Martin Eden

Chương 32



Ngay buổi chiều hôm sau, Maria rối rít lên tiếp đón người khách thứ hai của Martin. Nhưng lần này chị không đến nỗi mụ mẫm như lần trước, chị đã mời Brissenden vào ngồi trong phòng khách của chị, thái độ vẻ hết sức tôn kính.

“Hy vọng là cậu không lấy làm phiền vì tớ đến thăm chứ?” Brissenden bắt đầu.

“Không, không, không hề gì,” Martin trả lời, vừa bắt tay, vừa ra ý mời anh ta ngồi xuống cái ghế độc nhất, còn gã thì đi về phía giường. “Nhưng làm sao mà cậu biết được chỗ ở của tớ?”

“Gọi dây nói hỏi nhà Morse. Cô Morse trả lời. Và thế là tớ lên đây.” Brissenden rút ở túi áo ra một cuốn sách mỏng, vứt lên bàn. “Có cuốn sách này của một nhà thơ, cậu đọc đi và giữ lấy.” Và khi thấy Martin từ chối, anh ta nói luôn: “Tớ giữ sách làm cái gì? Sáng hôm nay tớ lại bị thổ huyết. Cậu có whiskey không? Không hả, tất nhiên rồi. Đợi tớ một lát.”

Gã đứng dậy đi ra. Martin nhìn theo cái thân hình cao gầy bước xuống bậc hè bên ngoài; và khi quay lại đóng cửa, gã nhìn thấy rõ đôi vai trước khi hẳn rộng và to, bây giờ so rúm lại trên cái lồng ngực hom hem vì bệnh tật; lòng gã đau nhói lên. Martin sắp sẵn hai cốc to, giở cuốn sách ra đọc; đó là tuyển tập thơ mới nhất của Henry Vaughn Marlow.

“Không có rượu Scotch,” Brissenden trở về nói. “Thằng ăn mày chỉ bán whiskey Mỹ thôi. Nhưng mà cũng mua một phần tư lít đấy!”

“Để tớ bảo một cháu đi mua ấy quả chanh về pha toddy,” 1 Martin nói.

“Không biết một cuốn như thế này, Marlow được độ bao nhiêu tiền?” Gã nói tiếp, tay giơ cuốn sách lên có ý hỏi.

“Có thể được năm mươi đô la,” Brissenden trả lời. “Nhưng cũng phải là may hắn mới lĩnh được số tiền ấy hay cầy cục được nhà xuất bản nó liều mạng in cho.”

“Nếu thế thì làm thơ không sống được à?” Cả giọng nói và nét mặt Martin đều lộ vẻ thất vọng.

“Nhất định là không rồi. Có thằng nào điên mới hy vọng chuyện đó. Làm vè thì sống được đấy. Như bọn Bruce, Virginia Spring, và Sedgwick, chúng sống đường hoàng. Còn thơ thì… Cậu có biết Vaughn Marlow kiếm sống như thế nào không? Dạy học ở một cái lớp luyện thi cho bọn trẻ con ở Pennsylvania; trong những công việc làm tư nhỏ nhoi khổ nhục thì một việc như thế là hết mức đấy. Dù anh ta còn sống được năm mươi năm nữa, tớ cũng chẳng đánh đổi lấy địa vị của anh ta. Ấy thế mà tác phẩm của anh ấy nổi bật lên giữa đống thơ của bọn thợ ghép vần hiện tại, chẳng khác chi một hòn ngọc quý giữa những củ cà rốt. Thế nhưng chúng nó phê phán anh ấy ghê lắm đấy! Thật khốn khiếp cả bọn chúng nó, lũ ngu xuẩn!”

“Nhiều kẻ không biết viết lách gì đã viết quá nhiều về những người viết thực sự,” Martin nói thêm vào. “Chà, tớ phát khiếp lên vì số lượng quá nhiều của những bài rơm rác phê bình Stevenson và tác phẩm của ông.”

“Lũ quỉ, lũ hút máu,” Brissenden nói gay gắt giữa hai hàm răng nghiến lại. “Đúng, tớ biết rõ lũ vô lại ấy. Chúng hùa nhau chỉ trích ông ta một cách đắc ý về bức thư của ông viết gửi cho Damien, chúng phân tích, chúng đánh giá ông.”

“Lấy thước đo của con người vô giá trị của chúng để đo ông ta,” Martin nói.

“Đúng thế, nói hay lắm, chúng nó ba hoa tán dóc, bôi bẩn chân, thiện, mỹ rồi vỗ vỗ vào vai ông ta mà nói: “Con chó khá lắm. Trung thành lắm! Mẹ khỉ, một lũ khướu ba hoa. Richard Realf 2 đã gọi chúng nó như thế đêm hôm ông ta mất.”

“Lấy mỏ mổ sao trên trời,” Martin sôi nổi nói. “Chỉ trích ánh sao băng của các bậc thầy. Đã có lần tớ đã viết bài chửi cho bọn chúng một trận – bọn phê bình, nhất là bọn duyệt bài.”

“Đưa tớ xem,” Brissenden háo hức giục.

Martin lôi ra một bản sao đánh máy tập “Mảnh sao.” Brissenden vừa đọc, vừa cười khúc khích, quên cả uống rượu, hai tay cứ xoa xoa vào nhau.

“Tớ thấy rõ chính cậu cũng là một mảnh sao, bị ném vào cái thế giới toàn những thần lùn giữ của, đầu đội mũ thầy tu, không nhìn thấy gì hết.” Anh ta bình luận sau khi đọc xong. “Nhất định tờ tạp chí đầu tiên nhận được bài cậu gửi đến hẳn phải vồ lấy đăng ngay, có đúng không nào?”

Martin lật giở những trang trong quyển sổ ghi ra và nói:

“Nó đã bị hai mươi bảy tạp chí gửi trả về đấy.”

Brissenden định cười một hồi dài, sảng khoái, nhưng tiếng cười của anh bị ngắt quãng vì một cơn ho rũ rượi.

“Này, cậu chẳng cần phải nói với tớ là cậu đã không thử làm thơ,” anh ta nói hổn hển, “hãy cho tớ xem một vài bài thơ của cậu.”

“Đừng đọc bây giờ vội,” Martin khẩn khoản. “Tớ muốn được nói chuyện với cậu. Tớ sẽ gói một bọc và cậu có thể mang về nhà.”

Lúc ra về Brissenden mang theo cả tập “Thơ tình” và bài “Nàng tiên và viên ngọc.” Hôm sau, anh ta trở lại chào Martin bằng câu:

“Tớ muốn đọc thêm nữa!”

Không những anh khẳng định Martin là một nhà thơ, mà Martin còn biết rằng Brissenden cũng là một nhà thơ. Martin bị cuốn đi trong những lời thơ của anh và rất ngạc nhiên tại sao Brissenden chưa hề gửi những tác phẩm của mình để xuất bản.

“Ôn dịch bắt hết bọn xuất bản chúng đi!” Brissenden trả lời khi Martin tình nguyện đem bán những tác phẩm ấy giúp anh. “Hãy yêu cái đẹp! Vì cái đẹp!” Anh khuyên. “Hãy để mặc các tờ tạp chí đấy. Hãy quay về với những con tàu, với biển cả của cậu, Martin Eden à, đó là lời tớ khuyên cậu. Cậu cần gì trong những thành phố ốm yếu, thối nát của những con người. Mỗi ngày cậu lãng phí ở những nơi đó, là cậu tự cắt cổ mình, đem đánh đĩ cái đẹp vì nhu cầu của tạp chí. Hôm nọ cậu đã trích dẫn một câu gì cho tớ nghe nhỉ? À, phải rồi “Người, con phù du cuối cùng của loài phù du, thì cần chi đến danh tiếng?” Cậu có được tiếng tăm chăng nữa, thì cũng chỉ là thuốc độc đối với cậu thôi. Tớ nói thật, cậu quá giản đơn, quá chân thực, quá duy lý, không thể nào mở mày mở mặt được trong cái đám bùn sệt ấy đâu. Tớ mong rằng cậu không bao giờ đem bán một dòng thơ nào cho các tạp chí. Cái đẹp là người thầy duy nhất để phụng sự. Hãy phụng sự nó và mặc thây đám quần chúng đông đảo! Thành công! Thành công còn ở chỗ quái quỉ nào nữa nếu không phải ở chính ngay trong tập “Thơ tình”, trong những bài thơ về biển, trong bài sonnet về Stevenson của cậu, một bài còn hay hơn cả “U linh” của Henley.

“Không phải là thành công trong công việc làm mới tìm thấy niềm vui, mà niềm vui ở ngay chính trong công việc làm đó. Cậu không thể giải thích với tớ được. Tớ biết rõ như vậy, cậu biết rõ như vậy. Cái đẹp làm cho cậu đau đớn. Đó là một nỗi đau đớn triền miên trong cậu, một vết thương không bao giờ lành, một con dao lửa. Tại sao cậu cứ phải loanh quanh với các tạp chí làm gì? Hãy lấy cái đẹp làm mục đích của đời cậu. Tại sao cậu cứ phải biến nó thành vàng? Dù sao cậu cũng không thể làm được việc đó, vì thế, cũng chẳng cần tớ phải băn khoăn về chuyện này làm gì. Cậu có thể đọc các tạp chí hàng trăm, hàng ngàn năm mà vẫn không thể thấy có gì giá trị như một dòng thơ của Keats 3. Hãy bỏ tiếng tăm, tiền tài đấy, hãy bỏ hết và ngày mai xuống một con tàu nào đó mà quay về với biển cả của cậu.”

“Không phải vì tiếng tăm mà vì tình yêu.” Martin cười. “Hình như tình yêu không có chỗ đứng trong vũ trụ của cậu. Trong vũ trụ của tớ, cái đẹp là một thị nữ của tình yêu.”

Brissenden nhìn gã vừa thương hại vừa thán phục. “Cậu Martin, cậu còn trẻ lắm, trẻ lắm. Cậu sẽ bay cao, nhưng đôi cánh của cậu là dệt bằng những sợi tơ mịn màng phủ bụi màu rực rỡ nhất. Đừng làm cháy mất đôi cánh của cậu đi. Nhưng tất nhiên cậu đã làm cháy mất nó rồi còn đâu. Tập thơ tình này hẳn phải ca tụng một cái váy huy hoàng nào, và điều đó mới thật là xấu hổ.”

“Nó vừa ca tụng tình yêu cũng như ca tụng cái váy,” Martin cười.

“Triết lý của điên rồ,” Brissenden vặn lại. “Chính tớ cũng đã nghĩ như vậy khi lang thang trong những giấc mơ phiêu diêu. Nhưng hãy dè chừng, những thành phố tư sản này sẽ giết chết cậu đấy. Cậu thử nhìn lại cái sào huyệt của bọn phản bội, nơi trước kia tớ đã gặp cậu. Gọi là thối nát, mục rữa cũng chưa đủ. Người ta không thể giữ được sự lành mạnh của mình trong một cái không khí như vậy. Thật là sa đọa. Không có một đứa nào trong bọn chúng không sa đọa, tất cả đều chỉ là những cái dạ dày hoạt động, chi phối bởi sự thôi thúc nghệ thuật và tri thức của loài trai hến… ”

Anh bỗng ngừng lời, và nhìn chằm chằm vào Martin. Rồi anh ta vụt đoán ra thấy hết sự việc. Vẻ ngạc nhiên ghê khiếp lộ ra trên nét mặt anh.

“À, thế ra cậu viết “Tập thơ tình” ghê gớm này để tặng cô ta – cô ả xanh xao, dúm dó ấy đấy!”

Lập tức, bàn tay phải của Martin bóp chặt ngay lấy cổ anh ta và lắc cho đến khi hai hàm răng anh ta va vào nhau lập cập. Nhưng Martin nhìn vào cặp mắt anh ta vẫn không thấy một vẻ gì là sợ hãi – Không một vẻ gì khác mà vẫn chỉ là một con quỉ sứ kỳ quái, ngạo nghễ. Martin chợt tỉnh lại, nắm cổ Brissenden rồi buông tay ra, ném anh ta sóng soài xuống giường.

Brissenden thở hổn hển đau đớn một lúc, rồi bắt đầu cười khúc khích.

“Giá mà cậu lắc cho xong đời tớ đi, thì tớ phải mang ơn cậu mãi mãi đấy.”

“Thần kinh tớ ít bữa nay bị căng thẳng quá,” Martin xin lỗi. “Tớ không làm cậu đau quá chứ? Để tớ làm cho cậu một cốc toddy nữa”

“A, cậu khoẻ lắm!” Brissenden nói tiếp. “Không biết có bao giờ cậu tự hào về cái cơ thể của cậu không? Cậu khoẻ như vâm. Cậu là một con báo non, một con sư tử non. Này, này, rồi đây chính cậu phải trả giá cho cái sức khoẻ ấy đấy!”

“Cậu nói thế là thế nào?” Martin tò mò hỏi, tay đưa cốc rượu cho Brissenden. “Đây, uống cạn đi cho tỉnh lại.”

“Vì… ” Brixendon nhấm nháp cốc toddy của mình và mỉm cười thích thú về cốc rượu. “Vì bọn đàn bà. Họ sẽ quấy rầy cậu cho đến khi cậu xuống lỗ mới thôi, cũng như họ đã quấy rầy cậu rồi đấy. Tớ mà nói sai thì tớ chỉ bé lại như mới đẻ ngày hôm qua. Này, đừng có bóp cổ tớ vô ích. Tớ sẽ nói hết. Mối tình của cậu là mối tình con nít, cái đó đúng quá đi rồi, nhưng vì cái đẹp, lần sau cậu nên tỏ ra có khiếu thẩm mỹ hơn. Vì cớ gì mà cậu lại đi yêu một ả thuộc tầng lớp tư sản? Hãy bỏ mặc chúng đấy. Hãy chọn một người đàn bà nào bừng bừng sức sống mãnh liệt, biết cười lớn với cuộc đời, ngạo nghễ với cái chết, biết yêu khi có thể yêu. Trên đời này có những người đàn bà như thế đấy. Họ sẽ sẵn sàng yêu cậu như bất cứ một ả yếu hèn, uỷ mị, sản phẩm của một cuộc sống trưởng giả, trướng rủ màn che nào khác.”

“Yếu hèn!” Martin cãi lại.

“Đúng thế, yếu hèn: luôn luôn lải nhải những lề thói đạo đức nhỏ nhặt, những điều đó được nhồi nhét vào đầu óc họ, và sợ sống cuộc sống thực sự. Họ sẽ yêu cậu, Martin à, nhưng họ còn yêu những lề thói đạo đức nhỏ nhặt của họ hơn. Cái mà cậu cần chính là một cuộc sống phóng khoáng lồng lộng, là những tâm hồn rộng lớn, tự do, là những con bướm rực rỡ chứ không phải những con thiêu thân nhỏ bé xám ngoét. Ồ, rồi cậu cũng sẽ chán ngấy họ, cậu sẽ chán ngấy tất cả cái giống đàn bà nếu không may mà còn sống. Nhưng cậu sẽ không sống được đâu. Cậu không quay về với biển cả và những con tàu của cậu, vậy là cậu sẽ còn cứ loanh quanh mãi trong những thành phố – ổ bệnh hoạn này cho đến khi xương cốt của cậu thối mục ra rồi cậu sẽ chết.”

“Cậu có thể lên lớp tớ, nhưng chẳng thể khiến tớ thay đổi ý kiến được,” Martin nói. “Nói cho cùng, cậu chỉ có cái khôn ngoan theo tính khí cậu, còn cái khôn ngoan theo tính khí tớ cũng không có gì đánh chê trách, như của cậu.”

Họ bất đồng ý kiến về tình yêu, về các tạp chí, về nhiều vấn đề, nhưng họ vẫn mến nhau, và về phía Martin, đó là một sự yêu mến không kém phần sâu sắc. Ngày nào họ cũng gặp nhau, nếu không hơn thì ít nhất cũng là trong giờ khắc Brissenden ở chơi trong căn phòng chật chội của Martin. Không lần nào Brissenden đến mà lại không mang theo chai rượu whiskey, và khi hai người cùng nhau đi ăn tiệm ở dưới phố, suốt bữa, anh ta uống scotch và soda. Lần nào anh ta cũng trả tiền cho cả hai, và chính nhờ anh ta mà Martin đã biết những món ăn cầu kỳ sang trọng, được uống sâm banh lần đầu tiên và làm quen với rượu vang sông Ranh.

Nhưng Brissenden vẫn là một cái gì rất khó hiểu. Nét mặt anh khắc khổ như một thày tu khổ hạnh và mặc dù sức khoẻ của anh đã suy yếu, anh vẫn thực sự là một người ham thích khoái lạc. Anh không sợ chết, chua chát, chán ghét mọi lề lối sống, ấy thế nhưng, tuy đang chết mòn, anh vẫn yêu cuộc sống, yêu cho đến phân tử cuối cùng của nó. Anh ham muốn sống đến điên cuồng, ham muốn được rung động, được “quằn quại trong khoảng không nhỏ bé, trong đám cát bụi vũ trụ nơi mà ta sinh ra đời” – như đã có lần chính anh nói như vậy. Anh đã hút đủ thứ ma tuý, làm những việc lạ kỳ để tìm những rung động mới, những cảm xúc mới. Như anh đã kể lại cho Martin nghe, có lần anh đã nhịn nước trong ba ngày liền, nhịn một cách hết sức tự nguyện, cốt chỉ để trải qua cái thú kỳ diệu được uống sau một cơn khát kinh khủng. Anh ta là ai, là một người thế nào, Martin không bao giờ biết được. Anh ta là một người không có quá khứ, một người mà tương lại là nấm mồ hiển hiện trước mắt, còn hiện tại là một cuộc sống đau đớn thác loạn.

Chú thích:

1. Utyxki pha thêm đường, chanh hoà lẫn với một ít nước.

2. Richard Realf (1834 – 1878) một nhà thơ Mỹ gốc Anh.

3. John Keats (1795 – 1821), một nhà thơ lãng mạn Anh nổi tiếng thế kỷ 19.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.