với Thổ Phiên, giằng co không nổi với Cốc Tư La…
Quách Tuân biết Tây Bình vương Triệu Đức Minh, hơn nữa còn nghe qua con của y là Triệu Nguyên Hạo. Lúc nghe đến ba chữ Triệu Nguyên Hạo, Quách Tuân thốt nhiên trở nên nghiêm nghị nói:
– Khi Tào Vĩ tướng quân còn tại thế đã có nói dã tâm của Nguyên Hạo rất lớn. Bây giờ Nguyên Hạo đánh nhau với Cốc Tư La chính là việc may của Đại Tống ta.
Trong đầu anh ta lại nghĩ, chuyện này có quan hệ tới chuyện Bất Không đến Biện Kinh sao?
Mấy phần thiên hạ như ngày nay, trừ Bắc Cương – Đại Liêu khống chế mười sáu châu Yên Vân nên có thế lực ngang bằng với Đại Tống ra, biên thuỳ Tây Bắc chiến sự liên miên, đã trở thành tai họa ngầm từ lâu. Năm đó, sau khi Tống Thái Tổ lập quốc, vì cầu thống nhất giang sơn, để tránh tạo nên nhiều cường địch, đã dùng chiến lược “trước Nam sau Bắc”. Thừa nhận hậu duệ của Thác Bạt Tư Cung thủ lĩnh tộc Đảng Hạng là Lý Di Hưng làm Tây Bình vương, định nơi cắt cứ của Nam quân Tiết Độ Sứ, để đổi lấy sự thần phục của gã. Trước đây vào thời nhà Đường, Thác Bạt Tư Cung có công bình định phản loạn, con cháu được ban cho họ Lý, về sau quy thuận Đại Tống, lại được ban thưởng họ Triệu.
Hai mươi năm đầu nhà Tống, Đại Tống vì thống nhất đại nghiệp nên nâng đỡ tộc Đảng Hạng ở Hạ Châu để kiềm chế Bắc Hán. Kết quả, sau khi Bắc Hán diệt vong, tộc Đảng Hạng ở Hạ Châu đã đủ lông đủ cánh, từ đó trở thành tai họa ngầm của nhà Tống. Tộc Đảng Hạng trước sau lập Lý Quang Duệ, Lý Kế Quân làm chủ, khi đến Lý Kế Phủng nắm quyền, vì Lý Kế Phủng không đủ năng lực nên tộc Đảng Hạng rơi vào nguy cơ bị triều Tống thu phục. Nhưng không ngờ, tộc đệ của Lý Kế Phủng là Lý Kế Thiên nổi dậy dẫn dắt tộc Đảng Hạng phản kháng, xây dựng cơ sở ở Mạc Bắc, tiếp tục kháng cự Đại Tống. Về sau lại trải qua sự không ngừng hao tâm tổn sức của con trai Lý Kế Thiên là Lý Đức Minh, thế lực của tộc Đảng Hạng càng thêm mở rộng. Đợi sau khi con trai của Lý Đức Minh là Nguyên Hạo yên vị, gã càng biểu hiện ra dã tâm bừng bừng.
Những năm gần đây, tuy Đức Minh đã già nhưng Nguyên Hạo lại bắt đầu tiến hành chinh phạt bốn phương, thường xuyên khơi mào tranh chấp ở tây bắc biên cương của Đại Tống, trở thành ‘kho bom sát vách’ của Đại Tống. Nhưng hiển nhiên Lưu Thái hậu vẫn không coi trọng hai cha con họ, trong giọng điệu tràn đầy sự khinh miệt. Xưng hô cha con họ là họ Triệu, điều đó có ý là, cha con Đức Minh chẳng qua chỉ là tôi tớ được ban cho “họ” của Đại Tống mà thôi.
Trầm mặc một lát, Lưu Thái hậu lại nói tiếp:
– Cốc Tư La mặc dù tạm thời có thể chống lại Nguyên Hạo, nhưng cảm thấy nhuệ khí của Nguyên Hạo đang hừng hực nên mới muốn đầu nhập vào triều ta, hy vọng Đại Tống ta có thể xuất binh giáp công Nguyên Hạo. Y nói nếu có thể đánh bại Nguyên Hạo thì chỉ mong triều đình phong thưởng cho hai vùng là Qua Châu và Sa Châu. Không biết ngươi nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Lưu Thái hậu ngoài miệng thì hỏi ý kiến, nhưng trong lòng thì cảm thấy khó hiểu, hai nơi Qua Châu và Sa Châu đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt, Cốc Tư La vì sao chỉ muốn hai nơi này?
Quách Tuân cẩn thận đáp:
– Thần chỉ là Điện tiền chỉ huy sứ, không dám thảo luận bừa chuyện chính sự. Chuyện này đã có Lưỡng Phủ định đoạt.
Lưu Thái hậu ở phía sau rèm nói:
– Tể tướng, tham chính còn có Xu Mật sứ đều nói triều đình không nên xuất binh giáp công Nguyên Hạo, cứ để cho bọn chúng tàn sát lẫn nhau. Triều ta có thể ngư ông đắc lợi.
Quách Tuân tự hỏi: ‘Vậy còn hỏi làm gì?’ Nhưng biết Thái hậu tìm mình đến đây, nhất định là còn có nguyên do khác, nên nói phụ họa:
– Lưỡng Phủ nói thế rất có đạo lý.
Lưu Thái hậu hồi lâu sau mới nói:
– Nhưng nếu không xuất binh mà muốn Cốc Tư La dốc sức, chỉ ban thưởng phong hầu không thôi thì e rằng vẫn chưa đủ.
Quách Tuân cau mày hỏi:
– Lẽ nào…bọn họ còn có yêu cầu khác sao?
Lưu Thái hậu chậm rãi nói:
– Ngươi vừa đoán đã trúng, bọn chúng còn muốn —— Ngũ Long!
Thân hình Quách Tuân chấn động, sắc mặt biến hóa.
– Bọn chúng muốn Ngũ Long để làm gì?
Khoảnh khắc này, ánh mắt ông ta cực kỳ quái dị, tựa như hồi ức lại tựa như kinh sợ, còn mang theo sự hoang mang khôn cùng.
Lưu Thái hậu lẩm bẩm nói:
– Ta cũng rất muốn biết bọn chúng muốn Ngũ Long để làm gì. Những Ngự tiền thị vệ của tiên đế biết Ngũ Long chỉ còn mình ngươi. Vì vậy, khi Bất Không đến đây, ngươi có thể ở một bên nghe xem. Biết đâu có thể nghe ngóng được chút manh mối.
Thoáng trầm ngâm, rồi Lưu Thái hậu hô:
– Triệu Bất Không vào cung.
Lần này Bất Không đi bộ vào, những tên Lạt Ma khiêng kiệu cho Bất Không đều bị chặn lại ở ngoài cung. Quách Tuân đứng ở bên cạnh rèm châu, thấy Bất Không chầm chậm đi tới, chẳng biết tại sao, tim cứ đập thình thịch.
Bất Không đầu to thân gầy, giống như củ cải bị nhổ khỏi đất trồng. Củ cải này rõ ràng đứng không vững, thoạt nhìn Bất Không cũng lảo đảo ngả nghiêng như vậy. Quách Tuân có cảm giác rất kỳ lạ, như thể người này đang lơ lửng giữa không trung.
Hai tay Bất Không kết thành ấn ký kỳ quái, đôi môi mấp máy nhưng không phát ra thanh âm gì. Khi đến gần rèm châu, gã mới khom người thi lễ:
– Sứ giả của Phật tử – Bất Không bái kiến Thái Hậu.
Cốc Tư La là phiên âm theo tiếng Thổ Phiên, Trung Nguyên thì gọi là Phật tử, ngụ ý là Phật thể chuyển thế.
Quách Tuân như hữu ý lại như vô ý đứng ngăn cách ở giữa Bất Không và Thái Hậu. Dù biết rõ lần này là muốn thăm dò bí mật của Ngũ Long, nhưng cũng phải bảo vệ Thái Hậu. Tên Bất Không này rất không đơn giản mà còn là cao thủ, ông ta không thể không đề phòng.
Quách Tuân hiểu biết sâu rộng. Gã biết Mật tông có Tam Mật là Thân, Khẩu, Ý. Vào đầu thời Đường, đại sĩ Liên Hoa Sanh từ Bắc Ấn Độ vào Tây Tạng, truyền thụ Phật pháp Mật tông, cao thủ Mật tông Tạng Biên thì cực kỳ thần bí.
Muốn nói tỉ mỉ về Tam Mật, chỉ sợ nói hơn mấy tháng cũng chưa xong. Nhưng nói đơn giản thì, thủ ấn là một loại phương pháp tu trì (tu hành Trì Giới*) của Thân Mật, chân ngôn (lời nói thật) có thể xem là Khẩu Mật, mà Ý Mật là một loại sức mạnh ý chí. Cao thủ Tạng Mật đều tin rằng lấy tay kết ấn, miệng niệm chân ngôn, tu luyện sức mạnh ý chí là có thể kết nối với thần, nhận được thần lực.
Nhưng đa số người đều bán tín bán nghi với điều đó, thậm chí còn cho rằng đây là chuyện vô căn cứ. Nếu không phải khi còn trẻ Quách Tuân đã gặp phải chuyện vô cùng thần bí, thì cũng sẽ không tin Tam Mật của Mật Tông. Nhưng hiện giờ ông ta thà tin còn hơn không.