Tiểu Yến Tử vừa bước vào ngự thư phòng, nhìn lên đã thấy Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái đều có mặt. Ngoài họ ra còn có cả thầy giáo Kỷ Hiểu Phong ở đấy. Tiểu Yến Tử bối rối nhưng cũng hiểu là chắc mình lại phạm phải sai lầm gì nữa đây. Đầu gối của Tiểu Yến Tử vẫn còn hai miếng “quỳ dễ dàng”. Tiểu Yến Tử thích chí quỳ trước mặt vua, tung hô:
– Hoàng A Ma kiết tường.
– Đứng lên!
Tiểu Yến Tử đứng dậy cảm thấy “cái món quỳ dễ dàng” này quả là hữu dụng, quỳ xuống chẳng thấy đau gối tí nào cả. Vì vậy muốn thử thêm lần thứ hai, nên Tiểu Yến Tử lại quỳ xuống trước mặt Kỷ sư bá, tâu:
– Kỷ sư bá kiết tường!
Nhưng sự việc này khiến thầy Kỷ Hiểu Phong giật mình, ông vội đỡ Tiểu Yến Tử dậy.
– Mời cách cách đứng lên, sao lại hành đại lễ với tôi thế?
Tiểu Yến Tử vừa đứng dậy, lại tiếp tục quỳ xuống trước mặt vua Càn Long:
– Bẩm Hoàng A Ma, có phải hôm nay con lại phạm tội gì nữa ư?
Vua Càn Long giật mình. Con bé này có lẽ bị hù dọa nhiều quá nên khủng hoảng đến vậy sao? Gặp gì cũng quỳ cả. Vua vội bảo:
– Thôi đứng dậy! Đứng dậy đi! Khỏi quỳ nữa.
Nhưng Tiểu Yến Tử lại nói:
– Thôi để con quỳ vậy. Quỳ dù gì cũng sướng hơn là đứng!
Vua Càn Long nghe không hiểu, nên lại chỉ tay:
– Đã bảo con đứng dậy mà. Nào có phạt gì con đâu mà sao cứ quỳ mãi vậy?
nguồn TruyenFull.vn
Bấy giờ Tiểu Yến Tử mới miễn cưỡng đứng dậy.
Vua Càn Long lấy mấy quyển vở trên bàn lên, nói với Tiểu Yến Tử.
– Hôm nay, trẫm đã cùng Kỷ sư bá xem xét bài vở của bọn con, xem chuyện học tập tiến triển cỡ nào. Xem bài của Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái ta thấy hài lòng, nhưng mà khi Kỷ sư bá đem bài của con làm cho ta xem, thì thật là ta muốn ngất xỉu luôn.
Rồi vua Càn Long lấy một quyển tập đưa cho Tiểu Yến Tử.
– Đây là bài thơ con làm phải không?
Tiểu Yến Tử cần lên xem, đáp:
– Dạ.
– Vậy con đọc cho trẫm nghe xem nào?
– Con thấy tốt hơn là không nên đọc ra.
– Ta đã bảo con đọc thì cứ đọc, sao lại không nên đọc?
Tiểu Yến Tử bất đắc dĩ cầm lên, đọc:
Bước vào một căn phòng
Bốn bên đều là vách
Nhìn lên thấy con chuột
Ngó xuống thấy gián bò
Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái nhìn nhau, không nhịn được cười. Thầy Kỷ Hiểu Phong thì lúng túng vì thành quả dạy dỗ của mình. Vua Càn Long hỏi:
– Con làm thơ gì mà kỳ vậy?
Tiểu Yến Tử đáp tỉnh bơ:
– Con làm thơ tả thực cơ mà! Hiện tại con sống trong hoàng cung, đương nhiên là cái gì cũng tốt, nhưng trước khi vào đây con đã ở trong cái phòng có hoàn cảnh như vậy. Vì vậy cái ông Lý Bạch gì đó viết được là: “Nhìn lên thấy trăng sáng, cúi xuống nhớ quê hương”. Điều đó là vì có thể nhà ông ta có cái cửa sổ to, ông ta lại nằm ngủ bên cửa sổ nên mới trông thấy trăng sáng. Còn cái phòng mà con đã ở, cửa sổ nhỏ xíu, nên nhìn lên chỉ thấy chuột chạy trên kèo nhà kêu chít chít. Còn chuyện những con gián ư? Cũng là “tả thực” thôi.
Vua Càn Long trợn mắt:
– Con còn dám cho đó là “tả thực” ư?
Tiểu Yến Tử thấy vua không hài lòng, vội nói:
– Nếu Hoàng A Ma không muốn thì lần sau không viết “tả thực” nữa là xong.
Vua Càn Long lại lấy một bài thơ khác ra, hỏi:
– Bài thơ này cũng là của con viết hả?
Tiểu Yến Tử cầm lên xem, rồi gật đầu.
– Có thể đọc cho trẫm nghe được không?
– Không đọc không được sao?
– Không được.
Vua nói, Tiểu Yến Tử đành phải đọc.
Trước cửa một con chó
Đang gặm một cục xương
Đâu lại một con khác
Thế là đánh vỡ đầu
Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái lại cố nén cười, đau bụng không chịu nổi. Ông Kỷ Hiểu Phong cũng không nhịn được. Trong khi vua Càn Long trừng mắt:
– Thơ vậy mà cũng là thơ ư? Thế mà dám nộp bài?
Tiểu Yến Tử gãi đầu nói:
– Con biết làm sao bây giờ? Sư bá nói: “Cách cách muốn viết về một đề tài nào cũng được. Đánh lộn hay chó giành xương cũng tốt, miễn sao có một bài thơ nộp cho tôi là được”. Vì vậy con nghĩ tới nghĩ lui sau cùng thấy “tả thực” đi. Vì quỷ đánh nhau con chưa thấy, chứ chó cắn lộn thì con gặp hoài. Thế là con viết bài thơ này, có điều bài thơ hơi thiếu vì con chưa lột tả được hết đề tài…
Tiểu Yến Tử nói tới đó quay sang thầy Kỷ Hiểu Phong cầu cứu. Kỷ Hiểu Phong vội chen vào:
– Bẩm Hoàng thượng, cách cách như vậy là đã tiến bộ nhiều rồi đấy. Bây giờ cách cách đã chịu học. Đôi khi có sử dụng một vài từ không nhã thì từ từ uốn nắn. Như vậy rồi sẽ tiến hơn.
Vĩnh Kỳ cũng bước tới nói:
– Bẩm Hoàng A Ma. Trước đây Tiểu Yến Tử chỉ biết có mấy chữ lõm bõm. Bây giờ đã làm được đến hai bài thơ thế này là đã tiến bộ lắm rồi. Không nên ép cô ấy phải làm việc nhiều hơn, sợ rồi gặp chữ sẽ phát hoảng.
Nhĩ Thái cũng chen vào:
– Con biết thì ngay cả thơ, cách cách cũng đã phân biệt được thế nào là “Ngũ ngôn” cái nào là “Thất ngôn”, vậy là hay lắm rồi. Cách cách học trễ mà tiến bộ như vậy, là nhờ công thầy và sự cố gắng của bản thân nữa.
– Hừ!
Vua Càn Long nhìn Tiểu Yến Tử cơn giận giảm bớt một phần, nhưng vẫn làm ra vẻ không hài lòng:
– Làm thơ dở như vậy mà còn có người biện hộ bao che giùm thật hết biết.
Rồi ông lấy trên bàn thêm mấy bài thơ nữa đưa cho Tiểu Yến Tử:
– Con đọc thêm mấy bài này cho trẫm nghe coi.
Tiểu Yến Tử thở ra, lấy hơi đọc:
Hôm qua chẳng được bài thơ
Hôm nay làm tiếp lệ rơi hai hàng
Ngày ngay cứ mãi làm thơ
Chắc là có nước theo ông theo bà!
– Bài này cũng gọi là “tả thực” đấy ư?
– Dạ.
– Làm thơ khổ như vậy đó hả con?
– Chắc là như vậy!
– Còn dám chắc là nữa ư?
– Dạ nếu không nói vậy là nói dối, mà như vậy là phạm tội khi quân!
Vua Càn Long nghe vậy vỗ bàn, cầm một bài thơ khác lên hỏi:
– Thế còn bài này? Bài này không phải là “phạm tội khi quân” ư? Ai viết cho con đấy? Hãy thành thật nói ngay. Bài thơ này tuy có sử dụng ngôn ngữ của con. Nhưng rõ ràng là cách sử dụng từ không phải do con làm ra. Bài này do Vĩnh Kỳ hay Nhĩ Thái viết đây?
Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái xem đều lắc đầu.
Tiểu Yến Tử thấy khó mà giấu được, đành nói:
– Hoàng A Ma thông cảm cho chứ chuyện làm thơ nào có phải dễ dàng gì. Cứ “bằng bằng trắc trắc” rồi “âm vần” lộn xộn. Con chẳng làm sao nhớ được.
– Con đừng có dông dài định đánh lạc hướng. Ta hỏi con, bài thơ này là của ai làm. Ta muốn tra cho ra lẽ!
Tiểu Yến Tử nghe vậy sợ hãi:
– Hoàng A Ma muốn phạt thì phạt một mình con thôi, đừng có phạt cô ấy…
Rồi sự nhớ ra điều gì. Tiểu Yến Tử tươi tỉnh hẳn lên.
– Có phải Hoàng A Ma muốn chép phạt nữa không? Vậy thì cứ phạt cô ấy. Cô ta không sợ chép phạt đâu, chữ viết vừa đẹp lại vừa nhanh nữa.
Vua Càn Long hỏi:
– Cô ta là ai vậy?
– Thì Tử Vy đấy.
Vua Càn Long giật mình. Tử Vy? Lại Tử Vy!
– Vậy bài thơ này là của Tử Vy viết ư?
– Dạ. Tử Vy bảo con làm thơ sao mà khổ thế. Vừa nói là đặt bút xuống viết liền hai câu thơ.
Lời của Tiểu Yến Tử khiến nhà vua liên tưởng ngay đến khuôn mặt của Tử Vy. Cái ánh mắt trong xanh thông minh trên khuôn mặt đều đặn. Chiếc mũi dọc dừa, đôi môi nhỏ thanh tú. Bên tai vua tưởng chừng còn nghe tiếng hát buồn thảm trách phận kia. Ồ! một cung nữ đa tài, phải nói là kỳ nữ, sao mệnh bạc thế?
Chợt nhiên, vua ngẩn người ra. Nhĩ Thái và Vĩnh Kỳ nhìn nhau nháy mắt. Rất lâu sau đó, vua mới quay sang thầy Kỷ Hiểu Phong:
– Hiểu Phong này. Trẫm thấy là khanh phải giám sát Tiểu Yến Tử kỹ một chút. Vì nó lúc nào cũng có cả đám người hổ trợ. Từ trong lớp học đến tận bên ngoài, tận nhà riêng nữa đấy.
– Thần xin tuân chỉ!
Thầy Kỷ Hiểu Phong đáp rồi nhìn vua tiếp:
– Kỳ thật ra thì tư chất của cách cách cũng khá thông minh. Cách cách lại lanh lợi, điều đó cũng rất hay. Những ràng buộc trong lớp học đối với cách cách như cực hình. Vì vậy thần thấy là nếu cách cách học theo kiểu vừa học vừa chơi hẳn tiến bộ hơn.
Vua Càn Long suy nghĩ, gật gù:
– Kỷ hiền khanh nói cũng có lý, thôi được, chuyện dạy dỗ ta giao lại cho khanh. Còn gần đây, trẫm chợt có ý muốn ra ngoài làm một cuộc tuần du, để tìm hiểu dân tình. Ta muốn Kỷ hiền khanh, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái cùng theo, được không?
– Dạ được!
Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái không chờ vua hỏi tới đáp. Tiểu Yến Tử nghe vậy cũng nói vào:
– Con cũng muốn đi nữa!
Nhà vua phán.
– Con là con gái, không được đi!
Tiểu Yến Tứ đâu chịu thua, năn nỉ:
– Lúc Hoàng A Ma đi tuần du, chắc chắn là không mặc triều phục ra ngoài, vậy thì con sẽ cải tramg làm đầy tớ của Hoàng A Ma theo hầu người cũng được vậy? Hoàng A Ma, con năn nỉ mà, bắt con ở mãi trong hoàng cung con sẽ buồn sinh bệnh mất. Còn cho con theo hầu, dọc đường con sẽ pha trò, kể chuyện, như vậy cũng giúp vui cho Hoàng A Ma được vậy?
Vua Càn Long nhìn Tiểu Yến Tử:
– Con muốn đi?… Được, với một điều kiện.
– Điều kiện gì?
– Trả thuộc làu làu bài “Cổ tùng quân hành” của Lý Kỳ cho ta nghe.
“Cổ tùng quân hành” là cái gì vậy? Tiểu Yến Tử suy nghĩ. Mặc nó là cái gì cũng kệ. Ta phải được đi. Nên nói với vua:
– Hoàng A Ma! Con sẽ trả bài thuộc. Nhưng nếu con thuộc bài thì Hoàng A Ma phải đáp ứng một điều kiện của con nhé!
– Ngươi mà cũng bày đặt điều kiện với ta nữa ư? Điều kiện gì?
– Hoàng A Ma đi đường không chỉ có một đầy tớ mà phải có cả Tử Vy cùng đi theo nữa.
Vua Càn Long ngẫm nghĩ. Tử Vy đi theo? Dọc đường sẽ có người đánh cờ, ca hát giải khuây? Vậy thì tốt chứ sao? Nên vua gật đầu:
– Được, Tử Vy và con cùng đi!
Tiểu Yến Tử nghe vậy reo lên:
– Hoàng A Ma vạn tuế vạn vạn tuế!
Và rồi vì vui quá. Tiểu Yến Tử nhảy nhỏm lên, rồi mới quỳ xuống, dập đầu.
– Tiểu Yến Tử này xin cảm ơn ân điển của Hoàng A Ma!
Tiểu Yến Tử nói, không ngờ vì cử động mạnh quá, nên hai chiếc kê gối “quỳ dễ dàng sút ra, rơi tuột ra ngoài.
Vua Càn Long nhìn thấy kinh ngạc:
– Cái đó là cái gì vậy?
Tiểu Yến Tử vội vã nhặt lên:
– Dạ… dạ nó là “Quỳ dễ dàng” ạ. Ủa sao lại rớt ra ngoài thế này? Vậy thì đã trở thành “sút dễ dàng” rồi. Không được, phải cải tiến thêm nữa mới được.
Nhĩ Thái, Vĩnh Kỳ và thầy Kỷ Hiểu Phong đứng đấy tròn mắt nhìn. Không hiểu đó là vật dụng gì, để làm chi.
Vua Càn Long cũng kinh ngạc, không hiểu lẩm bẩm:
– “Quỳ dễ dàng” là cái gì vậy cà?
Ngay sau khi Tiểu Yến Tử bị vua Càn Long bảo sang Càn Long Cung để hỏi bài. Thì vị thái giám lớn tuổi nhất trong cung đình là Cao công công, đã dẫn theo một đám thái giám hùng hậu khác đến Thấu Phương Trai.
Cao công công nói như ra lệnh:
– Hoàng hậu nương nương ngự chỉ gọi Tử Vy vào Khôn Ninh Cung để hỏi chuyện.
Tử Vy cả kinh, đứng dậy:
– Lệnh của Hoàng hậu nương nương ư?
– Vâng, phải đi ngay!
Kim Tỏa, Minh Nguyệt, Thể Hà cũng đứng cả lên, tất cả cùng bối rối. Kim Tỏa vội thưa:
– Cách cách không có ở nhà. Lệnh là chẳng ai được rời Thấu Phương Trai cả. Đợi bao giờ cách cách về, mới được đi!
Bọn Thể Hà cũng nói theo:
– Vâng, bọn tôi phải nghe theo lệnh cách cách, chẳng ai dám đi đâu cả.
Cao công công bình thản nói:
– Lệnh của Hoàng hậu nương nương, là phải đi ngay, ai dám trì trệ là kháng chỉ, có tội!
Đám tiểu thái giám đứng sau lưng Cao công công đồng loạt tiến tới một bước, Tử Vy thấy khí thế căng thẳng như vậy, biết là khó lòng mà thoát khỏi, nên bước tới nói:
– Được rồi. Tôi sẽ đi theo các người.
Kim Tỏa nói:
– Vậy tôi cũng đi theo cô.
Nhưng Cao công công đã nói:
– Hoàng hậu nương nương có lệnh là chỉ một mình Tử Vy, những người khác không được theo.
Và quay sang đám thái giám đi cùng ra lệnh:
– Thôi đi! Chúng ta đừng để nương nương chờ. là đã bị áp giải đi như kẻ có tội.
Kim Tỏa tái mặt, quay qua nói với Minh Nguyệt và Thể Hà:
– Bọn mình phải đi tìm cách cách, Ngũ A Ca và thiếu gia nhà họ Phước ngay!
Tử Vy chỉ kịp nháy mắt ra hiệu cho Kim Tỏa, là đã bị áp giải đi như kẻ có tội.
Kim Tỏa tái mặt, quay qua nói với Minh Nguyệt và Thể Hà:
– Bọn mình phải đi tìm cách cách, Ngũ A Ca và thiếu gia nhà họ Phước ngay!
Tử Vy bước theo Cao Công Công với một trái tim căng thẳng. Suốt dọc đường Cao Công Công chẳng nói một lời nào cả. Con đường đến Khôn Ninh Cung rất dài, phải qua nhiều hành lang, qua cả hoa viên, khi đến trước một căn phòng không đủ ánh sáng, có không khí ngột ngạt. Tử Vy còn chưa rõ đây là đâu, thì lập tức bị đóng lại.
Tử Vy nhìn lên, thấy Hoàng Hậu ngồi giữa bàn, Dung ma ma và ba lão ma ma khác đứng hầu bên cạnh. Ánh sáng trong phòng tối thui.