Chùm Nho Phẫn Nộ

Chương 17



Các xe hơi của những người di tản xuất hiện từ các con đường ngang nẻo tắt, bò ra con đường cao tốc chạy xuyên qua tiểu bang, rồi cứ một mạch theo con đường di tản, chúng tiến vào miền Tây. Vào buổi bình minh, chúng đi gấp nom tựa những con rệp; khi bóng đêm bắt đầu chụp xuống, chúng tập họp lại cũng như những con rệp và đậu lúc nhúc xung quanh nơi trú ẩn hoặc nơi có nước. Và bởi vì họ cảm thấy lạc lõng và lúng túng, vì tất cả bọn họ đến từ một nơi đầy sự cô đơn lo phiền, một nơi mà họ phải chịu đựng sự nhục nhã của kẻ chiến bại, và bởi vì tất cả bọn họ cũng đi về một nơi đất khách quê người mới và bí mật cho nên theo bản năng, đoàn người di tản túm tụm lại với nhau, chia sẻ với nhau cuộc sống của họ, thức ăn thức uống của họ và tất cả những gì họ trông mong chờ đợi ở miền đất mới…. Cứ như vậy, khi một gia đình khác cũng đến đấy ở – do có nước mà cũng vì do còn có bầu bạn; rồi đến một gia đình thứ ba, bởi vì hai gia đình kia đã mở đường và thấy ở đó thuận lợi. Và khi đêm buông xuống, có thể có hai mươi gia đình và hai mươi chiếc xe cũng tập hợp lại ở cùng một nơi.

Vào một buổi tối, xảy ra một chuyện lạ lùng: cả hai mươi gia đình trở thành một gia đình duy nhất, trẻ con trở thành con chung. Nỗi mất nhà mất cửa riêng một gia đình được mọi gia đình chia sẻ và cái thiên đường miền Tây trở thành một giấc mơ chung. Và xảy ra tình trạng, một đứa trẻ bị ốm đã gieo nỗi thất vọng vào trái tim của hai mươi gia đình, của một trăm con người kia, một cuộc sinh đẻ ở dưới túp lều nọ khiến cho trăm con người nín tiếng và kinh sợ suốt đêm, và tới sáng, khi đứa hài nhi chào đời thì cả trăm con người đó lòng tràn ngập niềm vui. Người ta thấy một gia đình đêm qua còn hoang mang sợ sệt, nay đã vội vàng lục lọi trong cái gói đồ đạc để tìm một quà mừng cháu bé sơ sinh. Buổi tối, ngồi quanh bếp lửa, cả hai mươi gia đình trở thành một bộ lạc duy nhất. Tất cả dần dần gắn bó với nhau thành từng đơn vị, đơn vị để cắm trại, đơn vị thức buổi đầu hôm, đơn vị để qua đêm. Ai đó mở bọc lấy ra một chiếc ghi-ta, so dây, và thế là những bài ca mà ai nấy đều biết, ngân vang trong đêm. Đàn ông hát lên lời ca và phụ nữ ậm ừ hòa điệu. Cứ mỗi buổi tối, một thế giới được tạo lập, một thế giới trọn vẹn với trang bị, với những bạn bè mới kết giao, với những mối hiềm thù đã rõ ràng, một thế giới trọn vẹn với những đứa trẻ khóc lóc, với những bọn hèn nhát, với những con người điềm đạm, những con người bình dị và tốt bụng. Vào mỗi buổi tối, được thiết lập những mối quan hệ tạo nên một thế giới và vào mỗi buổi sáng, thế giới đó lại tan rã tản mác như một gánh xiếc rong.

Mới đầu, các gia định tỏ ra rụt rè trong việc xây dựng và hủy diệt các thế giới, nhưng rồi dần dà đối với họ, kỹ thuật xây dựng thế giới trở nên quen thuộc, trở thành phương thức sống của họ. Chính vào lúc đó mà xuất hiện các thủ lĩnh, các luật lệ được thiết lập, các điều qui định được thành lập. Và các thế giới càng được xê dịch về phía Tây thì chúng càng trở nên trọn vẹn hơn, thêm trang bị hơn vì những người kiến tạo có nhiều kinh nghiệm hơn.

Các gia đình đã học hỏi được những quyền mà họ phải tôn trọng: đời sống riêng tư dưới các lều, quyền chôn vùi màu đen của dĩ vãng trong tận đáy lòng; quyền nói và nghe; quyền từ chối hay chấp nhận sự giúp đỡ; quyền đề nghị giúp đỡ hay thoái thác; quyền của đứa con trai được tán tỉnh; và quyền của đứa con gái để cho người khác tán tỉnh; quyền dành miếng ăn cho kẻ bị đói; quyền của phụ nữ có thai nghén và những người ốm được giành cho sự ưu tiên, vượt lên trên tất cả các quyền khác. Và tuy không ai nói với họ, nhưng các gia đình vẫn học biết được những gì là quái gở nhất thiết phải bị thủ tiêu; quyền xâm nhập vào sự riêng tư thầm kín của kẻ khác; quyền làm ầm ĩ om sòm khi trại đang ngủ, quyền quyến rũ hay hãm hiếp, quyền ngoại tình, trộm cắp hay giết người. Các quyền đó bị trấn áp thẳng tay không thương xót, bởi vì không như thế thì cái thế giới nhỏ bé sẽ không thể tồn tại được, dù chỉ qua một đêm.

Và các thế giới càng chuyển động về phía Tây thì các qui tắc càng trở thành luật lệ, tuy không ai bảo cho các gia đình biết. Là phạm luật khi phóng uế gần trại, làm vấy bẩy nước ăn, là ăn nhiều thức ăn ngon lành bên cạnh kẻ đang đói, trừ phi người đói được mời chia sẻ.

Rồi cùng với các luật lệ, là những trừng phạt mà chỉ có hai sự trừng phạt – hoặc là ẩu đả chóng vánh và sát thương, hoặc trục xuất, mà trục xuất là điều nghiệt ngã nhất. Bởi vì bất cứ kẻ nào vi phạm luật lệ thì khi ra đi mang theo cả danh tính và cả gương mặt, y không còn chỗ đứng trong bất cứ thế giới nào được tạo lập ở bất cứ nơi nào.

Trong nội bộ các thế giới, các hành vi xã hội mang những hình thức cố định, cứng nhắc. Một người đàn ông phải chào trả người nào đã chào mình, y có thể mong kiếm được người đàn bà nào thuận theo y nếu y ở lại với bà ta, giúp bà ta nuôi dạy con cái bà, và che chở chúng. Nhưng một người đàn ông không được tối nay ngủ với người đàn bà này, tối mai ngủ với người đàn bà khác, bởi vì nếu thế thì các thế giới sẽ lâm nguy. Các gia đình càng xê dịch về miền Tây thì kỹ thuật kiến tạo các thế giới càng được cải tiến, người ta cảm thấy an toàn hơn trong giới hạn thế giới của mình; và các qui ước chặt chẽ đến mức mà mọi gia đình đều hành động trong luật lệ đều biết chắc là mình được an toàn trong sự che chở của các luật lệ đó.

Trong các thế giới đó, các chính phủ được hình thành, các chính phủ có đủ các lãnh tụ và niên trưởng. Một con người khôn ngoan nhận thấy rằng sự khôn ngoan của mình rất có ích trong các trại; một thằng ngu ngốc không thể đem cái ngu ngốc của y mà đổi chác trong thế giới của y. Và trong các đêm như vậy một thứ bảo hiểm được phát triển. Một người có ăn phải nuôi ăn một kẻ đói và do đó tự dành cho mình một sự bảo hiểm chống đói. Và khi một bé sơ sinh lìa đời thì một chồng những đồng bạc cao dần lên ở gấu tấm vải che lều bởi vì một bé sơ sinh chết phải được chôn cất chu đáo, bởi vì trong cuộc đời ngắn ngủi của bé, bé chưa được hưởng bất cứ một thứ gì khác. Có thể chôn qua quýt một người già trong một cánh đồng nào đó, nhưng với bé sơ sinh thì không được thế.

Với một thế giới đang được xây dựng, phải có một khung cảnh tự nhiên: nước, bờ sông, bờ kênh, dòng suối, hay đơn giản là một vòi nước không ai canh giữ. Và cũng cần có một bãi đất bằng đủ để dựng lều trại, vài khóm bụi rậm hoặc một lùm cây nhỏ để lấy củi đun nấu. Nếu có một hố rác ở gần đâu đấy thì càng hay, bởi vì có thể kiếm được các đồ dùng lặt vặt, rãnh bếp lò, mảnh sắt cong để che lửa khỏi gió, các can sắt dùng vừa để đun nấu vừa để làm bát ăn.

Và các thế giới được tạo lập vào buổi chiều. Những người từ đại lộ tới, tự họ xây dựng thế giới của họ, bằng lều vải, bằng trái tim, bằng khối óc của họ.

Mỗi buổi sáng, các lều được dỡ xuống, vải được gập lại, cọc bó lại vào buộc ở bậc xe, thường được chất lên xe đúng nơi, chén đĩa được xếp đúng chỗ. Các gia đình càng di chuyển về phía Tây thì việc xây dựng các nhà mỗi buổi chiều và dỡ đi mỗi buổi sáng, được thực hiện theo một kỹ thuật ngày càng chính xác hơn, đến nỗi vải lều có một chỗ trong một góc nhất định và các dụng cụ nhà bếp được tự động đếm lại trước khi xếp vào thùng. Và dần dà, mỗi người trong gia đình quen với chỗ dành cho mình và làm những công việc nhất định; từ đó, mỗi người, trẻ hay già đều tìm thấy lại chỗ của mình trong xe; vào những buổi tối nóng nực, mệt lả, lúc xe dừng lại chỗ cắm trại, ai nấy đều đi làm nhiệm vụ của mình, không đợi ai phải chỉ dẫn. Trẻ em đi kiếm củi và xách nước, đàn ông dựng lều và đưa giường trên xe xuống, đàn bà chuẩn bị bữa tối và trông chừng trong khi cả gia đình đang ăn. Ai làm việc nấy và không có ai chỉ huy. Xưa kia, các gia đình là những cộng đồng mà biên giới về đêm là ngôi nhà, ban ngày là đồng ruộng, bây giờ các biên giới đã thay đổi. Trong những ngày dài, dưới ánh nắng nóng bức, ai nấy đều câm lặng ở trên các xe đang từ từ chuyển về miền Tây, nhưng tối đến, họ sáp nhập vào các nhóm thứ nhất mà họ gặp. Chính như vậy mà họ thay đổi cách sống về mặt xã hội, một sự thay đổi mà trên toàn vũ trụ này chỉ con người là có khả năng làm được. Xưa là tá điền nay họ là những người di tản. Các ý tưởng của họ, các dự án của họ, các buổi im lặng trầm tư mà xưa kia nhằm vào ruộng đồng, thì bây giờ nhằm vào con đường cái lớn, vào khoảng cách phải vượt qua, vào miền Tây. Trí óc của con người nào xưa kia bị giam hãm trong phạm vi các sào các mẫu, nay lại sống với hàng ngàn dặm đất, trên một dải xi măng chật hẹp. Và những ý nghĩ của y, những nỗi lo âu của y không còn hướng về các trận mưa rơi, gió thổi, bụi bặm hay sự phát triển của mùa màng. Đôi mắt trông chừng các bánh xe, đôi tai nghe ngóng tiếng lách cách của động cơ, các bộ óc vật lộn với dầu, với xăng, sự bào mỏng của cao su giữa đệm không khí và mặt đường. Một đồ phụ tùng bị gãy vỡ là cả một thảm kịch. Một khao khát duy nhất ám ảnh y: nước vào buổi tối và thức ăn trên bếp lửa. Bởi vì sức khoẻ, chỉ sức khỏe là quan trọng, sức khỏe để đi tới, sức mạnh để đi tới, và nghị lực để đi tới. Tất cả ý chí xô đẩy họ lên phía trước, ném họ về miền Tây và những nỗi lo sợ, xưa kia tập trung vào hạn hán hay lụt lội, bây giờ nấn ná lại trên tất cả những gì có cơ chặn đứng cuộc hành trình chậm rề rề của họ về miền Tây.

Các nơi cắm trại trở nên cố định, mỗi nơi cắm trại cách nơi tiếp theo sau chỉ một ngày đường ngắn ngủi. Đường trường rong ruổi, sự kinh hoàng khiếp đảm xâm chiếm một số gia đình, cho nên họ chạy suốt ngày thâu đêm, dừng lại để ngủ ngay trên xe tới sáng tinh mơ lại ra đi về miền Tây, trốn đường cái, trốn mọi chuyển động. Và những gia đình này vì quá khát khao có được nơi ăn chốn ở nên họ cứ hướng mặt về miền Tây, lao mạnh về miền Tây, thúc bách các động cơ kêu lích kích ngốn nhanh ngốn gấp những cung đường.

Nhưng phần lớn các gia đình đã thay đổi và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Và khi mặt trời đã xuống thấp thì… Đã đến lúc phải kiếm một nơi nào đó để dừng lại.

Kia – phía trước đã có mấy lều.

Chiếc xe hơi ra khỏi mặt đường và dừng lại; bởi lẽ một số gia đình đã đến trước rồi, nên cần phải có những lời thăm hỏi lịch sự. Và thế là người đàn ông, thủ lĩnh của nhóm gia đình, thò đầu qua cửa xe và hỏi:

– Chúng tôi có thể dừng xe để ngủ đêm ở đây được không?

– Ồ, tất nhiên rồi, lấy làm hân hạnh được có các ông. Ông ở bang nào đến?

– Đi miết trong Arkansas tới đây.

– Có những người Arkansas kia kìa, trong lều thứ tư.

– Thế ư?

Và câu hỏi đầu tiên:

– Nước thế nào?

– Được không ngọt lắm, nhưng có tha hồ.

– Xin cám ơn.

– Có gì đâu.

Nhưng những cung cách lịch sự xã giao là cần thiết. Chiếc xe hơi ì à ì ạch tới chiếc lều cuối cùng, và dừng lại. Thế rồi các người ngồi trên xe đã mệt nhoài lần lượt bước xuống co duỗi chân tay, vặn vẹo mình mẩy để hết tê cứng. Rồi chiếc lều mới được dựng lên; bọn trẻ con di xách nước, bọn lớn tuổi hơn đi kiếm củi hoặc những cành cây khô. Bếp được nhóm lên và thức ăn được hầm hay rán cho buổi ăn. Những người đến trước bước lại gần. Người ta làm quen với nhau, trao đổi những tên các tiểu bang và người ta phát hiện ra những chỗ bạn bè chung và cả họ hàng xa nữa.

– Oklahoma hả? Quận nào?

– Cherokee.

– Không nhẽ lại thế! Tôi có họ hàng ở đây. Ông có quen biết gia đình Allen không?

– Khắp quận Cherokee có nhiều họ Allen. Ông có biết họ Willises?

– Ờ dĩ nhiên.

Chính vì thế mà một đơn vị mới hình thành. Hoàng hôn xuống, nhưng trời chưa tối hẳn thì gia đình mới đã là thành phần của trại. Các gia đình khác đã nói cho nhau biết tin này. Đây là chỗ quen biết, chỗ tử tế cả.

– Tôi quen biết họ Allen từ bao giờ. Simon Allen, ông già Simon ấy mà, có chuyện lôi thôi với người vợ trước. Họ hàng bà ta một nửa ở Cherokee. Mà đẹp, đẹp như… như sao sa 1.

– Đúng thế đấy. Còn Simon con, hắn đã lấy một cô Rudolf phải không?

– Tôi nghĩ chắc là thế. Họ đến sinh cơ lập nghiệp ở Enid và lèo lái khá lắm… đúng vậy. Đứa duy nhất trong họ Allen từng ăn nên làm ra. Hắn có xưởng chữa xe hơi.

Sau khi đã mang nước và củi về, bọn trẻ con cẩn thận, rụt rè lại gần các lều vải. Và chúng phải dùng đến các điệu bộ rối rắm để làm quen với nhau. Một thằng con trai dừng lại trước một đứa khác dán mắt nhìn một hòn sỏi, nhặt nó lên, xem đi xem lại kỹ, nhỏ nước bọt lên, kỳ cọ cho sạch bóng rồi lại tiếp tục xem xét cho tới khi nó buộc tên kia phải hỏi:

– Mày có cái gì đó?

Và với một vẻ hờ hững, thằng nhóc trả lời:

– Có gì đâu. Hòn đá cuội thôi mà.

– Ờ, nhưng là hòn cuội thì sao mày nhìn nó kỹ thế?

– Tao tưởng trong đó có vàng.

– Mày biết có vàng là làm sao? Là vàng thì không có sắc vàng; trong hòn sỏi, phải có sắc đen kia.

– Hẳn rồi. Ai chả biết thế.

– Vàng… vàng đá cuội ấy! Thế mà cứ cãi là vàng.

– Không đúng. Cha tao ấy mà, đã thấy vàng có ối. Ông nói cho tao biết cách nhận ra vàng.

– Mày muốn nhặt được một đống tiền vàng thật to hả?

– Ồ, mà này! Mày biết không, tao sẽ có một chiếc kẹo nuga to tổ bố… to chưa từng thấy. Người ta không để cho tao chửi thề. Nhưng tao cứ…

– Tao cũng vậy. Thôi ra suối múc nước đi!

Còn các cô gái thì tìm đến với nhau rụt rè khoe những thành công của mình, những hy vọng của mình. Các bà thì lăng xăng quanh bếp lửa, vội vã phân phát thức ăn cho những cái dạ dày lép kẹp.

Nếu có tiền thì là thịt, thịt với khoai tây, với hành. Những chiếc bánh tráng nấu theo lối cũ hoặc bánh ngô, nhúng ngập trong nước thịt. Sườn chặt nhỏ với một bi đông trà đen chát nấu xôi. Nếu tiền trở nên khan hiếm thì là bột rán rưới nước mỡ; bột rán dòn tan, chan với nước mỡ.

Các gia đình nào rất giàu hoặc hoang phí thường ăn đậu hộp, bánh và bánh ngọt mua ở tiệm, nhưng họ ăn kín đáo trong lều, chả là ăn những thức ăn ngon lành như vậy trước mắt mọi người là điều bất tiện. Dù họ đã ý tứ đến thế, nhưng ở bên ngoài, bọn trẻ con đang phải ăn bánh bột rán cũng ngửi thấy mùi đậu đun nóng, và chúng bèn thấy buồn rượi.

Sau bữa ăn, khi bát đĩa đã được rửa và lau chùi, cánh đàn ông ngồi xổm và chuyện trò trong bóng tối. Họ nói về ruộng đất mà họ đã rời bỏ.

– Tôi không biết tình hình này rồi sẽ đến đâu? Đất nước này đã bị cướp phá.

– Ô! Rồi nó sẽ trở lại bình thường thôi. Có điều lúc đó thì chúng ta đã không còn nữa.

– Dễ chừng, – họ nói – dễ chừng chúng ta đã phạm tội lỗi gì đó mà không biết chăng?

– Có một gã đã nói với tôi, một gã trong chính phủ, hắn nói thế này: “Các ông đã cho ruộng đất bị nước xói thành rãnh”. Một gã trong chính phủ hẳn hoi nhé! Hắn nói “Nếu các ông cày ngang bờ quanh nó sẽ không bị rãnh”. Chả bao giờ có dịp thử làm xem. Nhưng máy cày mới của họ, nó chả cần phải vất vả đến thế. Nó không cày xới vòng quanh, nó cứ việc vạch thẳng, mọi luống cày dài những bốn dặm. Nó có vòng quanh vòng kiếc gì đâu, mà có vòng quanh thì chắc là quanh Chúa Jesus…

Và họ khe khẽ nói đến việc nhà việc cửa:

– Tôi có một lò bánh mì dưới cối xay. Ở đó, tôi để sữa làm kem, với những quả dưa hấu. Buổi trưa, tôi ào vào đấy. Ngoài trời thì nóng như thiêu như đốt, trong đó thì mát đến ớn người. Bác xem, tôi cầm dao bổ một quả dưa, cắn vào lạnh buốt cả răng. Nước từ bể chứa chảy ra…

Họ nói cho nhau nghe những thảm cảnh của họ:

– Tôi có một chú em, chú Charley tóc vàng hoe như râu ngô. Đã là người nhớn hẳn hoi ấy nhé. Chơi phong cầm thì nhất, không ai bằng. Một hôm, hắn đang bừa, hắn chạy lên trước để gỡ cái dây bị vướng. Thình lình, một con rắn chuông chợt ở đâu xuất hiện, kêu o o. Mấy con ngựa hoảng sợ lồng lên chạy, bừa trượt qua người Charley; răng bừa nhọn hoắt đâm thủng bụng, ruột gan tứa ra lòng thòng. Mặt bị cào nát. Lạy Chúa!

Họ nói đến chuyện tương lai:

– Tôi tự nhủ không biết ở nơi ấy, sẽ ra sao?

– Ấy, nhìn trên tranh ảnh thì dẫu sao cũng đẹp đấy. Tôi đã trông thấy một tranh có vẽ trời nóng ấm, lại có đào, có cây dâu và đứng ở phía sau, gần sát sạt như lông đít lừa, có một ngọn núi to phủ đầy tuyết. Kể ra nom cũng thấy đẹp.

– Nếu tìm được công ăn việc làm, mọi sự sẽ trôi chảy… Mùa đông, không bị lạnh. Bọn trẻ nhỏ đi học, không bị rét cóng. Tôi sẽ trông nom sao cho bọn nhỏ nhà tôi không còn trốn học nữa. Tôi biết đọc hẳn hoi, nhưng như thế vẫn không thích bằng những kẻ có học vấn.

Rồi không biết từ đâu có một người đàn ông tay cầm ghi-ta trong lều chui ra đứng trước cửa lều. Anh ngồi xuống một cái hòm và bắt đầu gảy đàn; cả trại bị tiếng nhạc thu hút, dần dần tập hợp lại quanh y. Có nhiều người cũng biết chơi võ vẽ nhưng có lẽ tay này chẳng phải loại chỉ biết búng phập phồng… Thật mấy khi… Tiếng giây trầm bùm bùm đệm nhịp. Rồi âm điệu du dương lướt trên các giây nghe như tiếng bước chân nhỏ nhẹ… Những ngón tay nặng nề dạo trên phím đàn. Người đàn ông vẫn chơi, mọi người dần dần lại gần cho tới khi thành một vòng tròn khép kín. Anh liền cất tiếng hát bài Bông mười xu và thịt năm xu. Vòng người ầm ừ hòa theo. Anh lại hát nữa: “Em ơi, sao em để tóc ngắn?”. Vòng người cùng hát với anh. Rồi đến bài bi ca: “Vĩnh biệt quê hương Texas của ta” một bài ca kỳ ảo có từ trước khi người Tây Ban Nha khác chăng là vào hồi đó, lời ca bằng tiếng người da đen.

Và bây giờ, cử tọa đã đúc kết thành một khối duy nhất, một tâm hồn duy nhất: những đôi mắt hướng vào trong tâm tư, vào ý nghĩ chới với trôi về thời quá khứ xa xăm, và nỗi u hoài man mác giống như sự nghỉ ngơi, như giấc ngủ. Anh hát bài “Nỗi buồn chán Mac Alester”. Sau đó, như để chuộc lỗi với các bậc già cả anh hát “Jêsus gọi tôi đến bên người”. Bọn trẻ con say sưa tiếng nhạc, trở vào lều để ngủ, trong khi những tiếng hát vẫn bay theo đến thấm hòa vào giấc mơ của chúng.

Một lát sau, người chơi đàn đứng lên, ngáp dài và nói:

– Chúc mọi người ngon giấc.

Họ bèn đáp lại trong tiếng thì thầm:

– Chúc anh ngủ ngon.

Và ai nấy đều hối tiếc không biết chơi ghita, vì đó là một điều dễ chịu. Rồi họ đi nằm, cảnh im lặng bao trùm khắp cả trại.

Những con cú mèo chấp chới bay trên đầu, chó sói đồng sủa ở phía xa xa vì lũ chồn hôi lảng vảng tận trong trại tìm các vụn thức ăn rơi vãi; chúng cứ lạch bạch ngạo mạn, chẳng thèm sợ bất cứ gì.

Đêm trôi qua, ánh bình minh vừa rạng thì các phụ nữ đã ra khỏi lều, chuẩn bị củi lửa đun nước pha cà phê. Rồi đến lượt đàn ông, họ ra ngoài khe khẽ nói chuyện với nhau trong bóng tranh tối tranh sáng của ánh bình minh.

– Khi đã vượt qua bang Côlôrađô rồi, thì hình như sẽ gặp sa mạc. Coi chừng sa mạc. Gắng đừng để bị nhỡ. Trữ nước cho nhiều vào, đề phòng trường hợp bị nhỡ.

– Tôi sẽ chạy đêm cho qua sa mạc.

– Tôi cũng vậy, ai lại muốn chết thui ở đấy, mẹ kiếp!

Các gia đình ăn nhanh, chén đĩa được nhúng nước và lau chùi. Lều được tháo gỡ. Cơn sốt khởi hành xâm chiếm hết thảy mọi người. Lúc mặt trời lên, chỗ cắm trại đã trống trơn chỉ còn lại chút rác rưởi vương vãi ngổn ngang. Và nơi cắm trại lại đã sẵn sàng đón một cộng đồng mới vào đêm sắp tới.

Nhưng dọc con đường cái, đoàn xe di tản chậm chậm ì ạch như những con bọ vừng, và dải xi măng nhỏ khổ dàn trải phía trước đến chỗ xa tít tắp.

Chú thích

1. Như con ngựa cái đen tuyền.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.