Kết Hôn - Ly Hôn

Chương 18



Bố mẹ Văn Bác vừa nghe nói con mình bị thương liền
hoảng loạn, khóc lóc chạy đến bệnh viện. Vừa nhìn thấy Văn Bác, mẹ anh đã khóc
lóc, ôm lấy con trai mà nói:

– Con à, vết thương có nặng lắm không? Mẹ như đứt từng
khúc ruột ra rồi!

Bố Văn Bác cũng xót xa nói: “Con à, có đau lắm không?”

– Bố, mẹ, con không sao, không nghiêm trọng, chỉ là
những vết thương ngoài da thôi! – Văn Bác sợ bố mẹ lo lắng nên vội vàng an ủi.

– Sau này ở ngoài, làm việc gì con cũng đừng có động
chạm đến người khác, mẹ lo cho con lắm đấy! – Mẹ anh than thở.

– Sau này con đừng qua lại với những kẻ không đàng
hoàng ở bên ngoài nữa, chẳng có lợi gì đâu! – Bố anh nói.

– Con biết rồi ạ, con sẽ làm như thế, nhất định con sẽ
nhớ lời bố mẹ!

– Y Đồng có biết không? Sao nó vẫn chưa đến? – Mẹ Văn
Bác hỏi.

– Con không biết, có thể cảnh sát đã báo cho cô ta
biết rồi! – Văn Bác bảo.

– Đáng lẽ nó phải đến đây xem tình hình mới phải chứ!
– Bố Văn Bác nói.

– Cô ta có bầu rồi, ra ngoài bất tiện, không đến cũng
tốt, ra khỏi cửa cũng chẳng an toàn gì! – Văn Bác bảo.

– Con nó nói cũng đúng, nó không đến thì thôi!

Gia đình Trì Mộng Mộng ở nơi khác, vì thế không đến
thăm con gái ngay được. Văn Bác không dám bảo bố mẹ qua chăm sóc cô vì ngại bố
mẹ sẽ hỏi này hỏi nọ. Nhưng thế thì biết tìm ai chăm sóc cho cô đây? Nhờ Lương
Tuyết ư? Giờ người ta đang sống yên ổn, Văn Bác chẳng muốn làm phiền cô nữa.
Nhờ Trần Na ư? Cô ấy mau mồm mau miệng, chẳng may để lộ ra ngoài, cả công ty
đều biết thì sao? Cảm giác không an toàn lắm, vậy thì phải nhờ ai đây?

Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng Văn Bác nhớ ra Trương
Manh, bạn học của mình, chỉ có tìm cô ấy là hợp lý hơn cả. Trương Manh là người
khá nhiệt tình, lại biết giữ miệng và chơi với anh khá thân. Chỉ có điều vì Y
Đồng quá đa nghi nên bình thường anh chẳng dám qua lại với Trương Manh nhiều.
Lần trước, Văn Bác đến nhờ Trương Manh chỉ dạy cho chút bí quyết làm ăn, nào
ngờ Y Đồng lại chạy đến làm ầm lên, cũng may mà Trương Manh không để bụng. Mặc
dù không muốn làm phiền người ta nhưng Trì Mộng Mộng chẳng có ai chăm sóc, bản
thân anh lại không chăm sóc được, không thể cứ bỏ mặc cô như vậy.

Nhân lúc bố mẹ ra ngoài, Văn Bác liền nắm bắt thời cơ,
gọi điện cho Trương Manh, bảo cô nể tình bạn bè mà giúp đỡ anh chuyện này.

Trương Manh nghe thấy Văn Bác nói anh bị thương thì vô
cùng lo lắng. Nghe thấy Văn Bác nói muốn nhờ cô chăm sóc Trì Mộng Mộng, Trương
Manh chẳng nói hai câu, lập tức nhận lời ngay.

Văn Bác mừng lắm, nói:

– Bạn cũ à, cám ơn cậu, đợi tôi khoẻ lại nhất định sẽ
tạ ơn cậu!

– Nghe cậu nói kìa, chút chuyện nhỏ này đâu đáng để
nhắc đến? Chúng ta là bạn bè bao nhiêu năm nay rồi, còn nói chuyện này làm gì?
– Trương Manh đáp.

– Thế thì tốt quá, cậu làm xong việc thì tới bệnh viện
ngay nhé!

– Đợi tôi thu dọn chút xíu rồi vào bệnh viện liền!

– Vậy tôi đợi cậu đấy!

– À phải rồi, chờ đã! – Trương Manh đột nhiên thốt
lên.

Văn Bác khựng người, anh tưởng Trương Manh nghĩ lại
liền thấp thỏm hỏi:

– Sao thế? Có phải cậu thấy bất tiện không? Việc buôn
bán bận quá à?

– Coi cậu kìa, bạn cũ chẳng lẽ không có thời gian cho
nhau? Chẳng qua là lát nữa tôi qua bên đó, có thấy hơi lo lắng, sợ vợ cậu ở
đấy, thấy tôi đến lại làm loạn lên! – Trương Manh có vẻ bất an.

– Cậu yên tâm, cô ta giờ đang ở nhà mẹ rồi, cái bụng
to phưỡn ra rồi, chắc chắn không qua đây đâu! Cậu cứ yên tâm trăm phần trăm!

– Vậy thì tốt, tôi qua đó ngay đây! Đợi nhé!

Khoảng nửa tiếng sau, bên ngoài cửa vang lên tiếng bước
chân, lát sau, Trương Manh đã xách giỏ hoa quả đi vào. Cô vừa đến cửa, Văn Bác
đã nói với bố mẹ:

– Đây là Trương Manh, bạn học của con! – Nói rồi, anh
quay sang giới thiệu với Trương Manh – Trương Manh à, đây là bố mẹ của tôi!

– Cháu chào hai bác ạ!

– Con à, con đến thăm là được rồi, còn mua lắm thứ thế
này làm gì, tốn kém ra! – Mẹ Văn Bác hiền hậu nói.

– Không sao đâu ạ, chỉ là chút tâm ý của con thôi mà!
À phải rồi, vết thương của cậu có nặng lắm không? – Trương Manh hỏi Văn Bác.

– Cũng may là không sao, cậu đừng lo! À đúng rồi,
chuyện tôi nói với cậu… – Văn Bác hỏi.

– Không cần nhắc, cứ yên tâm! – Trương Manh nói.

– Cậu đợi một lát rồi qua đó, phòng 302 nhé. Cậu nói
với cô ấy là tôi nhờ cậu đến nhé! – Văn Bác dặn dò Trương Manh.

– Ok, cậu cứ yên tâm, có gì cứ gọi tôi bất cứ lúc nào!
Giờ tôi qua đó xem sao! – Trương Manh nói rồi định đi.

– Con à, ngồi chơi thêm chút nữa đi! Vừa mới đến sao
đã định đi thế? – Mẹ Văn Bác xách phích nước từ bên ngoài đi vào, thấy Trương
Manh định đi liền vội vàng giữ lại.

– Bác à, con có chút chuyện, phải đi tìm một người,
xong việc con quay lại thăm Văn Bác ạ! – Trương Manh nói.

– Thế thì con đi cẩn thận nhé! – Mẹ Văn Bác dặn dò.

Nhìn thấy Trương Manh đi rồi, Văn Bác mới thở phào nhẹ
nhõm. Anh đang định nghỉ ngơi một lát thì đột nhiên anh nghe thấy có tiếng
người nói ở bên ngoài, giọng nói rất giống Y Đồng và mẹ cô ta. Lẽ nào bọn họ
tìm đến đây ư? Văn Bác đang nghi hoặc thì cửa mở bật ra, Y Đồng và mẹ cô ta kéo
nhau đi vào.

– Xa thế sao cô lại đến đây? Đừng có đi lung tung, ngộ
nhỡ thai có làm sao thì nguy to! – Văn Bác lo lắng nói.

– Còn chẳng phải đến thăm anh sao?

– Tôi không sao, chỉ là mấy vết thương ngoài da thôi,
chẳng mấy chốc sẽ khỏi ấy mà!

– Tại sao anh lại bị thương? – Y Đồng hỏi.

Thấy Y Đồng hỏi đến nguyên nhân bị thương, Văn Bác vô
cùng mâu thuẫn. Nếu kể rõ sự thực cho Y Đồng nghe, vậy thì anh có thể chứng
minh rằng trong chuyện đến nhà tắm Quý Phi, anh hoàn toàn trong sạch, như vậy
cũng có thể hoá giải mâu thuẫn với Y Đồng. Nhưng nếu nói ra sự thực, thế thì
chẳng phải để lộ chuyện của Trì Mộng Mộng hay sao? Thế thì chẳng phải chuyện
anh với Trì Mộng Mộng ở với nhau qua đêm sẽ bị Y Đồng phát giác ra sao? Nếu để
cô biết chuyện này thì sự tình càng thêm tồi tệ, thậm chí còn tồi tệ hơn chuyện
anh đến nhà tắm Quý Phi. Nếu như không kể sự thật, thế thì anh biết viện lí do
gì đây? Nói ra phát sinh mâu thuẫn với người ta ư? Cãi nhau ư? Hay là đắc tội
với người ta trên thương trường? Nếu như cảnh sát nói rõ tình hình với Y Đồng
thì sao? Thế thì chẳng phải lộ hết à? Thật đúng là… vốn dĩ là việc tốt, giờ lại
thành ra làm chuyện khuất tất rồi.

Văn Bác vô cùng khó xử, sau một hồi đắn đo suy nghĩ,
anh quyết định sẽ nói rõ sự tình, chỉ có điều giấu chuyện anh với Trì Mộng Mộng
ở chung với nhau một đêm, thay vào đó sẽ nói rằng sáng nay tình cờ gặp cô trên
đường, sau đó đụng độ bọn Hứa Đông đến trả thù.

– Một khách hàng tên Hứa Đông định kí hợp đồng làm ăn
với công ty tôi, vụ làm ăn trị giá hơn ba triệu, nhưng hắn ta bảo tôi dẫn hắn
đến khu giải trí chơi. Tôi vì vụ làm ăn này nên miễn cưỡng dẫn hắn đến đó. Nào
ngờ hắn lại chọc ghẹo nhân viên phục vụ ở đó, tôi thực sự thấy chướng mắt nên
đã ngăn cản hắn. Hắn chửi mắng tôi, chọc tức tôi, thế là tôi đánh hắn một trận.
Vì thế, vụ làm ăn đáng giá hơn ba triệu tệ cũng đi tong. Tưởng thế là xong, nào
ngờ sáng nay, vừa mới ra khỏi cửa, đi được nửa đường đã thấy hắn ta dẫn người
xông đến, sáu bảy người xông vào đánh tôi.

– Anh nói thật ư? – Y Đồng nói.

– Cô có thể đi hỏi cảnh sát, có ghi chép lời khai đấy!
– Văn Bác lạnh lùng đáp.

– Lát nữa tôi sẽ đi hỏi cụ thể, thế còn Hứa Đông đâu?

– Hắn ta bị cảnh sát dẫn đi rồi!

– Bắt được mấy tên?

– Chạy mất bốn tên, mới bắt được có ba, bao gồm cả Hứa
Đông.

– Anh không làm chuyện bậy bạ ở khu giải trí ấy thật
chứ? – Y Đồng nhìn Văn Bác bằng ánh mắt sắc lẹm.

– Thật sự không hề, tôi lấy nhân cách của mình ta đảm
bảo, tuyệt đối không!

– Thế thì tôi tạm tin anh lần này! – Y Đồng đáp.

Thấy Y Đồng chịu tin lời mình, Văn Bác thở phào nhẹ
nhõm. Không phải anh sợ Y Đồng không chịu về nhà hay gây sự với mình mà anh sợ
bố mẹ anh vì lo lắng cho anh mà ảnh hưởng đến sức khoẻ. Anh vốn dĩ muốn để bố
mẹ được hưởng phúc bên cạnh mình, chứ nếu ở bên cạnh con trai mà phải chịu tội
như vậy thì thà ở quê làm ruộng còn hơn.

Cuộc chiến tranh giữa hai vợ chồng Văn Bác lần này
chấm dứt bằng việc hoà giải của hai người. Bố mẹ Văn Bác thấy con dâu chịu về
nhà, làm hoà với con trai mình thì vui lắm. Người Trung Quốc rất coi trọng hoà
khí và sum họp gia đình. Có tiền hay không không quá quan trọng, gia đình không
hoà thuận thì có nhiều tiền cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Y Đồng tỉ mỉ kiểm tra vết thương của Văn Bác, không có
vấn đề gì nghiêm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi vào hôm là ổn, lúc này cô mới yên
tâm. Mặc dù nói quan hệ giữa hai vợ chồng không được tốt, không hoà hợp nhưng
dù sao Văn Bác cũng là chồng của cô, cũng là người thân nhất, là bạn đời của cô
mà!

Văn Bác ở bệnh viện một ngày, không có vấn đề gì
nghiêm trọng liền ra viện. Bởi vì không thể đi làm ngay được nên anh đành xin
nghỉ phép ba ngày. Văn Bác rất lo cho Trì Mộng Mộng nhưng vì Y Đồng đang ở nhà
nên anh chẳng dám gọi cho Trương Manh để hỏi han tình hình của cô. Tính cách Y
Đồng quá đa nghi, chỉ cần thấy Văn Bác có gì hơi bất thường là cô sẽ nghiêm
ngặt dò xét. Cho dù chỉ là một người gọi nhầm thôi, cô cũng phải điều ra cho ra
ngọn ngành.

Tối đó, Văn Bác không nhịn được nữa liền nhân lúc Y
Đồng đi tắm, cầm điện thoại bàn lên gọi cho Trương Manh. Bởi vì điện thoại của
anh bị người ta đập nát rồi, chỉ có thể dùng điện thoại bàn mà thôi. Anh khẽ
giọng hỏi Trương Manh:

– Hiện giờ cô ấy thế nào rồi? Có khoẻ không?

– Cô ấy vẫn khoẻ, không bị thương quá nặng, chỉ rách
da thôi, chẳng mấy chốc sẽ khoẻ lại! – Trương Manh nói.

– Người nhà cô ấy đến chưa? – Văn Bác nóng ruột hỏi.

– Chưa, tôi hỏi cô ấy, cô ấy nói vì ở xa nên chưa đến
ngay được!

– Thế thì làm phiền cậu rồi! – Văn Bác nói.

– Cảm ơn cậu!

– Đừng khách sáo!

– Ok, thôi không nói nữa, cô ta sắp ra rồi!

Văn Bác vừa nói xong thì nghe thấy tiếng lạch cạch mở
cửa phòng tắm, chắc là Y Đồng chuẩn bị ra. Văn Bác vội vàng cúp máy. Giờ anh đã
trở thành “Chim sợ cành cong”. Đối với một người đàn bà như vậy, anh không thể
không đề phòng, thêm một chuyện chẳng bằng bớt một chuyện. Trước đây, mỗi khi
có việc cần liên lạc với người khác, Văn Bác thường sử dụng điện thoại công
cộng, cô thích kiểm tra điện thoại chứ gì? Đã thế tôi không dùng di động nữa!
Điện thoại công cộng rất tiện, đâu đâu cũng có, chẳng phiền phức chút nào. Sử
dụng điện thoại công cộng hoàn toàn có thể tránh được việc bị vợ kiểm tra. Lúc
này, Y Đồng từ trong nhà tắm đi ra, tay cầm khăn lau tóc, vừa vào phòng đã nói
với Văn Bác.

– Anh lau tóc cho em đi, em sợ cảm lạnh!

– Ok, để anh đi lấy máy sấy! – Văn Bác nhanh miệng
đáp.

– Ban nãy anh làm gì thế? – Y Đồng hỏi.

– Anh xem báo, em xem, những tin tức này khiếp thật
đấy, ở hầm mỏ lại chết hơn trăm người! – Văn Bác chỉ vào một tin nóng hổi trên
tờ báo hôm nay.

– Thế à? Hình như em nghe thấy anh gọi điện thoại thì
phải? Gọi cho ai thế?

Đâu có, anh chỉ đọc báo thôi! – Văn Bác chối phắt.

– Không phải chứ? Rõ ràng em nghe thấy anh gọi điện
thoại mà!

– Không có thật mà! – Văn Bác thấy hơi chột dạ, không
dám nhìn thẳng vào mắt Y Đồng, giọng nói cũng rất yếu ớt.

– Anh còn nói dối à? Rõ ràng là em nghe thấy anh nói
chuyện với người khác, cái gì mà “Làm phiền” cái gì đó mà! – Y Đồng gắt.

– Đâu có, có thể em nghe nhầm rồi! – Văn Bác chối.

– Hừ, để em xem! – Y Đồng đi đến, cầm lấy điện thoại
lên kiểm tra.

Văn Bác liếc nhìn, lần này thì xong rồi, ban nãy mới
gọi xong, anh chưa kịp xoá số điện thoại, chắc chắn cô ta lại làm ầm lên cho
xem. Haiz, sớm biết thế này thì thừa nhận đi cho rồi, cứ nói là gọi cho khách
hàng, chắc cô ta không đến nỗi kiểm tra cả số điện thoại của khách hàng đâu?
Văn Bác phát hoảng. Lát sau, Y Đồng đã tra được số điện thoại của Trương Manh.
Y Đồng vô cùng phẫn nộ, chỉ vào cái điện thoại chất vấn:

– Đậy là cái gì? Anh gọi cho ai? Tại sao không dám
thừa nhận?

– Cái này… cái này… – Văn Bác ấp úng nói không nên
lời.

– Anh nói mau, rốt cuốc là ai? – Y Đồng tức tối đến
mức mặt mày như biến dạng.

– Là một người bạn cũ! – Văn Bác lí nhí nói.

– Bạn cũ nào? Tên là gì? Tôi có quen không? – Y Đồng
hỏi như bức cung tội phạm.

– Chỉ là bạn cũ thôi, không có gì đâu! – Văn Bác nói.

– Cái gì? Thế tại sao anh không dám nói với tôi? Chắc
chắn là có tật giật mình!

– Chẳng phải anh sợ nói ra sẽ khiến em hiểu nhầm hay
sao. Vì thế có thể không nói thì không nói thôi! – Văn Bác biện minh.

– Hừ, anh chớ lừa tôi, rốt cuộc anh có nói hay không?
– Y Đồng hằn học bảo.

– Thật sự không có mà, tại sao cô cứ không chịu tin
thế nhỉ? – Văn Bác bực bội gắt lên.

– Thôi được rồi, nếu như anh không nói, giờ tôi sẽ gọi
vào số này, tự tôi hỏi! – Y Đồng nói rồi ấn phím gọi.

Trương Manh vừa mới nhận điện thoại của Văn Bác, giờ
lại thấy số này gọi đến, cô tưởng là Văn Bác gọi đến, thế nên vừa nghe điện
thoại đã hỏi:

– Văn Bác à, cậu cứ yên tâm, tôi sẽ chăm sóc cô ấy. Dù
gì cậu cũng đã nhờ tôi rồi, tôi nhất định sẽ làm thật tốt!

– Tôi là vợ anh ta, cô là ai? Chăm sóc cho ai? – Y
Đồng lớn tiếng chất vấn.

Trương Manh nghe thấy không phải là Văn Bác, biết là Y
Đồng đa nghi và rất ghê gớm nên cô vội vàng nói: “Xin lỗi, cô nhầm số rồi!”,
sau đó cúp máy luôn.

– Ra ngoài tìm gái, lại còn tìm đến tận hai người! Tôi
quả thật đã quá xem thường anh rồi! Có phải là con đàn bà ở trung tâm giải trí
đó không? – Y Đồng quát lên.

– Tôi hoàn toàn không lăng nhăng ở bên ngoài, cô tin
hay không thì tuỳ! – Văn Bác gắt lên.

– Hôm nay tôi nhất quyết bắt anh phải giao con đàn bà
đó ra, anh có tin không? – Y Đồng gào lên.

– Tôi nói cho cô biết, cô đừng ức hiếp người thái quá,
cô đừng ép tôi, nếu không hậu quả cô tự gánh chịu!

– Cái gì? Anh dám doạ tôi à? Còn lâu tôi mới sợ! – Y
Đồng vênh mặt.

– Tôi không doạ cô, chó cùng rứt giậu, cô tự nghĩ đi!

– Tôi muốn xem anh rứt giậu thế nào đấy! – Y Đồng
ngang ngược nói.

Văn Bác không muốn tranh cãi với Y Đồng nữa liền đặt
cái máy sấy xuống bàn, đi ra ngoài. Anh định ra ngoài hít thở không khí trong
lành cho đỡ bực. Y Đồng thấy Văn Bác định ra ngoài liền nghĩ, chắc chắn anh ta
đi gặp người đàn bà đó. Cô tức điên lên, cầm cái máy sấy đuổi theo, đập cả cái
máy sấy vào đầu Văn Bác. Đầu Văn Bác lĩnh trọn cú đập rất mạnh của Y Đồng, máu
chảy thành dòng xuống cổ anh.

– Cô điên à? Vết thương này tôi mới khâu mất mấy mũi,
giờ cô còn đập cho nó toác ra! – Văn Bác gào lên.

– Anh mới là đồ điên, anh “Ngựa quen đường cũ”, thói
xấu khó bỏ! – Y Đồng quát.

– Tôi chưa bao giờ gặp phải một người đàn bà đáng sợ
như cô, cô đâu có phải con người? Cô là ma quỷ, là con điên, là bệnh nhân tâm
thần! – Văn Bác tức tối mắng chửi.

– Sao hôm qua anh không bị người ta đánh chết đi cho
rồi? Anh phải bị đánh chết đi mới đúng! – Y Đồng nguyền rủa.

Nghe thấy câu này, Văn Bác thật sự không thể chịu đựng
được nữa. Những vết thương của anh đến tận giờ vẫn còn đau nhức, thế mà lại còn
bị Y Đồng lạnh lùng xát muối vào. Văn Bác bịt chặt vết thương, đi ra ngoài, để
mặc cho Y Đồng vẫn đang ném đồ đạc ở trong nhà. Mẹ Văn Bác đang rửa bát ở trong
bếp, nghe thấy con trai với con dâu cãi nhau liền đặt bát đũa xuống, chạy ra
khuyên nhủ. Nhưng lúc này Văn Bác đã ra ngoài. Mẹ Văn Bác vội vàng khuyên nhủ
con dâu:

– Con à, đừng giận nữa, đợi nó về mẹ sẽ mắng cho nó
một trận!

– Thôi đủ rồi, còn giả bộ là người tốt gì chứ? Mau
cuốn gói rồi xéo đi cho rảnh nợ! – Y Đồng lớn tiếng chửi.

Nghe thấy con dâu nói vậy, mẹ Văn Bác không nói năng
gì. Bà biết tâm trạng con dâu không tốt, lại đang mang bầu, không thể để cô tức
giận. Thế nên, bà âm thầm nhẫn nhịn, sau đó lặng thinh đi vào phòng bếp, vừa
dọn dẹp vừa rớt nước mắt. Con trai với con dâu sống không hoà thuận, trái tim
bà như tan nát, ngày nào cũng thấp thỏm, lo lắng.

Văn Bác đi rồi, Y Đồng chẳng biết trút giận đi đâu
liền ném hết đồ đạc trong nhà, nào cốc chén, ấm trà, lọ hoa, bình nước, ngay cả
màn hình máy tính cũng bị cô đập nát. Dường như thế vẫn chưa đã, Y Đồng còn
dùng kéo cắt nát quần áo của Văn Bác, vừa cắt vừa chửi:

– Tôi cắt chết anh, cắt chết anh!

Bố Văn Bác ngồi bên ngoài hút thuốc, im lìm nghĩ ngợi
gì đó. Đốm lửa trên đầu thuốc lập loè, phản chiếu gương mặt xanh xao của ông.
Đã sáu mươi tuổi rồi, sức khoẻ không còn tốt nữa, vất vả suốt một đời, tay lam
tay làm, khó khăn lắm mới nuôi con khôn lớn thành người, lập gia đình cho đâu
vào đấy, ấy vậy mà vẫn khiến cho bố mẹ phải lao tâm khổ tứ. Làm cha mẹ thật
chẳng dễ dàng gì!

Y Đồng trút giận lên đồ đạc ở trong phòng. Mẹ chồng
định qua khuyên giải nhưng lại không dám vì càng sợ khiến cho con dâu bực bội
thêm. Bà đành vừa lau bếp vừa lẩm nhẩm:

– Cầu xin Bồ tát phù hộ, hãy giúp cho quan hệ giữa hai
vợ chồng con trai con được hoà thuận êm ấm, phù hộ cho con cháu con được bình
an ra đời!

Y Đồng cắt nát mấy bộ quần áo của Văn Bác rồi mà vẫn
chưa hết tức, miệng còn đang chửi:

– Đồ khốn nạn, cả ngày ong bướm ở ngoài. Nhà dột từ
nóc dột xuống, bố anh chắc cũng chẳng đàng hoàng gì!

– Con à, đừng mắng nữa, đã đói bụng chưa? Mẹ làm ít
canh cho con, mau ăn đi!

– Không ăn, bà làm có ra cái gì đâu mà ăn!

– Mẹ vẫn làm theo yêu cầu hàng ngày của con mà, con
nếm thử xem, ăn đi cho bổ!

Y Đồng miễn cưỡng đón lấy bát canh, uống một ngụm rồi
đột nhiên gào lên:

– Khó uống chết đi được, canh gì mà lại thế này? Bà
chưa nấu canh bao giờ à?

– Mẹ làm theo yêu cầu của con mà?

– Bà nếm thử đi!

Y Đồng nói rồi hất bát canh vào người mẹ chồng. Nước
canh nhỏ giọt xuống nền nhà. Nhìn thấy con dâu làm vậy, bà chẳng nói gì, chỉ
lặng lẽ ngồi xuống nhặt xương và những mảnh bát vỡ dưới đất, sau đó lấy khăn
lau sạch sàn nhà.

– Như thế thì làm sao lau sạch được, bà không biết
dùng cây lau nhà lau cho sạch rồi mới dùng khăn lau à? – Y Đồng gắt lên.

Mẹ Văn Bác lặng lẽ đi lấy cây lau nhà. Y Đồng vẫn chưa
chịu buông tha:

– Bà đẻ con kiểu gì thế hả? Bà giáo dục anh ta kiểu gì
hả? Bà có vô văn hoá đến đâu cũng không thể không giáo dục con cái như thế
được!

Mẹ Văn Bác vừa lau dọn vừa nghe Y Đồng mắng mỏ. Là dâu
mà như thế này thật khiến cho bố mẹ chồng đau đớn trong lòng. Bố Văn Bác không
nói gì, chỉ trầm ngâm ngồi hút thuốc, hút hết điếu này đến điếu khác.

Người ta đều nói mẹ chồng – nàng dâu như oan gia. Trên
đời này, hầu như tất cả mẹ chồng và con dâu đều xung khắc với nhau. Đương nhiên
cũng có những cặp mẹ chồng, nàng dâu rất hoà hợp, nhưng dù sao đó cũng chỉ là
số ít. Người ta thường nói, mẹ chồng không phải là mẹ đẻ, thế nên cách đối đãi
của bà với con dâu và con trai là khác nhau. Nhưng mẹ chồng có thể tôn trọng,
quan tâm và thông cảm với con dâu đã là tốt lắm rồi, sao cứ phải bới lông tìm
vết, so đo tính toán tính tí một?

Trong con mắt của các nàng dâu, tất cả các bà mẹ chồng
đều đáng ghét, đều ngoa ngoắt, đều khó tính. Cứ mười gia đình thì phải chín gia
đình có mẹ chồng, nàng dâu bất hoà, không khí vô cùng căng thẳng. Nếu như mẹ
chồng với con dâu ở riêng ra thì có lẽ quan hệ sẽ đỡ hơn. Cứ ở chung dưới một
mái nhà thì chắc chắn bất đồng là khó tránh khỏi.

Thực ra, phương pháp tránh xung đột mẹ chồng, nàng dâu
rất đơn giản, đó là sống riêng. Tục ngữ có câu: “Xa thơm gần thối”. Đương
nhiên, mẹ chồng, nàng dâu sống riêng rồi cũng cần phải tôn trọng lẫn nhau. Mẹ
chồng không được can thiệp quá nhiều vào chuyện riêng của con dâu. Thực ra, mẹ
của Văn Bác rất tốt, bà chưa bao giờ can thiệp vào chuyện của con dâu, cũng
chưa bao giờ đòi hỏi gì từ con trai, con dâu, thỉnh thoảng lên chơi còn mang
cho các con ít đặc sản quê nhà. Một bà mẹ chồng như vậy biết đi đâu để tìm đây?
Nhưng tại sao con dâu với mẹ chồng vẫn bất hoà? Thế thì rõ ràng chỉ có một khả
năng duy nhất: con dâu thành phố coi thường bà mẹ chồng nhà quê.

Có người nói, nếu bạn sinh một đứa con trai mà không
dạy dỗ nó tử tế, vậy là bạn đã hại cả gia đình mình rồi đấy. Nếu như bạn sinh
một đứa con gái mà không dạy dỗ nó tử tế, như vậy là bạn đã hại cả nhà người
khác. Nếu như bạn có thù với ai, vậy hãy thật nuông chiều con gái rồi gả con
gái cho con trai nhà đó, thế là cả nhà người ta coi như xong, vậy là mối thù
của bạn đã được báo.

Từ đó có thể thấy, một đứa con gái được nuông chiều sẽ
trở nên đáng sợ như thế nào sau khi đã thành con dâu nhà người ta!

Sau khi rời khỏi nhà, Văn Bác chẳng còn nơi nào để đi,
đành phải đến văn phòng. Đến văn phòng, trong phòng cũng chẳng có ai. Lúc này
anh mới nhớ ra hôm nay là cuối tuần. Nhìn văn phòng trống không, anh thật muốn
nhảy qua cửa sổ. Đây là tầng tám, nhảy xuống đất chắc chắn sẽ tan xương nát
thịt. Một người đàn ông bị bức bách đến mức độ này thật quá tội nghiệp!

Văn Bác muốn thoát khỏi xiềng xích trên người, nhưng
mặc cho anh có vùng vẫy thế nào cũng chẳng thể thoát ra được, chỉ có thể cam
chịu khổ đau.

– Văn Bác, sao cuối tuần mà anh vẫn đến công ty thế?
Lại làm thêm giờ à? – Đột nhiên có tiếng người hỏi.

Văn Bác ngẩng đầu lên nhìn, hoá ra là đồng nghiệp
Trường Tân. Anh cười như mếu:

– Tôi đến lấy đồ, còn cậu? Làm thêm giờ à?

– Haiz, đừng nhắc nữa! Tối qua tôi để quên phiếu thu
tiền điện thoại ở công ty. Phải trả mất hai trăm tệ tiền điện thoại mà vợ cứ
không tin, bắt tôi phải mang hoá đơn về! – Trường Tân thở dài.

– Người anh em, vợ cậu cũng kiểm soát cậu à?

– Tiền lương mỗi tháng, vừa đến tay, còn chưa được
nóng ví đã phải nộp cho vợ rồi!

– Ôi trời, cậu trở thành nô lệ rồi à?

– Đúng thế, chẳng còn cách nào khác cả, bà xã tôi ghê
gớm lắm!

– Hoá ra chúng ta là đồng bệnh thương lân à? Chỉ có
điều tôi vẫn rắn hơn cậu, tôi dám đánh cô ta!

– Cái gì? Anh đã từng đánh vợ à?

Đột nhiên Trường Tân chỉ ra bên ngoài, vẻ mặt hoảng
hốt:

– Người anh em, anh đi đời đến nơi rồi! Nhìn kìa, vợ
anh dẫn người đến thanh toán anh kìa!

Văn Bác giật nảy mình, vội vàng nhìn ra cửa. Chẳng có
gì hết. Lúc này Trường Tân mới bật cười sung sướng:

– Tôi lừa anh đấy! Xem anh sợ hết hồn kìa, còn nói là
dám đánh vợ à?

– Cậu dám chọc tôi à?

– Tôi chỉ muốn kiểm tra rốt cuộc anh sợ vợ đến đâu
thôi mà!

– Tôi sợ vợ á? Nực cười! Tôi sợ vợ lúc nào?

– Không sợ á? Thế anh căng thẳng gì chứ?

– Tôi sợ cô ta mang bầu, lại chạy ra ngoài, nhỡ động
thai thì sao? Tôi chỉ lo cho đứa bé thôi, cậu tưởng tôi sợ cô ta chắc?

– Thật không?

– Không tin thì thôi!

Đang nói chuyện thì bảo vệ gọi điện cho Trường Tân,
nói rằng vợ anh đến tìm. Trường Tân không dám chậm trễ, vội vàng chạy xuống đón.
Văn Bác ở trong phòng ngột ngạt liền ra ngoài hít thở không khí trong lành. Anh
loáng thoáng nghe thấy tiếng vợ Trường Tân mắng anh:

– Chẳng phải nói anh rằng anh nộp phí điện thoại hết
hai trăm sao? Sao ở đây ghi có 170 tệ? Còn ba mươi tệ nữa đâu rồi? Có phải giấu
vào túi riêng không hả?

– Bà xã à, 30 tệ đó anh mua bao thuốc lá rồi!

– Thuốc đâu?

– Thuốc mời bạn hết rồi!

– Thuốc gì mà tận 30 tệ?

– Hoàng Sơn.

– Được lắm, anh dám hút loại thuốc 30 tệ một bao, anh
đúng là muốn tán gia bại sản rồi! – Vợ Trường Tân vừa mắng vừa đánh chồng.

– Bà xã à, em đừng giận mà! – Trường Tân cười giả lả.

– Anh dám hút bao thuốc tận 30 tệ bạc, anh không nhìn
lại bản thân mình đi? Anh chẳng qua cũng chỉ là đồ phế phẩm!

– Bà xã, anh đâu muốn mất mặt trước bạn bè, em cũng
biết đàn ông ai chẳng sĩ diện… – Trường Tân ấp úng.

– Hừ? Thể diện? Anh còn thể diện chắc? Anh ăn của tôi,
mặc của tôi, dùng cũng của tôi, có cái gì là không phải của tôi chứ? Anh còn
dám con nhà lính tính nhà quan à? – Vợ Trường Tân càng mắng càng dữ dội.

– Bà xã, là anh sai rồi, anh xin lỗi em!

– Anh cút ngay, trả nhà, trả xe cho tôi, đó đều là của
tôi! Anh biến càng xa càng tốt!

Văn Bác nhìn thấy Trường Tân bị vợ mắng chửi tới tấp
mà không dám phản bác lại nửa lời, trong lòng vô cùng bùi ngùi. Nhớ lại lúc
trước, chẳng phải lúc trước anh cũng luôn bị Y Đồng mắng chửi thậm tệ như vậy
hay sao. Lúc đó, anh ở trong nhà Y Đồng, chỉ cần cãi nhau một cái là cô ta đuổi
anh ra khỏi nhà, mắng anh là đồ vô dụng. Mỗi lần nhắc lại chuyện này, trong
lòng anh lại vô cùng khó chịu, anh đã thề nhất định mình phải kiếm thật nhiều
tiền.

Đến giờ, Văn Bác đã có thể ngẩng cao đầu, anh đã mua
được nhà, sắp tới chuẩn bị mua xe. Anh đã được làm giám đốc, tiền lương hàng
chục nghìn tệ, cuối cùng anh đã có thể ngẩng cao đầu trước mặt vợ. Nghĩ thế,
anh bật cười. Bị ấm ức, tủi nhục nhiều như thế, mối thù này sao có thể không
trả? Anh nhẫn nhục đợi ngày thành đạt, đợi đến ngày hôm nay. Những cảnh tượng
nhục nhã trước đây lần lượt hiện về trước mắt anh.

Trong lòng Văn Bác rối bời, gần như là một mớ hỗn độn.
Anh nằm dài trên ghế sa lông trong văn phòng, mơ màng chìm vào giấc ngủ.

Chẳng biết mơ màng được bao lâu, Văn Bác cảm thấy toàn
thân lạnh giá, miệng khô đắng, đầu anh vừa căng vừa nhức, anh khó nhọc mở mắt
ra, thấy trời đã sáng. Hoá ra đã sang ngày mới rồi, Văn Bác bị cảm rồi, toàn
thân anh mềm nhũn, chẳng còn chút sực lực nào, đầu anh nóng bừng mê man.

Đúng lúc ấy, đột nhiên bên ngoài hành lang vang lên
tiếng bước chân rất vui tai, là tiếng giày cao gót giẫm lên nền nhà lát đá hoa.
Văn Bác muốn uống nước, anh khó nhọc đứng dậy, cầm cái cốc đi lấy nước. Đột
nhiên, chân anh trượt đi, cả người ngã ra đất.

Văn Bác khổ sở bò dậy. Cánh cửa mở ra, một cô gái trẻ
bước vào. Văn Bác ngẩng đầu nhìn, hoá ra là Lương Tuyết. Lương Tuyết nhìn thấy
dáng vẻ khổ sở của anh, lo lắng hỏi:

– Văn Bác, anh sao thế?

– Đầu anh đau lắm! – Văn Bác yếu ớt nói.

Lương Tuyết cúi xuống dìu Văn Bác đứng dậy, sờ tay lên
trán anh:

– Nóng quá, anh bị sốt rồi! Mau đến bệnh viện thôi!

– Không cần đâu, cám ơn em, anh uống ít thuốc là khỏi
thôi!

– Không được, đầu anh nóng lắm, nhất định phải đến
bệnh viện!

– Không sao đâu, anh uống thuốc là được mà! Anh không
đến bệnh viện đâu!

– Anh có mang theo thuốc không? Ở đâu, để em lấy cho?

– Không có, để anh đi mua!

– Bộ dạng anh thế này còn ra ngoài được sao? Để em đi
mua cho!

– Cảm ơn em, vậy làm phiền em nhé!

– Đừng khách sáo, nào, uống chút nước trước đã!

Lương Tuyết rót một cốc nước rồi đưa cho Văn Bác uống.
Văn Bác cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút, miệng đã đỡ khô hơn, nhưng toàn thân anh
vẫn chẳng có chút sức lực nào.

– Anh nằm nghỉ chút đi, em ra ngoài mua thuốc trước,
anh đợi em nhé! – Lương Tuyết nói rồi liền chạy ù ra ngoài.

Văn Bác nằm trên ghế, nghĩ đến tất cả những chuyện đã
xảy ra giữa anh và Lương Tuyết, trái tim anh càng không thể lặng yên. Hồi đó
nếu kết hôn với cô, có lẽ cuộc sống của anh giờ đã khác.

Văn Bác và Lương Tuyết là đồng nghiệp, trước khi anh
kết hôn, hai người đã có mối quan hệ khá thân thiết. Lương Tuyết là người tốt,
cô thường xuyên giúp đỡ Văn Bác, Văn Bác cũng thường xuyên quan tâm đến cô, hai
người họ có thể coi là những người bạn tâm đầu ý hợp. Không hiểu vì lí do gì mà
hai người không yêu nhau. Tình yêu vốn dĩ như vậy, chỉ vô tình lướt qua người
ta.

Về sau, Văn Bác quen với Y Đồng, kết hôn với cô, nhưng
anh đâu có ngờ, đó đúng là một cơn ác mộng. Văn Bác rất đau khổ, phiền muộn.
Mãi cho đến khi giữa anh và Lương Tuyết nảy sinh mối quan hệ ngoài hôn nhân,
Văn Bác mới nhận ra rằng, hồi ấy anh không yêu và cưới Lương Tuyết đúng là một
sai lầm lớn nhất trong đời. Làm thế nào đây? Giờ đưa ra lựa chọn này liệu có
phải đã quá muộn?

Văn Bác hối hận vì hồi đó đã không suy nghĩ thận
trọng. Đương nhiên anh cũng đâu ngờ, một người sau khi kết hôn lại có thể thay
đổi nhiều đến như thế, cứ như thể là hai con người hoàn toàn khác nhau vậy. Kết
hôn đồng nghĩa với việc, một cô gái trở thành một người đàn bà, ngoài điều này
ra, nó còn có nghĩa là cô gái này từ nay sẽ có chồng, có bố mẹ chồng, sẽ bắt
đầu đóng vai trò là một người vợ, một người con dâu. Nhưng Y Đồng nào có giống
một người vợ? Cô ta giống một Hoàng thái hậu thì đúng hơn.

Đầu Văn Bác càng lúc càng nóng hơn, đau đớn dữ dội,
mũi cũng tắc nghẹt không thở được, bệnh tình rất nghiêm trọng.

Một lát sau, Lương Tuyết hộc tốc quay lại, trong tay
cầm một túi thuốc. Cô thở hồng hộc, nói:

– Em mua hai loại thuốc, anh uống thuốc cảm cúm trước,
nếu như không đỡ thì uống giảm sốt. Nào, để em rót nước cho anh, anh uống thuốc
đi!

– Cảm ơn, làm phiền em quá!

– Khách sáo gì chứ? À phải rồi, cuối tuần mà anh còn ở
công ty làm gì? Làm thêm giờ ạ?

– Haiz, em đừng nhắc nữa, có nhà mà không thể ở nổi!

– Sao thế? Anh lại cãi nhau à?

– Haiz, giờ anh sống không bằng chết, khốn khổ lắm!

– Anh đừng nghĩ ngợi nhiều, nếu anh cảm thấy áp lực
quá, có thể xin nghỉ phép đi đâu đó giải khuây, sao cứ phải ở đó mà chịu ấm ức?
Còn người sống chẳng phải là để theo đuổi hạnh phúc và vui vẻ sao?

– Đúng thế, anh cũng muốn đi ra ngoài giải khuây,
nhưng mà cứ mỗi lần anh bước chân ra khỏi cửa là cô ta lại gọi điện cho bố mẹ
anh, nói rằng anh mất tích, nói là đi hú hí với con nào, làm cho cả nhà anh
không thể yên được! Bố mẹ anh tuổi tác đã cao, sao có thể chịu nổi sự giày vò
đó!

– Haiz, cũng phải! Người như cô ta đúng là hiếm gặp!

– Thôi thì sống qua ngày nào biết ngày đó! À phải rồi,
Lương Tuyết, chuyện lần trước, em còn hận anh không?

– Hận anh ư? Em đã hết giận anh từ lâu rồi, nếu hận em
mua thuốc cho anh làm gì?

– Thế thì tốt quá! Anh cứ lo cho em sẽ hận anh, ngày
nào anh cũng thấy rất phấp phỏng, áy náy, cảm thấy có lỗi với em, thiệt thòi
cho em!

– Đừng nghĩ ngợi nhiều nữa, chúng ta vẫn là bạn bè mà!

– Em là một cô gái tốt, quen với em đúng là phúc phận
mấy đời của anh, không thể gặp được người con gái nào tốt hơn em cả!

– Em tốt á? Tốt chỗ nào?

– Chỗ nào cũng tốt, thật đấy! Em rất lương thiện, biết
quan tâm, nhiệt tình, còn có lòng nhân ái. Con gái bây giờ ai cũng nhẫn tâm, ai
cũng ghê gớm, chẳng phải loại dễ đối phó!

– Thật không? Em không tốt như anh tưởng đâu, cái mà
anh nhìn thấy chỉ là một phần của em thôi, anh còn chưa nhìn thấy nhược điểm
của em mà!

– Em có nhược điểm gì, nói anh nghe xem nào!

– Em có cả đống nhược điểm, thật đấy, rất rất nhiều!

– Ví dụ như?

– Ví dụ như: Em rất hẹp hòi, thù dai, còn nữa, em rất
hay đố kỵ! Nói chung là rất nhiều!

– Những cái đó anh thấy đều là ưu điểm!

– Ưu điểm á? Anh không nhầm đấy chứ?

Văn Bác bật cười, dường như anh đang được trở lại
những thời khắc ngọt ngào khi hai người bí mật qua lại với nhau. Những ngày
tháng ấy, mặc dù họ phải lén lén lút lút, nhưng cả hai đều rất vui. Văn Bác
thầm nhủ, đều tại mình lấy vợ sớm quá!

Hai người nói chuyện một lúc lâu. Văn Bác uống thuốc,
cảm thấy đỡ hơn một chút.

Lương Tuyết liền nói:

– Anh còn chưa ăn gì đúng không? Hay là em ra ngoài
mua cho anh ít đồ ăn nhé!

– Không cần đâu, anh không sao, em ngồi với anh một
lúc là được!

– Cứ để em đi mua cho anh chút gì ăn, đói bụng sao
chịu nổi?

– Tuyết à, không cần thật mà!

Văn Bác âu yếm nhìn Lương Tuyết:

– Tuyết à, dạo này anh nhớ em lắm!

– Anh đừng như vậy! – Lương Tuyết nói.

– Em sao thế?

– Chúng ta hãy làm bạn bè bình thường thôi!

– Tại sao?

– Em không muốn làm kẻ thứ ba, như vậy vô đạo đức quá!
Lại không tốt cho cả anh và em!

– Sau này anh nhất định sẽ ly hôn với cô ta, chỉ có
điều, tạm thời phải để em chịu ấm ức rồi!

– Em sẽ không làm như vậy đâu, anh nên đối xử tốt với
chị ấy, em tin nếu anh dùng trái tim nhất định sẽ cảm hoá được chị ấy!

– Cảm hoá cô ta á? Cô ta đã trở thành một bệnh nhân
tâm thần, không biết phải trái gì hết! Anh đã thất vọng triệt để về cô ta rồi!

– Nhưng hiện giờ anh vẫn chưa ly hôn, vẫn là chồng hợp
pháp của chị ấy. Anh không thể làm những việc trái đạo đức như vậy!

– Trái tim anh giờ đã nguội lạnh rồi! Sự quan tâm và
chăm sóc của anh, sự nhẫn nhục và nhường nhịn của anh… tất cả đều không thể cảm
hoá cô ta!

– Anh nên đối xử tốt với chị ấy một chút, dù gì chị ấy
cũng sắp sinh rồi, phải giữ gìn! Em có chút việc, em phải đi đây!

– Tuyết ơi, em đừng đi!

– Văn Bác, anh đừng như vậy, bị ai nhìn thấy thì không
hay đâu!

Văn Bác đành phải để Lương Tuyết đi ra. Anh ngây người
nhìn theo bóng cô. Lúc bóng Lương Tuyết biến mất sau cánh cửa, anh từ từ ngả
người xuống ghế, mê man chìm vào cơn mộng mị.

Tối đó, Văn Bác tỉnh dậy, anh đã thấy đỡ hơn, đầu cũng
bớt đau nhức. Anh đã nằm ở công ty hai ngày trời, cảm giác rất khó chịu, định
về nhà tắm rửa một lát. Về đến nhà, Y Đồng không có ở nhà, không cần hỏi cũng
biết chắc chắn cô ta đã về nhà mẹ. Cô ta chưa bao giờ coi cái nhà này là nhà
của mình cả. Văn Bác nghĩ bụng, có thể bởi vì đây là nhà đi thuê nên cô ta
không có cảm giác gắn bó như nhà mình. Vậy thì chuyển sang chỗ ở mới vậy, dù
sao căn nhà mới cũng đã được tu sửa xong xuôi. Anh nhắn tin cho Y Đồng: “Ngày
mai chuyển nhà, nhà mới đã sửa sang xong rồi.”

Ngày hôm sau, bạn bè Văn Bác hay tin anh chuyển sang
nhà mới nên lần lượt đến chúc mừng. Văn Bác đặt hai bàn tiệc ở nhà hàng. Lương
Tuyết cũng đến góp vui. Văn Bác rất vui mừng. Các đồng nghiệp thi nhau chúc
rượu Văn Bác. Văn Bác vui lắm, tâm trạng anh hôm nay rất nhẹ nhõm nên cứ mặc
sức uống. Khi đã ngà ngà say, anh nói:

– Cảm ơn mọi người, sau này hãy thường xuyên đến chơi
nhé! Từ nay tôi đã vùng dậy rồi!

Các
đồng nghiệp đều bật cười, vỗ tay chúc mừng anh. Trong lòng Văn Bác chợt dâng
lên cảm giác ngọt ngào xen lẫn chua xót…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.