Tôi không ra ngoài đâu.
Cam Linh cực kỳ bình tĩnh trước việc mình điên rồi, nói xong thì ngước mắt ra ngoài cửa sổ, thản nhiên đẩy ra tôi đi đóng cửa lại, cứ như chẳng phải người ngoài tí nào.
Hàn huyên với nhau thật lâu, nhìn đống ảnh cũng thật lâu, bầu trời đã thả tấm rèm màu xanh đen xuống, tiếng gió lùa xôn xao qua những kẽ lá.
Tôi đóng cửa sổ lại, nhìn thoáng qua dự báo thời tiết rồi lấy cái dù trong tủ ra, nó cứng chắc như cây gậy bóng chày ngắn.
Tôi bung cây dù trong phòng khách, màn đêm lập tức tràn vào nhà.
Cam Linh đỡ cán dù, hạ nó xuống, rồi chỉ vào hình vẽ trang trí trên đó.
Môi cô ta trề ra, nở nụ cười ác ý “khỏi cần nói gì nữa ha”.
Trên dù có hai con mắt đỏ thật lớn, còn có đôi tai dài như tua rua nữa.
Cô ta săm soi cái dù từ đầu tới đuôi, tôi đoán chắc cô ta sắp chê cười sở thích của tôi, ra đòn phủ đầu trước: “Tôi con nít vậy đó, rồi sao nào?”
Quả nhiên đối phương hơi ngẩn ra, uyển chuyển thu lại lời muốn nói, môi mím lại, lắc đầu như tự giễu.
Rồi cô ta giơ thẳng cái dù lên đỉnh đầu mình, chẳng thèm để bụng quan niệm cho rằng “bung dù trong phòng là xui rủi”, mà tôi cũng không quan tâm chuyện này.
Cam Linh chỉnh trang lại một chút, dường như đôi tai thỏ phối với cô ta trông nặng nề hơn, có thể do mái tóc hoa râm làm cô ta trông lớn tuổi hơn thực tế.
Cam Linh nắm cán dù mà như đang cầm thanh kiếm, sát khí quẩn quanh.
Tôi chợt nghĩ đến cái căn nhà đất xiêu vẹo trước gió kia, lỡ đâu nửa bên còn lại sụp mất trong đêm mưa này rồi chôn vùi cô ta thì sao?
“Căn nhà kia của cô…”
“Không sao.” Cam Linh ngừng lại trước ngưỡng cửa, lấy tay trái lục lọi các túi trên người một lượt, lôi ra cái bao ni lông trong túi áo hoodie và ném lên sa lông, sau đó mới chịu rời đi.
Cái bao ni lông đó bị ép nhăn nhúm cả lên, thoạt trông như mớ gia vị cũ mốc từ năm nào, nhưng bên trong rất sạch sẽ, đựng một đôi vớ mới.
Đưa vớ cho tôi làm gì vậy cà? Không lẽ là bồi thường cho đôi vớ bị dẫm dơ lúc trước của tôi sao? Lúc đó tôi chỉ là giận quá mất khôn mà thôi, thật ra giặt lại là được rồi, không cần thiết phải gắt gỏng như thế.
Mở ra bao bì, bỏ đi cái móc cong bằng nhựa, tôi biết tỏng Cam Linh nào có suy nghĩ bình thường gì đâu.
Là một đôi vớ con nít có hình con thỏ ở gót chân, phần trên mắt cá chân là đường ren hoa màu hồng nhạt.
Tức anh ách thật chứ.
Tôi ném nó sang một bên, ngẫm nghĩ một hồi vẫn là nhắm mắt làm ngơ nhặt về xếp lại, Cam Linh không chỉ có khuôn mặt và lời nói xấu xa, mà hành động cũng thấy ghét nữa! Tặng đồ mà cũng có thể chọc người khác nổi khùng luôn chứ, tôi đang bực bội, bỗng nhận ra tính mình dạo này thường cáu bẳn vì mấy việc cỏn con như vầy thì có lẽ là sắp tới kì đèn đỏ rồi, thế là tôi phóng vào nhà vệ sinh nhanh như chớp.
Từ lúc gặp phải Cam Linh đến giờ, cuộc sống tôi cứ loạn cào cào cả lên, kinh nguyệt cũng không đều, tháng trước nó trốn đi không đến thăm nhà, tháng này lại ập tới bất ngờ thế này, tôi còn chưa chuẩn bị sẵn sàng nữa mà!
Hôm sau tôi đau đến giống như con cá sống bị xẻ làm đôi, chỉ có thể quẫy cái đuôi theo phản xạ.
Tôi cuộn người thành cục, uống ibuprofen (1) xong thì dần thiếp đi.
Đêm qua tôi không đóng cửa sổ, trời đổ mưa làm khí lạnh sà vào nhà.
Tôi nửa tỉnh nửa mê như con sâu ngọ nguậy bò xuống giường đóng cửa sổ, vừa vặn có tiếng gõ cửa vang lên.
Còn ai trồng khoai đất này ngoài Cam Linh, tính Cam Linh nóng nảy, nếu đợi một lúc mà cửa vẫn chưa mở thì cô ta sẽ đập mạnh y như tới xét nhà.
Tôi lết sang, nhưng bất ngờ thay, cô ta dừng gõ lại.
Tôi mở cửa ra, cô ta đưa tôi cái bao ni lông màu xanh lá, bên trong là cây dù của tôi.
Trên người cô ta vẫn là bộ hoodie đen và quần jean, mũi giày hơi lấm lem bùn đất.
Tôi nghiêng người tránh ra, Cam Linh tiến vào, cởi giày trước thảm trải sàn.
Đột nhiên cô ta trở nên khách khí như vậy, tôi cố nén cơn mệt mỏi, lên tiếng mời: “Không sao đâu, cô cứ vào đi.” Nhìn thấy cuối cùng cô ta cũng biết lịch sự là gì, tôi mò mẫm trong tủ giày lấy cho cô ta đôi dép dùng một lần màu trắng hay thấy trong khách sạn.
Cam Linh vào phòng, trước tiên là sạc pin cho điện thoại, nhưng trái với dự đoán là cô ta không mở tivi lên.
Tôi ngồi còng queo trên ghế, đắp cái khăn trên cổ sợ bị lọt gió.
Còn Cam Linh hệt như chủ nhân căn nhà nhìn quanh quất rồi tự đi đóng cửa sổ, rút cái khăn trên cổ tôi ra, thoáng chốc tôi cảm thấy ớn lạnh cả người.
Cái bụng tôi đau quặn lên, mồ hôi thi nhau túa ra, tôi ngả đầu vào lưng ghế, tiếp tục tư thế nhìn tivi.
Cam Linh vẫn cứ không chịu bật nó lên, đẩy cái bàn trà ra, túm chặt mắt cá chân tôi.
“Hôm nay nhìn ít ảnh hơn đi…” Tôi yếu ớt đưa ra lời đề nghị, mong rằng Cam Linh đừng có nổi điên đánh tôi.
Cô ta vẫn chưa nói câu nào, đầu tôi đang choáng váng quay cuồng, không rảnh để ý Cam Linh đang làm gì trong nhà mình.
Thật tình thì nếu cô ta có lục lọi cuỗm đi sổ tiết kiệm của tôi, thì chắc là tôi cũng không biết.
Có điều cô ta mà mở sổ ra thì cũng chẳng thấy con số nhiều nhặn gì cho cam, lương tôi chỉ ba cọc ba đồng, và đã cố chi tiêu tằn tiện hết mức.
Nếu cô ta mở tủ quần áo tôi ra sẽ thấy nguyên cả hội nghị đàn thỏ (2), hoặc nếu vào phòng bếp sẽ có cái nồi cơm điện hình thỏ, rồi phòng vệ sinh cũng có cái khăn lông con thỏ đang phơi khô, không chừng cô ta sẽ được thỏa sức trêu cợt cái ổ thỏ của tôi.
Tôi từng nuôi một gia đình thỏ, chiếm cứ chuồng gà trong nhà.
Con gà cuối cùng không sống nổi qua rằm tháng tám, cả ngày nó chạy lung tung khắp nơi nên thịt rất săn chắc, phải dùng nồi áp suất hầm tới một tiếng rưỡi mới dọn ra bàn, hai cái móng gà màu vàng chỉa thẳng lên trời cứ như đang giơ ngón giữa lên với tôi.
Đám thỏ chỉ có bốn con, hai đực hai cái.
Trong sách giáo khoa toán học có đề bài là có một đôi thỏ sinh thỏ con, đếm được hai mươi đứa, hỏi đó là đời thứ mấy.
Tôi hằng mong chúng có thể sinh sôi nảy nở thật tốt, ước gì tôi có thể cho chúng nó vào ngủ chung chăn, ăn chung bàn với mình, thế mà chỉ có mỗi một con còn sống sót khi kì nghỉ hè của tôi kết thúc.
Sau đó tôi mới phát hiện là trên bức tường mà chuồng gà kia đang dựa vào có một lỗ thủng, và mỗi ngày có một con mèo hoang tới rình rập cắn trộm thỏ của tôi.
Đám thỏ bị thương cũng không hề kêu la gì, vẫn cứ ăn uống như thường.
Chuồng gà rất lớn, nhưng chúng cũng không đổi tư thế khác, phần đuôi và mông dính máu hướng về bức tường; mãi cho đến khi chúng chết đi thì tôi mới phát hiện ra.
Trước đó tôi chỉ thấy ba chúng nó rúc đầu vào nhau, cố gắng giành giật mấy cọng cỏ như đang mở cuộc thi đua gì đó, không biết tại sao lại chừa ra không gian rộng lớn xung quanh.
Con thỏ cuối cùng còn sống sót cho đến khi tôi tìm ra nguyên nhân đằng sau bí ẩn trên.
Đó là con thỏ có vết rách trên tai, cái miệng khi nhai đồ ăn giống cái cánh quạt cứ vang lên kẽo kẹt, kẽo kẹt; nó nhai luôn mồm, lúc nhỏ còn béo hơn những con thỏ khác.
Tôi ôm nó đến bác sĩ thú y để băng bó vết thương ở mông, trộn thuốc bột vào đồ ăn của nó, rồi dời nhà nó sang cái thùng giấy ở mép giường.
Nhưng đến khi đổi sang môi trường mới chỉ cách chuồng gà không đến ba bước chân thì bỗng dưng nó không thích ứng được, ban đêm bỏ chạy, rồi thét lên từng tràng chói tai.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe được tiếng thỏ kêu (3), tôi kinh hoảng đánh thức ba mẹ cùng theo dõi nó.
Chúng tôi đều không có kinh nghiệm chăm sóc động vật gì cả, chỉ có thể bôi tất cả các loại thuốc có thể dùng được lên người nó.
Tôi dựa vào mép giường trông nó, rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Tiếng thét yếu ớt ấy cứ như âm thanh khóc oan thút thít trong giấc mộng, như tiếng la điên cuồng dưới tông giọng trầm khàn, nhưng khi thoát ra ngoài chỉ là những âm thanh bé nhỏ không mấy nổi bật.
Bình minh ló rạng, cả người nó đã lạnh lẽo cứng đờ, ra đi trong thùng giấy.
Đối với tôi thì mỗi sinh mệnh đều có một loại âm thanh riêng, tiếng cây trúc mọc, tiếng thỏ thét inh tai, những lời cầu nguyện và tiếng khóc hòa lẫn vào nhau thành những lời nguyền rủa, tiếng điện thoại bị cúp ngang, tiếng gió lùa lạo xạo qua từng lóng xương khi đêm về.
Lũ thỏ thường vểnh lỗ tai bắt lấy mọi tiếng động xung quanh, nhưng phản ứng thì chậm chạp, tính tình thì ôn hòa, cứ chịu đựng đau khổ trong im lặng, mãi cho đến khi không thể gắng gượng được nữa mới có thể phát ra tiếng thét nho nhỏ.
Tôi lâm vào dòng hồi ức về con thỏ kia, thiu thiu ngủ mất.
Lúc bị Cam Linh lay tỉnh, tôi còn vẫn còn mơ thấy mình đang cho thỏ ăn.
Khoảng thời gian và những gì trải qua khi nuôi đàn thỏ chưa đủ để làm tôi yêu thích chúng, tôi chỉ là cảm thấy chúng quá đáng yêu: không linh hoạt giống mèo, không chắc nịch như chó, chúng là nắm lông dễ thương đắm chìm trong thế giới của riêng mình.
Không phải là tôi cố ý chọn những vật dụng hình thỏ khi mua sắm, nhưng đến lúc phục hồi lại tinh thần thì xung quanh tôi đã đầy ắp toàn thỏ là thỏ.
Tôi đã chuẩn bị giải thích những lời này với Cam Linh, nhưng dường như Cam Linh không có ý định mỉa mai ổ thỏ của tôi.
Nhác thấy hơi thở tôi mong manh như hồn sắp lìa khỏi xác, cô ta đi thẳng vào bếp lục tung đồ đạc lên, lấy cái máy hấp trứng hình thỏ luộc hai quả trứng gà (4), nấu đường đỏ với gừng sống thành nồi sirô gừng vừa cay độc vừa nóng bỏng tay, ngoài ra còn đun nước rót vào túi giữ ấm.
Hai quả trứng gà là để cho Cam Linh ăn.
Cô ta dời cái tay tôi qua bàn trà hệt như cục tẩy, nhét vào đó cái muỗng, rồi chọc vào ly sirô.
Đoạn cô ta tiếp tục nhấc cánh tay phải của tôi ra, xốc cái áo lên, mạnh tay nhét cái túi nước ấm mềm mại vào bụng như muốn đâm tôi một nhát.
Chơi đùa với cái xác cứng ngắc này xong, cô ta ngồi bên cạnh từ từ lột quả trứng, ăn xong còn đi súc miệng, khi trở về nhìn tôi gian nan uống ly nước, rồi còn săn sóc đổ thêm ly nữa, tôi uống mà mặt nhăn mày nhó: “Dân gian nói là…!lúc tới tháng nên uống nước đường đỏ, cái đó chỉ có tác dụng đánh vào tâm lý thôi…!Còn thật ra thì…”
“Nước sôi để nguội cũng được, cái túi bị lệch kìa.” Cam Linh lạnh nhạt chỉ vào túi nước ấm trên bụng, tôi chỉ có thể ráng uống xong.
Cam Linh dọn đi ly và muỗng, ngồi lại bên cạnh tôi, xếp chân dựa vào ghế, nheo mắt nhìn tôi.
Cả người tôi ướt đẫm mồ hôi, lộn xộn trong cơn khó chịu: “Cho tôi xem ảnh đi.”
Tivi sáng lên, tôi tự động viên mình, xoa mặt, chuyển đến nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh, lấy thêm cái mền khoác trên vai rồi ngồi co ro trên sa lông.
Cam Linh đã chiếu hình ảnh, tôi nhỏ thuốc mắt, đang lúc vùi đầu vào màn hình thì bỗng Cam Linh vươn cánh tay sang: “Cô lại đây.”
Tôi chần chừ nhích sang, cúi đầu chờ Cam Linh ra chiêu, đầu óc ngơ ngẩn tính xem mình nên ứng đối thế nào.
Cô ta chỉ vén mềm lên, trong nháy mắt làm động tác gấp nó lại mà tôi hầu như không theo kịp, biến nó thành cái hình bình hành thật dài rồi gói quanh eo tôi, lại còn giữ cố định túi nước cho vững, như thế thì sẽ không quá vướng víu trên người.
Kỹ năng này đúng là tuyệt vời quá đi.
“Tôi từng làm lao công, dọn phòng ở khách sạn, trải giường trải chiếu là chuyện vặt,” Cam Linh lúc lắc cái chân, kéo tôi về bên người cô ta, “Dựa vào tôi này, đừng có rụt cổ.”
Trong bộ ảnh, từng gương mặt nam xa lạ lướt qua dần rút cạn sức lực của tôi, mắt tôi dễ mỏi hơn nhiều so với ngày thường.
Hoặc giả có thể do thuốc đã bắt đầu ngấm, không biết tới bức ảnh thứ bao nhiêu thì tôi đã ngủ lịm đi.
“Tôi sắp đập cái tivi của cô đấy.” Tiếng cảnh cáo của Cam Linh vang lên bên tai, tôi lại bị gọi dậy, dụi dụi con mắt, dốc sức căng nó ra nhìn vào tivi.
Không biết phần chiếu ảnh của Cam Linh đã kết thúc từ bao giờ, chỉ có cái màn hình đen thui phản chiếu lại bóng của tôi và Cam Linh.
Cô ta dựa vào tay vịn sa lông, một tay ấn trên đầu vai tôi; còn tôi giống như con chó lớn ườn lên người cô ta, ngủ đến độ hai mắt nhập nhèm.
“…!Cô đừng có đập đồ chứ.”
Cam Linh bảo: “Chân tôi tê rồi, cô xích ra chút đi.”
Tôi vội vàng chuyển đi, cảm thấy từng luồng máu chảy xuống theo động tác của tôi, độ ấm trên người chầm chậm biến mất.
Tôi gấp rút sờ vào cái túi giữ nhiệt, nó đã nguội bớt đi; miệng tôi hơi chua vì uống nước đường, thế là tôi chui vào nhà vệ sinh.
Khi trở ra, Cam Linh đang rút cái dù từ bao ni lông, dùng khăn giấy lau khô nước trên bề mặt rồi đặt lên bàn trà.
Trông như cô ta sắp rời đi rồi.
Thật ra thì tôi đã khá hơn nhiều, có thể tiếp tục xem ảnh, nhưng tôi không mở lời trước, lại trốn vào trong.
Cam Linh kéo xuống tấm ga sa lông, động tác đầy điêu luyện đúng như lời cô ta kể.
Bất chợt tôi thấy có gì đó không đúng lắm, ngồi vào bồn cầu, cởi quần ra, quả nhiên là vậy.
Đúng là xấu hổ muốn chui xuống đất luôn cho rồi, tôi không nên thấy trời mưa mà làm biếng, lẽ ra hôm qua tôi nên đi mua loại băng dài dùng cho ban đêm mới phải.
Tôi tự khóa mình trong nhà vệ sinh một lúc, nghe thấy tiếng Cam Linh đi lại trong phòng bếp, rồi tiếng bấm nút máy giặt bíp bíp, tôi càng thêm mắc cỡ không dám chường mặt ra.
Đang lúc làm công tác chuẩn bị tư tưởng cho bản thân thì có câu nói nhàn nhạt bay vào: “Nếu bị táo bón mà còn phải gồng thì đã ra từ lâu rồi, nếu cô không làm được thì ra đây đi.”
Tôi không ra ngoài đâu.
Kinh nguyệt đến, cả thế giới đều trở nên hỗn loạn.
Hành động và lời nói của Cam Linh luôn mang vẻ giễu cợt ác ý.
Đã bao phen tôi chết đứng vì ngượng trước mặt Cam Linh (5), nếu lúc này mà ló đầu ra thì cơn xấu hổ sẽ làm tôi nói xàm nói xiên, nhất định sẽ bị cái tên nhạy bén kia chộp được sơ hở nào đó, khi không lại gánh thêm rắc rối không đáng có.
Tôi tự trấn an bản thân một lát, cuối cùng cũng bình tĩnh lại, sẵn sàng giáp mặt vào cuộc chiến tiêu hao (6) với Cam Linh.
Thế nhưng chỉ có cái dù trên bàn trà và lớp ga bọc sa lông treo ở ban công là minh chứng cho sự xuất hiện của Cam Linh sáng nay.
Khi tôi ra ngoài đã là mười hai giờ trưa, Cam Linh rời nhà lúc nào thì tôi không rõ, chỉ biết là cô ta chú trọng hiệu suất; cô ta thấy bây giờ giá trị của tôi gần như là số không, xem chẳng được bao nhiêu ảnh nữa nên lập tức tìm phương án khác.
Tôi cũng không biết cô ta lôi ra được tấm trải sa lông mới từ xó xỉnh nào, đi đổi cái quần khác rồi ngồi xuống tự lắng nghe tâm tình của mình.
Tôi thật là vô dụng.
Tôi nằm nhoài người ra sa lông, cái đầu bỗng đụng vào một vật cưng cứng.
Tôi nhổm dậy, thình lình bắt gặp cái điện thoại mới của Cam Linh đang trượt xuống kẽ hở trên ghế.
Ôi chao?
Tôi moi nó ra, màn hình sáng lên chờ tôi nhập mật mã.
Có một sự thôi thúc kỳ lạ giục tôi nhấn vào ngày giỗ của Trịnh Ninh Ninh: không năm hai hai.
—.