Hoài An phủ tại tỉnh Giang Nam là một thị trấn rất đông dân cư. Khoảng
ba năm trước, dân chúng tại nơi đây rất sung sướng trong cảnh cày cấy
được mùa, chăn nuôi thịnh vượng, không bị ảnh hưởng chiến tranh giữa
Tống triều và quân Liêu phía Bắc.
Nhưng gần đây, triều đình bắt lính, dân chúng phải đóng góp sưu cao thuế nặng và cung cấp lương thực cho quan quân nên đã bắt đầu nảy sinh ra
một số những quân cướp đường, lục lâm thảo khấu quấy nhiễu lương dân.
Cường hào ác bá tại một vài nơi đánh đập, bóc lột dân chúng chẳng kém gì các phường đạo tặc. Vì thế cho nên dân chúng ở thôn quê muốn lên phủ,
thường không dám đi một mình, ban ngày cũng như ban đêm. Họ thường rủ
nhau nhập bọn đông người, cùng đi để tránh những sự cướp bóc có thể xảy
ra ở dọc đường.
Buổi sáng hôm ấy, xuất phát từ một làng nhỏ cách xa Hoài An phủ độ hai
ngày đường, một cỗ xe nhỏ do lừa kéo, chở đầy đồ gốm tráng men, mang lên chợ phủ bán. Người đánh xe là một ông cụ già trạc độ sáu chục tuổi với
một cậu bé con chừng mười bốn mười lăm tuổi. Ông cụ già được người ta
gọi là lão Tam tức là người thứ ba trong dòng họ. Cậu bé được ông già
gọi tên là Trương Bỉnh Nhi.
Cậu bé nói với cụ già rằng :
– Thúc phụ cho cháu đi theo xe, bán được hàng có tiền phải mua cho cháu con ngựa cưỡi nhé!
Lão Tam đáp :
– Được rồi, ta hứa với cháu, ta sẽ đến nhà chủ nuôi ngựa Khương Lã Bá tìm mua một con ngựa thiệt tốt để cho cháu cưỡi.
Trương Bỉnh Nhi thích quá vỗ tay reo cười :
– Thúc phụ đã nói thế, không được sai lời nữa đấy!
– Ta có thất hứa với ai bao giờ! Chú cháu chúng ta phải cho xe đi mau
đến Khánh Hưng cục nhập vào đoàn xe của ông đại đỗ đầu họ Triển. Hôm nay ông ta cũng áp tải trên xe vải vóc và hương liệu cho mấy nhà giàu lớn
trên phủ. Ta có quen biết ông ta. Được đi với ông ta dọc đường không trở ngại, lại được thêm mau chóng.
Cỗ xe lừa của hai chú cháu đang chạy bon bon trên đường thì thấy một
chàng thanh niên, quần áo lam lũ, vai đeo giỏ lá cây rừng, trông chẳng
ra người Mèo Mán, chẳng phải người Kinh ở châu nào. Chàng thanh niên đó
giơ tay ra hiệu cho cỗ xe dừng lại và rằng :
– Tôi muốn đến Hoài An phủ, tìm đến người tên là Khương Lã Bá nuôi ngựa ở khu rừng phía Đông. Lão trượng làm ơn cho tôi đi theo đến nơi đó nhé?
Lão Tam đáp :
– Anh cũng biết Khương Lã Bá à? Đối với ông ta, anh là người như thế nào?
Lý Thanh Hoa điềm nhiên trả lời :
– Tôi tên Lý Thanh Hoa có người quen ở trong trại của Khương Lã Bá. Đã
lâu, tôi đi tìm lá rừng làm thuốc chữa cho ngựa bệnh. Vì theo người thầy thuốc đi xa vào rừng núi xứ Mèo Mán đã mấy năm nay nên không còn nhớ
đường về. Cụ làm ơn dẫn tôi đến Khương Lã Bá, mất bao nhiêu tiền phí
tổn, tôi sẽ xin hoàn trả đủ số. Dọc đường cụ muốn sai bảo tôi làm gì, cụ coi tôi như là gia nhân của cụ, tôi xin hết sức làm tròn bổn phận.
Lão Tam ngắm nghía Lý Thanh Hoa một hồi, ngạc nhiên tự nghĩ sao hắn mới
hỏi thăm mà trúng ngay lão là người biết chỗ của Khương Lã Bá? Nên lão
còn ngần ngừ chưa biết đáp sao thì Trương Bỉnh Nhi đã lên tiếng trả lời :
– Thúc phụ cho anh ấy đi với! Anh ấy giúp việc khuân dỡ các đồ vật trên
xe, cho chú cháu ta đỡ mệt. Xe còn rộng, thêm một mình anh ấy cũng chẳng sao.
Lão Tam thấy cháu mình bằng lòng, đành nói rằng :
– Được rồi! Leo lên xe đi! Ngồi cạnh ta! Ta có việc vội!
Lý Thanh Hoa cám ơn, leo lên ngồi cạnh ông lão đánh xe và cậu bé. Lão
Tam ra roi giật cương cho lừa chạy. Nhưng con lừa chỉ ì ạch, vươn cổ
nhoai lưng bước đi bước một như xe vừa chất thêm vài trăm cân đá nặng
nề.
Lão Tam không hiểu tại sao con lừa hoa của lão rất khỏe, chịu chở nặng
bằng hai ba con lừa khác, thế mà bây giờ cỗ xe chỉ thêm có một người và
một giỏ lá cây mà xem chừng con vật cất bước không nổi.
Lão Tam vò đầu, bức tai vẻ rất bực tức :
– Ta cần đi nhanh đến tiệm Khánh Hưng để nhập bọn với đoàn xe đại đỗ
đầu. Con lừa phải gió này bỗng nhiên giở chứng, ta biết làm thế nào bây
giờ?
Lý Thanh Hoa hỏi :
– Tại sao cụ phải nhập bọn với đoàn xe khác? Cụ đã biết đường thì cứ việc dong xe cho xe chạy thẳng tới nơi có được không?
Lão Tam phồng má trợn mắt nói lớn :
– Không có được! không có được! Phải nhập bọn với đoàn xe của đại đỗ
đầu. Ông ta võ nghệ giỏi lắm. Đi với ông, không sợ bọn giặc cướp quấy
phá dọc dường. Chỗ nào cũng đi lọt vì không có ai dám trêu chọc vào tay
ông ta cả.
Lý Thanh Hoa nói :
– Nhưng bây giờ con lừa hoa của cụ bịnh rồi, làm sao đến tiệm Khánh Hưng kịp nữa?
Lão Tam nhìn con lừa của mình thấy nó xuất hạn đầm đìa hình như sắp khụy cẳng sụm giò đến nơi rồi. Lão cuống quýt nhảy xuống kêu trời như bọng.
Lão Tam ngẩng lên thấy Lý Thanh Hoa vẫn ngồi yên trên xe thì la lối rằng :
– Anh mán cóc kia, anh muốn đi nhờ xe ta. Anh bảo là anh có là thuốc chữa bệnh cho lừa ngựa mà anh ngồi ỳ ra đấy sao?
Lý Thanh Hoa mỉm cười đáp rằng :
– Chữa bệnh mất thì giờ lắm, cụ bằng lòng thì tôi xin chữa cho.
Lão Tam đành chịu cho Lý Thanh Hoa tháo con hoa la ra khỏi xe, bảo cậu
bé đi cắt cỏ tươi, còn lão Tam đi lấy nước. Chàng thiếu hiệp thì nắn bóp bốn cẳng con lừa rồi chàng lấy ra vài ngọn lá Dưỡng Mã thảo cho nó ăn.
Khi lão Tam mang nước về, chàng mở nắp ngọc bình, nhỏ vài giọt sữa nhũ
đá vào thùng nước cho lừa uống rồi tiếp tục xoa nắn các huyệt đạo trên
thân lừa.
Trương Bỉnh Nhi cũng mang cỏ non về, cho lừa ăn no nê. Lúc đó mặt trời
đã lên cao, trên quan lộ đã có một vài khách bộ hành đi lại. Lão Tam hỏi thăm xem đoàn xe của Đại đô đầu đã khởi hành chưa thì người ta cho biết rằng :
– Đoàn xe của Đại đô đầu đi đã lâu lắm. Xe nhẹ, ngựa tốt chạy rất nhanh từ sáng sớm tinh sương.
Lão Tam vội đóng lừa vào xe, luôn miệng phàn nàn :
– Khổ quá, người ta đi mất rồi, mình nhập đoàn làm sao được nữa. Lý Thanh Hoa cười mà nói rằng :
– Tại sao cụ lẩn thẩn quá như vậy. Cụ mang xe lừa chạy ì ạch chậm, đòi
nhập đoàn với xe ngựa chạy nhanh, ai người ta bằng lòng nhận lời.
Lão Tam vỗ trán :
– Ừ có lẽ! Chuyến này đoàn xe của Đại đô đầu chở toàn vải vóc, không chở gỗ, muối và gạo như mọi lần… Có thế mà ta nghĩ không ra! Thôi, ta
không cần vội vã làm chi nữa, chờ xe khác xin nhập bọn cũng được…
Lý Thanh Hoa lại cười và nói rằng :
– Tôi đã chữa cho lừa của cụ khỏi bệnh, chúng ta đi ngay có thể bắt kịp đoàn xe kia.
Lão Tam mở tròn hai mắt bảo rằng :
– Đuổi kịp thế nào được. Người ta khởi hành trước cả giờ, ai hơi đâu mà chờ đợi mình?
– Không tin cụ thử đánh lừa cho xe chạy mà xem…
Lão Tam vừa mới ra roi, chiếc xe chuyển bánh chạy như bay, con lừa lao mình chạy như điên, không cách nào kiềm hãm lại được.
Lão Tam kêu lên :
– Xe chạy nhanh như thế này thì nồi niêu bát đĩa của ta vỡ hết còn gì.
Mọi khi lừa theo ý ta, hôm nay con hoa la gặp phải ma hay sao…
Con lừa hoa sải nhanh như tên bắn, tiếng xe chạy kêu rầm rầm, bụi tung
mù mịt, làm người đi đường phải tránh tạt ra cả hai bên và kêu lớn :
– Lừa điên! Lừa điên!
Cậu bé ôm chặt lấy Lý Thanh Hoa, còn chàng chỉ tủm tỉm cười, không nói gì cả.
Chiếc xe cứ chạy như bay biến, như thể đến khoảng giữa trưa, vượt qua
không biết bao nhiêu là chặng đường dài thì đã thấy phía xa, đoàn xe
ngựa chở vải vóc tơ lụa dừng lại ở ven rừng.
Lý Thanh Hoa giúp lão Tam kìm cương cho lừa chạy chậm lại. Nhưng xe đi
nhanh hãy còn trớn, vượt qua các xe kia và đứng lại ở hàng đầu.
Lão Tam la lớn :
– Đại đô đầu ơi! Cho lão Tam này nhập bọn với! Đô đầu bảo hộ chúng tôi lên Phủ, tới nơi, tôi xin dâng tiền trà nước.
Nhưng định thần nhìn ra, thấy ông Đô đầu họ Triển đương đứng thương
lượng với một toán người dữ tợn, tay cầm binh khí. Thì ra một đoàn xe đi trước đã bị một bọn cướp chận đường bắt phải nộp một phần vải vóc thay
thế tiền mãi lộ.
Đại đô đầu họ Triển không trả lời lão Tam, chỉ vâng vâng dạ dạ, tuân theo những lời sai bảo bọn cướp.
Ông để cho bọn cướp lựa chọn và lấy những tấm vải nào tốt và đẹp nhất.
Chúng chất vải lên ngựa, chẳng ai thèm đếm xỉa gì đến chiếc xe lừa mới
đến cả.
Lão Tam ngồi trên xe run sợ, nói nhỏ với Lý Thanh Hoa rằng :
– Thôi bỏ mẹ rồi. Xui quá! Tụi kia là bọn lâu la cướp đường. Làm thế nào bây giờ?
Lý Thanh Hoa hỏi :
– Cụ vẫn bảo Đại đô đầu của cụ giỏi võ nghệ lắm. Sao không thấy ông ta ra tay cho bọn cướp một bài học?
– Ở trong làng tôi, ông ta là người giỏi võ nhất. Chắc bọn cướp này giỏi võ hơn ông ta, thì ông ta phải chịu chứ.
Lúc đó có một tên cướp trông mặt mày hung ác, tay cầm thanh mã tấu sáng loáng, đi đến nạt nộ :
– Lão phu xe và thằng oắt con kia. Chúng bây thấy ông nội nhà chúng bây, còn không mau xuống xe, còn ngồi nói chuyện gì đó.
Ba người vội ríu ríu xuống xe, mặt lão Tam tái mét không còn hột máu. Tên cướp hét lớn :
– Xe các người chở đồ vật gì?
Lão Tam thưa :
– Dạ thưa đại quan. Xe chúng con chở nồi niêu bát đĩa bằng đất bằng sành. Chở lên chợ bán ạ.
Tên cướp cầm mã tấu gạt đổ một chồng đồ gốm xuống đất, rơi vỡ tan tành thành từng mảnh nhỏ và nói rằng :
– Để ta xem các ngươi nói thực hay nói dối?
Nói rồi y cho Lý Thanh Hoa một cái bịch vào hông rồi bắt trèo lên khuân
dọn cho y khám xét xem có đồ vật gì quý giá giấu diếm không.
Lý Thanh Hoa chỉ bấm bụng làm theo lời không phản kháng chi cả. Tên cướp quát tháo đập phá thêm một số đồ đạc nữa rồi hăm dọa rằng :
– Ta hãy gửi mấy cái đầu trên cổ các mi! Bán được hàng rồi lúc trở về
qua đây không nạp đủ cho ta ba lạng bạc thì ta sẽ cho hồn các ngươi về
chầu tổ. Nghe không?
Nói xong hắn quầy quả ra đi.
Việc xảy ra rất nhanh chóng, sau khi ăn hàng xong bọn chúng nhảy lên ngựa, phóng vô rừng mất dạng.
Lão Tam trông thấy đồ vật của mình bị đập phá một phần lớn thì thở dài mà than rằng :
– Thực là đen đủi. Ra ngõ gặp gái, chưa bán được đồng xu nào nó đã đập
vỡ của mình từng này bát đĩa. Lại còn đòi ba lạng bạc mãi lộ. Phen này
thì sạt nghiệp mất!
Trương Bỉnh Nhi cũng buồn rầu vì thấy hy vọng có tiền sắm ngựa bị tiêu
tan. Ông Đại đô đầu lại càng buồn hơn vì ông đã mất cả của cải lại còn
mất thêm cả danh tiếng.
Riêng Lý Thanh Hoa bị một cái đá đau song không thấy chàng tỏ vẻ bực tức gì cả. Chàng nói rằng :
– Xe nhẹ đi một phần, lừa lại càng chạy nhanh hơn. Ta phải cột chặt
những đồ vật còn lại. Cụ lên ngồi phía trước trong xe, mặc tôi ngồi lại
phía sau cột lại các dây cho đồ hàng khỏi xô đụng nhau, bể vỡ…
Quả nhiên, đúng như lời Lý Thanh Hoa nói, Lão Tam vừa giật cương thì con lừa lại phóng nhanh như tên bắn, đoàn xe của ông Đại đô đầu bị bỏ xa
dần rồi mất hút.
Lão Tam thích chí cười ha hả và nói rằng :
– Cái thằng cha mán cóc này có thuốc chữa bệnh lừa, ngựa hay thật. Ha
ha! Nếu ta mang lừa của ta chạy đua với ngựa thì thế nào cũng chiếm được giải nhất.
Nhưng lão Tam có biết đâu rằng trong lúc lão ta hứng chí như thế thì Lý
Thanh Hoa ngồi ở đằng sau đã rời bỏ xe dùng phép ngự phong tung mình
chạy như điện xẹt bay về phía khu rừng lúc nãy.
Chàng ta phi thân đuổi theo bọn cướp, phóng vượt lên trước hạ mình xuống chỗ con đường rẽ… Chàng móc túi lấy ra một sợi dây trắng như tơ đã
luyện được trong thạch động ném qua đường, một đầu sợi dây cuốn chặt lấy thân cây lớn.
Khi nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập, gần chạy tới chỗ chàng núp, sợi dây được kéo thẳng lên, chặn ngang đường.
Bọn cướp đương phóng nhanh, không trông thấy sợi dây chăng ngang nên cả
đoàn người ngựa bị vấp ngã. Ngựa sau xô ngựa trước, người nọ té bị hất
tung rơi xuống đè lên người kia. Nhiều tiếng kêu thét vang dội. Tất cả
bọn cướp đều bị thương nằm la liệt trên mặt đất. Cặp mắt của Lý Thanh
Hoa rất tinh tường, chàng theo dõi từ lâu một bao vải màu vàng rất nặng
buộc sau lưng ngựa tên đầu đảng. Không cần lộ dạng, Lý Thanh Hoa chỉ khẽ rung động bàn tay, đầu ngọn dây tơ Bạch Ty đã cuốn lấy bọc vải đó.
Rồi như có bàn tay vô hình nhấc lên khỏi mặt đất, bọc vải đã bay vụt về
phía bụi rậm chàng thiếu hiệp núp. Trong đám bụi tung bay mù mịt, mọi sự xảy ra nhanh chóng vô cùng. Không một ai có thể nhận thấy. Lý Thanh Hoa giơ tay đỡ lấy bọc vải vàng, mở ra xem thấy trong đó đựng toàn là vàng
bạc. Lý Thanh Hoa buộc chặt lại bọc vàng và như làn khói xẹt, chàng đuổi theo cỗ xe lừa đang chạy như bay trên quan lộ. Chàng nhẹ nhàng nhảy lên đàng sau xe và ngồi giữa những chồng bát đĩa đụng nhau kêu loảng xoảng. Trong khi ấy, lão Tam vẫn thích chí ra roi cho hoa la chạy nhanh như
gió, luôn miệng kêu :
– Mau lên! Mau lên! Lừa của ta chạy nhanh hơn cả ngựa thì ta có thể đổi được một con lừa lấy năm con ngựa.
Đến chiều, xe chạy tới một làng nhỏ. Lão Tam dừng lừa lại và nói rằng :
– Ta đói quá rồi! Phải tìm quán trọ nghỉ ngơi, ăn cơm, sáng mai rồi hãy đi.
Nói rồi, cả ba người xuống xe và bước vào quán trọ lớn ở bên đường.
Tiểu nhị trông thấy Lão Tam thì đon đả đón chào :
– Đã lâu lắm mới trông thấy cụ lại quán! Hôm nay nhà hàng làm món thịt
cầy, có rượu ngũ hoa ngon lắm. Mời cụ vào nghỉ ngơi để tôi dắt lừa vào
chuồng.
Lão Tam nghe nói có thịt cầy và rượu ngon thèm rỏ dãi, bước vội vàng vào trong quán, ngoái cổ lại bảo Lý Thanh Hoa :
– Anh trông nom cho người ta tháo lừa đem vào chuồng cho ăn cỏ uống nước. Kiểm điểm lại đồ hàng rồi vào đây ăn cơm với ta.
Lý Thanh Hoa ngầm bảo tiểu nhị cột lừa ở ngoài sân, không cần phải tháo
yên cương chi cả. Chàng tìm lẳng thuốc và túi da bỏ gói vàng vào và bước vào trong quán. Lão Tam vốn tính hà tiện, lại bị cướp đập phá nhiều đồ
hàng nên không dám tiêu xài. Ông gọi tiểu nhị đem ra một dĩa thịt cầy
nhỏ có chừng dăm miếng và một ly rượu đế. Còn về phần Trương Bỉnh Nhi và Lý Thanh Hoa, ông gọi cơm trắng với dĩa đậu hũ kho mặn thêm vào bát
canh sung.
Trông thấy Lý Thanh Hoa xách giỏ thuốc và túi da vô, lão Tam càu nhàu nói rằng :
– Thằng cha mán cóc này dở ẹt! Cái giỏ lá cây với cái túi da mốc có gì
đáng giá, đem vứt ở ngoài sân cũng chẳng ai thèm lấy. Mang vào làm gì
cho thêm chật chỗ ngồi ăn?
Lý Thanh Hoa không trả lời, điềm nhiên đặt giỏ thuốc và túi da vào góc
phòng, rồi ngồi xuống bàn cùng với lão Tam ăn uống. Chàng thấy cậu bé
nhìn vào dĩa thịt có vẻ thèm thuồng lắm nhưng không dám lấy đũa gắp thịt để ăn.
Lý Thanh Hoa hỏi :
– Thịt cầy có ngon không?
Lão Tam nhai tóp tép, tợp rượu uống và trả lời :
– Ngon tuyệt! Nuốt đến đâu thấy khoái đến đó!
Nói rồi lão đưa lên mũi hít, ngửi mùi chả chó, mùi dồi chó thơm phức từ
trong bếp bay ra. Trông lại dĩa thịt thì đã hết nhẵn cả rồi. Lão lầm bầm nói :
– Ngon thì ngon thực, nhưng mà mắc quá!
Lý Thanh Hoa nói :
– Bao nhiêu tiền cũng được! Cụ cho phép tôi đãi cụ một bữa ăn thực tha hồ thích khẩu!
Nói xong không để lão Tam mở miệng, Lý Thanh Hoa đi thẳng vào trong bếp
gọi chủ quán đưa cho y một nắm bạc vun vít ghé tai nói nhỏ mấy câu.
Chàng quay ra ngoài, trở về chỗ ngồi cũ, kéo lão Tam và cậu bé đứng dậy
sang ngồi cái bàn lớn hơn. Chủ quán, người đầu bếp, tửu bảo lễ mễ bưng
ra bầy trên mặt bàn nào là đùi chó luộc, thịt chó nấu rượu mận, hầm,
rán, chiên, sào, chả nướng lại thêm nhiều gia vị thơm ngào ngạt, hai
bình rượu ngũ hoa hảo hạng làm lão Tam và cậu bé phải kêu ồ lên một
tiếng.
Cẩn thận hơn, chủ quán thân hành gắp món ăn vào bát, rót rượu vào ly cho lão Tam và lễ phép nói rằng :
– Vị quan nhân đây cho nhà hàng nhiều tiền quá! Nhà hàng không còn món
nào ngon hơn để mang ra hầu khách nữa. Xin mời cụ thưởng thức đừng chê
món ăn tầm thường này của bổn quán.
Lão Tam lấy làm ngạc nhiên nhưng vì món ăn hấp dẫn quá nên cả hai ông
cháu sung sướng thưởng thức món ăn, nhìn Lý Thanh Hoa với đôi mắt đầy vẻ thán phục.
Trong khi đó Lý Thanh Hoa kéo chủ quán ra một nơi khác ngồi nói chuyện có vẻ thân mật lắm.
Sẵn đói bụng, ông cháu lão Tam tha hồ ăn uống thỏa thích. Hai bình rượu
ngũ hoa đã cạn nên cả hai người đều say, gục đầu xuống bàn mê man ngủ.
Lý Thanh Hoa hỏi han chủ quán biết rõ đường đi Hoài An phủ rồi liền bế
hai ông cháu ra xe, mang theo hành lý, từ giã chủ quán rồi đánh lừa cho
xe chạy.
Chàng cho xe chạy suốt đêm để chóng tới Hoài An phủ, chàng dùng thuật
phi thân nắm lấy dây buộc lừa và kéo giúp cho lừa nhẹ nhàng phóng theo
trên đường thiên lý.
Chừng tới khi mặt trời mọc thì cỗ xe không cách phủ Hoài An bao xa. Lúc
bấy giờ, Lý Thanh Hoa mới cho xe đi thong thả, rồi dừng lại dưới gốc cây lớn. Chàng xuống xe và đánh thức chú cháu lão Tam dậy. Lão Tam cứ tưởng mình vẫn còn ở trong quán trọ, vừa ngái ngủ vừa ngáp, hãy còn tắc lưỡi
nhớ đến bữa rượu tối qua, khen ngon quá! Ngon quá!
Bỗng nhiên định thần nhận ra cảnh chung quanh thấy khác lạ, lão mới biết là mình không còn ở trong quán rượu nữa.
Trời đã sáng tỏ trông rõ mặt mọi người dân trong xóm kéo nhau lên phủ
buôn bán tấp nập, kẻ gồng người gánh nói năng chuyện trò rất vui vẻ. Lão Tam đưa tay vừa dụi mắt, vừa cho xe đi chậm thêm vài dặm đường đã thấy
phủ thành hiện ra không xa. Lão há hốc miệng, mở to hai mắt tưởng mình
hãy còn trong giấc chiêm bao, quay sang bên hỏi Lý Thanh Hoa rằng :
– Chúng ta uống rượu ăn thịt cầy ở quán trọ cách đây hơn trăm dặm đường
làm sao mà đến đây nhanh chóng thế này? Ta còn mơ ngủ chắc?
Lý Thanh Hoa trả lời :
– Thưa cụ, tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy.
Lão Tam quay sang hỏi cháu rằng :
– Chắc tại chuyến này ta có đưa cháu và cháu khấn vái thần phật phù hộ
độ trì làm nên phép hóa ra thế đấy! Nhưng cháu ạ nhất định chuyến này sẽ bị lỗ vốn vì đã bị bể mất quá nửa. Ta không còn tiền mua ngựa cho cháu
đâu!
Trương Bỉnh Nhi có vẻ hờn dỗi nói :
– Thế là thúc phụ lại không giữ lời hứa rồi! Thúc phụ bảo là có thần
phật làm phép phù hộ cho chúng ta. Sao thần phật không làm phép cho cháu tiền mua ngựa?
Lý Thanh Hoa hỏi lão Tam :
– Cụ biết nhà Khương Lã Bá ở đâu không? Cụ làm ơn đưa ngay tôi tới đó. Tôi cảm ơn cụ vô cùng.
Lão Tam nói lớn :
– Có chứ, tôi đưa anh đến thẳng ngay trang trại của ông ta vì anh đã trả tiền bữa ăn ngon tối qua cho chúng tôi. Như thế là đủ, tôi không cần
lấy thêm tiền của anh nữa.
Nói rồi, lão Tam giựt dây cương cho lừa chạy sang khu đông Hoài An phủ.
Vùng này có nhiều ngọn đồi thấp bao quanh một cánh đồng cỏ rất rộng.
Giữa cánh đồng bao la ấy là một trang trại lớn có hơn trăm nóc nhà.
Lão Tam chỉ khu nhà và nói rằng :
– Trông kìa! Khu nhà của Khương Lã Bá đấy! Anh xuống xe đi bộ lại đó mà
hỏi thăm. Còn ta và cháu ta phải vào phủ thành cho kịp bán hàng, kẻo lỡ
mất một buổi chợ. Nếu không bán được hàng, thu vốn về thì chẳng còn tiền đâu mà mua cỏ cho lừa ăn, trả tiền trọ dọc đường. Ta còn lo lúc về nếu
không có đủ ba lạng bạc nạp tiền mãi lộ cho tên cướp thì chúng cắt mất
đầu.
Lý Thanh Hoa cười và nói rằng :
– Cụ ơi! Cụ cứ đưa tôi đến gặp Khương Lã Bá đi. Cụ đừng lo mất buổi chợ. Không nói là mua ngựa cho cậu bé, cụ muốn có mấy con tôi cũng có thể
giúp cụ được như ý muốn. Tôi không nói dối cụ đâu!
Trương Bỉnh Nhi thấy nói mua ngựa, liền ép lão Tam phải chiều lòng Lý
Thanh Hoa. Khi tới cổng trang, Lý Thanh Hoa tươi cười đặt vào bàn tay
lão Tam một đĩnh vàng nặng vô cùng và nói rằng :
– Cụ và em bé là người tốt, đối đãi với tôi rất tử tế. Tôi hậu tạ cụ số
vàng này và nhờ cụ giúp tôi gặp được ông chủ trại họ Khương.
Lão Tam thấy vàng vui mừng quá đỗi, cám ơn rối rít, nhận lấy vàng, bảo
Lý Thanh Hoa ngồi chờ trên xe và chạy thẳng vào trang trại. Thấy sắp gặp mặt nghĩa phụ và nghĩa mẫu, Lý Thanh Hoa cũng muốn đi theo vào. Nhưng
người gác cổng đã xua tay ngăn lại và mắng rằng :
– Tiểu tử kia đứng lại! Ở đây chỉ có người quen mới được vào.
Lý Thanh Hoa tức lắm nhưng vẫn không làm gì. Chờ nhai dập bã trầu, mới thấy lão Tam mặt tỉu nghỉu bước ra trả lời rằng :
– Khương Lã Bá không có ở nhà. Ông mang ngựa đi bán cho quân triều đình ở Ngũ Hồ rồi. Đến cuối tháng mới về.
Lý Thanh Hoa nóng ruột như điên, chàng cố bình tĩnh hỏi lão Tam :
– Cụ có quen biết người nào ở lâu trong trang trại này không? Cụ làm ơn giới thiệu tôi với người đó, tôi có việc cần hỏi.
Lão Tam ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói :
– Để tôi đưa anh đến gặp ông quản lý họ Triệu. Chắc chắn là muốn hỏi han việc gì cũng được.
Lão Tam vòng xe vào cuối xóm, tìm đến một căn nhà xây gạch, có vườn cây
ao cá. Cả ba người bước vào trong nhà để gặp Triệu quản gia. Ông này vốn là bạn của lão Tam nên tiếp đãi rất tử tế.
Lý Thanh Hoa hỏi ngay :
– Khoảng ba năm trước đây, có hai vợ chồng bận quần áo nông phu, cỡi
ngựa đến xin tá túc ở trang trại này. Người chồng họ Mã, người vợ họ
Vương, cả hai đều đứng tuổi. Cụ có biết họ bây giờ ở đâu không?
Ông lão quản gia họ Triệu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp :
– Trong trang trại của Khương lão cũng có đến mấy ngàn người. Người nào
tôi cũng biết họ tên. Họ đến lúc nào, ra đi lúc nào, tôi cũng biết.
Nhưng chẳng có cặp vợ chồng nào người chồng họ Mã, người vợ họ Vương cả.
Lý Thanh Hoa lấy làm lạ hỏi thêm rằng :
– Người chồng cao lớn và khỏe mạnh, lông mày xếch ngược, mắt to mồm
rộng, còn người vợ thì tuy đã có tuổi song nước da trắng mịn, vẻ đẹp
nghiêm trang. Bà ta ăn nói dịu dàng, tiếng nói trong trẻo và biết nghề
làm thầy thuốc nữa.
Triệu quản gia vỗ trán nói rằng :
– Lão nhớ ra rồi! Song ông ta không phải là họ Mã, cả hai vợ chồng đều
họ Đỗ. Chồng là Đỗ Vinh, vợ tên là Đỗ Lan. Ông Đỗ Vinh nuôi ngựa giỏi
lắm. Ông có nuôi con ngựa bạch, toàn lông trắng như tuyết. Ông đặt tên
nó là Bạch Tuyết Long Câu, ngày có thể chạy được ngàn dặm. Nhưng ông
không cho ai lại gần con ngựa đó cả vì con ngựa khỏe và dữ lắm.
Người con trai của Khương Lã Bá là Khương Bất Duy, tính nết lỗ mãng,
hung bạo lại hay tự phụ, khác hẳn với cha. Khương công tử thích con ngựa Bạch Tuyết Long Câu lắm. Hắn ta bắt Đỗ Vinh phải dâng cho mình con ngựa dùng tập cỡi. Đỗ Vinh không nghe nên Khương công tử định ỷ sức mạnh
đoạt lấy ngựa. Tưởng mình là tay kỵ mã có tài cưỡi ngựa nào cũng được,
không ngờ vừa mới nắm lấy bờm đã bị con Bạch Tuyết Long Câu lồng lên và
quật ngã gãy mất hai giò thành phế nhân. Hai người bạn của Khương công
tử tức giận, rút gươm ra xông vào định chém chết con ngựa để trả thù,
không ngờ bị con ngựa chồm đá, rồi cắn chết cả hai.
Khương Lã Bá thương con liền ra lệnh cho người trong trang trại phải tìm giết con ngựa, biết là người ta định tâm giết nó nên cứ hễ thấy người
lạ là nó xông lại nhanh như chớp, chồm đá và cắn cho đến chết. Những
người được sai đi giết nó đã chẳng bắn trúng nó phát tên nào, đâm chém
nó được vết thương nào mà trái lại còn bị vong mạng hơn chục. Vì thế
Khương Lã Bá đâm ra thù ghét Đỗ Vinh, ông đuổi hai vợ chồng ra khỏi
trang trại.
Hai vợ chồng liền cùng nhau tìm đến ở một ngọn đồi xa tít cạnh rừng. Ông Đỗ Vinh dùng mọi cách để thu phục con ngựa bất kham ấy. Nhưng cách đây
không lâu, một hôm bà Đỗ Lan chạy về trang trại báo tin cho mọi người
biết chồng bà cũng bị con Bạch Tuyết Long Câu sát hại rồi.
Bà kể chuyện rằng :
– Chồng bà muốn đào hố để bẫy con quái mã. Nó bị sa hố, Đỗ Vinh ném được thòng lọng vào cổ nó, định bắt sống. Nhưng không ngờ từ đáy hố, nó vọt
lên chồm đá và cắn chết ông. Mọi người theo bà Đỗ Lan đến tận nơi xem
xét thì quả nhiên thấy chồng bà nằm chết bên miệng hố, thân người bị vó
ngựa giẫm nát bấy, đầu óc, mặt mũi cũng bị giày xéo vỡ nát không thể
nhận diện được nữa. Từ bấy giờ, không ai dám bén mảng đến khu rừng có
con Bạch Mã sống ở trong.
Lý Thanh Hoa ngắt lời hỏi rằng :
– Còn bà Đỗ Lan bây giờ ở đâu? Tôi có thể gặp bà ấy được chăng?
– Mấy hôm trước bà còn ở đây với tiện nội. Bây giờ bà vào ở trong phủ
đường để chữa bệnh cho đệ tam phu nhân quan phủ. Bà Đỗ Lan chữa bệnh
giỏi lắm. Không biết bà ta dùng lá gì bó chân cho Khương công tử, mấy
ngày qua công tử đã đi đứng được rồi. Từ ngày bà trở về trang trại,
không thấy con quái mã xuất hiện nữa. Người ta bèn đi tìm nó để giết đi, nhưng không gặp nó đâu cả. Có lẽ nó đã chạy vào rừng sâu mất rồi.
– Cụ có thể đưa tôi vào phủ đường gặp bà Đỗ Lan được không? Bà ta là dưỡng mẫu của tôi, đã lâu ngày không gặp.
Triệu quản gia trả lời :
– Hồi này có bao nhiêu lang y giỏi đều bị triệu vời vô Biện Kinh. Cũng
có nhiều vị lang y không chịu đi, bỏ trốn sang vùng khác, vì thế nên con bệnh nhiều, người chữa ít lắm. Từ khi biết bà Đỗ Lan chữa bệnh giỏi, ai ai cũng tìm đến mời về nhà. Nhưng bà ta lúc đi lúc ở, thất thường lắm.
Không biết bây giờ vào phủ nha có gặp được bà ta không?
Lý Thanh Hoa lấy ra một đĩnh vàng khá nặng đưa tặng cho Triệu quản gia :
– Tôi từ xa ở miền rừng núi về đây, muốn gặp dưỡng mẫu của tôi ngay tức
khắc, xin cụ vui lòng nhận số tiền này giúp tôi được mãn nguyện ngay.
Lão Tam sực nhớ ra điều gì nói hộ thêm :
– Cậu này đi tìm thuốc chữa bệnh lừa ngựa, đi đã mấy năm nay, bây giờ
mới về, anh nên làm ơn giúp cho cậu ta gặp được người thân quyến. Này
tôi nói cho anh biết, con lừa của tôi bị bệnh cậu ấy chữa trong nháy mắt mà nó chạy có một ngày một đêm từ làng tôi đến đây…
Triệu quản gia to vẻ ngạc nhiên :
– Lão Tam nói thật hay đùa ta đấy! Từ làng của anh đến đây xa mấy trăm
dặm đường, dù là ngựa tốt chạy không ngừng cũng phải mất hai ngày. Cái
xe lừa thồ của anh đi như rùa bò có nhanh cũng phải mất ít nhất là bốn
năm ngày, làm thế nào mà lại chỉ mất có một ngày một đêm? Anh nói dối
tôi rồi!
Lão Tam cãi lại :
– Lão Tam này có biết nói dối ai bao giờ? Anh không tin thì thôi! Việc
vào nha phủ tìm bà Đỗ Lan có gì là khó đâu? Người ta đã biếu anh một
đĩnh vàng để làm việc đó. Anh không nhận thì đưa đây cho mỗ, để mỗ giúp
người ta lấy tiền tiêu xài vậy đi nhé!
Nói rồi lão Tam cầm lấy đĩnh vàng để trên bàn, giắt vào thắt lưng kéo Lý Thanh Hoa đi ra xe.
Triệu quản gia tức lắm, mặt đỏ bừng, túm lấy vạt áo lão Tam kéo lại và la lớn lên rằng :
– Lão phu xe kia! Mi chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao? Mi bịa ra
chuyện lừa nhảm nhí để định phỏng tay trên vàng của ta sao?
– Lão gác cổng ngu dốt kia ơi! Mi không chịu nhận giúp cho người ta thì
thôi. Mi bảo ta bịa chuyện lừa chạy nhanh không có thật hay sao? Còn câu chuyện Bạch Mã cắn chết người của mi dễ ai tin được?
Thấy hai người giằng co cãi vã nhau rồi định đánh nhau vì vàng, Lý Thanh Hoa vội can cả đôi bên.
Chàng lại lấy ra một đĩnh vàng khác đưa tặng cho Triệu quản gia rồi nói rằng :
– Tôi không dám phiền cụ đi tìm bà Đỗ Lan nữa, song tôi cũng tặng cụ chỗ vàng này. Chỉ xin cụ bán cho Trương Bỉnh Nhi một con ngựa nhỏ là đủ.
Triệu quản gia nhận ngay tiền, cảm ơn rối rít, mắt lườm nhìn lão Tam rồi vỗ tay hối người nhà vào tầu ngựa tìm ngay một con ngựa nhỏ thật đẹp,
tốt giống, dắt ra trao dây cương cho cậu bé.
Lão Tam bĩu môi, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo Lý Thanh Hoa :
– Ta lại lấy của anh một đĩnh vàng nữa! Cháu ta cũng được thêm một con
ngựa. Như vậy ta thấy ta quá tham lam. Vậy ta xin biếu anh con lừa hoa
đang kéo xe. Anh đi nhờ xe ta, anh đã biết tài chạy nhanh của nó. Ta
chuyên nghề bán đồ gốm, lừa kéo xe chạy nhanh thế thì hàng hóa của ta sẽ vỡ tan hết. Để ta lấy tiền mua con lừa khác vậy.
Lý Thanh Hoa vui vẻ nhận lời, đứng giữa dàn xếp mọi sự mua bán lừa giữa
lão tam và Triệu quản gia, cho hai bên đều được lời, hài lòng và không
còn tranh giành nhau nữa.
Một lát sau, mọi sự xong xuôi, Lý Thanh Hoa cưỡi con lừa hoa, Trương
Bỉnh Nhi cưỡi con ngựa nhỏ đi theo xe lừa của lão Tam vào phủ thành Hoài An.
Triệu quản gia theo tiễn tới cổng trang mới lui về, vẻ mặt hớn hở vì đã
được món tiền lớn trong một buổi sáng mua bán hên nhất trong đời.