Phù Thế Phù Thành

Chương 33: Một bát đam mê



Bản làng mà Tuần Tuần và
Trì Trinh đang ở chỉ có không đầy năm chục hộ gia đình, đây cũng là nơi tụ cư
của những người dân tộc Động, vì giao thông không thuận tiện nên sự giao tiếp
với thế giới bên ngoài rất hạn chế. Theo lời anh Cổn thì, có một số người già
suốt đời chưa bao giờ ra khỏi núi, ngay cả đến một người phụ nữ như chị Cổn
nhiều nhất một năm cũng chỉ xuống thị trấn hai lần. Ngành du lịch mới mở hoàn
toàn chưa mang lại những thay đổi thực sự cho cuộc sống của họ, họ vẫn sống
theo kiểu tự cung tự cấp từ hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm trước.
Mỗi khi mùa đông đến, gặp khi mưa tuyết, bản làng lại càng trở nên cách biệt
với thế giới bên ngoài. So với sự tất bật của thành phố thì dường như thời gian
ở đây trôi qua rất chậm.

Trì Trinh bị chiếc chân
bị thương cột chặt trên giường , ngày ngày chỉ nhìn thấy bầu trời bừng sáng rồi
lại tối sầm bên ngoài cửa sổ, ngày vì thế trở nên dài lê thê, chân tay buồn
bực, bứt rứt tới mức Trì Trinh cảm thấy da thịt mình như dính chặt xuống giường
và Tuần Tuần trở thành tiêu điểm toàn bộ sự chú ý của anh.

Những khi Tuần Tuần ở
bên, hai người chưa hẳn đã hợp nhau. Trì Trinh thì thấy sốt ruột vì mãi cũng
không xuống khỏi giường được, tính tình trở nên rất khó chịu. Không phải lần
nào Tuần Tuần cũng nhường nhịn, nên hai người thường xuyên nói mấy câu rồi thì
cãi nhau. Nhưng hễ Tuần Tuần rời khỏi phòng, lập tức Trì Trinh cảm thấy bất an,
thính giác bỗng trở nên rất nhạy. Anh có thể nghe rõ tiếng động khác nhau trong
khi làm việc của Tuần Tuần và chị Cổn, cũng nghe rõ tiếng bước chân bên ngoài
và tất nhiên có cả tiếng bước chân nhẹ nhàng hơn người khác của cô nữa.

Tất nhiên Tuần Tuần cũng
cảm thấy sự dựa dẫm của Trì Trinh với mình, nhưng Trì Trinh trong lúc ốm đau
càng rất khó gần. Giống như buổi sáng sớm ngày mùng Sáu, khó khăn lắm cô mới
đun được thùng nước để cho Trì Trinh rửa mặt, nhưng không biết dây thần kinh
nào bị chập mạch mà anh ta cứ nhất quyết đòi thay bằng nước giếng múc lên.

Lúc đó nước giếng lạnh
buốt như kim châm, Tuần Tuần đã biết điều đó khi giặt quần áo, nên nhất quyết
khuyên Trì Trinh đừng có gây sự, còn Trì Trinh thì lại một mực đòi cô ra ngoài
múc nước giếng. Tuần Tuần không thể chịu nổi nữa, liền ra ngoài múc một gầu
nước giếng mang vào phòng, Trì Trinh được đằng chân lân đằng đầu, lại đòi Tuần
Tuần dùng chiếc bát to của chủ nhà múc cho anh một bát. Tuần Tuần làm theo, múc
một bát nước đầy đưa đến trước mặt Trì Trinh, rồi nhìn xem Trì Trinh còn định
giở trò gì nữa. Trì Trinh dựa vào đầu giường, chỉ nhìn qua một cái rồi lại đòi
Tuần Tuần múc lại.

Nghĩ đến chuyện Trì Trinh
bị thương nhàn rỗi, vô vị, nên Tuần Tuần không so đo với anh, và múc lại bát
khác, Trì Trinh vẫn cứ lắc đầu mấy lần như vậy, dù là người rất kiên nhẫn cũng
không chịu đựng thêm được nữa. Lần cuối cùng, Tuần Tuần vục mạnh chiếc bát vào
thùng, cơn tức giận của cô khiến cho một ít nước bắn cả ra ngoài cô cũng mặc.
Trong bụng Tuần Tuần đã nghĩ, nếu Trì Trinh còn nghĩ cách gây khó dễ cô sẽ đánh
anh. Không ngờ, lần này nhìn thấy bát nước đưa tới, Trì Trinh lại mỉm cười có
vẻ rất vừa lòng, rồi yêu cầu cô đem bát nước đó đi đun để pha trà.

Bát nước ấy là do Tuần
Tuần tự tay múc từ dưới giếng lên, cô biết rõ, đó là một thứ vô cùng bình
thường, trong đó ngoài một chút bọt ra chẳng còn gì nữa. Cô nghi ngờ, không
biết có phải là do Trì Trinh ngã mà ảnh hưởng đến não hay không, hoặc là do
hoàn cảnh thay đổi đột ngột dẫn đến sự biến thái trong tâm lý, nên mới tìm cách
khác để gây sự với cô như vậy. Rồi Tuần Tuần lại nghĩ, có lẽ vì lúc thường do
nghĩ đến vết thương của Trì Trinh cô đã nhường nhịn quá nhiều cho nên bây giờ
mới dẫn đến hậu quả như thế này. Sau khi pha trà xong, một hai ngày sau đó,
Tuần Tuần không thèm nói năng gì với Trì Trinh.

Ngày mùng Tám trời bắt
đầu tạnh mưa, nhiệt độ hơi nhích lên. Nhưng sau khi đi thăm dò đường về, anh
Cổn nói với họ rằng, đường xuống núi vẫn còn nhiều nơi đóng băng, chưa có xe
nào lên tới nới, xe xuống núi cũng không dám đi, kể cả xe buýt du lịch trong
sơn trang. Tuy vậy, đường núi thì có thể đi được rồi, chỉ cần cẩn thận một chút
thì không còn phải lo trượt ngã nữa.

Xuất phát từ lòng tốt,
anh Cổn hỏi Trì Trinh và Tuần Tuần có định nhân lúc này chuyển về khách sạn
không, vì dù sao thì điều kiện ở đó cũng tốt hơn, nếu họ đồng ý thì anh có thể
tìm người đến giúp cùng khiêng Trì Trinh đi theo con đường núi. Tuần Tuần hơi
do dự, một mặt vì những lời anh Cổn nói là sự thực, nhưng mặt khác, vì băng ở
đường núi vừa mới tan ra, đường lại hiểm trở, nếu khiêng người bị thương đi
trên con đường như vậy vẫn nguy hiểm, hơn nữa cũng lại phiền đến mọi người. Và
theo cô được biết, những người ở lại làm việc trong sơn trang dịp Tết không
nhiều, trong phòng y tế cũng không có người trực ban, trở về đó, ngoài điều
kiện vật chất được cải thiện hơn một chút, họ vẫn cứ mắc kẹt như cũ.

Tuần Tuần vẫn còn chưa
kịp nói gì thì Trì Trinh đã thẳng thắn tỏ rõ thái độ của mình. Anh hỏi vợ chồng
anh chị Cổn, có phải họ ở đây lâu đã mang lại phiền toái cho gia đình không,
nói rồi Trì Trinh móc tiền trong ví ra, giúi vào tay anh Cổn, chứng tỏ rằng
mình không làm phiền hà cho gia đình.

Vợ chồng anh chị Cổn nhìn
thấy mớ tiền Trì Trinh nhét vào tay luống cuống không biết phải nói gì. Mãi cho
đến khi Tuần Tuần trừng mắt nhìn Trì Trinh một cái, Trì Trinh mới ngượng ngùng
cầm tiền về, nhưng vẫn giữ nguyên ý rằng, anh mong muốn chủ nhà tiếp tục cho họ
ở thêm mấy ngày nữa, đến khi nào đường lớn thông xe thì thôi. Vợ chồng anh Cổn
thì một mực bày tỏ rằng, gia đình rất vui vì có khách đến nhà, họ không hề có ý
định đuổi khách đi, thế nên mọi người không bàn đến chuyện chuyển về khách sạn
nữa.

Nhớ đến chuyện Trì Trinh
còn để lại đồ trong khách sạn, Tuần Tuần quyết định nhân lúc đường dễ đi, quay
trở lại đó lấy đồ giúp Trì Trinh.

Nhưng Trì Trinh lại không
hề tỏ ra biết ơn vì điều đó, mà nói rằng chỉ là mấy bộ quần áo chẳng đáng tiền,
không cần thiết phải mất công như vậy. Tuần Tuần không hiểu thực sự Trì Trinh
muốn gì nữa, rõ ràng hôm qua khi cô lau người giúp, anh ta cứ ca cẩm về bộ quần
áo hoa mặc trên người, chỉ mong sao nhanh chóng có bộ quần áo vừa hơn để thay
ra.

Tuần Tuần vẫn cứ quyết
định đi một chuyến, ít ra thì cũng phải tới đó trả phòng. Anh Cổn sợ trên đường
xảy ra chuyện ngoài ý muốn nên đã sai chị Cổn đưa Tuần Tuần đi. Trước khi ra
khỏi cửa, Tuần Tuần nhìn thấy vẻ không thích của Trì Trinh, tựa hồ như chuyến
đi này của cô là dứt khoát dứt bỏ anh không bằng, vì thế trong lòng cô không
khỏi cảm thấy buồn cười.

Trên đường đi, Tuần Tuần
xin lỗi vì chuyện Trì Trinh không nói gì mà đã nhét tiền vào tay anh chị Cổn.
Cô không biết rốt cuộc thì chị Cổn có nghe hiểu những lời nói của cô hay không,
chỉ biết rằng khi cô nói xong rồi thì chị Cổn xì xồ một thôi một hồi, khuôn mặt
đen xạm nở một nụ cười tươi như hoa, Tuần Tuần không hiểu câu nào, chỉ còn biết
mỉm cười đáp lễ với vẻ ngượng ngùng. Có lẽ chị Cổn cũng biết cô không hiểu
những lời mình nói, nên vừa cười vừa lắc đầu, vẻ hơi lo lắng. Sau đó chị cố
gắng nói thật chậm, và dùng những lời gần với tiếng phổ thông nhất, kết hợp với
các động tác chân, tay nhấn mạnh lại một lần nữa. Tuần Tuần chăm chú lắng nghe,
chỉ nghe thấy mấy từ “nước giếng” và “uống trà”, hình như
chị Cổn đang giải thích về hành động kỳ quặc của Trì Trinh hai hôm trước. Tuần
Tuần chợt nhớ ra, hôm ấy, khi cô đang đun trà, chị Cổn cũng ngồi bên bếp lửa và
nhìn cô cười.

Lúc này Tuần Tuần cũng
thấy tò mò hẳn lên. Khi lên tới sơn trang Minh Đăng lấy hành lý xong, Tuần Tuần
đến quầy làm thủ tục trả phòng, chợt nảy ra một ý nghĩ, tiện thể hỏi người phục
vụ xem có hiểu tiếng địa phương không. Một cô gái trong số họ nói mình là người
bản địa, nên Tuần Tuần đã nhờ cô làm phiên dịch giúp cho.

Chị Cổn lại nói một thôi
một hồi, cô gái kia nghe xong thì cười. Cô nói lại với Tuần Tuần, ý của chị Cổn
là, ở bản của chị có một phong tục, là tục “Tết múc nước” vào ngày
mùng Sáu Tết, theo truyền thống, buổi sáng hôm ấy, các cô gái chuẩn bị lấy
chồng sẽ múc một bát nước giếng và đun trà cho người yêu, nếu bát nước được múc
lên có bọt trắng thì có nghĩa là mang điều may mắn, chứng tỏ cô gái ấy và chàng
trai kia thật lòng yêu thương nhau, người con trai uống bát trà ấy xong thì hai
người có thể sống bên nhau đến đầu bạc răng long.

Cô gái kia nói xong, chị
Cổn cứ gật đầu và cười với Tuần Tuần. Có thể anh Cổn đã vô tình nói cho Trì
Trinh biết phong tục này cho vui, nhưng không ngờ Trì Trinh tưởng thật. Chị Cổn
đã chứng kiến toàn bộ quá trình múc nước đun trà, chị mong muốn cho tình cảm
giữa hai người thật tốt và bảo Tuần Tuần đừng giận Trì Trinh về chuyện này.

Hai bàn tay của Tuần Tuần
chống trên quầy phục vụ bằng đá lạnh toát, thẩn thờ.

Cô nhớ bát nước đầu tiên
cô múc không có bọt, có lẽ đó mới thực sự là ý định của ông Trời. Cô không sẵn
lòng, Trì Trinh cũng không có ý nghiêm chỉnh, đầu bạc răng long chỉ là hoa
trong gương, trăng nơi đáy nước. Trì Trinh biết điều đó nhưng lại cứ buộc cô
nếm trải hết lần này đến lần khác, cho dù là đi ngược lại quy tắc của trò chơi
cũng đòi cho bằng được kết cục mà anh ta muốn có.

Hình ảnh Trì Trinh mỉm
cười bê bát trà lên thưởng thức vẫn hiện lên trước mắt Tuần Tuần, niềm vui
sướng đó chẳng khác gì khi đứa trẻ được người lớn dỗ dành rằng “ngày mai
cho con đi chơi công viên”. Nhưng anh ta lại là người chẳng tin tưởng vào
điều gì.

Chị Cổn chộp lấy bàn tay
của Tuần Tuần, dùng bàn tay thô ráp xoa lên mu bàn tay của cô. Cô gái kia lại
tiếp tục vai trò phiên dịch của mình, nói chị Cổn bảo rằng Tuần Tuần là người
có phúc. Tuần Tuần mỉm cười với chị Cổn nhưng cảm thấy trong lòng gợn lên một
nỗi buồn khó tả.

Trên đường xuống núi,
Tuần Tuần nhận được điện thoại của Tạ Bằng Ninh. Anh nói ngày Ba
mươi anh gọi cho cô mãi cũng không sao liên lạc được. Mấy ngày
trước, vì để giữ lễ, anh chuẩn bị một ít quà đến thăm mẹ vợ cũ, trước khi đi đã
chuẩn bị sẵn tâm lý rằng sẽ bị mẹ vợ cũ lạnh nhạt, bóng gió xa xôi, nhưng không
ngờ mẹ Tuần Tuần vừa nhìn thấy anh đã như người chết đuối vớ được cọc, khóc lóc
ầm ĩ lên.

Lúc ấy Tuần Tuần cũng đã
gọi điện về báo cho mẹ biết mình vẫn bình an, mẹ Tuần Tuần tuy biết con gái mắc
kẹt trong núi nhưng không gặp nguy hiểm gì. Bà khóc là vì hoàn cảnh khó khăn
đang gặp phải và chưa tìm đâu ra sự nương nhờ, thế nhưng người con rể sau khi
ly hôn mà bà luôn thấy chướng mắt đã mang đến cho bà sự an ủi và chút ấm áp
thiếu vắng từ lâu.

Tạ bằng Ninh an ủi mẹ vợ
mãi, sau đó thì được biết Tuần vẫn Tuần đang trên núi nên rất không yên tâm.
Anh nói mấy ngày nay anh dò hỏi về cách đi lên núi thông qua đủ mọi nguồn,
nhưng bất cứ lái xe nào nghe đến Cốc Dương Sơn sau trận mưa tuyết cũng đều nói
là không dám mạo hiểm tới đó. Bây giờ mưa tuyết tạm ngừng, có thể đi bộ lên
lưng chừng núi, Tạ Bằng Ninh nói vừa may có mấy người lái xe của đơn vị bạn thân
đi qua vùng núi này, nên đã nhờ và họ cũng đã đồng ý sẽ lái xe tới chờ ở cửa
vào khu danh thắng, chỉ cần Tuần Tuần đi được tới đó, thì hôm nay có thể đón cô
về thành phố.

Tạ Bằng Ninh còn nói, nếu
không vì phải đi làm, cơ quan lại đang có việc gấp thì nhất định anh sẽ đích
thân lái xe đến đón cô.

Tuần Tuần vội đáp:
“Xin lỗi vì đã để anh phải bận tâm”.

Trong lúc này, cô thấy
rất khó thích ứng với sự lo lắng bận tâm của người chồng trước đối với mình.
Lúc hai người còn sống với nhau, có lần cô đi mua rau, chẳng may gặp trận mưa
lớn mắc kẹt ở siêu thị, trong khi cơ quan của Tạ Bằng Ninh cách đó không xa,
anh biết rõ lúc đó vợ mình rất có khả năng chưa về được nhà, nhưng không hề
nghĩ đến chuyện tiện thể ghé qua đón cô. Tuần Tuần đã phải đợi hai tiếng đồng
hồ, trời tối rồi mới gọi được xe về nhà. Nói như vậy không có nghĩa là lòng dạ
anh sắt đá, đối xử tồi tệ với vợ, anh không thuộc dạng người khắc nghiệt mà chỉ
là vì không nghĩ ra được. Sự chia ly nhiều khi không phải là vì sự oán hận mà
là vì sơ suất.

Tạ Bằng Ninh nói:
“Em không cần phải khách sáo với anh như thế. Tuần Tuần, em cứ yên tâm,
chuyện của mẹ em, anh sẽ nghĩ cách. Anh có người bạn làm việc bên Sở công an,
anh cũng đã hỏi rồi, sẽ nhanh chóng tìm ra kẻ lừa gạt thôi. Em đừng vội nghĩ
đến chuyện bán nhà, anh cũng còn chút tiền, anh đã đưa để mẹ em trả lại số tiền
vay của người thân rồi”.

Trước mắt Tuần Tuần dường
như xuất hiện một vị cứu tinh, nhưng cô hiểu, trên đời này chẳng có thứ gì cho
không, cho dù những thứ đó là từ chỗ người chồng cũ.

“Cám ơn anh. Nhưng
anh không cần phải làm tất cả những điều đó vì em đâu”, Tuần Tuần nói với
Tạ Bằng Ninh.

Tạ Bằng Ninh có vẻ thất
vọng, bèn tự đùa rằng: “Tuy chúng ta đã ly hôn, nhưng có nhất thiết phải
vạch ranh giới rõ ràng như thế không? Đúng, trước đây anh đã đối xử với em
không tốt, anh đã coi nhẹ sự tồn tại của em…”.

Tuần Tuần đột nhiên ngắt
lời anh, “Mẹ em đã nói với anh về chuyện em và Trì Trinh chia tay nhau rồi
à? Bà ấy đã cam kết với anh những gì nữa?”.

Tạ Bằng Ninh sửng sốt,
giọng nói bỗng trở nên sượng sùng, anh nói tiếp: “Thực ra dù mẹ em có nói
gì cũng không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta biết mình cần gì. Con
người rất tệ, trước Tết thu dọn nhà cửa, người dọn nhà lôi từ dưới gầm giường
ra một cái túi đồ dùng khi cần kíp. Anh nhớ, trước đây cứ cách một khoảng thời
gian em lại thay mấy thứ như lương khô hoặc nước uống trong đó, lúc ấy anh thấy
việc làm ấy thật buồn cười. Anh đã bảo người lau dọn mở chiếc túi ấy ra xem,
tất cả những thứ để trong đó đều đã quá thời hạn, chị ta hỏi anh có nên vứt nó
đi không, nhưng anh hoàn toàn không muốn. Bởi vì, khi nhìn vào những thứ đó,
anh mới nhớ đến những ngày tháng có em ở bên. Vốn dĩ chúng ta đã có thể trở
thành vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long, nhưng đáng tiếc giờ đây đã
mất hết thời gian bảo hành. Anh gói ghém chiếc túi đựng đồ ấy và để nó vào chỗ
cũ. Tuần Tuần, có lẽ chúng ta đều đã đi qua một đoạn ngã ba đường, nhưng vẫn
còn kịp quay đầu lại, anh…anh hy vọng rằng những thứ bên trong chiếc túi đựng
đồ khi cần kíp ấy sẽ được chính tay em thay”.

Những lời này được nói ra
từ miệng một người không giỏi nói năng như Tạ Bằng Ninh quả là một việc không
dễ dàng, và anh đã nói bằng một giọng gấp gáp, sau đó nín thở chờ đợi.

Tuần Tuần cảm thấy trong
lòng rất rối ren, đây là việc được gọi bằng cái tên “quay lại” của
người chồng cũ ư? Rất nhiều khi không phải là mất rồi mới cảm thấy trân trọng,
quý giá, mà là sau khi bị mất rồi biết rõ đó chẳng có gì to tát, nhưng ở một
nơi sâu kín trong lòng vẫn cảm thấy một khoảng trống vắng.

Cô nên lấy hết can đảm
nói to lời từ chối, mọi người đều nói, ngựa tốt không nhai lại cỏ, bởi vì, thứ
cỏ nhai lại đó phần nhiều đã thấm nước bọt của con ngựa khác. Nhưng nếu phía
trước chỉ có gai góc thì liệu bạn có nhai lại thứ cỏ đó không? Huống chi, phần
lớn mọi người đều không phải là những con ngựa tốt, tiếp tục kiếm tìm có thể
chỉ toàn gặp những cây khô cằn cỗi, quay đầu lại thì chỉ cần một sự thỏa hiệp
và dũng khí trong một khoảnh khắc mà thôi.

Tuần Tuần đã nếm thử cuộc
sống đến đầu bạc răng long với Tạ Bằng Ninh, tuy thất bại, nhưng không có nghĩa
là họ không có khả năng ấy, bởi họ đều cam tâm tình nguyện làm những người bình
thường, trải qua sự vấp váp, mỗi người sẽ biết cách trân trọng, đời người bình
dị có được không phải dễ dàng.

Mỗi sự lựa chọn đầy sức
cám dỗ được đặt ra trước một Tuần Tuần luôn khao khát một cuộc sống ổn định.
Thế nhưng cô không suy nghĩ lâu, mà nói ngay với Tạ Bằng Ninh rằng
“không”. Cô có thể đi bộ xuống núi được nhưng còn Trì Trinh thì sao?

Tuần Tuần cũng không hiểu
mình ra sao nữa, có lẽ cô đã trúng phải bùa mê của bát nước ấy. Một lời nói dối
sẽ kèm theo rất nhiều lời nói dối khác, một sự hoang đường trong một đêm cũng
nhất định phải cần tới vô số lần hoang đường khác để bù đắp vào đó?

Tuần Tuần và chị Cổn cùng
về đến ngôi nhà nhỏ. Đoạn đường núi bằng gỗ vẫn rất trơn, hai người đã phải
bước đi rất thận trọng, bởi họ đều biết có người đang đợi họ ở nhà. Lần đi về
này tốn không ít thời gian, khi nhìn thấy ngôi nhà gạch bằng đất cũ mà tường
vôi trắng đều đã lở hết thì trời cũng vừa lúc hoàng hôn, phía đầu núi bên kia
đã nhìn thấy ánh nắng chiều từ lâu không thấy.

Anh Cổn đang làm sạch
chiếc tẩu thuốc của mình ở trước nhà, người ngồi dựa vào cửa cách đó không xa
chính là Trì Trinh nhiều ngày liền không xuống khỏi giường. Trên chân của Trì
Trinh phủ một chiếc chăn dày, người khoác chiếc áo gió của Tuần Tuần. Chị Cổn
lại cười và nói điều gì đó, Tuần Tuần vẫn không hiểu. Chân cô giẫm vào một mẩu
giấy gói pháo màu đỏ bị nước mưa làm ướt, đi gần về phía người ngồi trước nhà.
Anh Cổn đứng dậy ra hiệu cho vợ đi nấu cơm, Trì Trinh nửa cười nửa không nhìn
Tuần Tuần nhưng không nói câu nào. Bỗng nhiên Tuần Tuần cảm thấy Trì Trinh có
thể nghe hiểu những lời của chị Cổn.

Tuần Tuần cất hành lý của
Trì Trinh xong, quay ra cửa hỏi, vì sao anh lại ra ngồi ngoài cửa để bị gió
thổi như vậy. Trì Trinh từ chối không chịu để Tuần Tuần dìu trở lại trong
phòng, nói rằng mình sắp bị mốc meo trên giường rồi và cảm thấy người khỏe hơn
trước rất nhiều, có thể đi được mấy bước nếu được người khác dìu, vì vậy cảm thấy
rất dễ chịu.

Nếu đã vậy Tuần Tuần cũng
không ép nữa. Cô mang một chiếc ghế thấp ra ngồi bên cạnh Trì Trinh vò mấy bộ
quần áo hai người thay ra tối hôm trước. Trì Trinh đung đưa cái chân không bị
thương, soi gương cạo râu, vì không cẩn thận chạm vào vết thương vừa đóng vẩy,
bật tiếng kêu đau, rồi sau đó lại cất tiếng ngân nga hát chẳng thành vần điệu
gì. Tuần Tuần giặt quần áo xong, dùng hết sức để vắt ga trải giường, Trì Trinh
cười trêu rằng cô ngốc, rồi bảo cô đi lại gần, dùng một tay túm lấy một đầu chiếc
ga giường vắt kiệt giúp cho cô.

Mùi thơm của thức ăn
nhanh chóng tỏa ra khắp nhà, anh Cổn gọi hai người vào ăn cơm. Tuần Tuần đỡ Trì
Trinh dậy, anh nhảy cà nhắc từng bước một, rồi đột nhiên sờ vào bàn tay của
Tuần Tuần đang đỡ ngang người mình.

“Tay của cô lạnh
quá”, Anh nói.

Tuần Tuần cười, tưởng
rằng cuối cùng thì Trì Trinh cũng đã hiểu cho nỗi vất vả phải giặt quần áo bằng
tay trong nước lạnh của cô, ai ngờ câu tiếp theo lại là câu trêu chọc.

“Điệu bộ của cô khi
giặt quần áo rất giống với một bà già”.

Tuần Tuần đáp với vẻ
không vui: “Người mặc bộ quần áo ngủ bằng vải hoa mới là bà già”.

“Tôi lại đang muốn
cô nói rằng tôi là một ông già”, Trì Trinh đáp lớn không hề xấu hổ.

Tuần Tuần cố ý không nhắc
Trì Trinh về bục cửa dưới chân, quả nhiên vì mải giành phần thắng bằng lời, nên
khi chân còn lại vấp phải, Trì Trinh suýt nữa thì bị ngã bổ chửng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.