Lại nói tới Khang Hi trong đêm tết Trung Thu.
Khi này khách khứa đều ra về cả rồi, ở ngự hoa viên chỉ còn lại một mình Khang Hi ngồi uống rượu. Hoàng thượng vì muốn được yên tịnh nên bảo
thuộc hạ lui đi hết, ngay cả Ung công công cũng không ngoại lệ.
Trời quá khuya, tiệc cũng đã tàn rất lâu.
Ấy vậy mà trong tiểu đình vẫn còn một thân ảnh cao lớn ngồi đó chậm rãi
nâng ly rượu Trúc Diệp Thanh lên miệng, quần áo đang mặc là trường bào
màu tím có thêu kim tuyến trắng, vai khoác áo choàng màu đen, vạt áo và
cổ tay áo cũng được viền bằng kim tuyến trắng vòng quanh từng sợi làm
toát ra vẻ cao quý, tóc đen như mực tết chặt thành một bím dài. Khang
Hi lơ đãng đưa mắt nhìn vườn hoa cúc vàng, từ sâu trong đáy mắt toát ra
vẻ nhu tình như nước, ngay cả bản thân của ngài đều không để ý lúc này
trong lòng mượt mà và nhu hòa hẳn đi.
Khang Hi ngồi đó uống gần hết bình rượu bỗng thấy Ung công công dìu Hiếu Ý Nhân hoàng hậu đến làm lễ bái chào, liền bảo nàng miễn lễ, cho nàng
ngồi.
Hiếu Ý Nhân hoàng hậu chậm rãi đi tới bên cạnh bàn, vịn vào góc bàn rồi
ngồi xuống. Nàng giúp Khang Hi rót rượu vào chung, nói:
– Trời sắp sáng rồi sao hoàng thượng còn chưa về? Đêm nay ngài không định trở về Lục Tây cung an nghỉ hay sao?
Khang Hi không trả lời, chỉ mong được yên lặng một mình, nên lẳng lặng
ngắm nhìn bóng đêm đang mờ dần, sao trời cũng từ từ biến mất và trời bắt đầu sáng.
Hiếu Ý Nhân hoàng hậu nói tiếp:
– Đêm nay không về thì ngày mai về, mai không về thì ngày mốt cũng phải
về. Bất luận thế nào Tây phi cũng chờ ngài, theo ngài, vì nàng là vợ
của ngài.
Khang Hi nghe vậy sắc mặt ôn hòa chợt trở nên thanh đạm, khóe miệng thậm chí còn hàm ẩn một nụ cười khó hiểu, ánh mắt lạnh như băng.
Hoàng đế từ lúc đăng cơ rất say mê công việc triều chính, lại thích
nghiên cứu thơ văn, không khi nào rảnh rỗi để mà để ý đến hậu cung có
bao nhiêu giai nhân mỹ lệ, vì thế cho nên vẫn rất ít khi lật thẻ truyền
phi tần, bình thường chỉ để cho hoàng hậu hầu hạ ngài an nghỉ, cũng
thỉnh thoảng mới triệu phi tần hoặc quý nhân một lần. Nhưng mấy năm gần đây lại liên tiếp lật thẻ bài của Tây phi, song thay vì cho Ung công
công đến đó rước nàng đưa tới Càn Thanh cung thì lần nào cũng đích thân
ngồi kiệu đến Lục Tây cung cả. Nhiều người lấy làm lạ vì ngài chủ yếu
là đi thăm tiểu a ca, kể chuyện đời xưa cho nó nghe, rồi lại ngồi kiệu
ra về, đơn giản như vậy.
Hiếu Ý Nhân hoàng hậu đã nhiều lần hỏi, cũng như đêm nay, Khang Hi đáp:
– Trẫm không cần một người vợ báo ơn.
Thấy hoàng thượng mâu thuẫn, Hiếu Ý Nhân hoàng hậu mỉm cười, đoạn nói:
– Nàng ấy tốt với ngài, báo ơn cho ngài, không chỉ có một ngày mà là
suốt cả đời. Nhưng thần thiếp nghĩ hoàng thượng không về không phải là
vì phong cảnh ở đây hữu tình, làm cho rượu Trúc Diệp Thanh bỗng nhiên
trở thành thơm ngon một cách kỳ lạ, mà là vì nàng ấy có phải không?
Ngài sợ ngài sẽ động tình, rồi mai sau rứt ra không được. Ngài sợ sẽ
chuốt lấy đau khổ, lụy vì tình mà tàn chí anh hùng, có đúng không?
– Nàng đừng nói bậy! – Khang Hi sa sầm nét mặt.
– Thần thiếp không nói bậy – Hiếu Ý Nhân hoàng hậu tiếp tục mỉm cười nói – Thiếp quen biết ngài bao năm, chưa từng thấy ngài rối loạn tâm tình
và buồn bã đến như vầy. Khi đã yêu một người, khi đã si tình một ai thì giống như lấy một cái xiềng xích tự trói buộc mình lại, rồi đem giao
chìa khóa cho người mình thương yêu đó, chỉ trừ người đó mới có thể mở
cửa trái tim mình ra được, bằng không, nếu người ta không muốn giúp, thì cả đời mình cũng không thể nào tự cởi ra được…
Khang Hi thở dài, im lặng, ánh mắt vẫn dõi về phương xa, dường như nhìn
được đến vùng sông nước Giang Nam trong tưởng tượng, nơi đó có Tây Hồ…
Trầm mặc một hồi, Khang Hi lẩm bẩm nói:
– Cảnh đêm nay đẹp quá, lại có rượu ngon, hoàng hậu nàng với trẫm phải cùng uống rượu ngoạn cảnh chứ?
Hiếu Ý Nhân hoàng hậu khẽ liếc nhìn Khang Hi một lát, thấy khoé mắt cay cay, vội vàng đưa tay lên gạt đi.
– Thật ra Tây phi là một nữ tử rất tốt – Cuối cùng hoàng hậu nói – Nếu thần thiếp là nam nhân cũng rất khó khán cự.
Trong lòng không thoải mái khi nhớ tới một chuyện gì đó, Hiếu Ý Nhân hoàng hậu tiếp lời:
– Hoàng thượng tình nguyện thay đổi thánh chỉ, thay đổi luôn cả luật lệ
triều đình đại Thanh ta có phải phần nào cũng vì cô ấy hay không? Ngài
vốn không hề muốn khiến cho cô ấy đau lòng? Huống chi lương tâm còn phải coi chuyện này có đáng làm hay không nữa, theo thần thiếp nghĩ thì, vì
Tây phi, chuyện gì cũng rất đáng làm…
—oo0oo—
Kể lại chuyện hôm đó, khi vần thái dương từ từ lên cao, Khang Hi mệt mỏi dựa vai vào song cửa nhìn bóng nắng sáng chói lưu lại trên mái ngói của Tị Thử sơn trang, tự hỏi lòng, “ta rốt cuộc nên làm gì bây giờ?”
Trong ánh sáng tinh mơ đó, giữa làn sương trắng xóa cũng có một thân ảnh vận y phục dạ hành đứng trên đỉnh núi Kim Sơn cao chót vót phóng tầm
mắt xuống cả kinh thành. Trong tay cầm một ống tiêu, thân ảnh tự nhủ
chỉ cần xe ngựa áp giải trọng phạm đi ngang qua đây là y sẽ liều mạng
cứu người.
Giờ Ngọ tới, ở pháp trường phía Tây Bắc thành Bắc Kinh Mã Tề phụ trách
việc giám trảm, mừng rỡ khi thấy một kỵ sĩ phi ngựa như bay chạy đến chỗ mình, vừa chạy vừa không ngừng gọi lớn: “Dừng lại! Mau dừng lại đi!”
Tay người cẩm y vệ cầm một cuộn thánh chỉ, vội phóng xuống đất hô:
– Quan viên trảm giám hình bộ nghe chỉ!
Mã Tề cùng hết thảy các binh sĩ đồng loạt quỳ xuống.
Người cẩm y vệ mở cuộn vải màu vàng ra lớn tiếng đọc:
– Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu thư. Luật lệ đại Thanh là do
Thánh Tổ đặt ra, căn cứ theo Minh luật, người Minh không phân chia Bát
Kỳ, tất nhiên trong Minh luật không có dị nghị Bát Kỳ. Còn dân tộc Mãn
Châu nhập quan lập triều lập ra Bát Kỳ, dĩ nhiên tình hình không giống
như hồi Minh triều. Cho nên trẫm quyết định, bổ sung luật lệ đại Thanh
thêm vào một điều, “trì quý bát nghị pháp,” để cho thêm đầy đủ. Về sau
phàm Bát Kỳ vương công quý tộc cùng thân thuộc nếu như ai có vi phạm
pháp luật, phi tâm pháp, cần phải viết sớ tâu thỉnh thị xử trí, hình bộ
cần phải dùng bát nghị chi pháp phân biệt bình nghị. Bát nghị là, “tân, cố, thiền, năng, công, quý, cần, chánh.” Người đó sau khi được bát
nghị này thẩm phán, thực hiện quyền xét xử, đánh giá mức độ xác thực của vụ việc, sau đó đưa ra phán quyết về vấn đề được trình bày dựa trên
việc giải thích pháp luật và đánh giá chủ quan, thì nếu được hơn phân
nửa đồng ý thuyên giảm tội hình sẽ được giảm tội, hoặc được quản hình…
Mã Tề quỳ gối nghe mà trong lòng nở từng khúc ruột, khi cẩm y vệ đọc tới đoạn:
– Cung thân vương Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Nỗ tự ý bãi binh, luận tội
phải chết, nhưng vì năm xưa trong quân ngũ đã lập được rất nhiều chiến
công hiển hách, lại được hơn phân nửa bát nghị tích ưu, cầu xin thuyên
giảm tử tội, giảm được quản hình, tránh được tội chết nhưng tội sống khó tha. Cho nên hôm nay, trẫm hạ lệnh, xử cung thân vương theo điều sáu
mươi mốt của luật lệ đại Thanh…
Người cẩm y vệ dừng lại một vài giây để lấy hơi, sau đó tiếp tục đọc:
– Điều sáu mươi mốt trong luật lệnh nói rằng phàm thuộc loại người có
công, những người bách công kỹ nghệ có thể đọc thuộc và giảng giải pháp
luật, nếu phạm sai lầm, hoặc là có tội gì liên lụy nặng nhẹ đều miễn một lần, điều luật này có quy định…
Miệng nở một nụ cười cảm khái, Mã Tề vui vẻ tâm tình, khẽ nghiêng đầu
nhìn phía tử tội đang quỳ như muốn nói rằng “tước đại tôn tịch! Vương
gia, nếu như ngài muốn được tiếp tục sống những ngày yên tịnh thì chỉ có nước một là tước phục làm dân, để có thể tự do tự tại sống hết quãng
đời còn lại, hoặc hai là kết quả như thế này đây, âu cũng là một việc
tốt, vì đó chính là phương pháp duy nhất để bảo tồn mạng sống của ngài,
bằng không, rất khó tránh được sự can dự của hoàng đế…”
Người cẩm y vệ đọc xong câu cuối cùng viết trong mảnh vải màu vàng nhạt, làm động tác cuộn thánh chỉ lại, sau đó nhìn Mã Tề nói là hình phạt mà
tử tội phải chịu là đi canh giữ biên ải trong vòng hai mươi năm tới, bất cứ giá nào cũng không được trở về Trung Nguyên, và cũng không được liên lạc thư từ với bất kỳ ai, bất luận là bằng hữu, hay thân bằng quyến
thuộc nào.
(còn tiếp)