Tên gốc:
Eat Pray Love
Con đường kiếm tìm tự do và hạnh phúc của Liz trải dài qua 3 lãnh thổ văn hóa độc đáo, mà cô đặt tên cho từng chặng: Ăn (Italy), Cầu nguyện (Ấn Độ) và Yêu (đảo Bali, Indonesia). Bằng giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, quan sát tỉ mỉ và chớp lấy sự việc một cách láu lỉnh, ranh mãnh cộng với khả năng tự phơi bày những cảm xúc, suy tưởng và khát vọng, ẩn ức… cụ thể nhất của bản thân, Elizabeth đã cuốn hút chúng ta vào hành động chủ động chứng nghiệm những nét văn hóa độc đáo, đồng thời với sự trưởng thành về tâm lý và tâm hồn đáng mơ ước từ chính những biểu hiện văn hóa đặc thù ấy. Ở Italy là sự buông thả các giác quan và cảm nhận trong những biểu hiện đời sống bình dị: các món ăn ngon lành, khác lạ, phong vị thụ hưởng – “cái đẹp của không làm gì cả”, ý nghĩa tốt lành của chính bản thân tồn tại hay cảm giác ngọt ngào từ tiếng Italy, thứ tiếng của Danté… Thoải mái với những cảm giác của chính mình, và hơn nữa, tự cho phép đi đến giới hạn mãnh liệt của những cảm giác, niềm vui thích… là cách để Liz chủ động bằng dụng ý, chiến thắng nỗi cô đơn và bệnh trầm cảm vẫn bám riết. Đó cũng là cách để cô thoát khỏi lối đong đếm đời sống bằng quy phạm đầy tính thực dụng, như tiền bạc hay gia đình hạnh phúc… mà hầu hết mọi người tự giam mình vào.
Cảm giác về bản thân là bước đầu tiên để sau đó Liz bước vào hành trình tâm linh, trong Ashram của các sư phụ mà cô hằng ngưỡng mộ tại Ấn Độ. Bạn đọc có thể cảm thấy vô cùng lý thú với từng bước thực hành để quên đi cái bản ngã nhỏ hẹp, bước vào trạng thái tĩnh tại thuần khiết của tâm linh, nơi đó Liz tha thứ và được tha thứ cho tất cả những phiền toái mà con người vô tình gây ra cho nhau trong đời sống hữu hạn, bao gồm cả bi kịch vừa xảy ra của riêng cô. Ở Bali, Liz tìm lại một sống tràn đầy yêu thương từ những người bạn cũ và mới, với người tình mãn nguyện và sự tương ái sẻ chia tuyệt đẹp giữa con người mà không bị tổn thương bởi sự quá đà của chính những người mình yêu quý.
Vấn đề của Liz, cũng như nhiều phụ nữ trong xã hội hiện đại khác, không phải tham vọng hay sex, mà chính là khả năng yêu thương một cách tự do, khả năng tìm đến đời sống tinh thần rộng mở và bền lâu, khi con người cá nhân vượt lên những ràng buộc chật hẹp của đời sống vị kỷ để đạt tới niềm hạnh phúc toàn mãn, có thể đẩy lùi tính chất mong manh, vô thường, bất ổn của đa số các mối quan hệ trong đời sống hậu công nghiệp.
Nói sự thật. Chỉ nói sự thật. Elizabeth Gilbert đã tuyên ngôn vậy, khi cô kể lại câu chuyện cuộc đời mình trong Ăn, cầu nguyện, yêu. Những đau khổ rất nhân bản nhưng vẫn quá ngỡ ngàng đã xuất hiện giữa tuổi ba mưoi đầy xáo động của cô. Vượt qua tuyệt vọng, Liz tự mình thực hiện một hành trình dũng cảm để tìm kiếm thanh thản. Chính vì sự thật mà chuyện kể của một con người đã đủ sức mở lối cho hàng triệu người khác nhau trên khắp thế giới tìm được con đường thoát khỏi trầm cảm, thấy lại niềm vui và sự cân bằng, đồng thời sẵn sàng yêu nhau lần nữa.
– “Ăn, Cầu nguyện, yêu, thật đáng yêu… Tôi thấm thía cả nỗi khao khát trải lòng trên từng trang giấy lẫn ước vọng chữa lành vết thương của tác giả” –
Meg Ryan
– “Một suy ngẫm về yêu dưói muôn dạng thức – yêu món ăn tinh tế, yêu ngôn ngữ mới mẻ, yêu con người, yêu thượng đế, và cả thứ
tình yêu
đã thực sự cứu rỗi Gilbert, yêu chính bản thân mình” –
Los Angeles Times
– “Một giọng văn ríu rít mà bí ẩn, một tấm thảm thêu văn hoá cùng cảm xúc, một trạng thái say mê lẫn nồng nhiệt, một câu chuyện hấp dẫn kết nối tới cả lịch sử và giai thoại” –
Publishers Weekly
.
Bình luận