Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

Chương 11



Tôi đứng lên, sung sướng như vừa nhận được quà năm mới. Gió lạnh, trời trong sáng, biển lấp lánh.

Tôi theo con đường vào làng. Lúc này, chắc lễ Mi sa đã xong. trong khi dấn bước, tôi băn khoăn tự hỏi với một xúc động phi lý: ai sẽ là người đầu tiên – may mắn hay xúi quẩy – mình sắp gặp trong ngày đầu năm này?

Giá gặp được một cháu bé tay ôm đầy đồ chơi năm mới, tôi thầm ước, hay một ông già năng nổ mặc sơmi trắng ống tay thêu, mãn nguyện và tự hào vì đã can đảm hoàn thành bổn phận trên cõi trần. Càng tiến thêm và càng gần tới làng, tôi càng thấy xao xuyến.

Thình lình, đầu gối tôi bủn rủn. Dưới hàng cây ô- liu, nhún nhẩy bước đi trên đường làng, hiện ra cái dáng thon thả, kiều diễm của sương phụ trong y phục màu đỏ với chiếc khăn đen chít trên đầu.

Dáng đi uyển chuyển của nàng đúng là dáng đi của một con báo đen và tôi có cảm giác như một mùi thơm hăng hắc của xạ hương đang nhẹ tỏa trong không khí. Giá tôi có thể trốn đâu được! Tôi cảm thấy con thú này lúc nổi giận sẽ hết sức tàn bạo và điều duy nhất nên làm là cao chạy xa bay. Nhưng bằng cách nào? Nàng góa đang đều bước tiến lại gần. Lớp sỏi như đang lạo xạo cơ hồ có cả một đoàn quân diễu hành qua. Nàng trông thấy tôi, nguẩy đầu, chiếc khăn tụt xuống để lộ mái tóc đen óng như mun. Nàng gửi đến tôi một cái nhìn lơi lả và một nụ cười. Mắt nàng có một vẻ dịu dàng man dại. Nàng vội vàng sửa lại khăn, như thể xấu hổ vì đã để tôi nhìn thấy một trong những bí mật sâu thẳm nhất của đàn bà: mái tóc.

Tôi muốn nói với nàng, chúc nàng một năm mới tốt lành, nhưng cổ họng tôi tắc lại như cái hôm sập hầm, tính mạng tôi bị đe dọa. Lớp sậy bao quanh vườn nàng lay động trong gió , ánh nắng mùa đông rớt trên những trái cam và chanh vàng ối trong vòm lá tối sẫm. Cả khu vườn lộng lẫy tựa Thiên đàng.

Sương phụ dừng lại, vươn tay ra đẩy cổng. Đúng lúc ấy, tôi đi qua chỗ nàng. Nàng quay lại và nhướn cặp lông mày, đăm đăm nhìn tôi.

Nàng để ngỏ cổng và tôi thấy nàng khuất sau rặng cam, vừa đi vừa đánh mông núng nính.

Vào qua cái cổng này, cài then lại, chạy theo ôm ngang eo nàng và lẳng lặng chẳng nói chẳng rằng, kéo nàng tới cái giường góa phụ rộng mênh mông của nàng, ứng xử như vậy mới gọi là đáng mặt nam nhi! Đó là điều mà ông nội tôi ắt đã làm và tôi hy vọng cháu nội tôi cũng sẽ làm thế ! Nhưng tôi cứ đứng đực ra đó như trời trồng , cân nhắc và suy nghĩ.

“Kiếp sau”, tôi lẩm bẩm với một nụ cười chua chát, “kiếp sau, ta sẽ ứng xử khá hơn thế này!”

Tôi đi sâu vào hẻm núi xanh, cảm thấy tâm hồn nặng trĩu như vừa phạm một trọng tội. Tôi lang thang đi lui đi tới. Trời rét và tôi run lẩy bẩy. Tôi hoài công xua đuổi khỏi ý nghĩ đôi mông đong đưa, nụ cười, ánh mắt và bộ ngực nàng góa, chúng vẫn trở lại làm tôi ngạt thở.

Cây cối chưa ra lá, nhưng những lộc non đã đầy nhựa, căng phồng đến độ muốn nứt ra. Người ta có thể cảm thấy ở mỗi lộc non sự hiện diện tập trung của những mầm mới, hoa trái tương lai đang chờ đợi và sẵn sàng bùng nở ra ánh sáng. Giữa mùa đông, ngày và đêm, phép lạ vĩ đại của mùa xuân đang được lặng lẽ và bí mật chuẩn bị dưới lớp vỏ cây khô.

Đột nhiên, tôi bật lên một tiếng reo vui. Trước mặt tôi, ở một chỗ trũng kín gió, một cây hạnh đào táo bạo đã nở rộ hoa ngay giữa mùa đông, tiên phong dẫn đường cho tất cả nhưng cây khác và báo hiệu sắp sang xuân.

Cái cảm giác ngạt thở của tôi biến mất. Tôi hít thật sâu mùi hương hơi cay cay của nó. Tôi tới đường cái, đến ngồi dưới những cành nở hoa của nó.

Tôi ngồi lại đó hồi lâu, không nghĩ gì hết, thanh thoát và sung sướng. Đây là cõi vĩnh hằng và tôi đang ngồi dưới một gốc cây nơi Thiên đàng.

Chợt một giọng oang oang thô lỗ hất tôi trở về thực tại.

– Sếp làm cái gì mà ru rú ở trong đó, sếp? Tôi đi tìm sếp khắp nơi khắp chốn. Sắp đến mười hai giờ trưa rồi, đi thôi!

– Đi đâu?

– Đi đâu ư? Sếp còn phải hỏi tôi đi đâu ư? Cố nhiên là đến nhà mẹ Lợn Sữa! Sếp không đi sao? Con lợn sữa đã ra khỏi lò ! Thơm ơi là thơm . . . làm chảy cả nước dãi ! Đi nào.

Tôi đứng dậy, vuốt ve cái thân cứng của cây hạnh đào chứa biết bao điều bí ẩn và đã hoàn thành cái phép màu trổ hoa này. Zorba đi trước, chân bước thoăn thoắt, bụng đói mà khoái hoạt. Những nhu cầu cơ bản của con người ăn, uống, đàn bà và nhảy múa – không bao giờ cạn hoặc lờn đi trong thân thể tráng kiện và cuồng nhiệt của lão.

Lão đang cầm trong tay một gói bẹt bọc giấy hồng và buộc bằng một sợi dây vàng.

– Quà năm mới à? Tôi mỉm cười hỏi.

Zorba cười to, cố che giấu xúc động.

– À, cốt sao mụ ấy không có lý do gì để phàn nàn thôi, tội nghiệp mụ! Lão nói, không quay lại. Cho mụ nhớ lại thời oanh liệt đã qua. . . Mụ là đàn bà chúng ta chẳng thường hay nói thế là gì? – do đó, là một sinh vật luôn luôn than thân trách phận . . .

– Một tấm ảnh?

– Rồi sếp sẽ thấy… rồi sếp sẽ thấy; đừng có vội vàng quá như vậy! Cái này, tôi tự tay làm. Đi nào, ta nên nhanh chân lên.

Nắng trưa rực rỡ làm niềm vui thấm vào tận xương.

Biển cũng sung sướng sưởi ấm dưới mặt trời. Xa xa, hòn đảo nhỏ xíu không cư dân bao bọc trong làn sương mỏng, nom như nhô lên khỏi mặt biển và đang bập bềnh trôi.

Chúng tôi gần đến làng và Zorba tiến lại sát bên tôi hạ giọng:

– Sếp biết đấy, lão nói, lúc nãy “đương sự” có ở nhà thờ. Tôi đang đứng trước, cạnh người điều khiển ban ca thì bỗng nhiên thấy các tượng thờ sáng rực lên. Chúa Khô, Đức Bà Đồng Trinh, Mười Hai Vị Thánh Tông Đồ, tất cả đều lấp lánh. . . “Chuyện gì xảy ra vậy?” Tôi vừa làm dấu vừa tự hỏi. “Có phải tại nắng không nhỉ?” Tôi quay lại – thì ra đó là nàng góa!

– Thôi, thôi, Zorba. Thế là đủ rồi, tôi vừa nói vừa rảo bước.

Nhưng Zorba chạy theo.

– Sếp ạ, tôi nhìn thấy mụ ngay bên cạnh. Mụ có một nốt ruồi trên má đủ làm ta phát cuồng lên. Lại thêm một điều bí ẩn: nốt ruồi trên má đàn bà!

Lão giương to mắt, vẻ sửng sốt.

– Sếp có để ý không? Da đang mịn màng, trơn mượt, đùng một cái mọc lên một chấm đen. Chà, chỉ cần chừng nấy thôi! Thế là người ta hóa rồ hóa dại! Sếp có hiểu được không? Sách vở nói gì về chuyện ấy?

– Thây kệ sách vở!

Zorba cười, đắc ý.

– Có thế chứ! Lão thốt lên. Có thế chứ. Sếp bắt đầu tỉnh ra đấy…

Chúng tôi không dừng lại ở quán cà phê mà rảo bước tiếp.

Nữ chủ nhân tốt bụng của chúng tôi đã quay một con lợn sữa trong lò để thết khách và đang chờ chúng tôi trên bậc cửa.

Một lần nữa, mụ lại quấn một dải băng màu hoàng yến quanh cổ và cứ trông thấy mụ như vậy – trát bự phấn, môi đắp dày cộp một lớp son đỏ chót – cũng đủ làm mất tinh thần bất kỳ ai. Phải chăng mụ thực sự là một hình chạm ở mũi tàu? Vừa thấy hai chúng tôi, toàn bộ khối thịt nơi mụ dường như phớn phở rung rinh lên, cặp mắt nhỏ nhấp nháy ranh mãnh và dán chặt vào bộ ria vểnh lên của Zorba.

Cửa ngoài vừa đóng lại, Zorba liền ôm lấy eo mụ.

– Chúc mừng năm mới, Bouboulina của tôi! Lão nói. Nhìn xem tôi mang đến cho em cái gì này!

Và lão hôn cái cổ mập nhăn nheo của mụ.

Ngư nữ già cảm thấy nhồn nhột một lát nhưng vẫn tỉnh táo. Mắt mụ dán vào gói quà. Mụ chộp lấy tháo sợi dây vàng, nhìn vào trong và reo lên một tiếng vui thích.

Tôi cúi về phía trước để xem đó là cái gì: trên một miếng các tông dày, lão Zorba ranh ma đã vẽ bằng bốn màu đỏ, vàng, xám, đen bốn chiếc thuyền lớn giăng cờ lướt trên một mặt biển màu xanh chàm. Phía trước những chiến thuyền dập đềnh trên sóng, là một nàng tiên cá hoàn toàn khỏa thân, trắng ngần, tóc bay bay, ngực phơi ra, với một cái đuôi cá xoắn ốc: mađam Hortense cổ quấn dải băng vàng! Mụ cầm bốn sợi dây, kéo theo sau bốn chiến thuyền treo cờ Anh, Nga, Pháp và Ý. Ở bốn góc của bức tranh phất phơ bốn bộ râu, một hoe vàng, một hung đỏ, một xám và một đen. Mụ ca kĩ già hiểu ngay lập tức.

– Tôi đây! Mụ nói, hãnh diện chỉ vào nàng tiên cá.

Mụ thở dài.

– Ôi, ngày xưa, tôi cũng đã từng là một Đại Cường Quốc!

Mụ chuyển một tấm gương tròn nhỏ trên đầu giường gần cái lồng vẹt ra chỗ khác và treo bức tranh của Zorba thế vào. Dưới lớp phấn dày, mặt mụ hẳn đã tái đi.

Trong khi đó, Zorba đã lẻn vào bếp. Lão đói. Lão bưng cái đĩa đựng con lợn sữa ra, đặt một chai rượu vang lên bàn ngay trước mặt mình và rót đầy ba ly.

– Nào, ăn, ăn, ăn đi thôi! Lão nói, vỗ hai tay vào nhau. Ta hãy bắt đầu từ cơ sở là cái bụng. Sau đó, cưng nhỉ, ta sẽ lo đến cái gì ở bên dưới.

Nhưng không khí bị những tiếng thở dài của ngư nữ làm xáo động. Mỗi lần sang năm mới, mụ cũng có một ngày Tận thế nhỏ bé của riêng mình. . . mụ điểm lại đời mình, cân nhắc đánh giá và thấy nó đầy thiếu hụt.

Trong cái đầu mỗi ngày tóc một thưa đi của mụ ca kĩ về già, những thành phố lớn, những người đàn ông, những chiếc áo váy lụa, những chai sâm banh và những bộ râu xức nước hoa thơm phức trỗi dậy từ nấm mồ ký ức mụ vào tất cả những dịp long trọng.

– Tôi không thấy đói, mụ thì thầm, yểu điệu. Không đói tí nào. . . không đói tí nào . . .

Mụ quỳ gối trước lò, cời than, đôi má xệ phản chiếu ánh lửa. Một lọn tóc xõa khỏi trán, cháy quăn lại. Mùi tóc cháy khét đến buồn nôn tràn ngập căn phòng.

– Tôi không muốn ăn . . . không muốn ăn . . . , mụ lại lẩm bẩm khi thấy chúng tôi không để ý gì đến mụ.

Zorba suốt ruột nắm chặt tay. Lão phân vân một lát.

Lão có thể để mụ cứ thả cửa làu bàu trong khi chúng tôi tiếp tục đả con lợn quay – hoặc có thể quỳ xuống, ôm lấy mụ mà vỗ về bằng những lời ân cần. Tôi nhìn bộ mặt rám nắng của lão và thấy những lớp sóng rung động đối nghịch lướt qua những nét diện mạo dễ biến đổi của lão.

Đột nhiên, sắc diện lão cố định lại. Lão đã đi đến một quyết định. Lão quỳ xuống nắm lấy đầu gối mụ.

– Nếu em không ăn, hỡi người bỏ bùa mê cho tôi, lão nói với những âm sắc não nề, thì mọi sự sẽ chấm dứt ở đây. Hãy thương hại con lợn khốn khổ, hỡi người đẹp, và hãy ăn cái chân giò nhỏ ngọt ngào này!

Và lão ấn vào miệng mụ cái chân lợn giòn phết đầy bơ. Lão ôm mụ trong tay, bế thốc lên và đặt vào ghế giữa hai chúng tôi.

– Ăn đi, lão nói, ăn đi, kho vàng của tôi, để cho Thánh Basil ( [36] ) đến làng ta. Nếu em không ăn, ngài sẽ không đến với chúng ta đâu, em biết đấy! Ngài sẽ trở về Caesarea, quê hương Ngài. Ngài sẽ lấy đi hết: giấy mực, bánh mừng Chúa Khô hiện ra trước ba thầy pháp vào Đêm Thứ Mười Hai, các quà năm mới, đồ chơi trẻ con, thậm chí cả con lợn sữa xinh xẻo này nữa, tất cả sẽ biến mất! Cho nên hãy há cái miệng nhỏ xinh của em ra nào, Bouboulina của tôi, và ăn đi!

Lão thò hai ngón tay cù vào nách mụ. Ngư nữ già thích chí cười rúc rích, lau cặp mắt nhỏ đỏ hoe và bắt đầu gau gáu nhai cái chân giò giòn tan…

Giữa lúc ấy, hai con mèo động tình cất lên tiếng gào trên mái nhà. Chúng gào bằng một giọng hờn oán khôn xiết tả, lúc lên lúc xuống, hung dữ. Thình lình, chúng tôi nghe thấy chúng lồng lộn điên cuồng, xông vào cắn xé nhau trên mái nhà.

– Meo . . . meo . . . Zorba nói , nháy mắt với ngư nữ già .

Mụ tủm tỉm và bóp mạnh tay lão dưới gầm bàn. Cổ họng mụ giãn ra và mụ bắt đầu ăn ngon lành.

Mặt trời xoay tròn, xuyên qua khung cửa sổ nhỏ và rọi lấp lánh đôi chân nữ chủ nhân của chúng tôi. Chai rượu đã hết, Zorba xoắn cọng ria lên như ria mèo rừng và xích lại gần đại diện “giống cái”. Mađam Hortense thu lu người rụt đầu rụt cổ, khẽ rùng mình khi cảm thấy hơi thở ấm, nồng mùi rượu của lão phả vào người.

– Đây lại một điều bí ẩn nữa, sếp à, Zorba quay lại tôi nói. Với tôi, mọi sự đều đi ngược dòng. Hồi nhóc, nom tôi giống một lão già bé quắt queo. Tôi đần độn, ít nói, mà lại có giọng người lớn. Người ta bảo tôi giống ông nội tôi! Nhưng tôi càng lớn càng trở nên liều lĩnh. Tôi bắt đầu làm những điều cuồng dại khi hai mươi tuổi: Ồ chẳng có gì là đặc biệt đâu, cũng như nhưng người khác ở cái tuổi ấy thôi. Bốn mươi tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy mình trẻ thực sự và lao vào những hành động phóng túng điên rồ nhất. Và giờ đây, ngoài sáu mươi tuổi – chính xác là sáu mươi lăm nhưng “bem” đấy, sếp nhé – Ờ, bây giờ, ngoài sáu mươi rồi giải thích sao đây? Thành thật mà nói, thế giới đã trở nên quá nhỏ đối với tôi!

Lão nâng ly lên và quay lại phía người tình, vẻ hối tiếc – Chúc sức khỏe em, Bouboulia, lão trịnh trọng nói. Cầu Chúa làm sao cho em năm nay mọc thêm mấy cái răng, lông mày thêm thanh nhã và da thơm ngát như trái đào. Và vứt bỏ tất cả những dải băng quê kệch này đi! Và cầu sao có một cuộc cách mạng nữa ở Crete và bốn Đại Cường Quốc lại trở lại. Bouboulina, cưng ơi, với những hạm đội của họ… và mỗi hạm đội có thủy sư đô đốc của nó và mỗi thủy sư đô đốc có bộ râu xoăn xức nước hoa thơm phức của mình. Và chúc em, nàng tiên cá của tôi, một lần nữa lại từ mặt sóng nổi lên hát bài ca tuyệt vời của em. Và cầu sao các hạm đội ấy tan tành trên hai trái núi đá tròn trĩnh man dại này!

Vừa nói, lão vừa đặt hai bàn tay to lớn lên cặp vú nhẽo, chảy xệ xuống của nữ chủ nhân.

Zorba lại linh hoạt lên, giọng lão khàn đi vì thèm muốn. Tôi cất tiếng cười . Một hôm ở rạp chiếu bóng, tôi đã thấy một pasa Thổ Nhĩ Kỳ đú đởn trong một quán rượu Paris. Ông ta bế một cô bán hàng trẻ măng tóc vàng trên lòng. Ngài pasa lên cơn hứng tình, búp tua trên mũ fez ( [37] ) từ từ ngóc lên, tạm ngừng khi nằm ngang, rồi đột ngột dựng đứng.

– Sếp cười cái gì vậy? Zorba hỏi.

Tuy nhiên, nữ chủ nhân còn đang mải nghĩ về nhưng điều Zorba vừa nói.

– Ôi, mụ nói, theo anh, điều đó có thể xảy ra không, Zorba? Nhưng tuổi trẻ qua đi không bao giờ trở lại…

Zorba xích lại gần hơn nữa; hai cái ghế giáp vào nhau.

– Nghe anh đây, cưng, lão nói, đồng thời cố cởi chiếc khuy thứ ba, chiếc khuy quyết định của áo lót bó sát người mụ. Nghe đây, anh sẽ nói cho em về món quà thú vị anh đang chuẩn bị cho em. Có một tay bác sĩ mới tên là Voronoff; người ta nói rằng ông ta có thể làm nên những chuyện thần kỳ. Ông ta có một thứ thuốc nước hay thuốc bột gì đó, anh không biết đích xác; dùng thuốc đó trong nháy mắt, em sẽ lại là cô gái hai mươi tuổi, cùng lắm là hai mươi lăm! Đừng khóc, cưng, anh sẽ nhờ người bên châu Âu gửi về cho em . . .

Ngư nữ già giật mình. Lớp da đầu đo đỏ lấp lánh nhờ nhờ qua mái tóc đã bắt đầu thưa dần. Mụ quàng đôi cánh tay mập mạp, nung núc thịt ôm lấy cổ Zorba.

– Nếu là thuốc nước, anh yêu của em, mụ thì thầm, cọ người vào Zorba như một con mèo, anh hãy đặt mua cho em độ mươi lít ( [38] ), anh nhé! Và nếu là thuốc bột…

– Thì một bao tải! Zorba nói, cởi nốt chiếc khuy thứ ba.

Đôi mèo đã im tiếng được một lúc lại bắt đầu gào, một giọng than van và kêu gọi, còn giọng kia thì giận dữ và đe dọa.

Nữ chủ nhân của chúng tôi ngáp, cặp mắt trở nên đắm đuối.

– Anh có nghe thấy những con mèo gớm ghiếc ấy không? Mụ thì thầm. Chúng thật không biết xấu hổ!

Và mụ ngồi lên lòng Zorba, ngả đầu vào cổ lão và trút một tiếng thở dài sườn sượt. Mụ hơi quá chén, mắt mỗi lúc thêm một mơ màng.

– Em đang nghĩ gì vậy, Bouboulina của anh? Zorba hỏi, hai tay chụp lấy ngực mụ.

– Aexandria… ngư nữ già, con người đã từng chu du năm châu bốn biển, thì thào. Alexandria… Beirut…Constantinople, dân Thổ Nhĩ Kỳ, dân Ả Rập, nước quả loãng ướp đá, những dép xăng đan mạ vàng, mũ fez đỏ…

Mụ thở dài.

– Mỗi lần Ali Bey ở lại nghỉ đêm với em – ôi, ria chàng, lông mày chàng, đôi cánh tay chàng mới tuyệt làm sao! – chàng đều gọi bọn đánh trống thổi kèn đến và tung tiền qua cửa sổ để bọn chúng chơi trong sân nhà em cho đến sáng. Hàng xóm láng giềng ghen tức đến tái xanh tái xám mặt “An Bey ở lại với ả!” họ thường lồng lộn lên như vậy… Sau đó, ở Constantinople, tổng trấn Suleiman thường bắt em cấm cung vào những ngày thứ sáu. Ông ta sợ vua Thổ , trên đường đến nhà thờ Hồi giáo , trông thấy em, rồi quáng mắt vì sắc đẹp của em, có thể sai bắt cóc em mất. Mỗi sáng, khi rời khỏi nhà, ông cắt ba tên da đen to lớn gác cổng để ngăn không cho gã đàn ông nào đến gần em… ôi, Suleiman yêu quý của tôi!

Mụ rút từ áo lót ra một chiếc khăn tay lớn kẻ ô và đưa lên miệng vừa ngậm vừa phun phì phì như một con rùa nước.

Zorba gỡ ra bằng cách đặt mụ lên chiếc ghế cạnh lão và đứng dậy, khó chịu. Lão đi đi lại lại một vài lần và cũng bắt đầu phun phì phì, căn phòng đột nhiên quá chật chội đối với lão. Lão nhặt cây gậy lên, chạy bổ ra sân và tôi trông thấy lão dựa cái thang vào tường, rồi giận dữ trèo lên, hai bậc một.

– Bác sắp nện ai đấy, Zorba? Tôi thét. Tổng trấn Suleiman hẳn?

– Những con mèo chết tiệt kia! Lão thét lại. Chúng không để bọn ta yên lấy một lát!

Và tót một cái, lão đã ở trên mái.

Mađam Hortense, say mềm, đầu tóc xõa xược, giờ đã nhắm nghiền cặp mắt đỏ dọc và một tiếng ngáy khe khẽ phát ra từ cái miệng móm của mụ. Giấc ngủ đã nâng mụ lên và chở mụ về những kinh thành lớn của phương Đông – vào những khu vườn rào kín và những khuê phòng mờ tối của các pasa đa tình. Giấc ngủ đưa mụ xuyên qua những bức tường và mang đến cho mụ những mộng mơ. Mụ thấy mình buông câu, mụ quăng bốn sợi dây câu và kéo lên bốn chiến hạm lớn.

Vừa ngáy vừa thở ậm ạch, ngư nữ già sung sướng mỉm cười trong giấc điệp và dường như tươi tắn lại sau khi tắm biển.

Zorba trở lại, vung vẩy cây gậy.

– Ngủ hả? Lão nói khi trông thấy mụ. Mụ ta ngủ rồi à?

– Vâng, thưa ngài tổng trấn Zorba, tôi đáp. Nàng đã được bác sĩ Voronoff, người cải lão hoàn đồng – tức là giấc ngủ – mang đi rồi. Bây giờ, nàng mới có hai mươi cái xuân xanh và nàng đang dạo gót son ở Alexandria và Beirut.

– Ma quỷ bắt mụ đi, đồ đĩ già? Zorba gầm gừ và nhổ xuống sàn. Nhìn mụ nhăn nhở cười kìa! Không biết mụ cười với ai, đồ đĩ mặt dày mày dạn? Nào, sếp, ta đi thôi!

Lão chụp mạnh cái mũ lên đầu và mở cửa.

– Mụ không lẻ loi một mình đâu, Zorba nói lớn; mụ đang ở bên tổng trấn Suleiman đấy. Sếp không thấy à? Mụ đang bay bổng chín tầng mây, con bò cái bẩn thỉu! … Thôi nào, ta chuồn đi!

*

Chúng tôi ra ngoài không khí lạnh. Trăng trôi ngang bầu trời tĩnh lặng.

– Đàn bà! Zorba nói, vẻ ghê tởm. Hừ! Tuy nhiên không phải lỗi tại họ, đó là tại cái bọn nông nổi khinh suất như Suleiman và Zorba!

Và sau một lát:

– Không, thậm chí cũng không phải lỗi tại chúng ta, lão giận dữ nói tiếp. Có một kẻ là nguyên nhân của tất cả cái đó và chỉ độc một kẻ mà thôi – tên Đại Nông Nổi Khinh Suất, Đại Tổng Trấn Suleiman sếp thừa biết là ai đấy!

– Nếu như có kẻ ấy, tôi đáp. Nhưng nếu không có thì sao?

– Lạy Chúa Toàn năng, thì chúng ta đi đứt!

Chúng tôi sải bước một lúc không nói không rằng.

Chắc chắn Zorba đang nghiền ngẫm vài ba ý điên khùng trong đầu vì chốc chốc lão lại lấy gậy quật vào những hòn sỏi và nhổ xuống đất.

Đột nhiên, lão quay sang tôi.

– Cầu Chúa cho linh hồn ông nội tôi siêu thoát! Lão nói. Ông cụ hiểu đàn bà khá rành. Cụ rất khoái đàn bà, khốn khổ thân cụ, sinh thời, họ làm cụ điên đảo. “Alexis cháu, bằng vào mọi điều tốt lành ta cầu ước cho cháu”, cụ thường nói. “Hãy đề phòng đàn bà! Khi Chúa Trời lấy chiếc xương sườn của Adam ra để tạo thành đàn bà – ôi cái giây phút đáng nguyền rủa ấy! – quỷ Xa tăng bèn biến thành một con rắn và giựt lấy chiếc xương sườn, chạy mất. . . Chúa Trời lao theo và tóm được nó , song nó luồn qua kẽ tay Ngài và trong tay Chúa Trời chỉ sót lại hai cái sừng quỷ. Ngài nói: “Một người nội trợ giỏi thì ngay cả với một cái thìa cũng có thể khâu vá được. Được, ta sẽ tạo nên một người đàn bà bằng cặp sừng của quỷ!” Và ngài đã làm thế. Ấy bởi thế mà quỷ Xa tăng lừa được tất cả chúng ta, Alexis cháu ạ. Bất kể chúng ta đụng tới đàn bà vào chỗ nào, chúng ta đều chạm vào sừng quỷ. Hãy đề phòng đàn bà, cháu ạ! Đàn bà còn ăn trộm táo ở vườn Địa Đàng, nhét vào ngực áo lót và bây giờ vênh váo đi lòng vòng khắp nơi! Ôn dịch bắt họ đi! Những trái táo ấy, mình ăn vào cũng tong, mà không ăn cũng tong! Vậy ông có thể khuyên cháu thế nào đây, cháu của ông? Hãy làm theo ý thích của cháu!” Đó là những điều ông nội tôi đã nói với tôi. Nhưng, sếp tính, làm sao tôi có thể lớn lên thành người khôn ngoan được? Tôi cũng đi cùng một đường với ông nội tôi – đến với quỷ Xa tăng!

Chúng tôi hối hả đi qua làng. Ánh trăng khéo làm lòng người xao động. Bạn thử tưởng tượng tâm trạng của mình khi uống rượu xong, ra ngoài đi đạo và thấy thế giới đột nhiên thay đổi. Đường sá biến thành những dòng sông sữa, những ổ gà và vệt lún bánh xe đầy vôi phấn, đồi núi phủ đầy tuyết. Mặt, cổ và tay bạn phát lân quang như đuôi con đom đóm. Và vầng trăng lủng lẳng trên ngực bạn như một tấm huân chương tròn kỳ dị.

Chúng tôi lặng lẽ bước thoăn thoắt. Say la đà vì cả ánh trăng lẫn vì rượu, chúng tôi hầu như không cảm thấy chân chạm đất. Đằng sau chúng tôi, thôn làng ngủ yên, chó trèo lên mái nhà sủa trăng. Và chúng tôi, vô cớ, cũng cảm thấy muốn vươn cổ về phía mặt trăng mà sủa. . .

Chúng tôi tới chỗ vườn nàng góa. Zorba dừng lại.

Rượu, thức ăn ngon lành và vầng trăng đã làm lão say sưa ngây ngất. Lão vươn cổ và bằng cái giọng như giọng lừa, hí lên vài câu dâm tục mà trong cơn hứng, lão ứng khẩu.

– Ả này cũng là một cặp sừng quỷ! Lão nói. Ta đi thôi, sếp!

Khi chúng tôi về tới lều thì trời sắp rạng. Tôi gieo mình xuống giường, mệt rũ. Zorba rửa ráy, nhóm lò và pha chút cà phê. Lão ngồi thu lu trên sàn, châm một điếu thuốc và bắt đầu hút, vẻ bình thản, mình thẳng đuỗn bất động, mắt nhìn ra biển. Mặt lão trang nghiêm và tư lự.

Lão làm tôi nhớ đến một bức họa Nhật Bản mà tôi thích: một nhà tu khổ hạnh ngồi xếp bằng, mình choàng một chiếc áo cà sa màu da cam, mặt bóng như hình khắc trên gỗ cứng và sạm đen vì mưa, cổ rướn thẳng, miệng mỉm cười trong khi mắt nhìn đăm đăm vào đêm tối không chút sợ hãi.

Tôi nhìn Zorba trong ánh trăng, thán phục thái độ thong dong và giản dị của lão trong việc thích nghi với thế giới xung quanh, cái cách hồn và xác lão hợp thành một tổng thể hài hòa và tất cả mọi thứ – đàn bà, cơm nước, thịt thà, ngủ nghê – hòa quyện đẹp đẽ với xác thịt lão để trở thành Zorba. Xưa nay tôi chưa từng thấy một giao hòa thân thiện đến thế giữa một con người với vũ trụ.

Trăng lúc này sắp lặn, tròn và xanh xao. Một vẻ thanh bình khôn tả trải rộng trên mặt biển.

Zorba ném mẩu thuốc đi và với tay lấy một chiếc giỏ. Lão lục trong đó lôi ra ít dây rợ, mấy cái ròng rọc và năm mẩu gỗ nhỏ; lão thắp cây đèn dầu và một lần nữa lại thí nghiệm hệ thống đường sắt trên không.

Cúi mình trên các thứ đồ chơi cổ sơ ấy, lão lẩm nhẩm làm những con tính hẳn là cực khó và phức tạp vì chốc chốc lão lại gãi đầu như điên và chửi thề.

Đột nhiên, lão đâm chán ngấy. Lão phóng chân nhằm cái mô hình và đạp nó đổ lụn xuống đất.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.