Sau tiếng kêu “ối chao”, Lý công tử hai tay chới với, khoa lên vùng vẫy.
Không biết thời gian đã trôi qua bao nhiêu lâu, chàng giật mình tỉnh dậy như một giấc chiêm bao! Tiếng chim kêu ríu rít, mặt trời chiếu tia sáng đầu tiên ở hướng Đông. Mây hồng đỏ đẹp. Trên mặt cỏ còn đọng các giọt
sương khuya.
Lý công tử ngồi nhỏ dậy, động tác đầu tiên là đưa tay sờ lên sau ót thấy còn tê. Chàng không thấy động tuyết, thiếu phụ tóc vàng, và lão dị nhân đâu nữa. Chàng mặc bộ quần áo đã nhàu nát nằm trên một khoảng đất
trống, cỏ mọc xanh êm như nệm. Chàng đứng dậy trông xem chung quanh thấy tất cả những đồ vật quen thuộc với chàng đã được một bàn tay khéo léo
thu xếp gọn gàng: thoạt tiên là thanh Siêu Điện Tử Quang kiếm với cuộn
dây Bạch Ty Thằng, túi da Hắc Ngư, ngọc bình, lẵng thuốc, hộp linh đơn,
các củ Bạch Tuyết Nhân Sâm, trái cây… chỉ thiếu có đóa Hoa Hồng Xanh,
nhưng lại thêm quyển sách bìa giấy màu xanh nhỏ.
Lý công tử cầm lấy Thanh Thư mở đọc xem. Đọc vài trang đầu, mặt chàng
tươi cười hớn hở, miệng nhắc đi nhắc lại hai chữ Thanh Hoa, lẩm bẩm nói
rằng :
– Cả hai người đồng ý đặt tên ta là Lý Thanh Hoa tức là đã nhận ta làm
đồ đệ rồi. Cả hai sư phụ để cho ta hạ sơn với những vật này, ta nên quỳ
lễ bái tạ.
Rồi chàng cung kính đặt thanh thư lên bàn và quỳ xuống khấn đầu làm lễ bái.
Trong lúc chàng phủ phục vậy, chân khí dồn cả lên đầu ở huyệt Bách Hội,
bao nhiêu khí huyết trong người vận chuyển dễ dàng, tinh thần thêm sảng
khoái, thần quang minh mẫn, tim óc giao liên vừa nhớ ôn hiểu mọi việc đã xảy ra rất dễ dàng. Thật tình, phủ phục đầu đập xuống đất cũng là một
tư thế luyện công của phái du già.
Xong rồi chàng bỏ tất cả vào bao da đeo bên mình, mang lẵng thuốc lên
lưng như một người sơn nhân rồi nhắm phương hướng tìm đường xuống núi.
Chỉ cần uống một chút ngọc dịch trong ngọc bình, chàng đã thấy trong
người thêm khỏe mạnh, bước đi thoăn thoắt lanh hơn thỏ chạy.
Từ bên mặt nước suối, chàng ngắm bóng hình mình trong ánh nước, thấy da
mặt hãy còn đượm một màu xanh của một thư sinh yếu đuối. Chàng xòe bàn
tay, vận ý lực thì thấy thanh quang xanh lè bao phủ bì phi.
Chàng nhớ tới trước kia lão dị nhân đã dùng ánh sáng xanh để làm lủng khối đá lớn. Bây giờ chàng thử thí nghiệm xem sao.
Tức thời chàng giơ tay chém nhẹ vào tảng đá gần đó, động tác thật nhẹ
nhàng, song tảng đá đã nứt toác ra làm hai mảnh rất đều đặn như có người đã mất công phu ngồi xẻ tấm đá cả tháng từ trước, nay động tới thì nứt
ra.
Chàng biết chàng đã hấp thụ được tuyệt học võ công rất cao siêu của lão
dị nhân, công phu đạt thành không phải là do đọc một vài khẩu quyết, giơ tay giơ chân theo một vài chuyển động của thân thể mà chính do công phu khổ luyện đi tìm thức ăn, thức uống, chịu đựng tiết nóng lạnh mà động
lực chính là do sự cố gắng để sanh tồn, để sống mong có ngày về gặp mặt
người mẹ thân yêu của chàng.
Chàng sung sướng biết bao khi nghĩ rằng dưỡng phụ Mã Hóa Long biết được võ học của chàng có kết quả.
Chàng muốn bay ngay đến chỗ dưỡng phụ chàng ở.
Nghĩ vậy Lý Thanh Hoa liền dùng thân pháp Thân Hành bay vọt lên cao, lướt người trên ngọn cây, nhằm hướng Đông Nam lao đi.
Đi một quãng cả trăm dặm, bốn bề chỉ là rừng cây cùng núi đá. Nhãn lực
của Lý Thanh Hoa nhìn rất xa. Chàng thấy có khói bốc trên vòm lá các
ngọn cây cao ở một thung lũng. Mới đầu chàng nghĩ là nơi khởi hỏa của
một đám cháy rừng nhen nhúm, lửa đã bén lên tới thân cây. Càng lại gần
chàng trông thấy có bóng người đang đốt lửa. Chàng liền hạ mình xuống
một cây gần đó, vạch cành rẽ lá quan sát cho rõ: thì ra một gia đình
người Miêu làm nhà trên cây cao đốt lửa nấu cơm.
Xưa nay người Miêu sinh hoạt ở động đá hay trên các nhà sàn, rất ít khi
người Miêu sống trên cây, xem kỹ túp lều trên cây, dựng lên một cách tạm bợ, còn nét mặt của họ thì người nào cũng có vẻ sợ hãi khổ sở vô cùng.
Lý Thanh Hoa liền truyền cành cây tiến vào gia đình nọ.
Thoạt tiên, trông thấy Lý Thanh Hoa mấy người Miêu kêu rú lên định chạy
trốn, nhưng ở trên cây cao không giống như ở dưới đất, họ không dám tụt
xuống dưới, chỉ nép sau cành cây lớn, nháo nhác cả lên.
Lý Thanh Hoa xua tay ra hiệu và ôn tồn nói rằng :
– Tôi là bạn đây mà! Đừng kinh hãi! Tại sao các người không ở dưới xóm làng lại dựng nhà trên cây mà ở?
Một ông cụ già mạnh dạn dùng tiếng Trung Nguyên trả lời :
– Ở đây để khỏi bị cọp bắt. Ông là ai? Đến đây có việc gì?
– Tôi là người lữ hành đi qua đây, thấy các người thổi nấu trên cây có khói bốc lên thì tìm đến thăm viếng, không có ý gì.
– Ông là người ở xa đến đây nên không biết là chòm xóm chúng tôi đương bị tai nạn ghê gớm…
– Đây là đâu? Từ đây đến Giang Nam xa hay gần?
– Đây là Miêu động Thùy Sơn. Giang Nam ở xa lắm!
– Động các ông có nhiều người không?
Ông già lắc đầu một cách chán nản :
– Chết mất nhiều người lắm rồi! Chỉ còn một số ít người này thôi!
Lúc này, họ nhìn rõ mặt và nghe tiếng nói Lý Thanh Hoa, họ tuy không
hiểu rõ ngôn ngữ, song lúc này chàng nói chuyện với người bô lão Miêu,
họ nhận biết chàng không có ác ý nên người nào lại bình tĩnh trở lại
công việc đun nấu của người đó. Tất cả lớn bé, già trẻ độ hơn chục
người, hầu hết áo quần lam lũ, tiều tụy và gầy ốm…
Lý Thanh Hoa đề khí, nhảy sang mé trước túp lều, nhẹ nhàng như lá rụng.
Ông cụ chắp tay kính chào, Lý Thanh Hoa đáp lễ. Hai người ngồi ngay xuống chỗ trạc cây nói chuyện :
– Miêu động Thùy Sơn dương gặp biến cố gì?
– Thưa tráng sĩ, đã mấy tháng nay hiện về một con cọp trắng rất lớn, nó sát hại gần hết cả dân làng.
– Sao không tìm cách trừ khử nó đi?
– Dân Miêu chúng tôi đều là liệp hộ chuyên nghiệp, suốt đời chỉ sinh
sống bằng nghề săn bắn giết thú. Chúng tôi đâu có sợ ác thú. Chúng tôi
có đủ đao thương, cung nỏ, tên thuốc độc, hầm hố bẫy chông. Ác thú tìm
trốn chúng tôi, chúng tôi ngày ngày tìm kiếm chúng để sinh sống. Nhưng
con Bạch Hổ này là linh vật khác thường. Nó khôn ngoan, quỷ quyệt như
người, có lẽ nó ăn thịt người nhiều nên nó đã thành tinh nên chúng tôi
không biết được nó. Mà trái lại, nó sát hại gần hết trai tráng trong
động. Bây giờ những người còn lại chỉ là những mồi nuôi nó, nó muốn tìm
bắt lúc nào để ăn thịt thì nó đến, chẳng có cách chi chống lại cả.
– Sao các người không bỏ Miêu động mà trốn đi nơi khác?
– Chỉ vì chia rẽ bỏ trốn đi mà gia đình bị Bạch Hổ đuổi theo cắn chết
dọc đường, không một người nào sống sót! Gia đình tôi là gia đình cuối
cùng còn sống đến ngày nay vì ẩn trên cây cao này nhưng số thực phẩm của chúng tôi dự trữ còn ít lắm. Người nào liều mạng về xóm mang được chút
ít đến đây để kéo dài ngày sống, phải may mắn mới thoát được móng vuốt
của nó. Đã có ba người trong gia đình tôi đi kiếm lương thực cho chúng
tôi đã có đi mà chẳng có về. Xóm tôi ở chỗ kia kìa.
Ông ta giơ tay chỉ một vài gốc nhà sàn thấp thoáng trong nương khoai sắn cách xa gốc cây khoảng chục đổi tên.
Lý Thanh Hoa nghe chuyện cảm động vô cùng. Chàng liền bỏ lẵng thuốc trên vai xuống ngỏ ý đi lấy thức ăn cho mọi người. Nhóm người Miêu sau khi
biết ý định của chàng, đều lắc đầu xua tay khuyên can chàng đừng nên làm chuyện nguy hiểm như vậy. Họ không muốn chàng vì họ mà thiệt mạng một
cách vô ích.
Lý Thanh Hoa nói với chủ nhà rằng :
– Lão trượng tin tưởng nơi tôi. Tôi đã có phương cách riêng để đối phó.
Nói rồi, chàng tìm cây Siêu Điện Tử Quang kiếm cài vào sau lưng và buông mình từ trên cành cây cao hơn chục trượng, không một tiếng động nhỏ.
Chàng đi thẳng tới phía nương khoai. Ở đó, một vài nhà sàn vẫn còn
nguyên vẹn. Đây đó rải rác những xương sọ, mẩu xương ống, xương sườn của các gia súc hoặc người trong xóm Thùy Sơn đã bị là nạn nhân của mãnh
hổ. Chàng leo lên một nhà sàn để tìm kiếm vật dụng đựng lương thực và
nước uống.
Sau khi tìm được một số giỏ mây lớn và bầu đựng nước, chàng đi ra nương
khoai, sẵn nhổ cây, lấy rễ, lấy củ cho vào giỏ. Không mấy chốc khoai
sắn, đậu đã đầy ắp hai giỏ lớn. Chàng xách bầu ra giếng múc nước. Vốn
tính cẩn thận, chàng tập trung thính lực đề phòng ắc thú bất chợt xuất
hiện.
Trong lúc múc nước ở giếng, một tiếng động nhỏ từ phía căn nhà cuối thung lũng làm chàng giật mình quay lại.
Đặt vội bầu nước trên miệng giếng, chàng phóng nhãn quang xem xét khu vực đó thì thấy bóng người thấp thoáng leo lên nhà sàn.
Nhanh như cắt chàng phi thân lại phía đó, rồi tung người nhảy theo lên
nhanh như én liệng. Đẩy mạnh tấm liếp che cửa sang một bên, chàng vừa
bước vô thì thấy một Miêu nữ đương xúc gạo đổ vào vừng. Thấy động cô gái người Miêu quay lại, kêu thét lên một tiếng rồi lăn quay ra chết giấc.
Lý Thanh Hoa vội đỡ nàng ngồi dậy, giựt tóc cho hồi tỉnh. Hồi lâu cô gái mới mở mắt ú ớ nói những tiếng mà chàng không hiểu. Lý Thanh Hoa bế xốc cô ta đi về phía cây cổ thụ cao trên đó có nhóm người Miêu tỵ nạn.
Chàng nhảy lên chuyền theo các cành cây và đem cô gái nọ đến chỗ ông cụ
già. Vừa trông thấy mặt nhau, họ mừng rỡ khoa chân múa tay, la lối om
sòm.
Ông cụ nói cho Lý Thanh Hoa biết rằng :
– Cô này cũng là người trong Miêu động. Miêu nữ tên là Chi Mai. Cô cho
biết rằng gia đình cô chết mất hai người. Còn sống năm người cũng trốn ở trong cây cao như chúng tôi. Hôm nay vì thóc gạo hết, mọi người đều ốm
yếu cả nên cô liều mạng về nhà để tìm lương thực. Gặp quý ông bất thình
lình nên cô hoảng sợ vô cùng! Cô cũng không biết là chúng tôi hãy còn
sống sót và cũng ẩn nấp trên cây như gia đình cô.
Lý Thanh Hoa hỏi :
– Như vậy tình trạng không giống như lào trượng đã dự đoán. Không phải
tất cả mọi người khác đều đã bị hại. Chắc còn có nhiều người trốn tránh
như cụ leo lên cây ẩn núp. Sự khổ cực là thiếu đồ ăn thức uống. Mà có lẽ vì vậy nên ác thú còn quanh quẩn trong vùng để săn mồi. Nhưng thôi, để
tôi đi lấy đồ ăn tiếp tế đã.
Nói rồi, chàng thiếu hiệp lại nhảy xuống mặt đất, bỏ đi vô trong đám bụi rậm đầy cỏ lau.
Chỉ một lát sau, chàng trở về đem theo cho nhóm người khốn khổ bao ngũ
cốc và nhiều bầu nước trong. Mọi người đều ngước mắt nhìn chàng với vẻ
mến phục vị ân nhân của mình. Họ cùng nhau chia phần ăn uống vui vẻ.
Cô Chi Mai giương đôi mắt do đen láy nhìn chàng không chớp mắt. Cô nói
một tràng dài tiếng Miêu với ông cụ già lúc này được coi như vị tù
trưởng bộ lạc. Lão nhân nghe xong thuật lại cho Lý Thanh Hoa nghe :
– Cô ấy bảo rằng muốn nhờ quý ông đưa cô ta về với gia đình cô ấy. Bố mẹ anh em cô đương đói lắm! Vì đã nhiều ngày họ không có gì ăn.
Lý Thanh Hoa ngắm nghía cô gái Miêu thấy nàng tươi đẹp một cách hồn
nhiên, song vẻ mặt gầy yếu xanh xao rất đáng thương hại. Chàng gật đầu
tỏ ý bằng lòng giúp đỡ.
Chi Mai lấy vải buộc một số khoai, sắn đeo vào vai. Tay kia xách bầu
nước, nàng mạnh bạo tin cậy nơi tài nghệ chàng thiếu hiệp để cho chàng
đỡ nàng nhảy từ trên cao xuống đất. Hai người rảo bước rẽ lau vạch lá
chạy vội về phía cuối thung lũng. Chi Mai nhờ có chàng thiếu hiệp nâng
đỡ nên tuy chạy nhanh mà không bị mệt nhọc.
Xông pha rừng rậm rất lâu đến một cây đại thụ. Chi Mai dừng lại lên
tiếng gọi thì ở thân cây cao có sợi dây thừng vứt xuống. Nàng bám vào
dây đó để leo lên một cách khó khăn vì cô ta còn yếu sức, vai còn đeo
chiếc khăn gói ở sau lưng lủng lẳng.
Khi lên cây được chừng vài thước, đã mấy lần cô ta suýt tuột tay rớt
xuống. Lý Thanh Hoa thấy vậy chỉ khẽ nhún chân, người đã vọt lên như
Chim Yến Xuyên Mây (Xuyên Vân Yến) đưa tay đỡ ngang lưng Chi Mai và đưa
nàng lên túp lều dựng ở chỗ cao sát ngọn.
Mấy người trong gia đình Chi Mai thấy nàng mang lương thực về sung sướng reo lên. Người nào cũng đói và gần chết khát, tình cảnh rất thương tâm. Họ chia nhau nước uống và phần ăn mà không kịp nghĩ đến chuyện hỏi han
hay cám ơn người khách lạ.
Lý Thanh Hoa lúc đó nghĩ rằng: “Ta phải quay lại nhà sàn mang đến cho họ thêm nước. Nhưng giờ này, biết đâu không có nhiều người khác đang bị
khốn khổ, đói kiệt và ẩn núp như họ. Nếu ta cứ lo tiếp tế lương thực
cũng không phải là phương sách hay. Mà ta nên đi tìm ác thú, diệt trừ
được nó ắt là những người đau khổ này đều được giải nạn”.
Nghĩ vậy, chàng liền bỏ mặc họ và nhảy xuống đất, định bụng tìm gặp lão
Miêu để hỏi thêm tin tức về mãnh hổ. Lúc đi qua nương khoai gần bên vũng nước, chàng nhận thấy dấu chân hổ in sâu xuống đất to tròn như dấu lớn. Căn cứ vào dấu chân con vật phải to lớn gấp đôi con bò mộng.
Thực ra là một loài ác thú hiếm thấy ở rừng sâu. Nhưng phải làm sao để
đụng gặp mới là điều khó khăn. Lý Thanh Hoa chưa nghĩ được cách gì để
thực hiện ý muốn. Chàng đành trở lại gặp lão Miêu nhân và hỏi rằng :
– Mãnh hổ còn hay lai vãng vùng này không? Nó có thói quen kiếm ăn ban ngày hay ban đêm? Làm cách nào để gặp được nó?
Ông lão đáp :
– Thật là một con cọp lớn, suốt đời tôi chưa từng thấy! Nó có thể ăn một lúc hai ba mạng người và rất đa sát. Nó xuất hiện bất cứ ngày hay đêm.
Thiệt là giống quái thú có tài đánh hơi rất nhạy bén! Chúng tôi không
biết hang động nó ở đâu? Nhưng bất cứ giờ giấc nào hễ tụt xuống đất đi
được vài chục bước là bị sa vào nanh vuốt mãnh hổ liền. Ban đêm hai mắt
nó sáng như hai ngọn đền pha xanh lè. Chỉ nghe tiếng gầm của nó cũng đủ
mất hết hồn vía, luống cuống cả chân tay, co rúm cả người lại và đành
dâng xác thịt làm mồi ngon cho nó. Hôm nay thiếu hiệp xông pha đi lại
nhiều lần mà không gặp nó, thực ra là may mắn lắm. Thiếu hiệp nên ở đây
với chúng tôi, đừng xuống nữa thì mới mong toàn mạng được.
Lý Thanh Hoa nói :
– Lão trượng không còn cách nào để tự cứu sao?
– Còn cách gì nữa? Xuống đất thì dâng thây xác vô trong bụng. Chỉ còn cách tự tử để giữ toàn thây trên các ngọn cây này mà thôi.
– Cụ không nên thất vọng như vậy. Cụ chỉ bảo tôi cách gặp nó, tôi có thể giết ác thú để cứu mọi người.
– Thiếu hiệp nói thực hay nói giỡn? Làm cách nào mà giết được nó?
– Tôi không thể nào bày tỏ cho cụ biết tôi sẽ giết hổ bằng cách nào. Bây giờ bảo mọi người la lối cho nó nghe thấy tiếng, như vậy có thể dụ được nó đến đây không?
– Con quái thú nó biết chúng tôi còn nấp cao ở trên cây, nên dù có kêu gào la lối, nó cũng mặc kệ không xuất hiện đâu?
– Bây giờ không có gì làm mồi nhử, làm thế nào để dẫn dụ nó tới đây
được. Có ai can đảm dám cùng tôi đi sâu vào rừng rậm để nhử cho nó xuất
hiện được không?
– Thiệt không có ai đủ can đảm dám mạo hiểm theo thiếu hiệp làm thế bây
giờ! Lúc nãy chỉ có cô Chi Mai, vì quá thương cha mẹ anh em cô, nên cô
mới dám liều mạng như vậy…
– Tại sao cô Chi Mai về nhà trong xóm, không thấy mãnh hổ xuất hiện rình mồi?
Ông lão ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi mới trả lời :
– Tôi cũng không biết có lẽ thiếu hiệp và cô Chi Mai gặp hên. Nhưng cũng có thê nó đương lẩn khuất vòng quanh đâu đây mà thiếu hiệp và cô Chi
Mai chưa rõ…
Lý Thanh Hoa sực nhớ lúc mình múc nước ở giếng thì không thấy có dấu
chân hổ, mà lúc trở về thì lại nhìn thấy dấu chân mãnh thú để lại. Chàng lẩm bẩm nói :
– Con quái vật này tinh ma thực. Tai ta nghe được xa và rất thính, thế
mà ta không nghe động tĩnh chút gì cả! Quái vật thông hiểu đường lối,
đánh hơi lạ rất tài và di chuyển lại vô cùng lẹ. Chắc nó còn quanh quẩn
đâu đây, chưa rời bỏ nơi này, nó chỉ chờ cơ hội tốt để chụp giết ta. Ta
thử lấy máu người nồng nặc hơi tanh dụ nó xem nó có xuất hiện không?
Chàng tiến lại chỗ bếp mọi người thổi nấu xong, lấy một cái chậu sành
nhỏ rồi yêu cầu mọi người nhỏ chút đỉnh máu tươi vô đó… Mọi người vui
lòng làm theo ý muốn của chàng sau khi biết mục đích Lý Thanh Hoa dùng
huyết làm gì.
Lý Thanh Hoa cầm chậu huyết lẹ làng nhảy xuống đất không làm đổ một giọt huyết nào ra khỏi chậu, chạy xa ra một quãng trống đặt bồn máu lên một
tảng đá cao ngay đầu ngọn gió, trong khi đó tay chàng cầm sẵn thanh Siêu Điện Tử Quang.
Chàng chú tâm núp chờ ác thú hiện hình. Chàng tập trung thần trí, vận
dụng quang năng để đối phó mọi sự bất trắc. Quả nhiên không ngoài sự dự
đoán, thoạt tiên chàng ngửi thấy một mùi hôi tanh nồng nặc, kế nghe thấy một vài tiếng động cỏ khô sột soạt. Nhưng mắt vẫn chưa thu được hình
con hổ trắng khôn ngoan.
Có lẽ nó cũng đánh hơi thấy mùi máu thơm ngon khơi động sự thèm thuồng
được ăn thịt người là món ăn ưa thích nhất của nó. Nhưng linh tính vẫn
khiến nó phải đề phòng không khinh suất. Nó đã ngửi thấy mùi máu, nhưng
chưa trông thấy con mồi phát sinh ra mùi máu đó.
Ta nên biết rằng: Thể chất và máu huyết của Lý Thanh Hoa sau ba năm tu
luyện ở khu vực tinh cầu đã biến đổi, không còn giống máu huyết của
người thường. Loài vật ở trong rừng có tài đánh hơi rất bén nhạy cho nên Bạch Hổ phân biệt được sự khác biệt đó nên Lý Thanh Hoa ngồi chờ mãi
không thấy con cọp lộ hình. Nó ẩn náu trong lau lách hoặc lượn vòng
quanh thì chàng tức mình lắm!
Chàng chỉ sợ cọp bỏ đi, mình sẽ mất công tìm kiếm, khó lòng diệt trừ
được nó. Chàng không biết lấy vật chi làm mồi nhử giống linh vật quá ư
khôn ngoan.
Giữa lúc chàng không biết phải giải quyết ra sao thì bỗng có tiếng người kêu thất thanh! Con hổ thành tinh giả dạng tiếng người la chăng? Hay
chính là tiếng người thực?
Chàng quay đầu lại rất nhanh về phía phát xuất tiếng la, nhãn quang thu
nhận thấy nàng Chi Mai ở mài tận đằng xa nơi nhà sàn để gạo hốt hoảng
chạy lại phía Lý Thanh Hoa. Cô ta vừa chạy vừa nói những tiếng mà chàng
không hiểu ra. Chi Mai sau khi mang được ít khoai bắp về cho gia đình
cô. Miêu nữ còn ham tiếc mấy giỏ gạo, thấy lần trước chạy đi chạy lại
được an toàn nên liều thân chạy đi lấy gạo chuyến chót.
Trong lúc đó Lý Thanh Hoa và Bạch Hổ, đôi bên rình nhau ở đầu này thì
nàng đang leo lên nhà sàn. Bất đồ, từ trên cao cô ta nhìn xuống dưới
thấy bóng lưng cọp rằn. Nàng tưởng chàng thiếu hiệp không biết có thể
mắc nguy nên vừa chạy vừa kêu báo nguy cho chàng.
Bạch Hổ nghe tiếng la hếch mũi lên đánh hơi thấy mùi thịt người, nó liền như lò xo bật nhảy vọt ra khỏi chỗ núp, chạy lại vồ Miêu nữ.
Chi Mai thấy cọp hiện ra, cô ta trông thấy mặt mũi Bạch Hổ nhe nanh há
miệng, cô ta kinh sợ quá thét rú lên… lảo đảo thân hình rồi ngã lăn ra bất tỉnh.
Lý Thanh Hoa tung người như pháo thăng thiên, sà xuống chặn đầu cọp và vung kiếm toan chém thì Bạch Hổ đã dừng lại.
Thực ra là một con hổ lớn khủng khiếp dị thường. Thân hình to lớn không
kém con voi rừng. Chắc nó đã sống nhiều năm, ăn thịt nhiều người nên
toàn thân mọc lông trắng toát, những vằn đen đã biến sang màu xám trắng. Một chân trái phía trước bị thụt, đuôi dài to lớn, vung vẩy như con
trăn dài. Bạch Hổ dương hai mắt sáng như điện nhìn chăm chăm vào Lý
Thanh Hoa như muốn hớp hồn chàng. Lý Thanh Hoa cũng phóng tia mắt, quyết dùng áp lực nhãn quang để trấn áp mãnh hổ.
Người và thú “thôi miên” nhau chằm chặp không chớp mắt. Bạch Hổ không
chịu nổi tia điện của hai mắt Lý Thanh Hoa, gầm như thở mạnh, phát ra
những tiếng hằn học. Nó bỗng nheo mắt, thân hình chùn lại phía sau, đuôi vung vẩy và đập xuống đất làm bụi bắn tứ tung. Nó gầm to một tiếng như
sét đánh rồi nhảy chồm lên, vồ chụp lấy Lý Thanh Hoa.
Cuồng phong ào ào nổi dậy. Chàng thiếu hiệp chỉ chờ có vậy, tay chàng
phất động, chém ngang một nhát kiếm. Thanh Siêu Điện Tử Quang chói lòa.
Một làn sáng xanh bay ra như chớp giật. Toàn thân Bạch Hổ văng xa cả
trăm bước, cái đầu, cả cái miệng rộng toác há đỏ lòm, nanh dài lởm chởm, đã lìa khỏi cổ rớt xa đến hàng chục trượng.
Xác mãnh hổ té lăn rớt xuống đất nghe bịch một tiếng làm rung chuyển cả
mặt đất. Lưỡi kiếm trong tay Lý Thanh Hoa không vấy một giọt máu. Chàng
thu hồi chân lực, tức thời làm thanh quang mờ dần và tắt phụt đi, trở
lại nguyên hình cục sắc rỉ tầm thường, không có gì quý báu cả. Chàng cài kiếm sau lưng rồi chạy ngay lại chỗ Miêu nữ đang nằm chết giấc.
Lý Thanh Hoa bế xốc Chi Mai lại gần giếng nước vỗ nước vào mặt làm cho
cô ta hồi tỉnh. Một lát sau cô gái Miêu dần dần mở mắt, nàng nhìn lên
thấy Lý Thanh Hoa còn sống, chợt nhớ ra mọi sự. Cô liền đứng dậy, nhìn
chàng thiếu hiệp ngơ ngác, không biết mình tỉnh hay mơ… Chừng tới khi
chàng nắm tay cô ta, dắt lại gần xác cọp chỉ cho xem nó đã bị mất đầu… Hai người lại tìm thấy cái đầu hổ bị đứt rời to như cái cối đá lớn mắt
hãy còn mở trợn trừng, mồm ngoạc rộng lưỡi lè ra trông rất kinh sợ.
Nhìn con ác thú đã chết, tuy lòng nàng căm thù quái vật tới mức tuyệt
độ, song cô gái vẫn không dám mon men lại gần, nàng đứng xa nhìn con cọp chết, hai tay xỉa xói, miệng chửi rủa bằng tiếng Miêu, nói một tràng
dài líu lo những gì Lý Thanh Hoa không hiểu.
Bất giác Chi Mai nhảy lên reo hò, vỗ tay như đứa trẻ con vui sướng. Cô
ta chạy về phía gốc cây cổ thụ, có ý như báo tin mừng đã giết được ác
thú cho những người trên cây biết. Những Miêu nhân trên cây nghe tiếng
Chi Mai la lối, cũng đồng thanh hò reo ầm ĩ! Ngươi nọ giúp người kia leo xuống gốc cây, ùa ra đến nơi con ác thú nằm chết.
Họ vây quanh Lý Thanh Hoa, quỳ xuống lạy như tế sao, coi chàng như thiên thần trời sai xuống cứu nạn vậy, Lý Thanh Hoa nói ông già và Chi Mai
đứng dậy, xua tay ra hiệu bảo mọi người đừng lạy như thế nữa.
Chàng nói với ông già rằng :
– Không nên! Không nên làm vậy! Tôi chỉ làm bổn phận của tôi. Lão trượng bảo các người mau trở về làng. Thu dọn lại nhà đón thân thuộc cho họ đỡ lo âu, khổ ải.
Ông cụ già quay lưng lại nói với những Miêu nhân khác, chưa dứt lời thì
kẻ đã chạy về nhà, kẻ tìm trống đánh, người thổi tù và báo hiệu kéo nhau đi tìm những người sống sót khác. Lý Thanh Hoa giúp họ mang những vật
còn lại trên cây xuống đất rồi cùng ông già và Chi Mai đi vào nhà làng
nghỉ ngơi nói chuyện, chia sẻ sự vui mừng giết được ác thú.
Chi Mai chạy đi lấy nước, tìm trà nước mời khách uống. Lý Thanh Hoa đặt
lẵng thuốc và túi da vào một góc nhà sàn. Chàng ngồi xuống cùng lão Miêu nhân đàm đạo, lão Miêu nhân cho biết tên là Lục A Quý. Miêu động Thùy
Sơn có tới nhiều trăm nhân khẩu hợp thành một bản lớn nhất của giống
người Miêu tại vùng sơn cước này. Họ chia nhau ở rải rác trong khoảng
chu vi hai chục dặm. Tất cả đều làm nghề săn bắn. Họ rất ít giao thiệp
với Trung Nguyên.
Trong đám trai tráng có hơn trăm tay liệp hộ rất giỏi võ công, bắn cung
tên rất trúng đích. Ba năm trước đây, lão Miêu nhân có bẫy được một con
hổ già làm nó gãy một chân. Nhưng vì người trong bản sơ ý nên để hổ
thoát khỏi bẫy.
Con Bạch Hổ mà Lý Thanh Hoa giết được ngày hôm ấy có lẽ là con hổ già
ấy. Giống hổ cũng biết thâm thù như người nên nó trở về để báo oán.
Lý Thanh Hoa hỏi :
– Con hổ trước có lớn bằng con hổ này không?
– Làm nghề săn bắn, dân Miêu chúng tôi coi cọp như chó dữ, bẫy và giết
mỗi năm trên ngàn con. Con hổ bạch trước hình thù cũng bình thường. Chưa có bao giờ tôi được thấy giống cọp to lớn thế này?
– Không thể đâm chém hay bắn trúng nó sao?
Lục A Quý lắc đầu :
– Thiếu hiệp không thấy bộ da, lông của Bạch Hổ nó dày ghê gớm à? Không
một binh khí nào đâm lủng da nó. Đặc biệt là hai mắt nó nhìn ai thì
người ấy như bị thu mất hồn vía, chết khiếp nên bọn thợ săn chẳng ai xâm phạm được nó cả. Không rõ thiếu hiệp dùng phép thần thông gì mà chém
đứt đầu nó như thế?
Nói đến đây, Chi Mai đã bước vào đặt hai chén trà nóng bốc hương thơm,
lễ phép mời hai người uống. Lý Thanh Hoa cầm chung trà đưa lên miệng
uống một hơi khoái trá.
– Giết xong hổ, dân trong bản định làm gì?
– Chúng tôi sẽ lột da gân phơi khô còn xương nấu cao và thịt để ăn. Con
Bạch Hổ này to lớn quá. Chắc đã ăn thịt nhiều người, đã uống nhiều máu
huyết trở thành Thần Hổ.
– Tôi nghe thầy nói rằng: “Người Miêu nấu cao hổ cốt tốt lắm, biết pha chế nhiều loại thuốc độc kỳ lạ”, có đúng không?
– Lấy xương hổ trắng nấu cao thì quý lắm. Cao Bạch Hổ uống vào bổ dưỡng
làm xương cốt cứng rắn như đồng. Ăn được cao đó khỏe mạnh sống lâu và
luyện võ rất chóng giỏi.
Lý Thanh Hoa nói;
– Thôi đúng rồi. Bạch Hổ chỉ rình bắt những người trong động này. Nó vừa báo thù, vừa là để thu hút tinh huyết những người có võ công để thêm
thần lực.
– Không những thêm thần lực mà lại còn tăng thêm công lực nữa.
Lý Thanh Hoa hỏi :
– Thế bao giờ cụ mới định lột da và lấy xương nấu cao?
Lục A Quý đáp :
– Theo lệ người Miêu chúng tôi, ai giết hay bẫy được, người đó có quyền định đoạt.
Lý Thanh Hoa thành thực trả lời :
– Tôi xin tặng lại cho lão trượng con ác thú. Lão cứ toàn quyền. Cho tôi được cáo biệt đi Giang Nam vì tôi còn nhiều việc cần phải làm nơi đó.
Nói rồi chàng đứng dậy, xách giỏ thuốc và túi da để lên đường.
Lão Lục và Chi Mai luống cuống kéo tay khẩn khoản van nài chàng ở lại để dân trong xóm được tạ ơn chút ít. Các người Miêu khác hay chuyện kéo
đến, họ nhất định không muốn để chàng đi ngay. Họ nhao nhao lôi kéo giữ
khách.
Lý Thanh Hoa thấy họ chân thành lôi chàng ở lại nên cũng không nỡ làm
mất lòng họ. Nhất là đối với Chi Mai, cô Miêu nữ giương to đôi mắt đen
lay láy nhìn chàng tỏ ý khẩn nài, song miệng không nói được tiếng nào
của người Trung Nguyên, chỉ lấy tay khua lên ra hiệu.
Đến chiều trong làng tổ chức cuộc vui. Một số người bị thất lạc lục tục
tìm về theo tiếng trống vang âm. Đám đông còn sống sót nhiều tới năm sáu chục người, phần nhiều là đàn bà trẻ nít. Họ thu lượm hài cốt của những kẻ xấu số bị Bạch Hổ ăn thịt đem chôn cất tử tế. Họ phân chia nhau công việc, người đi hái rau, kiếm trái, kẻ đi múc nước nấu cơm. Những người
còn sức khỏe mạnh thì đi lột da cọp và gom xương để nấu cao. Lão Lục lấy kềm nhổ râu cọp đưa cho Lý Thanh Hoa coi và nói rằng :
– Thiếu hiệp xem đây này! Không nói chi bộ da lông dày mà những sợi lông này đao chém cũng không đứt, cứng như kim thép, có thể xuyên qua mọi áo giáp. Dân Miêu chúng tôi chuyên gom góp râu này ngâm trong nước sinh ra một giống trùng độc. Loại trùng này đỏ như huyết lớn dần lên. Nếu đem
trùng đó cho người nào ăn hay bôi vào mũi tên bắn trầy da thịt thì người đó tất phải chết không cách nào cứu chữa nổi. Nhưng nếu ăn cao hổ cốt
do chúng tôi nấu thì sẽ giải được độc. Râu Bạch Hổ còn nguy hiểm hơn các loại phi tiêu, ám khí, đây là vũ khí của các tay đại đạo giang hồ
thường sử dụng. Râu này đâm vào bắp thịt, gặp máu thì sẽ khiến cho nạn
nhân đau buốt, liệt bại thần kinh nhanh chóng như bị nọc rắn cắn.
Lý Thanh Hoa nhìn kỹ những cọng râu để trên chiếc lá, thấy nó trắng như
bạc, óng ánh như thủy tinh, thì tin lời lão Lục nói là thật, thu lượm
lấy gói râu cọp cất đi.
Lão Lục vỗ tay ra hiệu thì có một người Miêu khiêng bộ da cọp đã lột được, mang vào trải thẳng trên mặt sàn. Lão Lục nói :
– Tấm da hổ này là một vật rất quý giá. Những tay cao thủ võ lâm ao ước
có được nó để làm áo mặc. Cuốn nó vào người sẽ chống được phong hàn tỵ
hỏa, không sợ đao kiếm, mà lại còn tăng thêm khí lực trong người. Vật
này của thiếu hiệp, xin thiếu hiệp giữ lấy.
Lý Thanh Hoa xua tay ra dấu không nhận trả lời :
– Cô Chi Mai là người can đảm. Tôi xin tặng lại cho cô. Còn các râu cọp
này tôi thấy có ích cho những người giỏi về môn ám khí, cô Chi Mai cất
giữ để phòng thân.
Lão Lục và mọi người đều lấy làm ngạc nhiên vì thấy Lý Thanh Hoa chẳng
muốn nhận vật chi cả. Trước đây họ nghĩ rằng một người tài giỏi võ nghệ
siêu thần nhập thánh như Lý Thanh Hoa tìm giết được Bạch Hổ thì phải
chiếm lấy một vật gì quý báu. Không ngờ chàng chỉ vì lòng hào hiệp mà
giúp đỡ mọi người. Dù được nghe giảng giải vật này là quý, vật kia là
lạ, chàng cũng không chiếm lấy một thứ nào hết.
Đêm hôm ấy họ đốt đèn đuốc sáng rực. Viên tù trưởng Miêu trước đây đã bị Bạch Hổ ăn thịt, bây giờ họ thấy Lý Thanh Hoa giao cho Chi Mai giữ bộ
da Bạch Hổ thì họ tôn Chi Mai làm chủ bộ lạc.
Chi Mai trang sức đẹp đẽ ngồi trên ghế lớn có phủ da cọp vằn lông trắng. Một nhóm người lo chăm lửa nấu xương thành cao. Một nhóm người nấu thịt hổ với thịt rắn gồm có ba loại: rắn bắt chim, rắn hổ mang hoa và rắn
khoanh đen khoanh vàng.
Những con rắn này họ đã chặt đầu chặt đuôi, lột da lấy mật và bỏ ruột.
Tất cả đem bỏ vô nồi lớn, cho thêm gia vị hái được trong rừng. Họ gọi
món này là Long Hổ Hội rất bổ dưỡng. Ăn vào phục hồi sinh lực nhanh
chóng.
Sau những ngày mệt nhọc đói khát cực khổ, dân làng có đủ mật rắn mật hổ
được pha với rượu ngon để uống. Đoàn người quây quần bên đống lửa, già
trẻ ăn uống om sòm. Cuộc vui kéo dài như vậy luôn trong ba đêm. Người
nào người nấy trở nên khỏe mạnh như thường. Lý Thanh Hoa bắt buộc ở lại
ăn uống với họ. Chàng nhận thấy món Long Hổ Hội ăn rất ngon miệng, không một sơn hào hải vị nào sánh kịp. Nếm cao Bạch Hổ màu trắng cũng là loại một loại thuốc bổ chân nguyên. Chàng nhận lấy vài lạng cao để Chi Mai
được vui lòng.
Trong ba ngày ở lại, chàng dạy Chi Mai một vài thế kiếm và cách phóng
Bạch Hổ Tu Châm nhiều cách phóng rất thần tình nàng chưa hề được biết.
Sau ngày thứ tư, chàng thấy các người trong bản hồng hào khỏe mạnh thì
chàng quyết đòi chia tay để đi Hoài An phủ tìm cha mẹ nuôi.
Mọi người tiễn đưa có vẻ quyến luyến tiếc rẻ. Chi Mai lấy một vòng đồng
Miêu nhân có chạm trổ đeo vào cổ tay Lý Thanh Hoa để làm kỷ niệm. Chàng
hứa sau một năm sẽ trở lại thăm Miêu động Thùy Sơn.
Nàng Chi Mai buồn bã ngẩn ngơ nhìn theo bóng người tráng sĩ khuất sau
rặng cây, hạt lệ đọng trên hàng mi dài đen láy… tâm hồn nàng đã quyện
theo với chàng đi đến cùng trời tận đất vì chàng không ngờ đã mang theo
với chàng mối tình đầu chung thủy của người sơn nữ.