Bọn thiếu nữ đi sau Vương đại nương reo lên :
– Hay! Hay quá! Kiếm chớp là công thành!
Vương đại nương nhìn thi thể Đơn Nghị Thành, lạnh lùng thốt :
– Chúng cứ tưởng là trong một thời gian ngắn ngủi ta không làm sao học được tuyệt kỹ của chúng! Do đó, chúng chẳng ngần ngại phô trương trọn vẹn sở học của chúng và không giấu diếm một tuyệt chiêu nào. Chúng có biết đâu ta không chủ trương học võ công của chúng mà ta chỉ muốn biết thủ pháp của chúng như thế nào mà thôi! Trong khi đó thì chúng chẳng biết mảy may võ công của ta. Lấy cái biết rõ của ta chống đối với cái không biết của chúng, đương nhiên ta thắng, chúng bại, dễ dàng như thế mà ta không thắng thì đúng ta là một kẻ ngu nhất trần gian.
Bọn thiếu nữ khâm phục ngay :
– Trong võ lâm ngày nay, đại nương biết ít nhất cũng hơn nửa số công phu của các môn phái, còn những kẻ kia, bất quá khư khư sở cậy độc có một tuyệt kỹ của họ, như vậy làm sao chẳng bị đại nương đánh bại.
Vương đại nương hơi cao ngạo một chút :
– Cái đó đã hẳn rồi. Bây giờ chúng ta tiếp tục công tác với một kẻ khác!
Thiếu nữ bầu bạn với Đơn Nghị Thành lúc đó đã mặc xong y phục, dù vừa tỉ tê ân ái với Đơn Nghị Thành đó, lạnh lùng nhìn xác y như nhìn xác của một con vật chết ở ven đường. Nàng bước theo Vương đại nương thốt :
– Tôn Ngọc Long ở trong phòng lục muội, đại nương ạ!
– Biết rồi! Hắn là mục tiêu thứ hai của ta!
* * * * *
Tuy bình minh đã lên, trong phòng của Lục muội vẫn còn ánh đèn.
Đèn chiếu lên giấy bồi, che cửa sổ, nhuộm lớp giấy vàng vàng, đèn còn cháy, song bên trong im lìm.
Mường tượng người trong phòng đã ngủ.
Một thiếu nữ đưa tay che miệng, cười nửa nụ, buông gọn :
– Cái gã họ Tôn sao kém sức chịu đựng thế, mới đó mà liệt người đến đỗi phải thiếp đi!
Một thiếu nữ trong số các nàng khiêng chiếc ghế của Vương đại nương bảo :
– Ngươi bước đến bật cửa đi!
Thiếu nữ trước mỉm cười đáp :
– Phải đó, chính ta muốn thực nghiệm cái ngón Uyên Ương Hồ Điệp cước của Khuông Tân Sanh đây!
Nàng thốt xong vọt mình tới bộ pháp nhẹ nhàng, đúng là cái dáng một con bướm vờn hoa.
Nàng đã tới trước cửa phòng Lục muội, chưa kịp co chân mang chiếc giày thêu rất đẹp đá vào cánh cửa, cánh cửa vụt mở một đạo ngân quang chớp sáng xẹt ra ngoài.
Thiếu nữ nằm mộng cũng không tưởng có sự như thế xảy ra, bất quá nàng chỉ kịp kinh hãi chứ tài nào né tránh khỏi gương mặt tươi như hoa đẫm ướt máu hồng.
Bọn thiếu nữ biến sắc mặt xanh dờn, chúng khiếp đảm đến độ chẳng nàng nào dám kêu lên nửa tiếng.
Trong khi đó, thiếu nữ thọ thương nhào lăn trên mặt đất cắn răng cố chịu đau, cũng chẳng kêu la tiếng nào.
Con người luyện được nhẫn nại như vậy, chẳng phải một sớm một chiều mà thành công, như thế đủ biết Vương đại nương đã hao phí rất nhiều tâm trí giáo huấn bọn thiếu nữ dưới tay.
Cầm chiếc Phi Long Phủ nơi tay, Tôn Ngọc Long cười lớn :
– Có lẽ Vương đại nương lầm Tôn Ngọc Long này đó chăng? Tại hạ háo sắc thật đó, song đôi mắt chưa đui, đôi mắt của tại hạ đã nhìn tâm địa của Vương đại nương ngay từ lúc vào khu vực này! Và đại nương đừng tưởng cái âm mưu của mình hoàn toàn chu đáo, bí mật!
Vương đại nương cười nhẹ :
– Già từng nghe giang hồ truyền thuyết Tôn Ngọc Long có quả tim bảy lỗ, bình sanh chưa hề thất bại một lần nào. Giờ đây già mới được hân hạnh chính mắt trông thấy cái sáng suốt của bậc anh hùng cái thế.
Tôn Ngọc Long chớp mắt, từ từ tiếp :
– Giả như bà biết rõ tại hạ chẳng phải kẻ dễ trêu, thì bà nên cấp tốc bước đi nơi khác, nhường lối cho tại hạ ly khai chốn này. Tại hạ hứa chắc là ly khai ngay chẳng hề nấn ná lại đây gây phiền phức cho bà.
Vương đại nương hỏi :
– Còn các người kia?
Tôn Ngọc Long đáp nhanh :
– Các người kia có chết hay sống điều đó có liên quan gì đến tại hạ? Những người đó đã cam tâm tình nguyện vùi xác trong hoa thì cứ để cho họ được tròn sở vọng. Tại hạ công sức đâu lo nghĩ đến chuyện mênh mông?
Vương đại nương bật cười khanh khách :
– Ngươi thông minh đó!
Tôn Ngọc Long điềm nhiên :
– Phàm những ai chọn kiếp sống giang hồ mà muốn được no ăn ấm mặc, sung sướng thung dung tất phải có ít nhiều thông minh. đại nương ơi, nếu tại hạ ngu xuẩn thì làm sao sống đến ngày nay?
Vương đại nương gật đầu :
– Được rồi!
Bà bảo bọn thiếu nữ :
– Tránh qua một bên, nhường lối cho Tôn đại hiệp!
Tôn Ngọc Long bật cười ha hả đủng đỉnh bước ra, hắn đi chậm như đếm từng bước, nhưng lúc đi ngang qua Vương đại nương hắn vụt nghiêng mình, phóng như bay.
Hắn nghi ngờ tuy Vương đại nương chấp thuận cho hắn đi song đã chắc gì bà buông tha hắn một cách quá dễ dàng như vậy?
Nhưng hắn chạy đi xa rồi mà Vương đại nương vẫn bất động.
Tôn Ngọc Long thở phào.
Lúc đó, hắn đã cách Vương đại nương độ hai trượng, hắn tính chạy thêm mấy trượng nữa mới chắc ý hơn.
Ngờ đâu, từ phía sau Vương đại nương vẫy tay lên không. Thanh kiếm trong tay bà vút đi, nhắm thẳng vào lưng hắn.
Kiếm lao đi, rít gió, một con người như Tôn Ngọc Long đương nhiên phải nghe lọt tiếng gió đó và hiểu ngay sự tình như thế nào rồi.
Hắn kinh hãi toan hụp mình xuống.
Lúc đó hắn chưa khôi phục hoàn toàn công lực đã mất phần lớn qua cuộc thảm bại trước Phương Bửu Ngọc vừa rồi. Cho nên động tác của hắn kém nhanh nhẹn đã đành, mà lại còn có phần miễn cưỡng.
Hắn vừa hụp xuống, bất giác đôi chân như nhũn lại, hắn ngã chúi tới.
Cũng may, hắn tránh kịp thanh kiếm bay xớt ngang qua bên trên mình hắn. Hắn chưa kịp mừng thì một thanh kiếm thứ hai đã bay tới.
Lần này thì hắn đành chịu không còn lăn đi đâu kịp tránh nữa.
Một tiếng phập vang lên, thanh kiếm bắn trúng lưng hắn xéo mông trổ xuống bụng hắn.
Đà kiếm đi rất mạnh, mũi kiếm cắm sâu trong đất như đóng đinh hắn tại đó.
Một thiếu nữ thở dài :
– Tôi cứ tưởng võ công của hắn cũng khá cao, ngờ đâu hắn chỉ là một tên vô dụng.
Vương đại nương cười lớn :
– Ngươi cho rằng hai nhát kiếm của ta dễ tránh lắm hay sao?
Thiếu nữ đó hấp tấp thốt :
– Tôi…
Vương đại nương chặn lời :
– Cho ngươi biết, hai nhát kiếm đó có cái tên là Tử Mẫu Truy Hồn Thoát Thủ Kiếm, xem thì giản đơn lắm, song thực sự thì ngụy dị phi thường. Cái chỗ nguỵ dị là thanh kiếm bay trước lại đến sau, thanh kiếm bay sau lại đến trước, mà gần như đồng thời một lượt, mặc dù ta phải hai lần xuất thủ. Do đó, đối phương né tránh khi nghe tiếng gió đầu tiên, ngờ đâu thanh kiếm thứ hai vút đến, chạm trúng đụng lúc đối phương tránh thanh kiếm thứ nhất. Rồi thanh kia lại tiếp nối luôn dù cho ai nhanh nhẹn đến đâu, bất quá chỉ né tránh một trong hai thanh là khá lắm rồi.
Thiếu nữ tròn mắt :
– Thế thì tuyệt diệu! Tôi lại thấy, Tử Mẫu Truy Hồn Kiếm của đại nương có phần nào giống Tử Mẫu Kim Thoa.
Vương đại nương gật đầu :
– Đúng vậy, tử mẫu kiếm của ta thoát thai từ Tử Mẫu thoa, vì do Tử Mẫu thoa mà ra, nên Tử Mẫu kiếm phải lợi hại hơn, những gì kém khuyết nơi Tử Mẫu thoa đã được bổ túc hoàn toàn nơi Tử Mẫu kiếm.
Ngoài ra, thoa chỉ dài bốn tấc, kiếm lại dài ba thước, sự chênh lệch đó quan trọng lắm, cho nên thoa chẳng làm sao mà sánh được kiếm.
Thiếu nữ thở dài :
– Bây giờ tôi mới hiểu!
Vương đại nương tiếp :
– Ta dám quả quyết trong võ lâm ngày nay, chẳng có mấy người tránh thoát Tử Mẫu kiếm của ta. Và tuyệt kỹ đó, nếu không gặp lúc cấp bách lắm chẳng khi nào ta mang ra sử dụng. Ngươi có biết tại sao không?
Rồi bà giải thích luôn :
– Lẽ thứ nhất, ta không muốn ai biết được ta có tuyệt kỹ đó. Lẽ thứ hai, là nếu kiếm phóng ra mà đối phương thoát chết thì chính ta phải mất mạng! Nếu không mất mạng thì cũng thọ thương nặng!
Một thiếu nữ hỏi :
– Như Phương Bửu Ngọc? Hắn có thể tránh được Tử Mẫu kiếm chăng?
Vương đại nương cảm thấy mình như bị ai tát tay mạnh vào mặt dù thiếu nữ đó thành thật mà nêu lên câu hỏi.
Đang đắc ý, bà xịu mặt ngay, bà trầm ngâm một lúc sau cùng, bà nhếch nụ cười vừa nhẹ vừa thâm, ẩn ước có vẻ tàn khốc.
Đoạn bà thốt :
– Ta cũng chưa biết sao mà nói!… Cũng may cho ta, chưa được biết là tốt, bởi muốn biết thì…
Bà không nói tiếp, nhưng cái ý của bà là muốn biết thì phải thực nghiệm, mà thực nghiệm là làm một cuộc đánh đổi sanh mạng.
* * * * *
Chẳng rõ các gian phòng khác như thế nào, chứ gian phòng dành cho Phương Bửu Ngọc kiến tạo và trang trí hết sức cầu kỳ. Cầu kỳ không phải ở chỗ dát vàng, nạm ngọc, rèm châu, giường ngà. Những vật dụng trong gian phòng rất bình thường, bất quá có phần nào nhã khiết mà thôi.
Cầu kỳ ở chỗ nó không giống một gian phòng của bất cứ gia cư nào trên lục địa. Nó giống như một khoang thuyền, tuy thực sự nó không bềnh bồng, nhưng vào đó rồi chàng có cảm giác như mình lênh đênh trên mặt nước.
Cầu kỳ ở chỗ mỗi tấc vách được dùng để vẽ một bức đồ, một hình tượng, hoặc treo một vật trang trí, hoặc gì gì nữa, chẳng có một tấc nào bỏ không.
Trong gian phòng đó có một chiếc giường, so với mọi chiếc giường khác thì nó nhỏ hơn nhiều, giường đặt tận góc phòng cạnh có một chiếc ghế nhỏ, một chiếc bàn nhỏ trên bàn có một bình hoa cũng nhỏ luôn.
Hình như chủ nhân có một dụng ý chi đó, nên những gì trong gian phòng cũng như chính gian phòng đều thu hẹp hình thức.
Hình thức thu hẹp, cũng là một điểm cầu kỳ của người kiến tạo căn phòng.
Phương Bửu Ngọc kiểm soát một lượt.
Gối đẹp, nệm êm chăn ấm, màn hoa, trà thơm, bông lạ màu sắc mát mắt.
Còn gì nữa, mới đủ cho một người khó tánh, trong lúc cần phải nằm?
Những gì ăn được, uống được trong gian phòng, lại không có độc.
Những đồ vật được sắp xếp đúng vị trí, chứng tỏ không có một cạm bẫy nào mà những vật đó che giấu.
Vào đây, ta được an thân lại còn được an tâm.
Dè dặt hơn, chàng lấy ngón tay bửa nhẹ vào vách cửa.
Cửa bằng gỗ chứ không bằng sắt.
Chàng lại gõ vào vách phòng, vách là loại tường đất, điều đó thì chàng chắc chắn lắm rồi.
Và như vậy, gian phòng này không phải là một hang quỷ, nếu chàng còn nghi ngờ thì thực là chẳng phụ cái hảo ý của Vương đại nương quá chừng.
Một gian phòng như thế này, đâu phải là một nhà ngục.
Giá như có một sự bất trắc nào đó xảy ra chàng muốn thoát đi cũng chẳng khó khăn gì.
Phải chứ, dè dặt như chàng, tinh tế như chàng, nếu không khám phá ra cạm bẫy thì phải hiển nhiên là chẳng có cạm bẫy.
Chắc chắn là mình an toàn rồi, Phương Bửu Ngọc suy nghĩ đến trường hợp Vương đại nương không có ý hại chàng! Điều này làm cho chàng hết sức lạ lùng!
Chàng không bao giờ tưởng tượng một sự việc như thế.
Bây giờ bà ta không còn hại người nữa sao? Bà ta hồi đầu hướng thiện thực sự rồi sao?
Nếu thế, chàng sẵn sàng tha thứ cho bà, quên những hành động độc ác của bà từ nhiều năm qua.
Con người có tội, đang lúc gây tội chàng còn dung thứ được huống hồ một người đang nuôi đường thiện ý ăn năn?
Đối với ngoại nhân chàng hết sức rộng lượng, song đối với riêng mình, thì luôn luôn chàng nghiêm khắc, chàng chủ trương dung nhân, khắc kỷ, nên lúc nào cũng đề cao cảnh giác để đạt đến chân, thiện, mỹ.
Nghĩ ngợi một lúc, chàng lên giường nằm.
Cơn mệt mỏi từ hai hôm nay, chàng bỏ quên đó, giờ khi chàng đặt lưng xuống chiếc giường êm ái thì nó trở lại nhanh chóng, nó bắt đầu kéo đôi mi mắt chàng đè nặng, trong lúc chăn nệm tự chàng đưa chàng từ mơ màng vào giấc mộng.
Chàng ngủ chẳng biết được bao lâu.
Bỗng chàng bừng tỉnh, tim đập mạnh. Tâm linh đã khích động rồi, và mỗi khi con tim đập mạnh như vậy là chắc chắn có một biến cố đối với chàng.
Chàng từng ứng nghiệm như vậy từ ngày dấn thân vào kiếp giang hồ.
Chàng đảo quanh mắt, nhìn quanh gian phòng.
Tất cả những vật dụng còn y nguyên, vật nào ở đâu, vẫn ở đấy, còn đủ như lúc chàng mới vào.
Như vậy là chẳng có ai vào đây trong lúc chàng ngủ.
Như vậy là biến cố không phát sinh ngay tại gian phòng.
Thế thì tại sao tâm linh chàng báo động? Tại sao Vương đại nương hãm hại chàng nếu thực sự có biến cố?
Chàng còn mệt, nhưng tâm trí vẫn sáng suốt. Thoạt tiên chàng cử động tay chân. Tay chân cử động như thường. Rồi chàng vận khí, lưu chuyển khắp thân thể. Không một huyệt đạo nào bị bế tắc. Không một bộ phận nào đau đớn hoặc khác lúc bình thường.
Như vậy chàng cũng không trúng độc. Nếu có biến cố, thì biến cố từ đâu đến, biến có do ai và bằng cách nào? Nếu không có biến cố, tại sao tâm linh lại báo động?
Bất giác chàng giật mình.
Bên ngoài có tiếng động, tiếng động rất kì dị, mường tượng tiếng tằm ăn dâu, mà cũng giống tiếng gió quét qua một cánh rừng khô, cành gãy đổ.
Âm thanh đó là gì nhỉ?
Phương Bửu Ngọc vận dụng khối óc tinh minh, tìm hiểu mãi song không hiểu nổi.
Lạ lùng thay, âm thinh không lớn, nhưng lại vang đều, vang liên tục chừng như vang đủ bốn phía.
Chưa tìm hiểu được âm thinh đó là âm thinh gì, Phương Bửu Ngọc bỗng nghe nóng.
Chẳng những nghe nóng, chàng còn cảm thấy ngột, không khí oi bức như đang giữa mùa hạ, không một ngọn gió con.
Cái gì thế?
Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn là có biến cố rồi, chàng tin chắc chắn như vậy, có điều chưa biết biến có thế nào.
Chàng lập tức hướng tới mở cửa.
Then chốt được tháo gỡ kỹ lắm, song chàng đẩy thế nào cửa vẫn không bật cánh.
Không do dự chàng vung tay đấm vào cửa.
Công lực của Phương Bửu Ngọc nào phải tầm thường? Tự nhiên, cánh cửa vỡ, vánh rơi từng mảnh nhỏ xuống nền phòng.
Nhưng vô ích, bên ngoài còn có một khung cửa sắt chắn cứng.
Cửa sắt không có thép bưng bít, mà chỉ gồm toàn những chấn song sắt kết thành cột song rất to, bất cứ một người nào, công lực cao thâm đến đâu cũng không làm sao mà phá nổi.
Qua những chấn song, những lưới lửa táp vào.
Lưỡi lửa phớt qua mặt Phương Bửu Ngọc, chàng lùi lại tránh, rồi bước nhanh tới tung chưởng định phá các chấn song.
Cũng vô ích luôn.
Những chấn song không hề rung chuyển. Thế là chắc rồi, người ta phóng hỏa thiêu hủy ngôi nhà này, đốt cháy chàng!
Chàng nhảy tạt qua một bên vách.
Vách bằng đất làm sao nổi một chưởng của chàng?
Đất rã ra rơi xuống lộp độp. Nhưng trong đất cũng có những chấn song to như song cửa.
Thì ra, vách đất tô lên đó nguỵ trang chấn song và hiện tại Phương Bửu Ngọc như ở trong một chiếc lồng sắt.
Vách bằng đất tô, trong đất hẳn phải có cỏ, cỏ khô là vật rất nhạy lửa, lửa bên ngoài táp vào gặp cỏ, cỏ bốc cháy bừng bừng.
Lửa đã vào phòng rồi, từ cửa, từ một vách. Một phía vách đã vậy hẳn các phía vách kia cũng vậy.
Phương Bửu Ngọc dù thông minh tuyệt đỉnh, trong cảnh này cũng đành chịu chết, chẳng nghĩ được cách nào thoát thân.
Bỗng chàng nghe có tiếng người kêu la.
Tiếng kêu phát lên từ phía tả vọng lại.
Phương Bửu Ngọc nghĩ ngay đến Tiểu công chúa. Bất giác chàng giật mình, nghĩ là nàng cũng đồng cảnh ngộ với chàng.
Chàng vọt mình về phía tả, vung chưởng vào vách.
Đất rã ra, rơi xuống chấn song sắt hiện rõ. Bên kia hàng song sắt, Tiểu công chúa đang gào thét ầm ĩ.
Gương mặt đẹp ngày nào giờ đây mất sắc, niềm kinh hãi lẫn căm hờn bốc lên. Phương Bửu Ngọc nghe nhói ở con tim.
Thà rằng chàng chịu một tai nạn, hoạn họa, chàng không muốn nàng gặp cảnh hãi hùng.
Trong gian phòng của nàng, lửa cũng bắt đầu xâm nhập.
Cả hai gian phòng liền vách nhau cả hai người vừa thấy nhau, Tiểu công chúa lập tức chạy đến cạnh chấn song, òa lên khóc.
Bên này lòn tay qua, bên kia lòn tay lại, chấn song ngăn chặn ở giữa họ cùng nắm tay nhau, họ cùng bóp mạnh tay nhau, họ áp sát thân hình vào chấn song, cho được gần nhau hơn.
Qua giữa chấn song đối mặt kề nhau thân thiết vô cùng.
* * * * *
Lửa bắt đầu đốt cháy, chăn màn, dần dần bén sang những vật khác.
Trong hai gian phòng, vật nào cũng dẫn hỏa, trừ mấy cái chén nước, bình trà, bình hoa.
Lửa bên trong cháy, lửa bên ngoài cháy.
Khoảng trống còn lại cả hai thu hẹp dần, số lượng không khí tiêu hao dần dần, đúng hơn, dưỡng khí tiêu hao dần dần.
Nóng.
Cái gì cũng nóng, chấn song bằng sắt càng nóng hơn.
Phương Bửu Ngọc và Tiểu công chúa áp mặt vào chấn song cả hai đều không nghe nóng chút nào.
Hiện tại họ không sống bằng xác, mà họ sống bằng hồn, họ chỉ nghĩ đến nhau bất chấp lửa gần, lửa xa, lửa ngoài, lửa trong.
Thân hình họ rung rung, tay họ rung rung, tay càng rung họ càng bóp mạnh.
Tiểu công chúa hé môi lướt trên má Phương Bửu Ngọc, một lần, hai ba lần, mươi lần, ngàn muôn lần, mãi mãi…
Lướt một lúc nàng gọi :
– Bửu Ngọc!…
Tha thiết quá mà cũng thống thiết quá. Hai tiếng đó đầy đủ lắm rồi, hai tiếng đó nói lên tất cả ý niềm chất chứa từ bảy năm qua, hai tiếng đó mở rộng cánh cửa lòng khi hỏa ngục mở rộng cửa đến họ.
Phương Bửu Ngọc rung giọng :
– Hiền muội!…
Mãi đến hôm nay, sau một thời gian dài hoa bảy lần trổ lá, bảy lượt thay, chàng mới nói được hai tiếng mà chàng dành sẵn nơi đầu lưỡi.
Nhưng hai tiếng đó, dính khàn đầu lưỡi, hàng trăm, hàng ngàn lần, chàng toan đưa ra ngoài vẫn không làm sao đưa lọt vành môi và cuối cùng thì chàng lại dùng hai tiếng cô nương mà đàm thoại.
Giờ đây, trong tầm tay của tử thần, chàng mới thốt lên được.
Thôi được rồi, chàng thốt mãi thôi để bù trừ những khi ấm ức nơi yết hầu, từ yết hầu ra, từ đầu lưỡi vào…
Chàng rung người khi thốt lên hai tiếng đó, rồi chàng tiếp nối luôn :
– Hiền muội có sao không?
Tiểu công chúa cũng như chàng, chờ mãi suốt bảy năm mới nghe được ba tiếng đó.
Giá như trước kia, chàng gọi nàng như vậy hẳn nàng đã sừng sộ rồi, dù khoan khoái, dù rung cảm cũng sừng sộ như thường bởi nàng không chấp thuận cho Phương Bửu Ngọc thắng lợi trước mặt nàng bất cứ về phương diện nào.
Giờ đây, khi cả hai cùng sắp sửa nắm tay nhau bước qua ngưỡng cửa Quỷ Môn quan, nàng quên mất cái thói quen sừng sộ, cái thói tranh thắng trẻ con của nàng, nàng đê mê với hai tiếng hiền muội mà chàng vừa xưng hô.
Để đáp lại, nàng đổi ngay tiếng gọi :
– Tiểu muội,… chẳng sao, còn… Phương ca?… Phương ca có thể thoát đi được chăng?
Phương Bửu Ngọc hỏi lại :
– Hiền muội? Thoát đi được chăng?
Tiểu công chúa cười đáp :
– Tiểu muội…
Nàng hỏi nhanh :
– Không lẽ Phương ca cũng như hiền muội?…
Phương Bửu Ngọc gật đầu :
– Như vậy rồi hiền muội ơi! Chúng ta đồng cảnh ngộ!
Họ đối đáp với nhau, gấp giọng, họ nghẹn ngào, họ nức nở, cho nên họ không nói kịp những gì muốn nói, muốn gấp, thành ra lấp vấp, khi tiếng nói thoát lọt rồi, âm thinh hơi lệch đi phần nào.
Tiểu công chúa đổ lệ như mưa, giọng nàng rung cực độ :
– Phương ca đành chịu chết với tiểu muội?
Phương Bửu Ngọc gật đầu :
– Đành! Đành lắm hiền muội ơi! Chết với hiền muội là cái chết sung sướng nhất, êm ái nhất! Được chết với hiền muội, cảm bằng hưởng ngàn tuổi thọ!
Tiểu công chúa hỏi :
– Giả như Phương huynh thoát đi được, Phương huynh có bỏ rơi tiểu muội chăng?
Phương Bửu Ngọc hỏi lại :
– Đâu hiền muội nói thử nghe?
Tiểu công chúa thốt gấp :
– Phương ca không bỏ rơi! Không bỏ rơi tiểu muội!
Phương Bửu Ngọc kéo tay nàng, sát mình hơn, buông tay nàng, ôm lưng nàng, gật đầu nhanh :
– Không bỏ rơi! Không! Nhất định không, hiền muội ạ!
Tiểu công chúa khóc mãi! Mặt nàng đang ngập lệ, lệ chảy xuống không kịp, lệ trào mi ứ đọng.
Nhưng miệng nàng lại nở một nụ cười!
Lệ sung sướng, nụ cười tươi quá dưới cơn mưa lệ! Nàng thốt :
– Tốt! Tốt! Chúng ta cùng chết chung, Phương ca ơi…
Phương Bửu Ngọc cũng cười qua màn lệ :
– Phải! Chết chung! Mình chết chung với nhau, hiền muội ơi!…
Rồi chàng tiếp :
– Tâm ý của ngu ca hiền muội thừa hiểu rồi mà!
Tiểu công chúa nức nở :
– Tiểu muội… trước kia…
Nàng lắc mạnh đôi vai của Phương Bửu Ngọc, rồi nàng gào lên :
– Phương ca ơi! Tiểu muội lỗi lắm! Tiểu muội không xứng đáng với Phương ca!
Phương Bửu Ngọc vuốt ve :
– Không đâu! Hiền muội chẳng có lỗi gì cả. Mà dù hiền muội có lỗi, một câu nói đó cũng xóa tan mọi lỗi rồi! Ngu ca nghe được câu đó lòng cởi mở phi thường! Ngu ca hân hoan lắm hiền muội ạ!
Tiểu công chúa tiếp :
– Tiểu muội biết, trước kia, tiểu muội luôn làm cho Phương ca thương tâm. Phương ca khó chịu nhưng… Phương ca có biết không, tiểu muội càng chống đối Phương ca, lại càng yêu Phương ca vì quá yêu nên mãi trêu phá Phương ca…
Phương Bửu Ngọc chận lại :
– Còn ngu ca…
Tiểu công chúa lại chận :
– Tánh tình của nữ nhân, nam nhân không hiểu nổi đâu, Phương ca ơi! Tiểu muội…
Nàng mủi lòng khóc nữa!
Vừa khóc nàng vừa thú tội :
– Tiểu muội ích kỷ, tiểu muội đa nghi, tiểu muội tự đắc tật đố, tuy yêu Phương ca, tiểu muội không thích nghe ai khen Phương ca thông minh tài giỏi hơn tiểu muội, cái tâm của tiểu muội là con độc xà chực có cơ hội là cắn, là hủy diệt Phương ca.
Phương Bửu Ngọc dịu giọng :
– Được! Được rồi, hiền muội, hiện tại thì chẳng còn quan hệ, chẳng còn gì quan hệ cả hiền muội ạ!
Tiểu công chúa rung giọng :
– Nhưng… Phương ca có tha thứ cho tiểu muội không?
Phương Bửu Ngọc thốt gấp :
– Tha? Ngu ca có chấp nhứt hiền muội bao giờ đâu? Không bao giờ ngu ca để ý đến những sự trêu phá của hiền muội cả! Ngu ca biết mà, vì hiền muội quá yêu ngu ca mà!
Tiểu công chúa tự mắng :
– Tại sao tiểu muội bại hoại quá chừng?
Nàng lo sợ, hỏi tiếp :
– Phương ca quên hết những lỗi lầm của tiểu muội, phải không Phương ca?
Phương Bửu Ngọc gật đầu :
– Phải! Phải! Quên hết! Quên tất cả!
Chàng nhấn mạnh :
– Cái tâm của ngu ca, chẳng khi nào biến đổi!
* * * * *
Lửa vẫn cháy.
Lửa cháy càng lúc càng mạnh.
Lửa càng nóng, tình của họ càng nóng, tình của họ nóng hơn lửa, nên họ không xem cái nóng của lửa ra gì.
Cách khoảng chấn song, họ vẫn cố ôm nhau, ôm càng lúc càng khăng khít.
Song sắt bị lửa nung nóng, họ vẫn không màng. Họ cứ nép sát mình vào song. Họ cố ôm nhau chặt hơn.
Giờ đây, họ hoàn toàn ở trong biển lửa.
Lửa dợn sóng, nhưng là sóng mà người đi sông đi biển gọi là sóng lưỡi búa, có điều là sóng lửa cao ngọn hơn.
Sóng nước ầm ầm, sóng lửa rần rần, sóng nước làm chết người chậm, sóng lửa làm chết người gấp.
Họ vẫn không màng đến cái gì ngoài họ, họ vẫn tiếp tục tâm sự :
– Phương ca ơi! Trước kia tiểu muội rất sợ chết! Giờ thì tiểu muội cảm thấy cái chết hấp dẫn quá, cái chết đáng yêu quá! Tiểu muội nếu còn hai tay nữa, chắc tiểu muội ôm ngay cái chết, sợ nó chạy đi!
Nàng thốt say sưa, nếu Phương Bửu Ngọc không chận lời, có lẽ nàng còn ca tụng cái chết lâu hơn.
Phương Bửu Ngọc gật đầu :
– Phải! Cái chết không đáng sợ, không có gì đáng sợ. Cái chết hấp dẫn lắm!
Tiểu công chúa say sưa :
– Tiểu muội thích cái chết quá chừng, Phương ca ơi!
Phương Bửu Ngọc mơ màng :
– Ngu ca cũng vậy!
* * * * *
Họ khỏi cần mong muốn. Họ khỏi sợ mất, bởi cái chết đang tiến dần đến họ, và cái chết đã đến tầm tay của họ rồi, họ chỉ vươn tay ra chụp là được.
Lửa càng bốc cháy rần rần họ càng ôm nhau chặt hơn.
Bỗng có người cao giọng thốt :
– Người xưa có nói :
Sớm nghe cái đạo lý, chiều lại có chết cũng vui!
Hai tiểu tử kia, các ngươi đúng là sớm nghe cái tình rên rỉ, chiều lại có chết cũng chết với thú vị!
Tiểu công chúa và Phương Bửu Ngọc cùng giật mình, cùng kêu lên :
– Vạn lão phu nhân?
Người đó cười khổ thành tiếng :
– Không là già thì còn là ai nữa? Hai người cởi mở mà chết, còn già thì oan hờn mà chết! Già chết oan uổng quá! Hai ngươi chết có đôi có bạn xuống huỳnh tuyền vẫn còn tỉ tê tâm sự với nhau được, già chết đi lại trở thành một con quỷ đơn côi!
Phương Bửu Ngọc hỏi :
– Bà ở đâu?
Chàng không cần nghe Vạn lão phu nhân đáp, vừa quay người lại đã thấy Vạn lão phu nhân trong gian phòng bên hữu, vách ngăn đã ngã, lửa cũng bắt cháy bên trong như gian phòng của chàng và của Tiểu công chúa.
Vạn lão phu nhân cũng đến cạnh chấn song cho được gần họ.
Trong hoạn nạn, con người đồng cảnh thường nhích lại gần nhau, gần thân thể mà cũng gần linh hồn.
Tiểu công chúa vẫn còn nắm tay Phương Bửu Ngọc, lẩm nhẩm :
– Chết, chắc chắn là phải chết, thì tại sao lại không vui mà chết? Buồn rồi có hy vọng sống sót được không? Vạn lão phu nhân ơi, bình thường bà rất sáng suốt, rất hiểu thời vụ lắm mà sao hôm nay bà tối dạ thế chứ?
Trong khi nàng thốt, Phương Bửu Ngọc nhìn quanh.
Thì ra khác hơn mọi ngôi nhà, chỉ có mỗi một gian phòng, ngôi nhà này có bốn phòng và Vương đại nương nhốt cả ba dưới một mái nhà.
Vạn lão phu nhân hừ một tiếng hỏi lại :
– Ai bảo với ngươi là chúng ta phải chết? Ai bảo chứ?
Lửa đã cháy xém mớ tóc bạc của bà, lửa cũng cháy một phần y phục của bà. Vậy mà bà vẫn chưa tin là phải chết!
Bà hét lớn :
– Nếu là một kẻ nào khác, thì phải chịu chết là lẽ đương nhiên rồi.
Song Phương Bửu Ngọc chẳng phải là một kẻ tầm thường, Phương Bửu Ngọc là con người phi phàm, thì khi nào lại chịu chết? Phương Bửu Ngọc! Ngươi đừng quên mình là một siêu nhân, trời sanh ra ngươi để làm những cái gì mà tất cả thế nhân không làm nổi! Phương Bửu Ngọc!
Ngươi luôn luôn phải nhớ như vậy!
Phương Bửu Ngọc trầm gương mặt, vẻ ảm đạm hiện lên, thở dài :
– Tại hạ đã hết sức mình…
Vạn lão phu nhân sôi giận :
– Vô lý! Vô lý! Ngươi đã hết sức? Sức gì? Ngươi đinh ninh là mình phải chết, ngươi bị cái chết ám ảnh, ngươi cảm thấy sống là khổ là phiền, là lụy, ngươi muốn tránh cái khổ cái lụy phiền… Sức gì mà ngươi cho là hết? Tại sao hết? Ngươi dùng sức vào việc gì? Nói cho ta nghe đi?
Phương Bửu Ngọc lắc đầu :
– Tại hạ đã thực nghiệm rồi, bà ạ! Hoàn toàn vô vọng!…
Vạn lão phu nhân quát :
– Biết! Ta biết ngươi có thực nghiệm rồi, nhưng trước khác, bây giờ khác, trước khi chấn song sắt còn nguội lạnh, sắt phải cứng, giờ thì lửa đã nung, lửa nung đã lâu sắt phải mềm! Ngươi biết chưa? Sao ngươi quên điều đó? Hở Phương Bửu Ngọc!
Phương Bửu Ngọc chớp mắt :
– Điều đó…
Tiểu công chúa dịu giọng :
– Đừng, Bửu Ngọc, đừng thử nữa làm gì! Kéo dài sự sống làm chi?
Càng sống dai, càng chịu khổ dài, chết là giải thoát, chết là nhẹ nhàng, Bửu Ngọc ơi!
Phương Bửu Ngọc gật đầu :
– Hà huống lửa cháy dữ thế này… ngu ca…
Vạn lão phu nhân gầm lên như sấm :
– Vô dụng! Hai kẻ vô dụng! Sao các ngươi ngu thế? Tuổi còn trẻ tương lai còn dài, hưởng thọ còn chờ vô số, danh vọng, tiền tài, ái ân tình nghĩa, bao nhiêu hạnh phúc đang được dành cho các ngươi ở cuối đoạn đường, tại sao các ngươi bỏ dở độ đường? Già như ta còn chưa muốn chết, sao các ngươi chán sống trong khi mùi sữa mẹ còn phảng phất nơi vành môi?
Phương Bửu Ngọc nhìn bà, rồi lại nhìn Tiểu công chúa, đoạn cúi đầu buông gọn :
– Tại hạ hết năng lực rồi bà ạ!
Vạn lão phu nhân hét :
– Câm! Câm ngay! Ta không muốn nghe lời nói nhảm. Cái vọng khí cầu san của ngươi đã tiêu tan rồi, bây giờ thì ngươi quá nhu nhược, ngươi vẫn còn muốn sống, sống dai nhưng ngươi sợ khổ, ngươi trốn tránh cái khổ, ngươi ngán đấu tranh giành sự sống! Hèn! Hèn! Phương Bửu Ngọc!
Tiểu công chúa nhắm mắt lại, thốt mơ màng :
– Chết! Một cái gì tưởng tượng xa xăm! Một cõi u mờ, nhưng lại êm đềm khoan khoái… Chết là đi vào mông lung nơi đó không ai bận lo nghĩ đến ai, không ai quấy nhiễu ai…
Phương Bửu Ngọc thở dài :
– Ngu ca mệt lắm rồi!… Mệt suốt bảy năm qua, mệt từng ngày, càng ngày càng mệt thêm, ngu ca cần ngơi nghỉ, ngu ca mong được ngơi nghỉ vĩnh viễn! Vĩnh viễn!
Lửa đã cháy đến mình Vạn lão phu nhân nhiều hơn trước, y phục bắt lửa, bà dập tắt nơi này thì nơi khác lại bén lên, bà luôn tay dập tắt, bà tức hay bà run sợ, những ý niệm tương phản khuấy động mạnh tâm tư bà.
Bà run người, bà nghiến răng.
Bỗng bà bật cười cuồng dại.
Tiểu công chúa nói :
– Bây giờ bà thức ngộ ra cái chết là điều khoan khoái nhất nên bà bật cười có phải không?
Vạn lão phu nhân càng cười lớn :
– Ta cười, vì ta có một mắt mà cũng như mù. Từ lâu ta đinh ninh là Phương Bửu Ngọc đáng mặt anh hùng, ngờ đâu, hắn chỉ là một tên khốn nạn, một gã súc sanh. Ta nhìn lầm người!
Phương Bửu Ngọc dựng cao đôi mày, nhưng chàng cố lắng niềm phẫn uất, giữ vẻ thản nhiên thốt :
– Mắng đi bà, cứ mắng! Mắng đến khi nào bà cảm thấy cần để cho cái lưỡi nghỉ ngơi thì thôi. Bà cho rằng cái sống đáng hưởng, và ai ai cũng cố gắng kéo dài cái sống. Bà hưởng được bao nhiêu năm, hở bà? Giả như hạn định cái sống trong vòng trăm năm thì trong vạn sáu ngàn ngày đó bà có sung sướng trọn chăng? Bà có nhớ rằng, con sâu làm hỏng trái, còn bướm làm hỏng hoa; và sanh lão bện tử là kẻ thù của cái sống chăng? Đem lên bàn cân mà nhìn, cái sướng nhẹ hơn cái khổ nhiều đó bà! Huống chi, cái sướng hiện lên, rồi tiêu tan như mây, như khói, bà ham làm chi mà không tìm gấp cái chết? Bà còn lưu luyến thiết tha chi cái phù phiếm mà không tìm lối thoát muôn đời? Bà quý trọng làm chi cái sống tạm giữa thế nhân mà không tìm cái sống vĩnh viễn với đất trời? Thôi đi bà, chết là phải đó bà! Bà thích sống cứ sống, tại hạ thấy cần phải chết, bà cứ để cho tại hạ chết.
Vạn lão phu nhân lại hét :
– Súc sanh! Khốn nạn! Hèn mạt! Ngươi có biết tại sao ta mắng ngươi không?
Phương Bửu Nhi lắc đầu :
– Không biết được đâu bà ạ! Bởi tại hạ chẳng muốn tìm hiểu làm gì!
Vạn lão phu nhân cao giọng :
– Con người ta ai ai cũng có cha mẹ, ngươi có cha mẹ không?
Phương Bửu Nhi gật đầu :
– Có chứ? Không có cha sanh, mẹ đẻ, làm sao có tại hạ?
Vạn lão phu nhân tiếp :
– Con người ta, ai ai cũng trông thấy cha mẹ chứ ngươi có thấy cha mẹ ngươi lần nào chưa?
Phương Bửu Nhi rung rung người.
Chàng ấp úng :
– Tại hạ… tại hạ…
Lúc mới sanh ra, chàng được đưa ngay đến nhà ngoại tổ, sống với ngoại tổ, cho đến lúc Bạch Tam Không bị người áo trắng dùng kiếm đánh trọng thương, Bạch Tam Không xa lánh hồng trần, tám đồ đệ ly tán mỗi người một nơi…
Chàng cũng rời quê hương sống kiếp lưu ly…
Cho đến ngày nay, chàng nào có biết cha mẹ chàng là ai?
Cho đến ngày nay, có nghe ai nói đến cha mẹ chàng?
Lần thứ nhất, chàng mới nghe đề cập đến hai đấng sanh thành.
Nhưng đề cập mơ hồ, đề cập như một nguồn sản xuất, không tên không họ…
Một nguồn sản xuất vô danh, nếu không phải là vô thừa nhận!
Chàng xúc động tâm tình rung người, cúi đầu xuống.
Vạn lão phu nhân lại tiếp :
– Tiểu súc sanh! Ngươi có biết cha mẹ ngươi hiện giờ ở đâu chăng?
Phương Bửu Nhi lại rung lên.
Đột nhiên, chàng kêu lớn :
– Cha mẹ tại hạ ở đâu, chẳng lẽ bà biết được?
Vạn lão phu nhân bật cười ha hả :
– Nếu ta chẳng biết, thì khi nào ta nói chuyện đó với ngươi?
Phương Bửu Nhi rút tay khỏi bàn tay của Tiểu công chúa hỏi gấp :
– Ở đâu? Ở đâu? Bà nói nhanh lên!
Vạn lão phu nhân mắng :
– Tiểu súc sanh! Ngươi hèn, sợ sống khổ, ngươi muốn chết để trốn tránh cái khổ, thì cứ chết đi, còn hỏi gì nữa? Sắp chết rồi, ngươi có biết cũng chẳng ích lợi gì.
Phương Bửu Nhi nóng nảy quá chừng, trong lòng nóng hơn bên ngoài.
Chàng rung giọng quát :
– Nói! Bà chịu nói không?
Vạn lão phu nhân hừ lạnh :
– Ngươi muốn nghe, ta cũng chịu khó nói cho ngươi nghe. Cha mẹ ngươi hiện tại đang chịu đựng một sự thống khổ mà bất cứ ai trên thế gian này cũng không đủ sức chịu đựng, muốn chết không chết được, muốn sống thì chẳng ai dung cho sống!
Phương Bửu Nhi choáng váng mặt mày, như vừa bị sét đánh vào đầu.
Chàng băng mình qua vùng lửa, đến sát chấn song ngăn chàng và Vạn lão phu nhân, rung giọng hỏi :
– Thật hở bà?
Vạn lão phu nhân cười lạnh :
– Ta lừa ngươi làm gì? Ta lừa một kẻ sắp chết làm gì chứ? Hơn nữa ngươi không nên lo lắng cho họ làm chi, họ đã chịu khổ qua bao nhiêu năm tháng rồi bây giờ chịu thêm một thời gian nữa kể cũng chẳng sao. Thời gian còn lại trong kiếp sống của họ đó mà, ngươi hiểu chứ?
Phương Bửu Nhi hét lên một tiếng, chàng nhào tới.
Chẳng rõ vô tình hay hữu ý, Vạn lão phu nhân thọt đầu trượng qua bên kia phòng giam của chàng.
Chàng chụp đầu trượng giật mạnh.
Vạn lão phu nhân buông tay luôn.
Bây giờ, lửa cháy khắp gian phòng, cháy y phục, cháy tóc chàng.
Chàng vung chiếc trượng đánh chan chát vào những chấn song sắt bị lửa nung đỏ.
Có những chấn song cong queo, có những chấn song gãy lìa.
Phương Bửu Nhi giật mình, không rõ chàng vui mừng hay chàng kinh hãi.
Vạn lão phu nhân kêu lớn :
– Ngươi muốn cứu cha mẹ, thì đừng bao giờ tưởng chết!
Bà vọt mình ngang qua lỗ hổng sang phòng chàng.
Phương Bửu Nhi trở lại chấn song ngăn cách Tiểu công chúa, vận công lực vung chiếc trượng đập mạnh, đoạn chàng đảo bộ đập luôn chấn song cửa.
* * * * *
Lửa bên ngoài vẫn cháy đều, cháy mạnh.
Nhưng Phương Bửu Nhi, Tiểu công chúa và Vạn lão phu nhân đã ra khỏi vùng lửa.
Vạn lão phu nhân nhảy xuống suối reo lên :
– Khoái! Khoái vô cùng!
Đứng bên bờ suối, Tiểu công chúa như mất hồn, ngoại cảnh không còn gây cho nàng một cảm giác nào cả.
Thực ra nào phải chỉ có một mình nàng mất hồn? Tất cả ba người đều mất hồn, bởi con người từ cõi chết trở lại cõi sống tránh sao được sự sửng sốt trong phút giây bất ngờ.
Có điều Vạn lão phu nhân và Phương Bửu Nhi trầm tĩnh hơn nên cả hai lấy lại bình thường nhanh chóng hơn.
Trong lúc chạy, cả ba còn ở giữa biển lửa, họ nhắm mắt chạy đến suối rồi, họ tưởng đâu đã thoát nạn.
Họ thấy nước, ai ai cũng lộ vẻ mừng, nhưng chỉ có Vạn lão phu nhân là có phản ứng nhanh, nhảy xuống suối trầm mình trước, Phương Bửu Nhi và Tiểu công chúa còn sững sờ.
Và khi cả ba hoàn toàn bình tĩnh, cùng nhìn ra chung quanh, bất giác họ biến sắc mặt.
Phương Bửu Nhi kêu lên thất thanh :
– Cái gì thế này? Tại sao?
Thì ra lửa cháy khắp bốn phía, lửa cháy vòng ngoài, cách họ xa xa.
lửa bén dần vào họ.
Vòng vây lửa khép lại rất nhanh.
Cả một rừng hoa đang làm mồi cho lửa.
Thực ra, hoa cỏ, cây cối chung quanh là sinh vật, có chết khô mới bắt lửa, chứ còn tươi xanh thì làm gì cháy nổi?
Nhưng, chừng như trên mặt đất, khắp nơi, đều có mồi dẫn hỏa, do đó lửa lan dần, lan đến đâu đốt khô hoa cỏ cây cối đến đó, hoa cỏ và cây héo rồi khô, lại bắt lửa tiếp trợ cho mồi.
Cho nên lửa gặp sinh vật không tắt.
Chỉ trong mấy phút giây nữa, là lửa sẽ đến nơi.
Vạn lão phu nhân trồi đầu khỏi mặt suối, đảo nhanh mắt nhìn quanh cũng kêu gấp :
– Nguy! Nguy! Chạy đi lập tức!
Phương Bửu Nhi cũng chưa chịu chạy hỏi :
– Còn cái việc tại hạ hỏi bà đó, bà nói đi!
Vạn lão phu nhân hét :
– Vô luận ngươi hỏi gì, trước hết chúng ta phải chạy, chạy để thoát chết rồi hẵng hay!
Phương Bửu Nhi do dự một chút, rồi nắm tay Tiểu công chúa cùng nhảy xuống suối trầm giọng bảo :
– Bốn phía đều có lửa, chỏ có con suối này là lối thoát duy nhất thôi!
Vạn lão phu nhân tán đồng ngay :
– Thông minh đấy, bé con! Nhanh lên kẻo muộn mất!
Tiểu công chúa hiện tại lừng dừng như kẻ mất hồn, không còn một phản ứng để mặc cho Phương Bửu Nhi lôi đi.
Cũng may, suối không sâu lắm, họ đi rất dễ dàng.
Cây rừng, khóm hoa, nhà… tất cả đều làm mồi cho lửa.
Lửa bốc cao ngọn, suýt soát với ngọn cây, lửa ánh rực trời, nhuộm đỏ con suối giống như suối máu.
Một vài cành khô bị cháy, theo gió lốc bay xuống suối, đó là trở ngại duy nhất cho ba người thôi.
Phương Bửu Nhi một tay nắm Tiểu công chúa, tay kia vung chiếc trượng dài, đánh ra phía trước, gạt bắn những tàn lửa bay đến.
Chàng như Hồng Hài Nhi xung phá Liệt Hỏa trận!
Có thể bảo đây là lần thứ nhất, Phương Bửu Nhi phát động hùng oai, chứ bình thường thì chàng hết sức khiêm nhường, dù là khi giao đấu với một người quyết lấy mạng chàng.
Giả như đừng bận lo sợ về thế lửa đang hoành hành thì Vạn lão phu nhân và Tiểu công chúa phải thán phục chàng lắm lắm.
Song, trong cảnh sống chết qua mấy đường tơ kẽ tóc này, hai người còn cái tâm đâu mà tán thưởng võ công tuyệt đỉnh.
Nói là võ công cũng không đúng bởi muốn thi triển võ công, ít nhất cũng phải có một đối tượng.
Ở đây, thực sự cũng không có đối tượng, nhưng một thứ đối tượng không hồn, không chiêu thức, một thứ đối tượng không võ công, thì Phương Bửu Nhi đâu có thi triển võ công?
Nếu có thán phục chàng tất phải thán phục cái gan lỳ, cái trầm tĩnh của chàng.
Trong một trường hợp như thế này, còn giữ được trầm tĩnh để chặn đón cơn hãi hùng, kể ra phải là một người giàu tự tin lắm vậy!
Tự tin để tự cứu mình, tự tin để tự cứu đồng bạn.
Thỉnh thoảng, một cái cành cây bốc cháy rơi xuống, thỉnh thoảng lửa lại lan đến giữa suối do gió bốc đưa đi ở những nơi giòng suối co hẹp lại.
Rồi theo gió, nhiều thứ mùi cuốn đến, trong đó có những mùi khó ngửi, chẳng hạn mùi thịt cháy, thịt thú và thịt người…
Ai ngửi cùng một lúc nhiều mùi, hẳn phải gặp một vài mùi không thích lắm, và chính những mùi đó làm cho cả ba buồn nôn từng cơn.
Phảng phất qua những mùi đó, cái chết lởn vởn trước mặt họ. Và khi lửa bắt cháy đến thân xác họ, thì những mùi đó sẽ bốc từ xác họ mà loang ra không gian.
Chắc chắn là có người chết cháy trong cơn đại hỏa hoạn này.
Vạn lão phu nhân cau mày :
– Cái gì đã xảy ra? Không lẽ cường địch của Vương đại nương đến bất ngờ, phá hủy cơ nghiệp của mụ ấy, giết chết thuộc hạ mụ ấy? Hoặc giả…
Đột nhiên nơi bờ suối có tiếng rên.
Tiếng rên vọng đến tai họ, mặc dù tiếng lửa cháy kêu vù vù, ào ào, tiếng cây đổ rắt rắt…
Tiếng người rê, chứ không phải tiếng thú.
Nơi đây, làm gì có thú rừng? Nếu có thú, hẳn là thú nhà mà Vương đại nương đâu có nuôi thú?
Họ không phải tìm hiểu lâu, tiếng rên đó của ai phát lên.
Người phát lên tiếng rên từ trong lửa chạy ra, rồi phóng nhanh xuống suối.
Phương Bửu Nhi cấp tốc lướt tới, đưa tay đón người đó.
Y phục của người đó đã bị lửa đốt loang lổ, có nơi da phồng, có chỗ da mất, bày khoảng thịt ửng hồng.
Người đó chính là Bửu Mã thần thương Lữ Vân.
Phương Bửu Nhi kêu lên thất thanh :
– Lữ huynh!… Có tại hạ đây! Tỉnh lại đi, Lữ huynh! Tỉnh gấp!
Suýt hôn mê vì lửa, chạy chết, Lữ Vân may mắn chạy về phía suối, nhảy xuống suối rồi nước mát làm cho y tỉnh lại, y nghe rõ Phương Bửu Nhi gọi y.
Mở mắt ra y trông thấy Phương Bửu Nhi, y rất mừng, song phải một lúc lâu y mới hoàn toàn bình tĩnh, rồi y rên một lúc, sau cùng mới hỏi :
– Phương huynh… Phương thiếu hiệp… Mộng hay thực đây thiếu hiệp?
Phương Bửu Nhi đáp nhanh :
– Không phải mộng, Lữ huynh! Tại hạ đây, Phương Bửu Nhi đây, chúng ta còn sống cả mà! Tại sao Lữ huynh ra thân thể này? Việc gì đã xảy ra, Lữ huynh?
Lữ Vân thở phào, nhếch nụ cười thảm :
– Xong rồi! Tất cả đều xong rồi, Phương thiếu hiệp ơi! Chẳng còn gì nữa! Chỉ đáng hận cho tại hạ, không nghe lời thiếu hiệp, đem võ học bí truyền chỉ điểm cho ác phụ! Nếu không thì làm gì có sự việc như ngày nay! Nếu tất cả chưa truyền sở học cho ác phụ thì làm sao có người bị mụ ta ám hại?
Phương Bửu Nhi kêu lớn :
– Vương đại nương? Bà ta hạ thủ đoạn tàn độc?
Lữ Vân rung rung giọng :
– Chính mụ là thủ phạm!
Phương Bửu Nhi hỏi nhanh :
– Còn Hùng đại hiệp? Còn những người kia?
Lữ Vân thở dài :
– Xong! Xong rồi, Phương thiếu hiệp ơi! Họ đã ra đi, đi vĩnh viễn! Chỉ có mỗi mình tại hạ! Nhưng… còn lại mà để làm gì?…
Phương Bửu Nhi khuyến khích :
– Phấn khởi lên, Lữ huynh, Lữ huynh không chết đâu! Tại hạ dám quyết đoán chắc như vậy!