Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

Chương 12



Tôi ngủ thiếp đi và khi thức giấc, Zorba đã đi khỏi. Trời rét và tôi không muốn dậy tí nào . Tôi với lên mấy cái giá sách trên đầu và lấy xuống một cuốn tôi đã mang theo và rất mê: thơ Mallarmé. Tôi đọc chậm rãi, vớ đoạn nào đọc đoạn ấy.

Tôi gấp sách rồi lại mở và cuối cùng ném xuống. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cả tập thơ này như thiếu máu, vô vị hoàn toàn không có chất người. Những chữ xanh xao nhợt nhạt, rỗng tuếch trong một khoảng chân không.

Một thứ nước cất trong veo không có chút vi khuẩn, nhưng cũng chẳng có chất dinh dưỡng nào. Không có sự sống .

Trong những tôn giáo đã mất đi tia lửa sáng tạo, các thánh thần rút cục trở nên chẳng hơn gì những mô-típ thơ hoặc trang trí để điểm tô cho sự cô đơn của con người và cho những bức tường. Một cái gì tương tự đã xảy đến với loại thơ này. Những hoài bão cháy bỏng của con tim, mang nặng tình đất và hạt giống, đã trở thành một trò chơi trí tuệ hoàn hảo, một kiến trúc thông minh, lâng lâng và rắm rối. Tôi lại giở cuốn sách và lại đọc lần nữa. Tại sao những bài thơ này đã chinh phục tôi trong ngần ấy năm?

Thơ thuần túy! Cuộc sống đã biến thành một trò chơi trong suốt, sáng ngời, thậm chí không vẩn một giọt máu.

Tố chất người vốn thô lỗ, cục mịch, vẩn đục – nó được tạo nên bởi tình yêu, nhục dục và một tiếng kêu khốn khổ. Hãy để nó thăng hoa thành một ý tưởng trừu tượng và trong lò lửa của tâm linh, qua những quá trình khác nhau của thuật giả kim, hãy để cho nó loãng đi và bốc thành hơi .

Tất cả những cái đó, trước kia từng mê hoặc tôi, sáng nay tỏ ra chỉ là trò nhào lộn trí tuệ và ngón bịp đã tinh chế mà thôi! Một nền văn minh, đến lúc tàn lụi, bao giờ cũng thế! Và nỗi khổ não của con người thường kết thúc như thế – bằng những ngón ảo thuật bậc thầy: thơ thuần túy, âm nhạc thuần túy, tư tưởng thuần túy. Con người cuối cùng – kẻ đã tự giải thoát khỏi mọi tín ngưỡng, mọi ảo tưởng và không còn chờ đợi hoặc sợ hãi gì – thấy cái tố chất được dùng để lặn ra mình bị quy giản thành tinh thần và cái tinh thần đó chẳng còn đất để cắm rễ và hút nhựa.

Con người cuối cùng đã tự trút rỗng mình: chẳng còn mầm hạt, chẳng còn phân bã, chẳng còn máu. Sau khi biến mọi thứ thành ngôn từ, mọi cụm từ thành trò tung hứng âm nhạc, con người cuối cùng còn đi xa hơn nữa: ngồi trên tột đỉnh cô đơn, hắn phân tích âm nhạc đó thành những phương trình toán học câm lặng.

Tôi chợt giật mình. “Đức Phật chính là con người cuối cùng đó!” tôi kêu lên. Đó là ý nghĩa bí ẩn và ghê gớm của Người. Đức Phật là cái linh hồn “thuần túy” đã tự trút rỗng mình. Bên trong Đức Phật là trống rỗng, Người chính là Trống Rỗng. Hãy trút rỗng thể xác, hãy trút rỗng tinh thần, hãy trút rỗng con tim!” Người kêu gọi: Người đặt chân tới đâu, ở đó nước ngừng trôi, cỏ không mọc nữa, trẻ con thôi không ra đời.

Mình phải huy động ngôn từ và khả năng chiêu hồn của chúng, tôi nghĩ thầm, cần viện đến nhưng tiết tấu yêu thuật; bao vây Đức Phật, yểm bùa Người để trục Người ra khỏi lòng mình mới được! Mình phải quăng tấm lưới hình ảnh để bắt Người và tự giải thoát!

Trên thực tế, viết Đức Phật tức là chấm dứt làm bài tập văn chương. Đó là cuộc vật lộn sinh tử chống lại một sức mạnh hủy diệt to lớn rình rập trong tôi, một cuộc đấu tay đôi với một Khước Từ lớn đang làm hao mòn tim tôi và sự cứu rỗi linh hồn tôi tùy thuộc vào cuộc đấu này.

Một cách sôi nổi và quả quyết, tôi vớ lấy tập bản thảo. Tôi đã phát hiện ra mục tiêu của mình, giờ đây tôi biết phải đánh vào đâu! Đức Phật là con người cuối cùng.

Chúng ta mới ở bước khởi đầu: chúng ta chưa ăn uống, cũng chưa yêu thương cho đủ mức; chúng ta chưa sống. Ông già yếu ớt hết hơi ấy đã đến với chúng ta quá sớm.

Chúng ta phải trục xuất ông ta càng mau càng tốt!

Tôi tự nhủ như vậy và tôi bắt đầu viết. Mà không, đây không phải là viết. Đấy là một cuộc chiến thực sự, một cuộc săn đuổi không thương xót, một cuộc vây hãm, một bùa chú để trục con quái vật ra khói nơi nó ẩn náu.

Thực tế, nghệ thuật là một cách niệm thần chú diệu kì.

Những lực lượng tăm tối giết người rình nấp trong lòng chúng ta, những xung lực giết chóc, hủy hoại, hằn thù, gây ô danh. Thế rồi nghệ thuật xuất hiện với tiếng sáo ngọt ngào và giải thoát chúng ta.

Tôi viết, truy đuổi, vật lộn suốt ngày hôm đó. Đến tối, tôi kiệt sức. Nhưng tôi cảm thấy mình đã tiến bộ, đã chiếm được một số đồn tiền tiêu của địch. Lúc này, tôi bồn chồn chờ Zorba về để ăn, ngủ và bồi bổ lại sức lực đặng sáng sớm mai tiếp tục chiến đấu.

Khi Zorba bước vào lều thì trời đã tối mịt. Vẻ mặt lão rạng rỡ. Lão cũng đã tìm ra giải pháp cho một vấn đề gì, tôi thầm nghĩ. Và tôi đợi.

Tôi bắt đầu sốt ruột với lão và mới cách đây mấy ngày, tôi đã cáu kỉnh bảo:

– Zorba, vốn của chúng ta đã cạn dần. Cần làm cái gì thì làm nhanh lên! Hãy cho chạy hệ thống đường sắt treo đi. Nếu làm than không thành công thì ta hãy dốc toàn lực làm gỗ vậy. Nếu không thì thất bại đấy!

Zorba gãi đầu.

– Vốn đang cạn dần hả, sếp? Gay nhỉ! Lão nói.

– Còn gì nữa đâu, Zorba. Chúng ta đã ăn hết vốn.

Hãy làm một cái gì đi! Những thí nghiệm của bác ra sao rồi? Chưa có gì may mắn à?

Zorba rũ đầu xuống, không trả lới. Tối hôm ấy, lão đã cảm thấy xấu hổ.

– Cái độ dốc chết tiệt ấy! Lão cáu tiết nói. Tôi sẽ trị được nó!

Và giờ đây, lão trở về, mặt sáng ngời đắc thắng!

– Thành công rồi, sếp ạ! Lão reo lên. Tôi đã tìm ra góc độ thích hợp. Nó đã tuột khỏi tay tôi, cố chạy trốn, nhưng tôi túm lại được và ghìm chặt xuống rồi, sếp ạ!

– Vậy thì mau mau cho chạy! Bắt đầu tiến hành đi! Bác còn cần gì nữa nào?

– Sáng sớm mai, tôi phải ra tỉnh mua dụng cụ: Một dây cáp lớn bằng thép, những con ròng rọc, cuxinê, đinh, móc. Sếp đừng lo, tôi sẽ về rất sớm, có khi trước cả khi sếp thấy tôi đi cũng nên!

Lát sau, lão nhóm lửa, sửa soạn bữa ăn và chúng tôi ăn uống rất ngon miệng. Hôm ấy, cả hai chúng tôi cùng làm được việc.

Sớm hôm sau, tôi đi với Zorba tới tận làng. Chúng tôi nói chuyện về việc làm than bùn như những người nghiêm túc và có đầu óc thực tiễn. Trong khi đi xuống một quãng dốc, Zorba đá phải một hòn đá, làm nó lăn lông lốc.

Lão dừng lại một lúc, kinh ngạc, tựa hồ lần đầu tiên trong đời lão thấy cảnh tượng kỳ lạ ấy. Lão quay sang nhìn tôi và trong cái nhìn ấy, tôi nhận ra một thoáng hãi hùng.

– Sếp có thấy điều đó không? Cuối cùng lão nói. Trên những đoạn dốc, đá sống động trở lại.

Tôi không nói gì, nhưng cảm thấy một niềm vui sâu xa. Ấy, tôi nghĩ, các bậc thấu thị vĩ đại và các nhà thơ lớn nhìn mọi vật như vậy đó – như thể mới thấy lần đầu vậy.

Mỗi buổi sáng, họ thấy một thế giới mới trước mắt; không phải họ nhìn thấy thật sự, mà là họ sáng tạo ra nó.

Đối với Zorba, cũng như đối với những người đầu tiên trên trái đất, vũ trụ là một hình ảnh có sức nặng và cường độ; những vì sao lướt trên mình lão, biển xô vào thái dương lão. Lão nghiệm sinh cả đất, nước, muông thú và thượng đế, không qua sự can thiệp bóp méo của lý trí.

Mađam Hortense đã được báo trước và mụ đợi chúng tôi trên bậc cửa. Mụ trát bự phấn và có vẻ lo lắng.

Mụ đã trang điểm như chuẩn bị một chợ phiên vui nhộn tối thứ bảy. Con la đứng trước cổng nhà; Zorba nhảy lên lưng nó và nắm dây cương.

Ngư nữ già rụt rè tiến tới và đặt bàn tay nhỏ mũm mĩm lên ức con vật như muốn ngăn không cho người tình ra đi.

– Zorba… mụ thì thầm, kiễng chân lên. Zorba.

Zorba quay mặt đi. Lão ghét nghe những lời yêu đương dấm dớ kiều này ở giữa đường giữa phố. Người đàn bà tội nghiệp thấy vẻ mặt của lão và sợ hãi. Nhưng tay mụ vẫn áp chặt vào ức con la, đầy âu yếm van lơn.

– Cô muốn gì? Zorba giận dữ hỏi.

– Zorba, mụ khẩn khoản, hãy tử tế… Đừng quên em, Zorba . . . Hãy tử tế . . .

Zorba giật cương, không trả lới. Con la cất bước.

– Chúc may mắn, Zorba! Tôi nói to. Ba ngày thôi, bác nghe thấy không? Đừng quá đấy!

Lão quay lại, vẫy bàn tay hộ pháp. Ngư nữ già khóc, nước mắt cày lớp phấn trên mặt thành luống.

– Xin hứa với sếp! Zorba kêu với lại. Tạm biệt!

Và lão khuất dạng dưới rặng ô-liu. Mađam Hortense tiếp tục khóc, nhưng vẫn dán mắt vào cái đốm màu vui tươi tạo nên bởi tấm thảm đỏ mà mụ đã đặt rất cẩn thận để người tình ngồi cho êm. Vệt đỏ ấy lúc ẩn lúc hiện qua vòm lá ánh bạc; chẳng mấy chốc, nó cũng biến mất.

Mađam Hortense nhìn quanh. Cả thế giới trở nên trống vắng.

Tôi không quay trở lại bãi biển. Tôi cảm thấy buồn và đi về phía núi. Tới chỗ đường mòn dẫn lên núi, tôi nghe thấy tiếng kèn trompette: người đưa thư báo hiệu mình tới làng.

– Ông chủ! Bác ta vẫy tay, gọi tôi.

Bác tiến lại, đưa tôi một bó báo, mấy số tạp chí văn học và hai bức thư, tôi bỏ ngay một bức vào túi để đọc vào buổi tối, khi ngày làm việc đã kết thúc và tinh thần an tĩnh. Tôi biết người viết bức thư ấy là ai và tôi muốn hoãn chậm niềm vui của mình để nó kéo dài được lâu hơn.

Bức thư kia, tôi nhận ra bằng nét chữ sắc, giật giật và những con tem ngoại quốc: đó là thư của một trong những bạn học cũ của tôi, Karayannis, gửi từ một vùng núi hoang dã ở châu Phi, gần Tanganyika.

Karayannis là một người kỳ lạ, tính khí bồng bột, da ngăm đen, răng rất trắng với một chiếc răng nanh chìa ra như răng lợn lòi. Hắn không bao giờ nói bình thường, mà mở miệng là la thét. Hắn không bao giờ tranh luận, mà động bàn đến chuyện gì là cãi lộn. Hắn đã rời đảo Crete quê hương, nơi hắn đã từng là giáo sư thần học và tu sĩ. Hắn đã giăng gió với một cô sinh viên của mình và một hôm, hai anh ả bị bắt quả tang đang hôn nhau ngoài đồng và bị la ó. Ngay hôm ấy, tay giáo sư trẻ trút bỏ áo thầy tu và xuống tàu sang Châu Phi, tìm đến một ông chú và bắt tay vào làm việc rất hăng say. Hắn mở một xưởng làm thông, hái ra tiền. Thỉnh thoảng hắn viết thư mời tôi sang chơi và ở lại với hắn sáu tháng. Bất cứ lần nào mở một bức thư của hắn, trước cả khi đọc, tôi đều cảm thấy bốc lên từ những trang đặc chữ, bao giờ cũng được khâu lại với nhau, một luồng hơi mạnh làm tóc tôi dựng đứng lên. Lần nào tôi cũng quyết định sẽ sang Châu Phi thăm hắn, song chẳng bao giờ đi cả.

Tôi rời khỏi con đường mòn, tạt vào ngồi trên một phiến đá và bắt đầu đọc bức thư sau đây:

“Bao giờ thì cậu mới quyết định sang đây với mình, đồ con hà chết tiệt bám chặt vào những tảng đá của Hy Lạp. Cả cậu nữa cũng biến thành một tên Hy Lạp đê tiện điển hình, một kẻ chuyên lê la quán rượu và đắm mình trong sinh hoạt của các tiệm cà phê. Bởi vì cậu không cần nghĩ chỉ những tiệm cà phê mới là tiệm cà phê; cả sách vở, cả những thói quen và những hệ tư tưởng quý báu của cậu cũng là tiệm cà phê hết. Hôm nay là chủ nhật và mình chả có việc gì làm; mình đang ở điền trang và mình nghĩ đến cậu. Nắng như đổ lửa, không có lấy một giọt mưa. Ở đây khi trời đổ mưa vào tháng tư, tháng năm, tháng sáu, thì quả là một trận đại hồng thủy thật sự.

Mình sống mỗi một mình và mình thích thế. Ở đây có một lô một lốc những tên Hy Lạp đê tiện (có nơi nào mà cái lũ sâu bọ ấy không đến được không nhỉ), nhưng mình không muốn dây với chúng. Ngay cả nơi nào cái bọn lê la quán rượu các cậu – ma quỷ bắt các cậu đi! – cũng gửi đến bệnh hủi cùng cái thói nói xấu sau lưng tệ hại của các cậu. Chính trị đó là cái đang làm cho nước Hy Lạp lụn bại. Tất nhiên, cũng còn có cả nạn cờ bạc, dốt nát và những tội lỗi về xác thịt nữa.

“Mình ghét dân Châu u, chính vì thế mà mình lang thang nơi đây quanh quẩn trong vùng núi Usumbara. Mình căm ghét dân Châu u, nhưng hơn hết, mình căm ghét bọn Hy Lạp đê tiện và tất cả những gì là Hy Lạp. Mình sẽ không bao giờ đặt chân trở lại Hy Lạp. Đây là nơi mình sẽ sống nốt những năm còn lại. Mình đã thuê xây mộ sẵn ngay trước lều mình, trên sườn núi hoang dại này. Thậm chí mình đã dựng cả bia đá và tự khắc lên dòng này bằng chữ hoa lớn:

NƠI ĐY YÊN NGHỈ MỘT TÊN HY LẠP

CĂM GHÉT NGUỜI HY LẠP

“Hễ lúc nào nghĩ đến Hy Lạp là mình lại phá lên cười, khạc nhổ, chửi thề và khóc. Để khỏi phải nằm thấy người Hy Lạp và mọi cái gì là Hy Lạp, mình đã bỏ đất nước ra đi mãi mãi Mình đến đây mang theo số phận mình – không phải là số phận mang mình đến: con người làm theo ý mình lựa chọn! – mình mang số phận mình đến đây, mình đã và vẫn đang làm việc quần quật như trâu ngựa. Mình đang đổ mồ hôi và sẽ tiếp tục đổ hàng thùng mồ hôi. Mình chiến đấu với đất đai, với mưa gió và với thợ thuyền, những nô lệ đỏ và đen của mình.

“Mình chả có niềm vui thú nào. À mà có chứ, làm việc. Về thể xác và tinh thần, nhưng thiên về thể xác.

Mình thích làm đến kiệt sức, thích đổ mồ hôi. Thích nghe xương cốt mình kêu răng rắc. Một nửa số tiền bạc kiếm được, mình vứt đi, phung phí bằng bất cứ cách nào và ở bất cứ nơi nào mình muốn. Mình không phải là nô lệ của đồng tiền; tiền bạc là nô lệ của mình. Mình là nô lệ của công việc và mình lấy thế làm tự hào. Mình đốn cây, mình ký hợp đồng với bọn Anh; mình làm thừng, và bây giờ mình bắt đầu trồng cả bông nữa. Đêm qua, trong đám da đen của mình, hai bộ lạc Wá yao và Wá ngoni đã đánh nhau vì một người đàn bà – một con điếm. Chỉ vì tự ái thôi, cậu lạ gì. Y như bên Hy Lạp vậy. Chửi nhau, cãi lộn om xóm rồi rút gậy gộc ra. Họ choang vỡ đầu nhau vì ả. Giữa đêm bọn đàn bà chạy đến ôm mình, tru tréo đánh thức mình dậy để đến phân xử. Mình cáu tiết, đuổi tất cả xéo đi với ma quỷ, rồi bảo chúng đến cảnh cảnh sát Anh. Thế nhưng chúng cứ đứng ì trước cửa nhà mình gào suốt đêm. Sáng sớm, mình phải ra và làm trọng tài phân xử.

“Sớm mai, mình sẽ leo lên dãy núi Usumbara với những rừng rậm, suối mát và màu xanh vĩnh hằng của nó. Này cái đồ Hy Lạp đê tiện, đồi trụy kia, bao giờ cậu mới rứt bỏ được Châu u… “cái con đĩ thập thành ngồi vắt vẻo trên bao sông biển, từng phạm tội gian dâm với tất cả vua chúa trên trần . . .! ” Bao gìờ cậu mới đến để chúng mình có thể cùng nhau leo những trái núi hoang sơ và tinh khiết này?

” Mình có một đứa con với một phụ nữ da đen : một đứa con gái. Mình đã đuổi mẹ nó: mụ đã công khai cắm sừng lên đầu mình giữa thanh thiên bạch nhật, dưới tất cả những cây xanh trong rừng. Mình đã ớn mụ và tống cổ mụ ra khỏi nhà. Nhưng mình giữ con bé lại. Cháu lên hai. Nó đã biết đi và bắt đầu tập nói. Mình đang dạy nó tiếng Hy Lạp; câu đầu tiên mình dạy nó là: ” Tao nhổ vào mặt bọn bay, đồ Hy Lạp đê tiện, tao nhổ vào mặc bọn bay, đồ Hy Lạp đê tiện!”

“Nó giống mình, con nhãi con ấy, chỉ có cái mũi to, bẹt là của mẹ thôi. Mình yêu nó, nhưng chỉ như yêu con chó, con mèo thôi. Cậu hãy đến đây , làm một thằng nhóc với một mụ đàn bà Usumbara. Một ngày kia, ta sẽ cho hai đứa cưới nhau để mua vui cho bản thân chúng mình và cả chúng nó nữa!

” Thôi xin chào, chúc ma quỷ luôn đi với cậu và với mình, bạn thân mến!

KARAYANNIS , Servus diabolicus Dei ( [39] )”

Tôi để mở lá thư trên đầu gối: Một lần nữa, nỗi khao khát cháy bỏng muốn đi xa lại xâm chiếm tôi.

Không phải vì tôi muốn rời bỏ nơi đây – tôi ở trên bờ biển đảo Crete này hoàn toàn ổn, tôi cảm thấy sung sướng và tự do và tôi chẳng thiếu gì – mà vì tôi luôn luôn bị thiêu đốt bởi một nỗi khát khao: sờ thấy và nhìn thấy thật nhiều vùng đất và biển, tới mức tối đa có thể, trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Tôi đứng dậy, thay đổi ý định và đáng lẽ tiếp tục leo lên núi thì lại hối hả đi về phía bãi biển. Tôi sờ nắn bức thư kia trong túi trên của chiếc áo khoác và không thể đợi thêm nữa. Cái tiền vị ngọt ngào đến độ không chịu nổi của niềm vui này kéo dài thế là đủ.

Tôi về tới lều, nhóm lửa, pha ít trà, ăn chút bánh mì với mật ong và cam. Tôi cởi quần áo ngoài, nằm dài lên giường và mở bức thư:

“Chào sư phụ và tín đồ mới!

“Mình có một công việc to lớn và khó khăn ở đây, đội ơn “Thượng đế” – mình phải nhốt cái từ nguy hiểm này trong ngoặc kép (như nhốt một con thú dữ vào cũi sắt) để cậu khỏi phấn khởi ngay khi mở thư của mình ra.

Phải, một công việc rất khó khăn, đội ơn “Thượng đế”!

Nửa triệu người Hy Lạp đang lâm nguy ở miền nam nước Nga và vùng Caucasus. Nhiều người trong số đó chỉ nói được tiếng Thổ hoặc tiếng Nga, nhưng trái tim họ nói tiếng Hy Lạp rất nhiệt thành. Họ thuộc nòi giống ta. Chỉ cần nhìn họ, cái cách mắt họ ánh lên hau háu, soi mói, cái vẻ ranh ma và nhục dục của cặp môi khi họ mỉm cười, những ngón xoay xở của họ để trở thành các ông chủ và khiến được bọn mujich làm việc cho họ trên lãnh thổ mênh mông này của nước Nga – thế cũng đủ để thuyết phục ta rằng – họ là con cháu Odysseus yêu dấu của ta. Thế là ta đi đến chỗ yêu thương họ và không thể để cho họ bị tiêu diệt.

“Bởi vì họ đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Họ đã mất tất cả những gì họ có, họ đói rách, trần truồng. Họ bị hành cả hai phía – một đằng là bọn Bôlsêvích, đằng kia là bọn Kurd. Từ mọi ngả, dân tị nạn lũ lượt đổ về định cư ở tỉnh này tỉnh nọ thuộc Gruzia hoặc Acmêni. Lương thực, quần áo, thuốc men đều không có. Họ tụ tập ở các cảng, khắc khoải nhìn về phía chân trời. Họ mong có những con tàu Hy Lạp đến chở họ về đất mẹ Hy Lạp. Một bộ phận của nòi giống chúng ta – có nghĩa là một phần linh hồn chúng ta – đang trong cơn kinh hoàng.

“Nếu chúng ta bỏ mặc họ với số phận, họ sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta cần có rất nhiều tình yêu thương, thông cảm, nhiệt tâm và đầu óc thực tiễn (những đức tính mà cậu rất muốn thấy liên kết lại) nếu chúng ta muốn cứu họ, mang họ trở về mảnh đất tự do của chúng ta, nơi họ sẽ đắc dụng nhất, nghĩa là trên biên giới Macedonia và, xa hơn nữa, trên biên giới Thrace. Đó là cách duy nhất để chúng ta cứu hàng chục vạn người Hy Lạp, đồng thời tự cứu chúng ta cùng với họ. Bởi vì ngay sau khi tới đây, mình liền vẽ một vòng tròn theo cách cậu đã dạy mình và gọi vòng tròn đó là “bổn phận của mình “. Mình nói :

“Nếu ta cứu được toàn bộ vòng tròn này ta sẽ được cứu rỗi. bằng không ta sẽ rồi đời”. Vậy mà bên trong vòng tròn đó, là năm mươi vạn người Hy Lạp!

Mình đi về các tỉnh, các làng, tập hợp tác cả những người Hy Lạp, viết những bản tường trình, gửi điện tín, cố vận động các quan chức của chúng ta ở Athens gửi tầu thuyền, lương thực, quần áo, thuốc men và chuyển những con người khốn khổ ấy về Hy Lạp. Nếu như hăng hái và ngoan cường tranh đấu là hạnh phúc, thì mình đang hạnh phúc. Chẳng hiểu là mình có may cắt hạnh phúc theo vóc người của mình không – nói theo ngôn từ của cậu. Cầu trời là có , bởi vì nếu vậy mình ắt là một con người có tầm vóc lớn lao . Mình những muốn phát triển tầm vóc của mình tới mức có thể làm cho mình hạnh phúc, theo mình nghĩ; nghĩa là tới những đường biên giới xa nhất của Hy Lạp. Nhưng thôi, lý thuyết như thế là đủ rồi! Cậu đang nằm trên bãi biển Crete của cậu nghe tiếng biển và tiếng đàn santuri – cậu có thì giờ, còn mình thì không. Mình ngụp trong hành động và mình lấy thế làm vui thích. Hành động, sư phụ nằm ì của tôi, hành động, không có sự cứu chuộc nào khác đâu.

” Thực ra, đề tài suy tưởng của mình rất đơn giản và nhất phiến. Mình nghĩ những cư dân này của Pontus và Caucasus, những nông dân vùng Kars, các thương nhân lớn, nhỏ ở Tbilissi, Batum, Novo Rossisk, Rostov, Odessa và Crưm đều là đồng bào ta, họ cùng một dòng máu với ta; đối với họ, cũng như đối với ta, thủ đô Hy Lạp là Constantinople. Tất cả chúng ta có chung một thủ lĩnh. Người gọi thủ lĩnh đó là Odyssus, kẻ gọi là Consantinos Palaeoiogos ( [40] ) không phải là người đã bị giết dưới chân thành Byzamtium mà là người kia, nhân vật huyền thoại đã hóa thành đá cẩm thạch và vẫn còn đứng sừng sững đợi Thiên Thần Tự Do. Lỗi phép cậu, mình gọi vị thủ lĩnh đó là Acritas ( [41] ). Mình thích cái tên ấy hơn; nghe nó khắc khổ hơn và hiếu chiến hơn. Hễ nghe thấy cái tên ấy là trong ta nổi dậy hình ảnh Hellene vĩnh cửu, vũ trang khắp mình, chiến đấu không ngừng không nghỉ trên bờ cõi biên giới. Trên mọi biên giới: quốc gia, trí tuệ và tâm tình. Và nếu thêm chữ Digenes vào, ta càng mô tả hoàn hảo hơn các sản phẩm tổng hợp tuyệt diệu của phương Đông và phương Tây là nòi giống chúng ta .

Hiện nay mình đang ở Kars, mình đến để tập hợp tất cả những người Hy Lạp ở các làng lân cận. Vào hôm mình tới đây bọn Kurd đã bắt một thầy giáo và một linh mục Hy Lạp trong vùng và đóng móng ngựa vào chân họ. Các kỳ mục kinh hãi, trốn vào ngôi nhà mình đang ở. Chúng tôi nghe thấy tiếng đại bác của bọn Kurd mỗi lúc một gần lại. Tất cả những người Hy Lạp ấy dán mắt vào mình như thể mình là người duy nhất đủ mạnh để cứu họ.

“Mình định ngày mai đi Tbillissi, nhưng giờ đây, trước nguy cơ này bỏ đi thì thật xấu hổ. Cho nên mình ở lại. Mình không nói là mình không sợ, mình sợ nhưng mình xấu hổ. Trong trường hợp tương tự, liệu Chiến Sĩ của Rembrandt, người Chiến Sĩ của mình, có làm như thế không nhỉ? Hẳn anh ta sẽ ở lại. Vậy cho nên mình cũng ở lại. Nếu bọn Kurd vào thành phố, lẽ đương nhiên mình sẽ là người đầu tiên bị đóng móng, mà thế cũng đúng thôi. Sư phụ ạ, chắc chắn người chẳng bao giờ nghĩ rằng học trò người lại đi đến một kết thúc như vậy.

“Sau một cuộc bàn cãi dài cơ hồ không bao giờ dứt theo truyền thống Hy Lạp, chúng mình quyết định là tối nay, tất cả sẽ tập trung với la, ngựa, bò, cừu cùng đàn bà, trẻ con và tảng sáng, sẽ cùng xuất phát đi lên phía Bắc.

Mình sẽ đi tiên phong giữ vai trò con cừu đực hướng dẫn cả đàn.

“Một cuộc di trú của một dân tộc do tộc trưởng lãnh đạo qua các dãy núi và đồng bằng mang những tên thần thoại! Và mình sẽ là một thứ Môixe mô phỏng – dẫn giống nòi được chọn lựa tới Đất Hứa, như những người chất phác này thường gọi Hy Lạp. Dĩ nhiên, để thực sự xứng đáng với sứ mạng Môixe này và khỏi làm ô danh cậu, đáng lẽ mình phải thanh toán những cái xà cạp dạ thanh lịch mà cậu vẫn hay giễu và quấn chân bằng da cừu mới đúng. Lẽ ra mình còn phải có một bộ râu dài lượn sóng, trơn nhẵn và nhất là mộc đôi tù và nữa. Nhưng rất tiếc, mình không thể làm cậu hài lòng về điểm này được. Bắt mình thay đổi tâm hồn còn dễ hơn thay đổi phục. Mình đi xà cạp, râu ria cạo nhẵn như đầu ông sư, và mình không có vợ.

“Sư phụ, đệ tử vọng người sẽ nhận được thư này vì đây có thể là thư cuối cùng. Chẳng ai biết được. Mình không tin ở những lực lượng bí mật tả xung hữu đột, không độc ác, không mục đích, giết bất kỳ ai ngăn đường chúng. Nếu mình từ bỏ trái đất này (mình nói “từ bỏ” để khỏi làm cậu hoặc chính mình sợ nếu mình dùng cái từ đích xác kia), vậy thế nếu mình từ bỏ trái đất này, mình mong cậu vẫn tiếp tục khỏe mạnh và sung sướng, sư phụ thân mến! Điều này nói ra, mình rất ngượng đấy, nhưng vẫn phải nói, cho nên xin cậu thứ lỗi: Mình cũng yêu cậu vô cùng.

” Ở bên dưới viết vội bằng bút chì, là đoạn tái bút này:

TB: Mình không quên cái thỏa thuận của chúng ta hôm mình ra đi. Nếu mình ‘từ bỏ’ trái đất này mình sẽ báo cho cậu, dù cậu ở đâu chăng nữa, cậu nhớ nhé, và chớ vì thế mà sợ.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.