Không biết cách đó bao lâu. Vu Anh giã hết hơi rượu dần dần tỉnh dậy.
Chàng ngơ ngẩn nhìn khắp quanh mình, rồi bỗng ngạc nhiên nói lẩm bẩm lên rằng:
– Quái lạ ! Rõ ràng ta say nằm ngủ trong động Lưu Xuân, mà sao bây giờ lại thấy biến ra là Duyên Thu các, là nơi mà ta gặp Lục Bất hòa thượng khi xưa.
Nói tới đó, chàng liền đứng dậy đi ra phía ngoài cửa gác để
nhìn thì thấy bấy giờ giữa lúc đêm khuya canh vắng, một vầng trăng trong vắt soi xuyên vào đám cây rừng, tỏa ra những bóng mập mờ đen trắng, rõ
ra một cảnh đêm thu. Lắng tai nghe bốn xung quanh thì thấy tiếng trùng
eo ốc, xen lẫn tiếng gió rì rào, khua đập những lá trên cây rơi rụng
xuống rừng thực là buồn tẻ.
Vu Anh đứng vơ vẩn một lúc, rồi lại cúi nhìn xuống mình thì
bất giác lại càng kinh lạ: Bao nhiêu quần áo mặc lúc uống rượu đã biến
đi đâu, mà thấy mình đã đổi ra hình dạng một người đạo sĩ, trên khoác
cái áo bào dài xanh xanh, chân đi đôi giày vải vàng cổ trắng, mà trên
vai lại đeo một thanh bảo kiếm dài. Chàng thấy vậy, nhân nghĩ khẩm nẩm
một mình, trong 8, 9 năm trời ở động Lưu Xuân, tình nghĩa thầy trò biết
bao mật thiết Phen này bước chân ra đi, chắc là sư phụ đã tính sẵn, cho
may cho xống áo mũ giày cẩn thận, và lại trao trả cho thanh bảo kiếm để
giữ phòng thân. Như thế thực là sư phụ hết lòng chu đáo cho mình, ân
nghĩa ấy mình tất phải có phen làm sao báo đáp? Chàng nghĩ tới đó lại
càng cảm tạ công đức Lưu Tam Nương cùng Lục Bất hòa thượng không biết để đâu cho hết.
Đoạn rồi chàng lại nghĩ đến con đường tiến thoái của mình:
– Từ đây sang đất Kim Lăng, tuy đã lâu năm, không thường lui tới song cũng chẳng xa xăm là mấy, ngày mai ra đi, chỉ trong năm sáu buổi là phải tới nơi, vậy cái ngày báo thù cũng chẳng bao lâu, bấy giờ ta sẽ như lòng sở nguyện.
Vu Anh đương hồ đồ vừa nói vừa nghĩ một mình thì chợt nghe
thấy ở phía trong có người lên tiếng sẽ gọi hai chữ “Vu Anh” . Vu Anh
nghe thấy, rợn hẳn tóc gáy, rút phăng thanh kiếm ra tay, quát to lên
rằng:
– Vu mỗ đây, nào giống ma quỷ nào dám đến đây tìm chết hay sao?
Chàng vừa nói dứt lời thì chợt quay vào nhìn thấy phía trong
gặm bàn có một người chui ra, đứng phắt lên đi thẳng đến chỗ Vu Anh. Vu
Anh đứng né ra một bên, giơ thanh kiếm lên giữ thế rồi nhìn kỹ người kia thì hóa ra chính là đại sư huynh Tiêu Minh Phượng.
Chàng ta nửa sợ nửa mừng bái vội lên rằng:
– Làm sao sư huynh cũng tới chỗ này?
Minh Phượng mủm mỉm cười mà đáp:
Tôi theo sư phụ đến đây, chứ còn làm sao nữa.
– Vậy hiện giờ sư phụ ở đâu?
Sư phụ về rồi. Sau khi Vu ca say rượu nằm vật ra đó, sư phụ
liền thay áo xống cho đại ca rồi cõng đại ca đi ra khỏi động Lưu Xuân…
Vu Anh nghe tới đó vội hỏi:
– Vậy làm sao sư huynh cũng ra được đó.
Minh Phượng so vai mỉm cười mà rằng:
– Tôi làm thế mới thần tình. Lúc ấy tôi đứng quanh quẩn đấy
thấy sư phụ cõng đại ca lên, tôi bèn bám ngay vào lưng đại ca mà sư phụ
không biết. Đoạn rồi ra đến giữa sân, sư phụ nhảy một cái lừng lững lên
lưng chừng trời, làm cho tôi sợ hãi vô cùng, vội vàng nhắm hai mắt lại,
không dám mở nhìn ra nữa.
Bấy giờ chỉ nghe thấy vù vù gió cuốn bên tai, tôi đành phải
níu chặt lấy lưng đại ca, để chờ xem đi tới nơi nào thì một lúc lâu lâu
chợt thấy chìm chìm mãi xuống, rồi thấy hai chân đã chạm xuống đất. Tôi
buông tay mở bừng mắt ra thì sư phụ lại cõng đại ca lên thẳng gác này.
Tôi liền nấp vào một chỗ, đợi cho sư phụ trở xuống đi rồi, tôi mới trèo
lên trên gác… Khi lên tới gác, thấy đại ca vẫn còn ngủ mệt, tôi lại
chui vào gầm bàn nằm đó đợi mãi cho đến bây giờ thì đại ca mới tỉnh…
Vu Anh nghe tới đó, giậm chân xuống sàn gác, ra dáng tiu nghỉu mà rằng:
– Sư huynh làm thế thì sao cho tiện! Lục Bất đại sư đã dặn sư
phụ đừng cho sư huynh đi vội, vậy sao sư huynh lại trái lời thầy mà trốn đi như thế!
Minh Phượng cười ha hả đáp rằng:
– Lão ca như vậy thì thực là một người thiệt thà quá đáng! Lão ca nên biết, sư phụ đối với bọn mình, có lắm điều rất là không được
công bằng. Có điều…
Vu Anh nghe tới đó, biết ngay Minh Phượng có tính kiêu bạc, dám trách cả thầy, chàng liền nói vờ ngay ra chuyện khác và hỏi:
– Vậy bây giờ sư huynh ý định đi đâu?
Minh Phượng ngơ ngẩn đáp rằng:
– Tôi chỉ vì không biết đường lối cho nên mới phải theo dõi lão ca. Vậy đây là chỗ nào, lão ca có hiểu hay không?
Vu Anh đáp:
– Đây tức là núi Thiên Bình, thuộc về Ngô quận. Chỗ này cách với thành Cô Tô cũng không xa là mấy.
Minh Phượng mừng hẳn lên mà rằng:
– Hóa ra ở đây gần đất Cô Tô, chính tôi nghe tiếng chỗ đó đã
lâu mà chưa được tới. Vậy ngày mai muốn phiền Vu ca đưa tôi đi chơi một
phen có được hay không?
Vu Anh cười cười gật đầu mà rằng:
– Tôi đây cũng phải đi qua Cô Tô, rồi mới thuận đường sang đất Kim Lăng, duy có một điều là tôi không ở lâu đó mà thôi.
Minh Phượng lại nói:
– Nhưng mà rồi tôi cũng còn đi sang Bắc Kinh, có lẽ cũng là một lối qua đất Kim Lăng thì phải.
– Chính phải đó, đi sang Bắc Kinh tất phải qua lối Kim Lăng, rất là ổn tiện.
– Nếu vậy khi đến Cô Tô thì xin đại ca hãy lưu lại đó vài hôm, rồi sẽ cùng đi một thể.
Vu Anh nghe nói không tiện chối ngay, cũng phải nhận lời cho
xong chuyện. Đoạn rồi hai người quét sạch sàn gác, nằm ngủ với nhau, chờ cho đến sáng.
Sáng ngày hôm sau, hai người dậy sớm, Vu Anh dắt Minh Phượng
đi chơi quanh đó, dạo xem phong cảnh Thiên Bình một lúc rồi mới xuống
núi, cùng nhau thuận đường về đất Cô Tô.
Cách ba hôm sau, đã tới thành Kim Lăng trong đất Cô Tô, hai
người liền đưa nhau vào hàng trọ, tìm nơi ăn uống tử tế, rồi mới cùng
nhau dạo xem phong cảnh trong thành. Minh Phượng mới bắt đầu lần thứ
nhất được tiếp xúc với cảnh phồn hoa thì trong bụng lấy làm say mê quyến luyến ở luôn ba bốn ngày trời, không muốn bước đi đâu nữa.
Vu Anh thấy vậy, phải hết sức khuyên bảo, mãi sau Minh Phượng
mới nể lời ưng thuận, xin phép nghỉ lại nốt đêm hôm ấy rồi đến hôm sau
sẽ đi.
Hôm ấy, vào khoảng xế chiều, Tiêu Minh Phượng một mình ra đứng lửng thửng dạo quanh ngoài cửa hàng cơm, chợt đâu chàng trông sang một
ngôi hàng bán đường mứt ở ngay đối cửa, thấy có một người con gái vào
trạc 18 tuổi đương đứng một mình tha thướt trên lầu, vẻ người rất là yêu kiều tuấn tú. Minh Phượng trông thấy bất giác động lòng hâm mộ, đứng
ngây hẳn người, chăm chú nhìn người con gái bên kia chẳng hề chớp mắt.
Người con gái nguyên tên là Phương Thúy Như, là con người hàng đường ở đó, năm ấy 18 tuổi đầu, song vẫn còn kén chồng ở nhà, chưa chịu lấy ai. Hôm ấy Thúy Như đương ngồi khâu ở trong nhà, thấy trời nóng
bức, bèn mở cửa đi ra hiên gác hóng mát một mình. Không ngờ nàng vừa ra
tới nơi, chợt trông sang dưới phố đối diện bên kia, thấy ngay một chàng
trẻ tuổi đương đăm đăm ngắm sang mình. Thúy Như lấy làm thẹn thò, bèn
vội vàng quay vào phía trong, rồi đóng ập ngay cửa gác lại.
Khi Thúy Như quay vào đóng cửa, bất đồ vội vàng vô ý, có cái
xuyến vàng đeo ở trong tay bị rơi văng ra ngoài đường mà nàng không
biết. Minh Phượng đứng bên kia nhanh mắt trông thấy, bèn chạy tót ngay
sang dãy hiên nhà hàng đường, lừa lúc không có ai qua lại, nhặt ngay lấy chiếc xuyến vàng, thu vào trong bọc, rồi quay về đứng ở cửa nhà để đợi.
Trong ý Minh Phượng, đoán chắc là Thúy Như đánh rơi cái xuyến, thế nào rồi cũng biết tới, mà rồi cũng quay ra tìm xuyến, nên chàng
định đứng đó đợi ra để toan trả lại. Nhưng chẳng dè khi Thúy Như vào,
lại bận việc khâu vá, vẫn chưa biết tới cái xuyến bị rơi, nên cũng không ra tìm kiếm. Minh Phượng đứng đợi giờ lâu, không thấy ra lấy, trong
bụng nghĩ ngợi, chàng cho là không khéo cái xuyến đó chính mĩ nhân cố
làm ra thế để đưa tặng mình chứ không phải là rơi mà không biết tới.
Nhân thế chàng lại lấy làm thích chí, cất kĩ cái xuyến vào trong bọc,
rồi lại đứng ngây người, nhìn ngắm sang bên kia.
Chàng ta đứng được một lúc thì chợt đâu bên kia Phương Thúy
Như lại mở cửa gác đi ra. Thúy Như vừa mới bước ra, chợt lại trông thấy
Minh Phượng đứng ngây người nhìn ngắm vào cửa gác mình thì nàng lấy làm
buồn cười vô hạn, bất giác, mỉm cười một cái rồi quay ngoắt vào lập tức.
Tiêu Minh Phượng thấy thế, tưởng cái nụ cười của Thúy Như có ý với mình, trong bụng lại càng lấy làm vui thích, mê mê mẩn mẩn, tưởng
tượng như muốn bay ngay sang gác để gặp người tiên.
Chàng đương mơ hồ tưởng tượng thì chợt đâu thấy có người vỗ
vào vai chàng một cái. làm cho chàng giật nẩy mình lên, quay lại nhìn
thì chính là Vu Anh đứng đó.
Vu Anh cười bảo Minh Phượng rằng:
– Sư huynh đứng làm mà lẩn thẩn cả người ra thế? Tôi gọi mấy
mươi tiếng mà sư huynh không nghe thấy hay sao? Cơm rượu nó dọn xong
rồi, ta vào ăn đi chứ. Minh Phượng lúc đó, khác nào một người ngủ mê mới tỉnh, bèn gật đầu theo Vu Anh đi vào song thỉnh thoảng lại quay lại
nhìn sang phía gác bên kia. Vu Anh thấy vậy lấy làm quái lạ, không hiểu
tình ý ra sao.
Khi vào trong phòng, hai người ngồi đối ẩm với nhau, song Tiêu Minh Phượng vẫn ra dáng hoảng hoảng hốt hốt, cử chỉ có lúc như vẻ lơ
đàng mà chàng không biết, Vu Anh lại càng nghi hoặc vô cùng.
Đương khi đó, chợt nghe thấy ở gian phòng bên cạnh, cũng có
hai người đương ngồi đánh chén nói chuyện với nhau, tiếng oang oang rất
là đắc ý. Vu Anh cùng Minh Phượng lắng tay nghe thì thấy một người nói
lên rằng:
– Vào khoảng 20 năm trước đây, tôi cũng là một anh công tử đẹp trai lắm, đến nỗi các vị tiểu thư hễ trông thấy tôi là cứ mê tít ngay
đi. Lúc bấy giờ thực là hồng phấn tri âm, xua ra không hết, chỉ hận vì
mỗi một mình mình không thể chia xẻ làm năm làm bảy để chìu lòng bọn họ
được thôi. Nhưng đến ngày nay thì dưới cằm đã luốm nhuốm hàng râu, mặt
mũi đã đổi hình khác trước, lắm lúc chính mình soi gương cũng phải ghét
mình, đừng nói chi là đám chị em nhan sắc. Thế mới biết, cổ nhân đã nói
“chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái xuân đã hết còn chi là đời!”
Nói tới đó bọn hai người ấy vỗ tay cười réo cả lên. Tiêu Minh
Phượng nghe dứt câu nói, tay nâng cốc rượu uống luôn một hơi, rồi gật gù ra dáng tự đắc.
Kế đó lại nghe tiếng một người nữa nói lên rằng:
– Lão ca nói rất có lý, người ta gặp lúc trẻ trung, nếu không
chơi cho kịp thì, thời thực cũng uổng đời vô ích. Thỉnh thoảng gặp được
món nào khá giả là ta phải mau chân nhanh mắt mà ưng ngay đi, kẻo thiên
hạ họ cao cẳng hớt mất thì dẫu có tài thánh đến đâu cũng khó lòng mà
xoay lại được. Bởi thế trước đây hễ tôi nhìn thấy đám nào vừa mắt là tôi xoay ngay lập tức, không khi nào mà tôi chịu bỏ bao giờ.
Nói tới đó hai người ấy lại vỗ tay cười rộ lên lúc nữa. Đằng
này Tiêu Minh Phượng mỗi khi nghe dứt một đoạn thì lại gật gù cất chén
rượu lên uống luôn một hơi cho đến lúc bên kia nói dứt câu chuyện thì
chàng đã chếnh choáng hơi men lúc nào không biết. Vu Anh lúc đó nhìn đến thái độ của Minh Phượng, cũng đã đoán được đôi ba phần, nhân muốn đem
những câu đứng đắn để khuyên giải cho chàng tỉnh ngộ.
Ngờ đâu Vu Anh chưa kịp cất miệng nói thì Minh Phượng đã úp cốc rượu xuống rồi bảo Vu Anh rằng:
– Sáng mai chúng ta còn phải lên đường, vậy nay nên uống chút rượu rồi còn ăn cơm và đi nghỉ sớm là hơn.
Vu Anh nghe nói, cho là Minh Phượng có ý đứng đắn, thế mà mình lại ngờ vực cho chàng thì thực là oan uổng!
Chàng nghĩ đoạn, nhân cười bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
– Sư huynh có bụng chăm chỉ công việc như thế thì còn gì hay hơn nha! Ta xin ăn cơm rồi đi nghỉ ngay thôi.
Nói đoạn liền gọi ngay điểm tiểu nhị lấy cơm lên, hai người
cùng ăn. Khi ăn uống xong, Minh Phượng liền giục giã tiểu nhị cắt dọn đi mau, rồi lên giường ngủ ngay lập tức. Vu Anh uống nước xỉa răng xong
rồi cũng lên giường đi ngủ.
Minh Phượng lúc đó tuy trong lòng bối rối muốn đứng dậy đi
ngay, song lại e Vu Anh nhòm biết, nên phải cố chí nằm nép hẳn xuống,
giả vờ làm mặt ngủ say. Lúc đầu Vu Anh thấy Minh Phượng nằm yên không
cựa thì cũng có ý nghi ngờ là chàng vờ ngủ. Song một lúc lâu lâu, thấy
Minh Phượng thở ngáy khò khò thì lại tin cho là thực, rồi chàng cũng lìm lịm dần thiếp ngủ đi.
Minh Phượng nín đợi một lúc, thấy Vu Anh ngủ rồi, chàng bèn
rón rén ngồi dậy, giả vờ động đậy trên giường để thử Vu Anh. Khi thấy Vu Anh vẫn nằm ngây mê ngủ thì chàng lấy làm mừng rỡ vô cùng, vội vàng rón rén bước ngay xuống giường xỏ vào đôi giày gai, ăn mặc bộ quần áo chẽn
rất là gọn gàng. Đoạn rồi chàng lại giả vờ động vào giường lần nữa, cũng thấy Vu Anh vẫn ngủ như thường. Lúc đó chàng ta mới rót rén đi ra, tắt
phụt ngọn đèn đi, khẽ mở cánh cửa, bước vội ra ngoài, rồi lại khép chặc
cánh cửa phòng lại…
Khi khép cánh cửa xong, chàng lại ghé tai vào cửa nghe vào
phía trong thấy im phăng phắc, bấy giờ chàng mới phóng bộ quay ra nhảy
tót lên mái nhà chuyền ra ngoài phố. Ra ngoài mặt phố chàng ta lại nhảy
một cái sang tận dãy phố bên kia và đứng dừng lại nghe ngóng 4 bên một
lúc.
Bấy giờ phố lặng người im, đêm đã hơi khuya, xung quanh không hề có một tiếng người lai vãng.
Tiêu Minh Phượng nhìn ngắm đến trên phía lầu nhà hàng đường
lúc nãy, thấy cánh cửa lầu đóng chặt, trong lầu có ánh đen le lói soi
ra, song tiếng người đều im lặng cả.
Chàng ta nhìn kỹ địa thế, rồi bỗng trong lòng thấy hồi hộp băn khoăn, chàng liền co cẳng nhảy vót một cái, khác nào con chim bay vót,
rồi xà ngay xuống, nép ở góc lầu nghe ngóng.
Nghe ngóng một lúc thấy trong lầu đích thị không còn ai thức
chàng bèn mon men đến sát tường lầu, bám lấy chỗ đầu nèo ngoài cùng, rồi tụt ngay xuống giữa khoảng sân lầu. Khi đó chàng ta rút thanh kiếm cầm
ra tay, rón rén đi đến sát cửa sổ, hý hoái một lúc thì thấy một cánh cửa sổ bỗng mở tung ra. Nhìn vào trong lầu thì thấy gần ngay chỗ cửa sổ có
kê một cái giường màn buông kín mít, có tiếng người đương ngáy ngủ ở
trong.
Minh Phượng lúc đó trong người nóng lên hừng hực, không sao
cầm lòng được yên, chàng liền bám lấy bậu cửa sổ khẽ quăng mình một cái
đã vào ngay phía trong lầu. Khi vào tới trong, chàng vội vàng đến chỗ
cái bàn con có để cây đèn, khêu to ngọn đèn cho sáng sủa thêm lên để
nhìn.
Nhờ có ánh đèn sáng tỏ, Minh Phượng nhìn rõ vào trong màn,
thấy có hai người cùng ngủ, một người tức là Phương Thúy Như lúc nãy và
một người nữa vào trạc 23, 24 tuổi, tức là Lưu Thị là chị dâu góa của
Thúy Như, nét mặt cũng trắng trẻo dễ coi.
Tiêu Minh Phượng nhìn ngắm hai người một lúc thì cái sóng dục
vọng ở đâu bỗng lại bất giác đưa đến, khiến cho chàng ngây hẳn người ra
toan trèo lên giường ngay lập tức. Nhưng chàng nghĩ đi nghĩ lại, bọn họ
hai người, nếu lên chòng ghẹo một người, còn một người lỡ ra tỉnh dậy
thì sự thể tất nguy. Nhân vậy chàng lại do dự mà chưa dám quyết.
Rồi đó chỉ trong chốc lát, chàng ta chợt nghĩ ngay được một
kế, chàng liền khẽ mở một nửa cái chăn, dùng ngón tay trỏ vào giữa thái
dương người chị dâu Thúy Như điểm cho một huyệt, khiến cho người đó hôn
mê không tỉnh dậy được.
Đoạn rồi chàng ta quyết kế định nhảy lên giường. Bất đồ vừa
hay lúc đó Thúy Như tỉnh dậy mở mắt nhìn thấy Minh Phượng thì vẻ mặt
kinh ngạc, ngồi nhóm ngay lên, toan cất tiếng kêu hỏi. Minh Phượng nhanh trí lại giơ tay điểm luôn một cái huyệt câm, khiến Thúy Như tắc ngay
lưỡi lại, không sao nói lên được nữa.
Minh Phượng lúc đó mới tươi sẽ cười nói với Thúy Như rằng:
– Cô em ơi! Cô nên biết, tôi vì mến cái nhan sắc của cô cho
nên mới lần mò đến đây như thế! Tôi không phải là hạng người tàn bạo
hung cường, cô nên hiểu thấu tấm lòng cho tôi mới được.
Nói đoạn liền nhảy sấn lên giường ôm thẳng lấy Thúy Như toan
giở thủ đoạn đùa nghịch. Ngờ đâu chàng vừa mới ẵm được Thúy Như lên lòng thì chợt nghe thấy phía ngoài cửa có tiếng người nói lên rằng:
– Làm thế không được…
Minh Phượng nghe mấy tiếng đó khác nào như sét đánh bên tai,
choáng hẳn người lên, vội vàng bỏ vất Thúy Như xuống đó, nhảy tót một
cái từ trong giường ra hẳn đến ngoài cửa sổ. Ra tới ngoài cửa sổ chàng
vừa đặt chân đứng xuống thì đã thấy có người vỗ vào vai chàng mà khẽ nói rằng:
– Sư huynh làm thế không nên, sư huynh về ngay cho tôi nói chuyện…
Minh Phượng nghe nói biết ngay là Vu Anh, trong bụng rất lấy
làm e ngại, phải cắm mặt xuống theo Vu Anh chuyền xuống dưới phố rồi lại chuyền về trong phòng… Khi về tới phòng,
Minh Phượng chợt nhớ đến hai người con gái còn bị điểm huyệt chưa khai, bèn nói với Vu Anh xin cho sang đó để khai huyệt đã.
Vu Anh cười cười gật gật mà rằng:
– Việc đó tôi xin làm đỡ sư huynh cũng được. Sư huynh sang đó sợ lại bị sắc làm mê thì lại có điều bất tiện.
Minh Phượng đành phải vâng lời, không dám nói chi. Vu Anh liền quay đi một lúc, khai xong huyệt cho hai người kia rồi lại trở về.
Lúc đó Vu Anh thấy Tiêu Minh Phượng đã hơi biết hối, nhân cười bảo Minh Phượng rằng:
– Lúc nãy sư huynh ra đi, nếu không tắt mất ngọn đèn thì có lẽ tôi cũng không hiểu. Vì khi tôi tỉnh dậy, thấy đèn tắt mà gọi sư huynh
hai ba tiếng cũng chẳng thấy đâu nên tôi mới trở dậy đâm bổ đi tìm. Rồi
sư huynh lại khờ không khép cánh cửa ở bên lầu nhà ấy lại, cho nên tôi
mới trông thấy ánh đèn mà tìm được sư huynh ở đó… Nhưng thế cũng là
may cho sư huynh đó.
Minh Phượng nghe Vu Anh nói, lại hối hận trong lòng, cho là vì mình sơ ý, nếu không thì miếng ngon kề đến tận nơi, làm gì mà không
được hưởng !
Chàng đương nghĩ ngợi băn khoăn thì Vu Anh lại làm bộ nghiêm nghị mà rằng:
– Tôi xin sư huynh, từ sau trở đi chớ nên cử động thế nữa!
Người ta quan hệ ở lúc bắt đầu, nếu bắt đầu mà làm lỡ bước thì sau đây bại hoại suốt đời, khó lòng mà gỡ cho ra. Vậy sư huynh phải
nghe tôi mà nên cẩn thận lấy thân.
Tiêu Minh Phượng nghe những lời nghiêm nghị của Vu Anh thì
trong lòng cũng lấy làm hối hận không nghĩ gì đến chuyện kia, bèn cùng
Vu Anh lại cởi giày cởi áo lên giường ngủ thẳng một giấc.
Sáng hôm sau, Vu Anh tỉnh dậy thì Minh Phượng vẫn còn ngủ kỹ,
Vu Anh để cho ngủ đến lúc mặt trời lên cao non trượng, rồi mới đánh thức dậy. Hai anh em ăn cơm sớm xong, tính trả tiền hàng rồi cùng nhau cất
bước ra đi.
Khi ra tới cửa hàng, chợt thấy phía nhà hàng đường ở trước phố có người xúm đến đứng xem. Hai người len sang xem thì hóa ra chính là
câu chuyện Phương Thúy Như vừa mới tự tử lúc đêm. Vu Anh thấy vậy vội
kéo Minh Phượng mau mau rảo bước ra thành, không lưu luyến đứng lại.
Hồi lâu đi ra khỏi thành chừng mười dặm đường. Vu Anh mới bảo Tiêu Minh Phượng rằng:
– Đấy sư huynh coi thế có nguy hiểm hay không? Không biết đêm
qua sư huynh làm thế nào mà đến nỗi con bé ấy liều uổng mất thân như
thế?
Minh Phượng vội đem tình thực truyện tối qua thuật cho Vu Anh
nghe và thề là chưa từng xâm phạm đến chi. Vu Anh nghe nói liền nghiêm
nét mặt bảo Minh Phượng rằng:
– Sư huynh đã biết như thế thì từ nay trở đi, chớ coi những
việc ấy là thường mới được! Sư huynh nên hiểu, bọn đàn bà, những hạng
trinh tiết cũng nhiều, nếu tự nhiên vô cớ mà làm phá hoại cái đời của họ thì sau này tội ấy ai chịu cho mình! Trước đây sư huynh có từng kể
chuyện Đông Khánh Đăng và Trần Nhị Lang với tôi, đến nay tôi vẫn chưa
quên, vậy tôi mong sư huynh nên theo như lệnh thúc Tiêu Thất gia, chớ
đừng học bọn Khánh Đăng, Nhị Lang mà khốn.
Tiêu Minh Phượng thấy Vu Anh nhắc tới chú mình là Tiêu Thất
thì trong lòng lại càng hối hận hổ thẹn, chàng đứng dừng lại giậm chân
một cái, rút ngay thanh bảo kiếm, chém một nhát, đứt đôi cái cành cây ở
bên đường đi mà thề rằng:
– Xin Vu huynh làm chứng cho Tiêu mỗ, nếu sau này còn làm bậy làm càn thì xin như cái cây này…
Vu Anh thấy vậy, ra dáng vui mừng mà rằng:
– Sư huynh có chí quả quyết cải sữa như thế thì Vu mỗ này cũng được thơm lây. Từ nay Vu mỗ không còn oán hận điều chi về sư huynh nữa.
Nói đoạn hai người lại cùng nhau vui vẻ chuyện trò, trông đường về thẳng Kim Lăng.
Cách mấy hôm sau, về tới Kim Lăng, Vu Anh nhân còn sót lại
được hơn 10 lạng bạc, liền đưa cả cho Tiêu Minh Phượng và bảo Minh
Phượng rằng:
– Bây giờ sư huynh không cần đi Bắc Kinh làm gì, mà phải về
quê ngay mới được. Món tiền này tuy không còn mấy, song đây sang Trịnh
Châu, sư huynh nên đi cho gấp mà dè sẻn tiêu dùng thì cũng tạm đủ. Rồi
về tới đó sẽ hay. Những lời tôi dặn, sư huynh nên nhớ chớ quên.
Minh Phượng trân trọng vâng lời và hẹn Vu Anh sau khi xong
việc sẽ đến Trịnh Châu để gặp, Vu Anh cũng vâng lời rồi hai người bái
biệt chia tay, một người theo đường về lối Bắc Kinh và một người theo
đường về nẻo Trịnh Châu.
Một hôm, Tiêu Minh Phượng về tới Trịnh Châu thì trời vừa tối,
chàng liền tìm vào một ngôi hàng cơm để trọ. Sau khi cơm tối xong rồi.
Chàng đương ngồi thơ thẩn một mình trong phòng thì chợt thấy có người
đẩy cửa đi vào. Chàng ngẩng cổ lên nhìn thì là hai người con gái, một
người vào trạc 25, 26 và một người mới độ 18, 19, đều ăn mặc diêm dúa,
phấn sáp chỉnh tề, nhác trông có vẻ yêu kiều diễm lệ.
Nguyên hai người đó đều là những tay thương nữ đem tấm thân
trong ngọc trắng ngà đi khắp các nơi hàng cơm điếm trọ, quyến rũ những
bọn bợm bãi giang hồ để làm sinh kế. Một người lớn tuổi là người chị
dâu. người ta vẫn gọi là Ngọc Di Đà, vì chị ta vẻ người trắng trẻo,
thoạt trông da dẻ chẳng khác người ngọc chút nào. Còn người ít tuổi là
người em gái, năm đó mới có 17 tuổi đầu, song vẻ người vạm vỡ, đẫy đà
bằng người 19, 20. Cô này cũng không ai biết tên họ là gì, duy chừng là
người con thứ tư nên vẫn quen gọi là cô Tư mà thôi.
Khi hai người vào tới cửa, Minh Phượng trông thấy, vội vàng đứng dậy ra dáng lễ phép mà hỏi rằng:
– Hai cô hỏi có việc gì?
Ngọc Di Đà nghe giọng nói của Tiêu Minh Phượng, lại trông vẻ
người còn non nớt ngây thơ thì biết ngay là một anh chàng còn nai tơ.
Nàng ta liền cười mủm mỉm, đưa hai con mắt rất tình, ỏn ẻn nói với Minh
Phượng rằng:
– Thưa ngài, chúng tôi thấy ngài có một mình ở nơi đất khách này, chúng tôi muốn vào hầu ngài cho đỡ buồn.
Minh Phượng lúc đó mới biết, bèn xua tay đây đẩy mà rằng:
– Tôi không cần dùng, các cô đi ra ngay, chỗ này không lưu được
Tứ cô thấy nói, lại cười toét mồm ra đi sấn lên đến tận mặt
Tiêu Minh Phượng nắm lấy tay chàng hôn luôn một cái. Minh Phượng thấy
vậy, tức giận vô cùng liền lấy sức giật mạnh tay một cái để tháo tay Tứ
nương ra. Bất đồ Tứ nương vốn người đương yếu sẵn, nay bị chàng giật một cái quá mạnh, không sao đứng vững lại được, bị ngã sấp ngay xuống rất
mạnh, thái dương va vào một góc cái bàn, chết ngay xống xoài ra đó. Ngọc Di Đà thấy vậy liền túm lấy Tiêu Minh Phượng bù lu bù loa, kêu gào ầm
ĩ, làm cho mọi người trong hàng cơm đều đổ xô cả vào để xem, và Tiêu
Minh Phượng cũng sợ hãi cuống quít cả lên.
Lời thề vừa khắc đêm qua
Biết đâu quỉ sắc đã toan hại người
Cho hay trên một cõi đời
Không can đảm lớn, đứng ngồi nào yên.