Nhị công tử mày mắt xinh đẹp, mặc một chiếc áo bào gấm thêu hoa văn bằng vàng, áo choàng bằng lông phượng hoàng xanh, dáng người cao ráo, ánh mắt nhẹ nhàng nhìn thoáng qua, cả người phi phàm tuấn tú, quý giá vô cùng.
Ta theo chân hắn, tiếp tục cúi đầu đi bên cạnh.
Hắn cuối cùng cũng mở miệng nhưng không hỏi ta tại sao lại xuất hiện ở Minh Nguyệt lâu, mà lạnh lùng nói: “Tưởng thế tử này không phải là kẻ tốt lành gì đâu.”
Ta khẽ gật đầu.
Hắn lại nói: “Ta vốn tưởng rằng, ngươi khác với bọn họ.”
Trong lời nói, không chứa chút cảm xúc nào, cũng không nghe ra ý sâu xa.
Ta hiểu ý hắn, từ nhỏ hắn đã được mọi người nâng niu, trẻ tuổi đắc chí, đừng nói là phủ Ngự sử, ngay cả ở kinh thành, hắn cũng là một công tử cực kỳ nổi bật.
Lần đầu ta đến phủ Ngự sử, từng ở chung với cháu gái của Đỗ di nương nhị phòng là Đỗ Tố Liễu ở Tây sương viện.
Đỗ di nương không giống với dì ta là Trịnh thị, bà ta rất thông minh, lại có nhan sắc, đôi mắt phượng câu hồn, được nhị lão gia yêu thích nhất.
Bà còn sinh cho nhị lão gia một đứa con trai ngay dưới mí mắt của nhị phu nhân, không biết dùng thủ đoạn gì mà nhị phu nhân vốn tính tình không tốt, lại vẫn luôn dung thứ cho bà.
Đỗ di nương chắc chắn là thông minh, chính vì sự thông minh này, cháu gái bà là Đỗ Tố Liễu khác với ta, cùng là người nhà của thiếp thất đến nương nhờ phủ đệ nhưng Đỗ cô nương của nhị phòng cao quý hơn ta nhiều.
Nàng có khuôn mặt trái xoan, thân hình thon thả, không cần làm thư đồng, chỉ cần nhẹ nhàng đứng bên cạnh Đỗ di nương, mọi người đều gọi nàng một tiếng “Đỗ cô nương.”
Không giống như ta, người phủ Ngự sử nhớ ra thì gọi một tiếng “Tiểu Xuân cô nương”, còn lại thì gọi thẳng là Tiểu Xuân, hoặc là Tôn Vân Xuân.
Dì ta vì chuyện này mà thường ấm ức, có lúc còn rơi nước mắt.
Bà nói: “Nếu như con sớm đến nương nhờ ta, lúc ta còn trẻ, đại lão gia cũng đối xử với ta không tệ…”
Ta nhìn bà lặng lẽ lau nước mắt, an ủi đôi câu, thực ra trong lòng buồn cười vô cùng.
Dì ta ngốc nghếch, còn tưởng rằng ta không được tôn trọng như Đỗ Tố Liễu là vì Đỗ di nương của nhị phòng được sủng ái.
Có vẻ như mọi người đều nghĩ vậy.
Ngay cả Đỗ Tố Liễu cũng nghĩ vậy.
Ít nhất là mỗi lần gặp nhị công tử Trương Vân Hoài, ta cúi đầu gọi hắn một tiếng “Nhị công tử” như nha hoàn, Đỗ Tố Liễu luôn dịu dàng nhìn hắn, gọi là “biểu ca.”
Nàng và ta thực sự khác nhau sao?
Con đường phủ đầy tuyết trắng xóa nhưng thực ra mỗi con đường sau khi tuyết tan đều lầy lội.
Chúng ta sinh ra trên đất, từ khi sinh ra đã cắm rễ trong bùn, định trước không thể trở thành ngói sáng bóng trên mái hiên.
Nhưng Đỗ Tố Liễu không hiểu đạo lý này, nàng giống như cô cô Đỗ di nương của mình, liều mạng muốn phá đất chui ra, trèo lên mái hiên, dường như chỉ cần cao hơn một chút, cao hơn nữa, là có thể biến thành một viên ngói.
Nhưng nàng quên mất, rễ của nàng vẫn ở trong bùn.
Trèo càng cao, bị kéo căng không ngừng, cuối cùng sẽ có nguy cơ vỡ ra tan tác.
Những người như chúng ta, chẳng phải nên ngoan ngoãn cắm rễ trong đất sao?
Chúng ta nên cắm rễ ngày càng sâu, như cỏ dại đ.â.m chồi nảy lộc, cố gắng hết sức hấp thụ mọi thứ, tự mình trở thành một cây đại thụ.
Tôn ti trong gia tộc là khắc trong xương, viết trong lễ pháp.
Chúng ta không thể trở thành ngói nhưng có thể trở thành đại thụ, cành lá vươn tới độ cao ngang với mái hiên, có lẽ còn có cơ hội vượt qua cả ngói.
Nhưng những điều này, bọn họ đều không hiểu.