Kết Hôn - Ly Hôn

Chương 19: End



Ngày thứ ba sau khi chuyển về nhà mới, Y Đồng mới về
nhà, mặt chẳng chút biểu cảm. Cô ta lạnh lùng nhìn sàn nhà, xem phòng bếp rồi
bĩu môi:

– Cái sàn nhà này màu nhìn quê quá, giờ ai còn dùng
cái sàn nhà màu này nữa chứ? Còn nữa, gạch men nhà bếp màu tối quá, trông chẳng
sáng sủa gì cả!

– Nhà của tôi, tôi muốn làm gì kệ tôi! – Văn Bác
nghiến răng gằn từng tiếng.

– Anh thì giỏi rồi! – Y Đồng đả kích.

Văn Bác cảm thấy vui lắm, nhớ lại trước đây, ở trong
nhà của Y Đồng, cô ta động một chút là đuổi anh “Xéo”, “Biến”, sỉ nhục anh. Giờ
anh có nhà rồi, còn gì phải sợ nữa chứ?

Nếu cả hai vợ chồng cùng hiếu thắng thì trong cuộc
sống, ai mạnh hơn về kinh tế, kẻ đó chính là kẻ mạnh. Chân lý này rất đơn giản,
ai có tiền, kẻ đó có quyền quyết định!

Văn Bác hiện giờ kiếm được nhiều tiền hơn Y Đồng,
đương nhiên anh có quyền ngẩng cao đầu, những gì trước đây anh muốn mà không
được, tức mà không dám nói, cuối cùng bây giờ anh đã có thể thản nhiên trút ra.
Hổ không ra oai lại bị cô tưởng là mèo à?

Lúc bài trí phòng, ý kiến của Y Đồng và Văn Bác cũng
không thống nhất. Văn Bác thích bài trí đồ dùng gia đình theo kiểu Trung Quốc,
trong khi Y Đồng lại thích phong cách châu Âu. Văn Bác treo một vài bức tranh
chữ của các danh nhân nổi tiếng trong phòng nhưng Y Đồng một mực phản đối, bắt
anh phải gỡ xuống, cô nói:

– Giờ đã là thời đại nào rồi mà anh còn treo những thứ
kia? Anh tưởng mình là thanh niên Ngũ Tứ[1] chắc?

[1]
Ngũ Tứ là một phong trào đấu tranh rộng lớn của sinh viên, học sinh, công nhân,
thị dân, trí thức Trung Quốc, nổ ra đúng vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 nên được
gọi là phong trào Ngũ Tứ.

Văn Bác tức tối nói:

– Cô không thích thì đừng ở, chúng ta ai ở nhà người
nấy!

– Ai ở nhà người nấy còn gọi gì là vợ chồng?

– Giờ người ta sống ly thân đầy ra đấy!

– Anh thật là vô trách nhiệm, anh tưởng kết hôn rồi
còn có thể làm bậy được à?

– Tôi mà muốn làm bậy thì cô cũng chẳng quản được, ly
hôn là cùng chứ gì!

– Tôi biết ngay là anh đã thay lòng đổi dạ mà! Trong
lòng anh giờ chẳng còn tôi nữa rồi!

– Tương lai sẽ xảy ra chuyện gì chẳng ai nói trước
được. Đây đều là do cô ép tôi mà ra, dù sao tôi cứ nói thẳng, kẻo đến lúc ấy cô
lại trách tôi vô tình!

– Anh doạ tôi đấy à? Tôi không sợ đâu, muốn ly hôn
cũng chớ có kiếm cớ trút hết mọi trách nhiệm lên đầu tôi, tôi gánh không nổi
đâu!

– Tôi chưa bao giờ làm chuyện đâm lén sau lưng người
khác, cô nghĩ xem, trách nhiệm nên thuộc về ai?

– Muốn đổ tội cho người khác thì thiếu gì cớ?

– Tôi chưa bao giờ làm những chuyện không có lương
tâm, nhưng có những kẻ cần phải kiểm điểm lại bản thân đấy!

– Anh mới là người cần kiểm điểm lại bản thân, anh nói
chuyện nên có giáo dục chút đi!

– Giờ tôi chẳng có thời gian đâu mà cãi nhau với cô,
hy vọng cô đừng ở đây làm loạn! Cô thích thì ở, không thích thì đừng đến!

– Nhà anh mua thuộc tài sản chung của hai vợ chồng,
tôi là vợ anh, đương nhiên phải thuộc về tôi một nửa, tôi có quyền quyết định!

– Tài sản chung của hai vợ chồng á? Thế thì nhà bố mẹ
cô mua cho cô có phải cũng nên thuộc về tôi một nửa không nhỉ? Tại sao trước
đây cô dám đuổi tôi ra khỏi nhà?

– Đó là nhà bố mẹ mua cho tôi, dựa vào đâu mà anh đòi
một nửa?

– Những tài sản thuộc diện được cho, tặng đều xét là
tài sản chung của hai vợ chồng, tôi có quyền thừa hưởng một nửa!

– Anh đừng có nằm mơ!

– Nếu như cô đã nói vậy, nhà tôi mua cô cũng đừng mong
được một nửa!

– Dựa vào đâu anh dám nói thế?

– Dựa vào đâu à? Trên giấy tờ nhà đứng tên bố tôi, dựa
vào điều đó đấy!

– Trên giấy tờ nhà anh đứng tên bố anh ư? Tại sao
không viết tên tôi?

– Trên giấy tờ nhà cô cũng đâu có ghi tên tôi?

– Nhà của tôi là do bố mẹ mua cho, không phải của tôi
mua!

– Bố mẹ tôi sinh tôi ra, nuôi tôi ba mươi năm trời,
ngậm đắng nuốt cay, tốn bao nhiêu tiền, tôi mua nhà cho bố mẹ tôi dưỡng lão có
gì không được? Thế là quá đáng ư?

– Tôi không cần biết, dù gì thì anh làm vậy cũng không
đúng!

– Tôi không đúng ở đâu? Từ xưa đến nay, chữ “Hiếu” đi
đầu, không có bố mẹ làm sao có tôi?

– Thế thì sau này anh cứ sống với bố mẹ anh đi!

– Tôi rất muốn sống chung với bố mẹ tôi, cô không
thích thì biến, đừng ở đây quấy rầy tôi!

– Thế thì chúng ta ly hôn đi!

– Ly hôn thì ly hôn, tôi sợ cô chắc? Tôi không còn là
tôi của trước đây đâu. Tôi ly hôn với cô rồi còn có thể tìm được một cô gái trẻ
khác, tôi thấy cô vác cái bụng to thế kia thì tìm được ai chứ? Ai cần cô nữa?

– Anh.. anh.. – Y Đồng tức nghẹn họng, mặt mày hết
xanh lại tím.

– Anh cái gì? Không ngờ chứ gì, không ngờ là mình cũng
có ngày hôm nay chứ gì? – Văn Bác cười khẩy.

– Anh đừng có ức hiếp người khác thái quá!

– Cái gì? Tôi ức hiếp người khác thái quá? Sao cô
không nghĩ trước đây cô đã ức hiếp tôi thế nào? Sau này tôi sẽ lần lượt trả lễ
cho cô, còn trả thêm lãi suất nữa đấy!

Y Đồng tức tới mức trợn mắt lên, cô biết Văn Bác giờ
đang cố tình “Sửa gáy” cô. Cô không nói nhiều, quay về nhà mẹ đẻ luôn. Về đến
nhà, Y Đồng vùi đầu vào ngủ, mẹ cô hỏi:

– Y Đồng, con sao thế?

Y Đồng chỉ nhắm mắt, không nói năng gì. Mẹ cô càng
thêm hốt hoảng.

– Y Đồng, con làm sao thế hả? Ai lại chọc giận con
rồi? Con nói chuyện đi chứ?

Y Đồng vùi đầu vào chăn, vẫn không chịu lên tiếng. Mẹ
cô hiểu được con gái đang có vấn đề, chắc chắn là cãi nhau với Văn Bác rồi. Thế
là bà liền gọi điện hỏi tội Văn Bác:

– Văn Bác, rốt cuộc mày muốn thế nào? Mày muốn làm cho
con gái tao tức chết có phải không?

Nhưng anh lại thờ ơ nói:

– Ai làm cô ta tức chứ? Tôi còn đang bận bài trí nhà
mới, làm gì có thời gian mà nói chuyện với cô ta?

– Rốt cuộc mày đã nói gì với Y Đồng rồi hả? Tại sao nó
thành ra thế này?

– Đáng đời! Tự làm tự chịu!

– Mày nói thế là có ý gì?

– Chẳng lẽ trước đây cô ta đối xử với tôi như thế mà
không nghĩ mình cũng sẽ có ngày hôm nay à?

– Mày cũng ác độc thật đấy, thích so đo thế cơ à? Giờ
đã là lúc nào rồi mà mày còn giày vò con người ta như thế hả?

– Giày vò con người ta á? Hồi đầu các người giày vò
tôi, các người có để ý đến cảm nhận của tôi không? – Văn Bác phẫn nộ nói.

– Loại người như mày quá nhỏ nhen, tao chẳng phí hơi
tranh cãi với mày làm gì!

Cái mà Văn Bác muốn chính là điều này, các người tự
lấy đá đập vào chân mình, chỉ có hai từ thôi: “Đáng đời!”

Y Đồng tức tối nằm suốt hai ngày liền, cũng chẳng buồn
ăn uống, trong lòng vô cùng rối bời, không sao nuốt được uất hận, cứ như bị sỉ
nhục gì nghiêm trọng lắm. Cô sẽ không cúi đầu, quyết không khuất phục. Thực ra,
nhiều lúc cãi nhau đều là do Y Đồng đã sai trước. Là con gái thành phố, cô luôn
cảm thấy mình tôn quý hơn Văn Bác, có xuất thân danh giá hơn anh, thế nên có
chuyện gì chồng cũng phải nghe theo lời mình. Nhưng Văn Bác nhất quyết không
như vậy: “Cô muốn tôi cúi đầu, ngoan ngoãn nghe lời cô á? Đừng có mơ! Là một
người đàn ông có chí khí, sao có thể đánh mất đi nhân cách và sự tôn nghiêm của
mình được?”

Bình thường hai người cãi nhau, rõ ràng là Y Đồng sai,
nhưng mẹ cô không cần biết sự thể thế nào, bà ta lúc nào cũng bênh vực con gái
mình, bắt Văn Bác phải xin lỗi. Văn Bác quyết tâm không xin lỗi, bản thân anh
đâu có sai, sao phải nhận lỗi?

Y Đồng ở nhà mẹ suốt một tuần liền, Văn Bác không thèm
gọi cho cô lấy một cuộc. Chẳng phải cô muốn về nhà mẹ đẻ sao? Thế thì cứ ở đấy
đi, muốn ở đến lúc nào thì ở, tôi chẳng quan tâm! Hôn nhân đã đi đến nước này
rồi thật chẳng còn gì để nói nữa. Ly hôn cũng chỉ là chuyện sớm hay muộn mà
tôi.

Văn Bác bài trí căn nhà theo ý của mình, anh không bao
giờ còn phải lo lắng bị Y Đồng đuổi ra khỏi nhà nữa. Văn Bác gọi điện cho Y
Đồng, bảo cô về lo thủ tục ly dị. Y Đồng không muốn ly dị, ly dị lúc này chẳng
phải sẽ làm trò cười cho thiên hạ sao?

Y Đồng không chịu ly hôn, Văn Bác quyết định sống ly
thân: tôi sẽ ung dung chờ đợi, cái tôi có chính là thời gian, cô có đua được
không? Theo lý mà nói, vợ chồng với nhau không nên làm vậy, nhưng Văn Bác thật
sự quá căm hận Y Đồng. Anh nghĩ, tôi vốn là người có lương tâm, nhưng chính cô
đã dồn tôi vào bước đường cùng này, tôi càng nhẫn nhịn thì cô càng lấn tới,
được đằng chân lân đằng đầu, tôi càng nhân từ với cô thì cô càng hung dữ, tôi
cười với cô, cô lại cầm dao đâm tôi, tôi còn biết làm thế nào nữa?

Chớp mắt đã qua hai tuần, Văn Bác cũng chẳng buồn gọi
điện cho Y Đồng, anh gần như đã quên mất sự tồn tại của cô. Sang tuần thứ ba,
Văn Bác đang làm việc thì nhận được tin nhắn của Y Đồng, báo cho anh biết mẹ cô
nhập viện. Văn Bác thầm nghĩ, mẹ cô nhập viện liên quan quái gì đến tôi? Anh
không nhắn tin lại mà xoá luôn cái tin đó đi.

Y Đồng thấy Văn Bác không nhắn tin lại, nghĩ rằng anh
không nhận được liền nhắn thêm một tin nữa. Lần này Văn Bác chẳng buồn đọc mà
xoá luôn đi. Một lúc lâu sau, Y Đồng không nhịn nổi nữa liền gọi điện chất vấn
Văn Bác:

– Tại sao anh không trả lời tin nhắn của tôi?

Văn Bác cười khẩy:

– Chuyện nhà cô liên quan quái gì đến tôi?

– Anh nói thế có ý gì?

– Ý gì? Chuyện nhà cô cô tự lo, đừng tìm tôi!

– Anh là con rể, không tìm anh thì tìm ai?

– Con rể á? Cô là con dâu, bố mẹ tôi bị bệnh, cô đã
làm gì hả? – Mối thù trong lòng Văn Bác lại bùng lên như ngọn lửa, anh thẳng
tay cúp điện thoại.

Nhớ lại lúc đó, bố anh ốm phải nằm viện, không có
tiền, anh mang hai nghìn tệ tiền lương của mình về nhà cho bố chữa trị mà Y
Đồng còn không cho, còn lục soát người anh. Cuối cùng vẫn là Lương Tuyết cho
anh vay tiền, lúc ấy anh mới có thể đưa bố đến bệnh viện. Một nỗi nhục lớn như
vậy, Văn Bác làm sao có thể quên được? Giờ mẹ Y Đồng nhập viện lại muốn anh vào
giúp đỡ chăm sóc, Văn Bác chắc chắn không đi, tại sao anh phải đi chứ?

Y Đồng thấy Văn Bác không chịu vào viện thăm nom mẹ
mình thì tức sôi máu. Mẹ Y Đồng bị thoát vị đĩa đệm. Trước đây thường bị đau
đớn đến không chịu nổi, đêm nào cũng ngủ không ngon, giờ phải nhập viện rồi.
Ngày thứ ba sau khi nhập viện, mẹ Y Đồng sẽ phải làm phẫu thuật. Y Đồng đang
mang thai chả giúp được gì, bố cô lại đi làm ăn xa, chưa về ngay được. Lần này
thì mẹ cô lo lắng lắm.

Ngày thứ hai, Y Đồng về nhà, mặt mày sát khí đằng
đằng. Cô còn chưa vào đến phòng, Văn Bác đã ngửi thấy mùi “Thuốc súng” nồng
nặc. Anh nằm trên ghế xem ti vi, là một tiết mục hài rất buồn cười. Y Đồng thấy
chồng ung dung nằm trên ghế xem ti vi thì tức lắm, giật lấy cái điều khiển ti
vi ném ra xa.

Văn Bác nói:

– Cô làm cái gì vậy?

Y Đồng mặt đỏ phừng phừng vì tức, cô vào phòng ngủ,
hất tung đồ đạc ở trên giường xuống đất rồi lấy chân ra sức giẫm, vừa giẫm vừa
chửi:

– Mẹ kiếp, xem những thứ vớ vẩn này mà không thấy nhàm
chán à?

– Cô ăn nói cho sạch sẽ một chút! – Văn Bác tức giận
quát.

– Sao? Anh muốn đánh tôi hả? Có gan thì đánh đi!

– Tốt nhất cô hãy tôn trọng tôi một chút, đừng có thân
lừa ưa nặng!

– Anh nhắc lại xem nào! – Y Đồng hùng hổ lao đến trước
mặt Văn Bác, trợn mắt nhìn anh.

Văn Bác nhìn Y Đồng, cơn giận bốc lên cao, anh thực sự
không thể nhịn được nữa. Anh túm lấy cổ áo Y Đồng, gào lên:

– Cô đừng tưởng cô có bầu mà tôi không dám đánh cô
nhé!

Y Đồng nói:

– Mẹ kiếp, hôm nay anh không đánh được tôi, anh không
phải đàn ông!

Văn Bác điên lên, vung tay giáng cho Y Đồng một bạt
tai. Y Đồng như một con sư tử bị thương, gào lên uất ức rồi lao vào đánh nhau
với Văn Bác. Nhưng cô nào có phải đối thủ của anh. Văn Bác lại giơ tay lên, cho
cô thêm một cái bạt tai nữa. Y Đồng bị đánh ngã ngồi xuống đất. Văn Bác tức tối
bỏ ra ngoài.

Y Đồng ôm cái mặt sưng vều của mình, ngồi bệt dưới đất
mà khóc lóc thảm thiết, vừa khóc vừa chửi. Trước đây, Văn Bác là một người đàn
ông tốt, thế nhưng Văn Bác lương thiện ấy đã bị huỷ hoại dưới tay của Y Đồng.
Anh muốn chọc cho người đàn bà này tức chết. Chẳng phải cô không chịu ly hôn ư?
Không ly hôn thì tôi sẽ giày vò cô đến chết! Khi hôn nhân chỉ còn là sự giày vò
lẫn nhau, không cần phải nghĩ cũng biết rằng đó là một cuộc sống như dưới địa
ngục.

Văn Bác muốn dùng hơi men để làm mình tê dại. Anh tìm
đến một nhà hàng, uống cho say mèm rồi mới lảo đảo đi về nhà. Y Đồng vẫn đang
ngồi khóc ở trên giường, trên sàn nhà toàn là mảnh vụn của quần áo với ảnh
chụp. Văn Bác trợn đôi mắt đỏ vằn tía máu lên, phả ra toàn mùi rượu:

– Giờ thì cô hài lòng rồi chứ hả?

Y Đồng đã xé nát những bức ảnh chụp chung giữa cô với
Văn Bác, khiến cho trái tim anh hoàn toàn tan nát. Văn Bác nhất thời mất đi lý
trí, hùng hổ lao đến túm lấy cổ áo Y Đồng, giáng cho cô hai cái bạt tai nữa.
Nói rồi, anh chỉ vào mặt Y Đồng mà quát:

– Cô cút đi cho tôi!

Y Đồng cứ ngây ra để mặc cho Văn Bác thoải mái gào
thét. Cô không phản kháng, cũng chẳng chửi bới, vì cô biết mình không đánh lại
được anh, nếu phản kháng sẽ chỉ chuốc thêm hoạ vào thân. Giờ lòng cô đã nguội
lạnh.

Cả hai đều không suy xét đến nguyên nhân gây ra mâu
thuẫn hôn nhân, đặc biệt là Y Đồng. Cá tính cô quá mạnh, quá hiếu chiến. Trước
khi cưới nhau, suốt ngày “Anh anh, em em”, một ngày không gặp như cách ba thu,
thậm chí còn bỏ ngoài tai sự phản đối của bố mẹ để được ở bên nhau. Thế nhưng
sau khi cưới, viễn cảnh hôn nhân tươi đẹp đã bị thay thế bằng những chuyện
tương cà mắm muối, rồi từ đó, những mâu thuẫn nhỏ bắt đầu tích tụ và ngày càng
tăng lên. Thêm vào đó, thói đa nghi cùng sự kênh kiệu của con gái thành phố đã
khiến cho Văn Bác không sao chịu đựng nổi. Lâu dần, quan hệ giữa hai vợ chồng
càng ngày càng lạnh nhạt, mâu thuẫn ngày càng lớn, hôn nhân như đã rơi vào bế
tắc. Một cuộc hôn nhân như thế này còn có thể cứu vãn được nữa không?

Kể từ đó, Văn Bác ngày nào cũng rất muộn mới về nhà,
anh gần như đã coi công ty là nhà của mình, bởi vì cứ về đến nhà là anh lại cảm
thấy áp lực nặng nề. Một người đàn ông không muốn về nhà ngoài nguyên nhân có
bồ ở ngoài chỉ còn có thể là do không có tình cảm với vợ. Một cuộc hôn nhân như
vậy thực sự chỉ còn là một cái vỏ rỗng.

Nhà, không có sự ấm áp, lạnh tanh. Nội tâm Văn Bác vô
cùng cô độc và đau khổ, nhưng lại không thể nói, anh sắp hết chịu nổi rồi.
Lương Tuyết nhận thấy điều đó và rất lo lắng cho anh. Cô đã mấy lần định nói
chuyện với anh nhưng rồi lại thôi.

Văn Bác rất ít về nhà, điều này khiến cho Y Đồng càng
trở nên nhạy cảm hơn. Ngoài mặt cô tỏ vẻ thờ ơ nhưng trong lòng lại cực kỳ bất
mãn và thù hận. Cô rất muốn làm cho rõ ràng rốt cuộc Văn Bác có bồ ở bên ngoài
hay không? Có tất cả mấy người đàn bà? Cô luôn âm thầm tìm kiếm chứng cứ ngoại
tình của chồng.

Y Đồng không phải là một người đàn bà dễ dàng bỏ cuộc,
cô quyết định sẽ lắp máy theo dõi ở nhà. Nhân lúc Văn Bác không có ở nhà, cô
liền mời mấy thợ lắp máy về lắp đặt hệ thống camera trong phòng khách, phòng
ngủ. Sau khi lắp máy quay, Y Đồng đột nhiên trở nên dịu dàng và biết quan tâm
hơn. Mục đích của cô là để Văn Bác mất đi cảnh giác, nhờ đó cô sẽ túm được
chứng cứ. Đàn bà thường nhân lúc đàn ông sơ hở, mất cảnh giác để cho anh ta một
dao chí mạng. Rất nhiều người đàn ông có thể vượt qua sóng to gió lớn nhưng lại
chết một cách không minh bạch trong tay đàn bà.

Ngày nào đi làm về, Văn Bác cũng uống say mèm. Sở dĩ
anh làm như vậy là để tê liệt bản thân mình, không muốn phải mở miệng nói
chuyện với Y Đồng. Y Đồng ở nhà mấy ngày rồi lại về nhà mẹ đẻ, nói là để dưỡng
thai nhưng thực chất là để cho Văn Bác có không gian riêng, nếu không có cô ở
nhà, chắc chắn anh sẽ dẫn bồ về nhà.

Y Đồng vừa đi, Văn Bác ngày ngày đi làm về là trồng
cây, tưới nước, thỉnh thoảng anh còn vẽ tranh, luyện thư pháp, những thứ này
rất thích hợp để thư giãn. Y Đồng ở nhà mẹ đẻ nhưng đâu có rảnh rỗi gì, bởi vì
cô luôn dán mắt quan sát nhất cử nhất động của Văn Bác.

Một hôm hết giờ làm, Văn Bác về nhà, đang nấu nướng
thì có người ấn chuông. Văn Bác tưởng là Y Đồng về liền ra mở cửa. Vừa mở cửa
ra, anh thấy đứng bên ngoài là một cô gái trẻ tuổi, khoảng hơn hai mươi, tóc
dài, rất xinh đẹp. Trông cách ăn mặc thì cô gái này có vẻ là người đứng đắn,
cao quý. Văn Bác không quen người này, liền hỏi:

– Xin hỏi cô tìm ai ạ? Có chuyện gì không?

– À, xin lỗi, tôi ở tầng trên, quần áo tôi phơi bị rơi
xuống ban công nhà anh rồi, tôi có thể vào lấy được không? – Văn Bác bảo.

– Cảm ơn anh!

– Đừng khách sáo!

Văn Bác dẫn cô gái đó vào nhà. Cô gái nhanh chân ra
ban công nhặt quần áo của mình, là một cái áo ngực màu trắng và một cái quần
lót màu hồng. Cô gái ngại ngùng nói:

– Lúc rút quần áo tôi lỡ tay để rơi xuống, làm phiền
anh quá!

– Không sao đâu!

Nhìn thấy cô gái đi ra khỏi cửa, Văn Bác mỉm cười lắc
đầu. Đang định đóng cửa thì cô gái đó quay đầu lại, hỏi:

– Tôi ở trên tầng trên, khi nào rảnh mời anh lên chơi!

Văn Bác nghe thấy cô gái mời mình đến nhà, cảm thấy
rất kỳ lạ, mặc dù chỉ là một câu nói xã giao nhưng cũng khiến anh rất ngạc
nhiên. Thời đại này, sống trong chung cư, nhà nào cũng kín cổng cao tường,
chẳng ai qua lại với ai. Nhà ngay sát vách cũng chẳng qua lại với nhau chứ đừng
nói là tầng trên với tầng dưới. Ấy thế mà cô gái này lại mời anh lên nhà cô
chơi? Đúng là không thể tưởng tượng nổi.

Xuất phát từ phép lịch sự, Văn Bác liền khách sáo gật
đầu:

– Ok, tạm biệt!

Tối đó, Văn Bác ăn cơm rồi nằm dài trên ghế sô pha xem
ti vi. Không biết xem đến lúc nào, anh thấy hơi buồn ngủ, chuẩn bị đi tắm rồi
đi ngủ thì đột nhiên chuông cửa reo lên. Văn Bác nghĩ, lẽ nào Y Đồng về?

Văn Bác mở cửa, hoá ra vẫn là cô gái đó. Cô mặc một
chiếc váy ngủ đứng ở ngoài cửa. Anh thầm nghĩ, muộn thế này rồi còn có chuyện
gì nữa? Anh định hỏi thì cô gái lên tiếng:

– Thật ngại quá! Muộn thế này rồi còn phiền anh, tôi
muốn nhờ anh giúp một việc có được không?

– Chuyện gì? Cô cứ nói! – Văn Bác mỉm cười hỏi.

– Bóng đèn nhà tôi bị hỏng, chẳng có cái nào sáng cả,
anh có thể xem giúp tôi xem có vấn đề gì không?

– Ờ, nguồn điện có điện chứ?

– Không biết có chuyện gì mà tôi tắm xong, vừa bật
điều hoà thì đột nhiên đèn tắt ngóm.

– À, có thể là do bị cháy cầu chì rồi. Đi, tôi lên xem
giúp cô!

– Không sao, dù gì tôi cũng đi ngủ muộn mà!

– Tôi đã gọi điện cho thợ đến sửa nhưng người ta bảo
mai mới đến, trời nóng thế này, tôi chịu không nổi!

– Đúng thế, giờ không dùng điều hoà thì không ngủ nổi!
Thời tiết nóng nực, ở trong nhà cứ như ở trong lò vậy!

– Vâng, nóng thật đấy!

Hai người vừa đi vừa nói chuyện, lát sau đã lên đến
nhà của cô gái. Vào trong nhà, bên trong tối đen như mực. Văn Bác hỏi:

– Cầu chì nhà cô ở đâu?

– Ở bên kia!

Văn Bác cầm theo cái đèn pin, mở hộp điện ra, tỉ mỉ
kiểm tra, quả nhiên là bị cháy cầu chì. Thời tiết nóng nực thế này, dùng quá
nhiều thiết bị điện nên quá tải. Văn Bác nói:

– Cầu chì cháy rồi, thay cái khác là được!

– Vâng, để tôi đi lấy!

Chẳng mấy chốc, Văn Bác đã thay xong cầu chì, căn
phòng lại sáng đèn. Anh đưa mắt nhìn quanh, căn nhà được bài trí rất sang
trọng: nền nhà bằng đá hoa cương, đồ dùng gia dụng bằng gỗ lim, sa lông là da
thật, ti vi màn hình phẳng, trong phòng khách còn bày rất nhiều đồ cổ và ngọc
quý, không có mấy trăm nghìn tệ thì còn lâu mới có không gian được bài trí như
thế này.

Văn Bác vô cùng kinh ngạc. Cô gái kia nói:

– Chồng em đi Bắc Kinh công tác, thường xuyên không có
nhà!

Văn Bác thầm nhủ: “Cô ấy nói với mình chồng cô đi công
tác thường xuyên, không có ở nhà là có ý gì? Mình đâu có hỏi?”.

Nghĩ thế, anh liền nói:

– Thế à, chồng cô làm nghề gì thế?

– Chồng em mở công ty riêng!

– Ông chủ à, cũng không tồi!

– Mời anh ngồi uống nước đã! Anh xem, tôi chỉ mãi nói
chuyện, quên mất không rót trà mời anh!

– Đừng khách sáo!

Cô ta lấy ra một túi chè Bích La Xuân thượng hạng, pha
mời Văn Bác. Lát sau, cả căn phòng đã nồng nàn mùi chè thơm phức.

– Mời anh xơi nước!

– Cảm ơn cô! – Văn Bác nhấp một ngụm, cảm thấy tinh
thần sảng khoái hẳn.

– Đúng là chè ngon! – Anh tấm tắc khen.

– Tôi mua lúc đi du lịch Tô Châu đấy. Chồng tôi rất
thích uống chè, thế là cứ đi đâu có chè ngon là tôi lại mua mang về!

Đúng là một người phụ nữa biết quan tâm. Một người vừa
xinh đẹp, lại dịu dàng thế này đúng là một kiểu phụ nữ hoàn mỹ. Văn Bác thầm
nghĩ, tại sao mình không gặp được những cô gái tốt như vậy nhỉ? Haiz, đúng là
khiến cho người khác cảm thấy ghen tị!

Văn Bác đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì cô gái kia nói:

– À, phải rồi, tôi quên mất không giới thiệu, tôi tên
là Trương Uyển Di. Tôi nên xưng hô thế nào với anh nhỉ?

– Tôi tên Văn Bác.

– Hôm nay rất cảm ơn anh đã giúp đỡ, có thời gian thì
mời anh lên chơi, được làm hàng xóm với nhau cũng là cái duyên đấy! – Trương
Uyển Di nói.

– Đúng thế, đúng thế!

Văn Bác tỉ mỉ quan sát cô gái này. Trương Uyển Di mặc
một chiếc váy ngủ hai dây bằng lụa, làn da trắng nõn nà, mịn màng như ngọc quý.
Văn Bác không khỏi thầm tấm tắc, người đàn bà này thật là có cốt cách cao quý!

Ngồi một lúc, anh cảm thấy đã muộn nên đứng dậy nói:

– Không còn sớm nữa, tôi xin phép về đây!

– Cảm ơn anh!

– Đừng khách sáo!

Xuất phát từ phép lịch sự, lúc ra đến cửa, Văn Bác còn
nói:

– Có chuyện gì cần giúp đỡ cô cứ nói nhé!

– Vâng, cảm ơn anh!

Về đến nhà, Văn Bác trằn trọc không sao ngủ được. Cốc
trà Bích La Xuân thơm mát đó đã khiến cho anh cảm nhận được sự ấm áp và quan
tâm đặc biệt. Một người đàn ông mà có được người vợ như vậy thì còn gì để than
phiền nữa chứ? Anh bỗng cảm thấy chua xót, cùng là phụ nữ với nhau sao lại có
sự khác biệt đến vậy? Y Đồng ơi là Y Đồng, sao cô không thể nghĩ cho tôi một
chút, nếu được vậy thì Văn Bác này đâu có để cô phải chịu thiệt thòi!

Ngày hôm sau, Văn Bác ngủ cả ngày, lúc trời gần tối
thì Y Đồng về nhà, mặt mày sầm sì, cứ như thể có ai đó nợ nần gì cô ta vậy, Văn
Bác chẳng buồn đoái hoài đến vợ, hai vợ chồng anh bấy giờ đã chẳng còn gì để
nói với nhau nữa.

Anh ngủ cả ngày rồi nên bụng thấy hơi đói, liền ngồi
dậy chuẩn bị đi ăn. Anh tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, đang định ra ngoài thì
đột nhiên có tiếng chuông cửa. Mở cửa ra nhìn, Trương Uyển Di đang đứng ở cửa,
cô nói:

– Anh Lý, làm phiền anh một chút, cái ti vi nhà tôi
không lên hình, anh giúp tôi kiểm tra xem sao có được không?

– Ok!

Văn Bác nhận lời rồi đi lên lầu với Trương Uyển Di.
Vào đến nhà cô, anh kiểm tra, phát hiện thấy đầu nối ti vi bị lỏng, chỉ cần cắm
chặt lại là được.

Trương Uyển Di mỉm cười nói:

– Thật ngại quá, lại làm phiền anh rồi!

– Đừng khách sáo, chỉ là chuyện nhỏ mà! – Văn Bác nói
xong liền ra ngoài ăn cơm.

Đến một cửa hàng ăn, anh gọi hai món rồi ăn qua loa
cho xong bữa, sau đó lại đi siêu thị mua thêm ít đồ dùng hằng ngày. Vừa về đến
nhà, Văn Bác thấy Y Đồng đang ngồi xem ti vi. Cô lạnh lùng nói:

– Người đàn bà đó là ai?

– Làm sao? – Văn Bác cảnh giác hỏi, cảm thấy không khí
có vẻ bất thường.

– Tôi hỏi anh người đàn bà đó là ai?

– Ở tầng trên, có vấn đề gì không?

– Hừ, tôi không có ở nhà mới có mấy ngày mà đã câu
được gái rồi à? Anh thậm chí chẳng coi tôi ra gì?

– Cô nói thế là có ý gì? Tôi cảnh cáo cô, cô đừng có
mà gây chuyện vô cớ!

– Tôi gây chuyện vô cớ? Đàn bà tìm đến tận nhà rồi mà
anh còn bảo tôi gây sự vô cớ à?

– Khốn kiếp, cô đừng có nghĩ tiêu cực như thế có được
không hả? Hàng xóm mà cô cũng nghi ngờ à?

– Hàng xóm ư? Anh định lừa ai? Có phải chỉ đến đây
một, hai lần đâu? Anh tưởng tôi là con ngốc, cái gì cũng không biết à?

– Cái gì? Cô nói cái gì?

– Anh còn giả bộ nữa à? Tối qua cô ta cầm đồ lót chạy
qua chạy lại trong nhà anh để làm gì? Anh còn muốn chối nữa không?

– Sao cô biết được?

– Nói tóm lại là tôi biết rồi, anh đừng nguỵ biện nữa!

– Quần áo của cô ta rơi xuống ban công nhà mình, cô ta
chỉ xuống lấy lại thôi, không phải như cô nghĩ đâu, đó chỉ là một sự hiểu lầm!

– Hiểu lầm ư? Làm gì có cái hiểu lầm nào như thế? Anh nghĩ
là xem, sau khi chúng ta lấy nhau, sao mà có lắm hiểu lầm đến thế?

– Đó là bởi vì bản thân cô quá nhạy cảm!

– Tôi nhạy cảm ư? Anh ra ngoài với cô ta, rất lâu mới
về nhà, anh nói xem, tôi nhạy cảm thế nào? Làm sao tôi tin được anh chứ? – Y
Đồng càng nói càng kích động, không thể kiểm soát được bản thân.

– Tôi chỉ giúp cô ta sửa ti vi, chưa đến ba phút đồng
hồ rồi ra ngoài ăn cơm. Cô không tin có thể đến chỗ bảo vệ để kiểm tra qua
camera.

– Anh giúp cô ta sửa ti vi á? Anh là thợ điện à? Cô ta
lắp đặt ti vi mà không có chế độ bảo hành sao? Đâu đến lượt anh phải đi sửa ti
vi giúp cô ta?

– Đây chỉ là hàng xóm với nhau giúp đỡ lẫn nhau thôi,
có ai nghĩ như cô không chứ?

– Cô ta trả lương cho anh không? Dựa vào cái gì mà anh
phải làm thế? Anh có tật giật mình chứ gì?

– Tôi mệt mỏi với cô lắm rồi!

Văn Bác lao ra cửa, anh thật sự không muốn tranh cãi
với Y Đồng. Y Đồng nhìn thấy người đàn bà đó đi đi lại lại trong nhà của mình
qua máy quay, cơn giận ngùn ngụt bốc lên. Cô càng nghĩ càng không cam tâm, càng
nghĩ càng uất ức, càng nghĩ càng nghẹn họng. Y Đồng liền đến tìm Ngô Liễu để kể
khổ.

Ngô Liễu đang nằm nhà xem ti vi, nhìn thấy Y Đồng ủ rũ
liền hỏi:

– Chị làm sao thế?

Y Đồng thở dài, bất lực nói:

– Haiz, cái gã Sở Khanh chết tiệt ấy suốt ngày lăng
nhăng với đàn bà, chị thực sự hết chịu nổi rồi!

– Chị Đồng à, chị phải nghĩ thoáng một chút, đừng so
đo nhiều quá! Đàn ông đều như vậy cả, chị đừng tức làm gì cho hại người, đừng
quên là chị đang có em bé đấy!

– Cuộc sống này không sao sống nổi, cứ năm ngày ba
trận, chị muốn ly hôn!

– Ly hôn á? Chị Đồng à, chị làm thế là không lý trí
rồi!

– Tại sao? Dù gì bọn chị cũng chẳng còn tiếng nói
chung, anh ta chẳng có gì để nói với chị, không ly hôn thì còn chờ đợi gì nữa?
Dù sao, nếu bây giờ ly hôn, có thể chị sẽ tìm được một người đàn ông khác tốt
hơn anh ta!

Ngô Liễu nói:

– Thế sao? Chị Đồng à, không phải em nói chị, nhưng
chị thử nghĩ đi, giờ chị ly hôn với anh ta, chắc gì đã tìm được một thằng đàn
ông khác yêu thương chị thật sự? Đó chỉ là một tia hy vọng thôi! Tại sao ư? Bởi
vì chị từng kết hôn, làm sao có thể tìm một gã trai tân chứ? Mà đàn ông đã ly
hôn rồi có mấy thằng tốt đẹp? Nếu tốt đẹp liệu hắn có ly hôn không? Hơn nữa,
nếu ly hôn rồi, anh ta sẽ tìm được một người đàn bà trẻ hơn. Đàn ông có tiền
thì việc này có khó gì đâu? Nhưng chị thì ngược lại, ly hôn là chị thê thảm
rồi! Nếu như không tìm được một người đàn ông phù hợp thì chị đừng ly hôn, chị
hiểu ý em chưa?

– Chưa chắc chị đã không bằng anh ta!

– Chị Đồng, chị dám chắc bao nhiêu phần trăm là có thể
hơn được anh ta?

– Chị có điều kiện xuất thân tốt, hơn nữa gia đình lại
có tiền, tìm một thằng đàn ông thì dễ ợt!

– Dễ thì dễ, nhưng vấn đề là: nhỡ hắn ta chỉ lừa lấy
tiền của nhà chị rồi đá chị thì sao?

– Đàn ông tốt thiếu gì, ở công ty chị có một đồng
nghiệp, chị phát hiện ra anh ta là một người rất nhân hậu, lương thiện, lại
thật thà, chững chạc, còn vô cùng hài hước nữa. Quan trọng là anh ta đối xử với
chị cũng không tồi!

– Chị tỉnh táo một chút có được không? Đến lúc đó chị
có thể yêu người ta như tình đầu chắc?

– Chị không tin là ly hôn rồi chị sẽ không bằng anh
ta!

Ngô Liễu thấy Y Đồng không phục liền cười bảo:

– Sao chị vẫn không chịu hiểu nhỉ? Đối với đàn ông mà
nói, nếu như lấy được gái chưa chồng thì đương nhiên chẳng ai đặt gái ly hôn
lên làm lưạ chọn hàng đầu, càng không để tâm đến những cô đã ly hôn lại còn có
con nhỏ nữa. Điều này cũng giống như việc đàn ông nếu lấy được gái trinh thì
chẳng ai thèm ngó ngàng đến gái mất trinh cả. Từ đó cho thấy, gái đã ly hôn sẽ
bị mất giá!

– Ý của em là, chị không nên ly hôn dễ dàng như vậy
phải không? – Y Đồng mở to mắt nhìn Ngô Liễu.

– Đúng thế, những thứ nên nói em đã nói cả rồi. Chị cứ
cân nhắc cho kĩ đi! – Ngô Liễu nói.

Y Đồng nói chuyện với Ngô Liễu suốt cả buổi. Ngô Liễu
giúp Y Đồng phân tích tình hình, sau đó khuyên cô không nên ly hôn, nếu không
sẽ chẳng có lợi gì cho cô cả.

Y Đồng suy nghĩ đắn đo, cảm thấy Ngô Liễu nói cũng
phải, giờ đàn bà đã ly hôn rõ ràng là mất giá, hơn nữa đàn ông ly hôn không
những mất giá mà còn được tăng giá trị. Ly hôn… bây giờ, nếu như không phải là
bước đường cùng thì tuyệt đối không thể làm.

Về đến nhà, Văn Bác mặt mày hầm hầm, trợn mắt nhìn cô,
trong tay anh là cái máy quay:

– Thế này là thế nào?

Y Đồng giật mình hoảng hốt, thầm nghĩ: “Chết rồi, làm
sao anh ta phát hiện ra được nhỉ?”. Nhưng cô vẫn bình tĩnh nói:

– Tôi sợ có kẻ trộm vào trộm đồ nên làm thế này để đề
phòng! Sao? Có vấn đề gì không?

– Y Đồng, cô thật quá quắt! Lần này tôi quyết không
tha cho cô! – Văn Bác ném mạnh cái máy quay ra trước mặt Y Đồng.

Giữa vợ chồng với nhau cũng vẫn cần có quyền riêng tư,
điều này chẳng có gì phải nghi ngờ cả. Nếu như vợ chồng không làm được điều
này, cuộc sống sẽ khó mà tưởng tượng được. Có người nói rằng, giữa hai vợ chồng
với nhau còn cần gì phải giữ bí mật, ngày ngày ăn chung, ngủ chung, còn gì nữa
mà riêng với chả tư? Nhưng trên thực tế, quan điểm này là sai lầm. Không tin ư?
Vậy thì thử nghĩ mà xem, nếu như không cần có quyền riêng tư, thử hỏi một người
phụ nữ có dám thay một cái băng vệ sinh dính đầy máu hàng tháng trước mặt chồng
không? Anh chồng nhìn thấy chuyện này, không bị mắc bệnh lãnh cảm mới lạ. Có
những cô vợ chẳng cho chồng mình chút không gian riêng nào, lâu dần, ông xã sẽ
cảm thấy không còn hứng thú với vợ nữa. Đàn bà thường có tâm lí quấn quýt bên
đàn ông, chẳng rời ra phút nào, nhưng họ hoàn toàn không hiểu rằng đôi khi xa
cách mới là tốt nhất. Sườn xào ngon thật, nhưng ngày nào cũng ăn thì đảm bảo,
sẽ có một ngày, bạn nhìn thấy sườn xào là muốn nôn.

Hành động của Y Đồng khiến cho Văn Bác vô cùng tức
giận, anh không sao chấp nhận nổi, một thằng đàn ông mà ngay cả chút tôn nghiêm
cơ bản cũng chẳng có, thế thì sống còn có nghĩa lý gì nữa? Anh chỉ thẳng vào
mặt cô, nói:

– Tôi cảnh cáo cô, chuyện lần này chưa chấm dứt ở đây
đâu! Cô cứ chờ ngày ly hôn đi, giờ thì cút đi cho tôi!

– Bảo tôi cút á? Đừng quên nhà này có một nửa là của
tôi! – Y Đồng không chịu lép vế.

– Cái gì? Của cô một nửa á? Nhà này là do một tay tôi
kiếm tiền mua được!

– Pháp luật có quy định, tài sản kiếm được trong hôn
nhân là tài sản chung của hai vợ chồng, nếu đã là tài sản chung thì đương nhiên
là của tôi một nửa rồi!

Thực ra Y Đồng nói vậy là bởi vì cô muốn hù doạ Văn
Bác, hy vọng anh vì điều này mà sẽ sờn lòng, sẽ thay đổi chủ ý. Căn nhà này đã
khiến anh vắt kiệt tâm sức, mua được đâu có dễ dàng gì, chỉ chia cho anh có một
nửa có khác nào cắt đứt từng khúc ruột. Anh đâu có nỡ, mà nếu xót ruột thì
đương nhiên sẽ e ngại. Nhưng Y Đồng đâu ngờ, một người đàn ông khi không còn
tình cảm với một người đàn bà nữa thì cho dù có tay trắng ra đi cũng chẳng chút
e sợ!

Cơn giận dữ của Văn Bác đã lên đến đỉnh điểm, anh trợn
ngược đôi mắt đỏ vằn lên, quát:

– Cô đừng nằm mơ, tôi có phải đốt nhà, phá nhà đi cũng
không cho cô dù chỉ một viên gạch!

– Anh nói tuyệt tình vậy sao? Nếu không tin thì cứ chờ
toà án phán xét đi! – Y Đồng thản nhiên nói.

– Nếu cô dám đòi của tôi một xu, tôi sẽ đánh gãy chân
cô!

– Vậy thì anh sẽ phải ngồi tù thôi!

Văn Bác tức tới mức mặt mày tím tái:

– Đơn ly hôn tôi đã viết xong rồi, cô ký tên đi! Nếu
không ký thì chúng ta ly thân, tôi sẽ chơi với cô đến cùng!

Y Đồng mỉa mai:

– Anh tưởng tôi lưu luyến anh lắm chắc? Anh tưởng mình
là Lưu Đức Hoa hay Châu Nhuận Phát[1] hả?

[1]
Lưu Đức Hoa và Châu Nhuận Phát là hai nam diễn viên đẹp trai và tài năng của
điện ảnh Trung Quốc.

– Thế tại sao cô không chịu ký vào đơn ly hôn hả?

– Tôi nói rồi, nhà anh mua là tài sản chung, của tôi
một nửa. Nếu anh đồng ý, tôi sẽ ký ngay lập tức!

– Cút, cô đừng có mơ!

– Thế thì tôi không kí nữa!

– Cô không ký chứ gì? Ok, tôi xem cô dây dưa được đến
bao giờ?

– Anh cân nhắc kĩ chuyện nhà cửa đi, rốt cuộc có chia
cho tôi một nửa không? Nghĩ xong rồi hãy nói cho tôi!

– Cô đừng có mơ!

– Không chịu phải không? Thế thì chờ toà án phán quyết
đi!

– Tôi sẽ chơi với cô đến cùng!

Có điều, Văn Bác mặc dù nói cứng miệng thế nhưng trong
lòng anh hiểu rất rõ, bởi vì pháp luật có quy định rõ, sau khi kết hôn, tiền
lương hoặc các tài sản khác đều là tài sản chung của hai vợ chồng. Văn Bác bình
tĩnh lại, thận trọng suy nghĩ, nếu như cô ta muốn đòi một nửa căn nhà thì cứ
cho cô ta đi, đứa con trong bụng cô ta là máu mủ của mình, nhà này cứ coi như
là để cải thiện điều kiện sống cho đứa bé. Dù gì đứa bé sinh ra xong cũng cần
phải có một gia đình. Nghĩ thế, Văn Bác liền nói với Y Đồng:

– Ok, tôi cho cô nhà, lần này cô vừa ý rồi chứ? Tôi có
phải trắng tay ra đi cũng quyết ly hôn với cô cho bằng được!

– Tôi cũng đâu có thích anh, ai sợ ai chứ?

– Tôi nói cho cô biết, sau khi ly hôn, cô có thể đăng
quảng cáo tìm bạn đời. Trên quảng cáo sẽ viết như thế này: “Thiếu phụ, xinh đẹp
mỡ màng, vì chồng đào hoa nên ly hôn, nhà, xe đầy đủ!”.

Y Đồng nghe thấy vậy, mặt hết đỏ lại chuyển sang
trắng, cô chửi một câu: “Khốn kiếp” rồi bỏ về nhà mẹ đẻ.

Thấy Y Đồng đi rồi, Văn Bác bắt đầu dọn dẹp đồ đạc,
anh thà ở một mình, làm một kẻ nghèo kiết xác còn hơn có bất kì quan hệ gì với
người đàn bà này. Cuộc hôn nhân này là cuộc hôn nhân đầu tiên của anh, nhưng
anh cảm thấy dường như anh vừa sống qua một thế kỉ dài đằng đẵng. Ngày nào anh
cũng sống rất mệt mỏi, áp lực, lúc nào cũng như sắp sụp đổ đến nơi! Ly hôn
chính là lựa chọn tốt nhất!

Tiền lương là tài sản chung, Văn Bác mặc dù có chút
không cam tâm nhưng cũng chẳng còn cách nào khác cả. Bản thân mình khó khăn lắm
mới kiếm được mức lương như hiện nay, đã vất vả, khổ sở biết nhường nào, lăn
lộn trên thương trường bao nhiêu lâu mới được như hiện nay, vậy mà phải chia
cho cô ta một nửa. Y Đồng ngày ngày ở nhà mẹ đẻ đánh mạt chược, xem ti vi,
chẳng làm gì hết, thế mà nghiễm nhiên được hưởng một nửa tâm huyết của anh. Kể
từ sau khi mang bầu, cô thản nhiên nghỉ việc ở nhà chơi, dù gì gia đình có điều
kiện, có không làm cũng chẳng thiếu ăn, thế thì sao không chơi cho sướng thân?

Đã thế tôi sẽ tiêu tiền, xem cô làm gì được? Văn Bác
lấy thẻ ngân hàng của mình, đi vào trung tâm mua sắm. Anh mua hơn hai nghìn tệ
tiền quần áo, lại mua thêm một đôi giày da hơn nghìn tệ, còn mua bốn chai rượu
Mao Đài. Vẫn chưa hết tức, Văn Bác lại mua thêm một chiếc điện thoại di động
giá năm nghìn tệ. Nhưng tiền trong thẻ vẫn chưa dùng hết, làm thế nào đây? Văn
Bác liền đến một khách sạn năm sao, thuê một gian phòng siêu VIP, đăng kí ở dài
hạn với quyết tâm: “Không cho cô ta dù chỉ một xu!”.

Sau khi vào ở khách sạn năm sao, Văn Bác ngày ngày
hưởng thụ, anh phải khoản đãi bản thân mình, nếu không thì có lỗi với chính
mình quá! Trước đây anh chăm chỉ làm ăn, chịu thương chịu khó, cho dù là việc
nhà anh cũng tranh làm, còn thường xuyên bị kéo về nhà mẹ vợ làm việc nhà. Ngày
nào cũng chẳng được ăn uống ngon lành, ngủ cũng không yên giấc, chơi cũng chẳng
được thoải mái, ngày nào cũng phải bán mạng làm việc, kiếm tiền. Giờ thì phải
hưởng thụ thôi!

Ngày thứ ba ở trong khách sạn, đột nhiên điện thoại
Văn Bác đổ chuông. Là Trần Na gọi đến, Trần Na hoảng hốt nói: “Giám đốc Lý, anh
đang ở đâu thế? Vợ anh bị tai nạn giao thông rồi!”

– Cái gì? Tai nạn giao thông á? – Văn Bác giật nảy
mình, tim đập thình thịch.

– Ở đầu đường Thập Tự, ban nãy em đi qua đó, nhìn thấy
chị ấy qua đường, bị ô tô đâm phải, chảy rất nhiều máu!

– Hả? Ôi trời ơi, em mau gọi xe cấp cứu cho anh đi!
Anh đến đó ngay đây!

Văn Bác vội vàng lao ra khỏi văn phòng, chạy về phía
đường Thập Tự. Đến đường Thập Tự, từ xa anh đã nhìn thấy một đám đông vây quanh
một chiếc xe ô tô con đỗ ngang đường, kính chắn vỡ nát rơi đầy dưới nền đường.

Y Đồng ra sao rồi? Cô ấy có làm sao không? Văn Bác vô
cùng lo lắng, anh gần như không cất nổi bước chân nữa. Anh lảo đảo chạy đến,
chen vào giữa đám đông, chỉ thấy Y Đồng nằm trong vũng máu trên đường, hơi thở
thoi thóp.

Lúc này cảnh sát giao thông đã đến chụp ảnh, xử lý
hiện trường và duy trì trật tự giao thông.

– Y Đồng, Y Đồng, em tỉnh lại đi, anh sẽ đưa em đến
bệnh viện ngay đây! – Văn Bác gào lên.

– Ông xã! – Y Đồng từ từ mở mắt ra, nhìn Văn Bác, khó
nhọc gọi anh.

– Bà xã, em phải gắng gượng, bây giờ anh sẽ đưa em đến
bệnh viện ngay! – Văn Bác hoảng hốt nói.

– Ông xã, em không… không xong rồi, anh có… có thể nói
cho em biết, rốt cuộc… anh có… có đi chơi gái không? – Y Đồng khó nhọc nói ra
từng tiếng.

– Anh không có, thật sự không có mà! – Văn Bác nói.

– Thế thì tốt, tốt…

Đúng lúc ấy, xe cấp cứu đến nơi. Văn Bác bế thốc Y
Đồng lên, Y Đồng nằm trong vòng tay anh, tay chân buông thõng. Văn Bác vô cùng
sợ hãi, anh không biết rốt cuộc vết thương của Y Đồng nghiêm trọng đến mức nào?

Kết quả kiểm tra cho thấy, hai chân cô đã bị gãy,
xương đã bị nát hết, nửa thân dưới đã bị liệt hoàn toàn, sau này chỉ có thể
ngồi xe lăn mà thôi. Đứa con đương nhiên cũng không giữ được. Văn Bác nghe tin
này như sét đánh ngang tai.

Cả nhà Y Đồng hay tin cũng kéo đến bệnh viện. Mẹ Y
Đồng khóc gào thảm thiết, gần như muốn ngất đi.

– Cái thằng tài xế chết tiệt đó, mày là đồ sao chổi,
mày hại con gái bà, bà sẽ liều chết với mày! – Mẹ Y Đồng vừa khóc vừa chửi bới.

– Mẹ, mẹ đừng khóc nữa, con không sao đâu! – Y Đồng cố
gắng tỏ vẻ như không có chuyện gì để an ủi mẹ.

– Con à, con phải làm thế nào bây giờ? Sau này biết
sống sao đây? – Mẹ Y Đồng khóc lóc.

– Mẹ, con không sao thật mà! Nghỉ ngơi một thời gian
là khỏi thôi! Chỉ có điều, đứa bé mất rồi! – Nước mắt Y Đồng trào ra, cô cố tỏ
ra kiên cường nhưng thật sự, cô vẫn không thê chiến thắng được sự yếu đuối của
mình.

– Cái thằng tài xế mất dạy, mẹ sẽ không tha cho nó
đâu!

Không lâu sau đó đã có kết quả điều tra. Gã lái xe đó
vì vượt đèn đỏ đã đâm phải Y Đồng lúc đó đang sang đường. Vì vậy gã lái xe phải
chịu toàn bộ trách nhiệm: bồi thường tiền viện phí, thuốc men, bồi thường thiệt
hại tuổi thanh xuân… cho Y Đồng, tổng cộng là ba triệu hai trăm nghìn tệ. Chẳng
mấy chốc, mọi người trong công ty Văn Bác đã hay tin Y Đồng bị tai nạn giao
thông. Mọi người đều bàn tán xôn xao.

– Văn Bác, vợ anh sảy thai rồi, thế là anh có thể ly
hôn được rồi! – Một đồng nghiệp nói.

– Đúng thế, lần này thì chẳng còn gì phải lo lắng nữa,
ly hôn rồi cô ta sẽ hết đường! – Một đồng nghiệp khác bảo.

Văn Bác lắc đầu. Thực ra trong lòng anh rất đau khổ,
mặc dù thường ngày tình cảm giữa hai người chẳng đâu vào đâu nhưng một ngày vợ
chồng, trăm năm ân nghĩa, dù sao vẫn có tình cảm với nhau. Giờ Y Đồng bị tai
nạn, con cũng mất rồi, cô cần có sự chăm sóc và yêu thương của anh, lúc này anh
làm sao đưa ra đề nghị ly hôn.

Văn Bác bận rộn tối tăm mặt mũi, mua toàn những đồ bổ
cao cấp để bồi dưỡng cho Y Đồng, bảo cô yên tâm dưỡng thương. Hàng ngày anh đều
mát xa cho cô, giúp cô lưu thông huyết mạch.

Y Đồng nhìn Văn Bác, nói:

– Giờ anh có thể ly hôn với em được rồi, anh đã nghĩ
khi nào chưa?

– Nếu như em không gặp tai nạn có thể anh sẽ ly hôn
với em, nhưng giờ em không thể tự lo cho mình, anh làm sao có thể bỏ mặc em
không đoái hoài được? – Văn Bác nói.

Y Đồng bàng hoàng trước câu nói của chồng, mắt cô đỏ
hoe, nghẹn ngào nói:

– Anh đã nghĩ kỹ chưa? Vẫn còn kịp đấy, giờ em không
còn chân nữa rồi!

– Sau này anh sẽ là đôi chân của em!

– Ông xã! – Y Đồng kéo Văn Bác lại gần, vùi đầu vào
ngực anh, lại khóc nức nở!

– Ông xã, em sai rồi, sau này em sẽ yêu thương anh,
học cách yêu thương chăm sóc bố mẹ anh. Nếu em không làm thế, sét đánh chết em!

– Đồ ngốc, đừng nói bậy! Em ngoan ngoãn như vậy là tốt
rồi! – Văn Bác nuốt nước mắt vào trong lòng, mỉm cười mãn nguyện.

Hai năm hôn nhân khiến cho Văn Bác mệt mỏi cực độ. Mặc
dù Y Đồng đã tàn phế nhưng trong lòng anh thấy bình yên hơn nhiều. Mặc dù hiện
giờ anh không thể chấm dứt cuộc hôn nhân này nhưng tương lai sau này đâu ai
biết được.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.