Có lúc cần phải õng ẹo
Một nhân vật trong kịch Anh thợ cạo tỉnh Séville bảo :”Ông khinh sự vu oan là ông không hiểu gì về nó”. Tôi thường muốn bảo một người đàn bà quá ngây thơ, thực thà về ái tình :”Thưa bà, bà khinh sự õng ẹolà bà không hiểu gì về nó”. Sự õng ẹo vẫn còn là một khí giới có sức mạnh lạ lùng và đáng sợ. Nó là cái trò hiến dâng rồi lại từ chối, làm bộ cho rồi lại lấy lại, mà Marivaux đã khéo nhận xét. Hậu quả của cái trò đó thật không ngờ.
Ngẫm cho cùng thì trò đó cũng tự nhiên. Nếu không có sự õng ẹo đầu tiên nó làm nãy chút hi vọng đầu tiên thì ái tình không nổi dậy ở trong lòng đa số đàn ông :”Yêu là xao động về cái ý “có thể được”, và cái “có thể được” đó thành một nhu cầu, một thèm khát không chịu nổi, một ám ảnh”. Khi ta ngờ rằng tuyệt nhiên không thể làm cho người đàn ông (hay người đàn bà) nào đó yêu mình được thì ta không nghĩ tới cái đó nữa. Cũng như cô không hề đau khổ vì không được làm nữ hoàng Anh. Người đàn ông nào cũng thấy Grela Garbo và Michèle Morgan là đẹp lạ, người nào cũng ngưỡng mộ họ, nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình đau khổ vì họ. Đối với cả đám người ngưỡng mộ họ, họ chỉ là những hình ảnh trên màn bạc, chứ không phải là những người có thể chiếm được trái tim.
Nhưng từ cái lúc một khoé mắt, một nụ cười, một lời nói, một cử chỉ có cái vẻ như hứa hẹn thì bất giác trí óc ta tưởng tượng tiếp thêm vào. Người đàn bà đã cho ta một lí do dù rất nhỏ để hi vọng ư ? Thế là ta bắt đầu ngờ ngợ ; ta tự hỏi :”Nàng để ý tới mình thực ư? Nàng yêu mình ư? Không tin được. Nhưng, những gợi tình đó…” Tóm lại, như Stendhal đã nói, chúng ta “kết tinh” vào người đàn bà đó, nghĩa là dùng hình ảnh họ mà tô điểm những mơ mộng của ta như các tinh thể của muối trong mó muối Salzburg làm cho vật gì đặt lên nó cũng sáng ngời lên.
Lần lần ý muốn thành một ám ảnh, không lúc nào rời ta. Một người đàn bà õng ẹo muốn kéo dài sự ám ảnh đó, làm cho một người đàn ông “say mê điên cuồng” thì chỉ cần dùng cái thuật cũ như nhân loại : trốn sau khi làm cho đàn ông hiểu rằng mình thích được đuổi theo ; từ chối nhưng lại hé mở cửa hi vọng : ” Ngày mai có lẽ tôi sẽ thuộc về anh”. Dùng cái thuật đó thì bọn đàn ông tội nghiệp sẽ đuổi theo cho đến sơn cùng hải tận.
Trò đó đáng trách nếu cô ả dùng nó để làm mê loạn một đám đàn ông đeo đuổi mình, như vậy thề nào cô ta cũng hoá ra bạc tinh và làm cho đàn ông thất vọng, trừ phi cô ta khôn khéo vô cùng và biết cách từ chối mà không làm thương tổn lòng tự ái của đàn ông. Nhưng cô ả nào õng ẹo dễ thương nhất thì rốt cuộc cũng làm cho mọi người kiên nhẫn phải chán. Cô ta, sẽ như nàng Celimère trong hài kịch của Moliere, không bắt được con thỏ nào cả vì ham đuổi nhiều thỏ quá.
Trong những ràng buộc cực êm đềm đó, cô đã không :
Thấy ở tôi có đủ mọi thứ như tôi thấy ở cô.
Thì thôi, tôi xin từ cô ; và cái nhục lớn đó
Sẽ giải thoát cho tôi khỏi cái gông cùm hiểm ác của cô.
Trái lại, sự õng ẹo có thể vô tội mà còn cần thiết nữa để giữ một người mà mình yêu. Trong trường hợp này người đàn bà thực tình không muốn õng ẹo. “Phép màu lớn nhất của ái tình là chữa được cái tật õng ẹo”. Một người đàn bà thật yêu ai thì thích hiến thân không chút dè dặt, ỡm ờ gì cả, hiến thân một cách quảng đại cao thượng. Nhưng có thể ràng người đó buộc phải làm cho người yêu hơi đau khổ một chút vìcó những người đàn ông không thể sống mà không đau khổ, và có làm cho họ nghi ngờ thì mới giữ được họ.
Trong trường hợp đó một người đàn bà chung tình rất trong sạch phải làm bộ õng ẹo để giữ một trái tim cũng như một nữ y tá đôi khi phải thẳng tay để cứu một cơ thể. Mũi chích đau thật đấy nhưng co ích. Ghen tuông thì khổ đấy nhưng có vậy mới gắn bó. Nếu vạn nhất mà cô bạn không quen biết tự ra mặt thì tôixin đừng có õng ẹo đấy nhé. Tôi sẽ cắn câu như mọi người đàn ông khác thôi.