Chuyện đó cũng không phải chuyện buồn cười nhất của buổi phân lương, chuyện thứ hai buồn cười không kém, hơn nữa lại liên quan đến Dương Gia Nghi.
Số là nhóm thanh niên trí thức đến sau, vì chưa có lao động ngày nào nên lương đầu người và công điểm đều không có, bởi vậy phân lương không có phần của họ.
Nhưng nhóm đầu tiên đã lao động gần một tháng rồi, tuy ít nhưng vẫn có được số lương thực nhất định.
Cũng vì công điểm quá ít nên đội trưởng sắp xếp họ ở cuối cùng, đợi thôn dân lãnh hết rồi mới tới lượt.
Không cần phải nói, người được chia lương thực nhiều nhất là Dương Gia Nghi, mà kẻ bị chia ít nhất chính là La Tiểu Vi.
La Tiểu Vi cầm cái bọc lương thực nhỏ xíu trên tay mình, rồi so sánh với túi lương thực của Dương Gia Nghi, cô ả hét lớn: “Đội trưởng, ông có nhầm không? Sao của tôi ít như vậy chứ?”
Đội trưởng nhăn mặt: “Cô làm ít thì được chia ít.”
La Tiểu Vi chỉ tay về hướng Dương Gia Nghi: “Vậy sao cô ta được chia nhiều như vậy chứ? Không công bằng, chúng tôi đến đây cùng ngày, sao có thể khác xa nhiều như vậy?”
Đội trưởng quát: “Cô còn không biết xấu hổ mà hỏi, một ngày cô kiếm được bao nhiêu công điểm?” Không đợi cô ả trả lời, ông nói tiếp, “Một ngày nhiều lắm ba công điểm, có hôm chỉ được một công điểm, còn thua đứa con nít bảy tuổi nữa.”
Đoạn, ông lại hỏi: “Biết Gia Nghi kiếm một ngày bao nhiêu công điểm không?” Ông lại tiếp tục tự trả lời: “Những ngày bận rộn, con bé kiếm được tận hai mươi công điểm! Lúc con bé cắm đầu cắm cổ mà là việc thì cô lại ngồi trong bóng mát hóng gió, bây giờ phân lương thực ít thì kêu ca cái nỗi gì?”
Nói thật, đội trưởng chướng mắt cô nàng này lắm rồi.
Từ đầu tháng đến giờ ông tức mà chưa nói.
Cô nàng này, làm việc thì lười biếng mà suốt ngày kiếm chuyện này nọ.
Những kẻ ham ăn lười làm trong thôn còn không bằng một góc cô ta đấy.
Nếu không phải không thể trả cô ả về thì ông đã không chịu đựng tới bây giờ.
La Tiểu Vi bị đội trưởng nói không nên lời.
Cô ả ấp úng mãi, cuối cùng dậm chân chạy đi mất.
Đội trưởng lắc đầu: “Giải tán đi!”
Ngoài Dương Gia Nghi thì không ai có ý kiến gì cả.
Bởi dù những người mới tới không được chia lương thực nhưng vẫn được chia đều thịt heo, mỗi người hai lạng.
Đừng xem thường hai lạng thịt, một người nếu tiết kiệm thì có thể nấu tận năm bảy bữa ngon đấy.
Cho nên, đám người chẳng những không thấy đội trưởng bất công, ngược lại họ đều nghĩ ông rất công chính.
Lương thực và thịt heo đều chia đều, thôn dân như thế nào thì thanh niên trí thức cũng như vậy, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Còn chuyện Dương Gia Nghi được chia hơn năm mươi cân thịt…
Hâm mộ cũng có, ghen ghét cũng có, nhưng không ai dám mở miệng hỏi muốn.
Cả đám người chợt nhớ lại cảnh đứa con gái này đấm chết một con heo rừng.
Họ rùng mình, tưởng tượng bản thân là con heo đó…
Đoàn người lập tức rời xa Dương Gia Nghi, liếc cũng không dám liếc đến đống thịt khiến họ thèm thuồng kia.
Thịt thì ngon đấy, nhưng mạng nhỏ quan trọng hơn.
Không thể trêu vào!
Dương Gia Nghi không biết sự hung hãn của bản thân đã khiến cho cô tránh đi rất nhiều phiền phức.
Lúc này, cô gái nhỏ xách theo lương thực và thịt chậm rãi đi về nhà.
Trên đường, cô gặp được những thanh niên trí thức khác.
Có người gật đầu xem như chào hỏi, có người làm lơ, cũng có người nhút nhát lặng lẽ di chuyển ra thật xa.
Ai chào thì cô chào lại, ai làm lơ thì cô cũng xem như không thấy.
Thiếu nữ biết mình không phải là tiền mà người người nhà nhà đều yêu thích.
Cũng không đúng, cho dù là tiền thì cũng có người thích kẻ ghét đấy.
Điều khiến Dương Gia Nghi cảm thấy bất ngờ đó là thái độ của Đoàn Trọng.
Hãy còn nhớ chỉ mới hôm qua thôi, gã thiếu niên này rõ ràng có ý đồ với cô, nhưng hôm nay nghi gặp mặt, cô gái nhỏ thấy ánh mắt tránh né của gã.
Thiếu nữ suy ngẫm một lát rồi bật cười.
Hôm qua lúc cô bắt heo rừng, gã cũng có mặt.
Chắc là bị sự anh dũng của cô doạ sợ rồi.
Như vậy rất tốt, cô không cần tốn công thăm dò mục đích của gã.
Dương Gia Nghi quẳng Đoàn Trọng qua một bên.
Cô về nhà, lấy một cái sọt, chặt thịt heo rồi chất vào, sau đó cõng nó đi ra đầu thôn.
Nơi đó đang có một chiếc xe bò chờ sẵn.
Cô nhanh nhẹn leo lên xe.
Ông lão đánh xe đợi một chốc, có vài bác gái xách theo lương thực đi đến.
Hôm nay phân lương, nhà nào dư dả chút sẽ mang lương thực đi bán.
Tiền kiếm được sẽ tiêu dùng trong một năm sắp tới.
Có bác gái nọ thấy cái sọt của Dương Gia Nghi, ánh mắt bà ta loé lên, vươn tay định xốc nắp sọt.
Sao cô gái nhỏ có thể đồng ý? Nhanh như chớp, năm ngón tay của cô nắm chặt lấy cổ tay bà ấy, khiến tay bà ấy bị cố định tại chỗ, đau đến nỗi la toáng lên: “Đau! Đau! Đau quá! Bỏ tay tao ra, mày đang làm cái gì vậy?”
(5/10).