Chùm Nho Phẫn Nộ

Chương 18



Gia Đình Joad chậm chạp đeo đuổi cuộc hành trình về phía Tây, leo đèo vượt núi ở bang New Mêxicô, vượt qua những đỉnh núi cao, những chóp nhọn trong dãy núi vùng thượng du. Họ đi xuyên sâu vào vùng cao nguyên của Arizona, và qua một kẽ nứt của đèo, họ thấy sa mạc như tranh vẽ ở tận phía dưới. Một người lính biên giới chặn họ lại:

– Các ông đi đâu?

– California, – Tom nói.

– Các ông định ở lại Arizona bao lâu?

– Vừa vặn thời gian để vượt qua thôi.

– Có mang theo cây cỏ gì không?

– Không có cây cỏ gì.

– Tôi phải xem hành lý của các ông.

– Thì tôi đã nói là chúng tôi không có cây cỏ gì hết mà.

Người lính gác dán nhãn hiệu nhỏ trên kính chắn gió.

– Thôi được, đi nhanh đi. Càng nhanh càng tốt.

– Ông yên chí. Chúng tôi chẳng nấn ná làm gì.

Họ từ từ bò lên dốc, những dốc phủ đầy những cây cằn cỗi vặn vẹo. Holbrook, Joseph City, Winslow. Rồi tới các cây to cao, đoàn xe hơi bắt đầu khạc khói mù mịt và ì ạch bò lên. Rồi tới đỉnh dốc cao nhất Flagstaff, từ đó đổ xuống vùng cao nguyên với con đường lớn ẩn hiện tít ở xa. Nước khan hiếm dần, bây giờ phải mua một bi-đông năm xu, mười xu, mười lăm xu. Mặt trời khô hạn, đất cằn sỏi đá và trước mặt họ sừng sững những đỉnh núi nhấp nhô nham nhở; bức tường thành phía tây của bang Arizona. Bây giờ họ chạy trốn mặt trời và nắng hạn. Họ chạy suốt cả buổi chiều tối, đến đêm thì tới dãy núi và ánh đèn pha yếu ớt nhảy múa trên vách tái nhợt của các bức tường đá hai bên đường. Họ vượt qua đỉnh trong bóng đêm, đến hết đêm họ từ từ đổ dốc, ngang qua một khối chồng chất những tảng đã vỡ của dãy Oatman, và đến tảng sáng thì họ thấy sông Colorado hiện ra ở dưới chân đồi. Đến Topak, họ dừng lại ở đầu cầu và một người lính gác đến bóc nhãn ở chắn gió. Họ vượt qua cầu, đi vào vùng núi đá hoang vu. Bất chấp mệt lử, bất chấp khí nóng ban mai đang bắt đầu dâng lên, họ cũng đành dừng lại. Bố kêu to:

– Đến nơi rồi. Đã ở Califomia rồi. Với con mắt rầu rầu, họ ngắm nhìn các mảnh đá vụn lấp lánh dưới mặt trời, và những vách đá khủng khiếp của Arizona ở phía bên kia sông.

– Còn sa mạc nữa, – Tom nói – Phải cố đến nơi nào có nước hẵng nghỉ.

Con đường chạy song song với con sông và mãi tới gần trưa, khi máy xe hơi đã nóng dữ dội họ tới được Needles, nơi đây con sông vội vã xuyên qua bãi sậy. Gia đình Joad và Wilson lái xe tới bờ sông, họ ngồi trong xe nhìn nước chảy trong veo và các lau sậy xanh tươi nhẹ nhàng nghiêng ngả trong dòng nước. Ở gần sông, đã có một trại với mười một cái lều dựng lên trên bãi cỏ xanh rờn sát mép nước. Tom bèn thò đầu ra cửa xe hỏi:

– Chúng tôi muốn dừng lại đây một lát, có phiền gì cho các ông không?

Một người đàn bà to béo đang giặt quần áo trong chậu ngẩng đầu lên:

– Có phải của chúng tôi đâu. Ông muốn thì cứ dừng lại. Sắp có cảnh sát tới kiểm soát.

Và bà lại tiếp tục giặt dưới ánh mặt trời chói chang.

Hai chiếc xe hơi đỗ lại ở một bãi đất trống trên đám cỏ mọc rậm rịt. Người ta bỏ các lều vải xuống, ông bà Wilson dựng lều của họ, còn gia đình Joad căng bạt trên dây.

Winfield và Ruthie từ từ bước xuống phía đám lau sậy, qua các bụi rậm và những cây liễu.

– California đây rồi. Chúng mình đang đứng giữa California đấy nhé!

Winfield bẻ gẫy một cây lau, xoắn cho nó toe ra rồi bắt đầu nhau các nõn trắng. Chúng lội xuống sông, rồi đứng im, nước ngập bắp vế.

– Đang còn bãi sa mạc, – Ruthie nói.

– Sa mạc, nó thế nào?

– Tao không biết. Có lần tao thấy những tranh mà người ta nói là vẽ sa mạc. Chỗ nào cũng có xương.

– Xương người à?

– Chắc phải có, nhưng nhiều là xương bò kia.

– Theo mày thì ta sẽ được thấy xương à?

– Biết đâu đấy, tao không chắc. Nhà ta đi qua sa mạc ban đêm! Anh Tom nói thế. Anh ấy nói đi ban ngày thì cháy da cháy tóc mất.

– Mát ơi là mát! – Winfield vừa nói vừa dúi sâu ngón chân vào cát dưới đáy nước.

Bỗng nghe tiếng Mẹ gọi:

– Ruthie? Winfield! Về ngay!

Chúng bèn len lỏi qua lau sậy, bụi rậm để từ từ quay về. Những lều khác vẫn im lặng. Trong phút chốc khi hai chiếc xe hơi vừa đến, có một vài cái đầu thò ra khỏi lều rồi biến đi rất nhanh. Hai lều đã mắc xong đàn ông bèn tụ tập lại.

– Con đi xuống sông tắm một trận đây, – Tom nói. – Trước khi đi ngủ phải tắm cái đã. Nằm trong lều bà nội thế nào?

– Tao chẳng biết. Không có cách nào đánh thức bà dậy được.

Bố nói và nghển cổ về phía lều; từ đó vẳng tới một tiếng nói rên rỉ, lảm nhảm.

– Bà đã dậy. – Noah nói. – Suốt đêm qua ở trên xe hình như bà chỉ rên rỉ càu nhàu. Bà không còn biết gì nữa.

Tom nói:

– Lạy Chúa, bà không kham nổi được nữa? Bà mà không được nghỉ ngơi ngay thì bà chả sống được mấy nỗi. Bà kiệt sức rồi, chỉ tại thế thôi. Có ai thích tắm không? Tôi đi tắm rửa, sau đó sẽ nằm dưới bóng cây ngủ đến hết ngày.

Anh đi và những người khác đi theo anh. Họ vào đám cây liễu cởi quần áo rồi xuống ngâm mình trong nước. Họ ngồi rất lâu, chân bấm xuống cát, chỉ thò đầu lên.

– Trời ơi, được thế này là nhất 1 – Al nói.

Hắn lấy một nắm cát dưới đáy và chà xát lên khắp mình. Nằm dài trong nước, họ ngắm nhìn ở phía xa xa, dãy núi gọi là Needles và các ngọn núi trắng xóa, lởm chởm của bang Arizona.

– Mình đã vượt qua các ngọn núi đó rồi, – Bố nói, chưa hết thán phục.

Chú John hụp đầu xuống nước:

– Đúng, chúng mình đã ở đây rồi. Đúng đây là California. Nhưng mà, nom nó chẳng có gì là trù phú.

– Còn phải qua sa mạc nữa, – Tom nói. – Nó ác nghiệt lắm đấy.

– Tối nay đi một lèo chứ? – Noah hỏi.

– Ý kiến bố thế nào? – Tom hỏi.

– Ồ, tao cũng chả biết nữa. Nghỉ một chút tưởng không có hại gì, nhất là với Bà nội. Nếu không thì tao thích vượt qua cho nhanh, để có nơi ăn làm yên ổn. Chúng ta chỉ còn có bốn mươi đôla nữa thôi. Tốt nhất là hết thảy ai cũng có việc làm và dần dần có đồng ra đồng vào.

Ngâm mình trong nước, ai cũng thấy dòng nước chảy xiết. Ông mục sư để cánh tay và bàn tay lập lờ trên mặt nước. Các thân hình đều trắng toát tới cổ và cổ tay, rồi ngả màu nâu sẫm trên mặt và bàn tay, với những hình tam giác rám nắng ở kẽ hở sơ mi. Họ vốc từng nắm cát xoa khắp người. Thế rồi Noah nói một cách uể oải lười nhác:

– Tôi thích ở lại đây. Tôi thích sống mãi mãi ở nơi đây. Không bao giờ sợ đói. Không bao giờ buồn chán. Suốt đời nằm trong nước, ươn lười như con lợn cái trầm mình trong bùn.

Ngắm nhìn qua bên kia sông những ngọn núi bị băm xẻ, sửng sững ở chân trời, và thành phố Needles ở hạ lưu, Tom nói:

– Chưa bao giờ con từng thấy núi hắc búa như thế. Có dám giết người mới dám ở một xứ như vậy. Đâu phải là một xứ, chỉ là bộ xương của một xứ. Con tự hỏi liệu có một nơi nào con người sống được mà không phải vật lộn với sỏi đá. Trước đây thấy những bức tranh màu vẽ một xứ bằng phẳng, xanh um, có những ngôi nhà nho nhỏ và, như mẹ thường nói, trắng toát. Mẹ thì mẹ để tâm trí vào một ngôi nhà trắng nhỏ bé. Con bắt đầu nghĩ rằng với một xứ thế này làm gì có chuyện đó – những bức tranh con đã xem vẫn chỉ là tranh.

– Chờ đến California đã. – Bố nói. – Rồi mày sẽ thấy nó xinh đẹp.

– Nhưng lạy Chúa! Thì đây chính là Califomia, bố ơi!

Có hai người đàn ông mặc quần chéo và áo sơmi xanh đẫm mồ hôi đi qua đám cây liễu, nhìn về phía những người đang tắm, họ hỏi:

– Bơi lội thích chứ?

– Không biết nữa, – Tom nói – Chưa bơi thử. Nhưng ngồi đây khoái là cái chắc.

– Chúng tôi có thể xuống ngồi được không?

– Sông này đâu phải của chúng tôi. Tuy vậy vẫn có thể cho ông mượn một khúc ngăn ngắn đấy.

Những người mới tới cởi quần, cởi áo và lội xuống nước. Bụi bám dính vào cẳng họ tới tận đầu gối, bàn chân trắng đẫm mồ hôi. Họ ngâm mình một cách khoan khoái, uể oải kỳ lưng và cạnh sườn. Bị nắng thiêu đốt chín cả người, cả hai, cha và con, rên rỉ khoái trá trong nước.

Bố hỏi một cách lễ độ:

– Ông đi về miền Tây?

– Không. Chúng tôi ở đấy về. Chúng tôi quay về nhà. Không có cách nào kiếm sống ở đấy được.

– Các ông quê ở đâu? – Tom hỏi.

– Texas. Miền Cán Xoong, về phía Pampa.

– Ở quê nhà, ông có đủ sống không? – Bố hỏi.

– Không. Nhưng ít ra có thể chết đói giữa những người mình quen biết. Còn hơn là sống giữa những người căm ghét mình, không tài nào ngửi được mình.

Bố nói:

– Kỳ cục thật. Ông biết không, ông là người thứ hai nói với chúng tôi như vậy. Cớ sao họ lại căm ghét ông?

– Chẳng biết sao – người đàn ông nói.

Y khum bàn tay vốc nước và rửa mặt, vừa cọ sát vừa thở phò phò và khịt khịt mũi. Nước bẩn từ tóc y chảy xuống cổ thành hai vệt xám.

Bố nói:

– Giá được nghe ông nói kỹ hơn về chuyện này thì hay.

– Tôi cũng vậy, – Tom nói – Chuyện làm sao mà cái bọn người miền Tây ấy mà, lại ghét ông?

Người đàn ông lướt nhìn Tom:

– Các ông đang đi về miền Tây ư?

– Đúng thế.

– Các ông chưa từng ở California?

– Chưa hề.

– Thế thì tôi có nói thì các ông cũng chả tin. Các ông cứ đi mà thấy cho tận mắt.

– Úi chà! – Tom nói – Đành là thế, nhưng biết được cái gì đang đợi, vẫn cứ thích đi.

– Đã thế thì thế này! Nếu các ông thực muốn biết thì nghĩ sao tôi nói vậy. Vì các ông đã hỏi mà. Nói là xứ tươi đẹp thì tươi đẹp thật đấy nhưng nó đã bị ăn cắp từ lâu rồi. Người ta vượt qua sa mạc và tới chỗ kia, về phía Bakersfield ấy. Ô, đời ông chưa từng thấy một xứ đẹp đến thế – toàn là những khu vườn ăn quả và vườn nhỏ, đẹp chưa từng thấy khắp nơi ông đi qua, chỉ toàn là đất đai tốt, bằng phẳng, đào chưa tới ba mươi bộ đã có nước – mà đất lại đang bỏ hoang. Nhưng các ông đừng hòng có được một ít đất. Nó thuộc quyền “Công ty Đồng cỏ và Chăn nuôi”. Họ mà không muốn cho ai cày bừa thì đất đó không được cày bừa trồng trọt. Nếu vô phúc ông đi vào đấy, gieo vào một ít hạt ngô, thế là ông đi tù.

– Đất tốt mà không ai cày cấy, ông nói thế, phải không?

– Tôi nói chính thế đấy. Đất tốt và không ai đụng tới. Đúng thế, thưa ông. Nghe chừng đó, ông cũng đã tức lộn ruột lên rồi. Nhưng khoan đã, chưa hết đâu. Người ta tới nhìn ông bằng con mắt thật lạ lùng. Họ tới nhìn thẳng vào ông, có vẻ nói: “Đồ con nhà khốn nạn trông bộ mặt không thương được!”. Rồi còn có nào những cảnh sát trưởng, nào phó cảnh sát trưởng, đến quấy rầy ông, bẻ hành bẻ tỏi. Nếu chúng thấy ông cắm trại bên lề đường, chúng sẽ bắt ông phải dời đi. Cứ nhìn mặt chúng là biết chúng căm ghét người ta đến đâu. Và, nói thêm với ông điều này: Chúng căm ghét các ông vì chúng sợ. Chúng biết khi người ta đang đói thì thế nào cũng phải kiếm cái gì ăn cho dầu phải cướp lấy. Chúng biết lắm, đất ruộng đang bị bỏ hoang, thế là có tội, và ai đó sẽ đến chiếm nó. Mẹ kiếp! Chưa bao giờ ông bị gọi là “Okie” chứ? Mẹ kiếp!

– Okie. – Tom hỏi. – Nghĩa là gì vậy?

– Thế này. Xưa kia đó là biệt hiệu dành cho dân ở Oklahoma. Bây giờ, nghĩa là con nhà điếm, là Okie, tức là một cái gì hèn hạ nhất đời. Tự nó cái tên Okie chẳng có nghĩa gì hết. Nhưng tôi không thể nói gì hơn được, mà có nói cũng thế thôi. Tự các ông đến đó mà xem. Tôi nghe nói đâu có khoảng ba trăm ngàn người như chúng ta ở đấy. Họ sống khổ như súc vật, bởi vì cả xứ California đều là của đại điền chủ. Chả còn gì cho ai nữa. Và bọn điền chủ thì chúng cứ bám chặt lấy đất và chúng chẳng thà tàn sát cả thiên hạ còn hơn là buông đất ra. Chúng sợ, nên chi chúng phát điên. Phải đến đó, mắt thấy, tai nghe mới biết được. Mẹ kiếp! Một xứ sở đẹp chưa từng thấy nhưng chúng không tử tế với ông được. Chúng sợ vỡ mật, lo sốt vó nên thậm chí giữa chúng với nhau cũng chả tử tế nữa là…

Tom nhìn xuống nước, vùi gót trong cát.

– Vậy giả dụ người ta có việc làm, dành dụm được ít tiền, cũng không thể tìm được một mảnh đất hay sao?

Người đứng tuổi mỉm cười và nhìn con y, và thằng con cũng nhoẻn một cái cười lặng lẽ, gần như là thắng thế. Người cha bèn nói:

– Không bao giờ ông có việc làm ổn định được. Ngày nào cũng phải đi tìm lần mò kiếm chút việc để có mẩu bánh ăn. Và lúc nào cũng phải chạm mặt với cái bọn cứ nhìn ông như cú vọ. Cứ hái đi chắc chắn ông sẽ bị cân điêu. Cũng có thể có cân đúng, có thể cân điêu. Nhưng rồi ông nghĩ mọi cân đều điêu, đích xác thế nào thì lại không biết, muốn sao ông cũng chả thể làm gì được.

Bố thong thả hỏi:

– Thế vậy… thế vậy, ở đấy chẳng có gì là tốt đẹp sao?

– Ấy, đẹp là cái chắc nhưng chỉ để mà ngắm, chứ không có quyền mó vào. Các ông thấy một vườn cây đầy quả vàng rực, với một thằng canh gác cầm súng, hắn có quyền giết chết ông, nếu vô phúc ông đụng vào một quả. Có một thằng cha, chủ một tờ báo, ở gần bờ biển, có tới một triệu acre của riêng hắn…

Casy ngẩng phắt đầu lên:

– Một triệu acre? Y làm thế nào được với một triệu acre ấy?

– Tôi không biết. Chỉ biết là y có, thế thôi. Với một ít gia súc vỗ béo để ăn thôi. Chỗ nào y cũng đặt người gác, để không cho ai vào đất của y. Đi phất phơ khắp nơi trong chiếc xe bọc sắt. Tôi có thấy ảnh của y. Một gã béo phị, mềm nhẽo, mắt ti hí, và miệng như lỗ đít lừa. Y sợ chết. Y có một triệu acre và y sợ chết.

Casy hỏi:

– Nhưng hắn có thể làm quái gì với một triệu acre? Hắn cần một triệu acre, để làm gì nhỉ?

Người đàn ông rút đôi bàn tay xanh rớt, nhăn nheo, xòe nó ra, cắn chặt môi dưới lại và ngoẹo đầu sang bên.

– Tôi không biết, – y đáp. – Đoán là y điên, không thể khác được. Tôi thấy một tấm ảnh của y, y có vẻ điên. Điên độc ác nữa.

– Ông nói y sợ chết à? – Casy hỏi.

Chính- người ta kể cho tôi nghe thế.

– Sợ Chúa sẽ bắt y đi?

– Không biết. Chỉ biết y sợ thế thôi.

– Y thích cái gì nhỉ? – Bố nói – Không nhẽ y lại không có trò vui. Trước đây ông nội không biết sợ. Khi nào ông thấy cái chết đến sát sườn thì ông lại càng đùa giỡn nhất. Như cái hồi ông cùng một người nữa, vào một đêm tối tăm, rơi tõm vào giữa một bầy da đen Navajos. Tối hôm ấy, họ được đùa giỡn một mẻ ra trò, ấy thế mà lúc đó, tính mạng họ chẳng đáng giá một chiếc bánh kẹp.

Casy nói:

– Đúng sự tình nó là thế. Một đằng thì là một kẻ thích đùa, coi cái sống chả đáng một đồng trinh, một đằng là một gã độc ác, cô đơn, già nua và chán chường… thì lại sợ chết.

Bố hỏi:

– Y chán cái nỗi gì, khi y dã có một nửa triệu hécta?

Ông mục sư mỉm cười, vẻ mơ màng. Ông đưa tay búng một con ruồi nước té ra xa.

– Nếu y cần đến nửa triệu hecta để cảm thấy mình giàu, thì theo tôi, chắc là y cảm thấy trong lòng nghèo ghê gớm; mà nếu trong lòng đã nghèo đến thế thì có một nửa triệu hecta, y cũng không cảm thấy giàu hơn được. Có lẽ y thất vọng vì cố xoay sở đủ trăm phương nghìn cách mà y không tài nào cảm thấy giàu được… tôi nói giàu đây là giàu như bà Wilson, đã nhường lều cho ông nội lúc ông nội đang hấp hối. Không phải tôi đang thuyết giáo đâu, nhưng tôi chưa từng thấy một gã suốt cả đời chỉ bận rộn thu vén cóp nhặt như con chó hoang góp nhặt rác rưởi mà rốt cuộc lại không thất vọng – ông cười nhe răng – Nói thế có giống như một bài thuyết giáo không, hả?

Bây giờ mặt trời đổ lửa dữ dội. Bố nói:

– Tốt hơn là cứ ngâm mình dưới nước, không thì sẽ cháy da cháy thịt đến thấy ông bà ông vải 2.

Vừa nói ông vừa nằm ngửa ra và để cho dòng nước êm ái bập bềnh quanh cổ ông. Rồi ông hỏi:

– Mà nếu một ai đó sẵn lòng làm việc cật lực, y cũng không thể thoát ra được sao?

Người đàn ông ngồi thẳng lên nhìn ông:

– Ông bạn già ơi, tôi nói ông hay. Không phải cái gì tôi cũng biết. Cứ cho là ông đi tới đó, ông tìm kiếm được một công việc cố định; lúc đó tôi sẽ là một thằng nói phét. Mặt khác nếu ông không tìm được việc làm, lúc đó ông trách tôi đã không nói trước cho ông biết. Tôi chỉ có thể nói được với ông là phần lớn những người mà tôi gặp ở nơi kia đều cơ cực quá – Y lại nằm ngửa trong nước – Đời thủa có ai lại biết được tất tật mọi cái.

Bố ngoảnh đầu nhìn chú John.

– Chú là người không hay nói. Từ ngày bỏ nhà ra đi, chú chưa mở miệng quá hai lần. Không phải thế thì cứ cho quỉ bắt tôi đi. Nhưng còn cái chuyện vừa rồi, chú nghĩ sao?

Chú Jonh nhăn nhó:

– Tôi chẳng nghĩ gì hết. Chúng ta đang trên đường đi tới đó, phải không nào? Tất cả những câu chuyện vừa rồi không ngăn chúng ta khỏi đi tới đó được. Khi nào tới được sẽ hay. Nếu có công ăn việc làm thì ta làm, không có việc làm thì chúng ta ngồi bó gối mà nhìn, thế thôi. Nói nhiều hay không nói, đều rứa như nhau cả, chẳng ích lợi gì.

Tom nằm ngửa ra, ngậm nước đầy miệng; rồi anh phun lên trời và cười:

– Chú John không nói nhiều, nhưng đã nói là chí lý. Tối nay lại khởi hành chứ Bố?

– Phải đi thôi. Chẳng thà đi cho xong quách.

– Nếu vậy con vào trong bụi đánh một giấc.

Tom đứng lên và trở lại bờ sông lầm cát. Anh vắt quần áo lên người đang ướt và nhăn mặt vì vải nóng đốt da thịt anh. Những người khác đi theo anh.

Ngồi xổm trong nước, hai cha con người lạ nhìn những người trong gia đình Joad đi xa. Người con nói:

– Lạy Chúa, con muốn thấy sáu tháng nữa họ sẽ ra sao đây?

Người cha đưa ngón tay trỏ khẽ lau mắt:

– Đáng lẽ tao không nên nói mới phải. Người ta bao giờ cũng tỏ ra mình không ngoan hơn, muốn lên lớp thiên hạ.

– Ồ! Lạy Chúa! Bố ơi, tại họ hỏi đấy chứ?

– Đúng tao biết.

– Nhưng như câu hát “Dù sao thì họ cũng tới đây”. Câu chuyện bố nói với họ chẳng ăn nhằm gì, trừ ra chỉ khiến họ thấy cực khổ quá sớm trước khi chui vào tròng 3.

Tom len lỏi qua các lùm liễu, và anh bò tới một cái hốc bóng râm. Noah đi theo anh.

– Em ngủ ở đây.

– Tom này!

– Gì cơ?

– Tom ạ, tao không muốn đi xa thêm nữa.

Tom bật nhổm dậy:

– Anh định nói gì thế?

– Tom ạ, tao không muốn rời khỏi dòng nước đây. Tao sẽ đi dọc con sông này.

– Anh dở hơi rồi, – Tom nói.

– Tao sẽ kiếm một cái cần câu. Tao câu cá. Bên con sông xinh đẹp thế này, người ta không chết đói được. – Thế còn gia đình? Còn mẹ? Thì sao?

– Tao không thể bỏ con sông đây được. Chịu thôi.

Đôi mắt rất cách xa nhau của Noah lim dim.

– Mày cũng biết rõ đấy, Tom ạ. Mày biết cả nhà rất tốt với tao. Nhưng xét cho cùng họ không quan tâm đến tao.

– Anh điên rồi.

– Không, tao không điên đâu. Tao biết phận tao. Tao biết họ rất buồn. Nhưng… thôi, tao không đi xa thêm nữa, thế thôi. Mày nói với Mẹ nhé Tom?

– Này, anh nghe em một tí.

– Không chẳng ích gì. Tao đã tắm trong dòng nước này. Vì tao không rời bỏ nó. Bây giờ tao đi đây, Tom ạ, tao đi dọc sông. Tao sẽ bắt cá hoặc các thứ khác, nhưng tao không thể rời bỏ nó được!

Anh bò ra khỏi bóng râm.

– Nói với Mẹ, nghe Tom…

Và anh bỏ đi.

Tom theo anh ra bờ sông.

– Anh điên khổ điên sở, anh nghe đây…

– Chẳng để làm gì, – Noah nói – Tao rất buồn nhưng tao không thể làm khác được. Tao phải đi thôi.

Anh quay ngoắt và cứ men theo bờ sông mà đi. Tom muốn đuổi theo, nhưng rồi anh thay đổi ý kiến. Anh thấy Noah biến mất vào bụi rậm rồi lại hiện ra trên bờ, xa hơn một chút. Anh đưa mắt nhìn theo, bóng Noah mờ dần và cuối cùng mất hút sau một lùm cây liễu. Thế là Tom bỏ mũ gãi đầu rồi anh trở lại hốc bóng râm trong lùm cây liễu nằm xuống để ngủ. Bà Nội nằm trên đệm dưới chiếc bạt bằng giấy dầu căng rộng, và mẹ ngồi bên cạnh bà. Nắng như thiêu như đốt, đàn ruồi vo ve trong bóng lều. Bà Nội nằm ngủ, không quần không áo, trên người chỉ có một mảnh vải màn màu hồng. Bà không ngớt quay đi quay lại cái đầu bạc phơ, lầm bầm những tiếng đầu cua tai nheo và thở một cách khó khăn. Ngồi dưới đất cạnh bà, tay cầm một mảnh giấy bồi thay quạt, mẹ phe phẩy xua đuổi đàn ruồi, và khiến cho một luồng không khí nóng thổi vào khuôn mặt già nua. Rosasharn ngồi phía nệm bên kia nhìn mẹ.

– Will! Will! – Bà Nội gào một cách hách dịch – Lại đây? Will!

Mắt bà mở trừng trừng và bà nhìn xung quanh một cách hung dữ.

– Bảo lão lại ngay lập tức, – bà nói – không thì tao sẽ túm được. Rồi tao nắm lấy tóc tao lôi cho biết tay.

Bà nhắm mắt lại và bắt đầu quay đầu bên nọ sang bên kia, miệng lẩm bẩm lè nhè. Mẹ vẫn quạt cho bà bằng mẩu giấy bồi.

Rosasharn nhìn bà cụ với vẻ chán nản và nói khe khẽ:

– Bà ốm nặng quá.

Mẹ ngước mắt nhìn con gái. Cái nhìn của bà đầy vẻ kiên nhẫn, nhưng trên trán lộ vẻ căng thẳng. Mẹ quạt liền tay, xua ruồi ra xa.

– Rosasharn ạ. Khi người ta còn trẻ mọi việc đều là chuyện riêng. Chỉ cho riêng mình thôi, mẹ biết, mẹ nhớ điều đó, Rosasharn ạ.

Bà thốt ra tên con gái bà, với biết bao lòng thương mến.

– Con sắp có con, Rosasharn ạ, và điều đó cũng là việc riêng của mình con, khiến con cảm thấy xa cách thêm với những người khác. Con sẽ đau đớn và con sẽ một mình với nỗi đau đớn của con và con thấy không, Rosasharn, các lều kia cũng trơ trọi cô độc trên cõi đời này.

Trong một lúc, Mẹ phất mạnh vào không khí để xua đuổi một con nhặng xanh; con vật cánh lấp loáng quay đi quay lại hai vòng xung quanh lều rồi lao vù trong ánh sáng lóa mắt. Mẹ tiếp tục nói.

– Tới một thời sự đời thay đổi. Lúc đó mỗi cái chết là một phần của cái chết chung, một sự sinh đẻ là một phần của toàn bộ những sự sinh đẻ, cái chết và sự sinh đẻ là hai bộ phận của cùng một sự việc. Và lúc đó sự đời sẽ không còn đơn độc nữa. Đến lúc đó một thương tổn sẽ không gây tổn thương nặng nề như người ta tưởng, bởi vì, Rosasharn con gái mẹ ạ, đó không phải là một tổn thương riêng rẽ nữa. Mẹ muốn gắng cho con thấu hiểu điều đó, nhưng mẹ không thể làm được như vậy.

Và trong tiếng nói của mẹ, tràn ngập biết bao sự dịu đàng, biết bao nỗi yêu thương, khiến mắt Rosasharn trào ra giàn giụa.

– Này, con quạt cho bà đi. – Mẹ vừa nói vừa trao mảnh giấy bồi cho con gái – làm thế là tốt cho con đấy. Mẹ cũng muốn làm sao cho con thấu hiểu…

Bà nội mắt nhắm nghiền, lông mày nhíu lại, kêu choe chóe:

– Will! Ông tởm lắm. Không tài nào có cách làm cho ông sạch sẽ lên được.

Đôi bàn tay nhăn nheo bé nhỏ thò lên mặt và cào cấu vào má. Một con kiến đỏ bò lên rèm và đang cố leo lên các nếp da lùa dùa ở cổ của bà cụ già. Nhanh tay, Mẹ chộp lấy nó bóp nát giữa cạnh ngón tay trỏ và ngón cái, sau đó chùi ngón tay vào áo. Rosasharn phe phẩy chiếc quạt giấy bồi, ngước mắt nhìn mẹ, hỏi:

– Có phải bà nội…?

Tiếng nói ngưng lại trong cổ họng cô. Bà nội gào.

– Will! Có định chùi chân đi không đấy? Đồ bẩn như lợn.

Mẹ đáp:

– Mẹ không biết. Có lẽ nếu đưa được bà tới chỗ nào đỡ nóng hơn thì… nhưng Mẹ không biết. Con đừng vận cái lo vào mình. Con cứ phải bình tĩnh, đó là điều cốt yếu.

Một người đàn bà to béo, mặc một chiếc áo dài đen rách thò đầu vào trong lều. Hai mắt mụ lờ mờ, những u thịt mềm nhẽo lệch thệch ở hai bên hàm mụ. Đôi môi hở, môi trên thì như một cái màn gió che lấy hàm răng, môi dưới vì nặng quá nên trễ xuống, để hở cả lợi.

– Chào bà, – mụ nói. – Chào! Sáng danh Chúa trời.

Mẹ quay lại đáp:

– Chào bà.

Người đàn bà chui vào lều và cúi xuống nhìn bà Nội.

– Hình như ở đây có một linh hồn sắp sửa về chầu Chúa! Sáng danh Chúa Trời!

Nét mặt Mẹ đanh lại và đôi mắt dữ tợn.

– Bà cụ mệt, có thế thôi, – Mẹ nói – Cứ mải đi dưới nắng thế này, cụ không kham nổi. Mệt thôi, chả có gì khác. Quí hồ được nghỉ ngơi, cụ sẽ khỏe ngay.

Mụ cúi sát người quan sát gần hơn gương mặt của Bà Nội, chẳng khác gì mụ đang hít hít đánh hơi. Tiếp đó, mụ quay lại nhìn bà mẹ, lắc đầu làm cho đôi môi khẽ đưa đẩy và đôi má sệ rung rung.

– Một linh hồn đáng quí sắp về chầu Chúa.

– Đâu phải thế? – Mẹ kêu lên.

Mụ lại lắc đầu, lần này thì thong thả, và mụ đặt một bàn tay béo mập lên trán bà Nội. Mẹ định gạt tay mụ ra, nhưng kìm lại đúng lúc.

– Không, bà chị ạ, đúng là thế, – Mụ nói. – Trong các lều của chúng ta, có sáu người đã chịu ơn thánh sủng. Để tôi đi tìm họ, ta sẽ tập hợp lại đọc kinh cầu nguyện Thiên Chúa. Tôi là người Jehovites. Tất cả sáu, kể cả tôi. Tôi đi gọi họ tới.

Mẹ cau mày:

– Không… không. Không, bà Nội đang mệt. Bà không chịu đựng nổi một cuộc họp đâu.

– Thế cụ không chịu cầu ơn của Thiên Chúa sao? – Mụ kêu to – Cụ không chịu được hơi thở êm dịu của Chúa Jesus sao? Bà chị ơi, bà nói chuyện gì lạ vậy?

– Không, không họp ở đây, – Mẹ nói – Cụ mệt quá rồi.

Mụ kia nhìn mẹ với vẻ trách móc:

– Thế ra bà không tin đạo hay sao, thưa bà?

– Chúng tôi luôn sống nhờ ơn Thánh sủng. Nhưng có điều, cụ nội mệt. Chúng tôi đi suốt đêm còn gì. Chúng tôi không dám làm phiền bà.

– Có gì mà phiền. Mà nếu có đi nữa thì nhất thiết phải làm vì một linh hồn đang khao khát được về chầu đức Jésus.

Mẹ ngồi nhổm dậy.

– Chúng tôi cảm ơn bà, – Mẹ vội nói, giọng lạnh lùng – Nhưng không thể họp trong lều chúng tôi được.

Mụ đàn bà nhìn bà rất lâu.

– Thế này, không thể để một chị em của chúng ta ra đi mà không có sự an ủi. Chúng tôi sẽ họp trong lều của chúng tôi vậy, thưa bà. Chúng tôi sẵn lòng tha thứ cho bà về sự khắc nghiệt của bà.

Mẹ lại ngồi xuống và ngồi ngoảnh về phía bà Nội, mặt mẹ còn đanh lại.

– Bà mệt, – Mẹ nói – Chỉ mệt thôi!

Bà Nội lắc lư đầu phía nọ sang phía kia và lẩm bẩm. Mụ đàn bà to béo ra khỏi lều, người cứng ngắc. Mẹ vẫn tiếp tục cúi xuống nhìn khuôn mặt tàn tạ héo hắt. Rosasharn vẫn luôn tay phe phẩy khí nóng với chiếc quạt giấy bồi. Cô gọi:

– Mẹ ơi!

– Gì vậy?

– Tại sao mẹ không để họ hội họp cầu nguyện? – Mẹ cũng không biết. Các người Jehovites là những người tử tế. Chỉ hay la hét om sòm và nhảy nhót. Mẹ không biết, bỗng dưng mẹ bị thế nào đó. Mẹ nghĩ rằng mẹ không chịu đựng được… Mẹ sẽ quị mất… sẽ tung ra từng mảnh.

Cách đấy không xa có tiếng ồn ào nổi lên. Cuộc hội họp bắt đầu, trước tiên là tiếng ê a hát lời cổ vũ. Lời hát bị át đi, nhưng giọng điệu thì nghe rõ ràng. Tiếng người vang lên, hạ thấp rồi tiếp đó cứ theo từng đợt mà cao dần cao mãi. Một câu đáp len vào quáng ngắt, lời cổ vũ vút lên trong một giọng đắc thắng hòa lẫn với một tiếng gầm gào đầy quyền uy. Lời cổ vũ phình ra rồi ngưng bặt nhường chỗ cho câu đáp lại trong một tiếng lầm bầm. Rồi các lời cổ vũ dần dần rút ngắn, và gay gắt hơn chẳng khác những mệnh lệnh, và một điệu ai oán xen vào các câu đáp. Nhịp điệu nhanh hơn. Cho tới lúc đó, tiếng đàn ông và tiếng đàn bà vẫn đều đều một giọng, nhưng giờ đây, giữa câu đáp, đột nhiên có tiếng đàn bà vút cao, rên rỉ, man rợ và dữ tợn giống tiếng một con thú; bên cạnh đó là một tiếng đàn bà trầm lắng hơn – đúng là một tiếng sủa trong khi tiếng đàn ông vươn lên đầu thang âm để trở thành tiếng sói hú. Lời cổ vũ ngừng lại. Chỉ còn nghe văng vắng tiếng hú hung dữ, tiếng chân nện thình thịch trên đất. Mẹ rùng mình. Rosasharn thở hổn, thở gấp. Bản hòa tấu những tiếng la hét kéo dài rất lâu đến nỗi tưởng chừng những lá phổi phải vỡ tung.

Mẹ nói: “Nó làm thần kinh mẹ căng thẳng. Chẳng biết mẹ bị làm sao ấy!”.

Đột nhiên tiếng gào rú trở nên điên loạn, biến thành tiếng kêu inh ỏi của loài linh cẩu và tiếng uỳnh uỵch mỗi lúc một to ra. Các tiếng hát rạn nứt, vỡ tan, toàn bản hợp xướng lắng xuống trong tiếng gầm gào, tiếng khóc nấc, tiếng đen đét vào da thịt, tiếng thình thịch nện xuống đất rồi tiếng khóc nức nở chuyển thành tiếng rên rỉ thút thít, tựa như tiếng ư ử của lũ chó con trước đĩa thức ăn.

Rosasnarn khóc tấm tức khó chịu. Bà Nội lấy chân gạt tấm rèm ra, để hở hai cẳng giống như hai cái gậy xám gồ ghề những mẩu. Rồi bà Nội bắt đầu rên rỉ hòa vào tiếng rên rỉ ở phía xa xa. Mẹ đắp lại tấm rèm che cho bà Nội. Thế rồi bà Nội thở dài, hơi thở dần dà trở nên đều đặn và dễ dàng, đôi mắt nhắm lại không nhấp nháy nữa. Bà ngủ giấc ngủ say và ngáy đều, miệng hé mở.

Những tiếng rên rỉ từ lều bên kia vọng tới cũng lắng dần, lắng dần, và cuối cùng tắt hẳn.

Rosasharn nước mắt rưng rưng, nhìn mẹ với đôi mắt ngây dại.

– Tiếng nguyện cầu khiến bà đỡ ra, – Cô nói – Bà ngủ rồi.

Mẹ cúi đầu xuống, có vẻ hổ thẹn.

– Có lẽ mẹ không phải với những con người tử tế đó. Bà Nội đang ngủ.

– Tại sao Mẹ không hỏi ông mục sư nếu Mẹ phạm tội?

– Rồi Mẹ sẽ hỏi… nhưng ông ấy kỳ cục quá. Dễ chừng có lẽ vì ông ấy mà mẹ ngăn không để những người kia vào lều chúng ta. Ông Casy, ông ấy cứ nghĩ rằng khi người ta làm cái gì, thì đúng là điều phải làm.

Mẹ nhìn bàn tay rồi nói:

– Rosasharn ạ, chúng ta phải ngủ. Muốn tối nay khởi hành, thì phải ngủ.

Mẹ nằm dài xuống đất sát cái nệm. Rosasharn tỏ ra lo lắng:

– Nhưng ai quạt cho bà Nội?

– Giờ thì bà đang ngủ, nằm xuống mà nghỉ đi.

– Con cứ nghĩ mãi không biết anh Connie đi đâu? Con cứ tưởng như không trông thấy anh ấy từ lâu lắm rồi.

– Suỵt! Ngủ đi.

– Mẹ ơi, Connie sẽ học thêm, anh ấy muốn làm nên gì đó.

– Thôi. Chuyện ấy con đã nói với mẹ rồi. Ngủ đi.

Rosasharn nằm dài sát với nệm của bà Nội.

– Connie lại có một ý kiến mới nữa. Anh ấy cứ nghĩ suốt. Khi nào anh ấy đã thông thạo về điện, anh ấy sẽ có cửa hiệu riêng, và lúc đó mẹ đoán xem, chúng con có thứ gì?

– Thứ gì?

– Nước đá… tha hồ nước đá. Sẽ có một tủ lạnh. Cố sao lúc nào cũng đầy. Có nước đá cho các thức ăn không bị hỏng.

– Connie bao giờ cũng nghĩ ra chuyện mới. – Mẹ nói và cười khe khẽ – Giờ thì ngủ đi.

Rosasharn nhắm mắt lại. Mẹ nằm ngửa nhìn trần nhà và chắp hai tay kê đầu. Bà bỗng nghe tiếng thở của bà Nội và con gái. Bà rút tay xua đuổi một con ruồi trên trán. Trại lặng yên trong bầu không khí oi bức, nhưng trong cỏ vẫn âm ỉ những tiếng động, tiếng dế kêu, tiếng ruồi vo ve – gần gũi với sự im lặng. Bà thở dài một tiếng, ngáp một cái và nhắm mắt lại. Trong giấc ngủ chập chờn, bà nghe có tiếng chân bước lại gần, nhưng lại là tiếng đàn ông khiến bà giật mình thức dậy:

– Ai ở trong ấy?

Mẹ ngồi bật dậy, một người đàn ông, mặt rám nắng, cúi xuống và thò đầu vào phía trong. Y đi ủng, mặc quần kaki, một chiếc sơ mi kaki có cầu vai, một khẩu súng lục để trong bao da đeo ở thắt lưng; một ngôi sao lớn màu bạc ghim ở phía trên ngực bên trái. Chiếc mũ calô nhà binh đội hất ngược ra phía sau. Y vỗ mạnh trên vải bạt căng, tấm bạt kêu như tiếng trống.

– Ai ở trong kia?

Bà mẹ hỏi:

– Ông muốn hỏi gì, thưa ông?

– Ta vừa nói cho mụ biết. Ta muốn biết ai ở trong đó.

– Thì ở đây chỉ có ba người… bà Nội, tôi và con gái tôi.

– Đàn ông nhà mụ đi đâu cả?

– Ồ… họ ra sông tắm. Chúng tôi chạy xe suốt đêm.

– Gần Sallisaw bang Oklahoma.

– Vậy thì, các người không thể ở đây được.

– Chúng tôi định chiều nay đi để vượt qua sa mạc.

– Các người làm thế là tốt nhất đấy. Nếu ngày mai tôi còn thấy các người ở đây vào giờ này, tôi sẽ tống giam. Bọn ta không muốn trông thấy một mống nào trong các người ở lại đây.

Mẹ giận tím mặt. Bà từ từ đứng lên, cúi xuống lấy xoong bằng sắt trong chiếc hòm đựng đồ làm bếp.

Bà nói:

– Thưa ông, mặc cho ông có cái phù hiệu bằng sắt tây với một khẩu súng lục, nhưng tôi có từ đâu đến đi nữa ông vẫn phải nói năng từ tốn.

Tay cầm cái xoong, bà tiến lại gần y. Y mân mê khẩu súng lục trong bao da.

– Cứ bắn đi! – Bà nói – Dọa một người đàn bà. May mà đàn ông nhà tôi không ở đây, không thì họ sẽ xé xác ông ra. Ở xứ tôi những người như ông phải biết trông chừng lời ăn tiếng nói.

Người kia lùi lại hai bước:

– Ô, nhưng ở đây không phải là xứ của các người. Các người đang ở California, mà chúng ta không muốn thấy bọn Okies khốn kiếp ở đây.

Bà đang bước tới thì bỗng đứng sững lại.

– Okies? – Bà lẩm bẩm – Quân Okies?

– Đúng, quân Okies. Nếu ngày mai ta tới mà còn trông thấy các người ở đây, ta sẽ tống giam.

Nói xong, y quay ra và đến gõ lều bên cạnh rồi lại hỏi như cũ.

– Ai ở trong ấy?

Mẹ từ từ trở vào bạt rồi đặt cái xoong vào hòm. Rồi bà từ từ ngồi xuống. Rosasharn nhìn trộm mẹ. Khi thấy mẹ cố gắng giữ cho nét mặt được điềm tĩnh khỏi cau lại, cô nhắm mắt giả vờ ngủ. Mặt trời đã xuống thấp ở phía chân trời, nhưng khí nóng hình như không giảm. Dưới cây liễu, Tom thức dậy, mình đẫm mồ hôi, miệng khô, đầu nặng trình trịch. Anh lảo đảo đứng lên và đi xuống sông. Tới nơi anh cởi quần áo và lội xuống nước. Thân mình anh vừa ngâm dưới nước thì cơn khát cũng tan biến. Anh nằm ngửa để cho người nổi lên lềnh bềnh. Anh giữ cho người thăng bằng bằng cách tì sâu khuỷu tay vào cát và ngắm các đầu ngón chân thò trên mặt nước.

Một thằng bé xanh xao gầy gò bò tới như một con vật trườn qua đám lau sậy. Hắn tụt quần áo rồi lội ngoằn ngoèo như một con chồn hương, chỉ có mũi và mắt là thò lên khỏi mặt nước. Thình lình, hắn trông thấy đầu Tom và biết là Tom đang nhìn mình, hắn ngừng trò chơi và ngồi xuống nước. Tom nói: “Chào em!”

– Chào! Hình như em dang chơi trò chồn hương thì phải?

– Ờ, đúng!

Nó lần lần dịch ra xa bơi ngoặt về phía bờ, lúc đầu thì có vẻ lơ đãng, rồi đột nhiên nó vọt lên, quơ vội quần áo, rồi chạy biến vào lùm liễu. Tom cười lặng lẽ. Và đột nhiên có tiếng the thé gọi tên anh.

– Anh Tom ơi, anh Tom.

Vẫn ngồi ngâm mình trong nước, Tom cho tay lên miệng huýt sáo, một tiếng sáo lảnh lói. Đám lau sậy rung rung, rồi thấy Ruthie đứng đấy nhìn anh. _

– Mẹ gọi anh, – nó nói. – Mẹ bảo anh phải về ngay.

– Được rồi.

Nói xong, anh đứng lên, sải chân trong nước đi vào bờ; còn Ruthie thì thích thú và kinh ngạc nhìn cái thân hình trần truồng của anh. Thấy đứa em hướng con mắt chĩa vào mình, Tom nói:

– Mày có cút đi không?

Ruthie bỏ chạy. Tom nghe tiếng nó vừa chạy vừa gọi Winfield một cách háo hức. Anh mặc quần áo nóng trên thân mình mát lạnh ướt át và chậm rãi đi qua các bụi liễu để về lều. Mẹ đã nhóm bếp bằng những cành liễu khô và để sẵn một xoong nước sôi. Trông thấy con, bà có vẻ được nhẹ nhõm:

– Có chuyện gì thế, hở mẹ?

– Mẹ sợ quá con ạ, – bà nói – Có một tên cảnh sát tới đây. Hắn nói chúng ta không thể ở đây được. Mẹ sợ hắn đi tìm con nói với con biết rồi con lại đánh hắn.

– Con đánh một tên cảnh sát để làm gì?

Mẹ cười:

– Thế này… hắn ăn nói quá vô lễ. Suýt nữa thì mẹ đập vỡ mặt hắn ra.

Vừa cười, Tom vừa túm lấy cánh tay mẹ mà lắc mạnh, nhưng không thô bạo. Anh ngồi xuống đất, vẫn cười mãi.

– Lạy Chúa, Mẹ… Mẹ dịu dàng hiền lành lắm cơ mà… Có chuyện gì xảy ra vậy?

Nom bà có vẻ nghiêm trang:

– Mẹ không biết, Tom ạ.

– Thoạt đầu mẹ cầm cán kích hăm dọa chúng con, bây giờ mẹ lại muốn đánh một thằng cớm.

Anh cười lặng lẽ, với một cử chỉ âu yếm anh vuốt ve hai bàn chân để trần của mẹ.

– Mẹ đúng là một con hổ cái. – Anh nói.

– Tom này.

– Gì cơ mẹ?

Bà ngập ngừng rất lâu:

– Tom này, gã cảnh sát vừa rồi… hắn gọi chúng ta là bọn Okies. Hắn nói: “Ta không muốn cái bọn Okies khốn nạn như các người ở lại đây”.

Tom quan sát mẹ một cách chăm chú, một tay vẫn dịu dàng đặt lên bàn chân mẹ.

– Một người khác cũng đã nói cho bọn con nghe chuyện đó. Về cung cách mà ở đây chúng gọi bọn ta ấy mà!

Anh suy nghĩ một lát.

– Mẹ ơi, theo ý mẹ, người ta không thể nói rằng con là một đứa xấu xa chứ? Con muốn nói con không phải là đứa đáng phải nhốt ở nhà giam chứ?

– Không, – bà nói – Con đã bị xét xử nhưng… không – Sao con hỏi mẹ như thế?

– Thế này, con nói mẹ biết, phải tay con thì con sẽ đấm vào mặt cái thằng cớm đó.

Mẹ mỉm cười thích thú.

– Chính ra đáng lý mẹ phải hỏi con cái đó, chả suýt nữa mẹ cầm cái xoong đập vào mặt hắn.

– Này mẹ, tại sao hắn nói ta không thể ở lại đây được?

– Hắn chỉ nói đơn giản là hắn không muốn trông thấy bọn Okies khốn nạn ở lại đây thôi. Hắn nói nếu ngày mai hắn còn thấy ta ở đây, hắn sẽ tống giam.

– Nhưng ta đâu có thói quen để cho bọn cớm muốn làm gì thì làm?

– Chính mẹ nói với hắn như vậy. Hắn bảo xứ này không phải xứ nhà ta. Ta đang Ở Califonlia, chúng làm gì ta tùy thích.

Tom nói vẻ bứt rứt:

– Mẹ ơi, con muốn nói với mẹ một điều này, Noah… đã đi dọc bờ sông… Anh ấy không muốn đi xa thêm nữa.

Mãi một lúc sau mẹ mới hiểu:

– Tại sao thế – bà khẽ hỏi.

– Con không biết. Anh ấy nói anh ở lại. Anh ấy phải ở lại. Bảo con thưa lại với mẹ như thế.

– Nó lấy gì mà ăn?

– Con không biết

– Anh ấy nói sẽ bắt cá.

Mẹ im lặng trong một lúc lâu rồi nói:

– Gia đình ta tan tác hết. Chả biết sao! Hình như mẹ không thể suy nghĩ hơn được nữa. Không tài nào suy nghĩ được! Xảy ra bao nhiêu việc!

Tom nói tuy anh không tin tưởng lắm:

– Anh ấy sẽ xoay sở được thôi mẹ ạ. Anh ấy kỳ cục lắm.

Mẹ quay mắt sững sờ nhìn ra sông:

– Hình như mẹ không còn có thể suy nghĩ được nữa.

Tom đưa mắt nhìn dãy lều, thấy Ruthie và Winfield đứng trước một cửa lều, đang sôi nổi nói chuyện với ai đó ở bên trong. Ruthie đang xoắn gấu áo còn Winfield đang lấy ngón chân cái dụi dụi một cái lỗ con.

– Ê Ruthie!

Nó ngước mắt trông thấy anh và chạy lon ton tới, có Winfield theo sau. Lúc nó tới nơi, Tom nói:

– Em đi tìm tất cả người nhà ta về. Họ đang ngủ trong mấy bụi rậm kia. Chạy đi. Còn em, Winfield, em đi báo cho ông bà Wilson là ta ra đi, càng sớm càng tốt.

Hai đứa bé quay gót và lao vù đi.

Tom hỏi:

– Bà Nội bây giờ thế nào, mẹ?

– Bà đang nằm nghỉ. Hôm nay bà chợp mắt được một ít. Có lẽ bà đỡ hơn. Bà đang ngủ.

– Tốt lắm. Trong thùng còn thịt muối không?

– Ít lắm. Một góc thịt lợn thôi.

– Thế thì phải lấy thùng kia đổ đầy nước vào. Phải mang theo nhiều nước.

Họ có thể nghe tiếng Ruthie the thé gọi những người nằm ở các lùm liễu Mẹ đẩy các nhánh liễu vào lửa, củi tanh tách khô giòn, và những ngọn lửa to bốc lên xung quanh cái nồi ám đen khói. Bà nói:

– Con cầu xin Đức Chúa chóng cho chúng con chỗ nghỉ ngơi. Con cầu xin Đức Chúa Jesus sao cho có được một nơi dễ chịu để ngả lưng.

Mặt trời chìm xuống sau các rặng núi bị nung đốt và nham nhở ở phía Tây. Trên bếp lửa, nồi nước sôi sùng sục. Mẹ lại góc bạt lấy đầy một tạp dề khoai tây và bỏ vào luộc.

– Con cầu xin Chúa cho chúng con sắp được tắm giặt, chưa bao giờ chúng con bẩn như thế này. Ngay cả khoai tây chúng con cũng không rửa trước khi nấu. Con không hiểu tại sao lại như vậy. Tưởng như chúng con không còn thiết đến điều gì hết.

Đàn ông nằm ở trong lùm liễu, kéo về, mắt ngái ngủ, mặt đỏ hum húp vì ngủ ngày.

– Có chuyện gì vậy? – Bố hỏi.

– Chúng ta đi. – Tom nói – Có một tay cảnh sát đến bảo là chúng ta phải đi. Thôi thì đi quách. Đi sớm thế này, dễ chừng có thể qua được. Còn những ba trăm dặm nữa mới tới nơi.

– Tao tưởng ta phải nghỉ ngơi chứ? – Bố nói.

– Thôi không nghỉ được. Phải đi, – Tom nói – Noah không về nữa đâu. Anh ấy lần theo dọc sông bỏ đi rồi.

– Sao? Nó không đi nữa ư? Có chuyện gì mà nó lại không đi?

Rồi ông lại tự dày vò mình.

– Lỗi tại tôi, – ông nói một cách khổ sở – thằng con trai ấy… lỗi tại tôi cả. – Không. – Tôi không muốn nhắc đến chuyện đó nữa, – Bố nói – Không thể nào… Lỗi tại tôi.

– Dẫu sao cũng nên đi thôi, – Tom nói.

Đúng lúc này ông Wilson bước lại gần:

– Vợ chồng tôi không thể ra đi được, các bạn ơi! Sairy kiệt sức rồi, phải nghỉ ngơi. Bà ấy sẽ không sống nổi mà vượt qua sa mạc.

Tất cả đứng chết lặng. Tiếp đó, Tom cất tiếng: –

Có một gã cảnh sát nói là sẽ bỏ tù chúng ta nếu ngày mai ta còn ở đây. Wilson lắc đầu. Vì quá lo lắng nên mắt ông mờ đi và làn da rám nắng đã bắt đầu xanh xao.

– Thì đấy, phải như thế thôi, không khác được. Sairy không có sức mà đi, chúng bỏ tù chúng tôi thì cứ việc bỏ tù. Nhà tôi phải nghỉ ngơi, phải lấy lại sức.

Bố nói:

– Có lẽ chúng ta nên đợi, để cùng đi một thể.

– Không – Wilson nói – Các bác đã tử tế với chúng tôi nhiều; các bác có lòng, nhưng các bác không thể ở lại đây được. Các bác phải đi đi để tìm công ăn việc làm. Chúng tôi không đời nào chịu để các bác ở lại.

Bố tức tối phản đối:

– Nhưng ông bà không có xu dính túi.

Wilson mỉm cười:

– Khi các bác cho chúng tôi đi theo, chúng tôi cũng chả có gì. Đây là việc riêng của chúng tôi. Các bác đừng làm cho tôi phát khùng. Các bác phải đi thôi, không thì tôi phát điên lên mất.

Mẹ ra hiệu gọi Bố vào lều và thì thầm gì đó với Bố. Wilson quay về phía Casy:

– Sairy yêu cầu gặp ông đấy?

– Tôi sẽ đến ngay, – mục sư nói.

Ông đi về phía cái lều bé tẹo và xám xịt của Wilson; ông vén màn bước vào. Ở đây nóng và tối. Chiếc đệm trải ngay xuống đất, tất cả đồ đạc vương vãi đây đó bởi vì mọi thứ vừa được bốc từ trên xe xuống ngay sáng nay. Sairy nằm dài trên đệm, đôi mắt to và sáng chói. Casy đứng nhìn, thấy cái đầu to của bà ngoẹo sang bên, gân cổ hai bên nổi căng. Ông bèn cất mũ cầm tay.

Bà nói:

– Chồng tôi đã báo cho ông biết chúng tôi không thể đi tiếp được rồi chứ?

– Ông nhà đã bảo thế.

Bằng giọng trịnh trọng, bà nói tiếp:

– Tôi muốn tất cả chúng ta phải đi. Tôi biết sang tới bên kia thì tôi không sống nữa nhưng ít ra tôi cũng tới được. Nhưng nhà tôi không muốn đi. Ông ấy có biết gì đâu, cứ tưởng mọi việc sẽ khá hơn. Nhà tôi không biết…

– Ông nhà nói là ông không muốn đi.

– Tôi biết, ông ấy bướng bỉnh lắm. Tôi cho mời ông đến để ông cầu kinh cho.

– Tôi không là mục sư nữa. – Ông nói nhẹ nhàng. – Kinh nguyện của tôi không có giá trị gì.

Bà liếm môi:

– Khi ông cụ già mất, tôi có ở đấy. Lúc đó ông đã đọc kinh.

– Đó không phải là một bài kinh nguyện.

– Đấy cũng là một bài kinh.

– Không phải là bài kinh thực sự của mục sư.

– Đấy là một bài kinh tốt. Tôi mong muốn ông đọc cho tôi một bài.

– Tôi không biết nói gì.

Bà nhắm mắt lại trong giây lát và rồi lại mở ra.

– Vậy ông hãy cứ cầu nguyện thầm. Không cần phải nói ra lời, thế cũng đủ.

– Tôi không có Chúa.

– Ông vẫn có Chúa. Ngay dù ông không biết Chúa thế nào, thì cũng vẫn thế, không có gì khác.

Mục sư cúi đầu. Bà quan sát ông một cách lo sợ. Và khi ông ngẩng đầu lên, bà có vẻ thư thái.

– Như thế là tốt, – bà nói – Đó là điều mà tôi cần. Phải có một người khá gần gũi để cầu nguyện.

Ông mục sư lắc đầu như để đánh thức mình dậy:

– Tôi không hiểu bệnh tình bà đang như thế nào?

Bà bèn đáp: – Có, ông có biết… phải không?

– Phải, tôi biết, tôi biết, nhưng tôi không hiểu. Có lẽ bà nghỉ ngơi vài ngày rồi sau đó sẽ đi.

Bà chậm rãi lắc đầu.

– Tôi chỉ là sự đau đớn có bộ da bọc ngoài. Tôi biết là gì rồi, nhưng tôi không muốn nói với nhà tôi. Ông ấy sẽ đau buồn quá. Vả chăng, ông ấy sẽ chẳng biết xoay xở ra sao. Dễ chừng trong ban đêm… lúc ông ấy ngủ… khi thức dậy… đỡ đau đớn hơn.

– Bà có muốn tôi đừng đi, ở lại với ông bà không?

– Không. Không. Thuở còn bé nhỏ, tôi hay hát. Các người ở quê tôi thường nói tôi hát cũng hay như Jenny Lind. Người ta hay tới nghe tôi hát. Và khi họ xúm quanh nghe tôi hát, thì thế đấy, tôi cảm thấy tôi hòa vào với họ làm một như chưa từng thấy. Lòng tôi tràn ngập biết ơn. Không mấy người được như thế đâu, được cảm thấy chan chứa tình cảm, gần gũi nhau đến thế, lúc họ đứng kia và tôi cất tiếng hát. Tôi nghĩ là có thể một ngày nào đó tôi hát trên sân khấu, nhưng chưa bao giờ tôi hát ở đó. Nhưng thế cũng đủ sung sướng rồi. Không có gì đến chắn ngang giữa tôi và họ. Chính vì vậy mà tôi xin ông cầu nguyện cho tôi. Một lần nữa, tôi muốn có một sự gần gũi thân mật đó. Hát ca và cầu nguyện cũng là một điều như nhau, hoàn toàn như nhau. Giá ông có thể nghe tôi ca hát!

Ông nhìn xuống Sairy, nhìn thẳng vào mắt bà.

– Xin tạm biệt, – ông nói.

Bà chậm rãi lắc đầu và mím chặt môi. Ông mục sư bèn ra khỏi cái lều mờ tối trong ánh nắng chói lóa mắt. Đàn ông đang chất đồ đạc lên xe, chú John đứng trên cao, những người khác chuyển đồ đạc lên cho chú. Chú xếp cẩn thận cố giữ cho có một mặt bằng. Mẹ bỏ nốt một góc thịt muối vào nồi, Tom và Al đem hai thùng ướp muối ra sông chùi rửa. Hai anh em buộc chặt thùng trên bậc lên xuống rồi lấy xô đổ đầy nước. Sau đó họ lấy một tấm bạt phủ lên trên để cho nước khỏi bị sóng sánh trên đường đi. Chỉ còn phải đưa bạt và nệm của bà Nội lên.

Tom nói:

– Chất chở nặng như thế này, cái đầu tàu cũ kỹ này sẽ sôi sùng sục lên đây? Phải trữ thật nhiều nước.

Mẹ phân phát những củ khoai tây luộc, lôi ở dưới đáy lều cái túi khoai tây còn non một nửa và đặt gần nồi thịt lợn. Mọi người đứng ăn, vừa chốc chốc đổi chân vừa chuyển củ khoai tây từ tay nọ sang tay kia cho mau nguội.

Mẹ đến tìm ông bà Wilson, ở lại độ mười phút trong lều của họ, rồi bà lặng lẽ đi ra.

– Đến lúc phải đi rồi, – Mẹ nói.

Đàn ông luồn xuống dưới tấm bạt căng thẳng. Bà nội vẫn ngủ, miệng há hốc. Họ thận trọng nâng tấm đệm và cố hết sức đưa lên nóc xe. Bà rụt đôi cẳng chân xương xẩu vào và cau mày, nhưng vẫn không thức giấc. Chú John và Bố buộc mép bạt vào hai bên thành xe, tạo nên một cái lều nhỏ ở trên nóc xe. Mọi việc đã xong xuôi. Bố rút ví tiền ở túi, lấy ra hai tờ giấy bạc nhàu nát. Bố tới chỗ Wilson và đưa tiền cho ông ta.

– Xin ông bà vui lòng cầm lấy cho… – và lấy ngón tay chỉ miếng thịt lợn muối và mấy củ khoai tây ông nói thêm – và thứ này nữa.

Wilson gục đầu xuống và cương quyết lắc đầu.

– Không làm thế được, – ông nói – các bác chả có nhiều nhặn gì.

– Chúng tôi còn đủ để đi tới đó, đâu có để lại hết. Chúng tôi sẽ có công ăn việc làm ngay thôi.

– Tôi không làm thế được – Wilson nói – Bác đừng có nài khiến tôi đâm cáu.

Mẹ cầm lấy hai tờ giấy bạc ở tay Bố. Bà gấp lại cẩn thận, đặt nó xuống đất rồi lấy cái nồi đựng thịt đặt lên trên.

– Tiền nằm đấy, – bà nói – ông bà không lấy thì người khác lấy.

Wilson đầu vẫn cúi xuống, quay gót vào lều, hai mảnh vải dùng làm cửa lều khép lại.

Gia đình chờ đợi một lúc, rồi Tom nói:

– Đi được rồi đấy, – Tom nói – Có lẽ sắp bốn giờ chiều rồi.

Cả nhà trèo lên xe. Mẹ ngồi trên cùng sát cạnh bà Nội, Tom, Al và Bố ở phía trước, Winfield ngồi trên đầu gối Bố. Connie và Rosasharn áp sát vào buồng tài xế. Ông mục sư, chú John và Ruthie ngồi lộn xộn trên đống đồ đạc. Bố kêu to:

– Tạm biệt ông bà Wilson.

Trong lều không có tiếng đáp lại. Tom rồ máy và chiếc cam-nhông nặng nề lăn bánh, ì ạch như một con bọ hung khổng lồ trên con đường sỏi đá lởm chởm dẫn tới Needles và đường cao tốc. Ngồi trên nóc xe, Mẹ ngoái nhìn ra sau. Wilson đứng trước cửa lều, đưa mắt nhìn theo họ. Tay ông cầm chiếc mũ. Mặt trời chiếu thẳng vào mặt ông. Mẹ vẫy vẫy bàn tay chào vĩnh biệt, nhưng ông không đáp lại.

Để cho khỏi hại lò xo, Tom chạy số hai trên con đường gồ ghề sỏi đá. Tới Needles, họ vào một trạm xăng kiểm soát lại lốp xe, cả bánh xe phụ tùng buộc ở phía sau. Anh đổ đầy xăng, mua thêm hai bi-đông xăng hăm nhăm lít và một bi-đông dầu mười lít. Anh đổ đầy nước bình phát điện, mượn một bản đồ địa phương và nghiên cứu xem xét bản đồ.

Nhân viên trạm xăng, một thanh niên mặc đồng phục trắng, có vẻ hết băn khoăn lúc Tom đã thanh toán tiền. Y nói:

– Các ông bạo gan thực.

Tom ngước mắt lên hỏi:

– Sao lại thế?

– ừ… dám qua sa mạc trong một cái xe cọc cạch thế này.

– Ông đã qua chưa?

– Hẳn rồi, có ối lần, nhưng không phải với cái xác tàu đắm như thế này.

– Nếu xe bị trục trặc, liệu có tìm thấy được ai giúp một tay không?

– Có thể. Nhưng thiên hạ họ sợ phải dừng lại ban đêm. Tôi chẳng dám làm như anh. Phải bạo gan mà tôi thì không có đủ.

Tom nhe răng cười:

– Cần gì phải bạo gan để làm việc gì khi mà không thể làm cách nào khác. Thôi, cảm ơn. Bọn tôi đi đây.

Nói xong anh lên xe, rồ máy chạy. Gã thanh niên mặc đồng phục trắng trở vào trong lán lợp tôn, ở đó có người bạn của gã đang chúi mũi trên cuốn sổ.

– Đ.m… nom thằng cha ăn mặc mới tởm chứ!

– Bọn Okies ấy à? Bọn chúng thì đứa nào mà chả tởm.

– Lạy Chúa! Có cho vàng tao cũng không đi trên cái xe ọp ẹp như thế.

– Nói hay nhỉ, mày với tao có phải là đồ hâm đâu. Bọn Okies khốn kiếp ấy, chúng chả có lấy một xu phán đoán và tình cảm. Bọn ấy đâu phải là người. Đời nào người lại sống như vậy được. Người không thể chịu đựng được bẩn thỉu cơ cực như vậy. Bất quá chúng chả hơn lũ khỉ đột là mấy.

– Muốn sao tao cũng lấy làm sung sướng không bị buộc phải vượt qua sa mạc trên chiếc Hudson Super 6 thế kia. Nó ầm ĩ như máy đập lúa vậy.

Gã kia lại nhìn xuống cuốn hóa đơn. Một hạt mồ hôi to chảy từ tay xuống một tờ hóa đơn màu hồng.

– Mày biết không, chúng chả lo lắng mấy nỗi. Chúng ngu xuẩn thế kia nên đâu có biết là nguy hiểm nguy hiếc gì. Ôi mà lạy Chúa, chúng được thế là khá lắm rồi, nào có biết gì hơn đâu! Băn khoăn mà làm gì?

– Tao chẳng băn khoăn gì hết.

– Tao chỉ nghĩ đơn giản, vào địa vị chúng, tao không thích làm thế.

– Bởi vì mày biết nhiều hơn. Chúng chả biết gì khác.

Nói xong gã lấy tay áo, quệt giọt mồ hôi rơi trên tờ hóa đơn màu hồng.

Chiếc xe cam-nhông đi vào con đường lớn dần lên một cái dốc dài, giữa vách đá lởm chởm nứt nẻ. Máy bắt đầu nóng dữ, Tom phải cho chạy chầm chậm. Con đường cứ lên dốc, lên dốc mãi, chạy ngoằn ngoèo qua một vùng hoang vu, một phong cảnh trắng nhờ nhờ không có dấu vết của sự sống. Tom chỉ dừng lại một lần cho máy nguội đi, rồi lại đi tiếp. Họ leo qua đèo lúc mặt trời còn cao và ngắm nhìn sa mạc trải rộng dưới chân; những dãy núi màu tro đen, và ánh mặt trời cằn cỗi, ngang ngạnh in những bóng nhỏ lên cát và đá sỏi. Mặt trời chói lóa ở thẳng phía trước họ. Tom phải lấy tay che mắt để thấy rõ đường đi. Khi đã vượt qua đỉnh, Tom tắt ga cho nguội máy rồi lặng lẽ đổ xuống vòng cong lớn để đi vào mặt đất bằng phẳng của sa mạc. Ở ghế đằng trước, Tom, Al, Bố và Winfleld ngồi trên đầu gối Bố, bị ánh mặt trời lóa mắt chiếu thẳng vào mặt, mặt họ cứng ra, và khuôn mặt rám nắng ướt đẫm mồ hôi. Đất bị nung khô và những dẫy đồi màu xi than phá vỡ sự hài hòa của phong cảnh ở phía xa xa và nom nó khủng khiếp đáng sợ trong ánh chiều tà đỏ rượi.

Al nói:

– Trời ơi, cái xứ quái quỉ gì mà thế này? Nếu phải đi bộ qua thì anh thấy thế nào?

– Có những người đã làm thế. – Tom nói. – Khối người mà họ làm được thì chúng ta cũng làm được.

– Chắc cũng có một số bị chết.

– Ừ, không thể nói trước rằng chúng ta ra khỏi mà không có sứt mẻ.

Al im lặng một lát nhìn sa mạc đang ngả sang màu hồng vẫn chạy vun vút ở hai bên thành xe. Tom liếc nhìn nhanh mức dầu.

– Linh tính báo cho tao biết là chẳng ai sẽ còn gặp lại bà Wilson nữa.

Winfield nói.

– Bố, con muốn xuống.

Tom quay mắt về nó:

– Con nghĩ là chúng ta ai nấy nên xuống một lát để lấy sức chạy đêm.

Anh hãm máy và dừng lại. Winfield tụt xuống cửa xe và đứng đái bên lề đường. Tom thò đầu ra ngoài: “Còn ai nữa không?”

– Không bọn tao ở trên này thôi. – Chú John nói. – Vẫn vững vàng.

– Winfleld, trèo lên trên kia mà ngồi. – Bố nói – Cứ ôm mày mãi trên đùi, tao bại cả cẳng.

Thằng bé vội cài khuy quần, lao lên phía sau xe rồi bò lổm ngổm tới chỗ chất đồ đạc, tận đến đệm của bà Nội, rồi nó luồn lại chỗ Ruthie. Chiều xuống dần, chiếc xe vẫn chạy, chạy mãi. Mặt trời đã chạm đến bờ chân trời nham nhở nhuốm cả sa mạc trong màu đỏ rực.

Ruthie hỏi:

– Mày không được ngồi dưới ấy nữa à?

– Tao chả muốn. Không thích bằng trên này. Ở đó không nằm được.

– Thế thì đừng quấy tao, đừng có nói chuyện huyên thuyên. – Ruthie nói – Để tao ngủ đây, lúc nào dậy là đến rồi. Anh Tom nói thế mà! Nhìn đồng quê xinh đẹp chắc là khoái lắm.

Mặt trời lặn hẳn, để lại trên bầu trời một vầng hào quang rộng lớn. Và phía dưới bạt đã tối đen như một con đường hầm được soi sáng ở mỗi đầu bởi vạt ánh sáng hình tam giác. Connie và Rosasharn tựa lưng vào cabin làm gió nóng lùa vào bạt quất vào gáy họ, khiến cho tấm bạt kêu lật phật ở trên đầu. Họ nói chuyện thì thầm, tiếng chìm vào tiếng bạt đập thình thình cho nên chẳng sợ ai nghe thấy. Khi nói, Connie quay đầu ghé vào tai Rosacharn thì thầm, và cô cũng làm như hắn.

Cô nói:

– Có lẽ không bao giờ làm cái gì khác mà cứ chạy mãi chạy hoài thế này… em mệt lắm.

Hắn quay đầu rỉ vào tai vợ:

– Có lẽ sáng ngày mai… giờ đây, em không thích chỉ có mình chúng ta sao.

Trong bóng tối, tay hắn mân mê mông của vợ.

– Đừng anh… anh làm em phát cuồng. Đừng làm thế. – Và cô quay đầu lại để nghe hắn trả lời.

– Có thể… Chờ cho họ ngủ cả rồi…

– Có thể… nhưng để họ ngủ đã. Anh làm em điên lên mất… và biết đâu họ chẳng ngủ ngáy gì.

– Anh không thể dằn lòng được nữa.

– Em biết. Em cũng thế thôi. Ta hãy nói chuyện khác, tới đó sẽ ra sao? Mà anh dịch ra đi, không thì em điên hẳn lên đây này.

Y hơi né ra:

– Thế này nhé! Anh sẽ học đêm.

Cô thở dài.

– Anh sẽ mua một cuốn mẫu hình trong đó có ghi rõ, rồi cắt ngay quảng cáo gửi đi.

– Theo anh thì mất bao lâu?

– Mất bao lâu cái gì? Trước khi anh kiếm được nhiều tiền và chúng mình có nước đá, ấy mà.

– Không thể nói trước được. – Y làm ra vẻ quan trọng. – Không thể nói chính xác được. Có điều chắc là từ nay đến Noel, anh phải học được nhiều rồi.

– Thế là khi nào anh đã học hành ra trò là chúng ta sẽ có nước đá, và nhiều thứ khác nữa, phải không?

Hắn cười khúc khích:

– Chỉ tại nóng bức thế này… Chứ Noel thì em cần nước đá mà làm gì.

Cô cười rúc rích:

– Đúng đấy. Nhưng em thích có nước đá quanh năm… Thôi đi, em đã bảo mà. Anh làm em điên lên mất.

Hoàng hôn chuyển sang bóng đêm, và trên bầu trời êm dịu, các ngôi sao vùng sa mạc hiện ra; long lanh và sắc, thoáng điểm những chấm vạch, và bầu trời như bằng nhung. Rồi khí nóng thay đổi. Lúc mặt trời còn ở trên cao, khí nóng như làn roi quất vào da thịt, nhưng bây giờ, khi nó từ dưới bốc lên, từ chính ngay mặt đất, thì nó dày đặc làm ngạt thở. Đèn pha xe hơi bật lên, soi sáng một mẩu đường từ phía trước và một dải sa mạc nhỏ ở hai bên. Thỉnh thoảng có đôi mắt lấp lánh trong ánh sáng phía trước, nhưng không có con vật nào hiện ra. Bây giờ dưới lều tối om om. Chú John và ông mục sư co rúm lại ở giữa xe, một khuỷu tay chống lên mắt nhìn đăm đăm qua cái tam giác ánh sáng ở đầu kia đường hầm. Họ nhận rõ hai cái bóng gù của bà Nội và bà Mẹ in trên nền sáng. Họ trông thấy Mẹ chốc chốc lại cựa quậy, cánh tay đen của bà in trên nền trời.

Chú John nói với ông mục sư:

– Casy, ông là người biết suy xét, chắc ông phải biết làm thế nào?

– Biết làm gì và làm cái gì?

– Tôi không biết.

– Ấy đấy, thế mới càng dễ dàng cho tôi.

– Thì xưa ông là mục sư mà.

– Ông nghe đây, John! Mọi người đều nhằm vào tôi mà kêu vì tôi là mục sư, mục sư cũng chỉ là người, chứ có khác đâu.

– Đúng vậy nhưng là… một con người thế nào đó, không thì không là mục sư được. Có một điều tôi muốn hỏi ông…Ông có tin rằng có thể một ai đó đem lại tai họa cho những người khác không?

– Tôi không biết…Tôi không biết.

– Ông biết cho…chính vì tôi đã lấy một người con gái tốt nết, tử tế hết chỗ nói. Thế rồi một đêm cô ấy đau ruột thừa. Cô ấy bảo tôi: “Ông phải đi mời thầy thuốc”. “Ồ!” Tôi bảo, “Cô nói gì thế, tại cô ăn nhiều quá đấy thôi!”

Chú John đặt tay lên đầu gối Casy và đôi mắt xuyên qua bóng tối, nhìn chằm chằm vào Casy.

– Cô ấy nhìn tôi như thế nào ấy. Cô ấy rên rỉ suốt đêm và chiều hôm sau cô ấy chết.

Ông mục sư lầm bầm điều gì đó.

– Ông biết không, – John lại nói – chính tôi giết cô ấy. Và từ ngày hôm đó trở đi, tôi cố chuộc tội, nhất là đối với trẻ con. Tôi cố gắng ăn ở cho tốt, nhưng không tài nào được, tôi lại đâm ra uống rượu và đâm ra ngông cuồng rồ dại.

– Ai cũng ngông cuồng rồ dại, trước hết là tôi.

– Đúng vậy, nhưng ông khác tôi, lương tâm ông không tội lỗi.

Casy ôn tồn nói:

– Chắc chắn là tôi cũng có. Ai cũng mắc tội lỗi. Tội lỗi một điều gì người ta không biết chắc. Tất cả những bọn người tự huênh hoang rằng ta đây biết chắc mọi điều và ta đây không có tội lỗi, thì thế này, với các loại khốn nạn đó, giá tôi là Chúa trời, tôi sẽ đá đít tống cổ chúng ra khỏi Thiên đường. Tôi không chịu được chúng.

Chú John nói:

– Tôi có cảm tưởng như tôi mang tai họa cho chính gia đình tôi. Có cái gì đó bảo tôi phải đi đi thôi, để cho họ được yên ổn. Cứ như thế này thì tôi thấy bứt rứt không yên.

Casy nói:

– Tất cả những gì tôi biết, là thế này, người ta phải làm những gì người ta cần phải làm, tôi không thể nói gì với ông được. Không thể. Tôi không tin số may hay vận rủi. Có một điều mà tôi biết chắc chắn ở dưới trần thế này, ấy là không có ai có quyền xen vào đời sống riêng tư của bất cứ ai khác. Ai cũng phải tự lo liệu lấy phận mình. Giúp đỡ người, có thể được, nhưng không được bảo người ta phải là thế này thế nọ.

– Thế là ông không biết? – John thất vọng nói.

– Tôi không biết.

– Ông có nghĩ rằng để vợ mình chết, đó có phải là một tội lỗi không?

– Thế này, với bất cứ ai, đó là một sai lầm: nhưng nếu ông thấy đó là tội lỗi, thì nó là tội lỗi. Người ta tự mình dựng nên tội lỗi của chính mình, chồng chất lên nhau từng tội một.

– Tôi phải suy nghĩ một chập mới được.

Nói xong, ông nằm khoanh tròn, tay ôm lấy đầu gối. Chiếc xe bon bon trên đường nóng bỏng, giờ khắc trôi qua. Ruthie và Winfield đã ngủ say. Connie rút một tấm chăn ở bọc ra, choàng lên người Rosasharn, choàng cả lên người mình, hai người nín thở, ôm riết lấy nhau trong hơi nóng dâm dấp. Một lát sau Connie hất tung chăn ra, và luồng gió ấm ấm quạt mát rượi trên da thịt đẫm mồ hôi của họ.

Phía sau xe, mẹ nằm dài trên đệm bên cạnh bà nội, mắt mẹ không thấy gì nhưng mẹ cảm thấy trái tim bà nội đang cố đập, thân hình bà nội đang giãy giụa, và bên tai mẹ tiếng thở chỉ còn là một tiếng rên nức nở. Mẹ luôn miệng nhắc.

– Bà ngủ yên. Chóng khỏi thôi.

Và với tiếng khàn khàn:

– Bà cũng biết là phải vượt qua sa mạc. Bà biết.

Chú John kêu:

– Bà có khá không bác gái?

Mãi sau mẹ mới đáp.

– Có lẽ tôi đã ngủ mất.

Và chẳng mấy chốc, bà Nội nằm im không cựa quậy và Mẹ nằm dài thẳng đuột bên bà. Đêm khuya giờ khắc trôi nhanh và bóng đêm bao trùm chiếc xe tải. Thỉnh thoảng có những chiếc xe chạy qua họ, thẳng đường về miền Tây, thỉnh thoảng lại có những chiếc xe tải nặng nề từ miền Tây ngược về phía Đông. Và một thác những ngôi sao lấp lánh từ từ sa xuống chân trời phía Tây. Gần nửa đêm họ tới sát Daggert nơi có trạm kiểm soát. Đường ngập ánh sáng, trên một biển sáng có ghi dòng chữ: “Nép sang phải. Đỗ lại”. Lính cảnh sát đang ăn không ngồi rồi trong phòng giấy nhưng lúc Tom dừng xe, họ đã ra và đứng dưới mái nhà kho dài. Một viên cảnh sát ghi số xe và nậy nắp máy lên.

– Có chuyện gì vậy – Tom hỏi.

– Kiểm soát nông phẩm. Chúng tôi phải khám xe của ông. Ông có đem theo rau hay hạt giống không?

– Không.

– Dẫu sao cũng phải khám xem. Dỡ hàng trên xe xuống.

Mẹ gắng gượng bước xuống. Mặt bà sưng húp, cái nhìn của bà nghiêm khắc và cương quyết.

– Xin các ông hãy nghe. Trong xe chúng tôi có người ốm. Chúng tôi phải đưa tới thầy thuốc. Chúng tôi không thể đợi được.

Nom như bà đang cố đấu tranh với cơn kích động thần kinh.

– Các ông không thể bắt chúng tôi phải chờ đợi trong bịnh tình như thế được.

– Thế sao? Cứ vẫn phải khám đồ đạc.

– Xin thề với ông là chúng tôi không có gì hết, – Bà nói to – Tôi xin thề, bà Nội chúng tôi ốm nặng lắm.

Với một cố gắng phi thường, bà leo lên phía sau xe.

– Ông nhìn đây, – bà nói.

Viên cảnh sát chiếu đèn vào cái đầu già nua tàn tạ.

– Ồ, mà đúng thật, y nói.

– Bà đã thề là không có hạt, trái cây, rau, ngô, cam, tất tật chứ?

– Vâng! tôi xin thề.

– Thôi bà đi đi. Đến Barstow có thầy thuốc. Chỉ cách đây tám dặm thôi. Bà đi ngay đi.

Tom lại lên xe rồ máy. Viên cảnh sát quay về phía đồng sự của y.

– Mình không giữ họ lại được.

– Có lẽ chúng nói láo đấy.

– Ôi! Không dâu. Nếu cậu nom thấy đầu bà già kia thì tớ bảo đảm, không phải chuyện láo toét đâu.

Tom tăng tốc độ để tới Barstow, và tới thị trấn nhỏ này, anh dừng xe, bước xuống vã đi vòng quanh xe, Mẹ cúi xuống anh.

– Được rồi, – mẹ nói – Mẹ không muốn dừng lại ở kia, sợ rằng chúng ta không qua được.

– Phải, nhưng bà Nội, bà thế nào?

– Đỡ lắm, khá lắm. Cứ chạy đi. Cần phải đi qua mới được.

Tom lắc đầu và trở lại phía đầu xe.

– Al này, – anh nói – tao đổ đầy xăng rồi mày lái nhé.

Anh dừng lại trước kho, đổ đầy xăng dầu và đổ đầy nước vào phát phát nhiệt. Tiếp đó, Al luồn phía dưới tay lái để cho Tom ngồi sang phía kia còn bố ngồi ở giữa. Họ đi xa dần trong đêm tối, để lại phía sau những dãy đồi của thị trấn Barstow.

Tom nói:

– Con không biết mẹ có chuyện gì. Mẹ đâm ra hay cáu hơn cả con chó bị con bọ chấy chui vào tai. Có phải khám đồ đoàn thì cũng chẳng lâu cho lắm. Mà mẹ nói bà nội bị ốm, bây giờ lại nói đỡ. Con không biết mẹ có chuyện gì. Hình như mẹ đâm thất thường. Theo bố, có phải hành trình đã làm cho mẹ loạn óc chăng?

Bố nói:

– Mẹ mày lúc còn trẻ như thế nào thì nay cũng như vậy. Một người rất bạo, không sợ gì hết. Tao tưởng khi đã có nhiều con lại công việc bề bộn đủ thứ, thì chắc mẹ mày sẽ đằm tính. Nhưng phải nói là không. Lạy Chúa, lúc mẹ mày vớ lấy cái tay quay kia, tao không dám liều lĩnh giằng lấy nó, tao nói thật đấy.

– Con vẫn không hiểu mẹ có chuyện gì? Có lẽ mẹ đã kiệt sức.

Al nói:

– Sang được bên kia là em thấy nhẹ nhõm. Em cứ lo ngay ngáy với cái xe thổ tả này.

– Đừng băn khoăn, – Tom nói – Chọn được cái xe này mày thính lắm rồi. Dẫu sao thì ta cũng chưa bị phiền phức gì nhiều với nó.

Suốt cả đêm, họ xuyên qua bóng tối ngột ngạt và bầy thỏ rừng lon ton trước ánh đèn pha rồi chạy trốn với những bước nhảy hỗn loạn. Rồi rạng đông bừng lên phía sau họ khi họ trông thấy ánh sáng của Mojave. Trong ánh bình minh các núi cao in hình ở phía Tây xa xa. Đến Mojave, họ cho xe ăn xăng nhớt và trong ánh sáng của rạng động đang tỏa khắp nơi, chiếc xe ì ạch đi vào giữa các dãy núi.

Tom nói:

– Hay rồi, lạy Chúa! Qua sa mạc rồi. Bố ơi! Al ơi! Lạy Chúa, qua sa mạc rồi.

– Em cóc cần, mệt chết đi được.

– Mày có muốn để tao lái không?

– Không, đợi tí nữa đã.

Họ chạy qua Techachapi trong ánh sáng vàng rực của bình minh, mặt trời lên phía sau họ và rồi…bất thình lình, họ phát hiện ra thung lũng mênh mông ở dưới chân họ. Al dấn mạnh hãm và dừng xe ngay ở giữa đường.

– Lạy Chú! Trông kìa! – Hắn nói.

Vườn nhà, vườn cây, thung lũng bằng phẳng xanh um tùm và lộng lẫy, những hàng cây ăn quả dài tít tắp, các trại ấp. Bố nói:

– Đức Chúa toàn năng!

Những thành phố ở xa xa, những làng nhỏ thu mình trong hốc các lùm cây và mặt trời ban mai nhuốm thung lũng vàng rực. Một chiếc xe bóp còi phía sau họ, Al cho xe nép sang lề đường.

– Tôi muốn xem phong cảnh.

Những cánh đồng ngũ cốc, vàng óng trong ánh sáng ban mai, những rừng liễu và những hàng khuynh điệp. Bố thở dài:

– Không bao giờ tao lại ngờ có một nơi nào như thế được, một xứ thần tiên.

Những cây đào, những lùm bồ đào và những mảnh đất trồng cam xanh thẫm. Và những mái ngói đỏ giữa những lùm cây, và những vựa ngũ cốc – những vựa dồi dào.

Al xuống xe, duỗi chân duỗi cẳng. Hắn gọi to:

– Mẹ ơi, xuống mà xem. Đến rồi!

Ruthie và Winfield toài xuống xe rồi đứng chôn chân tại đấy lặng lẽ, bối rối và kinh hoàng trước quang cảnh vùng thung lũng rộng lớn. Qua lớp sương mù cảnh vật hiện ra mờ mờ ảo ảo và đất đai mỗi lúc một mịn hơn giăng trải tận tới chân trời xa xa. Một cối xay gió lấp lánh dưới mặt trời và nhìn những cánh quạt nhợt nhạt, người ta tưởng đây là một máy quang báo ở xa xa.

Ruthie và Winfield nhìn nó và Ruthie thì thầm:

– California đấy.

Đôi môi Winfield lặng lẽ mấp máy:

– Bao nhiêu là trái cây.

Casy, chú John, Connie và Rosasharn bước xuống. Họ đứng sững sờ, câm lặng. Rosasham đang vuốt tóc thì nhìn thấy thung lũng và cô buông thõng tay xuống.

Tom nói:

– Mẹ đâu? Tôi muốn mẹ trông thấy cảnh này. Mẹ ơi, nhìn xem kìa. Lại đây mẹ.

Mẹ nhọc nhằn bước xuống xe. Nhưng vừa thấy mẹ, Tom kêu lên:

– Lạy Chúa, mẹ ơi, mẹ ốm sao?

Khuôn mặt bà xám ngoét như hóa đá, đôi mắt bà như lún sâu và hốc mắt, nỗi mệt nhọc đã khiến cho đôi mi mắt sưng húp và đỏ lên. Vừa đặt chân xuống đất thì bà đã phải gắng gượng lắm để vịn vào thành xe. Tiếng của bà khàn khàn:

– Con nói là ta đã vượt qua rồi, phải không?

Tom chỉ về thung lũng rộng lớn: “Mẹ trông kìa!”

Bà quay đầu và miệng hé mở. Ngón tay bà lần lên cổ họng, nắm lấy một mảnh da kéo ra một cách nhẹ nhàng.

– Ơ n Chúa, – bà nói – Cả nhà ta đang ở đây.

Gối bà khuỵu xuống và bà phải ngồi lên bậc xe.

– Mẹ ốm sao?

– Không, chỉ mệt, thế thôi!

– Mẹ không ngủ à?

– Không.

– Bà Nội ốm nặng ư?

Mẹ cúi xuống nhìn đôi bàn tay đang nắm trong vạt áo của mình như đôi nhân ngãi mệt mỏi.

– Ngay giờ đây. Mẹ những mong làm sao chưa nói vội. Mẹ mong muốn mọi việc sẽ êm ái dễ chịu!

Bố nói:

– Vậy là bà Nội mệt lắm?

Mẹ ngước mắt ngắm nhìn thung lũng:

– Bà Nội đã mất!

Ai nấy nhìn Mẹ.

Rồi Bố hỏi:

– Khi nào?

– Trước khi họ chặn xe chúng ta lại tối qua.

– Chính vì thế mà Mẹ mày không muốn chúng nhìn vào hay sao?

– Tôi sợ là ta không thể đi qua được. Tôi đã nói với bà là chúng ta không thể làm gì được cho bà. Gia đình phải đi qua. Tôi đã nói với Bà…tôi nói với Bà lúc bà đang nằm hấp hối ở đấy. Ta không thể dừng lại ngay giữa sa mạc. Còn có lũ nhỏ…và đứa bé trong bụng Rosasharn. Tôi đã nói chuyện với Bà. Bà lấy tay úp mặt vào ngồi như vậy một lúc.

– Ta có thể chôn cất bà Nội, ở một chỗ xinh đẹp có cây cối – Mẹ nói khe khẽ, – Một miếng đất xinh xắn xung quanh có cây cối. Bà phải được nghỉ ngơi ở California.

Hoảng hốt trước một sức mạnh như vậy, cả nhà nhìn Mẹ với vẻ sửng sốt hòa lẫn nỗi kinh sợ.

Tom kêu lên:

– Lạy Chúa! ấy thế mà Mẹ nằm ở đấy, suốt đêm nằm bên cạnh bà.

Tom lại gần Mẹ và định đặt bàn tay lên vai Mẹ.

– Con đừng chạm tới mẹ, – Mẹ nói, – Sẽ ổn thôi, nếu con không chạm tới mẹ.

Bố nói:

– Bây giờ phải đi. Phải xuống dốc.

Mẹ ngước mắt nhìn chồng:

– Tôi…tôi có thể ngồi phía trước được không? Tôi không muốn trở lại trên kia nữa. Tôi rã rời kiệt sức rồi.

Họ lại leo lên trên đống đồ đạc, nhưng thận trọng tránh cái thân hình dài cứng đơ dưới một tấm chăn, cả cái đầu cũng đã được phủ lại.

Và ai nấy ngồi vào chỗ cũ tránh không nhìn về phía đó, tránh không nhìn cái cục u mà có thể là cái mũi, và cái đường dốc có thể là cái cằm. Họ tránh không nhìn nhưng không thể đừng được. Thu mình trong một góc, cố xa khỏi cái xác chết, Ruthie và Winfield trố mắt nhìn cái hình thù phủ vải. Ruthie thì thầm:

– Bà Nội đấy, mà bà chết rồi.

Winfield gật đầu một cách trang trọng.

– Bà không thở nữa. Chết thật rồi.

Và Rosasharn khẽ nói với Connie.

– Bà đang hấp hối khi chúng mình…

– Biết thế nào được, – Connie nói để cho vợ yên lòng.

Al leo lên nóc xe để cho mẹ ngồi ở phía trước. Và Al làm ra vẻ ung dung, vì hắn đau buồn, hắn gieo mình cạnh Casy và chú John.

– Ôi! Bà già rồi. Đến cõi rồi. Rốt cuộc thì ai cũng chết.

Casy và chú John quay mắt nhìn hắn, một cái nhìn không biểu lộ tình cảm, tưởng hồ trước mắt họ là một cái bụi rậm kỳ quặc biết nói:

– Thì thế mà, không đúng sao? – Hắn hỏi.

Và họ quay mặt di, để cho Al rầu rĩ và chưng hửng.

Casy vẫn chưa hết sững sờ.

– Suốt cả đêm, mà một mình, John ạ, trước mặt ông là một phụ nữ quá đỗi giàu tình yêu thương khiến tôi phải sợ. Bên cạnh bà ta tôi cảm thấy mình bé nhỏ đến thế, xấu xa đến thế.

John hỏi:

– Đó có phải là một tội lỗi không? Trong việc này có cái gì có thể gọi là tội lỗi không?

Casy nhìn ông với vẻ kinh ngạc quá đỗi.

– Tội lỗi ư? Không, tôi chẳng thấy có gì giống như tội lỗi cả.

– Đời tôi, tôi chưa làm cái gì mà không có chút tội lỗi, – John vừa nói vừa nhìn cái hình thù dài phủ chăn.

Tom, Mẹ và Bố ngồi ở phía trước. Tom để cho xe đổ dốc. Chiếc xe nặng nề chuyển động và phía trước mắt họ, nó khịt khịt, nó giật giật, nó nổ lộp bộp chạy xuống đồi. Mặt trời ở phía sau họ, thung lũng vàng rực xanh tươi giăng trải trước mặt họ. Mẹ nhẹ nhàng lắc đầu:

– Đẹp quá đi mất! Bà nói – Tiếc rằng ông, bà không được nom thấy.

– Tôi cũng nghĩ thế.

Tom nhè nhẹ vỗ vỗ tay lái với bàn tay xòe rộng.

– Ông bà già quá rồi. Các cụ không hề thấy cảnh đó, ông nội có thấy là thấy một xứ man rợ đâu đâu cũng có người da đen, như hồi ông còn trẻ. Còn bà Nội có lẽ bắt đầu nhớ lại, và có thấy là thấy ngôi nhà bà đã ở thuở còn bé thơ. Ông bà già quá rồi.

Bố nói:

– Đấy, thằng Tom ăn nói như người lớn, chả mấy chốc như một mục sư.

Và Mẹ mỉm cười buồn bã:

– Nó đã thế rồi. Nó là người lớn rồi. Tom đã lớn khôn, khôn đủ mọi đường khiến nhiều lúc mẹ không thể theo kịp.

Họ xuống núi. Đường dốc quanh co, vòng vèo tưởng như không dứt. Thỉnh thoảng thung lũng biến mất trước mặt họ rồi lại hiện ra. Và hơi thở nóng của thung lũng dâng lên tận tới họ, nồng nặc mùi hăng hắc và xanh của nhựa thông, của bách ly hương. Dọc đường, dế kêu ran ran, một con rắn chuông trườn qua, Tom đè lên nó và đi, để mặc nó quằn quại trong bụi đất. Tom nói:

– Con có ý kiến lúc tới nơi, ta phải tìm đến cảnh sát tư pháp. Phải mai táng bà cho tử tế, nếu làm thế thì Bố nghĩ tốn hết khoảng bao nhiêu tiền nữa?

– Khoảng bốn mươi đôla.

Tom cười lớn:

– Ôi! Chư vị quỉ thần ôi! Cũng cầm bằng như ra đi tay không. Không thể nói là ta đã mang theo được thứ gì đi cả.

Anh còn cười một lát nữa, nhưng khuôn mặt anh bất giác trở nên nghiêm nghị. Anh kéo sụp mũ xuống mắt chiếc xe cam-nhông xuống núi, tiến sâu vào thung lũng mênh mông bát ngát.

Chú thích

1. Nguyên văn: tôi cần đến cái này.

2. Nguyên văn: cho Jesus phải chui ra khỏi người anh.

3. Nguyên văn: như con dao tra cán.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.