Tuy bảo đây là cuộc “Di phục xuất tuần” (Cải trang tuần hành), nhưng khi một vị hoàng đế rời khỏi cung cấm thì không đơn giản. Đoàn hộ giá vẫn có xe, có ngựa, võ tướng, tùy tùng, rầm rầm rộ rộ, dù tất cả đều mặc thường phục, nhưng đội ngũ chẳng kém một đoàn quân.
Chiếc xe ngựa to lớn đi trước, chậm rãi ra khỏi cổng thành, tiến về phía ngoại ô, đoàn hộ tống lặng lẽ đi phía sau. Trong cỗ xe, có vua Càn Long, Tiểu Yến Tử, Tử Vy và sư bá Kỷ Hiểu Phong. Còn phía ngoài là Nhĩ Khang, Nhĩ Thái, Vĩnh Kỳ, ông Phước Luân, Ngạc Mẫn, Bác Hằng, Thái y, mỗi người một ngựa.
Nhà vua ngồi trong xe, mê mẩn thả hồn theo cảnh sắc bên ngoài. Những ngọn núi xanh, những cánh đồng trải dài trước mắt, giang sơn cẩm tú của mình. Bất chợt ngẫu hứng người phán:
– Hôm xuất hành đầu tiên, trời nắng tốt thế này thật tuyệt. Khung cảnh lại hữu tình. Trách gì Tiểu Yến Tử tối ngày cứ nghĩ đến chuyện trốn ra ngoài cung. Không khí khoáng đãng khiến trẫm vô cùng sảng khoái!
Rồi cao hứng người quay sang Tiểu Yến Tử:
– Tiểu Yến Tử, thường ngày ta cứ nghe Tử Vy hát, hôm nay ta lại muốn nghe thử giọng con thế nào, hát ta nghe xem?
Tiểu Yến Tử nghe nói, giật mình:
– Dạ… dạ… Hoàng… Hoàng lão gia. Người… Người muốn nghe giọng hát của con thật ư?
Vua nhíu mày:
– Cái gì mà… Hoàng lão gia? Vừa ra khỏi cửa ngươi đã quên mất. Phải gọi ta là Ái lão gia, rõ chưa?
Tiểu Yến Tử gật đầu, đáp:
– Vâng, Ái lão gia. Nhưng mà giọng hát của con làm sao bì được giọng của Tử Vy chứ? Con hát như ếch kêu vậy.
– Không sao cả, cứ hát!
Tiểu Yến Tử không làm sao khác hơn được, đành cất giọng. Mắt lại nhìn về phía sư bá Kỷ Hiểu Phong.
– “… Này là chú bé con, vai mang cặp đến trường. Nào sợ gì mưa hay nắng gió, mà chỉ sợ là thầy mắng học ngu…”
Vua Càn Long từ nào đến giờ, chưa hề được nghe một bài đồng dao lạ lùng như vậy, nên rất thích thú, quay qua Kỷ Hiểu Phong nói:
– Này Kỷ sư phụ, Tiểu Yến Tử nó hát bản này đúng với tâm trạng nó đó!
Kỷ sư phụ cười:
– Vâng, lão gia nói phải, và tôi cũng mong là cô ấy biết sợ thầy như nội dung bài hát!
Tử Vy thấy mọi người đang vui, nên cũng ngẫu hứng dựa trên âm vần bài hát, Tử Vy hát một bài tương tự.
– “… Này là này cô gái kia, vai mang cặp đến trường, sợ thì sợ cả chuột lẫn gián, nhưng ghét nhất là tập viết tập đồ chỉ thấy cua bò đã đầy trang…”
Tiểu Yến Tử nghe Tử Vy hát, biết là Tử Vy ghẹo mình nên vung tay dọa về phía Tử Vy, nói.
– Này đừng có ỷ giỏi cười người nhé, coi chừng quả đấm này đấy.
Tử Vy vừa né đòn vừa cười. Vua Càn Long có vẻ không hiểu.
– Viết chữ mà làm gì có cua bò trên giấy?
Tử Vy giải thích:
– Hôm trước Tiểu Yến Tử bị chép phạt, cứ thắc mắc là sao lắm chữ nhiều nét thế, giống như càng cua, nên viết lên giấy như cua bò.
Lời của Tử Vy làm vua và Kỷ sư phụ cười ào. Tiếng hát của Tiểu Yến Tử và Tử Vy ban nãy vang cả ra ngoài xe. Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ cưỡi ngựa đi phía sau đều nghe thấy. Vĩnh Kỳ nói.
– Họ vui vẻ quá hở?
Nhĩ Khang gật đầu:
– Vui thì có vui thật đấy, nhưng tôi vẫn thấy lo, chẳng biết chuyện này rồi sẽ kết thúc thế nào đây.
Nhĩ Thái nói:
– Huynh chỉ khéo lo, có gì đâu mà sợ, họ hòa hợp tốt như vậy thì hy vọng của chúng ta sẽ sớm đạt thôi!
Nhĩ Khang thúc ngựa đến gần xe nhìn vào, chỉ thấy Tiểu Yến Tử và Tử Vy tay nắm tay, cùng hát chung một bài hát:
Hôm nay trời quang đãng, khung cảnh thật hữu tình.
Bướm ong lượn trên hoa, chim đua hói trên cành.
Mây trắng bay lững lờ, vó ngựa động hoa rơi…
Tất cả như đều hát, hợp tấu vang lưng trời…
Tiếng hát cùng tiếng vó ngựa vang vang khắp núi rừng. Cảnh vật như sống động hẳn lên. Vua rất vui, Nhĩ Thái, Nhĩ Khang, Vĩnh Kỳ cũng thư thái, không còn để nỗi lo bận tâm nữa.
o0o
Trên đường đi, thình lình nhà vua cao hứng, muốn ghé ngọn núi bên đường để ngoạn cảnh. Không biết núi này tên là gì, chỉ thấy một màu xanh rì, từ đỉnh núi toàn là các loại cổ thụ lâu năm. Đoàn ngựa xe dừng lại, mọi người cùng nhà vua đi bộ vào núi theo những đường mòn. Chân núi có dòng suối quanh co uốn khúc, hai bên bờ là thảm cỏ xanh mướt. Phong cảnh xung quanh tuyệt đẹp. Nhà vua cứ đứng bên bờ suối ngắm cảnh, cảm thấy lưu luyến không nỡ rời, rồi đột nhiên bảo:
– Đi cả nửa ngày rồi, hèn gì bây giờ thấy đói. Không biết gần đây có chỗ nào bán đồ ăn không?
Nhĩ Khang ngây mặt ra:
– Bẩm… lão gia, ngay bây giờ hay sao?… Có thể là gần đây có làng mạc, lão gia đói bụng thì xin trở lại xe ngồi chờ. Chúng tôi sẽ thử xem sao, hình như nơi này cũng gần Bạch Hà Trang thì phải.
Nhà vua vẫn cảm thấy chưa muốn rời xa cảnh đẹp:
– Nhưng mà phong cảnh nơi đây quả là đẹp quá! Nếu có thể kiếm được rượu với đồ nhắm tới đây, mọi người trải bạt lên cỏ cùng ngồi với nhau, lấy trời làm nhà, lấy đất làm giường, ngắm cảnh non xanh nước biếc, uống vài chung mà trò chuyện, không phải là càng thích thú hay sao?
Anh em họ Phúc đưa mắt nhìn nhau.
Tử Vy hăng hái:
– Tôi vừa mới thấy có nhà cửa của nông dân gần ngay đây thôi. Tiểu Yến Tử, hai đứa mình cùng đi. Chuyện mua rượu với đồ ăn để đàn ông làm không tiện. Đàn ông không biết trọn món nào dở đâu, cũng không biết nấu nướng gì cả. Lại nữa, lỡ người ta không có đồ ăn làm sẵn, thì mình lại còn phải mượn đỡ nồi niêu chén đũa, rồi còn phải có cả mắm muối tương dấm nữa… Làm món ăn thì không thể thiếu gia vị được.
Tiểu Yến Tử vui vẻ gật đầu:
– Phải, phải, phải! Để hai người đàn bà con gái chúng tôi đi cho, lão gia và các vị cứ chịu khó ở đây chờ một lát. Chúng tôi cũng muốn xem thời vận của mình có tốt hay không.
Ông thầy Kỷ cười:
– Vậy thì đi mau đi, đừng có trở về tay không đấy nhá. Cơn ghiền rượu của tôi bắt đầu hành rồi đây này.
Mọi người cùng cười, ai cũng cảm thấy đói bụng.
Nhĩ Khang đề nghị:
– Chỉ có hai người đàn bà con gái đi cũng bất tiện. Hay là để cả ba anh em chúng tôi cùnh đi luôn.
Mọi người đều khen phải. Năm người thanh niên nam nữ vui vẻ kéo nhau trở ra phía đường cái.
Không biết họ đã đi đâu, mà chỉ một lúc không lâu sau đã trở lại, người nào cũng lễ mễ ôm xách từ cặp gà, con vịt, cho đến rau cỏ, bình rượu, chén đũa… và cả nồi niêu nữa.
Rồi lửa được nhóm lên. Tiểu Yến Tử đào một cái hố nhỏ dưới đất để nướng hai con gà, mùi thơm của gà nướng tỏa ra khiến mọi người cảm thấy đói bụng hơn, nhưng tinh thần lại tỉnh táo hẳn ra, trải vải bạt trên cỏ cùng nhà vua ngồi trò chuyện vui vẻ.
Ngay kế đó, Tử Vy kiếm được ba hòn đá lớn, dựng thành cái bếp, bắc chảo lên xào đồ ăn, mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Ba chàng thanh niên đều ngồi quanh phụ việc, chẻ củi lặt rau, dọn chén đũa, ai cũng bận rộn nhưng vui sướng lạ thường. Nhĩ Khang hỏi nhỏ:
– Tử Vy ạ, không có thịt cá gì, xào rau không thế này, hoàng thượng ăn không quen thì sao?
Tử Vy chưa kịp đáp, Vĩnh Kỳ đã lên tiếng:
– Không biết làm sao thì cũng đành phải chịu, những gì gom được thì chúng mình đã gom hết cả rồi.
Tử Vy cười:
– Không sao đau, dù sao cũng có cặp gà với con vịt rồi mà, món thịt như vậy cũng tạm đủ rồi. Vả lại, để hoàng thượng thay đổi khẩu vị cũng tốt chứ.
Nhà vua bị mùi thơm của các món ăn thúc giục, càng cảm thấy đói bụng hơn, quay ra gọi:
– Tiểu Yến Tử, sắp ăn được chưa? Bọn ngươi đang làm gì mà thơm quá vậy, báo hại con ma đói đang hành hạ lục phủ ngũ tạng của ta đây này!
Tiểu Yến Tử quay lại cười hì hì:
– Lão gia, món này không thể nó cho lão gia biết tên đâu!
Nhà vua cảm thấy tò mò:
– Ngươi đừng có lí lắc, nói mau!
Tiểu Yến Tử vừa cười vừa nó:
– Đây là món “Gà ăn trộm”, lấy sự tích ngày trước Khiếu Hóa Tử ăn trôm con gà nướng đó mà!
Nhà vua ngây mặt ra:
– Cái tên gọi thật chẳng thanh nhã chút nào, bộ gà này do ngươi ăn trộm về hay sao?
Mọi người cười vang.
Tử Vy biết nhà vua thích văn chương, ghét những gì thô lỗ, bèn nghĩ ra một tên gọi rồi nói:
– Thật ra tên gọi “Gà ăn trộm” chỉ là dùng trong chốn dương gian quê mùa thôi. Nướng một con thì gọi là “Gà ăn trộm”, nhưng nếu nướng một lượt hai con như vầy thì lại có tên gọi khác, rất thanh nhã.
Nhà vua càng tò mò:
– Ủa, vậy sao? Tên gì?
Tử Vy cười đáp:
– Một cặp gà nướng như vậy có tên là món “Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu”.
(Người dịch chú thích:
Câu này lấy trong bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị đời Đường, mô tả mối tình đẹp mà đau thương của vua Đường Huyền Tông – Tức Minh Hoàng – và nàng Dương Quý Phi. Trong vụ binh biến của An Lộc Sơn, nhà vua phải chạy vào đất Thục, nửa đường quân lính đòi giết Dương Quý Phi, cho là vì nàng mà có cuộc bạo loạn này, Đường Huyền Tông bị ép buộc phải cho lệng thắc cổ Dương Quý Phi nhớ đến người đẹp. Trong bài Trường Hận Ca có hai câu:
Tại Thiên nguyện tác tỷ dực điểu
Tại địa nguyện vi liên lý chi.
Nghĩa là:
Trên trời xin làm chim liền cánh
Dưới đất xin làm cây liền cành.
Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều của Việt Nam, khi viết Cung Oán Ngâm Khúc, mô tả mối tình của vua và nàng quý phi, cũng mượn ý hai câu này:
Tranh tỷ dực nhìn ưa chim nọ,
Đồ liên chi lần trỏ hoa kia. )
Càn Long hoàng đế cười vang, gật gù:
– Hay, hay lắm! Tên gọi thật văn vẻ.
Nhà vua cười vừa chăm chú nhìn Tử Vy, trong lòng thầm cảm phục tài văn chương cũng như trí thông minh của đứa con gái xinh đẹp mà đầy vẻ kỳ lạ này. Nhà vua nói thêm:
– Nhưng mà món ăn có cái tên đẹp như thế thì người ta đâu có nỡ ăn?
Tiểu Yến Tử đã hoàn tất món “Gà ăn trộm”, vui vẻ nói lớn:
– Nướng xong rồi! Ăn được rồi! Gọi tên gì thì lúc đói bụng cũng ăn tuốt.
Mọi người lại cười vang.
Tiểu Yến Tử đem món gà nướng tới, đặt vào giữa, xé gà mời nhà vua va mọi người ăn. Tử Vy thì rót rượu. Nhà vua cũng không câu nệ gì nữa, dùng tay xé gà ăn thử, cảm thấy thơm ngon vô cùng, gật gù khen ngợi:
– Chà! Cái món “Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu” này quả là ngon.
Sau đó thấy Tử Vy đem món xào của nàng tới, khói bốc nghi ngút, mùi thơm xông lên nức mũi, nhà vua hỏi:
– Tử Vy, ngươi xào món gì mà có màu đỏ màu xanh trông đẹp mắt quá vậy?
Tử Vy cười đáp:
– Thưa lão gia, món này gọi là “Hồng chủy lục anh ca” (con chim vẹt lông xanh mỏ đỏ).
Ông thầy Kỷ tấm tắc:
– Tên gọi hay lắm!
Nhà vua dùng đũa gắp thử một miếng, gật đầu:
– Tên gọi đã hay mà hương vị cũng rất ngon. Món “Hồng chủy lục anh ca” này ăn thật lạ miệng.
Đại tướng Ngạc Mẫn nghển cổ mà ngó:
– Cái gì mà “Hồng chủy lục anh ca”? Toàn là rau thôi hà!
Vĩnh Kỳ nói:
– Ông Ngạc à, giữa chốn non xanh nước biếc thanh tú như thế này thì phải có món ăn chứa đựng ý thơ chứ. “Hồng chủy lục anh ca” không phải là một câu thơ hay sao?
Nhà vua cười ha hả, bảo Ngạc Mẫn:
– Đúng, đúng! Mấy ông là dân nhà võ, cho nên thiếu mất sức tưởng tượng mà thôi.
Đại tướng Phó Hằng gắp một miếng rau xào, gật đầu phụ họa:
– Ngon lắm! Quả thật là ngon tuyệt! Tôi chưa từng được ăn món rau nào ngon như vậy. Hôm nay đã có “Tỷ dực điểu”, lại có món “Anh vũ”, đúng là chúng ta có duyên với những loài chim trời.
Tiểu Yến Tử tiếp lời:
– Giả nhu quý vị muốn ăn “Hồng thiêu Tiểu Yến Tử” (chim yến quay) hay bất cứ món thịt chim thú nào, tôi cũng làm được hết.
Mọi người cười vang. Hồ thái y bây giờ mới lên tiếng:
– Hôm nay được ăn những món ngon miệng, lại có tên gọi thật hay. Lần này đi theo lão gia, tôi quả thật có phước.
Ông thầy Kỷ thành thật khen ngợi:
– Phải à, con nhỏ Tử Vy này đúng là có khí chất thanh nhã như lan như huệ. vậy đó.
Tiểu Yến Tử nguýt ông thầy của mình:
– Thưa thầy, còn tôi thì sao?
Ông thầy Kỷ bối rối trước câu hỏi bất ngờ, nhà vua cười bảo:
– Ngươi hả? Ngươi thì “hữu khẩu vô tâm”.
Tiểu Yến Tử phụng phịu:
– Lão gia! Lão gia quá thiên vị rồi đó!
Mọi người cười vang. Ông thầy Kỷ nói:
Đọc Truyện Online mới nhất ở truyen/y/y/com
– Tiểu Yến Tử bây giờ cũng đã tiến bộ nhiều rồi.
Tử Vy lại đem tới thêm mấy món rau nữa. Thấy hai con gà nướng đã biến thành đống xương, bây giờ còn lại toàn là món rau nữa. Nàng nói:
– Lão gia, chúng con thình lình phải làm món ăn, ở chốn quê mùa vắng vẻ này chỉ có thể làm những món ăn tùy tiện thôi. Món rau này là một trong những món thông thường ở nhà quê, nhưng lại có tên gọi rất hay. Đó là món “Yên thảo như bích ty” (Cỏ xứ Yên như tơ biếc – một câu thơ đời Đường).
Mọi người lại cười vang, khen cái tên hay. Nhà vua cũng vui vẻ vô cùng.
Tử Vy trỏ một món rau khác:
– Món này thì có tên “Tần tang đê lục chi” (Dâu xứ Tần buông thấp cành xanh – Thơ Đường).
Với món rau xào khác, bên trên bày ít miếng đậu hủ, nàng nói:
– Còn đây là món “Mạc mạc thủy điền phi bạch hạc” (Hạc trắng bay trên ruộng nước mênh mông – Thơ Đường).
Trỏ một món khác nữa, cũng là rau xào, trên bày trứng gà chiên, nàng giới thiệu:
– Đây là món “Âm âm hạ mộc chuyển hoàng ly” (chim oanh vàng hót trong đám cây mát mẻ mù hè – Thơ Đường).
Nhà vua ngạc nhiên vì những món hương vị lạ miệng, và nhất là những cái tên gọi văn nhã do Tử Vy đặt ra, chứng tỏ nàng là tay văn chương lỗi lạc.
Mấy món rau đã gần hết, Tử Vy bưng tới một con vịt chiên. Nhà vua hỏi:
– Vẫn còn món ăn à? Đây là món gì?
Tử Vy cười:
– Dạ, là món “Phượng hoàng đài phượng hoàng du” (Chim phượng hoàng rong chơi trên đài Phượng Hoàng – Thơ Đường), để ăn với cơm cho no bụng.
Nhà vua khoái trá cười vang. Mọi người vui vẻ cười theo.
Bữa ăn chấm dứt thì cơm và các món ăn cũng sạch trơn. Hôm nay mọi người ăn món ăn ngon, món lạ, lại nhờ khung cảnh hữu tình và không khí thoải mái, nên ăn rất mạnh.
Cơm no rượu đủ, nhà vua càng thêm cao hứng, vừa muốn giỡn với Tử Vy vừa muốn thưởng thức tài văn chương của nàng, thấy nàng đang dọn dẹp chén đũa, bèn trỏ đống xương gà mà hỏi:
– Cái gì đây?
Tử Vy ngẩng lên cười:
– Lão gia, đây gọi là “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Hạc vàng một đi không trở lại – Thơ Đường – ý của Tử Vy là thịt gà thịt vịt đã ăn hết rồi, không còn nữa).
Chẳng những thích thú về học vấn của Tử Vy, nhà vua còn ngạc nhiên về trí thông minh lanh lẹ của nàng. Nhà vua vỗ bụng cười ha hả, cười mãi không thôi, tiếng cười thật sảng khoái. Các cận thần từ bao năm vẫn gặp mặt nhà vua mỗi ngày, mà chưa bao giờ được thấy nhà vua vui vẻ đến mức đó.
Cười đã đủ, nhà vua gật đầu nhìn Tử Vy, nói tiếp:
– “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”! Hay lắm! Có ý nghĩa lắm! Đúng là “một đi không trở lại”!
Rồi nhà vua lại nhìn mọi nguời mà cười ha hả. Ai nấy đều vui lây niềm vui của nhà vua.