Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 50



Cha Nil bước đi nhẹ nhàng: mặt trời rực rỡ luồn vào giữa những bức tường cao chạy dọc hai bên đường Salaria. Cả ngày hôm qua ông giam mình trong phòng và ăn cơm cùng các tu sĩ khác nhưng không tham dự những giờ lễ nhật tụng hiếm hoi mà họ tiến hành một cách chóng vánh. Ông chỉ phải chịu đựng những câu chuyện tào lao không ngừng nghỉ của cha Jean trong lúc uống cà phê ở hành lang.

– Tất cả chúng tôi ở đây đều đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng của San Girolamo, khi chúng tôi hy vọng mang đến cho thế giới một phiên bản Kinh Thánh mới bằng tiếng Latin. Từ khi bị thế giới hiện đại phê phán, chúng tôi làm việc một cách vô ích, và thư viện thì bị bỏ rơi.

“Không chỉ sự hiện đại, mà có lẽ cả sự thật cũng phê phán các vị”, cha Nil vừa nghĩ vừa uống thứ chất lỏng phải được coi là nỗi sỉ nhục đối với Roma, thành phố nơi người ta thưởng thức thứ cà phê ngon nhất thế giới.

Nhưng sáng nay ông cảm thấy nhẹ nhõm và hầu như quên mất bầu không khí ngột ngạt bao quanh mình từ khi đến đây, mối nghi ngờ của mọi người đối với tất cả mọi người, và tâm sự của Leeland: “Cuộc đời tớ đã chấm hết rồi, họ đã phá hủy cuộc đời tớ.” Anh chàng sinh viên cao lớn vừa nghiêm nghị vừa trẻ con, người luôn nhìn mỗi sự vật, mỗi sinh vật bằng cái nhìn lạc quan bất di bất dịch và bền vững như đức tin của mình vào châu Mỹ, giờ đây đã trở thành người thế nào?

Ông đã đánh vật với bản khắc trên phiến đá, đã xoay nó theo đủ mọi hướng. Đúng lúc sắp từ bỏ, ông bỗng nảy ra ý nghĩ so sánh văn bản bí ẩn đó với bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ: ý tưởng đó lóe lên như một tia sáng. Một trong hai câu đã cho phép ông đi đến thành công vào lúc đầu đêm.

Cha Andrei đã nhận định đúng: phải liên hệ mọi thứ với nhau. Tập hợp lại các yếu tố tản mát, được viết ở các giai đoạn khác nhau – kinh Phúc âm ở thế kỷ I, bản thảo tiếng Ai Cập cổ ở thế kỷ III, bản khắc Germigny ở thế kỷ VIII. Ông bắt đầu thấy thấp thoáng sợi dây dẫn đường.

Không được để tuột mất sợi dây này. “Sự thật, cha Nil ạ: chính vì sự thật mà cha vào tu viện này.” Sự thật sẽ báo thù cho cha Andrei.

Khi ông bước vào căn phòng trên đường Aurelia, tất cả các ngọn đèn đều bật sáng, Leeland đang chơi bài Étude của Chopin và đón ông với một nụ cười. Cha Nil bỗng thấy nghi ngờ rằng cũng chính người đàn ông này, hai ngày trước, đã khiến ông thoáng thấy một vực thẳm tuyệt vọng.

– Trong những năm ở Jerusalem, tớ đã có rất nhiều thời gian ở cùng với Arthur Rubinstein, ông ấy trải qua những ngày cuối cùng ở đó. Chúng tớ có khoảng một chục sinh viên, cả người Israel lẫn người nước ngoài, thường tụ tập ở nhà ông ấy. Tớ đã có cái đặc ân được thấy ông ấy hướng dẫn chơi bài Étude này. Thế nào, cậu có giải được câu đố ấy không?

Cha Nil ra hiệu cho Leeland đến ngồi bên ông.

– Tất cả đã sáng tỏ khi tớ nảy ra ý tưởng đánh số thứ tự từng dòng trên bản khắc. Kết quả là thế này:

1 αcredo in deum patrem om

2 nipotentem creatorem cel

3 i et terrae et in iesum c

4 ristum filium ejus unicu

5 m dominum nostrum qui co

6 nceptus est de spiritu s

7 ancto natus ex maria vir

8 gine passus sub pontio p

9 ilato crucifixus mortuus

10 et sepultus descendit a

11 d inferos tertia die res

12 urrexit a mortuis ascend

13 it in coelos sedet ad dex

14 teram dei patris omnipot

15 entis inde venturus est

16 iudicare vivos et mortuo

17 s credo in spiritum sanc

18 tum sanctam ecclesiam ca

19 tholicam sanctorum commu

20 nionem remissionem pecca

21 torum carnis resurrectio

22 nem vitam eternam amen.w

– Hai mươi hai dòng … Leeland thầm thì.

– Chính xác là hai mươi hai dòng. Thế là tớ đặt lại câu hỏi đầu tiên: tại sao người ta lại thêm một ký tự alpha và một lý tự omega vào đầu và cuối văn bản?

– Cậu đã nói điều đó với tớ rồi: khắc lên đá một trật tự thế giới mới, bất biến, vĩnh viễn.

– Đúng, nhưng tớ đã đi được xa hơn. Mỗi dòng đều không có nghĩa gì, nhưng khi đếm số ký tự – nghĩa là các chữ cái và các khoảng trống – tớ nhận thấy rằng các dòng đều có độ dài bằng nhau, chính xác là hai mươi bốn ký tự. Kết luận đầu tiên: đây là một mật mã số hóa, nghĩa là được dựa trên hệ thống biểu tượng của các con số – một phương pháp rất phổ biến ở thời Cổ đại và đầu thời Trung cổ.

– Mật mã số hóa? Đó là cái gì?

– Cậu có biết là 12 cộng 12 bằng 24 không?

Leeland huýt sáo:

– Tớ xin nghiêng mình trước tài năng của cậu: cả một ngày để đi đến kết quả này!

– Đừng có chế giễu tớ, chú ý đi. Cơ sở số hóa của mật mã này là con số 12, trong Kinh Thánh con số này tượng trưng cho sự hoàn hảo của dân tộc được lựa chọn: mười hai con trai của Abraham, mười hai bộ lạc của Israel, mười hai tông đồ. Nếu con số mười hai thể hiện sự hoàn hảo, thì hai lần mười hai chỉ mức độ tuyệt đối của sự hoàn hảo. Ví dụ, trong kinh Khải Huyền, Chúa trời hiện ra được hai mươi bốn ông già vây quanh, nghĩa là hai lần mười hai. Mỗi dòng chữ trong bản khắc có hai lần mười hai ký tự: như vậy mỗi dòng là một sự hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng còn thiếu hai chữ cái nữa để đạt được các dòng có đều đặn hai mươi bốn ký tự: để đạt được kết quả này, người ta đã thêm vào đầu văn bản ký tự alpha và cuối văn bản ký tự omega. Như vậy là một mũi tên trúng hai đích, vì qua đó, cũng có sự ám chỉ rõ ràng đến kinh Khải Huyền của Thánh Jean: “Ta là alpha và omega, là sự bắt đầu và sự kết thúc.” Bằng mật mã này, văn bản tạo nên một thế giới mới không thể thay đổi. Cậu có theo kịp không?

– Cho đến giờ thì có.

– Nếu hai lần mười hai thể hiện sự hoàn hảo tuyệt đối, thì bình phương của sự hoàn hảo này, nghĩa là 24 lần 24 là sự hoàn hảo vĩnh cửu: trong kinh Khải Huyền, tường thành của Jerusalem thần thánh – thành phố vĩnh cửu – dài một trăm bốn mươi tư khuỷu tay, nghĩa là bình phương của mười hai. Để thể hiện được sự hoàn hảo vĩnh cửu theo mật mã đặc biệt này, lẽ ra tín điều Credo phải bao gồm hai mươi bốn dòng, mỗi dòng có hai mươi bốn ký tự: một hình vuông hoàn hảo. Đồng ý không?

– Nhưng chỉ có hai mươi hai dòng!

– Đúng thế, còn thiếu hai dòng nữa mới tạo thành hình vuông hoàn hảo. Vậy mà văn bản được thông qua tại hội nghị Giám mục ở Nicée lại bao gồm mười hai tín điều. Một truyền thuyết rất cổ xưa kể lại rằng vào buổi tối diễn ra bữa ăn cuối cùng trong căn phòng lớn, hình như mỗi người trong số mười hai tông đồ đã tự tay ghi ra một tín điều. Điều này là để đảm bảo nguồn gốc tông truyền của Tín điều Credo theo cách ngây thơ. Mười hai tông đồ, mười hai tín điều, mười hai câu, mỗi câu được chia thành hai dòng hai mươi bốn ký tự: trong ngôn ngữ chặt chẽ của một mật mã số hóa, lẽ ra phải đạt được một hình vuông hoàn hảo, hai mươi bốn dòng mỗi dòng hai mươi bốn ký tự. Và như cậu thấy đấy, chỉ có hai mươi hai dòng: hình vuông không hoàn hảo, còn thiếu một tông đồ.

– Cậu muốn suy ra điều gì?

– Khi đến căn phòng lớn vào buổi tối diễn ra bữa ăn cuối cùng, họ có mười hai người cộng thêm Jesus – cộng thêm người chủ nhà bí ẩn, môn đồ cưng của Jesus: có mười ba người có thể làm chứng. Giữa bữa ăn, Judas rời bàn đi chuẩn bị việc bắt giữ Thầy: còn mười hai người ngồi lại. Nhưng một trong số mười hai người này sau đó đã bị loại bỏ một cách kịch liệt ra khỏi tất cả các văn tự cũng như ký ức. Người này không thể được tính đến trong số các tông đồ, những người sau này đặt nền móng cho Giáo hội từ những gì họ đã chứng kiến. Cần gạt bỏ người đó bằng mọi giá, sao cho ông ta không bao giờ được coi là một trong số Mười hai tông đồ. Phân bổ văn bản này trên hai mươi bốn dòng là chấp nhận rằng tối đó nhân vật này cũng đã viết ra một trong mười hai câu trong Tín điều Credo. Như thế có nghĩa là chính thức hóa lời chứng của ông ta, coi nó ngang bằng với lời chứng của các tông đồ khác. Hai dòng còn thiếu, Rembert ạ, chính là chỗ khuyết thiếu của người đã nằm bên Thầy vào tối thứ Năm ngày mồng 6 tháng Tư năm 30, nhưng đã bị loại bỏ khỏi nhóm Mười hai tông đồ khi họ đặt nền móng cho Giáo hội. Đó là lời thú nhận ngầm rằng đúng là bên cạnh Jesus đã có một tông đồ thứ mười ba!

Cha Nil mở tài liệu, lấy ra bản sao của bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ và đưa cho Leeland.

– Đây là câu đầu tiên tớ đã dịch ra, Nguyên tắc đức tin của mười hai tông đồ chứa đựng mầm mống phá hủy nó. Nghĩa là nếu người môn đồ cưng góp thêm lời chứng của mình vào lời chứng của mười một tông đồ – nếu có hai mươi bốn dòng thay vì hai mươi hai – Tín điều Credo có lẽ đã bị phá hủy, và Giáo hội được dựng lên trên nó cũng sẽ bị tiêu diệt. Vào thế kỷ VIII, văn bản này được khắc lên đá để nói về việc loại bỏ một người: tông đồ thứ mười ba. Trong nhiều thế kỷ, rất nhiều người khác đã chống lại việc thánh hóa Jesus, nhưng không ai bị căm thù lâu như vậy. Nghĩa là ở ông ta có điều gì đó đặc biệt nguy hiểm, và tớ tự hỏi phải chăng cha Andrei chết vì ông ấy đã phát hiện ra điều này.

Leeland đứng dậy và nhấn vài hợp âm trên đàn piano.

– Cậu có nghĩ văn bản Tín điều Credo đã bị mã hóa ngay từ đầu không?

– Đương nhiên là không. Hội nghị Giám mục ở Nicée diễn ra năm 325, dưới sự giám sát của hoàng đế Constantin, người đã đòi hỏi rằng thiên chất của Jesus phải được thực sự áp đặt cho toàn bộ Giáo hội. Phải chiến thắng thuyết chống tam vị nhất thể, thuyết không thừa nhận việc thánh hóa này và đặt sự thống nhất của Đế chế vào vòng nguy hiểm. Chúng ta có nhiều báo cáo về các tranh luận này: không có điều gì chỉ ra rằng việc soạn thảo Tín điều Nicée, vốn là lặp lại một văn tự cổ hơn, đã phải cân nhắc đến nhiều khía cạnh khác ngoài chính trị đơn thuần. Không, muộn hơn rất nhiều, vào đầu thời Trung cổ khi say đắm với chủ nghĩa bí truyền, người ta mới có nhu cầu mã hóa văn tự này, rồi khắc nó lên một phiến đá đặt công khai trong một nhà thờ hoàng gia. Vì dù đã rất lâu nhưng người ta muốn khẳng định lại một lần nữa việc loại bỏ một lời chứng được cho là vô cùng nguy hiểm.

– Và cậu thực sự tin rằng những nông dân vô học ở vùng Val-de-Loire, khi bước vào nhà thờ Germigny, có thể hiểu được ý nghĩa của bản khắc mà họ nhìn thấy?

– Chắc chắn là không, mật mã số hóa luôn rất phức tạp và chỉ một số rất hiếm hoi những người am tường nó – cũng phải là những người đã nắm được nội dung của mật mã – mới có thể hiểu được. Cũng giống như chóp cột trong các nhà thờ ở Roma, chúng được làm ra không phải để giảng dạy dân chúng, mà dành cho một số ít người yêu thích tìm hiểu. Không, phiến đá này được triều đình cho khắc để nhắc nhở một bộ phận ưu tú có tham gia phần nào vào việc nắm quyền lực – đặc biệt là các Giám mục – nhớ đến sứ mệnh của họ: duy trì mãi mãi, alpha và omega, niềm tin vào thiên chất của Jesus đã được khẳng định trong Tín điều Credo, tín điều ấy là nền móng của Giáo hội, là bức tường thành chính của quyền lực hoàng gia.

– Thật kinh ngạc!

– Điều kinh ngạc là bắt đầu từ cuối thế kỷ I, dường như đã có một âm mưu lớn được hình thành nhằm che giấu một bí mật gắn với tông đồ thứ mười ba. m mưu này xuất hiện lại một cách định kỳ. Chúng ta có một bằng chứng về điều đó vào thế kỷ III trong bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ, bằng chứng thứ hai vào thế kỷ VIII trong bản khắc ở Germigny và còn có thể có các bằng chứng khác nữa: tớ vẫn chưa kết thúc công việc. Một bí mật được các tầng lớp tôn giáo cầm quyền che giấu, suốt chiều dài lịch sử phương Tây, và tiếp theo cha Andrei tớ đang đặt tay lên nó. Tớ chỉ biết một điều, đó là bí mật này có thể gây nguy hiểm cho nền tảng của đức tin mà toàn bộ cơ cấu của Giáo hội đang bảo vệ.

Leeland đột nhiên im bặt, như một con vật vừa chui vào hang. Cuộc sống của chính ông đã bị cơ cấu này phá hủy. Ông đứng dậy và xỏ tay vào áo măng tô.

– Đến Vatican nào, chúng ta muộn rồi … Cậu định làm gì?

– Ngay từ ngày mai, tớ sẽ ngồi trước máy tính của cậu và lang thang trên mạng Internet. Tớ đang tìm hai tác phẩm liên quan đến các Giáo phụ, chỉ được xác định bằng mã số Dewey và đang nằm tận đáy một thư viện ở đâu đó trên thế giới.

Ở tầng ba, Moktar đã nghe được toàn bộ cuộc trò chuyện. Tấm biển “Cần bán” đã được dỡ bỏ khỏi cánh cửa phòng, và hôm qua, hắn đã có thời gian để dọn đến. Trên một chiếc bàn gỗ màu trắng, thiết bị điện tử đã được lắp đặt, dây nhợ giăng mắc hầu như khắp nơi. Một trong số những sợi dây này xuyên qua trần phòng và gắn đúng vào bên dưới một chân của cây đàn piano. Một chiếc micro to bằng hạt đậu giấu trong bản lề. Để nhìn thấy nó thì chắc phải tháo tung đàn ra.

Những chiếc máy ghi âm nối với sợi dây này đã quay từ khi cha Nil đến căn phòng ở tầng trên.

Đeo tai nghe, hắn không bỏ sót từ nào trong câu chuyện, nhưng không hiểu nhiều lắm. Dù sao cũng chẳng có gì liên quan đến nhiệm vụ thực sự của hắn. Hắn lấy cuốn băng ra khỏi chiếc máy ghi âm thứ hai: cuốn này sẽ đến Vatican và hắn sẽ bắt Calfo trả tiền. Còn cuốn đầu tiên là dành cho trường đại học Al-Azhar ở Cairo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.