Chợt nhiên trước mặt có một đám đông, họ quây kín cả một cô gái khoảng mười bảy mười tám tuổi. Cô gái đang quỳ mọp dưới đất. Trước mặt là một tờ giấy trắng to. Trên đó có viết mấy chữ lớn: “Bán mình chôn cha”. Phía dưới có ghi thêm lời trần tình.
“Tiểu nữ Thể Liên cùng cha định lên đường đến kinh thành tìm người thân, không may vừa đến đây thì cha lâm trọng bệnh. Bao nhiêu tiền của đổ cả vào việc thuốc thang, vậy mà cha già vẫn không qua khỏi. Thể Liên này chẳng ai thân thích nơi này, tiền bạc lại chẳng còn, chỉ còn biết bán mình lấy tiền chôn cha, nếu ai nhân từ quân tử, khẳng khái giúp đỡ, an táng được cha già, thì Thể Liên này nguyện làm tôi mọi suốt kiếp, để báo đền nghĩa ân”.
Tiểu Yến Tử đứng gần nghe Tử Vy đọc, khều bạn ra xa nói.
– Hãy nhìn kỹ xem, con bé đó có đóng kịch không? Thật hay giả vậy?
Tử Vy hỏi:
– Nếu thật thì sao mà giả thì sao?
Tiểu Yến Tử cười:
– Thì nếu đúng là sự thật, mình sẽ cho họ tiền, họ có tiền thì không cần phải bán thân, còn nếu giả thì ta vẫn cho tiền có khi còn cho nhiều tiền hơn, vì “cùng nghề cũ” mà.
Hai người đang nói chuyện, thì đột nhiên có tiếng hét, rồi ở đâu xuất hiện ba bốn gã mặt mày bậm trợn. Trong đó có một tên cao lớn chắc là đầu đảng, mặt đỏ gấc vì rượu. Hắn bước thẳng đến chỗ cô gái quỳ, xốc cô gái lên, lớn tiếng.
– Làm gì mà lại “bán thân chôn cha” nữa chứ? Lão ta hôm trước đã cho ngươi tiền. Có nghĩa là đã mua được ngươi rồi. Vậy thì ngươi đã là người của ta, thế mà dám trốn ra đây bán thân lần nữa ư?
Cô gái vùng vẫy, nói:
– Không đúng! Không đúng! Tôi chưa hề lấy một đồng một cắc gì của ông cả. Xác cha tôi còn nằm trong miếu kia, nếu có tiền tôi đã chôn cha! Ông nói dối! Tôi chưa phải là người của ông, mà tôi cũng không bao giờ bán thân cho ông đâu!
“Bốp!” Gã đại hán táng cho cô gái một tát tai nói:
– Ngươi dám cãi lại ta ư? Ngươi không bán mình cho ta thì ta cũng quyết mua cho được ngươi!
Những tên bặm trợn đi theo, cũng đồng họa:
– Đúng! Đúng! Bọn ta đều thấy ngươi lấy tiền của Trương Thiếu Gia đây, không được chối. Nào bọn mình bắt cô ta đi thôi, không đôi co gì cả!
Tiểu Yến Tử chẳng bao giờ giữa đường thấy chuyện bất bình bỏ qua, vì vậy phi thân một cái, đến cạnh cô gái, ra lệnh.
– Bọn bây hãy để cô ta lại!
Gã đại hán họ Trương thấy có người can thiệp, văng tục.
– Để cái chó gì? Me ngươi!
Nhưng gã ta chưa kịp dứt lời thì “Bốp!” một cái, đã ăn phải một cái tát xiểng niểng. Thì ra người ra tay không phải là Tiểu Yến Tử mà là Vĩnh Kỳ. Chàng phóng nhanh vào cuộc lúc nào không hay. Vĩnh Kỳ đánh xong, nói:
– Miệng mồm ngươi tục tĩu như vậy, chứng tỏ ngươi không phải hạng đàng hoàng, ngươi chỉ là thứ côn đồ! Người ta thân gái cùng đường, vậy mà còn bị chúng bây áp chế bức hiếp, vậy là sao? Ta hạ lệnh cho các ngươi hãy buông tha cô gái, nghe chưa?
Gã đại hán chẳng biết thân, hét:
– Tên láu cá này từ đâu đến? Dám chọc giận ông nội ngươi ư?
Hét xong là vung tay đánh tới. Bọn tay sai thấy chủ ra tay, cũng nhảy vào hành động. Chúng đâu biết sau lưng của Vĩnh Kỳ còn có cả đám hảo hán, nên vừa đánh vừa nói:
– Kiếm đao gì tung ra hết, chặn đường đừng để cho tên phá thối này chạy thoát!
Ông Phước Luân thấy vậy, chẳng còn cách nào khác hơn là ra lệnh:
– Nhĩ Khang! Nhĩ Thái đâu, các con hãy ra trợ giúp cho Vĩnh Kỳ đi!
Nhĩ Khang, Nhĩ Thái không đợi đã nhảy vào trận, cuộc hỗn chiến xảy ra. Vì bọn Khang, Thái, Kỳ sử dụng phương thức liên hoàn chiến, nên chỉ một lúc sau toàn bộ đám côn đồ, đứa sưng mặt, đứa gãy tay ngã lăn cả.
Tiểu Yến Tử lúc bấy giờ mới phủi tay, chỉnh lại áo, đắc ý nói:
– Đã quá! Đã quá! Thế nào? Xong chưa? Có đứa nào còn chưa phục thì cứ đứng dậy đánh tiếp đi nào!
Tên đầu đảng nằm dưới đất, vẫn cố trừng mắt:
– Ngươi dám đụng đến cha ngươi, thì ở đó coi chừng, bọn ta không tha cho bọn ngươi đâu!
Nhưng vừa dứt lời, hắn đã bị Nhĩ Khang nhặt một hòn đất nhét vào mồm, làm câm họng ngay, Nhĩ Khang hỏi:
– Nào! Còn đứa nào dám lải nhải nữa không, nói đi!
Đến lúc đó đám côn đồ mới im thinh thít.
Ông Phước Luân nói:
– Xong chuyện rồi chúng ta đi thôi, để chuyện nổ to không tốt đâu. Từ đây về sau Tiểu Yến Tử phải cố mà lạnh một chút. Đừng nên can thiệp vào chuyện người nữa.
Tiểu Yến Tử nói:
– Nhưng mà… giữa đường thấy chuyện bất bình, làm sao đành đứng yên để họ hiếp đáp lương dân được?
Vua Càn Long cũng không muốn mọi người để ý, nên nói:
– Được rồi! Xong rồi! Bọn ta lên đường thôi.
Thế là mọi người lên ngựa tiếp tục đi. Chợt Vĩnh Kỳ quay qua thấy Thể Liên cứ lẽo đẽo theo sau, Kỳ vội dừng lại, nói:
– Mọi người hãy đợi một chút. Chúng ta chỉ biết đánh nhau mà chưa nghĩ đến hậu quả, bỏ quên cô gái thế này, nên chăng?
Và quay qua Thể Liên hỏi:
– Cha cô hiện đặt ở đâu?
Thể Liên bước tới trước mặt Vĩnh Kỳ quỳ xuống lạy, rồi chỉ về phía trước:
– Xác cha tôi hiện đặt trong ngôi miếu rách đằng kia kìa.
Vĩnh Kỳ móc tiền trong túi ra trao cho cô gái:
– Này hãy lấy tiền này mà chôn cha. Còn dư lại thì để làm lộ phí, mà vào kinh tìm người thân.
Bạn đang xem truyện được sao chép tại:
TruyenFull.vn
chấm c.o.m
Thể Liên nhận tiền, cúi xuống lạy Vĩnh Kỳ, mặt ràn rụa nước mắt:
– Thiếu gia! Thiếu gia ơi! Vậy thì… tôi đã là người của thiếu gia rồi!
Vĩnh Kỳ nghe vậy, khoát tay:
– Không, không phải! Chẳng phải ta dùng tiền đó mua ngươi đâu. Chẳng qua là ta muốn giúp đỡ ngươi, thôi hãy đi lo chuyện chôn cha ngươi đi!
Cô gái bối rối:
– Nhưng mà… nhưng mà… tôi phải làm sao đây. Bọn họ thật đáng sợ. Họ cứ đeo đuổi quấy rầy tôi. Tôi chẳng làm sao được cả.
Nhĩ Khang nói:
– Điệu này, tôi nghĩ cô gái hẳn còn gặp rắc rối. Bọn côn đồ kia chẳng dễ buông tha, sợ là cô gái chưa chôn được cha thì tiền đã bị cướp sạch!
Nhĩ Thái cũng nói:
– Vâng, chúng ta đã trót cứu người, thì phải cứu cho trót. Bằng không e rằng khi ta bỏ đi, dê lại rơi vào miệng cọp.
Ông Phước Luân bứt rứt:
– Nhưng không lẽ phải lo trọn gói? Còn phải ở lại lo chôn xác cha cô ta nữa ư?
Tiểu Yến Tử nghe vậy tán đồng ngay:
– Đúng rồi! Đợi chôn xong đi cũng chưa muộn.
Ông Phước Luân lắc đầu. Những thuộc hạ cùng đi cũng có vẻ không hài lòng. Chỉ có vua Càn Long là cười nói:
– Thế này có lẽ tối nay ta phải tạm nghỉ lại một khách điếm nào gần đây vậy, đành phải vậy thôi.
Sau khi chôn cất cha Thể Liên xong, mọi người lại tiếp tục lên đường. Đoàn người ngựa đi được một khoảng đường dài. Vĩnh Kỳ đột ngột quay nhìn phía sau, chợt phát hiện vẫn có người lầm lũi theo đoàn. Nhìn kỹ thì ra lại là Thể Liên, Vĩnh Kỳ không dằn được, dừng ngựa lại hỏi:
– Sao vậy? Sao ngươi lại cứ đi theo bọn ta? Ta đã bảo, xong việc rồi, ngươi phải lên đường về kinh tìm người thân, đừng có đi với bọn này nữa mà?
Thể Liên ấp úng:
– Nhưng thiếu gia đã mua tôi, thì tôi đã là người của thiếu gia rồi.
Vĩnh Kỳ bực dọc nói.
– Đừng! Đừng có nói như vậy, ta nào có mua ngươi bao giờ? Chẳng qua là ta muốn giúp đỡ ngươi thôi. Chứ nhà ta đã có cả đám A đầu rồi, đâu cần nữa? Thôi ngươi hãy quay lại, tìm đường về kinh đi!
Thể Liên cúi đầu chẳng đáp, nhưng khi Vĩnh Kỳ nhìn xuống bấy giờ mới phát hiện đôi giày của Thể Liên đã rách nát và vì cô ta cố tình chạy cho kịp xe nên chân của Thể Liên cũng đã rướm máu. Vĩnh Kỳ thấy vậy chỉ biết lắc đầu, nói:
– Thôi được rồi, tạm thời ngươi hãy trèo lên phía sau đi, đến trạm phía trước, rồi ta sẽ sắp xếp để ngươi được đến Bắc Kinh cũng được.
Vĩnh Kỳ đưa tay kéo Thể Liên lên, hai người ngồi cùng một ngựa, đuổi theo đoàn.
Nhĩ Thái thấy Vĩnh Kỳ chở theo cô gái, ngạc nhiên:
– Sao vậy? Sao lại mang theo cô ta nữa chứ?
Vĩnh Kỳ chỉ nói:
– Đến trạm trước mặt sẽ tính sau.
Tiểu Yến Tử ngồi trong xe nhìn ra sau, Vĩnh Kỳ làm gì, Yến Tử đều trông thấy rõ cả.
Khi đến trạm. Vĩnh Kỳ lúc này mới thấy là, giải thích thế nào với Thể Liên đều không được. Cô gái cứ khẳng khái một thái độ “chết sống với chủ”. Dù Vĩnh Kỳ có xua đuổi, cô nàng vẫn một mực lắc đầu với nước mắt.
– Thiếu gia đã mua tôi, thì tôi thuộc về thiếu gia, tôi phải theo phục vụ người. Tôi là người ăn ít, không tốn kém lắm đâu, đừng ngại.
Vĩnh Kỳ cố nhẫn nhục giải thích:
– Tôi đã nói với cô rồi. Chúng tôi đang đi công chuyện đường xa, chứ nào có về nhà đâu, nên mang cô theo không tiện. Bắt đầu từ bây giờ, cô được tự do và tự lo cho thân cô đi!
Như vẫn không yên tâm. Vĩnh Kỳ móc tiền trong túi ra:
– Đây này, hãy giữ lấy số tiền này. Lấy mua giày, mua áo quần. Mướn xe đến Bắc Kinh hoặc về quê gì cũng được!
Tiểu Yến Tử bước tới, giả vờ nói:
– Thiếu gia này, tôi thấy tốt hơn là thiếu gia nên cho cô ấy theo cùng. Ít ra thì ngồi cùng trên một ngựa, có người nói nói cười cũng giải khuây chán!
Nhĩ Thái nghe Tiểu Yến Tử nói phụ họa thêm:
– Đúng đấy! Suốt đường đi, tôi thấy Thể Liên cô nương đã nói chuyện với thiếu gia nhà mình rất tâm đắc. Người ta hiện nay cũng đang bơ vơ, thì thiếu gia có làm tốt cũng nên làm cho trót vậy!
Những điều Tiểu Yến Tử và Nhĩ Thái nói càng khiến Thể Liên xúc động, nàng quỳ xuống lạy Vĩnh Kỳ nói:
– Xin thiếu gia đừng xua đuổi. Tôi sẽ hết sức cố gắng phục vụ và không để phiền thiếu gia đâu. Tôi xin hứa!
Vĩnh Kỳ rất bực, nhưng chẳng biết phải xử sự ra sao đành quay qua cầu cứu Tử Vy:
– Tôi phải để cô ấy cưỡi ngựa chung là bởi vì giày cô Thể Liên bị rách, không thể đi bộ được, xin Tử Vy hãy giúp tôi tìm cho cô Thể Liên một đôi giày đi!
Lời của Vĩnh Kỳ tuy nói với Tử Vy, nhưng thật ra là để giải thích Thể Liên cưỡi ngựa chung với mình cho Tiểu Yến Tử biết. Không ngờ điều đó càng khiến Tiểu Yến Tử bực tức, cô nàng bỏ đi chỗ khác ngay. Tử Vy thấy vậy, vội nháy mắt ra hiệu, thế là Vĩnh Kỳ cũng đứng dậy rượt theo.
Tiểu Yến Tử đi một mạch đến bên chiếc cầu nhỏ, cố vờ như không màng đến chuyện Vĩnh Kỳ, mà chỉ ngắm cảnh.
Vĩnh Kỳ đuổi tới, hỏi:
– Cô đang giận tôi đấy ư?
Tiểu Yến Tử không quay lại, nói:
– Ai nói với huynh là tôi giận huynh?
– Thế Yến Tử đứng đây làm gì?
– Thì ngắm cảnh chứ làm gì?
Vĩnh Kỳ lúng túng, nhưng rồi lại nói:
– Cô không vào trong chăm sóc cho lão gia, người sẽ cho người đi tìm cho xem!
Lời của Vĩnh Kỳ càng khiến Tiểu Yến Tử bực.
– Chẳng phải là huynh mới mua được một con A đầu ư? Sao chẳng bảo nó vào hầu cho lão gia mà cứ bắt tôi hầu? Huynh cũng đâu có bỏ tiền ra mua tôi đâu, mà lên giọng sai tôi thế này thế nọ chứ?
Vĩnh Kỳ thì đã quen thói kẻ cả từ trước đến giờ, nên cũng chẳng chịu thua, lớn tiếng:
– Hôm nay cô làm gì kỳ lạ vậy? Chuyện cô bé Thể Liên là do cô gây nên, cô thích làm anh hùng, nhảy vào can thiệp chuyện người khác, rồi đánh lộn, rồi bày chuyện giúp người chôn cha. Mọi thứ do cô cả, thế mà còn giận hờn gì? Còn chuyện cưỡi ngựa chung thì tôi thấy cô ta cứ lẽo đẽo theo sau, mà chân rướm máu không lẽ không thông cảm. Cô tưởng chỉ có cô là có lòng hào hiệp thôi à?
Tiểu Yến Tử bị chất vấn, đỏ mặt:
– Có nghĩa là huynh nói tôi nhỏ mọn hẹp hòi ư? Từ nào đến giờ có lúc nào tôi vỗ ngực xưng mình là người hào hiệp bao giờ? Còn huynh? Chuyện huynh thấy người ta bị rách giày chảy máu, huynh quan tâm chăm sóc, thì cứ ở đấy chăm sóc người ta đi, ra đây lằng nhằng mà làm gì chứ?
Vĩnh Kỳ trợn mắt:
– Như vậy có nghĩa là cô ghen ư?
Tự ái Tiểu Yến Tử bị va chạm, bèn lớn tiếng:
– Huynh đừng có nằm mơ, làm gì có chuyện ấy? Bộ huynh tưởng huynh là “Cậu ấm” rồi ai cũng phải chiêm ngưỡng yêu huynh cả ư? Nếu vậy thì huynh lầm! Cho huynh biết, huynh chẳng có nghĩa lý gì với tôi cả.
Lời Tiểu Yến Tử làm Vĩnh Kỳ đỏ mặt, chàng lùi hẳn về phía sau:
– Cô đúng là con người ngang bướng, chẳng biết phải trái gì cả. Tôi thật lấy làm tiếc là đã lầm cô!
Câu nói của Vĩnh Kỳ càng xúc phạm tự trọng của Tiểu Yến Tử hơn và không còn gì cản ngăn cô nàng được nữa.
– Đúng rồi! Tôi là người không có phong độ, không biết suy nghĩ vô học. Vậy thì huynh hãy đi đi, đừng có ở đây quấy rầy nữa. Đi đi! Tôi không muốn nhìn mặt huynh!
– Tôi có nói là cô vô học không có phong độ bao giờ?
– Huynh đã nói! Rõ rànng là huynh đã nói! Ý huynh rõ ràng là như vậy!
Và Tiểu Yến Tử cúi xuống nhặt một viên đá, ném thẳng về phía Vĩnh Kỳ. Điều này khiến Vĩnh Kỳ tức giận, lắc đầu:
– Rõ là đã hết thuốc chữa!
Và quay đầu bỏ đi.
Còn lại, Tiểu Yến Tử như chiếc bóng bị xì hơi, đứng bên cầu cứ ngơ ngẩn, không biết sao mình lại hành động như vậy.
Và như vậy là cô gái Thể Liên được đi theo đoàn.