Nhưng cũng ngay lúc đó. Ngoài sân có tiếng chân nhiều người đi tới. Rồi tiếng thái giám đi trước báo:
– Hoàng hậu giá lâm!
Tử Vy nghe nói tái mặt. Nhĩ Khang, Nhĩ Thái, Vĩnh Kỳ cũng căng thẳng theo.
Đúng vậy, Hoàng hậu dẫn theo Dung ma ma và một đám thái giám, cung nữ theo hầu, đang bước vào Thấu Phương Trai.
Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang và Nhĩ Thái vội quỳ xuống tung hô:
– Hoàng Ngạc nương kiết tường!
– Thần Phước Nhĩ Khang, Phước Nhĩ Thái tham kiến Hoàng hậu nương nương. Chúc Hoàng hậu nương nương kiết tường.
Hoàng hậu vừa trông thấy cả ba, đã nổi máu xung thiên lớn tiếng:
– Thì ra cả ba đều ở đây? Sao chuyện cướp tù vui chứ?
Vua Càn Long, Lệnh Phi và đám cận thần bước ra, Hoàng hậu chưa kịp nói gì thì nhà vua đã trừng mắt nói:
– Hoàng hậu! Khanh đến đây kịp lúc lắm. Nếu khanh không đến có lẽ ta đã sang Khôn Ninh cung tìm khanh!
Hoàng hậu liếc qua thấy có Lệnh Phi bên cạnh vua, trong khi đó Tiểu Yến Tử và Kim Tỏa lại đứng lấp ló nơi cửa phòng, mà chẳng ra nghinh tiếp, đã bực mình, bà nhìn quanh rồi cất cao giọng hỏi:
– Bẩm Hoàng thượng, có phải hôm nay ở Thấu Phương Trai này có “đại hội gia đình” không?
Vua cũng cao giọng không kém:
– Hoàng hậu nói chí phải. Trẫm vừa nhìn nhận Tử Vy. Hiện nó là cách cách của trẫm đấy!
Hoàng hậu tức giận ra mặt:
– Hoàng thượng! Sao lại nhận bừa cách cách vậy? Hoàng thượng có biết mình đang làm gì không chứ?
– Sao lại không? Ta vậy đó! Chỉ cần thấy thích là bất kể một đứa con gái nào trong dân gian, không có cha, ta đều nhận làm cách cách được. Ngay cả Tiểu Yến Tử, khanh không nghe nó nói ư? “Không vì đó là người thân mà ta mới nhận là thân. Không vì đó là con ruột ta mới xem như con ta được”. Đấy! Nếu Hoàng hậu mà có được cái quan niệm sống đó, mới đáng gọi là Hoàng hậu! Là mẫu nghi thiên hạ!
Hoàng hậu bực tức:
– Hẳn là thiếp phải một lần nữa nói lời trung ngôn thôi!
Vua nghe vậy nổi giận:
– Khanh hãy dẹp hết cái “Trung ngôn nghịch nhĩ” của khanh lại đi. Bằng không sẽ phải hối hận đấy! Ta không muốn nghe nữa.
Hoàng hậu không khoan nhượng:
– Thần thiếp không bao giờ hối hận. Thà chết chứ không muốn để Hoàng thượng bị bọn tiểu nhân lừa dối. Hoàng thượng hãy suy nghĩ sáng suốt đi, đừng có để hai đứa con gái có lý lịch bất minh kia làm điên đảo. Ngũ A Ca cướp ngục! Hoàng thượng không trừng phạt! Huynh đệ nhà họ Phước giả thánh chỉ cướp tù. Hoàng thượng cũng bỏ qua. Trái lại còn chém đầu trung thần Lương Đình Quế. Như vậy là phải thành trái, trái thành phải. Có phải sẽ để dư luận sau này cười chê không?
Vua nghe Hoàng hậu nói, vỗ bàn:
– Nói bậy!
Hoàng hậu vẫn bướng:
– Hay là bây giờ Hoàng thượng cũng muốn chém cả đầu thần thiếp nữa?
Vua lấy trong người ra, ba tờ khẩu cung lập sẵn, ném lên bàn nói:
– Cái này là mật lệnh của khanh phải không? Khanh muốn tóm gọn tất cả những người mà khanh không ưa chứ gì? Khanh thật là ác, quá lắm! Trẫm không chém đầu khanh, vì khanh là Hoàng hậu. Nhưng bản chất hẹp hòi nhỏ nhoi của khanh, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích kia thì quá ác. Đúng ra với cái tội đó, trẫm có thể truất phế khanh, nhưng trẫm không làm. Trẫm muốn để khanh vào Tông Nhân Phủ, ở đấy sẽ truy cứu công án này. Nghe nói nơi đó vừa dơ bẩn, vừa tối, rắn rết, chuột bọ đủ cả. Khanh và Dung ma ma đến đó nếm mùi để biết tù tội nó khổ thế nào, hầu đừng động tí là bắt người vào Tông Nhân Phủ!
Hoàng hậu nghe nói tái mặt, Dung ma ma thì run rẩy, bà ta nắm lấy chéo áo của Hoàng hậu nói:
– Hoàng hậu! Xin đừng đôi co với Hoàng thượng nữa, hai mươi năm tình nghĩa vợ chồng, trăm năm cùng chung chăn gối. Đó là phúc phần. Hãy cố nhịn nhục mà hưởng, rắc rối chỉ thiệt thôi!
Rồi quỳ xuống trước mặt vua, bà vừa khóc vừa nói:
– Bẩm Hoàng thượng! Xin Hoàng thượng hiểu cho. Cá tính của nương nương là vậy. Hoàng thượng hẳn đã biết nhưng Hoàng hậu là người tốt, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sự an nguy của Hoàng thượng mới hành động như vậy thôi.
Vua khoát tay lạnh lùng:
– Những điều này, trẫm đã nghe nói nhàm tai rồi. Vì vậy ta quyết định Hoàng hậu! Ngày mai khanh phải đến Tông Nhân Phủ!
– Thần thiếp phạm tội gì?
– Phạm tội gì ư? Bảo thái giám giả thánh chỉ, mật lệnh cho Lương Đình Quế tra khảo hai cách cách, một a đầu, lại còn cấu kết mưu hại Lệnh Phi, Phước Luân… Bao nhiêu thứ đó còn chưa đủ ư? Còn chờ gì nữa?
Hoàng hậu nghe vua kết tội giật mình, chối:
– Thần thiếp nào có hạ lệnh cho Lương Đình Quế tra khảo bọn họ, chỉ truyền miệng là phải kết thúc trọng án nhanh, thế thôi, còn tất cả là tại Lương Đình Quế tự ý hành động cả.
Vua lạnh lùng:
– Tiếc là bây giờ hắn đã chết nên chẳng còn ai đối chứng!
Hoàng hậu thấy thái độ của vua, biết là “ân đã đoạn và tình đã dứt” Rồi nghĩ đến cảnh tối tăm ngục tù ở Tông Nhân Phủ. Vào đó là coi như đã vào lãnh cung, nên chống trả quyết liệt.
– Cứ cho rằng đó là lời truyền miệng của thiếp. Nhưng việc làm đó thiếp cũng chỉ vì Hoàng thượng trừ hại mà thôi.
Lời của Hoàng hậu càng khiến vua giận dữ:
– Đến nước này mà khanh còn nói như vậy ư? Vậy là hết thuốc chữa rồi, không phạt khanh là không được.
Nói rồi, vua quay ra sau:
– Nhĩ Khang!
– Dạ có thần.
– Hãy đưa Hoàng hậu đến Tông Nhân Phủ nhốt lại cho ta!
Nhĩ Khang đứng yên không dám hành động. Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái cũng ngơ ngác. Vua thấy vậy càng giận hơn.
– Tại sao ta bảo mà mi lại đứng yên đó? Lần trước Tử Vy bị bà ấy dùng kim đâm cả người. Lần này lại cho thuộc hạ dùng roi sắt đánh không thương tiếc. Con người nhẫn tâm như vậy, làm sao còn tư cách để làm Hoàng hậu nữa chứ! Đây là người đàn bà cực ác. Nhĩ Khang, Nhĩ Thái bọn ngươi hãy đưa bà ta đến Tông Nhân Phủ ngay đi, không được chậm trễ, trẫm ra lệnh đấy!
Bấy giờ mọi người mới biết là vua ra lệnh thật. Không khí căng thẳng. Bởi vì ai cũng biết Hoàng hậu ở vị trí Quốc mẫu chỉ kém vua, đâu thể tùy ý kết tội. Hoàng hậu mà bị cho vào tù, là cung đình có thể đại loạn đến nơi.
Vĩnh Kỳ vội quỳ xuống, thành khẩn:
– Xin Hoàng A Ma bớt giận cho. Hoàng Ngạc nương dù gì cũng là Quốc mẫu, có làm sai thế nào cũng không nên xử lý như thế. Triều Đại Thanh của chúng ta từ nào đến giờ chưa có một Hoàng hậu nào bị đưa vào Tông Nhân Phủ. Vả lại Thập Nhị A Ca cũng còn nhỏ quá, không thể sống xa mẹ ruột. Vì vậy con xin Hoàng A Ma nể tình suy xét cho.
Dung ma ma cũng dập đầu:
– Xin Hoàng thượng bớt giận! Xin Hoàng thượng bớt giận!
Trong khi Hoàng hậu nghe vua, mỗi lời nói ra đều chỉ trách móc, đều là kết án. Ngôn ngữ lạnh lùng chẳng giống như lời nói giữa chồng với vợ. Biết là lòng vua đã lạnh. Nên cả lời xin tội giùm của Vĩnh Kỳ mới bị gạt phăng. Vừa tuyệt vọng, vừa đau khổ. Bà nhìn quanh, chợt thấy trên bàn có một giỏ may, trong đó có đủ vải lụa, kim may và kéo. Thế là bà trờ đến, chụp ngay chiếc kéo, mọi người còn đang kinh ngạc không biết bà định làm gì. Nhĩ Khang, Nhĩ Thái thì nhanh chân bước tới cản trước mặt vua, trong khi vua hốt hoảng:
– Hoàng hậu! Khanh định làm gì đấy?
Hoàng hậu cầm kéo lên, chẳng phải để đâm ai cả, mà quay lại tự cắt lấy mái tóc của mình. Vừa cắt vừa hét:
– “Trung ngôn nghịch nhĩ” không nghe. Vậy thì ta bỏ đi tu khuất cho rồi! Ở đây làm gì?
Mọi người đứng đó đều sững sờ. Dung ma ma nhảy tới cố chụp lấy chiếc kéo giằng lại:
– Hoàng hậu! Làm gì phải khổ thân như vậy? Tự dày vò mình chẳng ích lợi gì! Hoàng hậu làm thế chỉ một mình Dung ma ma này khổ thôi!
Vĩnh Kỳ cũng nói:
– Hoàng hậu ơi! Đừng nên thế! Cắt tóc rồi Hoàng hậu sẽ nói sao với thần dân?
Và cũng nhảy vào giật lấy chiếc kéo. Khiến tất cả đều ngã nhoài xuống đất. Cuối cùng rồi chiếc kéo cũng được giữ lại. Dung ma ma bị thương ở tay, còn Hoàng hậu thì như điên như dại. Tóc lại bị cắt ngắn mấy đoạn.
Cả phòng như bị náo động hẳn lên. Tử Vy tới quỳ trước Hoàng hậu một cách tự tin, ôn tồn nói:
– Bẩm Hoàng hậu nương nương. Con biết, trong giờ phút này Hoàng hậu rất giận, rất thù con. Nhưng con tin rằng, rồi có một ngày nào đó Hoàng hậu sẽ hiểu ra, yêu con, thích con hơn.
Mọi người căng thẳng chờ phản ứng của Hoàng hậu, nhưng chỉ thấy người đưa mắt ngây dại nhìn Tử Vy. Người như hiểu ra. Cái cô cách cách lai lịch bất minh này, có một sức mạnh thu hút vô hình mà mình không phải là địch thủ. Nhưng chuyện đến nước này coi như không cứu vãn được nữa, tự mình đã đánh bại mình. Mái tóc đối với người Mãn là tượng trưng cho cái gì cao quý vô biên cũng bị đánh mất. Giống như quyền lực cũng bị đánh mất. Bà chợt thấy hối tiếc. Mới thấy mình nông nổi. Rồi thời gian tới đây. Nơi Tông Nhân Phủ lạnh lẽo sẽ phải sống ra sao? Nghĩ đến chuyện đó, bà chợt ôm mặt khóc òa.
Tử Vy bạo dạn quấn lại mái tóc cho Hoàng hậu, rồi quay qua Dung ma ma:
– Dung ma ma! Xin bà hãy chăm sóc chu đáo cho Hoàng hậu nhé!
Rồi quay qua vua Càn Long. Tử Vy sụp xuống nói:
– Hoàng A Ma! Người vừa chấp nhận con! Trong cái nỗi vui này xin người hãy vì con mà tích đức, hãy tha thứ một lần cho Hoàng hậu. Đừng giận người nữa. Nơi gọi là Tông Nhân Phủ kia, đã từng có hai cách cách bị đưa vào. Nơi đó không tốt đâu, đừng để Hoàng hậu vào đấy. Ân trạch của Hoàng thượng ban bố khắp nơi. Không vì người thân mà thân, không vì con ruột mới coi như con mình. Há chi Hoàng hậu lại là người vợ đã thắm tình phu thê của Hoàng thượng. Hãy hứa với con đi. Coi đấy là quà tặng con, thì Tử Vy này vô cùng tạ ơn Hoàng A Ma.
Vua đăm đăm nhìn Tử Vy, không tin được là Tử Vy lại rộng lượng như vậy.
Và không phải chỉ một mình vua, mà tất cả những người có mặt tại đấy đều bị cái nghĩa khí cao quý của Tử Vy chinh phục.
Hoàng hậu và Dung ma ma tiếp tục khóc và như nghĩ ra, Dung ma ma quay qua sụp xuống lạy tạ Tử Vy.
Trở lại câu chuyện của chúng ta. Hôm ấy vua cùng Nhĩ Khang, Nhĩ Thái, Vĩnh Kỳ đi dạo trong hoa viên. Người tuy sảng khoái, nhưng nghĩ đến chuyện cướp tù vẫn bực mình không vui.
– Cái chuyện “cướp tù” đó, trẫm không nhắc đến nữa, nhưng cả ba từ đây về sau, cố mà tự kiềm chế một chút. Đừng để chuyện không hay tiếp tục xảy ra. Chuyện của Tiểu Yến Tử và Tử Vy coi như đã khép, còn chuyện giữa Nhĩ Khang và Trại Á. Ta nghĩ không thể kéo dài mãi được, phải giải quyết thôi.
Nhĩ Khang nghe nhắc đến, sợ hãi:
– Bẩm Hoàng thượng, thần đã có nói rồi, thần không thể cưới Trại Á được, mong Hoàng thượng xét lại!
Vua nhìn Nhĩ Khang thông cảm:
– Chuyện riêng của khanh, trẫm đã biết. Riêng với Tử Vy trẫm cũng yêu quý nó vô cùng, nếu không có chuyện lỡ hứa, thì trẫm nhất định sẽ kết hợp cho hai ngươi, đằng này đã lỡ ước danh với vua Tây Tạng rồi. Lời vua “nhất ngôn cửu đỉnh”, đâu thể lật ngược lại được. Vì vậy, trẫm, ngươi và Tử Vy đành phải hy sinh thôi. Đó là cái giá phải trả của quân thần. Ngay Tử Vy bây giờ đã là cách cách thì cũng phải vì nước, vì đại cuộc vậy.
Vĩnh Kỳ muốn nói giúp cho Nhĩ Khang, nên chen vào:
– Hoàng A Ma, hay là người nên tìm một biện pháp khác. Bởi vì Tử Vy và Nhĩ Khang trước đó đã thề non hẹn biển. Trước đó con đã nghe Tử Vy nói với Nhĩ Khang:”Sông có cạn, núi có mòn, tình thiếp với chàng mới phai” Hoàng A Ma, với những người hữu tình như vậy, Hoàng A Ma nỡ nào chia lìa họ chứ?
Vua Càn Long như bị chấn động:
– “Sông có cạn, núi có mòn, tình thiếp với chàng mới phai”. Ai nói vậy? Tử Vy đã nói vậy ư?
Nhĩ Khang gật đầu với ánh mắt khổ sở. Nhĩ Thái nói:
– Bẩm Hoàng thượng, hay là Hoàng thượng hãy mở thêm một cuộc thi tỉ thí, và cho phép tất cả các vương tôn công tử tham gia. Biết đâu trong số người đó Trại Á và Ba Lạc Bình sẽ phát hiện được người tài năng vượt trội hơn Nhĩ Khang mà chọn thì sao?
Vua suy nghĩ rồi nói:
– Đó cũng là một cách, để ta suy nghĩ xem.
Nhưng ngay sau đó, chợt tất cả nghe tiếng Tiểu Yến Tử hét:
– Trại Á này! Mi định chạy đâu? Đừng tưởng võ nghệ ta kém hơn cả ngươi nữa nhé!
Bạn đang xem tại
TruyệnFULL.vn
– www.TruyệnFULL.vn
Vua và cả đám Vĩnh Kỳ nhìn lại thì thấy Trại Á sử dụng roi sắt, còn Tiểu Yến Tử sử dụng roi chín khúc, hai người đang phi thân rượt đuổi nhau. Nhưng thay vì căng thẳng, họ lại có vẻ như đùa.
Trại Á vừa đánh vừa cười nói:
– Nào Hoàn Châu cách cách, đến đây! Đến đây!
Tiểu Yến Tử phi thân đến cận Trại Á:
– Ta đến đây. Đánh cho ngươi “Nước chảy hoa rụng”
Tiểu Yến Tử đã sử dụng thành ngữ “Lạc Hoa lưu thuỷ”. Trại Á thì cười nói:
– Cái gì nước? Có cái “Ha ba nước mũi chảy hoa rụng” thì có.
– Ha ha! Xem ngươi kìa! Ta tưởng chỉ có ta là hề thôi, ngươi lại làm ta muốn bể bụng!
Hai người vừa giỡn vừa đánh, rượt nhau chẳng mấy chốc đã đến trước mặt vua.
Trại Á trông thấy Nhĩ Khang, thích quá, chạy đến quên cả chuyện đánh nhau:
– Nhĩ Khang! Mấy hôm rày huynh trốn ở đâu vậy? Hại muội đi tìm huynh muốn chết!
Trong khi Nhĩ Khang trông thấy Trại Á định bỏ trốn lại trốn không kịp.