Xa Gần Cao Thấp

Chương 37: 37: Nền Nếp Gia Phong



Nền nếp gia phong

……

Những cặp tình nhân trẻ tuổi xung quanh lúc nào cũng diễn vở kịch tan hợp rồi lại hợp tan vô cùng lâm ly bi đát, Du Nhậm tuy nhìn thấy nhiều, nhưng vẫn cảm thấy có hơi ghen tị.

Tháng này cô gọi Mão Sinh ba lần, đều bị bỏ lỡ hoàn toàn.

Du Nhậm chỉ có thể mở Q và đọc tin nhắn trong nửa ngày Chủ nhật về nhà nghỉ ngơi: Mão Sinh nói mình đang bận giám sát việc trang trí nhà cửa; Mão Sinh nói mẹ mình đang hồi phục rất tốt, nhưng ngoài việc đến bệnh viện điều trị phục hồi chức năng, mẹ mình thà ở trọ cho thuê chứ nhất quyết không ra ngoài, Mão Sinh nói giáo viên trong trường kịch không thích giọng hát của mình, trường phái của họ khác sư phụ Vương Lê…!Mão Sinh nói mình phải đợi đến kỳ nghỉ hè mới có thể về Bách Châu.

Một tháng nữa trôi qua, đến cả tin tức về Mão Sinh trên Q cũng khan hiếm.

Mão Sinh giống như con thỏ nhỏ quay về rừng rậm và biến mất.

Du Nhậm thơ thẩn nghĩ về Mão Sinh trong tiết thể dục của trường Số 8.

Hoài Phong Niên đeo kính gãy để ý, hỏi: “Hay là sau kỳ thi cuối kỳ cậu đi tìm bạn ấy?” Tuy Du Nhậm chưa từng nói thẳng về mối quan hệ giữa cô và Mão Sinh, nhưng Hoài Phong Niên vẫn đoán ra: Không thấy cô gái hay đến gặp Du Nhậm vào mỗi Chủ nhật đâu, trông Du Nhậm càng ngày càng buồn bã.

“Ngay ngày thứ hai sau kỳ nghỉ, mình phải ra ngoài hai tuần, sau đó quay về học thêm toán và tiếng Anh lớp 12.” Không biết Du Hiểu Mẫn liên hệ với trại hè của trường đại học top2 Bắc Kinh ở đâu, lại còn xin thư giới thiệu từ giáo viên của Du Nhậm.

Du Nhậm không cần nghĩ cũng biết mẹ sắp giám sát cô chặt đến mức nào, hiện tại mỗi tuần về nhà một lần chỉ có thể bật máy tính nửa tiếng.

“Còn hai năm nữa mới thi đại học, mình chưa điên, mẹ mình đã điên trước.” Du Nhậm rất bất mãn với sự sắp xếp này: “Hiện tại mình không có chút thời gian rảnh nào, mẹ mình đang báo thù mình vì đã lựa chọn khối khoa học xã hội.”

Hoài Phong Niên thì trầm ngâm, thậm chí còn hơi ghen tị: “Ước gì mẹ mình cũng báo thù mình như thế.” Quán hoành thánh ngoài trường Số 8 vẫn mở suốt kỳ nghỉ hè, Hoài Phong Niên được mở rộng về kỹ năng: ngoài gói hoành thánh, cô còn biết chiên bánh quẩy và trộn lương bì.

“Mẹ cậu báo thù cậu không tính toán tiền nong, mẹ mình thì muốn bòn rút giá trị thặng dư từ mình.” Hoài Phong Niên cảm thấy từ khi cha cô trở thành hiệu trưởng, mẹ cô càng ngày càng bất an, hai thứ mà bà có thể giữ được là tiền và con gái, nếu hai tay giữ khó quá, vậy thì dùng con gái giúp làm ra tiền.

“Bà ấy…!không phải chứ? Bà ấy là mẹ cậu cơ mà, có lẽ mẹ cậu tích tiền cho cậu học đại học.” Du Nhậm không hiểu lắm.

“Ha, chuyện đại học bà ấy cũng đã nói rõ, 300 tệ chi phí sinh hoạt mỗi tháng, bây giờ đều là do mình tự gom góp trong quán hoành thánh, bà ấy giúp mình ghi sổ.” Hoài Phong Niên xoa bóp lông mày: “Bà ấy cái gì cũng đa nghi, nói bố mình ngoại tình sau khi thăng chức.

Chỉ dựa vào lương tháng hơn 3.000 tệ chức hiệu trưởng trường cấp 2 dưới quê của bố mình, làm sao ông ấy ngoại tình nổi?”

Ông ấy, một người cha ngày xưa quyết tâm học kinh tế nhưng bị điều chuyển sang khoa chính trị luôn sống giản dị, tiền của ông ngoài khoản để dành hút thuốc và uống rượu, số còn lại để hỗ trợ cho ông bà và các chú.

Tan làm chỉ biết mang cái mồm về, tiền sống qua ngày của gia đình đều đến từ quán tạp hoá của mẹ Hoài Phong Niên.

Hai vợ chồng cãi nhau chưa đến ba câu đã tòi ra vấn đề tiền bạc: “Mâu thuẫn chính trong nhà mình là vấn đề chi tiêu sinh hoạt ngày càng tăng và việc bố mình không đóng góp tài chính cho cả nhà.” Đôi khi Hoài Phong Niên hiểu sự quẫn bách bất lực của mẹ, và phần nhiều cô căm ghét nỗi lo lắng quanh quẩn tiền bạc này.

Hoài Phong Niên sống trên trường rất tiết kiệm.

Tiền ăn uống mỗi ngày của Du Nhậm là 30 tệ, nhiều hơn so với đa số học sinh ở Bách Châu, trong khi Hoài Phong Niên chỉ có 5 tệ.

Khi đi ăn hàng quán bên ngoài, Du Nhậm thường gọi hai món ăn kèm, Hoài Phong Niên chỉ dám ăn một suất mì xào, nhưng Du Nhậm luôn đưa nhiều thịt cho bạn cùng lớp với lý do không ăn hết được.

“Cậu buồn vì tình, mình sầu vì gạo.” Hoài Phong Niên vươn vai: “Cố lên Du Nhậm, cậu gắng chịu một chút, qua hai năm nữa là có thể gặp người yêu.”

Du Nhậm đau lòng nhìn Hoài Phong Niên: “Cậu cũng phải gắng chịu.”

Hoài Phong Niên chỉ cười: “Hì hì.”

Điều Du Nhậm không biết là Mão Sinh đang phải gánh nhiều thứ nặng nề hơn cô rất nhiều.

Sau khi cắt cụt chân, Triệu Lan xấu hổ không muốn chống nạng hay xe lăn ra ngoài, ngày nào cũng trải qua cuộc sống nghỉ hưu sớm ở nhà.

Mão Sinh phải chú ý mang những nhu yếu phẩm về, nếu thiếu thứ gì, ngay cả một túi muối có thể mua ở tầng dưới cũng có thể khiến người vốn dịu dàng như Triệu Lan nổi trận lôi đình.

Tiếng xoong nồi va chạm leng keng làm Mão Sinh luôn thấp thỏm, chỉ sợ dây pháo của Triệu Lan sẽ châm ngòi ở đâu đó.

Mão Sinh còn phải giải quyết vấn đề vật liệu và nhân công với ông lão cáo già trong đội trang trí, người luôn ghét môn toán như cô luôn chuẩn bị một cuốn sổ để tính toán, hơn nữa ngày nào cũng phải ngồi xổm tại hiện trường hít khí sơn.

Thấy Mão Sinh chỉ là một cô bé, chủ thầu cố ý làm láo, bí mật thay chất liệu nội thất bằng gỗ nguyên khối thành gỗ ván ép, còn gõ vào tấm ván chỉ hươu bảo ngựa: “Nhìn tấm gỗ này chắc chắn chưa này, gỗ sồi đấy.”

Mão Sinh tức giận đến mức suýt khóc, cô hét lên, cho dừng phần công trình còn lại và nói rằng muốn tìm người kiểm tra.

Ông chủ thầu nói được, cháu cứ kiểm tra kỹ, chú là đang giúp cháu tiết kiệm tiền, tốt cho cháu thôi, đừng có không biết tốt xấu như thế, chú chẳng làm thiếu gì cho nhà cháu.

Chỉ vì vài vạn mua bán, hà cớ phải làm khó nhau.

Thành ra, ngược lại là Mão Sinh tự gây rắc rối cho chính mình.

Hôm đó Mão Sinh đưa Ấn Tú đi xem mớ trang trí hỗn độn đó, cô nhặt tấm ván ép chất đống cạnh tường lên: “Nhìn này, đến cả em cũng đập gãy được.” Cô dùng đầu gối đập gãy tấm ván, hậm hực ném nó vào góc tường rồi vào bếp, tiến vào phòng tắm: “Dây cũng rối tung lên.”

Ấn Tú cười: “Em biết cả dây chìm sao?”

“Em đến nhà hàng xóm quan sát, không nhà nào có đường dây lộn xộn như nhà em cả.” Mão Sinh cũng hối hận vì sao không hỏi nhiều đội kỹ sư hơn, ngay từ đầu cô đã bị lừa bởi khuôn mặt nhìn có vẻ thật thà phúc hậu của ông chủ thầu, điều khoản hợp đồng cũng vớ va vớ vẩn, không hề đề cập đến vấn đề đảm bảo chất lượng.

“Em đã bỏ ra hơn 40.000 tệ những bảy, tám lần mới được như thế này.” Mão Sinh thất vọng nhìn đống gạch còn xưa lát hết, đúng thật, có thể thấy những rác thải xây dựng vẫn chưa được dọn sạch bên dưới: “Nếu tìm người khác làm, có lẽ số tiền trước đó đều lãng phí cả.” Vẻ mặt nhăn nhó khổ sở của Mão Sinh khiến Ấn Tú rung động, cô do dự, nói: “Đợi chị hỏi giúp em, cho chị mượn điện thoại.”

Bạch Mão Sinh hoài nghi, đưa điện thoại cho Ấn Tú, Ấn Tú lấy một tấm danh thiếp ra ban công bấm số, trong lúc chờ bắt máy, Ấn Tú đột nhiên cảm thấy bản thân đã đánh cược một thứ gì đó ngoài tầm kiểm soát của chính mình.

Anh Hạo bắt máy, vừa nghe là Ấn Tú, anh lập tức nói chuyện rất nhiệt tình, sau vài ba câu kể lại sự việc, anh Hạo nói em gửi cho anh số điện thoại và tên của đội trưởng đội thi công, những chuyện sau đó em không cần lo.

Nghe anh Hạo nói rất nhẹ nhàng và khéo léo, Ấn Tú bối rối: “Vậy…!phải xử lý thế nào?”

“Bọn anh là đồng nghiệp trong cùng một thành phố, thường sẽ không làm to chuyện đến mức khiến mọi người khó coi.

Em yên tâm, anh có nhiều bạn bè ở tỉnh lỵ, chuyện này không thành vấn đề.” Anh Hạo nói sẽ nhờ chủ công ty anh đến kiểm tra kỹ lưỡng để xem vấn đề trước đó nằm ở đâu, sau đó bảo các đội trang trí trong ngành trao đổi trực tiếp với nhau, lập tức sửa đổi nếu thống nhất giải pháp.

Nếu người ta không đồng ý thì thôi, không cần trả khoản tiền còn lại, công ty anh có thể đảm nhận tiếp công trình, nếu không phải làm lại thì tốt, sẽ cho em mức giá ưu đãi nhất.

Cuối cùng anh Hạo hỏi: “Là nhà bạn trai em phải không?”

Ấn Tú nói không phải, do dự một chút, cô nói: “Bạn em, là nữ.”

Anh Hạo cười thoải mái: “Thật nghĩa khí.”

Vấn đề nhà cửa của Mão Sinh gặp trở ngại suốt nửa tháng bỗng va vào vận may từ trên trời rơi xuống, một cuộc điện thoại của chị Ấn đã gỡ rối vấn đề cho cô.

Cô nắm tay Ấn Tú liên tục cảm ơn “người chị tốt”, Ấn Tú xoa tóc cô: “Em cần phải cẩn trọng hơn.” Sau tâm trạng vui vẻ, đôi mắt của người chị tốt dần lặng đi, Mão Sinh vẫn chưa hiểu cô là đang tính toán ân huệ.

Không chỉ Ấn Tú nhắc nhở Mão Sinh phải “cẩn trọng hơn”.

Vào một buổi chiều bình thường giữa tháng 5, Bạch Mão Sinh trốn học trong quán Internet chơi một lúc.

Sau khi đánh hai ván game, cô cảm thấy nhàm chán, thế là ngơ ngác nhìn hàng ảnh đại diện trên Q.

Ở đó có các bạn cùng lớp của cô hồi tiểu học, cấp 2 và trường kịch Bách Châu, có cả các chị em gái từ nhiều trường khác, nếu Mão Sinh muốn, cô có thể tuỳ ý tìm người trò chuyện giết thời gian.

Nhưng hôm đó cô không có tâm trạng nói chuyện, sau vài tháng chuyển đến tỉnh, cuộc sống của Mão Sinh ngày trở nên kín tiếng, cuộc sống không giống những lời ca được viết sẵn trong kịch, không có những người bạn diễn gợi ý trên sân khấu.

Ngày qua ngày, càng lúc càng có nhiều chuyện đột ngột xảy ra không có kịch bản khiến Mão Sinh choáng ngợp.

Miêu Viên, một bạn diễn cũ từ trường kịch Bách Châu gửi tin nhắn đến: Vở kịch mới do sư phụ Vương Lê diễn đoạt giải Văn Hoa, thành phố vui mừng thưởng cho đoàn kịch 200 vạn, còn được biểu diễn vở kịch ở khắp nơi.

Miêu Viên bỗng chuyển chủ đề, nói gần nói xa chẳng thà nói thẳng: “Người ta nói mối quan hệ giữa cô Vương Lê và mẹ cậu không bình thường, cậu biết có chuyện gì xảy ra không?”

Mão Sinh im lặng đóng cửa sổ chat, cô không nói nổi một chữ nào.

Cô biết đang có chuyện gì xảy ra, nhưng cô không biết chuyện này gọi là gì.

Bác trai không lấy được một đồng nào, trước khi phao tin đồn đại còn dọa sẽ không trả lại 200.000 tệ và 1 hào: “Đây là số tiền mẹ cháu nợ nhà bác”, suốt cả dọc đường tìm lý do, bác tìm ra một cái cớ.

Những năm 1970 Triệu Lan vào học trường kịch, bác kể rằng bác phải thôi học để gia đình có tiền cung cấp cho em gái, dẫn đến việc phải bán hải sản hàng chục năm thay vì thi vào trường danh tiếng.

Chắc chắn bác ta thẹn quá hoá giận, phát tán tin đồn, không biết sư phụ sẽ cảm thấy thế nào nếu nghe được, ngay cả mẹ Triệu Lan ru rú xó nhà cũng đã nghe thấy tiếng gió, huống chi là sư phụ đang là tâm điểm dư luận của Bách Châu?

Mão Sinh không kìm được mà tìm kiếm trên diễn đàn địa phương, quả nhiên nhìn thấy hàng nghìn tầng tin đồn đang được bàn tán.

Cô nhanh chóng quét qua hàng chục trang, những lời chửi bới, chế giễu, suy đoán và nhục mạ trong đó khiến tim cô đập nhanh đến mức gần như nghẹt thở.

Cuối cùng, Mão Sinh chọn yêu cầu xóa bài, 5 phút sau đã có lý do: Quản trị trang này không có quyền gỡ bài trừ phi có sự yêu cầu từ người đương sự.

Mão Sinh đoán mẹ chuyển cô đến học trong tỉnh để sau này có thể đến cùng cô, nhằm tránh mặt sư phụ, hoặc để tránh gây rắc rối cho sư phụ.

Nhưng nếu đã muốn tránh, tại sao lại bắt đầu? Tại sao lại uống trà trò chuyện với sư phụ nhiều đêm đến thế, thậm chí còn ôm nhau trên sofa, lại còn ưu phiền khóc lóc vì lo cho sức khoẻ của sư phụ?

Mão Sinh dựa vào ghế nhìn chằm chằm màn hình máy tính, biểu tượng phát sóng lại nhảy lên, một yêu cầu kết bạn xuất hiện: Du Nhậm.

Du Nhậm đổi số sao? Mão Sinh nhấn vào, nhìn thấy dòng chữ: Mẹ của Du Nhậm.

Mồ hôi chảy từ thái dương xuống, Mão Sinh ném con chuột đi, co rúm người lại, cảm giác ngột ngạt lại nao về.

Đầu bên kia gửi thêm hai yêu cầu nữa, Mão Sinh lau mồ hôi trên tay, chấp nhận yêu cầu sau khi chầm chậm điều chỉnh lại hô hấp.

Người ở đầu bên kia Internet im lặng một lúc, ký hiệu đang soạn tin hiển thị rất lâu, người đó gõ một đoạn văn dài: “Xin chào bạn học Bạch Mão Sinh.

Cô là mẹ của Du Nhậm, cháu đã đến nhà cô chơi nhiều lần, hẳn là đã quen với cô.

Du Nhậm sắp lên lớp 11, chọn khối khoa học xã hội cực kỳ khó đạt điểm cao.

Cô mong hai đứa sẽ giữ vững mối quan hệ bạn bè thân thiết và đơn thuần, cũng mong rằng cháu sẽ tập trung vào việc học, không ảnh hưởng đến Du Nhậm bằng tần suất liên lạc thường xuyên trên Q.

Sau này Du Nhậm chắc chắn sẽ thi vào trường đại học tốt, cháu cũng sẽ trở thành một diễn viên Việt kịch xuất sắc như cô Vương Lê vậy, hy vọng cháu hiểu khổ tâm của cô, cảm ơn.”

Mão Sinh nghĩ, vì cô ấy biết số Q của mình, chắc hẳn cũng đã biết phương thức liên lạc giữa mình và Du Nhậm, thậm chí…

Bạch Mão Sinh trả lời Du Hiểu Mẫn: “Tình cảm giữa cháu và Du Nhậm sẽ không ảnh hưởng đến việc học của bạn ấy.”

“Thật sao?” Du Hiểu Mẫn hỏi thẳng: “Trong lòng cháu tự biết, mối quan hệ này không thể bước ra ngoài ánh sáng.”

Cô nói: “Dư luận đang xôn xao về chuyện giữa sư phụ cháu và mẹ cháu, cô không tin cháu có những suy nghĩ trong sáng về Du Nhậm.

Dù sao, nền nếp gia phong rất quan trọng.”

Rầm! Mão Sinh tức giận đấm xuống bàn, chuột máy tính bật đến một góc, sợi dây bị cơn giận tác động đung đưa như tơ nhện.

“Cô muốn cho cháu biết rằng, cô tuyệt dối sẽ không để con gái cô lầm đường lạc lối.

Xin hãy hiểu cho nỗi khổ của một bà mẹ đơn thân!” Lời nói của Du Hiểu Mẫn xuyên qua tim Mão Sinh.

Cô ngồi yên tại đó với những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, gõ chữ, xoá đi, lại gõ tiếp, lặp đi lặp lại nhiều lần trước khi nói: “Cháu thích Du Nhậm, cháu sẽ không làm hại bạn ấy.”

“Cô tin thế.” Du Hiểu Mẫn nói bằng giọng điệu phũ phàng của người trưởng thành xen lẫn tâm lý thấu hiểu sự đời: “Cô biết cháu sẽ hiểu, cho nên đừng nói cho Du Nhậm, nếu con bé biết, điểm thi cuối kỳ của con bé chắc chắn sẽ trượt dài.”

…….


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.