Tâm trạng của dì nhỏ phấn khởi lạ thường, nhấp nhổm không yên, như thể chờ mãi mới được đưa cháu gái bộ đồ ngủ mới. Vừa vào cửa, dì đã dẫn Thang Yểu đến phòng tắm, nói cô mang quần áo vào đi tắm.
Dì còn đẩy hộp gì đó vào tay cô.
Dì nhỏ lấy ra trước một viên tròn màu đỏ tím từ trong hộp, hương thơm ngào ngạt: “Đây là quả bóng tinh dầu tắm, cô bé lễ tân ở tiệm bánh của dì giới thiệu đấy, dì mới mua mấy hôm trước thôi, vào thử đi, dì ở ngay ngoài cửa đây.”
Bị đẩy vào phòng tắm, Thang Yểu thò đầu ra ngoài trước khi đóng cửa, dặn dì: “Dì nhỏ, con chưa để bánh vào tủ lạnh đâu đấy…”
“Dì biết rồi, để dì làm.”
Tắm xong, Thang Yểu mặc bộ đồ ngủ mới mà dì mua cho cô rồi đi ra, thấy dì đang ngồi dựa người trên ghế sofa, cầm ly rượu trên tay, uống gần hết rượu trong chai.
Phòng khách rộng quá, đèn chỉ chiếu sáng được một góc.
Một người phụ nữ mạnh mẽ, ban ngày có sự nghiệp thành công, giờ đây dang ngồi đơn độc dưới ánh đèn, không trang điểm, trong ánh mắt có men say.
Dì giơ tay gọi Thang Yểu: “Tiểu Hạnh, đến đây ngồi đi con.”
Dì lại gọi cô bằng biệt danh hồi nhỏ, hình như dì uống nhiều quá rồi.
Điện thoại vẫn để trên tủ giày ngoài huyền quan, Thang Yểu quên chuyện cô định nhắn tin cho Văn Bách Linh, nghe lời dì, ngồi xuống: “Đồ ngủ rất vừa vặn, con thích lắm, cảm ơn dì nhỏ.”
“Sao lại cảm ơn dì chứ?”
Dì nhỏ tự rót rượu đỏ vào ly, uống gần hết ly rượu.
Trước đây quay chụp ở xưởng rượu, trên tường có treo bảng mô tả các bước nếm rượu bằng tiếng Anh.
Tiếng Anh của Thang Yểu rất tốt, muốn đọc qua để tiếp thu thêm kiến thức, ngửi rượu, lắc ly, nhìn tranh treo tường, chắc chắn không phải uống như dì đang uống.
Lúc này, hình như không phải là dì nhỏ đang nếm rượu, mà là dùng rượu để xoa dịu sự mệt mỏi.
“Tiểu Hạnh nhà mình cũng lớn rồi.”
Đôi lúc dì nhỏ cũng giống mẹ, hay dặn dò người khác ——
“Sau này tìm bạn trai, con phải nhìn kỹ vào.”
“Tìm ai đó chân thành, yêu thương con, đối xử tốt với con.”
“Có tiền hay không cũng không quan trọng, dì nhỏ có tiền, tiệm bánh của dì sẽ kiếm được tiền —”
Kiếm được tiền là tốt, nhưng lại thấy mắt dì ngân ngấn nước, dì kéo Thang Yểu vào, lẩm bẩm: “Tiểu Hạnh, đừng trở thành người như dì…”
Thang Yểu luôn ở bên cạnh dì, nhìn dì uống nhiều rượu, nghe dì nói trong cơn say.
Cô lại nhớ tới mấy năm trước, dì nhỏ từ Bắc Kinh gọi về quê cho cô và mẹ, giọng dì rất phấn khởi, kể chuyện thành phố hoa lệ và phát triển thế nào.
“Chị ơi, nếu tìm được công việc ổn định và sống cả đời ở đây thì tốt quá.”
Giờ đây, có vẻ như nguyện vọng của dì nhỏ đã trở thành sự thật, làm công việc mình thích, sống trong căn hộ cao cấp, có một cuộc sống xa hoa.
Nhưng trông dì nhỏ không hạnh phúc.
Thang Yểu thương dì, lau nước mắt, trong lòng luôn nghĩ rằng dì không hạnh phúc một phần là vì áp lực công việc, một phần là vì những điều mà tên “cặn bã” kia mang đến.
Khi nhìn thấy tin nhắn của Văn Bách Linh, trời đã khuya rồi.
Di chuyển mười tiếng trên tàu, ở tiệm bánh của dì nhỏ hơn nửa ngày, điện thoại và sạc dự phòng đều tắt nguồn, cắm dây sạc, điện thoại khởi động lại thì kêu hai tiếng thông báo.
Thang Yểu nhìn ra Văn Bách Linh không vui, muốn giải thích rõ ràng, vậy nên cẩn thận viết một đoạn tin nhắn dài như đoạn văn.
Trễ rồi, đầu óc của cô lại rối như tơ vò, câu chữ cô gõ cũng dài dòng, định xóa đi, nhưng lại bấm nhầm nút gửi.
Không có chức năng thu hồi tin nhắn, khi đó đã là nửa đêm, sợ nhắn thêm gì nữa sẽ làm phiền người khác, nghĩ ngợi một lát, cô quyết định để khi thức dậy rồi nói chuyện tiếp.
Suốt kỳ nghỉ đông, Thang Yểu không còn thói quen dậy sớm, ngủ không biết giờ giấc, nghe tiếng đóng cửa, cô mới tỉnh dậy từ giấc mơ mà cô còn không nhớ rõ.
Dì nhỏ đi rồi, trong huyển quan cũng chỉ còn đôi dép lê.
Dì viết giấy để lại, nói chỗ làm có việc gấp, đến tối mới về.
Thang Yểu quanh quẩn nửa vòng trong căn phòng trống, đột nhiên nghĩ đến Văn Bách Linh, chạy vào phòng ngủ mở điện thoại lên xem.
Điện thoại hiện ra tin nhắn của Văn Bách Linh.
Thói quen sinh hoạt còn thiếu lành mạnh hơn cả cô, cô gửi tin nhắn lúc một giờ đêm, hơn ba giờ đêm anh nhắn tin trả lời.
Nội dung chỉ có một câu: “Thức dậy thì gọi anh.”
Văn Bách Linh ngồi ngoài ban công một lúc lâu, nhận được cuộc gọi của Thang Yểu lúc mười giờ.
Ban đầu, anh muốn giả vờ lạnh lùng, cố ý trêu chọc cô, nhưng khi bắt máy, anh nghe cô lo lắng hỏi: “Anh không vui à?”, giọng điệu sốt sắng, làm Văn Bách Linh bật cười: “Là lớp trưởng mà dậy trễ thế?”
“…Tối qua ngủ trễ mà.”
Thang Yểu giống như một quả hồng mềm, bị than phiền cũng không cãi lại, chỉ lo lắng, quan tâm hỏi han anh: “Thấy thời gian tin nhắn đến, anh cũng ngủ trễ, giờ này đã dậy rồi à?”
“Ừ, gặp người ta cũng phớt lờ, lại còn không trả lời tin nhắn, giận quá nên ngủ không ngon.”
Cô nhớ rõ ràng mình dỗ dành bạn cùng phòng rất giỏi, vậy mà đến anh thì không nói lại được, chỉ nói: “Anh đừng giận, nhé?”
Thật ra, Văn Bách Linh không giận.
E là anh còn biết rõ chuyện của dì nhỏ hơn cả Thang Yểu.
Sau khi liên lạc được với cô, tâm trạng anh dễ chịu hơn, còn nói đùa trêu chọc cô: “Hôm nay không phải tránh mặt anh à? Không sợ dì nghe em gọi anh sao?”
Thang Yểu nói dì nhỏ đã ra ngoài, chỉ còn mình cô ở nhà.
Vậy nên Văn Bách Linh thoải mái mời cô: “Chưa ăn sáng phải không? Anh cũng vậy, xuống nhà anh cùng ăn đi.”
Thang Yểu do dự: “…Hình như không tiện.”
“Sao lại không tiện, ở đây anh không cần tránh mặt ai.”
“Vậy chờ em một chút, em còn chưa rửa mặt, sắp xếp xong sẽ xuống gặp anh.”
Anh cúp máy, người bạn đêm qua ở lại nhà Văn Bách Linh xuất hiện, đầu tóc như ổ gà.
Người bạn uống nửa chai nước khoáng, hỏi anh: “Cậu nói chuyện điện thoại với ai thế? Anh Bách Kỳ à?”
“Không phải, người khác.”
“Vậy à, tưởng anh Bách Kỳ gọi mắng cậu chứ.”
Người bạn chải tóc, nói với Văn Bách Linh chuyện trở về nước: “Không cần năm nào cũng tránh mặt vậy đâu, nhiều cô gái đến nhà như vậy, cậu không thích ai à?”
Mùa xuân năm nào, hai người lớn trong nhà cũng tổ chức sinh nhật liên tiếp, ăn mừng náo nhiệt đến mười ngày, nửa tháng.
Người lớn tụ tập lại với nhau, đề tài nói chuyện không có gì mới, chỉ toàn nói chuyện làm ăn và những chuyện nhỏ nhặt trong nhà.
Cuối buổi nói chuyện, lại kéo Văn Bách Linh đến, giới thiệu bạn gái cho anh.
Văn Bách Linh ghét đề tài này.
Nhất là lần này, anh về nước ngay trong đêm sinh nhật, nhất định phải tránh mặt.
Khi bạn hỏi đến, anh lại thấy khó chịu.
Anh nói làm bạn thì được, nhưng đừng nghĩ đến chuyện yêu đương và kết hôn. Đâu phải lần đầu tiên anh gặp họ, từ nhỏ đã biết nhau, nếu thật sự muốn đến với nhau thì còn phải chờ người lớn giới thiệu sao?
Khi nói những lời này, Văn Bách Linh chợt ngẩng đầu nhìn lên cửa sổ sát đất trên tầng năm.
“Nhìn gì thế?”
Bạn anh họ Phí, tên là Phí Dục Chi.
Phí Dục Chi bị gọi là “nói nhảm nhiều quá” cũng không phải không có lý, đúng là nói nhiều thật, thấy Bách Linh ngẩng đầu nhìn lên tầng trên đã nghĩ đến một màn ẩu đả.
Người này chạy ra ban công, kéo ghế ngồi, hỏi nhỏ: “Có phải là đứa cháu nội sống ở tầng năm không?”
“Ừ.”
“Còn nói gì nữa, đi đánh hắn thôi.”
“…Cậu rảnh rỗi quá nhỉ?”
Người mà họ nói đến là Hàn Hạo.
Năm ngoái, Hàn Hạo rất phô trương, chi một số tiền lớn mua một căn nhà ở tầng năm để bao nuôi cho người phụ nữ của hắn ta, còn khoe khoang trên bàn rượu, nói rằng Văn Bách Linh chỉ sống ở tầng ba, vậy là người phụ nữ của hắn đứng cao hơn anh rồi.
Không ai trong nhóm làm những trò ấu trĩ đó, cũng hiếm khi gặp được một kẻ thần kinh như vậy, trông cứ như “cóc ghẻ”, không cắn nhưng lại làm người ta ghê tởm.
Văn Bách Linh không quan tâm đến chuyện này.
Anh học ở nước ngoài, chỉ về nước thời gian ngắn, căn hộ này cũng không phải là căn nhà duy nhất.
Trước đây anh cũng hiếm khi ở căn hộ này, không biết bắt đầu khi nào, nhưng từ năm ngoái, nơi này đã trở thành nơi anh ở lại thường xuyên nhất.
Không thích Hàn Hạo, nhưng vẫn sống ở đây, việc này khó hiểu thật.
Nhưng điều Phí Dục Chi không hiểu không chỉ có chuyện này.
Anh ta lấy ấm trà nóng hổi trước mặt Văn Bách Linh, rót cho mình một ly, hỏi: “Phải rồi, có phải cậu mua chiếc xe tồi tàn trong gara tối qua không?”
“Có chuyện gì à?”
“Tôi phát hiện càng ngày càng không hiểu được cậu. Sao đột nhiên lại mua chiếc xe rẻ tiền thế chứ? Ở tòa nhà này, một chỗ đậu xe đã đắt hơn chiếc xe đó hai trăm ngàn tệ rồi.”
Họ đang nói về chiếc xe màu trắng.
Văn Bách Linh cười, nói: “Chiếc xe đó tiện mà.”
Bạn anh còn muốn hỏi thêm gì đó, anh đã chặn lại, nói anh ta ồn ào quá, sao lại hỏi nhiều như thế, bảo anh ta im lặng chút đi.
Phí Dục Chi và Văn Bách Linh bằng tuổi nhau, sinh nhật cũng gần nhau. Ban đầu, họ gọi nhau bằng tên, nhưng mấy ngày nay, Phí Dục Chi “bỏ nhà ra đi” nên ở lại nhà Văn Bách Linh.
Ăn chung, uống chung, sống chung, mỗi ngày miệng lại ngọt hơn một chút, mở miệng ra là gọi “anh Văn” thế này, “anh Văn” thế nọ.
Nghe Bách Linh nói vậy, Phí Dục Chi làm động tác khóa miệng, ý nói mình sẽ im lặng.
Nhưng cũng chỉ im lặng được vài phút thôi.
Uống trà xong, Phí Dục Chi không nhịn được mà giơ tay: “Hỏi câu cuối, anh Văn à, anh ngồi đây cả buổi sáng rồi, không thấy lạnh thật à?”
Bắc Kinh vào đầu tháng ba, thời tiết chẳng ấm áp mấy.
Cây liễu chưa đâm chồi mới, cây hòe trụi lá, ngay cả chim én bay về phía Nam trú đông cũng chưa quay lại, nhưng Văn Bách Linh đã ngồi một lúc lâu trên ban công không mái che, đeo một chiếc khăn len.
Anh cũng không nói lạnh hay không, chỉ liếc nhìn lên tầng trên.
Đúng lúc có một dáng hình quen thuộc đứng bên cửa sổ sát đất trên tầng năm.
Thang Yểu mặc bộ đồ ngủ màu xanh, miệng đầy bọt kem đánh răng, vừa đánh răng vừa nhìn xuống tầng dưới.
Cô gái tầng trên có lẽ không nghĩ sẽ có người nhìn, vẻ mặt bối rối thấy rõ, cứ vậy vẫy tay với anh, sau đó chạy đi mất.
Văn Bách Linh cười khẽ, Phí Dục Chi nghe được, ngẩng đầu nhìn lên tầng trên.
Không nhìn thấy gì, nhưng một cơn gió thổi qua làm Phí Dục Chi run cầm cập, anh ta rúc người vào bộ đồ ngủ, hỏi: “Không thể nào, cậu không lạnh thật à? Chúng ta vào nhà uống trà được không?”
Văn Bách Linh không di chuyển: “Lạnh, cậu vào đi, không cần phải ngồi đây nói chuyện với tôi.”