Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 21



Phải thú nhận là có đôi khi tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây.

Mặc dù đến Ý để nếm mùi thú vị, trong vài tuần đầu ở đây, tôi cảm thấy một chút kinh hoảng không biết nên làm sao. Thành thật mà nói, thú vui thuần túy không phải là mô hình văn hóa của tôi. Tôi xuất thân từ một dòng họ lâu đời của những người quá cần mẫn. Gia đình mẹ tôi là những nông dân Thụy Điển nhập cư, trong hình chụp họ có vẻ như, nếu như lúc nào đấy trông thấy cái gì vui thú, họ có thể lấy đôi ủng đinh đầu to của mình mà giậm lên nó. (Cậu tôi gọi tất cả bọn họ là “những con bò”.) Gia đình bên bố tôi lại là những người theo Thanh giáo Anh, những người vĩ đại chỉ yêu thích những thú vui ngờ nghệch. Nếu tôi xem cây phả hệ của bố một mạch trở về từ thế kỷ mười bảy, tôi có thể thực sự thấy những họ hàng Thanh giáo với những cái tên như Cần Cù và Nhu Mì.

Bố mẹ tôi có một nông trại nhỏ, còn chị tôi và tôi lớn lên đi làm. Chúng tôi được dạy dỗ để làm người đáng tin cậy, trách nhiệm, đứng đầu ở lớp, những cô trông trẻ có tổ chức và hiệu quả nhất trong thị trấn, đúng là những hình mẫu thu nhỏ của một người mẹ nông dân/ y tá làm việc cật lực, một cặp dao nhíp quân dụng Thụy Sĩ con sinh ra có thể làm đủ mọi việc. Trong gia đình chúng tôi có rất nhiều niềm vui, rất nhiều tiếng cười, nhưng các bức tường thì dán đầy các danh sách việc phải làm và tôi chưa bao giờ trải qua hay chứng kiến sự biếng nhác, chưa một lần trong cả đời mình.

Tuy nhiên, nói chung, người Mỹ không có khả năng thả lòng mình trong thú vui thuần túy. Người Mỹ chúng tôi là một dân tộc mưu cầu giải trí, nhưng không hẳn là một dân tộc tìm kiếm thú vui. Người Mỹ chi bạc tỉ để mua vui bằng tất cả từ sách báo khiêu dâm đến công viên giải trí đến chiến tranh, nhưng điều đó không đúng hoàn toàn là thưởng thức sự yên tĩnh. Người Mỹ ngày càng làm nhiều giờ cật lực hơn, dài hơn và căng thẳng hơn bât kỳ ai trên thế giới ngày nay. Nhưng như Luca Spaghetti chỉ ra, dường như chúng tôi thích vậy. Các thống kê báo động đã khẳng định nhận xét này khi chỉ ra rằng nhiều người Mỹ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện trong văn phòng hơn là ở nhà mình. Tất nhiên, không thể tránh khỏi là tất cả chúng tôi làm việc quá cật lực, rồi chúng tôi hết hơi và phải nướng cả ngày nghỉ cuối tuần trong áo ngủ, ăn hạt ngũ cốc ngay trong hộp và ngây người nhìn cái ti vi (chuyện này thì trái ngược với làm việc, đúng, nhưng không chính xác là vui thú.) Người Mỹ không thật sự biết làm sao để không làm gì cả. Đây là nguyên nhân của cái mâu thuẫn rập khuôn Mỹ buồn thảm hết sức đó – người quản lý cao cấp quá căng thẳng được nghỉ phép nhưng không thể thư giãn.

Một lần tôi hỏi Luca Spaghetti người Ý đi nghỉ có gặp cùng vấn đề đó không. Anh cười dữ đến nỗi gần như đâm xe vào một đài phun nước.

“Ồ, không!” anh nói. “Chúng tôi là những bậc thầy của bel far niente.”

Đây là một thành ngữ ngọt ngào. Bel far niente là “cái đẹp của không làm gì cả”. Giờ thì nghe này – người Ý luôn có truyền thống là những người làm việc cật lực, nhất là những người lao động nhẫn nại mà người ta gọi là braccinati (gọi vậy vì họ chẳng có gì ngoài sức mạnh vũ phu của đôi tay mình – braccie – giúp họ sống còn trong thế giới này.) Nhưng ngay cả trên cái nền làm việc cật lực đó, bel far niente vẫn luôn là một lý tưởng được người Ý yêu chuộng. Cái đẹp của không làm gì cả là mục đích của tất cả công việc của ta, là thành tựu cuối cùng mà nhờ nó ta được chúc tụng nhiều nhất. Ta càng có thể không làm gì cả một cách trang nhã và vui tươi hơn, thành tựu cuộc đời ta càng cao hơn. Ta cũng không nhất thiết phải giàu có mới trải nghiệm được điều này. Có một thành ngữ Ý tuyệt vời khác nữa: l’arte d’arrangiarsi – nghệ thuật biến không thành có. Nghệ thuật biến một vài thành phần đơn giản thành một bữa tiệc, hay một vài bạn bè nhóm họp thành một lễ hội. Bất kỳ ai có khiếu tạo hạnh phúc cũng có thể làm điều ấy, không chỉ người giàu.

Dù sao, ý thức Thanh giáo về tội lỗi đã ăn sâu trong tôi là một cản trở lớn trong quá trình tìm kiếm thú vui của chính tôi. Tôi có thật sự xứng đáng được hưởng thú vui không? Điều này cũng rất Mỹ – lo lắng không biết hạnh phúc đó có phải do chính mình kiếm được hay không. Hành tinh Quảng cáo ở Mỹ hoàn toàn quay quanh nhu cầu thuyết phục người tiêu thụ còn đang đắn đo rằng đúng, anh chị đã thực sự được bảo đảm một đối xử đặc biệt. Lon Bud 1 này là cho anh đây! Anh xứng đáng nghỉ ngơi hôm nay! Vì anh đáng được thế! Anh đã đi được một chặng đường dài rồi, cưng à! Và người tiêu dùng băn khoăn này liền nghĩ. Được! Cám ơn! Tôi sẽ mua một két sáu lon, mẹ kiếp! Thậm chí có thể là hai! Và rồi đến cuộc chè chén như thường lệ. Tiếp theo là ăn năn. Mấy chiến dịch quảng cáo đó có lẽ sẽ không hiệu quả như vậy trong nền văn hóa Ý, nơi người ta đã biết rằng mình được quyền hưởng thụ trong cuộc đời này. Câu trả lời ở Ý cho “Anh xứng đáng được nghỉ ngơi hôm nay” sẽ là: Ừ, rõ rồi. Vậy nên tôi đang định giải lao vào buổi trưa, qua nhà ông và ngủ với vợ ông.

Có lẽ vì vậy mà, khi tôi nói với bạn bè Ý của mình là tôi đến xứ họ để trải nghiệm bốn tháng hoan lạc thuần túy, họ chẳng có vấn đề gì với chuyện đó. Complimenti! Vai avanti! Chúc mừng, họ sẽ nói. Tiến lên. Hạ đo ván mình đi. Xin mời. Chưa từng có ai dó nói, “Cô thật hoàn toàn vô trách nhiệm.” hay, “Thật là một sự buông thả xa xỉ.” Nhưng khi mà người Ý đã cho tôi toàn quyền vui hưởng, tôi vẫn không thể cho chuyện đó qua đi. Trong những tuần đầu ở Ý, tất cả các khớp thần kinh Tin lành của tôi rít lên vì buồn rầu, tìm kiếm một việc để làm. Tôi muốn đón nhận vui thú như lãnh bài tập về nhà, hay một công trình triển lãm khoa học đồ sộ. Tôi băn khoăn với những câu hỏi kiểu, “Cách nào tăng tối đa thú vui hiệu quả nhất?” Tôi phân vân không biết mình có nên dành cả thời gian ở Ý trong thư viện nghiên cứu về lịch sử thú vui không. Hay có lẽ mình nên phỏng vấn những người Ý đã trải nghiệm rất nhiều thú vui trong đời họ, hỏi họ xem thú vui của họ đem lại cảm giác ra sao, và rồi viết một bài về đề tài này. (Cách hai dấu cách giữa các chữ, chừa lề ba phân chăng? Để nộp đầu tiên vào sáng thứ Hai?)

Khi tôi nhận ra câu hỏi duy nhất trong tầm tay là, “Mình định nghĩa lạc thú như thế nào?” và rằng mình đang thật sự ở trong một xứ sở nơi mọi người cho phép mình khám phá câu hỏi đó một cách tự do, tất cả đều đã thay đổi. Tất cả đều trở nên… ngon lành. Tất cả những gì tôi phải làm là tự hỏi mình mỗi ngày, lần đầu tiên trong đời, “Hôm nay mi muốn thưởng thức cái gì hả, Liz? Cái gì có thể đem lại niềm vui cho mi ngay lúc này?” Vì không có chương trình của ai khác để cân nhắc và không có những nghĩa vụ nào khác để lo nghĩ, câu hỏi này cuối cùng trở nên cô đọng và rõ ràng hẳn.

Tôi thú vị khám phá ra điều mình không muốn làm ở Ý một khi đã cấp cho mình giấy phép thưởng thức trải nghiệm ở đây. Ở Ý có rất nhiều biểu hiện vui thú, và tôi không có thời gian để thử tất cả. Ở đây ta gần như phải khai một môn vui thú chính, nếu không sẽ bị ngập lụt. Nếu vậy, tôi không bước vào thời trang, hay điện ảnh, hay xe hơi đắt tiền, hay trượt tuyết núi Alps. Tôi thậm chí không muốn thưởng lãm nền nghệ thuật phong phú đó nữa. Tôi có phần xấu hổ phải thú nhận chuyện này, nhưng trong suốt bốn tháng ở Ý tôi đã không tham quan lấy một viện bảo tàng. (Ôi, bạn ơi, thậm chí còn tệ hơn nữa. Tôi phải tự thú là có đến một viện bảo tàng: Bảo tàng Mì ống Quốc gia ở Roma). Tôi nhận ra rằng tất cả những gì mình thật sự muốn là ăn những món ăn đẹp mắt và nói càng nhiều tiếng Ý đẹp đẽ càng tốt. Chỉ có thế. Vậy là thực ra tôi đã khai một môn đúp chính – nói và ăn (tập trung vào gelato).

Mức độ vui thú mà ăn và nói đem lại cho tôi là không thể ước lượng nổi, nhưng lại rất đơn giản. Một lần giữa tháng Mười tôi đã trải qua một vài giờ có thể dường như chẳng có gì ghê gớm đối với người quan sát ngoại cuộc, nhưng là điều tôi sẽ luôn tính vào những giờ phút hạnh phúc nhất đời tôi. Tôi tìm thấy một cái chợ gần căn hộ tôi ở, chỉ cách vài con phố mà không hiểu sao trước đó tôi đã không nhận thấy. Thế rồi tôi tiến lại một quầy hàng rau quả nhỏ có một phụ nữ Ý và cậu con trai đang bán đủ loại nông sản chất lượng của họ – những lá rau bina ngon lành xanh như tảo, cà chua mọng và đỏ thẫm đến nỗi trông như nội tạng của con bò, và nho màu rượu sâm banh với lớp vỏ săn chắc như quần áo nịt của mấy cô người mẫu.

Tôi chọn một búi măng tây mỏng, sáng màu. Tôi đã có thể hỏi người phụ nữ Ý, bằng tiếng Ý trôi chảy, tôi có thể mua chỉ một nửa số măng tây này thôi được không. Tôi chỉ có một mình, tôi phân trần với bà – tôi không cần nhiều. Bà nhanh nhẹn lấy chỗ măng tây trong tay và chia làm đôi. Tôi hỏi bà tôi có thể tìm thấy chợ này mỗi ngày cũng ở nơi này không, và bà nói, có, bà ở đây mỗi ngày, từ bảy giờ sáng. Rồi cậu con trai bà, rất kháu khỉnh, nhìn tôi ranh mãnh và nói, “Phải, bà ấy sẽ cố ở đây lúc bảy giờ…” Cả ba chúng tôi cùng cười. Toàn bộ cuộc chuyện trò này diễn ra rằng tiếng Ý – một ngôn ngữ mà chỉ vài tháng trước thôi tôi không thể nói được một từ.

Tôi thả bộ về căn hộ của mình và luộc sơ hai quả trứng nâu mới cho bữa trưa. Tôi bóc trứng và xếp lên một cái đĩa bên cạnh bảy cọng măng tây (chúng mảnh và đầy hương vị đến nỗi hoàn toàn không cần phải nấu). Tôi để thêm một ít ô liu vào đĩa, và bốn viên pho mát dê tôi kiếm được hôm qua ở formaggeria 2 dưới phố, và hai lát cá hồi dầu hồng hồng. Còn tráng miệng – một quả đào dễ thương và vẫn còn ấm nắng Roma mà người đàn bà ở chợ đã biếu không tôi. Trong một lúc lâu sau, tôi thậm chí không thể chạm đến món ăn này vì nó là một bữa ăn trưa kiệt tác, một biểu hiện đích thực của nghệ thuật biến không thành có. Cuối cùng, khi đã hấp thụ đủ đầy vẻ xinh tươi của bữa ăn rồi, tôi đến ngồi trong một khoảng nắng trên sàn gỗ sạch sẽ của mình và bốc ăn hết sạch trong lúc đọc bài trên báo ngày tiếng Ý. Hạnh phúc đang ở trong từng phân tử của tôi.

Cho đến khi – như vẫn thường xảy ra trong những tháng đầu du lịch đó, mỗi khi tôi cảm thấy hạnh phúc như thế – tín hiệu báo động tội lỗi của tôi vang lên. Tôi nghe thấy giọng chồng mình khinh miệt bên tai: “Vậy ra cô từ bỏ tất cả vì cái này à? Đấy là lý do cô đục ruỗng toàn bộ đời sống chung của chúng ta? Chỉ vì một ít cọng măng tây và một tờ báo Ý?”

Tôi lớn tiếng đáp lời anh ấy, “Trước tiên,” tôi nói, “em lấy làm tiếc, nhưng chuyện này không liên quan gì đến anh nữa. Và thứ hai, để trả lời câu hỏi của anh… đúng vậy.”

— —— —— —— ——-

1 Bia Budweiser.

2 Cửa hiệu bán pho mát.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.