Dưa

Chương 5



Vậy là tới giờ đi ngủ.

Trở lại ngủ trên chiếc giường đã là của tôi suốt thời niên thiếu cảm thấy sao là lạ. Tôi cứ nghĩ những ngày đó đã vĩnh viễn trôi qua rồi.

Cảnh cũ người xưa.

Nhưng nếu không muốn, tôi đâu cần phải nằm trên chiếc giường ấy.

Rồi khi mẹ hôn và chúc ngủ ngon trong khi tôi cũng đã có con, bé nằm trong chiếc cũi ngay kế bên, tôi thấy cũng rất ư lạ lùng.

Tôi đã là một người mẹ, nhưng tôi đâu cần ngài tâm lý học nổi danh Sigmund Freud bảo cho tôi biết là tôi vẫn cảm thấy như mình còn là một đứa trẻ.

Kate trợn mắt nhìn trần nhà, chắc vẫn còn hoảng sợ sau cuộc đụng độ với Helen. Tôi hơi lo cho con bé, nhưng lạ thay, tôi thấy mệt thì đúng hơn. Tôi thiếp đi rất nhanh, dù đã nghĩ mình sẽ không bao giờ còn có thể nhắm mắt ngủ được nữa.

Không bao giờ nữa, ý tôi là không bao giờ nữa.

Hai giờ sáng Kate tử tế đánh thức tôi dậy bằng tiếng khóc đạt đến mức một triệu đềxiben. Tôi tự hỏi không biết con bé có ngủ thậm chí là một giây nào không. Tôi cho bé bú, rồi lại trở vào giường, ngủ thiếp đi.

Nhưng chỉ vài tiếng sau tôi đã lại bật tỉnh giấc trong nỗi hoảng sợ. Chẳng phải vì cái bức tường dán giấy hình hoa hòe uốn éo điệu đàng của hiệu Laura Ashley, hay vì mớ rèm hay tấm trải giường phủ kín người mà tôi lờ mờ thấy trong bóng tối.

Hoảng sợ vì tôi đang ở Dublin chứ không phải trong căn hộ ở London, cùng với James yêu dấu.

Tôi nhìn đồng hồ. Vâng, bạn đoán được rồi đấy, – bốn giờ sáng. Lẽ ra tôi nên tự an ủi mình bằng cách nghĩ tới cái một phần tư thế giới theo giờ GMT cũng vừa mới giật mình tỉnh dậy, nằm bất động nhìn chằm chằm vào bóng đêm mà khổ sở, lo lắng đủ thứ chuyện từ “Liệu mình có bị cho thôi việc?” cho đến “Liệu mình có bao giờ gặp được người thật sự yêu mình?” hay “Mình có dính bầu không đây?”.

Làm gì có chuyện cảm thấy được an ủi ở đây.

Bởi vì tôi cảm thấy như đang ở dưới Hỏa ngục.

Mà đem so cái Hỏa ngục của mình với Hỏa ngục của bất cứ ai khác cũng chẳng làm cho tôi bớt đau khổ. Xin lỗi tôi nói việc này nghe hơi máu me bạo lực, nhưng nếu người ta bị xén mất một chân bằng một cái cưa gỉ sét thì biết được người nằm ở phòng bên cạnh bị đóng đinh vào bàn cũng chẳng hề làm họ thấy nhẹ nhàng hơn.

Tôi ngồi dậy trên giường trong bóng tối.

Kate ngủ bình yên bên cạnh tôi, trong cái cũi màu hồng.

Tôi và con bé như hai kẻ gác đêm. Thay phiên nhau thức. Thế nào cũng có ít nhất một trong hai tỉnh ngủ vào một giờ nhất định.

Mặc dù sự giống nhau cũng chỉ đến đó thôi vì tôi không thể thông báo – Ừ, ít ra là không thể thông báo một cách thành thật – “Bốn giờ sáng. Không có gì bất ổn.”

Ruột gan tôi cuộn lên vì hoảng sợ. Tôi không tin được là mình đang ở trong nhà bố mẹ ở Dublin thay vì trong căn hộ ở London với chồng mình. Tôi có cảm tưởng mình mất trí thì mới bỏ London, bỏ lại James cho người đàn bà khác. Tôi đã bỏ rơi anh!

Hay tôi bị tâm thần rồi chăng? Tôi phải về thôi. Tôi phải bay về với anh. Phải giữ anh lại.

Sao tôi lại đến nỗi này?

Tôi đã quẹo nhầm lối và lạc vào một thế giới tồn tại song song. Nơi mà mọi thứ vẫn у như cuộc đời tôi, nhưng tăm tối và sai lệch.

Tôi không thể thiếu James.

Anh là một phần của tôi.

Nếu một cánh tay tôi rơi khỏi bả vai, lẽ đương nhiên tôi sẽ không thản nhiên tuyên bố: “Ôi cứ để nó đi đi. Nó sẽ quay lại nếu muốn. Chẳng cớ gì phải ép cả. Chỉ tổ làm nó đi xa hơn.” Nói gì thì nói nó cũng là cánh tay của tôi. Mà James thì là một phần còn hơn cả cánh tay yêu dấu nữa.

Tôi cần anh còn hơn cả nó kia.

Tôi yêu anh hơn nó rất nhiều.

Đơn giản là tôi không thể thiếu anh.

Tôi muốn giành lại anh. Tôi muốn giành lại cuộc đời có anh ở bên của tôi. Tôi sẽ giành lại anh. (Và giành lại anh về cho thân thể tôi.)

(Tôi xin lỗi. Nghe trắng trợn, thô bỉ quá.)

Tôi đang bị hoảng loạn mà.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi để quá trễ?

Lẽ ra tôi không bao giờ, không bao giờ nên bỏ đi.

Lẽ ra tôi đã phải giữ vững lập trường và bảo anh hai đứa sẽ tìm ra hướng giải quyết. Rằng có lẽ anh không yêu Denise. Anh yêu tôi. Rằng tôi đã thực sự là một phần của anh, nên anh không thể thôi yêu tôi. Nhưng tôi đã thừa nhận thất bại và trao anh vào cái vòng tay bánh mì (thì đúng vậy mà!) của Denise, không một lời phản kháng.

Tôi phải nói chuyện với anh ngay bây giờ.

Anh sẽ không giận nếu tôi gọi anh lúc bốn giờ sáng. Là cái anh James tôi đang kể với bạn ấy. Anh là người bạn tốt nhất. Tôi có thể làm bất cứ chuyện gì mà James chẳng bao giờ phiền. Anh hiểu tôi. Anh biết tính tôi mà.

Tôi sẽ bay về London, cùng với Kate, ngay sáng nay. Cuộc đời của tôi sẽ được hàn gắn lại.

Cái tuần lễ vừa qua sẽ được vùi vào quên lãng. Cái vết nứt của cuộc sống của hai đứa sẽ liền lại mịn màng. Vết sẹo sẽ mờ đi. Phải nhìn kỹ lắm bạn mới thấy được.

Mọi chuyện sẽ được sửa chữa. Mọi chuyện sẽ trở lại yên ổn như cũ. Như nó phải như thế.

Đây thực sự là một sai lầm tai hại, làm mọi thứ rối tung lên, nhưng vẫn chưa gây ra hậu quả gì vĩnh viễn.

Một kết thúc vui vẻ sẽ đẩy lùi những khúc mắc xưa cũ vào quá khứ, phải vậy không?

Tôi biết bạn đang nghĩ gì.

Không, thật đấy, tôi biết mà.

Bạn đang nghĩ: “Cô này điên rồi.”

Ừ, thì cũng có thể tôi điên rồi đấy. Tôi đang loạn trí vì đau khổ.

Bạn đang nghĩ: “Claire ơi, phải giữ lại chút lòng tự trọng chứ!”

Nhưng tôi e mình đã nhận ra cuộc hôn nhân của mình vẫn quan trọng hơn lòng tự trọng của bản thân. Tự trọng chẳng sưởi ấm bạn lúc đêm. Tự trọng chẳng nghe bạn huyên thuyên khi đi làm về. Tự trọng không nói với bạn là nó muốn làm chuyện đó với bạn hơn là với Cindy Crawford.

Đây đâu phải trò lãng mạn đến hồi cãi vã của mấy cô cậu sinh viên. Anh đâu có mời con nhỏ khác trong đội cổ vũ đi dự đêm vũ hội. Không phải mấy chuyện lãng mạn vu vơ đấy.

Đây là tình yêu.

Tôi yêu James. Anh là một phần của tôi. Một phần quá tốt đẹp không thể tùy tiện bỏ đi.

Thậm chí nếu đội trưởng đội bóng có mời tôi đi dự vũ hội với cậu thay vì với James, và tôi được mặc chiếc váy mới mua, và được ngẩng cao đầu lấy lại niềm kiêu hãnh, tôi cũng sẽ chẳng màng. Tôi phải giành lại James về.

Tôi vất vả bò ra khỏi giường, vật lộn với cái đầm ngủ bùng nhùng kéo đến hàng héc ta mà mẹ tôi nhất định bắt mặc. Lúc bỏ London mà đi tôi đã quên không đem theo đồ ngủ. Biết được việc này, bà nghiêm khắc thông báo không ai được phép ngủ nuy trong nhà của bà. Hết “Ngộ nhỡ có hỏa hoạn thì sao?” lại “Ở London thiên hạ có thể làm thế, nhưng lúc này con đâu có ở London.” Vậy là tôi hoặc chọn mặc bộ pyjama hoa của bố, hoặc mượn mấy cái đầm ngủ vĩ đại in bông, kiều Victoria, cổ cao, diềm cuốn biên, dài chấm đất của mẹ. Làm thế nào bà có thể xoay xở để ai đó thụ tinh cho dù chỉ một lần, đừng nói chi đến năm, trong khi vẫn đeo dính mấy bộ đồ kiểu này quả thật vượt quá sức tưởng tượng của tôi.

Chúng ắt phải làm nhụt hết nhuệ khí của một cậu trai người Ý mười lăm tuổi. Đến lúc vượt qua được hàng hà sa số những mét vải kia và may mắn chiêm ngưỡng được chút thịt da của nàng thì cậu cũng đã kiệt sức, chẳng còn làm được gì nữa hết.

Tôi thà lấy cái đầm ngủ còn hơn mặc bộ pyjama của bố vì đống vải bùng nhùng kia khiến tôi thấy mình ốm o, xinh xắn, trong khi bộ pyjama của bố chật đến phát sợ, phát khiếp.

Cảm giác chỉ là tương đối thôi, tôi đoan chắc thế. Nghĩ mình béo là sai lầm. Tôi đâu có quá béo. Chẳng có gì không ổn với tôi cả. Chỉ tại những thứ còn lại của thế giới quá nhỏ. Tôi đâu cần phải thay đổi. Tôi chỉ phải thay đổi cái thế giới chung quanh tôi. Đơn giản là làm cho mọi thứ to lên thêm mười lăm phần trăm – quần áo này, đồ đạc trong phòng, mọi người, nhà cửa, đất nước – tự nhiên tôi sẽ thấy mình về lại size chuẩn ngay!

Thôi, hai mươi phần trăm đi. Tôi sẽ thấy mình mong manh.

Mọi thứ, tôi nhanh chóng nhận ra, chỉ là vấn đề tương quan tỉ lệ.

Tốt hay xấu, béo hay gầy, to hay nhỏ chỉ là tương quan với những thứ ở chung quanh.

Vậy thôi bạn giữ lại những lời chê bai cái đầm ngủ của tôi nhé. Đó là giải pháp cho sự điên loạn của tôi (ừm, ít ra là trên cái phương diện cụ thề này). Tôi vô tình biết được một chân lý. Hốc hác, đó là điều tôi đang cảm thấy. Mảnh mai, nhẹ nhàng và như thiếu nữ.

Mất mười phút tôi mới ra được khỏi giường. Và khi vừa chạm được đến sàn nhà, tôi suýt tự chẹt cổ mình vì đạp lên gấu sau váy, thế là cổ áo bị kéo tung lên, siết thật chặt và mạnh vào họng tôi như một cái kẹp êtô.

Tôi ho sặc mất một hồi, còn Kate thì bắt đầu cựa quậy khó chịu trong cũi. Ôi đừng thức dậy, con yêu, tôi hoảng sợ nghĩ thầm. Đừng khóc. Không cần phải thế đâu. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà. Mẹ sẽ tìm bố về cho con. Rồi con xem. Con cứ chờ ở đây.

Và kỳ diệu làm sao, con bé dịu dần rồi nằm yên, không tỉnh giấc. Tôi nhón gót bước ra cầu thang. Cái đầm ngủ vĩ đại sột soạt bồng bềnh quanh người tôi rất dễ chịu theo mỗi bước chân xuống những bậc cầu thang tối om. Cái điện thoại ở phòng dưới. Có chút ánh sáng duy nhất từ ngọn đèn đường bên ngoài chiếu vào qua tấm kính mờ của cửa trước.

Tôi bắt đầu quay số nhà mình ở London. Tiếng rè rè dội lại trong căn phòng yên lặng, nghe như tiếng súng tạch tạch nổi lên trong căn nhà đang chìm trong giấc ngủ. Chúa ơi! Tôi run rẩy nghĩ thầm, nhà McLoughlin cách đây ba căn chắc chuẩn bị chạy tới la lối đây.

Tôi nghe máy tiếng bíp bíp khi điện thoại ở đầu Dublin nối được tới cái điện thoại trong căn hộ trống vắng ở cái thành phố cách đây hàng trăm dặm.

Tôi cứ để chuông reo. Có lẽ phải đến trăm lần. Cũng có thể hàng ngàn lần.

Chuông cứ reo, reo, réo to cái căn hộ trống rỗng tối tăm lạnh lẽo. Tôi có thể nhìn thấy rất rõ cái điện thoại đang reo, reo, reo, bên cạnh chiếc giường không người ngủ, thẳng mướt không một gợn nhăn. Bóng từ cửa sổ đổ lên giường khi ánh đèn ngoài phố tràn qua khung cửa toang hoác không bỏ rèm. Toang hoác là vì chẳng ai ở đó để mà buông rèm cả.

Tôi vẫn cứ để chuông reo, reo, reo. Rồi từ từ niềm hy vọng của tôi cũng tan biến đi.

James không nghe máy.

Vì James đâu còn ở đó.

James đang ở trong căn hộ khác. Ngủ trên chiếc giường khác.

Với người đàn bà khác.

Tôi điên nên mới nghĩ sẽ giành được anh trở lại chỉ vì tôi muốn anh trở lại. Tôi mất trí nên mới nghĩ mình có thể quên đi một điều là anh đang sống với một người đàn bà khác. Anh bỏ tôi. Chúa lòng lành! Anh bảo đã yêu người khác.

Từ từ, từ từ, lý trí quay trở lại.

Sự mất trí tạm thời đột nhiên ghé qua và tôi gọi với ra từ trong nhà: “Cứ vào đi, cửa mở.” May mắn thay Thực Tại bất ngờ về nhà và thấy tên Mất Trí Tạm Thời đang lượn lờ ngoài hành lang bỏ ngỏ của tâm trí tôi. Rồi nó chạy vào khắp các phòng, đọc trộm thư, dòm vào ngăn tủ quần áo lót, làm đủ thứ chuyện như thế. Thực Tại bèn chạy đi gọi Lý Trí. Và sau một hồi quần thảo, cả hai cũng tống được tên Mất Trí Tạm Thời ra ngoài, đóng sầm cửa trước mặt hắn. Mất Trí Tạm Thời lúc này nằm bẹp trên lối đi rải sỏi dẫn vào tâm tri tôi, thở hổn hển, hét lên giận dữ:

– Cô ta mời tôi vào, các người rõ chưa? Cô ta kêu tôi vào! Cô ta muốn tôi vào chơi!

Thực Tại và Lý Trí nhoài ra ngoài cửa sổ trên lầu, hét lại:

– Xéo đi cho mau! Ở đây không ai cần mi cả. Nếu năm phút nữa mà chưa biến, bọn ta sẽ kêu đội Cảnh Sát Cảm Xúc.

Bất cứ một chuyên gia tâm thần đường hoàng nào cũng sẽ khẳng định tôi đang trong giai đoạn Chối Bỏ. Rằng cú sốc James bỏ đi quá đột ngột là quá sức chịu đựng của tôi. Rằng tôi sẽ không thể chấp nhận hay đương đầu nổi với chuyện ấy. Cứ vờ như chẳng có gì tồi tệ xảy ra sẽ dễ dàng hơn cho tôi, và nếu tôi giả vờ như mọi chuyện đều sẽ giải quyết được thì thực tế sẽ là như vậy.

Tôi ngồi bệt xuống sàn, trong gian phòng tối, lạnh lẽo. Mãi một lúc sau tôi mới cúp máy.

Quả tim tôi nãy giờ đập hoảng loạn đã trở lại bình thường. Hai tay thôi run và đầu tôi cũng đã hết viền vông.

Sáng mai tôi sẽ không về lại London.

Cuộc sống của tôi là ở đây. Ít ra là lúc này. Tôi thấy khổ sở.

Sau một hồi hân hoan với trí tưởng tượng là mình sẽ nói chuyện với James và mọi chuyện sẽ trở lại tốt đẹp, tôi lại cảm thấy một nỗi buồn to lớn và trống rỗng chưa từng có. To như một lục địa. Sâu như Đại Tây Dương và trống rỗng như cái đầu của Helen.

Hai chân tôi bắt đầu thấy lạnh.

Mặc dù cảm thấy yếu ớt như một bà cụ nghìn tuổi, tôi vẫn có cảm giác mình sẽ chẳng ngủ lại được bao giờ.

Nỗi mất mất quá lớn, đến nỗi nó ngăn cản giấc ngủ. Mà tôi thì chỉ muốn được ngủ. Được làm bất cứ gì để thôi đau khổ.

Phải chi tôi có một bà mẹ bị chứng rối loạn tâm thần, chuyên tích trữ hàng núi thuốc ngủ, Valium và thuốc chống trầm cảm trong cái tủ thuốc treo ở phòng tắm. Vì bà luôn làm như thể chúng tôi là những khách hàng tiềm năng của trung tâm cai nghiện Betty Ford nếu hỏi xin hai viên Paracetamol cho bớt đau họng/ đau bụng/ gãy chân/ loét tá tràng. “Hãy cầu Chúa đi!” bà bảo, “Hãy nghĩ đến Chúa lòng lành chịu nạn trên cây thập giá.” Hoặc “Nếu người ta không chế ra thuốc giảm đau thì mày làm thế nào?” và có thể bà sẽ nghe chúng tôi đáp: “So với cái tai đau này thì bị đóng đanh vào thập giá vẫn còn như được đi xem đua ngựa ấy.” Hoặc “Mẹ cứ buộc con vào cột nhà mà quát bất cứ ngày nào mẹ rảnh, nếu mẹ cho con được hết đau răng.”

Và dĩ nhiên đáp trả kiều này sẽ làm tiêu tán hết mọi cơ hội, dù mong manh nhất, để lấy được ít thuốc của bà. Phỉ báng Chúa được xếp hạng cao nhất trong danh mục những điều không thể tha thứ.

Hay phải chi con Anna vẫn còn buôn thuốc. Có thứ gì tôi không sẵn sàng đánh đổi để lấy một bi?

Cơ hội kiếm được tí rượu khó nói lắm. Cả bố với mẹ đều không ai uống mấy, nên ở nhà cũng chẳng trữ lắm rượu.

Không, thật đấy. Không phải tự nhiên họ đặt ra luật này đâu. Họ đâu tự nhiên quyết định thế. Phải có nguyên do chứ.

Ngay cả khi cố để có sẵn rượu trong nhà, họ vẫn cất giấu một lượng cực ít. Nhờ tôi, và gần đây nữa là các em gái tôi.

Khẩu hiệu ngầm của mấy chị em tôi là: “Không cần biết nồng độ cao thấp. Hễ cứ uống được là tốt rồi.” Bất cứ thứ gì, từ whiskey nấu lậu cho tới brandy anh đào cho tới Babycham, và cả những thứ tương tự, chúng tôi đều không từ.

Hồi còn nhỏ, những ngày êm đềm ấy khi tôi chưa phát hiện ra rượu chè lợi hại như thế nào, ở nhà từng có cả một tủ rượu.

Chai vodka của Ba Lan đứng chen vai với những chai Malibu. Mấy chai Slibovitch của Hungary làm như thể chúng đường hoàng được phép đứng kế anh Southern Comfort. Không hề có chiến tranh lạnh trong tủ rượu của nhà tôi.

Thì đấy. Bố cứ chơi gôn là thắng, ẵm toàn rượu brandy với whiskey về. Mẹ chơi bài Bridge thỉnh thoảng cũng thắng và được lãnh một chai tăng lực hay một thứ rượu nào đó dành cho các chị em. Rồi bà con bạn bè đi nghỉ về cũng mua mấy chai thượng hạng làm quà. Nhà hàng xóm cạnh bên còn cho cả chai Ouzo mua ở đảo Síp.

Sau mấy chuyến đi nghỉ miên man ở các nước Bên Kia Bức Màn Sắt, cô thư ký của bố cho chúng tôi chai Slibovitch. (Ấy là năm bảy chín nên mấy chị em tôi thấy cô này sao mà dũng cảm, liều mạng. Chúng tôi cứ gặng hỏi xem cô có tận mắt chứng kiến chuyện vi phạm nhân quyền của người Hungary không. “Thật không? Thật họ còn phải mặc quấn ống loe, đi giày đế bục không cô?” và mắt thì cứ xoe tròn sợ sệt. Trong khi đó, Margaret, vốn luôn rất thực tế, thì muốn biết tỉ giá ngoại tệ tính trên mỗi thỏi sing- gum. “Bao nhiêu thỏi thì mua được nhà hả cô?” Thật tình mà nói, nó cũng biết nhìn xa.) Rồi Anna rút thăm ở buổi quay số từ thiện quyên góp cho Giáng sinh do Hiệp hội Công giáo st Vincent de Paul tổ chức được một chai rượu schnapps mùi chuối màu vàng trong veo. Có người còn rút trúng chai schnapps mùi mơ duy nhất.

Và cứ thế bộ sưu tập rượu của nhà tôi nhiều dần lên. Mà bố mẹ lại hiếm khi uống trong khi mấy chị em tôi vẫn chưa lậm vào món này nên cái tủ rượu thành ra quá tải.

Tuy vậy, những ngày hạnh phúc ấy còn đâu.

Tôi thấy xấu hổ phải thú nhận với các bạn là hồi mười lăm tuổi, tôi đã phát hiện ra cái sự tuyệt vời của rượu. Và tôi cũng nhanh chóng nhận ra số tiền tiêu vặt của mình sẽ không phình ra để đáp ứng cái niềm đam mê mới ngộ ra này. Kết quả là tôi đã trải qua không biết bao nhiêu giờ đồng hồ hồi hộp, cổ ngoái hết ra sau dòm chừng trong khi hai tay lo chiết từng chút rượu một từ mỗi chai trong cái tủ đặt ở phòng khách.

Tôi trút chúng vào một cái chai nhỏ đựng nước chanh dùng để pha chế rượu. Vì sợ lấy quá nhiều từ mỗi chai nên tôi cứ gom mỗi chai từng chút, rồi đổ cả vào chai nước chanh. Bạn hiểu không? Chẳng cần biết cái hỗn tạp ấy thành ra mùi vị gì. Ưu tiên của tôi là phải say. Và nếu có phải uống thứ gì kinh tởm mà vẫn được say thì tôi cũng uống.

Uống xong cái thức uống hỗn tạp ấy, à… ờ… chắc là gồm có rượu sherry, vodka, rượu gin, rượu brandy và Vermouth (dì Kitty đi Rome về cho một chai), tôi say xỉn, vui sướng bất tận trong một cái sàn nhảy nào đó mà tôi đã hoặc dọa nạt hoặc nói dối bố mẹ để được đi.

Những ngày tuyệt vời. Những ngày huy hoàng.

Để tránh cảnh dở mếu dở cười với bố mẹ, tôi đã thay vào tất cả các chai một lượng nước đúng bằng lượng rượu tôi đã trộm. Còn gì gọn ghẽ hơn.

Tuy nhiên, cũng như cái cây mảnh khảnh bị tưới nước quá nhiều mà chết, tôi cũng đã lần mò tưới quá cỡ vào mấy chai rượu. Cụ thề là cả một chai vodka.

Ngày sự thật bị phơi bày cuối cùng cũng đến.

Một chiều thứ Bảy, khi ấy tôi khoảng mười bảy, bố mẹ mời vợ chồng bác Kelly và bác Smith đến đối ẩm. Mẹ và bác Kelly gái thế mà cũng uống vodka. Hoặc họ đã tưởng thế. Tuy nhiên, nhờ công sức của tôi suốt mười tám tháng trước đó, cái chai từng là vodka Smirnoff đã thành ra nước tinh khiết trăm phần trăm, không còn tí hơi hám nào của cồn.

Những người kia may sao uống trúng rượu thật.

Thế là bố, bác Kelly trai và vợ chồng bác Smith càng lúc càng oang oang và đỏ mặt tía tai, nói nhiều hơn, cười những chuyện chẳng buồn cười một tẹo nào. Bố tiết lộ đã không khai hết thu nhập với anh chàng nhân viên cục thuế, còn vợ chồng bác Smith thì lộ ra là năm ngoái bác trai mèo mỡ bên ngoài làm họ suýt thôi nhau, nhưng bây giờ thì ổn rồi. Trong khi đó, mẹ và bác Kelly gái ngồi như tượng, mặt lạnh tanh, mím môi cười, mặc cho bọn họ cười ha hả.

Mẹ chẳng thấy gì buồn cười lúc bác Smith gái làm đổ cả ly Barcadi pha với Coca (tôi không thích Barcadi lắm nên cái thứ bên trong chai vẫn còn nguyên) ra sàn nhà trải thảm, nhưng bố thì vô cùng khoái trá. Mọi người cười nghiêng ngả, trừ hai kẻ uống vodka.

Ngày hôm sau, mẹ tôi phát hiện ra cái sự thật phũ phàng.

Chai vodka được đem đi kiểm nghiệm. (Đây, các con ngửi đi. Có thấy mùi gì không? Không, mẹ ạ. Chính thế đấy!)

Kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm lập lưu động trong bếp cho thấy chai vodka đã bị đổ nước vào. Liên tục bị đổ nước vào, chính thế.

Tiếp theo là một cảnh tượng đẫm nước mắt của tôi và bố mẹ. Ừm, ít nhất là mẹ tôi đã đẫm nước mắt. Nhưng là nước mắt xấu hổ và giận dữ: “Ôi, xấu hổ nhục nhã chưa?” bà rên rỉ. “Mời người ta đến uống rượu rồi cho uống nước. Tôi chết đi cho rồi! Sao mày nỡ làm vậy? Mà mày còn thề sống thề chết đợi đến mười tám tuổi mới uống.”

Tôi cáu kỉnh, sưng sỉa và im lặng. Tôi cúi đầu giấu nỗi xấu hổ lẫn tức giận vì bị bắt quả tang.

Bố chỉ im lặng, rất buồn.

Và cuộc thanh tẩy diễn ra ngay sau đó. Mấy chai rượu bị bọc lại và tống đi giam giữ hết. Giam giữ không cần xét xử trong một cái tủ được khóa chắc chắn. Chỉ mình mẹ biết chìa khóa ở đâu và, như bà hứa với lòng, thà bị đọa đày dưới hỏa ngục chứ nhất định không khai ra.

Với tôi và cả mấy cô chị em kia nữa, tìm ra cách gỡ khóa chỉ còn là vấn đề thời gian.

Từ đó về sau chiến tranh du kích luôn diễn ra. Bà phải tìm cho được nơi giấu mới cho cái thức uống luôn bị giảm đi rất nhanh chóng kia. Helen còn thề nghe được mẹ nói chuyện điện thoại với dì Julia, cũng là một con nghiện, hỏi dì có gợi ý chỗ cất giấu nào không. Có điều chuyện này chưa từng được chứng thực, nên đừng tin nó.

Nhưng bao giờ cũng vậy, mẹ cũng chỉ nhanh hơn bọn tôi được một giây. Cứ vừa tìm được nơi cất giấu mới là lại có đứa phát hiện ra. Giống như người ta cứ phải liên tục bào chế ra các loại kháng sinh mới để chiến đấu với dòng dõi nhà vi trùng dai sức, bà luôn phải nghĩ ra chỗ cất giấu mới. Không may cho bà là mấy chỗ ấy chẳng mới hay bí mật được lâu.

Bà thậm chí cũng đã thử ngồi lại khuyên nhủ bọn tôi: “Các con đừng uống nhiều quá. Hay ít ra là cũng đừng uống của bố mẹ nhiều quá.”

Và câu trả lời bà nhận được, với một giọng thiều não hơn là giận dữ tức tối, luôn đại loại là: “Nhưng mẹ à, tụi con thích uống. Tụi con nghèo quá, có được chọn lựa gì đâu. Chứ mẹ nghĩ phải chôm chỉa thế tụi con sung sướng lắm chắc?”

Mặc dù Margaret, Rachel và tôi đều đã dọn ra ngoài và có đủ tiền nuôi bát cứ thói xấu nào, Helen và Anna vẫn còn ở nhà và nghèo giơ xương ra. Vậy cho nên cuộc chiến vẫn cứ tiếp diễn.

Và bộ sưu tập rượu quý giá đầy tự hào ngày nào giờ chỉ còn lại vài ba chai rỗng, bong như xơ mướp, vẫn tiếp tục cuộc đời du mục lang thang từ các tủ quần áo đến xô đựng than, đến nằm dưới gầm giường mong kiếm một chân trời bình yên. Còn đâu nữa những chai rượu óng ánh sủi bọt tăm đầy ắp dán những tên nhãn nổi tiếng. Thay vào đó chỉ là một chai Drambuie dính đầy mụn vải, còn được vài xăng ti dưới đáy, hay một xíu vodka Cuba (thật đấy, có loại ấy đấy. Rõ ràng là thứ uống hợp nhất với tình đồng chí có vẻ sặc mùi ý thức hệ ở Cuba) và một chai rượu chuối ngọt hầu như còn nguyên mà Helen và Anna đều tuyên bố thà chết khát chứ không uống. Tôi vẫn ngồi trên sàn nhà lạnh lẽo trong bóng tối. Tôi thật sự thèm được uống. Thậm chí cả rượu chuối ngọt nếu tôi biết nó ở đâu. Tôi thấy cô đơn không chịu đựng nổi. Tôi đấu tranh tư tưởng, định gọi mẹ dậy hỏi xin ít rượu nhưng lại thấy tội lỗi quá. Bà đã lo lắng lắm rồi, nếu người đàn bà đáng thương ấy đã ráng dỗ được giấc ngủ, tôi không nỡ lòng nào đánh thức.

Hay là Helen.

Tôi mệt mỏi leo lên phòng nó ở trên lầu. Nhưng bò vào đến nơi thì thấy cái giường con bé trống không. Hoặc nó ở lại nhà Linda, hoặc là một em trai nào đó gặp may rồi. Nếu nó qua đêm với ai, các xác chết vì tự tử của hắn có thể sẽ được phát hiện vào sáng hôm sau kèm theo mảnh giấy ghi: “Tôi đã có được mọi thứ tôi ao ước trên cuộc đời này. Tôi sẽ không bao giờ lại được hạnh phúc như thế nữa. Tôi xin được chết trong cảm giác hân hoan này. Tái bút: cô ấy đúng là một Nữ thần.”

Thế rồi, như thể còn chưa đủ thất vọng, khổ sở, tôi chợt thấy sợ thót người, ngộ nhỡ có chuyện gì kinh khủng xảy ra với Kate.

Ngộ nhỡ con bé bị đột tử trong lúc ngủ. Hay bị tắc họng, hay bị ói. Hay là nghẹt thở. Hay cái gì đó.

Tôi vùng chạy về phòng, thấy con bé vẫn đang thở mà lòng nhẹ hẳn.

Con bé vẫn nằm đó, một bọc mỏng manh, nhăn nheo, hồng hồng, mắt nhắm nghiền.

Trong khi đợi nhịp thở trở lại bình thường và mồ hôi trên trán khô hết, tôi tự hỏi những ông bố bà mẹ khác phải đương đầu với những chuyện này như thế nào. Liệu họ có dám để con mình chơi với những đứa trẻ con khác? Họ có phát hoảng không nếu phải xa con chỉ năm phút?

Tôi thấy khó lắm. Làm sao tôi chịu nổi nếu con bé đến tuổi đi học? Không đời nào tôi bỏ bê con bé như thế. Nhà trường sẽ phải cho tôi ngồi dưới cuối lớp. Còn bây giờ thì, tôi thật sự cần được uống.

Biết đâu Anna có ở nhà.

Tôi lết qua phòng nó, khẽ khàng mở cửa.

Một mùi thơm nồng phả vào mặt tôi khi cánh cửa mới hé được hai xăng ti.

Hơi của rượu. Chính nó!

Bingo!

Cám ơn trời, tôi nhủ. Đến đúng ổ rồi.

Anna nằm cuộn tròn trên giường, mái tóc đen dài xõa hết ra xung quanh, một cái gì đó trông như hộp hambơgơ cỡ đại đặt trên cái gối bên cạnh nó.

– Anna, – tôi rít vào tai nó, khẽ lay lay người con bé. Không thấy động tĩnh gì.

– Anna! – tôi hét to hơn qua kẽ răng, lay vai nó thật mạnh.

Tôi bật đèn bàn rọi vào mặt nó, đúng kiểu cảnh sát chìm thời Đức quốc xã. Dậy!

Nó mở mắt nhìn chằm chằm vào mặt tôi.

– Claire? – nó kêu lên, không tin vào mắt mình.

Trông nó hơi hoảng sợ, như thể nghĩ mình đang bị ảo giác.

Mà vì nó là Anna, nên cũng có thể lắm chứ.

Có thể là nó đang bị ảo giác.

Rất thích những thứ kích thích làm thay đổi tâm trạng, nếu bạn chịu khó đọc tiếp.

Khổ thân con bé. Nó chỉ biết tôi đang ở cách xa bốn trăm dặm, trong một thành phố khác, một cuộc sống khác. Vậy mà tôi lại đang ở đây, ngay trước mặt nó, trong phòng nó, nửa đêm nửa hôm.

Mà tệ hơn thế nữa, để kiếm chác.

– Anna, xin lỗi chị đánh thức em thế này, nhưng mà em có gì cho chị uống không? – tôi hỏi nó.

Nó chỉ nhìn tôi trân trối.

– Sao chị ở đây? – nó hỏi, giọng sờ sợ.

– Là tại vì tao đang cần kiếm tí rượu! – tôi điên tiết nói.

– Chị có gì nhắn gửi với em sao? – nó vẫn mở to mắt nhìn tôi không chớp.

Trời ạ! Tôi lộn cả ruột.

Anna mê mẩn tất cả những gì liên quan đến năng lực siêu nhiên. Nó chẳng mong gì hơn là được quỷ dữ xâm chiếm, hay được ở trong một căn nhà ma ám, hay biết trước được thiên tai. Rõ ràng nó đang hy vọng tôi là một hiện tượng bất thường mà khoa học không giải thích nổi. Hoặc là thế, hoặc là nó đang xỉn hơn bình thường.

Tôi có một ý nghĩ vô cùng hay ho là nói cho nó nghe một điều gì đó kinh khủng.

Ví dụ như: “Phải đấy Anna à. Phải cẩn trọng! Cánh đồng của cô sẽ chết hết”, hay “Phải đấy Anna à. Phải cẩn trọng! (câu “phải cẩn trọng” rất quan trọng) Cái xô của cô bị rò rồi. Cô sẽ làm chảy hết sữa trên đường đem ra chợ bán”, hay “Phải đấy Anna à. Phải cẩn trọng! Đừng cắt bỏ những nhánh cây táo gai!”.

Cái sự thật là Anna không có cánh đồng nào, không có sữa để bỏ vào xô đem ra chợ bán hay trong vòng mười dặm quanh nhà chẳng có cây táo gai nào chẳng hề gì với nó. Nó vẫn sẽ rất hoan hỉ được một thế lực siêu nhiên viếng thăm.

– Phải đấy Anna à, – tôi định đùa nó nhưng ngay lập tức lại thấy mình hơi kệch cỡm. – Họ đã phái chị đến. Chị đến để lấy ít rượu.

– Trong túi của em ấy, – nó nói rất nhỏ.

Cái túi quẳng trên sàn cùng với một chiếc giày (chiếc kia đâu nhỉ?), áo khoác, một gói snack còn vài miếng và một lon Budweiser. Khó khăn lắm tôi mới mở được cái túi vì vướng hai quả bóng cột vào sợi dây túi. Anna chắc chắn là vừa tiệc tùng về.

Tôi suýt phát khóc vì sung sướng lúc tìm thấy chai rượu trong cái túi.

– Cám ơn Anna. Mai chị trả lại tiền cho em.

Rồi tôi bước ra khỏi phòng.

Trông nó vẫn còn hoang mang, sờ sợ. Nó gật gật, im re, rồi cố lí nhí: “Dạ.”

Tôi ghé về phòng dòm chừng Kate. Con bé vẫn đang say ngủ.

Tôi thoáng nghĩ là con bé sẽ ngồi dậy trong cũi, tay khoanh trước ngực, gặng hỏi người cha tôi đã hứa với nó đâu. Nhưng con bé vẫn ngủ say, mơ những giấc mơ em bé có mây màu hồng, chăn êm nệm ám, có những con người mềm mại thơm tho và thật nhiều đồ ăn, được ngủ thật nhiều và được thật nhiều người thương.

Và không bao giờ phải xếp hàng đi vệ sinh.

Tôi cầm chai rượu đi xuống bếp, lừ đừ mở nút chai. Tôi biết chắc mình sẽ cảm thấy đỡ hơn sau khi nhấp tí rượu. Vừa khi rót rượu vào ly, tôi thấy Anna đứng ngay cửa, dụi dụi mắt, trông ngơ ngác lẫn lo sợ, mớ tóc đen dài xòa xuống gương mặt trắng xanh.

– Ôi Claire! Đúng chị rồi. Vậy là không phải em tưởng tượng, – giọng nó nghe như nửa nhẹ nhõm, nửa thất vọng. – Em cứ tưởng mình bị sốt mê sảng. Rồi em cứ tưởng chị là ảo giác. Nhưng mà em nghĩ nếu là ảo giác chắc chị phải mặc cái gì đẹp hơn là cái đầm ngủ xấu xí của mẹ kia.

– Ừ, là chị đây, – tôi mỉm cười với nó. – Xin lỗi nếu chị làm em sợ, nhưng chị thèm uống quá. – Tôi bước tới, vòng tay ôm nó. Thật vui sướng lại được nhìn thấy con bé.

Anna trông rất giống Helen, khuôn mặt nhỏ trắng trẻo, đôi mắt mèo ngó nghiêng, cái mũi be bé xinh xinh.

Nhưng chỉ giống đến thế thôi. Trước hết là tôi không muốn giết chết Anna cứ mỗi ngày phải hai mươi lần. Anna ít nói hơn nhiều, dễ thương hơn nhiều. Nó rất tốt với mọi người. Và không may là nó cũng rất mơ hồ, thường ở trên mây. Không dưới một lần tôi nghe được mọi người nói chuyện có nhắc Anna kèm theo câu “đang mải lang thang đâu mất với các cô tiên rồi”.

Thôi thì chắc tôi đành phải rất thành thật với bạn. Không thể chối từ sự thật là Anna hơi bị… à… hơi bị… tôi nghĩ là hippy.

Nó chưa từng có một công việc ra hồn. Và lúc nào cũng như thể sắp sửa đi hội hè lớn. Mỗi lần tôi gọi về từ London mà hỏi thăm nó, mẹ tôi thề nào cũng đáp: “Ôi, nó đi Glastonbury rồi”, hoặc “Con Anna nó đang ở Lisdoonvarna”, hoặc “Anna xin được việc ở một quán bar ở Santorini rồi”.

Rồi có những hôm – phải nói là ngày xui – bà sẽ đáp: “Làm thế quái nào tôi biết được con Anna mạnh hay ốm? Thì tôi cũng chỉ là cái bà mẹ khốn khổ của nó thôi mà.”

Nó đi làm lúc có lúc không. Thường là trong mấy cái nhà hàng bán đồ ăn hữu cơ. Mà mỗi nơi cũng chẳng được bao lâu. Mà cũng lạ, không hiểu sao mấy cái nhà hàng đó cũng vậy, chẳng được bao lâu.

Nó đổ tại số.

Như tôi có nói, nó buôn thuốc nữa. Nhưng mà được một thời gian ngắn thôi. Và buôn một cách rất đàng hoàng tử tế.

Không, thực sự là không.

Nó không bao giờ lảng vảng trước cổng trường, cố dụ mấy đứa tám tuổi mua heroin.

Nó chỉ bán cái thứ bột trắng ấy cho bạn bè và người nhà. Và chắc cú là bán lỗ.

Nó tự tay làm đồ trang sức và thỉnh thoảng cũng bán được một ít.

Một kiều sống bấp bênh. Nhưng nó dường như chẳng bận tâm tới cái sự thất thường, tạm bợ ấy.

Bố chán nản tuyệt vọng với nó. Bảo nó là đứa vô trách nhiệm. Và dĩ nhiên cái tội lỗi làm cho nó bất ổn được gán thẳng cho tôi. Ông bảo tôi đã co giò chạy (chính xác từ ông xài đấy) đi London đúng lúc Anna đang ở tuổi rất dễ bị ảnh hưởng, rằng tôi đã bơm vào đầu nó cái ý nghĩ dẹp bỏ một công việc ngon lành để chạy đi làm bồi bàn là vô cùng bình thường. Làm gương kiểu gì đấy, ông hỏi tôi.

Ông cố hết sức rèn Anna vào khuôn, thành một công dân có trách nhiệm, có đóng thuế, ông xoay xở kiếm được cho nó một chân văn phòng trong một công ty xây dựng.

Rõ ràng là ai đó đã phải ơn mưa móc của ông. Ơn rất lớn, rất rất lớn.

Ép Anna đi làm văn phòng quả là một sai lầm. Cũng giống như cố chèn một cái cọc tròn vào một cái lỗ vuông. Hay là đi giày ngược bên. Khó chịu, bức bối, và hầu như đã biết chắc thất bại.

Tai họa.

Anna giống như một cây hoa lạ ngoại nhập chỉ quen với thời tiết nhiệt đới, đột nhiên bị vứt vào một đất nước lạnh lẽo ướt át. Làm sao nó sống sót? Nó chỉ héo tàn đi, những cánh hoa tươi tắn đẹp rạng rỡ úa màu dần, mùi hương thanh khiết cũng không còn. Công việc văn phòng có lẽ không nằm trong danh mục tài năng của nó. Nó tưởng tượng và sáng tạo quá mức, không thể gí ngón tay vào những công việc tẻ nhạt như sắp xếp hồ sơ.

Và quá say say tỉnh tỉnh, làm sao làm đúng được. Một sáng thứ Hai, sếp nó, ông Sheridan thảy một tờ séc lên bàn, nói: “Gửi cho Bill Prescot, nhớ đính theo mảnh giấy con!”

May sao ông sếp kịp ngăn chặn tấm séc bị gửi đi kèm theo một lá thư do chính tay Anna viết: “Ông Prescot kính mến, mặc dù chưa từng gặp nhưng tôi đoan chắc ông là người rất đáng mến. Tất cả các nhà thầu đều nhiệt tình khen ngợi ông.”

Ông Sheridan chán nản bảo cho Anna biết, đính kèm mảnh giấy con là để ghi “Kính biếu” cho món quà có phần trang trọng, chứ ông không nhờ nó viết lời khen ngợi ai.

Đến giờ nghỉ trưa nó hầu như mất hết khái niệm về thời gian vì đã phát hiện ra một ổ thiên nga ở một đoạn sông gần văn phòng. Nó ngồi hàng giờ ngắm mấy con thiên nga và à ơi mấy cái trứng. (Lại còn ván vài điếu mà hít nữa, nếu bạn tin được mấy tay buôn dưa lê.) Rồi vào cái ngày nó để xuất thay đổi cách lưu trữ hồ sơ của công nhân – thay vì sắp xếp theo tên họ thì nó muốn xếp theo ngôi sao chiêm tinh của người ta, ông Ballard, chánh văn phòng, quyết định như thế là quá đủ.

Ơn hay không ơn giữa giám đốc điều hành với Jack Walsh thì con bé ấy vẫn phải biến.

Mặc dù Anna phản đối rằng nó chỉ đùa (nó vừa nói vừa cười phá lên, rõ ràng việc này đã khiến cho sự việc trở nên tệ hại hơn): ‘Thật tình, ai lại dám để xuất lưu trữ thông tin theo ngôi sao chiêm tinh kia chứ. Ý tôi là, mình còn chẳng biết được cung hoàng đạo của họ nữa là.”), quyết định vẫn được ký ngay lập tức. Anna một lần nữa lại thành ra không có việc làm.

Bố giận dữ và nhục nhã. “Cái đầu chết tiệt của nó nghĩ cái gì thế không biết?” ông thét ầm nhà. “Bà biết không, tôi dám thề là nó hút chích đấy!”

Nói thật, đến một quý ông thông minh sáng láng cũng phải có những lúc ngây thơ không chịu nổi.

Lần dạm ngõ khác của Anna, và duy nhất, cũng ra trò, với một công việc tốt đẹp là hồi nó còn đi học. Cô giáo hướng nghiệp hỏi nó muốn làm gì. Nó bảo muốn được hòa mình vào với thiên nhiên, để rồi không hiểu sao bị xếp vào làm hai tuần ở một công ty sản xuất các bộ phận bên trong ấm nước.

Khi đã chắc tôi không phải là một hiện tượng tâm linh, Anna, dù có hơi thất vọng, đã quyết định nhập hội cho tới.

– Cho em một ly luôn! – nó hướng mắt về phía cái chai. Tôi làm theo lời nó, rồi hai chị em ngồi xuống cạnh bàn.

Lúc này đã là năm giờ sáng.

Anna không hề có vẻ gì thấy lạ khi đã trễ, hay nói đúng hơn là sớm, thế này.

– Mừng! – nó nâng ly lên với tôi.

– Ừ, mừng! – tôi đáp vô hồn, nốc cạn ly. Anna nhìn tôi thán phục.

– Vậy chị làm gì ở đây vậy? – nó lân la hỏi chuyện. – Em không biết là chị về. Chẳng ai nói hết… ờ em nghĩ là chẳng ai nói hết. – Giọng nó không chắc. – Cả tuần rồi em không về nhà.

– Ừ, Anna à, chị quyết định cũng đột ngột thôi, – tôi thở dài, chuẩn bị giải thích dông dài với nó tình cảnh ảm đạm của mình.

Nhưng chưa kịp thì nó đã ngắt.

– Ôi trời ơi! – nó tự vả vào miệng.

– Gì? – tôi hoảng. Phải cái nút chai bị bắn lên trần rồi không? Hay là nữ thần báo tử vừa thò mặt qua cửa sổ?

– Chị hết bầu rồi! – nó reo lên.

Tôi mỉm cười khố sở.

– Ừa. Chị hết rồi. Biết gì không?

– Chị sanh em bé rồi? – nó hỏi, rất từ từ.

– Ừ, – tôi khẳng định, vẫn mỉm cười.

– Chúa ơi! – nó thét. – Tuyệt vời! – rồi ôm chầm lấy tôi.

– Con gái hả?

– Ừ – Có ở đây không? Cho em xem mặt bé nhé? – Anna vô cùng hào hứng.

– Ừ, em bé đang trong phòng chị. Nhưng nó ngủ rồi. Nên nếu em không giận thì chị nghĩ nên để bé ngủ. Với lại, đợi chị uống hết chai này đã, – tôi buồn rầu.

– Ừ, phải rồi. – Anna đồng tình, rồi rót thêm rượu cho tôi. – Nốc thêm đi. Chắc là lâu lắm rồi chị mới được phép uống rượu. Thảo nào cứ ực một cái là cạn đáy.

– Ừ, lâu lắm rồi chị mới được uống. Nhưng không phải vì vậy mà chị thèm được uống.

– Ủa, chứ sao? – nó tỏ vẻ khó hiểu.

Tôi kể cho nó nghe chuyện James.

Nó lắng nghe rất từ tốn, rất cảm thông, không phán xét gì và, đúng cái kiểu mơ mơ màng màng của nó, rất hiểu chuyện, nên tôi bắt đầu cảm thấy nhẹ lòng được một chút. Bình tĩnh hơn một chút. Bớt mệt mỏi đi một chút. Và thấy hy vọng thêm một chút.

Tôi thấy cũng nên nhắc đến phần công trạng của chai rượu nữa. Nó đóng một vai trò nhỏ thôi, nhưng không kém phần quan trọng trong việc nâng tinh thần tôi lên. Nhưng nói chung phần lớn là nhờ Anna.

Nó thầm thì với tôi những câu như: “Chuyện gì đã được định đoạt là đã được định đoạt”, rồi “Tất cả chúng ta đều được che chở dù có lúc thấy như không phải vậy”, rồi “Tất cả chúng ta đều đã được xếp đặt cả”, rồi “Mọi chuyện xảy ra đều có căn nguyên của nó”.

Đúng kiểu nói của dân hippy. Nhưng tôi thấy được an ủi.

Rồi đến khoảng sáu giờ, vừa lúc chim bắt đầu hót ríu rít thì hai chị em bỏ về phòng, để lại căn bếp ly cốc đầy bàn, thêm cái chai cạn nhẵn, cái mở nút chai, cái nút chai, một cái gạt tàn đầy vun và đống bao bánh bích quy (vâng, là bánh Digestive. Mẹ vẫn không cho ăn bánh Jaffa.) mà Anna đã gặm.

Một tiếng nữa bố sẽ dậy chuẩn bị bữa sáng cho ông và mẹ. Ông sẽ dọn dẹp cái đống bầy hầy này, chúng tôi tự nhủ. Ông vẫn thích làm lụng luôn tay, tôi và Anna đều nhất trí thế. Ông cần được thấy cả nhà cần ông.

Chúng tôi chầm chậm leo lên cầu thang, tay đan vào nhau. Vào đến phòng, tôi gieo mình xuống giường, thấy vô cùng buồn ngủ, nhẹ nhõm và bình tâm. Anna tròn mắt nhìn Kate mấy phút rồi nhất định đi lấy hai quả bóng (nó đã “cầm nhầm” lúc tàn tiệc, cùng với chai rượu) cột vào cái cũi. Rồi nó hôn tôi chúc ngủ ngon và nhón gót đi ra. Tôi ngủ ngay, một giấc ngủ sâu không mộng mị.

Kate khóc thét đánh thức tôi dậy chỉ mười lăm phút sau đó, đòi bú.

Tôi cho bé bú rồi lần trở lại giường.

Vừa lúc gần ngủ lại được thì tôi lại nghe tiếng bố dậy. Vài phút sau đã nghe tiếng ông rầm rầm bước trở lên lầu hét vào phòng: “Con gái bà toàn những đứa nát rượu!” (Thể nào cũng là “con gái bà” nếu chúng mất việc, trốn lễ Mixa, đi chơi khuya, ăn mặc nhố nhăng, và thể nào cũng là “con gái tôi” lúc chúng thi đậu, nhận bằng tốt nghiệp, cưới anh kế toán và mua nhà), “Uống suốt đêm với nằm dài cả ngày! Tôi cứ phải đi thu dọn cái mớ rác trong bếp chắc?”

Rõ ràng ông đã phát hiện ra cái mớ tàn dư từ màn “dậy sớm” của hai chị em.

Mẹ rầu rĩ:

– Ôi không, chúng lại lần ra mấy chai rượu rồi. Cứ tưởng cất dưới thùng dầu thì chẳng đời nào tìm ra. Giờ tôi lại phải kiếm chỗ khác nữa rồi.

Một chốc sau tiếng ồn ào cũng im dần. Vừa lúc hy vọng sẽ ngủ lại được một, hai tiếng gì đó nữa thì có tiếng chuông reo ngoài cửa. Lập tức tôi thấy thấp thỏm vì chỉ mới bảy rưỡi sáng kia mà. Tôi nghe tiếng bố ra mở cửa rồi nói gì đó với một giọng đàn ông. Tôi căng tai ra hết mức, cố nghe xem chuyện gì. Có khi nào là James không? Một tia hy vọng bỗng lóe lên đến đau nhói.

Rồi tiếng bố chạy lên lầu. ồng hét với mẹ: “Có một thằng điên dưới nhà cầm theo một cái giày, hỏi phải của nhà mình không. Tôi làm gì đây?”

Yên lặng. Mẹ hẳn là đang lúng túng không biết trả lời sao.

– Toàn những chuyện dở hơi thế này chắc tôi trễ làm mất bà biết không? – ông nói như thể lỗi tại mẹ tất. Tôi bật khóc vì thất vọng. Không phải James. Giờ tôi đã biết chắc ai đang ngoài cửa.

– Bố! – tôi vừa khóc vừa gọi. – Bố ố ố ố…!

Ông thò đầu vào phòng:

– Chào con yêu. Chờ bố chút nhé. Bố sẽ pha trà cho con. Tại cái thằng điên dưới nhà nên bố phải tống nó đi cái đã.

– Không. Không phải điên đâu bố. Là tài xế taxi đấy. Bố gọi Anna đi. Con cá là giày của nó.

– Ồ? Vậy là cuối cùng nó cũng chịu về cái nhà này rồi hả? – mẹ hét với sang.

Bố chạy qua phòng Anna, miệng lầm bầm: “Lẽ ra tôi đã phải biết là con Anna chứ không ai khác.”

Anna bị dựng dậy. Hóa ra đó đúng là anh chàng taxi đã chở nó về hồi sớm này. Hết ca làm, anh chàng phát hiện ra chiếc giày rơi lại ở ghế sau nên đi hết nhà này đến nhà khác, như một chàng hoàng tử, tìm xem ai trong số các nàng chàng đã chở về suốt đêm qua đi vừa chiếc giày. Và Anna chính là nàng Lọ Lem.

Anna rối rít cảm ơn. Chàng tài xế chào tạm biệt. Con bé quay vào ngủ tiếp. Bố đi làm. Tôi cố nhắm mắt. Kate lại khóc.

Tôi cũng khóc.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.