Jane Eyre (Jên Erơ)

Chương 11: Gia đình Rivers



Tôi chỉ còn một việc phải làm: ra đi. Tôi lấy mọi thứ trong các ngăn kéo ra, để quần áo thành một đống, rồi gói thành mấy gói. Tôi có một ít tiền, và có thể sống được vài ngày; tôi mang đi một ít nước và bánh mì. Tôi đưa mắt nhìn Thornfield một lần cuối, rồi cất bước lên đường.

Tôi không kìm được nước mắt của mình, nên vừa đi, vừa khóc. Rồi, chẳng mấy lúc, tôi kiệt sức, và ngã vật xuống. Tôi chợt nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường. Tôi bèn ra hiệu cho bác xà ích, nhờ bác đưa mình tới thành phố nào gần nhất. Để trả tiền xe, tôi đã đưa bác tất cả số tiền mình có.

Tôi tới Whitecross, trong túi không còn một xu và, sau khi xe đã đi rồi, tôi mới nghĩ ra là mình đã bỏ quên trên xe, tất cả các gói đồ của mình.

Tôi cố định hướng, rồi phát hiện, trong đám thạch thảo, có một chỗ trũng, có thể ngồi xuống đấy nghỉ, mà không ai nhìn thấy mình. Tôi nhắm mắt lại. Cảnh ngộ tôi không sáng sủa gì, nhưng, trong đời mình, tôi cũng đã nhiều lần phải đối mặt với nỗi bất hạnh. Tôi đã biết cách chế ngự mình, kháng cự lại mình, ra lệnh cho mình nữa.

Tôi không thể để cho mình bị hạ được.

Tôi lại tiếp tục lên đường, và sau hai giờ đi bộ, tôi tới một ngôi làng. Tôi dừng lại trước một hiệu bánh mì. Thử hỏi có cái gì, mà tôi còn tiếc không bỏ ra, để được quyền ghé răng cắn vào một ổ bánh tròn nữa? Tôi bước vào hiệu. Một người đàn bà hỏi tôi cần gì. Bất chợt, tôi cảm nhận thấy mình đỏ mặt lên vì xấu hổ: Jane Eyre đã trở thành một con bé ăn xin! Không thể thế được!

– Thưa bà,- tôi nói với giọng một người sắp chết, – bà cho phép tôi được nghỉ nhờ một lúc, tôi đang bị mệt.

– Cô hãy ngồi xuống cái ghế tựa kia.

– Bà có thể nói cho tôi biết, trong làng có ai cần mượn một người hầu gái không ạ?

– Không, tôi không biết có ai..Thế là tôi lại vừa đi tiếp trong phố, vừa nhìn tất cả các nhà, hết nhà nọ, đến nhà kia. Gõ cửa nhà nào đây? Tôi đi hết bên phải, lại sang bên trái, rồi ra khỏi làng. Trời đã tối. Tôi nhận thấy có một cửa sổ mở, và nhìn vào, thì thấy hai cô con gái đang trò chuyện với một bà đã nhiều tuổi, chắc là một bà vú già. Toàn thân mệt mỏi rã rời, tôi bèn tựa lưng vào tường, và nghe thấy tiếng họ nói với nhau. Bà lão đúng là vú già của họ. Bà tên là Anna. Theo tôi hiểu, hai chị em có một ông bố, nguyên là mục sư, vừa mới chết, và lúc này họ đang ngồi đợi người anh trai, cũng là mục sư, tên là Saint – John. Không do dự nữa, tôi gõ cửa.

– Cô là ai? Cô cần gì? – Bà Anna hỏi tôi.

– Tôi muốn được nói chuyện với ông chủ, hoặc bà chủ nhà.

– Cô có thể nói cho tôi biết là mình cần gì.

Tôi sẽ truyền đạt lại yêu cầu của cô. Nhưng tôi không biết cô…

– Tôi không có chỗ nào để ngủ. Bà xem có thể cho phép tôi qua đêm trong một kho thóc không?… Và rồi, tôi còn đang bị đói lả nữa.

– Một người đang đói, thì chúng tôi không nỡ từ chối, mà phải cho ăn thôi, nhưng cho cô ngủ nhờ thì lại là cả một chuyện khác. Tôi tin chắc là cô có thể tự xoay xở được. Đây, cô cầm lấy ít tiền, và bây giờ thì để chúng tôi được bình yên!

Bà đóng cửa lại, và tôi nghe thấy cả tiếng cài then. Lần này, thì thật tôi không còn chống lại nổi tai họa đang đè nặng lên người mình. Tôi ngã vật xuống đất.

– Tôi chỉ muốn chết. – Tôi lẩm bẩm trong miệng.

Bất thình lình, tôi nghe thấy có tiếng nói ở ngay gần mình:

– Ai nói gì đến chết chóc thế?… Tôi không thể để cho một người con gái phải chết trước cửa nhà mình được!

Những lời nói đó đã làm cho tôi thấy bối rối.

– Nào, nhanh lên, bà Anna… Mở cửa ra nào!

Tôi là John Rivers đây!

Cánh cửa được mở ra. Bà Anna đang cầm một cây nến đã thắp và, dưới ánh nến, tôi đã nhận thấy rõ hai người trong nhà.

– Nhanh lên, hãy giúp tôi một tay nào!

Chúng ta không thể để một con người ở ngoài cửa được, dù người đó là ai đi nữa..Mấy phút sau, tôi đã được ở bên một ngọn lửa ấm áp, toàn thân vẫn còn run rẩy.

– Cô ấy đang ốm. – Bà Anna nói.

Tôi buông mình xuống một cái ghế tựa. Di-ana, một trong hai cô gái, cho tôi ăn bánh mì và uống sữa.

– Cô ăn đi, – cô ấy bảo tôi. – Giúp chị một tay nào, Marie.

Tôi ăn ngấu nghiến, tôi nuốt chửng, tôi uống lấy, uống để.

– Cô là ai? – Marie hỏi tôi.

– Tên tôi là Jane… Tôi dừng lại một lát. Tôi là Jane Elliot. Như thế, – tôi nghĩ bụng, – nếu họ đi tìm mình, thì sẽ chẳng dễ gì tìm thấy mình được.

– Tôi không thể nói được gì nữa, – tôi nói thêm… – Tôi mệt quá. Tôi xin lỗi…

Saint – John bảo bà Anna:

– Bà đừng hỏi cô ấy nữa… Cho cô ấy thêm bánh mì và sữa, nếu cô ấy còn muốn ăn. Còn ba chúng tôi, Diane, Marie và tôi, thì cần bàn định một chút.

Rồi họ rút vào một phòng khác. Tôi ngủ gà, ngủ gật; lò sưởi tỏa ra hơi ấm dễ chịu khiến tôi đờ đẫn cả người. Bà Anna giúp tôi leo lên cầu thang, rồi tôi chìm vào một giấc ngủ say, sau khi đã được nếm mấy giây phút sung sướng không tả được: niềm sung sướng của kẻ bị đắm tàu, đã ngoi được lên mặt nước, và nhìn thấy đất liền đang chào đón mình.

Tôi cứ tiếp tục ngủ thiếp đi như thế trong nhiều ngày liền. Tôi không còn ý niệm gì về thời gian, và đối với tôi, chiều tối cũng chẳng khác gì sớm mai.

Dần dần, tôi đã cử động được, tôi đã nhổm dậy trên giường, và nói chuyện được. Tôi quyết định phải tắm rửa. Tôi bám vào tay vịn cầu thang, đi xuống nhà, và vào đến bếp, không gặp trắc trở gì. Mùi thơm dễ chịu của bánh mì tỏa ra khắp bếp.

– ồ! Cô đấy ư? – Bà Anna nói. – Thế là cô khỏi rồi! Tôi rất mừng thấy cô đã khỏe!

Bà vừa làm, vừa nói với tôi.

– Nhớ lại khi nhìn thấy cô lần đầu, tôi cứ ngỡ cô là một con bé ăn xin.

– ồ! – Tôi nói. – Tôi không giận bà đâu!…

Rồi tôi đòi bà Anna cho tôi được giúp bà.

Trong khi cắt gọt hoa quả để làm bánh kem mứt,.tôi đã được nghe rất nhiều chuyện về gia đình Rivers de Marshend, về John và hai cô em anh…

– Các cô cậu ấy cũng sắp về rồi, và nhìn thấy cô đã khỏi, họ sẽ vui sướng lắm đấy.

Bà Anna nói đúng. Khi nhìn thấy tôi, họ đã chào hỏi rất tử tế.

– Cô đã dậy được, thế là tốt. Nhưng chúng tôi không quen tiếp khách trong bếp, đó là giang sơn của bà Anna. Mời cô ra phòng khách với chúng tôi.

Không lâu sau đó, tôi gặp Saint – John. Anh chưa quá ba mươi. Tầm vóc cao lớn, anh có thể tự hào với một cái đầu đẹp như đầu một pho tượng cổ.

– Xin cảm ơn anh, – tôi nói, – nhưng tôi mong sẽ không phải lạm dụng lâu dài lòng hiếu khách của anh.

– Tốt lắm, – Saint – John nói. – Vậy cô sẽ nói cho chúng tôi biết là chúng tôi phải viết thư cho ai… Các bạn cô sẽ đến đây đón cô.

– Tôi không có bạn, cũng chẳng có gia đình.

– Cô không còn gia đình ư? – Anh thốt lên.

– Không có bà con nào còn sống ư?

– Thưa anh, không.

– Thế trước đây, cô ở đâu?

– Đó là một điều bí mật mà tôi muốn được giữ kín.

Tôi đã lấy lại được sức lực. Tôi cảm thấy mình lại có khả năng đương đầu với những hiểm họa mới, tôi lại sẵn sàng chiến đấu.

– Thưa anh, – tôi vừa nói, vừa nhìn thẳng vào mắt người đang nói chuyện với mình, – trước hết, xin anh hãy để tôi được nói lời biết ơn anh.

Anh đã cứu sống tôi.

– Tôi thấy sung sướng đã giúp được cô.

– Xin anh hãy nghe tôi nói: cha mẹ tôi đã chết, khi tôi hãy còn bé. Tôi được đưa vào ở trại trẻ mồ côi Lowood trong tám năm. Tiếp đó tôi làm gia sư trong một nhà rất tốt, và ở đó, tôi rất sung sướng. Nhưng chuyện xảy ra với tôi, sau đó, thật là lạ lùng, và điều bí mật của tôi chính là ở chỗ đó.

– Anh Saint – John này, – Diana nói với anh trai mình, – anh lại sắp làm cho cô Elliot phát sốt lên đấy. Xin anh để cô ấy được yên!

Cô Elliot! Bất giác tôi rùng mình. Tôi đã quên mất tên mới của mình.

– Thế tên cô là gì, hả cô? – Anh hỏi tôi..- Thật ra, tên tôi không phải là Elliot. Đó chỉ là cái tên tôi đã chọn, nhằm giữ kín điều bí mật của mình.

– Chúng tôi sẽ không để cô rời bỏ chúng tôi đâu, – Diana nói. – Anh tôi sẽ thu xếp tất cả những chuyện đó. Saint – John này, anh đừng quên là cô ấy chỉ còn trông cậy vào anh thôi đấy.

– Tất nhiên rồi. – Anh đáp.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.