Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 31



Trong sáu tuần sau đó tôi đi Bologna, Florence, Venice, Sicily, Sardinia, xuống Naples một lần nữa, rồi sang Calabria. Phần lớn là những chuyến đi ngắn – một tuần ở đây, một kỳ cuối tuần ở kia – chỉ là một khoảng thời gian đủ để cảm nhận về nơi đó, để nhìn quanh, để hỏi mọi người trên phố thức ăn ngon ở đâu và rồi đến ăn. Tôi bỏ lớp học tiếng Ý vì bắt đầu cảm thấy nó gây trở ngại cho những cố gắng học tiếng Ý của mình, nó làm tôi kẹt trong lớp học thay vì lang thang khắp nước Ý, nơi tôi có thể thực tập trực tiếp với mọi người.

Những tuần lễ du lịch ngẫu hứng này là một vòng xoáy thời gian huy hoàng, những ngày phóng túng nhất trong đời tôi, chạy đến ga xe lửa mua vé liên tục, rốt cuộc tôi cũng bắt đầu uốn nắn tự do của tôi cho đúng đắn vì cuối cùng thì tôi đã thấm thía được là mình có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn. Trong một thời gian tôi không gặp bạn bè mình ở Roma. Giovanni nói với tôi trong điện thoại, “Sei una trottola” (“Chị là một con vụ”). Một đêm ở thành phố đâu đó bên bờ Địa Trung Hải, trong phòng khách sạn gần biển, âm thanh tiếng cười của chính tôi thực sự đã đánh thức tôi giữa giấc ngủ say. Tôi giật mình. Ai đang cười trong giường tôi đấy? Khi nhận ra đó chỉ là chính mình, tôi còn cười dữ hơn nữa. Giờ tôi không thể nhớ mình đã mơ thấy gì. Tôi nghĩ có lẽ nó có liên quan đến những con thuyền.

— —— —— —— —— —— —— ——–

Ở Florence chỉ một kỳ nghỉ cuối tuần, chuyến tàu tốc hành vào buổi sáng thứ Sáu đưa tôi tới chơi với cậu Terry và mợ Deb, họ đã bay từ Connecticut đến để thăm Ý lần đầu trong đời và để gặp cô cháu, dĩ nhiên. Họ đến vào buổi tối, và tôi dẫn họ đi dạo chơi ngắm Duomo, vẫn luôn là một quang cảnh rất ấn tượng, bằng chứng chính là phản ứng của cậu tôi:

“Trời ơi!” cậu nói, rồi dừng lại và thêm, “Hay có lẽ đây là một từ sai khi ca ngợi một nhà thờ Công giáo…”

Chúng tôi nhìn Sabines bị bắt cóc ngay đó giữa vườn điêu khắc mà không có một ai làm gì để ngăn lại, rồi đến chào Michelangelo, đến viện bảo tàng khoa học, đến các sườn đồi bao quanh thành phố phóng mắt ngắm nhìn quang cảnh. Rồi tôi để cậu mợ thưởng thức phần còn lại của kỳ nghỉ mà không có tôi, và tiếp tục một mình đến Lucca rộng lớn và thịnh vượng, đến Tuscan thành phố nhỏ với những cửa hàng thịt nổi tiếng, nơi những miếng thịt ngon nhất tôi từng thấy trên khắp Ý được bày biện với một nhục cảm kiểu “bạn biết là bạn muốn mà” trong các cửa hàng khắp thành phố. Xúc xích với mọi xuất xứ, kích thước, màu sắc ta có thể tưởng tượng, được nhồi như cặp giò phụ nữ trong đôi vớ dài khiêu khích, đu đưa trừ trên trần cửa hàng thịt. Những miếng mông giăm bông treo trên cửa sổ, đong đưa ra hiệu như những gái điếm hạng sang ở Amsterdam. Những con gà ngay cả khi đã chết vẫn trông béo mầm và mãn nguyện đến nỗi ta tưởng tượng chúng đã tự nguyện hy sinh một cách tự hào, sau khi tranh đua với nhau lúc còn sống xem ai có thể trở nên ẩm ướt nhất và mỡ màng nhất. Nhưng ở Lucca không chỉ có thịt là thứ tuyệt vời nhất; còn có hạt dẻ, đào, những quả sung bày ra lăn lóc, Chúa ơi, những quả sung…

Tất nhiên thành phố cũng nổi tiếng là vì sinh quán của Puccini. Tôi biết mình nên quan tâm đến điều này, nhưng tôi hứng thú hơn với bí mật mà một người bán tạp phẩm địa phương chia sẻ với tôi – nấm ngon nhất trong thành phố được phục vụ ở một nhà hàng đối diện nhà của Puccini. Thế là tôi lang thang khắp Lucca, hỏi đường bằng tiếng Ý, “Vui lòng chỉ cho tôi nhà của Puccini?” và cuối cùng một người dân tốt bụng dẫn tôi đến tận chỗ ấy, và rồi có lẽ rất ngạc nhiên khi ngay sau khi nói “Grazie” tôi liền quay gót và bước về hướng đối diện lối vào viện bảo tàng, bước tới một nhà hàng bên kia đường và chờ ngoài mưa để được dọn món risotto ai funghi.

Giờ tôi không nhớ được mình đã đến Bologna trước hay sau Lucca – một thành phố đẹp đến nỗi tôi không thể thôi hát suốt thời gian ở đó, “Bologna của tôi có một cái tên! Đó là X-I-N-H-Đ-Ẹ-P.” Theo truyền thống, Bologna – với kiến trúc gạch duyên dáng và sự thịnh vượng nổi tiếng – đã được gọi là “Đỏ, Màu mỡ, và Đẹp.” (Và, đúng, đây là một tựa đề có thể chọn cho quyển sách này.) Thức ăn ở đây thì rõ ràng là ngon hơn ở Roma, hay có lẽ chỉ vì họ dùng nhiều bơ hơn. Ngay cả gelato ở Bologna cũng ngon hơn (và tôi cảm thấy có chút không chung tình khi nói điều ấy, nhưng đó là sự thật). Nấm ở đây giống như những cái lưỡi lớn, dày và gợi tình, còn prosciutto 1 phủ khắp bánh pizza như cái mạng che mặt bằng đăng ten phủ trên một chiếc mũ phụ nữ đắt tiền. Và tất nhiên là còn xốt Bologna nữa, cái thứ cười miệt thị bất kỳ ý tưởng ragù 2 nào.

Ở Bologna tôi chợt nghĩ là trong tiếng Anh không có thuật ngữ tương đương với thuật ngữ buon appetito. Đây là một điều đáng tiếc và cũng rất ấn tượng. Tôi chợt nghĩ rằng các ga xe lửa của Ý là một chuyến đi suốt những cái tên thực phẩm và rượu nổi tiếng nhất thế giới: ga tới, Parma… ga tới, Bologna… ga tới nữa, đang đến Montepulciano… Bên trong xe lửa cũng có thức ăn, tất nhiên – bánh sandwich nhỏ và sô cô la nóng thật ngon. Nếu bên ngoài trời mưa, sẽ còn tuyệt hơn khi ăn qua loa và phóng thật nhanh. Trong một chuyến đi dài, tôi chia toa xe lửa với một anh chàng Ý trẻ đẹp cứ ngủ hàng giờ suốt cơn mưa khi tôi đang ăn món xà lách mực. Anh chàng tỉnh dậy không lâu trước khi chúng tôi đến Venice, dụi mắt, xem xét tôi kỹ lưỡng từ chân đến đầu và khẽ nói: “Carina.” Nghĩa là: dễ thương.

“Grazie mille,” tôi nói với chàng ta với một vẻ lịch sự thái quá. Ngàn lần cảm ơn.

Anh chàng ngạc nhiên. Anh ta đã không nhận ra là tôi nói tiếng Ý. Quả thực cả tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi trò chuyện trong chừng hai mươi phút và lần đầu tiên tôi nhận ra mình nói tiếng Ý. Một lằn ranh nào đó đã được vượt qua và giờ tôi đang thực sự nói tiếng Ý. Không phải tôi đang diễn giải; tôi đang trò chuyện. Tất nhiên, mỗi câu đều có một lỗi, và tôi chỉ biết có ba thì, nhưng tôi có thể giao tiếp với anh chàng này không mấy vất va.Me la cavo là điều ta nên nói trong tiếng Ý, nó căn bản có nghĩa là, “Tôi có thể thoát được.” Nhưng nó cũng là động từ ta dùng để nói về việc mở nút một chai rượu, nghĩa là, “Tôi có thể sử dụng ngôn ngữ này để thoát ra khỏi những tình huống căng thẳng.”

Gã đang cố quyến rũ tôi đây, tên nhóc này! Không phải hoàn toàn không tán tỉnh. Anh chàng không phải hoàn toàn không hấp dẫn. Nhưng anh ta cũng không phải không mơ hồ vênh váo. Có lúc anh ta nói với tôi bằng tiếng Ý, muốn ca ngợi, tất nhiên, “Là một phụ nữ Mỹ thì cô không quá mập.”

Tôi đáp bằng tiếng Anh, “Còn là một đàn ông Ý thì anh không quá ngọt xớt.”

“Come?”

Tôi lặp lại, bằng tiếng Ý đã được chỉnh sửa chút ít, “Còn anh thì thật lịch thiệp, cũng như mọi đàn ông Ý.”

Tôi có thể nói ngôn ngữ này! Cậu nhóc tưởng tôi thích cậu, nhưng chính là tôi đang đùa với những con chữ. Lạy Chúa – tôi đã gạn lọc được mình! Tôi đã mở nút cái lưỡi của mình, và tiếng Ý đang tràn ra! Anh chàng muốn gặp tôi ở Venice, nhưng tôi không có hứng thú với anh ta ngay từ đầu. Tôi chỉ tương tư với ngôn ngữ này thôi, nên tôi để anh ta lướt đi. Dù sao đi nữa, tôi cũng đã có một cái hẹn ở Venice. Tôi sẽ gặp cô bạn Linda ở đó.

Linda khùng, tôi vẫn thích gọi cô ấy vậy, dù cô không thế, đang đến Venice từ Seattle, một thành phố ẩm ướt và xám xịt nữa. Cô ấy muốn đến thăm tôi ở Ý, nên tôi mời cô đi cùng chặng này trong hành trình của mình vì tôi từ chối – tôi dứt khoát khước từ – đến thành phố lãng mạn nhất trên trái đất một mình, không, không phải bây giờ, không phải năm nay. Tôi chỉ cần hình dung chỉ có một mình tôi ở phía đuôi chiếc thuyền đáy bằng, để một người chèo thuyền hát ngâm nga kéo lê qua sương mù trong khi tôi … đọc một quyển tạp chí? Đó là một hình ảnh buồn, khá giống cái ý tưởng đơn độc gò lưng đạp lên một ngọn đồi trên một chiếc xe-đạp-dành-cho-hai-người. Nên Linda sẽ bầu bạn với tôi, mà lại còn là một bầu bạn tốt.

Tôi gặp Linda (và mái tóc cuốn lọn dài của cô ấy và mấy cái móc khoen của cô ấy) ở Bali gần hai năm trước khi tôi dự kỳ ẩn dật Yoga đó. Sau đó, chúng tôi đã cùng làm một chuyến đến Costa Rica. Cô là một trong những bạn đồng hành ưa thích của tôi, một con yêu tinh nhỏ, thú vị, không nao núng, có tổ chức đáng ngạc nhiên, mặc quần bó bằng nhung mịn màu đỏ. Linda là chủ nhân của một trong những tâm hồn còn nguyên vẹn trên thế giới, không thể hiểu nổi phiền muộn là gì và có lòng tự trọng ta không thể đánh giá gì hơn là rất cao. Một lần cô đã nói với tôi, khi cô tự ngắm mình trong gương: “Phải thú nhận, tớ không phải là người trông tuyệt vời về mọi mặt, nhưng tớ vẫn không thể không yêu mình.” Cô ấy có cái khả năng làm tôi câm miệng khi tôi bắt đầu bứt rứt với những câu hỏi siêu hình của mình, như “Bản chất của vũ trụ là gì?” (Linda đáp: “Câu hỏi duy nhất của tớ là: Tại sao phải hỏi?”) Linda muốn một ngày nào đó để mái tóc cuốn lọn của mình dài đến độ cô có thể bện thành một công trình dây ràng trên đỉnh đầu “như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình cây cảnh” và có thể còn nuôi một con chim ở đó. Người Bali thích Linda. Người Costa Rica cũng vậy. Khi cô ấy không chăm sóc mấy con thằn lằn và chồn sương cưng của mình, cô trông coi một nhóm phát triển phần mềm ở Seattle và làm ra nhiều tiền hơn bất kỳ ai trong chúng ta.

Vậy là chúng tôi gặp nhau ở Venice, và Linda cau mày nhìn tấm bản đồ thành phố, lật ngược nó lại, xác định vị trí khách sạn của chúng tôi, định hướng chính mình và nói với một vẻ khiêm cung rất riêng, “Tụi mình là những thị trưởng của cái mông thành phố này.”

Sự vui vẻ của cô, sự lạc quan của cô – chẳng cách nào phù hợp với cái thành phố đang chìm dần, hôi hám, chậm chạp, bí ẩn, yên tĩnh, kỳ cục này. Venice có vẻ là một thành phố tuyệt vời để chết một cái chết từ từ trong men rượu, hay để mất một người thương yêu, hay để mất thứ hung khí đã cướp đi người thương yêu ban đầu. Thấy Venice rồi, tôi mừng là mình đã chọn sống ở Roma thay vì ở đây. Tôi nghĩ nếu ở đây có thể sẽ không thoát khỏi mấy viên thuốc chống suy nhược nhanh đến vậy. Venice đẹp, nhưng giống như một bộ phim của Bergman cũng đẹp; ta có thể thán phục nó, nhưng ta không thật sự muốn sống trong đó.

Cả thành phố đang tróc lở và tàn phai như những dãy phòng sang trọng của những gia đình giàu có xưa kia sẽ án ngữ phía sau lâu đài của họ khi việc duy trì bảo dưỡng trở nên quá tốn kém, sẽ là dễ dàng hơn khi chỉ cần đóng chặt các cửa lại và quên đi những kho báu hấp hối ở phía bên kia – đó là Venice. Những dòng nước xoáy ngược mù sương của biển Adriatic vỗ vào nền móng nhẫn nại của những tòa nhà đó, thử sức chịu đựng của thí nghiệm triển lãm khoa học thế kỷ mười bốn đó – Này, nếu chúng tôi xây dựng một thành phố đứng trên nước mãi mãi thì sao nào?

Venice trông ma quái dưới nền trời tháng Mười một vần vũ của nó. Thành phố cọt kẹt và lắc lư như cái cầu tàu câu cá. Bất chấp sự tự tin ban đầu của Linda là chúng tôi có thể làm chủ được thành phố này, ngày nào chúng tôi cũng bị lạc, mà đặc biệt là vào ban đêm, rẽ lầm vào những góc tối chấm dứt bế tắc một cách nguy hiểm và thẳng đến mặt kênh. Một đêm mù sương, chúng tôi đi ngang một tòa nhà cũ dường như đang thực sự rên rỉ vì đau đớn. “Không việc gì phải lo,” Linda líu lo. “Đó chỉ là cái dạ dày lép kẹp của Satăng thôi.” Tôi chỉ cho cô từ tiếng Ý ưa thích của tôi – attraversiamo (“hãy băng qua nào”) – và chúng tôi bồn chồn rút lui khỏi chỗ đó.

Cô chủ quán ăn trẻ đẹp người Venice gần chỗ chúng tôi ở là một người có số phận đáng thương. Cô ghét Venice. Cô thề rằng bất kỳ ai sống ở Venice đều xem nó như một nấm mộ. Cô đã từng phải lòng một nghệ sĩ xứ Sardinia, người đã hứa hẹn cho cô một thế giới khác với ánh nắng và mặt trời, nhưng thay vì thế đã bỏ rơi cô với ba đứa trẻ và cô không có lựa chọn nào khác ngoài trở lại Venice, trông coi một quán ăn gia đình. Cô cùng tuổi tôi nhưng trông còn già hơn, và tôi không thể hình dung nổi loại đàn ông có thể làm như vậy với một phụ nữ quyến rũ đến thế. (“Anh ấy quyền uy,” cô nói “và tôi chết vì yêu trong cái bóng của anh.”) Venice bảo thủ. Người phụ nữ này đã có vài chuyện tình ở đây, có lẽ thậm chí với một số đàn ông đã có gia đình, nhưng rồi luôn luôn kết thúc đau buồn. Những người hàng xóm xì xào về cô. Mọi người ngừng nói khi cô bước vào phòng. Mẹ cô van xin cô đeo một chiếc nhẫn cưới chỉ vì thể diện và nói là – Con yêu, đây không phải là Roma, nơi con có thể sống tai tiếng ra sao tùy thích. Mỗi sáng khi Linda và tôi đến ăn điểm tâm và hỏi cô chủ người Venice trẻ/già sầu muộn của mình về báo cáo thời tiết trong ngày, cô cong mấy ngón trên bàn tay phải lên như một cây súng, đặt vào thái dương, và nói, “Mưa nữa.”

Vậy mà tôi vẫn chưa bị trầm cảm ở đây. Tôi có thể đương đầu, và thậm chí không hiểu sao còn thưởng thức, nỗi u sầu chìm đắm của Venice, dù chỉ trong một vài ngày. Đâu đó trong tôi, tôi có thể nhận ra rằng đây không phải là u sầu của mình; đây là nỗi u sầu vốn thuộc về riêng thành phố này, và những ngày đó tôi đủ lành mạnh để có thể cảm thấy sự khác nhau giữa mình và nó. Tôi không thể không nghĩ rằng, đây là một dấu hiệu của sự hàn gắn, sự kết tinh của bản ngã mình. Đã có vài năm, lạc trong tuyệt vọng vô bờ, tôi thường cảm nhận nỗi buồn của cuộc đời là của chính mình. Tất cả những gì buồn bã xuyên thấm qua tôi và để lại những vết ẩm ướt đằng sau.

Dù sao, cũng khó mà chán chường được với một Linda lảm nhảm bên mình, cố thuyết phục tôi mua một cái mũ lông màu tím khổng lồ và hỏi về bữa tối tệ hại chúng tôi đã ăn một lần kia. “Có phải món đó gọi là Những Miếng Thịt Bê của Bà Paul không?” Cô ấy là một con đom đóm, cái cô Linda này. Ở Venice vào thời Trung cổ từng có một người kiểu đàn ông làm nghề gọi là codega – một gã ta thuê để đi trước ta ban đêm với một cái đèn lồng đốt sáng, chỉ đường cho ta, xua đuổi trộm cướp và ma quỷ, giúp ta tự tin và bảo vệ ta qua các phố tối tăm. Linda chính là codega tạm thời xứ Venice, kiểu du lịch, đơn đặt hàng đặc biệt của tôi.

— —— —— —— ——-

1 Tiếng Ý: Giăm bông.

2 Xốt dùng với mì ống.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.