Trước khi Hứa Lật Dương
vào lớp, tôi ngồi ở cuối lớp và hầu như chẳng bao giờ nói chẳng với ai. Sự xuất
hiện của Hứa Lật Dương đã phá tan tình trạng này. Tôi thật sự không biết phải
nói chẳng với những người khác như thế nào, mở miệng ra là cảm thấy tự ti và lo
sợ. Có lẽ tại việc ở nhà, cho dù tôi có nói gì với mẹ tôi thì đều bị mẹ mỉa mai
hoặc trách móc nên đã khiến tôi có một mặc cảm về tâm lý khi giao tiếp.
Không nói gì, nhưng tôi
vẫn có thể làm một việc. Đó là tôi thầm quan sát Hứa Lật Dương.
Ngày thứ hai, khi nộp vở
bài tập về nhà, cậu ấy đến bên bàn tôi, nói: “Vở bài tập nộp cho cậu à?”
Tôi ngẩng đầu nhìn. Cậu
ấy quả là đẹp trai, rất gầy, rất cao, vô cùng sạch sẽ thậm chí có thể nhìn thấy
từng sợi lông tơ quanh miệng cậu ấy. Không biết tại sao, tôi muốn cười với cậu
ấy. Tôi nghĩ là khi đó tôi đã có cảm tình với cậu ấy rồi, nhưng tôi lại chẳng
biểu lộ những điều đó ra ngoài. Tôi chỉ nói: “Ừ, vở bài tập nộp cho tớ. Trả lại
chiếc áo đồng phục cho bạn này. Cảm ơn bạn rất nhiều.”
Cậu ấy đặt vở lên trên
bàn tôi, ngón tay thon dài, trông rất mềm và trắng. Cầm chiếc áo đồng phục trên
tay, cậu ta ngạc nhiên hỏi: “Sao cậu giỏi thế, có thể gấp quần áo gọn và đẹp
như ở ngoài hàng vậy?”
Tôi chỉ cười, không trả
lời, trong lòng thầm nghĩ: Nếu như cậu sống ở nhà mình thì cậu cũng có thể gấp
chiếc áo gọn và đẹp như vậy.
Làm rung động trái tim
thiếu nữ thường thì chỉ có mấy loại con trai như sau:
Một là học rất giỏi.
Hai là đẹp trai nhất lớp.
Ba là bạn chơi từ thuở
nhỏ.
Ở tuổi mười sáu, nếu bạn
thích một người con trai nào đó thì cũng chỉ quanh quẩn trong ba loại ấy mà
thôi.
Còn có một khả năng nữa
là tình thầy trò. Nhưng, đối với tôi, mối quan hệ này không thể chấp nhận được.
Tôi luôn cảm thấy mối tình thầy trò là một hành động loạn luân.
Không biết bắt đầu từ bao
giờ, tôi rất hay quan sát Hứa Lật Dương. Thực ra tôi chẳng thích điều này chút
nào, rất khó chịu. Tôi muốn ngừng cái việc âm thầm quan sát vô nghĩa này lại
nhưng không dừng được.
Tôi chưa từng chủ động
bắt chuyện với cậu ta, và cậu ta cũng vậy.
Thế nhưng, hằng ngày cậu
ấy mặc áo gì, mặc quần gì, đi giày gì, thậm chí những ngày nào mặc cùng một
chiếc áo, tôi đều nhớ rất rõ. Tôi thích dáng vẻ ngày đầu tiên tôi gặp cậu ấy.
Hôm đó, cậu ta mặc một chiếc áo thể thao màu trắng, rất đẹp trai, rất sạch sẽ.
Từ hôm đó, cứ đi trên đường là tôi đặc biệt chú ý đến những người con trai mặc
áo trắng.
Tôi ngồi phía trên Hứa
Lật Dương, nghe thấy rất rõ tiếng nói chuyện của cậu ấy và đám bạn. Tôi thề
rằng tôi không cố ý nghe bọn họ nói gì nhưng tôi vẫn thường xuyên nghe thấy câu
chuyện của họ, nào thì tan học sẽ đi đâu chơi điện tử, nào là bóng đá, truyện
tranh. Toàn những thứ tôi chẳng bao giờ thích tôi lại nghe rất say sưa và thích
thú.
Có những lúc tôi rất muốn
nói chuyện với câu ta nhưng lại chẳng tìm được chủ đề nào để nói, chẳng biết
phải bắt đầu như thế nào.
Mà tôi không bắt chuyện
thì sẽ có người khác bắt chuyện. Ví dụ như đám con trai ngồi ở phía sau, những
học sinh yếu kém, hình như bọn chúng đều rất thích Hứa Lật Dương. Chỉ sau vài
ngày mà mấy người bọn họ đã chơi với nhau rất vui vẻ. Hứa Lật Dương không giống
với đám con trai đó. Lúc đó, tôi cảm thấy điểm khác nhau là ở chỗ trông cậu ấy
sáng sủa, sạch sẽ và tri thức hơn hẳn. Cậu ấy không to tiếng, làm ồn trong giờ
học, không ngày ngày quên nộp vở bài tập để cô giáo mắng mỏ và thúc giục.
Không chỉ có những đứa
con trai đó thích cậu ấy, tôi nhận thấy Châu Hảo cũng thích cậu ấy. Nói
khó nghe một chút, khi đó tôi cảm thấy Châu Hảo định “ngấp nghé” cậu ấy. Châu
Hảo tìm mọi cách để bắt chuyện. Theo tôi, thì đó đích thị là tìm một cách để
tán tỉnh và thu hút. Tôi thầm cười khẩy trong bụng: Đúng là đũa mốc lại đòi
chòi mâm son!
Còn Hứa Lật Dương không
giống với những đứa con trai khác luôn ăn nói nặng nề và thô thiển, cậu ấy rất
nhẹ nhàng. Điều này làm tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Đối với tôi, những đứa
con gái như Châu Hảo không xứng được nghe con trai nói những lời dịu dàng. Kết
quả học tập thì be bét, người thì xấu mà lại muốn chơi đùa cùng với con trai.
Có một lần, Châu Hảo có
một bài toán không biết giải. Nó quay sang hỏi tôi, tôi nhìn lướt một cái thì
thấy đó là một bài toán vô cùng đơn giản. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng được
đứa con gái ngu ngốc này, bèn nói: “Tớ đang bận, cậu đi hỏi người khác đi.”
Châu Hảo nghe thấy vậy,
không hề tức giận. Nó đã quá quen với việc tôi dùng cái giọng đó để nói chuyện
với nó. Vì thế, nó đi hỏi người khác thật. Và người mà nó hỏi chính là Hứa Lật
Dương. Tai tôi lập tức dựng ngược lên. Vừa làm bài tập, vừa lắng nghe xem bọn họ
nói gì. Có vẻ là Hứa Lật Dương biết giải bài này nhưng không biết phải giảng
giải cho Châu Hảo thế nào. Bởi vì Châu Hảo tối dạ vô cùng. Tôi vẫn thường tự
hỏi không biết Châu Hảo có vấn đề gì về trí tuệ không?
Hoặc là Châu Hảo muốn
nhân cơ hội này để nói với Hứa Lật Dương vài câu chăng nên nó mới cố tình tỏ ra
không hiểu? Đoán già đoán non mãi dụng ý của Châu Hảo, tôi tự nhiên cảm thấy
không thoải mái và rất bức xúc. Cuối cùng không chịu nổi tiếng thì thầm của bọn
họ ở bên tai, tôi quay đầu lại, thản nhiên giảng giải điểm mấu chốt của bài
toán.
Tôi vừa mới dứt lời, Hứa
Lật Dương liền nói ngay: “Đúng, đúng là như thế đấy. Thuỷ Tha Tha nói rất
đúng.” Châu Hảo lặng lẽ cầm lại cuốn sách, cúi gằm mặt xuống bàn tiếp tục làm
bài.
Đây là lần đầu tiên tôi
và Hứa Lật Dương nói chuyện với nhau. Lần đầu tiên cậu ấy gọi tên tôi. Lúc đó,
chúng tôi mới chỉ quen nhau được một tuần thôi. Vậy mà cậu ấy gọi tên tôi –
Thuỷ Tha Tha – nghe mới tự nhiên làm sao. Tôi chợt nghĩ không biết cậu ấy có
giống mình không, cảm thấy tên của nhau thật quen thuộc và gần gũi, như đã quen
biết từ lâu rồi.
Viết đến đây các bạn có
thể thấy rõ là tôi là một người nhạy cảm và có khát vọng chiếm hữu như thế nào.
Và đến tận bây giờ, sau nhiều năm, điều này vẫn chẳng hề thay đổi.
Thế nhưng, trên thế gian
này, có ai là duy nhất của ai đâu? Có ai độc chiếm ai đó mãi mãi đâu? Khát vọng
chiếm hữu chỉ làm cho con người sau khi trưởng thành càng trở nên phiền não khi
đối diện với thế giới đầy phức tạp này mà thôi.