Martin Eden

Chương 31



Tình cờ, Martin gặp chị Gertrude ở Broadway – cuộc gặp gỡ thật may mắn cho gã, nhưng cũng làm gã hết sức bối rối. Chị nhìn thấy gã trước, trong khi chị đang đứng đợi xe ở góc phố. Chị nhận thấy ngay nét đói khát thèm thuồng trên khuôn mặt, vẻ thất vọng ưu tư trong con mắt gã. Quả thật, gã đang thất vọng và ưu tư. Gã vừa ở hiệu cầm đồ ra sau khi nói chuyện với chủ hiệu chẳng có kết quả gì. Gã cố điều đình vay thêm một món tiền tính vào chiếc xe đạp. Tiết thu lầy lội đã tới, Martin đã đem cầm chiếc xe đạp cách đây ít bữa và giữ lại bộ quần áo đen.

Lão chủ đã biết rõ từng thứ đồ đạc của gã, nên trả lời:

“Nhưng anh còn bộ quần áo đen cơ mà. Đừng có nói là anh đã đem cầm cho thằng cha Do Thái Lipka rồi nhé. Vì nếu anh đã… ”

Trông lão có vẻ hăm dọa, gã vội kêu lên:

“Không, không. Tôi vẫn còn giữ ở nhà. Nhưng hiện nay tôi cần mặc nó có việc.”

“Được,” lão chủ đáp, thái độ đã bớt hung hăng. “Nhưng tôi cũng có việc cần đến bộ quần áo của anh trước khi cho anh vay thêm tiền. Anh tưởng nhận cầm cho anh tôi khỏe thêm ra đấy à?”

“Nhưng chiếc xe đạp của tôi cũng đáng giá bốn mươi đô la rồi, nó hãy còn tốt.” Martin nài nẫm. “Ông mới đưa tôi có bảy đô la, mà làm gì được bảy, chỉ có sáu đô la hai mươi lăm xu, ông đã khấu trước lãi đi rồi.”

“Nếu anh cần thêm, thì cứ đưa bộ quần áo đến đây.” Chính câu trả lời ấy đã tống gã ra khỏi căn nhà nhỏ bé ngột ngạt của lão chủ hiệu cầm đồ. Gã thất vọng lộ ra mặt khiến chị gã trông thấy cũng phải ái ngại.

Hai người vừa gặp nhau thì xe chạy đường “Đại lộ Điện báo” tới, đỗ lại đón khách đi mua hàng buổi chiều về. Thấy gã nắm chặt lấy cánh tay đỡ chị lên xe, chị Gertrude đoán là Martin không có ý muốn đi theo mình. Đứng trên bậc xe, chị quay lại cúi xuống nhìn gã. Nét mặt hốc hác của gã lại làm cho lòng chị nhói lên.

“Cậu không cùng đi à?” Chị hỏi.

Rồi chị xuống xe, đến bên gã.

“Em đi bộ. Cũng là một cách tập thể dục đấy, chị à,” gã giảng giải.

“Thế thì chị cùng đi với cậu một quãng vậy, có lẽ thế lại dễ chịu hơn, mấy hôm nay chị thấy trong người không được khỏe.”

Martin đưa mắt nhìn chị và thấy chị nói đúng, cái vẻ lôi thôi lốc thốc, người béo bệu, đôi vai chúc xuống, nét mặt mệt mỏi đầy vết nhăn, bước đi nặng nề, không còn cái dáng mềm dẻo nữa, – cái dáng vốn có của một người tự do và sống hạnh phúc.

“Chị nên dừng lại ở đây thôi,” gã nói, tuy lúc bấy giờ chị cũng đã đứng lại ở góc phố đầu tiên, “để đi chuyến xe sau.”

“Trời ơi, giá mà chị không thấy mệt như thế này!” Chị thở hổn hển. “Cậu cũng như chị, đi bộ nữa làm sao được với đôi giầy cậu đang đi. Nó mòn quá rồi, không chừng chưa đến khu North Oakland nó đã long ra mất.”

“Em còn một đôi nữa tốt hơn để ở nhà.”

“Mai đến chị ăn cơm nhé?” Chị mời, vụng về. “Higginbotham không có nhà đâu. Anh ấy có việc phải đi San Leandro.”

Martin lắc đầu; nhưng nghe nói đến mời ăn, gã không thể nào ngăn được và thèm khát dữ dội lóe lên trong mắt anh.

“Mart à, cậu không còn tiền, nên mới phải cuốc bộ chứ tập thể dục gì?” Chị cố khịt khịt khinh bỉ, nhưng chỉ thốt ra được một tiếng khụt khịt khe khẽ. “Nào để chị xem… ”

Và, thò tay vào lục túi, chị lấy ra một đồng năm đô la ấn vào tay gã và ngập ngừng nói: “Chị quên đứt đi mất ngày sinh nhật vừa rồi của cậu, Mart à… ”

Tay gã tự nhiên nắm chặt lấy đồng tiền. Nhưng cùng lúc đó gã thấy rằng không nên nhận, lòng gã day dứt trong nỗi dày vò lưỡng lự. Đồng tiền vàng nhỏ bé này là thức ăn, là sự sống, là ánh sáng cho cơ thể và trí óc gã, là sức mạnh giúp gã viết tiếp, và biết đâu? Có thể viết được một cái gì đó mang lại cho gã nhiều đồng tiền vàng. Rõ ràng trong trí tưởng tượng của bừng sáng lên tập bản thảo hai bài luận văn gã vừa mới viết xong. Gã nhìn thấy chúng ở dưới gầm bàn ngay trên đầu đống bản thảo bị gửi trả về và vì không có tem nên chưa gửi đi. Gã nhìn thấy nhan đề của chúng, đúng như gã đã đánh máy. “Những vị tu sĩ của thần bí,” “Chiếc nôi của cái đẹp.” Những bài này gã chưa gửi cho tạp chí nào. Nó cũng hay như tất cả những bài khác gã viết cùng loại. Nếu như gã có tiền mua tem cho chúng! Một niềm tin chắc chắn ở sự thành công cuối cùng rộn lên trong gã, một bạn đồng minh đắc lực của đói khát, và gã đút nhanh đồng tiền vào túi.

“Em sẽ trả lại chị, chị Gertrude, – trả lại chị một trăm lần hơn,” gã nghẹn ngào, cổ họng se lại, đau đớn mắt thoáng ướt. “Chị cứ nhớ lời em!” Gã bỗng nói to quả quyết. “Trước khi hết năm, nhất định em sẽ đặt vào tay chị một trăm đồng tiền vàng như thế này. Em không đòi chị phải tin em. Chị chỉ cần đợi và sẽ thấy.”

Mà chị cũng không tin ở gã thực, sự không tin đó làm cho chị lúng túng, không biết nói thế nào cho tiện, chị chỉ bảo gã:

“Chị biết là cậu đói lắm, Martin à. Đói nó lộ cả ra người. Lúc nào muốn lại đằng chị ăn thì cậu cứ lại. Chị sẽ ột cháu đến báo cậu những khi nào anh Higginbotham đi vắng. À mà Mart này… ”

Gã đợi chị nói tiếp tuy trong thâm tâm gã cũng đã biết chị định nói gì. Ý nghĩ của chị về gã đã rõ quá rồi.

“Thế cậu không nghĩ đến lúc phải kiếm lấy một việc làm à?”

“Thế chị không tin là em sẽ thành công hay sao?” Gã hỏi lại.

Chị lắc đầu.

“Không ai tin ở em cả, chị Gertrude ạ, trừ em.” Giọng nói của gã chống đối một cách gay gắt. “Em đã viết được những tác phẩm tốt, nhiều tác phẩm tốt và sớm muộn thế nào cũng bán được.”

“Sao em biết là tốt?”

“Vì… “Gã ngập ngừng, cả cái lĩnh vực văn chương và văn học sử mênh mông bát ngát rộn lên trong trí óc gã, chỉ cho gã thấy rằng đem trình bày những lý lẽ để bênh vực niềm tin của gã với chị lúc này là vô ích. “À, vì nó còn hay hơn chín mươi nhăm phần trăm những bài đã được đăng trên các tạp chí.”

“Chị mong rằng cậu nên nghe theo lẽ phải.” Chị trả lời yếu ớt, nhưng vẫn tin chắc rằng sự suy nghĩ của mình về những cái đang dày vò gã là không sai. “Chị mong rằng cậu nên nghe theo lẽ phải.” Chị nhắc lại. “Mai lại đằng chị ăn cơm nhé!”

Sau khi Martin đã đưa chị lên xe, gã vội chạy đến nhà bưu điện, lấy ba trong số năm đô la đó mua tem. Và ngay buổi chiều hôm ấy, trên con đường đến nhà Ruth, gã đứng lại ở nhà bưu điện, vào cân một loạt những phong bì dài, dày cộm, dán tất cả số tem vừa mua chỉ để lại có ba cái loại hai xu.

Đối với Martin, buổi tối hôm đó là một buổi tối đáng ghi nhớ vì sau bữa ăn gã đã gặp Russ Brissenden. Vì một sự tình cờ nào mà anh ta đến đây, anh ta là bạn của ai, ai đưa anh ta đến, Martin đều không rõ. Gã cũng không có ý tò mò hỏi Ruth về anh ta. Tóm lại, gã chỉ thấy ở Brissenden, một anh chàng xanh xao, thiếu máu, có vẻ ngớ ngẩn, thế thôi, và ngay sau đó gã không để ý gì tới anh ta cả. Một giờ sau, gã thấy Brissenden là một gã thô kệch nữa với cái cung cách cứ đi vơ vẩn hết phòng này sang phòng khác, ngắm nghía những bức tranh, hoặc dí mũi vào những quyển sách hay những tạp chí anh ta nhặt được ở trên bàn, hay lấy ở giá xuống. Tuy là một người khách lạ đối với gia đình, nhưng, cuối cùng anh ta vẫn tách mình ra khỏi đám đông khách khứa, ngồi cách biệt trong một chiếc ghế bành kiểu Morris, chăm chú đọc một cuốn sách mỏng rút ở túi ra. Vừa đọc, anh ta vừa lơ đãng đưa ra những ngón tay lên vuốt nhẹ mái tóc. Buổi tối hôm ấy Martin cũng không để ý gì thêm tới anh ta, chỉ trừ có một lần gã thấy anh ta nói chuyện bông đùa với mấy bà trẻ tuổi có vẻ rôm rả lắm.

Tình cờ khi Martin ra về, anh gặp Brissenden lúc này đã đi được nửa quãng đường ra phố.

“Chào cậu, cậu đấy hả?” Martin nói.

Anh ta trả lời bằng một tiếng ầm ừ không lấy gì làm lịch sự lắm, nhưng cũng bước lại đi bên cạnh gã, Martin cũng không gợi chuyện thêm, và hai người cố yên lặng đi như thế qua mấy dãy nhà liền.

“Thật là đồ lừa già huênh hoang!”

Lời nói mỉa mai cay độc bất chợt của anh ta làm cho Martin sửng sốt. Gã cảm thấy hay hay, nhưng đồng thời gã cũng thấy không thích cái anh chàng này.

“Cậu đến một nơi như thế để làm gì?” Brissenden thình lình ném câu hỏi ấy vào mặt gã sau khi yên lặng đi qua thêm một dãy nhà nữa.

“Thế tại sao cậu cũng đến đấy?” Martin hỏi lại.

“Lạy chúa, tớ cũng không biết nữa. Ít nhất đó cũng là một hành động thiếu suy nghĩ đầu tiên của tớ. Mỗi ngày có những hai mươi bốn tiếng đồng hồ và bằng cách này cách khác, phải làm gì cho hết ngày chứ. Đi uống cái gì với tớ đi. ”

“Được thôi,” Martin trả lời.

Ngay sau đó, gã rất lúng túng tại sao lại có thể nhận lời vội vã thế được. Còn rất nhiều việc đợi gã ở nhà, phải thanh toán một số bài lặt vặt trước khi đi ngủ. Và vào giường rồi còn cuốn của Weismann 1 đang đợi, ấy là chưa kể tập “tự thuật” 2của Herbert Spencer, một tác phẩm đối với gã cũng đầy những tình tiết lãng mạn chẳng kém gì một cuốn tiểu thuyết rung cảm. Tại sao lại đem tiêu phí thời gian một cách vô ích với một người mà gã không thích? Gã nghĩ thầm. Tuy nhiên, ai mời hay uống gì không phải là điều quan trọng mà chính là cái không khí quanh bàn rượu ánh đèn rực rỡ, những tấm gương, những dãy cốc sáng lóe, những bộ mặt bừng bừng rạng rỡ và tiếng nói vang vang của những con người. Chính cái đó, chính tiếng nói của những con người, những con người lạc quan yêu đời, những con người đã thành công và đem tiêu xài tiền kiếm được vào rượu mạnh như những con người. Gã lẻ loi quá, tâm trạng gã là như thế, và vì thế, khi Brissenden mời, gã nhận lời ngay như một con cá giác vội đớp mảnh giẻ trắng buộc ở đầu lưỡi câu. Từ ngày còn sống với Joe ở Shelly Hot Springs đến nay, chỉ trừ có một lần gã uống rượu vang với lão chủ hiệu thực phẩm người Bồ Đào Nha, gã chưa hề bước chân vào tiệm rượu một lần nào. Sự mệt mỏi về tinh thần không đòi hỏi người ta phải dùng đến rượu mạnh như sự mệt mỏi về thể xác, và vì thế gã không cảm thấy cần phải uống. Nhưng bây giờ tự nhiên gã thấy thèm rượu, hay đúng hơn gã thấy thèm cái không khí của một nơi sẵn có rượu để uống. Không khí ấy có ở tiệm Grotto, nơi mà gã và Brissenden ngồi ngả người ra trong chiếc ghế da rộng, uống whiskey pha soda.

Hai người nói chuyện. Họ nói về nhiều vấn đề và lúc lúc lại thay lượt nhau gọi whiskey và soda. Martin vốn là một tay rượu cừ thế mà cũng phải ngạc nhiên trước tửu lượng của Brissenden. Thỉnh thoảng, đang uống, gã phải ngừng lại, rất thán phục những ý kiến của anh ta trong câu chuyện. Chẳng cần lâu la gì gã thấy rõ ngay Brissenden là người am hiểu mọi điều và gã cho rằng đây là một người trí thức thứ hai mà gã được gặp. Nhưng gã nhận thấy ở Brissenden có những cái mà giáo sư Caldwell thiếu – đó là ngọn lửa, đó là sự minh mẫn, sự nhạy cảm sắc bén, ngọn lửa của thiên tài rừng rực cháy không gì kiếm chế được. Từ trong con người anh ta lời nói sinh động trào ra. Đôi môi mỏng của anh, như những bàn đập của một cái máy làm bật ra những câu nói sắc nhọn, xuyên thẳng vào lòng người, hay là ve vuốt giữ lại cái âm thanh mới thoát ra trong cổ họng, đôi môi mỏng ấy nói lên những lời êm nhẹ mượt như nhung, những lời dịu dịu của ánh sáng, của hào quang, của cái đẹp vương vấn phản ánh tất cả cái bí mật, cái khôn cùng của cuộc sống, nhưng cũng vẫn đôi môi mỏng ấy có lúc lại như chiếc kèn đồng, vang lên những tiếng hỗn độn, dồn dập, xô xát của cuộc vật lộn trong vũ trụ, những lời nói trong như tiếng hạc, ngời sáng như bầu trời đầy sao, thâu tóm được tất cả lời nói cuối cùng của khoa học và còn hơn thế nữa – đó là lời nói của nhà thơ, một chân lý cao xa bay bổng không sao nắm được, khó có thể diễn đạt bằng lời; ấy thế nhưng bằng những lời lẽ thông thường nhưng không kém tinh vi, anh vẫn nói lên được ý nghĩa sâu sắc của nó. Nhờ có một trí tưởng tượng kỳ diệu, anh đã nhìn quá xa nơi tiền đồn xa xôi nhất của kinh nghiệm chủ nghĩa, nơi mà không một ngôn ngữ nào có thể tả lại được, nhưng nhờ có tiếng nói thần kỳ trác tuyệt, dùng những từ rất quen biết để diễn đạt những ý xa lạ, anh đã làm cho Martin nhận thức thấy những vấn đề mà những tâm hồn bình thường không sao hiểu nổi.

Martin quên hẳn cảm tưởng ban đầu không ưa Brissenden. Đây chính là những điều hay nhất mà sách vở có thể hiến cho gã đã thành sự thật. Đây chính là trí tuệ, là một con người sống để gã ngưỡng vọng. “Tôi quỳ sát đất dưới chân anh,” Martin cứ nhắc đi nhắc lại hoài câu nói đó.

“Chắc cậu có nghiên cứu sinh vật học,” Martin hỏi to, câu hỏi hàm ý nghĩa.

Nhưng gã ngạc nhiên thấy Brissenden lắc đầu.

“Nhưng những chân lý anh vừa nói ra chỉ có sinh vật học mới có thể chứng minh được,” Martin gặng hỏi và được đáp lại bằng cái nhìn bối rối. “Những kết luận của anh giống như những kết luận trong các sách mà hẳn là anh đã đọc.”

“Tớ rất sung sướng được nghe điều này,” Brissenden trả lời. “Việc cái kiến thức nông cạn của tớ đã cho tớ rút ngắn được con đường tới chân lý làm tớ vững dạ lắm. Còn đối với tớ, thì không bao giờ tớ quan tâm khám phá xem tớ đúng hay sai. Dù sao cũng có giá trị gì đâu. Con người không bao giờ có thể biết được những chân lý cuối cùng.”

“Cậu đích là môn đệ của Spencer rồi!” Martin kêu lên một cách đắc thắng.

“Tớ không hề đọc ông ta từ hồi bước vào tuổi thanh niên, trước đó tớ chỉ đọc mỗi cuốn “Giáo dục học” 3 của ông ta.”

“Tớ cũng chỉ mong sao xây dựng được vốn tri thức ình một cách dễ dàng như vậy.” Một lúc sau, Martin nói thốt ra. Gã gắng phân tích kỹ cái vốn trang bị tinh thần của Brissenden. “Cậu chỉ là một người võ đoán, và chính điều đó mới làm cho nó thật kỳ lạ. Cậu khẳng định một cách võ đoán tất cả những chân lý cuối cùng mà khoa học chỉ có thể xác nhận được qua phương pháp thực nghiệm. Cậu nhảy vọt tới những kết luận đúng đắn. Quả thật cậu đã rút ngắn được con đường một cách phi thường. Bằng tốc độ của ánh sáng, với khả năng suy luận siêu phàm, cậu đã tìm thấy con đường tới chân lý.”

“Đúng, và chính cái đó cũng thường đã làm cho cha Joseph và thầy dòng Dutton băn khoăn,” Brissenden trả lời. “Ồ, nhưng mà không,” anh nói thêm. “Tớ chẳng là cái thá gì cả. Cũng là do số may tớ được gửi vào học trong một trường đạo. Thế những điều cậu hiểu biết, cậu thu nhặt được ở đâu?”

Và trong khi kể lại quá trình học tập của mình, Martin vẫn chăm chú nhìn Brissenden từ khuôn mặt dài, gầy, có vẻ quý phái đến đôi vai xuôi thõng, nhìn cái áo bành tô vắt trên chiếc ghế bên cạnh, túi áo phình ra, xệ xuống vì trong chứa đầy sách. Mặt Brissenden, và đôi bàn tay dài thon thon của anh bị rám nắng – rám nắng một cách quá đáng, Martin nghĩ thầm. Nước da rám nắng ấy làm cho Martin băn khoăn. Chắc chắn Brissenden không phải là một người sống ở ngoài trời lang thang đây đó, thế thì tại sao nước da của anh lại bị ánh mặt trời tàn phá như thế kia? Có một cái gì bệnh hoạn và có ý nghĩa kín đáo trong cái nước da rám nắng ấy – Martin thầm nghĩ khi gã lại ngước nhìn khuôn mặt gầy choắt, gò mà cao, má hóp sâu được tôn lên bằng một cái mũi hơi khoằm, một cái mũi thanh thanh và đẹp gã chưa từng thấy. Mắt anh ta không có gì đáng chú ý, không to mà cũng không nhỏ với một màu nâu khó tả; nhưng trong cặp mắt sâu ấy âm ỉ cháy một ngọn lửa, hay nói đúng hơn ẩn một vẻ gì có tính chất hai mặt trái ngược nhau một cách lạ kỳ. Nó có vẻ thách thức, bướng bỉnh, dữ tợn đến ghê gớm nữa, nhưng đồng thời nó cũng gợi niềm thương xót. Martin thấy thương anh ta không hiểu vì sao; nhưng mà rồi gã cũng sớm rõ.

“Ồ, tớ là một thằng bị bệnh phổi,” Brissenden nói thẳng, không giấu giếm, ngay một lát sau đó, sau khi đã cho Martin hay, là anh vừa ở Arizona về. “Tớ phải xuống đó sống ở cái khí hậu ấy liền hai năm.”

“Cậu không sợ liều về sống với khí hậu ở đây à?”

“Sợ?”

Brissenden không có ý gì nhấn mạnh đặc biệt vào việc nhắc lại từ Martin dùng; nhưng Martin thấy ngay trên nét mặt khắc khổ của anh ta hiện lên vẻ như muốn nói không có cái gì đáng sợ cả. Cặp mắt anh ta nheo lại cho đến khi trông như mắt chim đại bàng, và Martin gần như nín thở khi gã nhận thấy cái mũi đại bàng với hai lỗ mũi nở to ra, thách thức, quả quyết, ngang tàng. Đẹp thật, gã nghĩ thầm và máu gã rạo rực. Gã ngâm to:

Mặc cho búa số mệnh nện phũ phàng

Đầu ta chảy máu, nhưng không bao giờ cúi 4

“Cậu thích Henley,” Brissenden nói, thái độ của anh ta bỗng đổi ra dịu dàng, ôn hòa. “Tất nhiên, mình không thể đợi cái gì khác ở cậu được. Ôi Henley! Một tâm hồn dũng cảm. Anh ta nổi bật lên giữa bọn thợ ghép vần hiện tại – bọn thợ ghép vần của các tạp chí, chẳng khác gì một võ sĩ đấu bò tót nổi bật lên giữa đám hoạn quan.”

“Cậu không ưa các tạp chí?” Martin thấp giọng, trách.

“Thế cậu ưa à?” Brissenden vặn lại, gay gắt, làm Martin giật mình.

“Tớ… tớ viết, hay nói đúng hơn tớ đang thử viết cho các tạp chí.” Martin ngập ngừng.

“Thế là hơn,” Brissenden đã dịu đi, trả lời “Cậu thử viết nhưng cậu không thành công. Tớ kính trọng và khâm phục sự thất bại của cậu. Tớ biết là cậu viết cái gì. Chỉ cần liếc mắt qua cũng biết rồi; có một cái chất làm cho nó không lọt được vào cửa các tạp chí. Đó chính là cái dũng khí, mà các tạp chí thì không quen với cái món hàng đặc biệt đó. Họ cần những cái gì yếu đuối, ủy mị cơ, và họ tìm thấy cái ấy ở đâu, có trời biết, nhưng nhất định không phải ở cậu.”

“Tớ không vượt xa hơn được những bài lặt vặt,” Martin đáp lại.

“Trái lại… “Brissenden ngừng một lát, đưa cặp mắt xấc xược nhìn cái bề ngoài nghèo khổ của Martin, từ cái ca-vát tàng tàng đến cái cổ áo sờn rách, từ cái ống tay áo nhẵn bóng đến cái cố tay lợt chỉ, rồi lại ngước nhìn chằm chằm vào đôi má hõm sâu của gã. “Trái lại, những bài lặt vặt vượt xa tài năng của cậu đến nỗi cậu không hy vọng gì với tới được chúng đâu. Này anh bạn, tớ có thể sỉ nhục cậu bằng cách mời cậu đi chén một chút gì đi.”

Martin bất giác thấy mau dồn lên mặt nóng bừng: Brissenden cười lớn vẻ đắc thắng.

“Một người no đủ không bao giờ lại cho là bị sỉ nhục vì một lời như vậy,” anh ta kết luận.

“Cậu ác quá!” Martin kêu lên, bực bội.

“Mà nào tớ đã mời cậu đâu?”

“Cậu không dám… ”

“Cái đó tớ không biết, còn xem đã. Thế bây giờ tớ mời cậu nào.”

Brissenden vừa nói vừa nhấp nhổm đứng dậy, dường như anh ta có ý định đi đến tiệm ăn ngay lúc đó.

Tay Martin nắm chặt lại, mạch máu gã đập thình thịch ở hai bên thái dương.

“Này cẩn thận! Nó nuốt sống chúng mày đấy! Nó nuốt sống chúng mày đấy!” Brissenden hét to lên, bắt chước tiếng hét ông bầu của một anh chàng ăn thịt rắn nổi tiếng trong vùng.

“Chắc chắn là tớ có thể ăn sống, nuốt tươi được cậu,” Martin nói, và cũng đưa cặp mắt xấc xược nhìn từ đầu đến chân cái thân hình bị bệnh tật tàn phá của Brissenden.

“Chỉ có điều là tớ không đáng để cậu ăn thôi.”

“Trái lại,” Martin gật gù. “Chỉ vì chưa đúng lúc đấy thôi,” gã phá lên cười, thân mật, thẳng thắn. “Nói thật, cậu đã coi tớ như một thằng xuẩn ngốc, Brissenden ạ. Tớ đói và cậu biết là tớ đói, thì đó cũng chỉ là một hiện tượng bình thường, có gì là nhục nhã đâu. Cậu thấy không, tớ coi thường tất cả những lề thói đạo đức nhỏ nhặt của người đời, ấy thế mà cậu mới nói có một từ rất đúng, rất thật, tớ đã lập tức thấy rõ mình là kẻ nô lệ của chính những lề thói đạo đức nhỏ nhặt ấy.”

“Cậu nghĩ cậu bị sỉ nhục đấy à?”

“Lúc nãy, tớ có thấy như thế thật. Những định kiến của thời còn ít tuổi, cậu biết đấy. Tớ học được những điều đó hồi còn ít tuổi. Giờ đây đôi khi vẫn còn rơi rớt chút ít. Một thứ bảo tàng trong phòng kín của mình.”

“Thế bây giờ cậu đã cất kỹ chúng đi rồi chứ?”

“Chắc chắc là kỹ rồi!”

“Chắc chứ?”

“Chắc!”

“Nếu vậy thì chúng ta hãy đi chén một chút gì đi!”

“Ừ, tớ theo cậu,” Martin trả lời, gã định dùng số tiền lẻ còn lại ở hai đô la sẽ trả tiền whiskey và soda, nhưng Brissenden nhất định bắt người hầu bàn phải để lại số tiền đó trên bàn. Martin đành nhăn mặt cầm lấy đút vào túi; vừa lúc đó gã cảm thấy bàn tay thân mật của Brissenden đặt lên vai mình.

Chú thích:

1. August Welsman (1854-1914) một nhà sinh vật học người Đức.

2. Tập “Tự thuật” của Spencer gồm hai tập, xuất bản năm 1904.

3. Một tác phẩm của Spencer nhan đề là “Giáo dục học: trí dục, đức dục, thể dục.” Xuất bản năm 1861.

4. Hai câu thơ trong bài “Không khuất phục” (Iuvictus) của Henley. Bài thơ ca ngợi ý chí đấu tranh bất khuất được thanh niên đương thời rất ưa thích.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.